Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

NGƯỜI MẸ “Mothers Day”

Kinh Thánh: "Người đàn bà, lúc sanh đẻ thì đau đớn, vì giờ mình đến rồi; song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ mình nữa, mừng rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian. 22Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được," (Giăng 16:21-22)
I/  NGƯỜI MẸ LÀ MỘT NGƯỜI NỮ:
Giăng 16:21, Chúa Jêsus phán: “Người đàn bà, …”
Nói đến Người Đàn Bà hay Người Nữ, chúng ta có hai quan điểm nhìn khác nhau:
1.  Quan điểm đời thường:
Trong quan điểm đời thường nhìn vào Người Đàn Bà hay Người Nữ, người Việt-nam chúng ta có những câu nói bày tỏ quan niệm hạn hẹp dành cho Người Phụ Nữ, thí dụ như:
Gái có chồng như cổ đeo gông – Nghĩa là người phụ nữ có chồng là bước vào cuộc sống phục vụ.
Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu – Người phụ nữ không có quyền chọn lựa gì trong việc lập gia đình.
Người Việt-nam chúng ta lại theo triết lý của Nho giáo dạy về Tứ Đức Tam Tòng, tức là 4 đức tánh người phụ nữ phải có: Công, Dung, Ngôn, Hạnh; còn tam tòng là tại nhà thì phục tòng cha, có chồng thì phục tùng chồng, chồng chết thì phải tòng theo con. Theo triết lý nầy, người phụ nữ không có quyền hành gì cả.
Rồi cũng có câu: “Có chồng thì phải theo chồng, chồng vô hang rắn, hang rồng cũng theo” – người phụ nữ có chồng suốt đời chỉ đi theo.
Có lẽ ai đó trong anh chị em đang lên tiếng nói: “Mục sư ơi, chuyện đó xưa rồi. Bây giờ ở Mỹ mà”. Thật sự có xưa không? Ở Mỹ có câu xếp hạng: Lady First, nhưng thực tế First ở một chỗ nào đó, đến nỗi trong một quyển sách tựa đề: “15 Gương Phụ Nữ”, Học giả Nguyễn Hiến Lê đã trích dẫn một câu của người phương Tây: “Phụ Nữ là Sinh Vật Hạng Nhì”.
Dĩ nhiên vai trò của người Phụ Nữ nhún nhường một chút là một điều tốt, nhưng ép chế phụ nữ quá cũng là điều bất công.
2. Sự dạy dỗ của Kinh Thánh:
Cảm ơn Chúa, chúng ta là những người tin Chúa nhờ Lời Chúa là Kinh Thánh, chúng ta có một sự dạy dỗ rõ ràng về vị trí của người đàn bà hay của người phụ nữ.
Sáng thế ký 2:20-21
Qua 2 câu Kinh Thánh nầy ghi lại nguồn gốc của người phụ nữ, anh chị em thấy sự khác biệt giữa sự dạy dỗ của Kinh Thánh với Quan điểm của thế gian:
Câu 20, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời dựng nên Người Nữ là để “Giúp Đỡ” người Nam, một sự giúp đỡ mà Người Nam như A-đam không thể tìm được trong bất cứ sinh vật nào, phương tiện nào chung quanh. Và Người Phụ Nữ được Đức Chúa Trời dựng nên để Giúp Đỡ Người Nam không phải là giúp việc.
Câu 21, Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết Đức Chúa Trời Lấy “Xương Sườn” của Người Nam làm nên Người Nữ.
Tại sao Đức Chúa Trời không lấy xương đầu của người nam làm nên người nữ? Nếu Chúa lấy xương đầu thì tất cả người nữ đã trở thành Nữ Hoàng, người nam chỉ còn giữ vị trí thứ hai; Tại sao Chúa không lấy xương tay của người nam làm người nữ? Nếu thế thì người nữ đúng là người giúp việc; Tại sao Chúa không lấy xương chân của người nam? Nếu thế thì người nữ là một nô lệ bị giày đạp dưới chân của người nam.
Cảm ơn Chúa, Kinh Thánh cho chúng ta biết, Đức Chúa Trời lấy xương xườn của người nam làm nên người nữ. Xương Sườn là nơi hông, dù thấp hơn nhưng là nơi yêu thương, được bảo vệ.
Galati 2:28-29.
Đến thời Tân Ước, Lời Chúa nhắc đến vị trí của người Phụ Nữ trong Chúa Jêsus Christ không có phân biệt cao thấp, sang hèn, so với người nam. Tất cả đều được cưng yêu như cha mẹ cưng yêu con trai, không có con gái (câu 26)
Thật vậy, anh chị em đọc sách Công vụ các Sứ Đồ để thấy Lịch sử Hội Thánh từ lúc bắt đầu được thành lập trên đất, đã có sự bình đẳng nam nữ trong Chúa: Trong Hội Thánh, người Phụ Nữ cùng cầu nguyện với người Nam (Công vụ 1:14); Người Phụ Nữ cùng chia sẻ nguy hiểm như Người Nam (Công vụ 12:12, trong lúc Sứ đồ Phierơ bị bắt giam, Sứ đồ Gia-cơ bị giết, bà Ma-ri mẹ của Giăng gọi là Mác đã tổ chức tiếp tục nhóm cầu nguyện); cũng có những người Phụ Nữ cũng cùng làm việc Chúa với chồng (Công vụ 18:1-2, 26).
Cảm ơn Chúa hơn nữa, trong sách Tin Lành Giăng 16:21, Chúa Jêsus Christ đang từ giã các môn đồ, trong giờ phút quan trọng đó, Chúa đã dùng hình ảnh của Người Đàn Bà – đặc biệt là Người Mẹ để an ủi các môn đồ của Ngài. Vì nói đến nhu cần an ủi, thì hình ảnh một Người Mẹ thật thích hợp biết bao nhiêu. Xem thế, Chúa Jêsus đã trân quý vai trò Người Mẹ biết bao nhiêu.
Bởi Lời Chúa dạy, Hội Thánh cũng dành thì giờ ngày hôm nay để vinh danh những Người Mẹ trong Hội Thánh, tôi cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên Người Mẹ, đã dùng những Người Mẹ, tiếp tục ban phước cho những Người Mẹ. Tôi cũng kêu gọi những người làm con, nhất là các em Thanh niên, Thiếu niên, Thiếu nhi, trong Hội Thánh, hãy làm theo Lời Chúa dạy, không phải chỉ ngày hôm nay mới biết ơn Người Mẹ của mình, mà phải nói là ít nhất BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY LÚC NÀO CŨNG VÂNG LỜI CHÚA DẠY LUÔN TỎ LÒNG BIẾT ƠN NGƯỜI MẸ CỦA MÌNH.

II/  VUI BUỒN CỦA NGƯỜI MẸ:
Giăng 16:21, Chúa Jêsus phán: “Người đàn bà, lúc sanh để thì ĐAU ĐỚN, vì giờ mình đến rồi; song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ nữa, MỪNG rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian”.
Chúa Jêsus đã nói đến Sự Đau Đớn và Niềm Vui của Người Mẹ, và chỉ riêng Người Mẹ có mà thôi.
1. Sự Đau Đớn:
Người Việt-nam chúng ta có một câu ca dao mô tả sự đau đớn của người Phụ Nữ rất hay, rất thực tế, rất sống động:
Người ta đi biển có đôi,
Còn tôi (tức là người Mẹ) đi biển mồ côi một mình
Tữ ngữ Đi Biển là nói đến cảnh gian nan nguy hiểm của những người làm nghề đánh cá ngoài biển cả. Tôi tin rằng rất nhiều người trong chúng ta là người Việt-nam đều còn nhớ cảnh Đi Biển trong thời kỳ vượt biên. Kỷ niệm Đi Biển đau đớn, khốn khổ đó đã được đưa lên phim ảnh, nhất là mới đây qua bộ phim Vượt Sóng.
Từ những kinh nghiệm Đi Biển, người Việt-nam từ xưa đã biết dùng để so sánh với sự đau đớn của Người Mẹ khi sinh đứa con.
Cảm ơn Chúa, nhờ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời trong sách Sáng thế ký 3:16, chúng ta biết được nguyên nhân sự đau đớn mà người Phụ Nữ phải chịu khi sanh con là vì tội lỗi của Tổ phụ loài người chúng ta là A-đam và Ê-va đối với Chúa.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, Tổ phụ loài người chúng ta là A-đam và Ê-va là hai người đầu tiên trên đất, vì không vâng lời Đức Chúa Trời, nghe theo sự cám dỗ của ma quỉ, đi theo ý riêng của mình, làm điều Chúa cấm “ăn trái của cây Chúa dặn không nên ăn”. Kinh Thánh gọi đó là tội lỗi.
Rất tiếc, thay vì nhìn nhận tội lỗi, Tổ phụ loài người chúng ta đã đổ thừa cho nhau, bởi sự cứng lòng không nhìn nhận tội lỗi đó, nên Chúa đã phạt người Nam hay người đàn ông phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn; còn người Phụ Nữ thì bị đau đớn trong khi sanh nở.
Nhưng có người nói: Vì người Mẹ ngày trước sinh con theo tự nhiên nên phải chịu đau đớn, khốn khổ, như Đi Biển, Vượt Núi, do đó dường như Người Mẹ ngày trước thương con hơn Người mẹ ngày nay. Bởi vậy, người con của thời trước thương mẹ nhiều hơn, khác với Thanh Thiếu Niên bây giờ, lớn lên một chút là thích đi ra ngoài ít chịu ở nhà với mẹ – mà có lẽ tại những Người Mẹ ngày nay lo đi làm nhiều quá ít ở nhà với con.
Tôi nghĩ, Chúa cho bà Anna Javris ở Philadelphia biết tương lai con cái ở nước Mỹ ít thương Mẹ, nên năm 1907, Chúa khiến bà đưa ra đề nghị Ngày Lễ Mẹ Quốc Gia, để rồi 100 năm sau còn có dịp nhắc nhở con cái nhớ đến tình yêu thương của Người Mẹ.
Hôm nay bởi Lời Chúa dạy là chính Chúa Jêsus đã trân quý sự đau đớn, khốn khổ, của Người Mẹ sinh con, lại còn nuôi con khôn lớn nữa, tôi kêu gọi những người làm con trong đó cũng có các em Thanh niên, Thiếu niên, Thiếu nhi, hãy nhớ đến công ơn Người Mẹ, không phải để trả ơn Người Mẹ vì công ơn ấy bao la như biển Thái Bình, nhưng tỏ lòng biết ơn Người Mẹ bằng cách yêu thương Người Mẹ
2. Niềm vui của Người Mẹ:
Qua câu Kinh Thánh trong sách Tin Lành Giăng 16:21 nầy, niềm vui của Người mẹ được mô rả như thế nào?
Lý do Người Mẹ vui là gì ?
Lý do Người Mẹ vui là vì đứa con đã lọt lòng mẹ,  Người mẹ mừng vì đã sinh được một người trong thế gian.
Người Mẹ vui như thế nào?
Không phải sinh con ra rồi là hết đau hết khổ, Chúa Jêsus phán: người mẹ vui vì người không còn nhớ đến sự khốn khổ nữa, nghĩa là sự vui mừng lớn hơn sự khốn khổ.
Điều chúng ta biết chắc chắn là Chúa Jêsus không phải đang phán về Người Mẹ sinh con theo thuộc thể, nhưng Chúa Jêsus mượn tình cảnh Người Mẹ sinh con để nói đến sự dạy dỗ thuộc linh.
Sự dạy dỗ thuộc linh đó là gì?
Trong câu 22, Chúa Jêsus đã áp dụng sự đau đớn của Người Mẹ là thời kỳ người tin Chúa phải sống trong lúc chờ đợi Chúa tái lâm.
I Phierơ 1:6-9, chắc chắn trong lúc chờ đợi Chúa Jêsus tái lâm, người tin Chúa không tránh khỏi những hoạn nạn, đau đớn. Nhưng khi Chúa Jêsus Christ tái lâm, Chúa hiện ra thì chúng ta sẽ vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển
Xin Chúa cho anh chị em học thuộc sự dạy dỗ nầy hầu được an ủi trong những giờ phút có cần đang khi chờ đợi Chúa Jêsus Christ tái lâm.
Sự dạy dỗ mà chúng ta phải học cho được là sanh một đứa con thuộc thể còn vất vả, đau đớn dường ấy, huống chi sanh một đứa con thuộc linh.
Galati 4:19, Sứ đồ Phaolô nói: …. Vì các con (tức là những tín hữu trong Hội Thánh tại Galati) mà ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con…”
Thật vậy, để có một người tin Chúa rồi giúp họ lớn lên theo Chương trình Môn Đồ Hóa, thì ai trong chúng ta cũng biết là người làm chứng phải chịu đau đớn, khốn khổ dường nào, dù là tại Việt-nam hay tại Hoa Kỳ, hay ở nơi nào trên thế giới: vừa tốn tiền, vừa tốn công sức, cũng như tốn rất nhiều thì giờ… Nhưng tôi quả quyết rằng, khi Chúa cho có người tin Chúa, Chúa cho người lớn lên, thì niềm vui đó lớn đến nỗi khiến chúng ta quên hết bao nhiêu mệt nhọc, đau đớn.
Xin Chúa cho nhân ngày Lễ Mẹ hôm nay, nhắc đến niềm vui của Người mẹ sinh con thuộc thể, xin Chúa Thánh Linh nhắc chúng ta nhớ đến trách nhiệm làm Người Mẹ Thuộc linh phải sinh con thuộc linh cho Chúa.
Mục sư Võ Đức Hòa giảng cho Hội Thánh Báp-tít Greensboro, North Carolina

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét