Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

TIỀN VÀ Ý NGHĨA

Bài viết này thuộc loạt bài: Trích đoạn sách Trên Cả Giàu Có
  • Tiền và ý nghĩa
Đầu xuân năm 2009, Jay – một người bạn tốt của tôi chuyên kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật – gọi điện thoại và nói cần gặp riêng tôi gấp. Giọng anh nghe khá nghiêm trọng. Anh muốn mời tôi đi ăn bít-tết ở nhà hàng gần nhà để nói chuyện. Tôi đồng ý.
Tôi không đoán được điều gì đang khiến anh lo lắng và có liên quan đến tôi ra sao. Vài giờ sau, khi tôi bước vào nhà hàng thì thấy anh đã chờ sẵn ở quầy bar, anh vẫy tay gọi tôi.
Chúng tôi chào hỏi vài câu như thường lệ, nhưng trông anh có vẻ cáu kỉnh và căng thẳng, không giống con người thoải mái của anh thường ngày. Tôi đi ngay vào đề nhưng anh vẫn khăng khăng chờ ăn tối sẽ nói luôn. Khi chúng tôi đã ngồi vào bàn gọi món, anh tu một hơi rượu vodka, chồm người sang tôi và bảo anh cần lời khuyên.
Cơ nghiệp dồi dào của anh độ này sa sút đáng kể. Giữa lúc nền kinh tế suy thoái trầm trọng, việc kinh doanh tác phẩm nghệ thuật của anh đang đứng bên bờ nguy cấp. Về cơ bản, anh không có thu nhập. Tệ hơn nữa, anh phải chứng kiến các danh mục đầu tư của mình teo tóp trong lần khủng hoảng kinh tế vừa qua. Vì anh có ý định về hưu sớm nên điều này khiến anh cực kỳ bất an.
Jay là bạn tốt của tôi hơn chục năm nay. Tôi biết anh là người dè dặt, chỉ đầu tư vào loại cổ phiếu đa dạng hóa và trái phiếu quỹ. Nhưng ngay cả những phương pháp đầu tư đã chứng minh tính hiệu quả của nó cũng chẳng giúp được gì trong đợt khủng hoảng tài chính năm 2008. Đến 2009, tình hình cũng chẳng khá hơn là mấy.
“Alex này,” anh nói, khuôn mặt trông nhợt nhạt, “Cả đời tôi đã làm việc cật lực, dành dụm và đầu tư vào nhiều khoản cùng lúc. Nhưng giờ đây mọi thứ đang trôi tuột khỏi tay tôi. Năm nay tôi đã 65 tuổi và suốt 25 năm qua, tôi xem mình là người tự chủ tài chính. Tôi luôn đầu tư thông minh và thường xuyên đầu tư. Tôi chưa bao giờ lấy tiền vốn ra xài, dù chỉ một đồng. Giờ tôi sợ mình chẳng còn một xu dính túi để nghỉ hưu an nhàn. Có mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được một ngày nào đó mình lại rơi vào hoàn cảnh này.”
Tôi gật gù.
“Tôi không xin anh lời khuyên trong chuyện đầu tư,” Jay nói tiếp. “Bởi nếu anh có bảo đây là thời điểm tốt để mua cổ phiếu thì tôi cũng sẽ không bỏ ra một xu nào nữa đâu. Tôi không còn sức mạo hiểm để mua gì nữa hết. Nhưng tôi cũng không bán sạch mọi thứ. Tôi không biết phải làm gì bây giờ.”
Anh ta lại tu một hơi vodka. Trông anh khá tuyệt vọng.
“Tôi có mang theo mấy bảng kê tài chính,” anh nói thêm. “Hy vọng anh xem qua và cho tôi biết anh nghĩ gì.”
Tôi đồng ý nên anh thò tay xuống dưới bàn và lôi chúng lên. Nhìn qua danh mục đầu tư đó, tôi thấy tên của rất nhiều cổ phiếu chắc ăn, bảo đảm hiện nay. Jay nói đúng, anh không hề phạm sai lầm. Anh chỉ mắc kẹt giữa luồng nước xoáy đầu tư như hàng triệu nhà đầu tư khác.
Khi tôi ngồi xem từng trang thì Jay cứ lắc đầu ngán ngẩm và càm ràm mình chẳng biết phải làm gì.
Tôi hỏi anh vài câu về lợi tức đầu tư, chi phí hoạt động hàng tháng và anh nghĩ mình cần bao nhiêu tiền để có thể an nhàn nghỉ hưu. Rồi tôi hỏi anh nghĩ danh mục đầu tư của anh sẽ kiếm được bao nhiêu trong 10 năm tới, nếu tính một cách dè dặt.
Tôi cảm thấy câu trả lời của anh hơi quá khiêm tốn, nhưng tôi không phản đối. Tôi lại hỏi, “Thế anh nghĩ mình sẽ sống đến năm bao nhiêu tuổi?”
“Hiện giờ sức khỏe tôi đang rất tốt,” anh trả lời. “Chắc tôi sống được thêm 30 năm nữa.”
Tôi lấy máy tính ra và tính cho Jay thấy khoản tiền anh có thể rút ra mỗi tháng từ danh mục vốn đầu tư trong vòng 30 năm tới, ngay cả khi nó không bao giờ lên giá lần nữa và anh chỉ thu được khoản lợi nhuận khiêm tốn như anh dự định. Tôi chỉ ra anh có thể sử dụng dần dần số vốn của mình – điều trước nay anh chưa bao giờ làm – nhưng danh mục vốn đầu tư của anh vẫn tồn tại trong 30 năm, miễn là mỗi tháng anh chỉ rút “bấy nhiêu”. (Nhân tiện tôi nói luôn, đây là phương phát rút vốn có hệ thống, điều mà những ai sắp về hưu nên làm.)
Con số tôi đưa ra khiến anh kinh ngạc. Cũng như bao người cả đời dành dụm tiền khác, anh là người cần kiệm. Mỗi tháng anh chi xài chưa đến số tiền anh có thể rút. Và anh hy vọng mình sẽ cắt giảm chi tiêu thêm nữa trong những năm sắp tới (điều này cũng tốt bởi lạm phát ăn mòn dần sức mua của bạn).
Khuôn mặt Jay sáng lên hẳn. Tình trạng tài chính sa sút khiến anh ray rứt, nhưng anh nhận ra đây chưa phải tận thế. Anh sẽ không phải sống quãng đời còn lại trong thùng các-tông và đếm từng đồng bạc lẻ. Thái độ của anh thay đổi ngay lập tức. Dáng vẻ anh cũng thay đổi 180 độ. Thậm chí anh còn hân hoan giành trả tiền.
Trong tuần tiếp theo, Jay gọi cho tôi tổng cộng ba lần để cảm ơn. Trước đó anh ăn ngủ không yên và dễ cáu gắt với vợ. Anh tưởng sức nặng của cả trái đất đang đè lên vai mình. Giờ thì gánh nặng đó đã được cất đi.
“Nhờ có anh đó, ông bạn già,” anh luôn miệng nói. “Nhờ có anh đó.”
Những lời biết ơn dạt dào đó khiến tôi lúng túng. Suy cho cùng thì tôi có làm được gì đâu? Tôi đâu có thay anh ấy quản lý danh mục đầu tư. Tôi cũng không gợi ý để anh thay đổi. Trên thực tế thì tôi chẳng bày vẽ cho anh điều gì cả.
Bỗng tôi hiểu ra. Anh biết ơn tôi vì chuyện khác. Tôi đã giúp anh thay đổi cách nhìn nhận vấn đề – và điều đó đã tạo nên sự khác biệt.
Chuyện này có liên quan gì đến những bài viết của tôi? Thật sự là nhiều lắm. Mục đích của tôi ở đây là nhẹ nhàng thay đổi quan điểm của bạn qua việc chia sẻ những ý tưởng đã từng giúp tôi thay đổi quan điểm bản thân. Đó có thể là một khám phá khoa học mới mẻ hoặc tìm về một triết lý xa xưa. Đó có thể là cuộc đối thoại với một sử gia, với một chuyên gia quản lý tài chính hoặc có khi là một trải nghiệm của tôi với một người lạ mặt nhưng đã khiến tôi thay đổi góc nhìn của mình. Những lần như vậy, chuyện có thể rất nhỏ, nhưng lại thay đổi cả thế giới quan trong tôi.
Chắc chẳng có mấy chuyên viên phân tích đầu tư chuyên lập báo cáo tài chính như tôi lại ngồi viết những điều như thế. Xét cho cùng, tôi sống nhờ việc bày cho người khác cách đầu tư, cách để đạt được mục tiêu tài chính của họ. Nhưng tôi cũng dành nhiều năm tháng đọc và ngẫm nghĩ về những thứ không thể đo bằng tiền. Tôi sắp chia sẻ vài thứ trong số đó.
Người giàu có thông minh hơn bạn không?
money1
Hồi mới lớn, mỗi lần hai mẹ con tôi cãi nhau, thi thoảng mẹ tôi dùng đến quyền uy tối thượng của mình: một câu hỏi có tác dụng khiến tôi im miệng. Bà đứng chống nạnh, nhái giọng miền Nam rặt, “Phải, giỏi dữ ha, mà sao con vẫn không giàu nổi vậy?”
Tôi chẳng bao giờ biết trả lời lại bằng cách nào. Dĩ nhiên, khi ấy tôi mới mười hai tuổi, làm nghề phát báo, và những người mua báo thiếu khiến thu nhập của tôi thấp lè tè. Tuy vậy, trong đầu tôi lúc đó đã ăn sâu một ý nghĩ mơ hồ rằng người giàu hẳn phải có gì hơn người lắm, chứ không thì tất cả chúng ta đều giàu hết cả rồi. Đúng không?
Thực tế cuộc sống cho thấy suy nghĩ này của tôi có căn cứ. Theo một báo cáo mới đây của Cục thống kê dân số Hoa Kỳ, trình độ học vấn có tương quan rõ rệt với thu nhập bình quân của từng cá nhân. Xét trên cả đời làm việc của một người trưởng thành, những người tốt nghiệp phổ thông trung học trung bình kiếm được 1,2 triệu đô, cử nhân kiếm được 2,1 triệu; thạc sĩ 2,5 triệu; tiến sĩ 3,4 triệu và bậc giáo sư là 4,4 triệu.
Nhưng cái khó là chỗ này: Các nghiên cứu cho thấy những người kiếm được nhiều tiền nhất không hẳn là người giàu nhất. Để xác định người ấy có giàu thật hay không, bạn cần xem kỹ bảng cân đối tài chính – tức tài sản trừ đi các khoản nợ – chứ không phải bản báo cáo thu nhập. Thử hỏi Thomas J. Stanley là biết ngay. Ông là tác giả của những quyển sách bán chạy như The Millionaire Next Door (Người Hàng Xóm Triệu Phú), The Millionaire Mind (Tư Duy Triệu Phú), Stop Acting Rich and Start Living Like a Real Millionaire (Đừng Ra Vẻ Mình Giàu Mà Hãy Sống Như Một Triệu Phú Đích Thực). Tiến sĩ Stanley còn là chuyên gia hàng đầu về các thói quen và đặc điểm tính cách của người giàu trên đất Mỹ. Và phần lớn các khám phá của ông đều đáng kinh ngạc.
Chẳng hạn, ta hay mường tượng triệu phú sẽ đi xe Lexus, đeo đồng hồ Rolex, ở biệt thự đắt tiền, và là khách hàng quen thuộc của các câu lạc bộ thượng lưu với thẻ mua sắm ở cửa hàng kim cương Tiffany. Thật sự thì nghiên cứu của Stanley cho thấy những người giàu “nứt đố đổ vách” – những người có tài sản khả dụng từ 10 triệu đô trở lên – thường có cuộc sống như mô tả.
Tuy nhiên, phần lớn các triệu phú sở hữu tài sản khả dụng khoảng hơn 1 triệu đô có phong cách sống hoàn toàn khác với những gì người ta vẫn hình dung. Stanley nhận thấy hầu hết họ đều:
  • Sống trong căn nhà trị giá không quá 400.000 đô.
  • Và đó là căn nhà duy nhất họ có.
  • Không có du thuyền.
  • Hay đeo đồng hồ Timex thay vì Rolex.
  • Không sưu tầm rượu và chỉ vui vẻ chi tối đa 15 đô cho mỗi chai rượu.
  • Đi xe Toyota nhiều hơn Beemer.
  • Không bao giờ chi quá 400 đô cho một bộ quần áo.
  • Hiếm khi chọn mua đồ hiệu hoặc những món hàng xa xỉ.
Dĩ nhiên đây không phải là hình ảnh truyền thống của những nhà triệu phú như mọi người hay hình dung. Vậy nó khiến bạn tự hỏi, thế thì cái đám chết tiệt nào đang bỏ cả đống tiền ra mua Mercedes mui trần, ví thời trang Louis Vuitton và nốc rượu vodka Grey Goose có giá 60 đô? Câu trả lời, theo Tiến sĩ Stanley, là những kẻ “tham vọng” – những người hành động như người giàu, muốn giàu, nhưng thật sự thì chẳng giàu. (Có một câu thành ngữ dùng để chỉ đối tượng này là “thùng rỗng kêu to”.)
Nhiều người trong số đó là người tốt, có học thức và có lẽ thu nhập hàng tháng lên đến sáu con số. Nhưng họ không phải là những người giàu có đúng nghĩa, bởi đối với phần lớn người lao động – thậm chí cả với những người có lương cao – thì việc vừa tiêu xài quá tay vừa dành dụm tiền là điều hầu như không thể. (Mà tiết kiệm tiền là chìa khóa tiên quyết cho việc đầu tư.)
images (3)
Trong quyển Stop Acting Rich and Start Living Like a Real Millionaire của mình, Tiến sĩ Stanley nhớ lại có lần, trong chương trình Oprah, một khán giả đã đặt câu hỏi mà ông từng nghe hàng trăm lần trước đó:
“Giữ cả đống tiền mà không tiêu thì được ích gì?” Nữ khán giả này thậm chí còn tỏ ra hết sức phẫn nộ. “Những người như vậy chẳng thể nào hạnh phúc được.”
Cũng như bao người khác, cô ấy thật sự tin rằng bạn càng tiêu nhiều tiền thì cuộc sống càng tốt đẹp hơn. Xin bạn lưu ý, chúng ta không bàn đến những người đang sống trong cảnh bần cùng. (Vì rõ ràng cuộc sống của những người nàychắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu họ có thêm tiền để tiêu.) Chúng ta đang nói đến tầng lớp từ trung lưu trở lên, những người vung tay quá trán để rồi nhận ra mình đang gồng gánh áp lực nặng nề, đặc biệt là tình trạng eo hẹp về tài chính.
Vài người tỏ ra lạc quan thái quá. Số khác không nhận ra mình đang chống chọi với một đạo quân gồm những tay tiếp thị giỏi giang và sáng tạo nhất trên thế giới. Nhiệm vụ của họ là thuyết phục bạn tin rằng “vật chất khẳng định đẳng cấp người dùng”, rằng bạn càng chi nhiều tiền thì càng khiến người khác khâm phục. Thông điệp ngầm của những mẩu quảng cáo trên ti-vi hay bảng hiệu do các nam nữ người mẫu xinh đẹp thể hiện là: bạn thật đặc biệt, bạn thật xứng đáng, bạn cần có vẻ ngoài và hành động như những người thành công ngay bây giờ.
Theo Tiến sĩ Stanley thì:
Những kẻ giàu có giả tạo này chú trọng vào thứ hạng của họ trong tầng lớp mà họ giao du. Thường họ đặt lòng tự trọng của mình vào những thứ sớm nở tối tàn. Trong tâm trí họ, chừng nào họ còn chạy theo được cạm bẫy giàu có kia, thì giá trị họ vẫn còn. Họ tin tưởng mạnh mẽ rằng tất cả những người thành đạt về tài chính thể hiện đẳng cấp của mình qua những vật dụng họ sở hữu. Và ngược lại, những ai không mua nổi hàng hiệu đều là những người không thành công.
Vậy mà những triệu phú “đời thường” có cái nhìn khác hẳn. Phần lớn họ giàu lên không phải nhờ trúng số, cũng không phải được thừa kế tài sản, mà nhờ biết tích góp và kiên trì tăng thu giảm chi hết mức có thể, đồng thời đều đặn tiết kiệm và đầu tư khoản tiền nhàn rỗi.
Họ không phải là những người tiêu tiền mạnh tay. Theo kết quả khảo sát của Stanley, những hoạt động yêu thích nhất của họ gồm:
  • Chơi với con/cháu (95%)
  • Lập kế hoạch đầu tư (94%)
  • Gặp gỡ bạn bè thân thiết (87%)
  • Thăm viện bảo tàng (83%)
  • Quyên góp quỹ từ thiện (75%)
  • Tham gia các sự kiện thể thao (69%)
  • Tham gia các hoạt động cộng đồng (69%)
  • Nghiên cứu nghệ thuật (63%)
  • Tham gia các hoạt động đoàn thể (56%)
  • Làm vườn (55%)
  • Tham gia các hoạt động tín ngưỡng (52%)
  • Chạy bộ (48%)
  • Đi nghe diễn thuyết (44%)
Chi phí cho những hoạt động này rất thấp. Đa số các triệu phú đều hiểu rằng cảm giác hài lòng và thỏa mãn thật sự không nằm ở chiếc xe bạn đang đi hay đồng hồ bạn đang đeo, mà chính là thời gian bạn dành cho những hoạt động với gia đình, bạn bè và hội nhóm.
Họ cũng không phải là những kẻ keo kiệt bủn xỉn, đặc biệt trong việc giáo dục con cháu hay ủng hộ tài chính cho những công việc cao cả. Mặc dù họ rất tiết kiệm, nhưng chính những người giàu có nhất lại nằm trong danh sách các cá nhân đóng góp từ thiện nhiều nhất tại Mỹ.
Họ còn “trao đi” theo một cách khác. Theo Sở Thuế vụ Mỹ, những người có thu nhập nằm trong tốp 1% trả 37% trên tổng hóa đơn thuế liên bang. Tốp 5% trả 57%. Tốp 10% trả 68%. (Nhóm 50% còn lại đóng ít hơn 4%). Sự thật này khác xa so với những lời phàn nàn của nhóm người theo chủ nghĩa dân túy rằng người giàu “không đóng góp tương xứng cho xã hội.”
Vậy những triệu phú Mỹ này đang ở đâu? Theo Tập đoàn Spectrum, tính đến cuối năm 2008, có 6,7 triệu gia đình Mỹ có tài sản khả dụng ít nhất một triệu đô. Rất ít người trong số họ từng đoạt giải Grammy, chơi cho đội bóng rổ nhà nghề NBA hoặc khởi sự kinh doanh máy tính từ ga-ra của gia đình. Rõ ràng là tính tiết kiệm và sự khiêm tốn – dẫu có không hợp thời – vẫn tồn tại đâu đó trên đất Mỹ.
Thế nên trong khi hàng triệu người tiêu dùng mải chạy theo vẻ thành công phiến diện – còng lưng ra mua sắm để đến ngày nọ phải bán đất, bán nhà, cầm cố cửa tiệm – thì những người biết tích cóp và đầu tư nghiêm túc lại thong dong tận hưởng cảm giác tự do, hài lòng và thanh thản vì biết liệu cơm gắp mắm. Những người này không bị cơn nghiện chi tiêu thu hút, mà ngược lại họ chỉ quan tâm đến thành tựu cá nhân, những giải thưởng trong ngành, và được người khác công nhận. Họ biết thành công không nằm ở chỗ phô trương tiền của, mà chính là cảm giác hài lòng vì những thành quả đạt được… khả năng độc lập là đây. Họ có thể làm bất cứ điều gì, đi bất cứ nới đâu và với bất kỳ ai.
Có thể họ không thông minh hơn bạn, nhưng họ nhận thức được một điều vô giá: Chính cách ta sống – chứ không phải cách ta tiêu tiền – làm ta trở nên giàu có.
Bạn có đánh mất linh hồn không?
Mới đây, tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ đã nhiều năm không liên lạc. “Dạo này anh vẫn làm bên quản lý tài chính chứ?” anh ấy hỏi.
“Không, giờ tôi viết về tư vấn đầu tư ,” tôi trả lời.
“À, vậy chắc kết quả không khả quan lắm,” anh đáp kèm một cái nháy mắt, “nếu không giờ anh đâu còn phải đi làm nữa!”
Tôi từng nghe nhiều người nói thế. Dù chỉ là câu nói đùa nhưng nó cho thấy nếp nghĩ đặc trưng: Tại sao người ta cứ phải làm việc trong khi không cần phải vậy?
Nhưng tôi sẽ chán đến chết mất nếu không được làm việc, và thậm chí sẽ là của nợ cho những người chung quanh, chắc luôn! (Warren Buffett và Bill Gates – hai quý ông rủng rỉnh tiền trong túi – hình như cũng thấy thế.) Vậy mà theo 40 nghiên cứu của tổ chức Gallup, ba phần tư dân số Mỹ không toàn tâm toàn ý với công việc mình làm. Khảo sát mới nhất về mức độ gắn bó công việc của người lao động cho thấy: hơn 60% trong số đó đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Thật là kỳ lạ khi phần lớn thời gian còn thức chúng ta dành cho công sở – với công việc chính tay mình chọn – vậy mà hiếm khi ta tự hỏi vì sao mình quyết định thế, hay công việc ấy thật sự ý nghĩa ra sao.
Ví dụ như khi làm quen với người lạ, sau phần tìm hiểu về quê quán và coi thử ta với họ có chung bạn bè thân thích gì không, thì điều được thắc mắc tiếp theo thường là họ làm nghề gì. Bởi trên hết, công việc thể hiện con người.
Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ba trăm năm trước, Voltaire đã biện luận rằng công việc tồn tại là để cứu rỗi chúng ta khỏi ba điều xấu xa: buồn tẻ, bần cùng và trụy lạc. Nhưng trong đời sống xã hội, chúng ta lại đặt niềm tin của mình vào hai ý niệm lớn khác: tình yêu lãng mạn và công việc ý nghĩa.
Lịch sử đã cho thấy, niềm tin chúng ta dành cho hai điều trên lớn cùng với nhau. Chúng ta bắt đầu tin mình nên cưới người mình yêu cũng xấp xỉ vào khoảng thời gian ta bắt đầu nhận ra mình nên làm việc không chỉ để kiếm tiền mà còn vì niềm vui nữa.
Cả hai đều là chuyện lý tưởng, nhưng hiếm khi nào chúng đi cùng nhau mà không gặp trắc trở. Và bạn có thể tột cùng đau đớn. Khi ta phải chịu cảnh thất nghiệp, như 29 triệu người Mỹ đang phải gánh chịu, chúng ta mất nhiều thứ khác nữa ngoài thu nhập; ta mất đi chân dung con người mình. Ta không thể giải thích mình đang làm nghề gì, và dĩ nhiên càng không thể tự giới thiệu mình là ai.
Khi tài năng con người bị lãng phí, đó luôn là điều đáng tiếc. Tương tự cho những ai có công việc nhưng không hết lòng với nó. Theo lý tưởng thì công việc phải giúp bạn phát huy mọi tố chất của mình và thể hiện bản thân với thế giới. Bạn có thể là lập trình viên, nha sĩ, hay đơn giản là ở nhà nuôi dạy con thành người, bất cứ việc gì cũng phải mang lại giá trị và ý nghĩa cuộc sống cho bạn.
Mỗi ngày bạn đều có quyền lựa chọn hẳn hoi. Bạn có thể xem công việc của mình đơn thuần là trách nhiệm và bổn phận, hoặc bạn có thể xem nó là một cuộc thi, một thách thức hay một cơ hội. Ngay chính bạn còn không vui với việc mình làm thì bạn mong gì người khác công nhận hay ấn tượng với kết quả bạn mang lại.
Tôi e rằng những ai không hài lòng với công việc đều có khuynh hướng định nghĩa “công việc tốt” dựa trên tiền lương, phúc lợi và tính ổn định, chứ ít quan tâm đến chuyện công việc đó có phát huy tài năng của họ hay không.
Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Nhưng dù đã ý thức được chỗ bế tắc của công việc hiện tại, họ vẫn do dự không muốn thay đổi. Tại sao vậy? Có nhiều lý do khác nhau, nhưng đa số vì họ đã quá quen với việc theo đuổi chức vị, hình thức và tài sản vật chất từ trước đến nay không dứt ra được.
Theo đuổi công việc ý nghĩa thường đồng nghĩa với việc chấp nhận cắt giảm thu nhập trong một khoảng thời gian. Nhưng chuyện chấp nhận đó không phải lúc nào cũng khả thi nếu bạn có một khoản thế chấp lớn, phải thanh toán tiền mua xe trả góp hàng tháng hoặc chỉ cần 60 ngày chậm thanh toán là bạn sẽ vỡ nợ. Trớ trêu thay, việc từ bỏ giấc mơ “có tất cả mọi thứ” thường là bước khởi đầu cho một định hướng đúng đắn.
Một lý do khác khiến nhiều người kẹt cứng với công việc không phù hợp – dù họ có thừa nhận hay không – chính là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi rót vào tai bạn suy nghĩ: dù có cố cắt giảm chi tiêu đi nữa, bạn vẫn không đủ khả năng xoay sở. Nỗi sợ hãi lừa dối bạn, khăng khăng cho rằng bạn phi thực tế; rằng bạn không có trái tim, không có khối óc, cũng không đủ kỷ luật bản thân để theo đến cùng; rằng công việc đúng sở thích chỉ dành cho người khác chứ không phải bạn.
Không đúng. Một trong những phần thưởng quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng chính là cơ hội để ta dốc toàn lực vì những việc xứng đáng. Hãy đầu tư thời gian suy nghĩ xem hôm nay bạn sẽ làm gì và bạn vừa điểm một nét son cho cuộc sống của mình.
114934550
Đối với những người đã về hưu cũng vậy. Cuộc sống sẽ thật sự ý nghĩa nếu ta có thể tăng thêm niềm vui, hoặc giải tỏa bớt nỗi buồn cho mọi người, bất kể bạn có được trả tiền để làm điều đó hay không. Nếu bạn vẫn đang làm việc nhưng vì hoàn cảnh phải chấp nhận một công việc không như ý, thì vẫn còn nhiều cách để bạn phát huy tài năng của mình một cách ý nghĩa hơn.
Ví dụ, vài năm trước, Hiệp hội Những người về hưu ở Mỹ (AARP) đã hỏi các luật sư liệu họ có thể tính phí những dịch vụ cơ bản cho những người về hưu có hoàn cảnh khó khăn với giá 30 đô một giờ được không. Các luật sư từ chối thẳng thừng. Nhưng sau đó, giám đốc chương trình của AARP đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời: Ông hỏi các luật sư liệu họ có thể cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người về hưu có hoàn cảnh khó khăn không. Thật bất ngờ, họ đồng ý.
Vì sao chuyện miễn phí lại hấp dẫn hơn được trả 30 đô một giờ được nhỉ? Lời đề nghị đầu tiên nghe cứ như là sỉ nhục đối với một số người, vì họ phải cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý với mức phí thấp hơn giá thị trường. Nhưng khi nó trở thành công việc thiện nguyện – và rất có ý nghĩa – thì phần lớn đều vui vẻ giúp đỡ.
Trong quyển Zen and the Art of Making a Living (Thiền Và Nghệ Thuật Kiếm Tiền) – Lightning Press, 1992, Laurence G. Boldt viết:
Nếu con người ta không được thể hiện bản thân, cuộc sống sẽ mất đi cảm giác  bất ngờ và niềm vui. Khi ta không được hành động vì lợi ích của người khác, cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa và mục đích… Nếu trong mọi việc ta làm, ta đều xem mình là người nghệ sĩ, ta sẽ thấy cuộc sống này trọn vẹn, tràn đầy niềm vui và những điều tốt đẹp. Khi nói ngắn gọn về quá trình đi tìm sứ mệnh cá nhân trong cuộc sống, tôi chưa thấy ai thể hiện được hay như Aristotle: “Nơi nào tài năng thiên bẩm của bạn đáp ứng được nhu cầu của thế giới, thì đó chính là nghề nghiệp dành cho bạn. Hai yếu tố này, khả năng cá nhân và nhu cầu của thế giới, chính là lời thức tỉnh tuyệt vời để bạn nhận ra sự nghiệp đời mình. Nếu bạn bỏ qua một trong hai yếu tố đó, xem như bạn đã đánh mất linh hồn.
Bạn sẽ thấy những người hạnh phúc nhất, bận rộn nhất là những người dồn hết tâm trí cho công việc hoặc cho cộng đồng (hoặc cả hai), ngay cả khi họ chẳng kiếm được đồng nào từ những việc đó.
Công việc vốn dĩ là nơi để ta tiêu hao năng lượng và thể hiện sự nhiệt tình. Còn gì thú vị hơn khi bạn yêu công việc mình làm và cảm thấy nó quan trọng?
Xét cho cùng, phần thưởng cao quý nhất mà công việc mang lại không phải là thứ bạn nhận được, mà nó vẽ nên chân dung con người bạn ra sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét