Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

CÁI TÔI QUÁ LỚN

Còn sáu ngày nữa, những người tin Chúa, những cơ đốc nhân,  đều cử hành lễ Thương khó để tưởng nhớ đến ngày Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự giá trên đồi Gô gô tha.  Thông thường  lễ Thương Khó được cử hành vào tối thứ Sáu mà người Hoa kỳ gọi là Good Friday.
Câu chuyện Chúa Jesus bị đóng đinh và chết trên cây thập tự trong dịp này được lập  lại và chúng tôi đã làm như vậy qua bao nhiêu năm nay.  Tại các nhà thờ, chúng tôi giải thích tại sao Chúa Jesus phải chết và tại sao cái chết của Chúa nằm trong chương trình cứu chuộc nhân loại.  Các chi tiết về cái chết của Chúa Jesus  đã ứng nghiệm với các lời tiên tri trong Thánh Kinh phần Cựu Ước đã viết ra gần nhất cũng là 400 năm trước công nguyên.
Quý vị nào muốn tìm hiểu thêm, vì tò mò hay vì muốn tìm một con đường mới trong tương lai, xin mời đến Hội Thánh Phục Hưng tối thứ sáu tuần này vào lúc 7:30 tại Falls Church VA điện thoại số 571 216 1324 hoặc bất cứ Hội Thánh Tin Lành Báp Tít nào gần nhất .
Hôm nay trong mùa Thương khó này, tôi muốn nhắc lại một nhân vật xấu, bị mọi người ghê tởm vì ông ta là kẻ phản bội Chúa Jesus. Tên ông , chắc nhiều người biết là Giu đa.
Trước hết tôi xin phép được đọc hai câu Kinh thánh trong sách Mathio đoạn 26 câu 14 đến câu 16 như sau : “ Bấy giờ có một người trong 12 sứ đồ tên là Giu đa Ích ca ri ốt, đến tìm các thầy tế lễ cả, mà nói rằng: Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêuđặng tôi sẽ nộp người cho ? Họ bèn trả lời 30 bạc. Từ lúc đó, Giu đa tìm dịp tiện lợi để nộp Chúa Jesus
Câu 47 ghi thêm rằng; “ Khi Ngài còn đương phán, xảy thấy Giu đa là một người trong 12 sứ đồ đến với bọn đông người cầm gươm và gậy mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân sai đến. Ðứa phản Ngài đã trao cho bọn đó dấu này : Người nào mà tôi sẽ hôn, ấy là người đó, hãy bắt lấy. Tức thì Giu đa đến gần Chúa Jesus mà rằng : Chào thầy ! rồi hôn Ngài. Chúa Jesus nói cùng Giu đa rằng: bạn ơi! vậy thì vì việc này mà ngươi đến đây sao?  Rồi chúng đến gần tra tay bắt Chúa Jesus”
Trong hai đoạn Kinh Thánh trích dẫn nói trên, mỗi khi ông Mathiơ nhắc đến Giu đa luôn kèm theo một nhóm chữ , nói theo ngôn ngữ trong nước bây giớ là cụm từ để giới thiệu ông ta . Cụm từ đó là : “ một trong 12 sứ đồ”
Ðiều cũng đáng lưu ý là các sách Phúc âm kia như Luca, Mác hay Giăng đều dùng đến nhóm từ này khi nói đến Giu đa như  Mác 14:10. Luca 22:47 hay Giăng 6:71. Các người viết sách Phúc âm muốn nhấn mạnh tư cách sứ đồ của Giu đa để diển tả sự ngac nhiên và đau đớn của các sứ đồ khác vì sự bội phản của Giu đa. Sự xấu hổ của họ được trình bày qua cụm từ đó. Một người trong nhóm của mình, một người trong nội các đã phản bội Tổng thống của mình.
Ðiều đáng chú ý khác là vài phút trước khi bị bắt, khi gặp Giu đa, Chúa Jesus vẫn một giọng nói thân thương đối với Giu đa : “ Bạn Giu đa ơi ! vì việc này mà bạn đến đây hay sao? ” . Tôi không biết khi Chúa dùng danh từ “ bạn” này để bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với kẻ phản mình, Giu đa có sượng sùng hay không. Giu đa đã phản bội một người là thầy của mình, là Chúa của mình và người đó trong giây phút cuối cùng vẫn xem mình như một người bạn. Trước đó Chúa Jesus đã nói với Giu đa về sự phản bội này và Giu đa vẫn không thay đổi.
Nếu Chúa bị bắt bởi một kẻ thù, có lẽ Chúa sẽ ít đau đớn hơn bởi sự phản bội của một người bạn. 
Trong những giờ phút cuối cùng của Chúa Jesus ở trần gian này có quá nhiều cay đắng, phản bội phũ phàng. Từ khi Chúa làm cho người bạn là Laxarơ đã chết bốn ngày sống lại, bọn người trong tòa công luận đã nghĩ đến việc giết Ngài. Chúa đã biết điều đó . Chúa đã báo trước cho các môn đồ nhiều lần về viễn ảnh này.  Mới đây,  Ngài vừa nói với các môn đồ : Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến lễ Vượt qua, và Con Người  sẽ bị nộp để bị đóng đinh trên cây thập tự” ( c. 2)
Các nhân vật cầm quyền muốn bắt Chúa Jesus nhưng e ngại phản ứng của dân chúng. Giu đa là một môn đồ trong số 12 người cống hiến một phương cách cho họ
Có ba nguyên nhân thúc đẩy Giu đa phản bội Chúa
  1. Nguyên nhân thứ nhất do lòng tham tiền và tính bần tiện của Giu đa: Sứ đồ Giăng cho rằng Giu đa là tay trộm cắp và gian lận ( Giăng 12:6).  Nếu quả thật vì động cơ này, Giu đa đã thực hiện một cuộc mua bán trao đổi ghê tởm nhất lịch sử.  Ðây là một tấm gương bẩn thỉu, ghê tởm nhất về sức mạnh của lòng tham tiền . Ngày xưa , Giu đa phản bội Chúa để lấy 30 miếng bạc,  còn bây giờ  nhiều người chỉ vì một số tiền ít hơn 30 miếng bạc mà đã vội bỏ rơi Chúa và phản Chúa.  Có người tiếc rẻ một vài giờ thờ phượng Chúa ngày Chúa Nhật đã quyết định bỏ Chúa để đi làm.  Có người tiếc rẻ dâng hiến một phần mười lợi tức của mình cho Chúa đã quyết định đi ngược lại chỉ thị của Chúa hay không thi hành ý muốn của Ðức Chúa Trời.  Ðó là một hành vi phản bội Chúa.  
  1. Nguyên nhân thứ hai có thể là vì lòng ghen ghét cay đắng bởi sự  hoàn toàn vỡ mộng. Người Do Thái luôn có uớc mơ về quyền thế. Giu đa có thể là một người bạo động muốn nổi lên chống người La mã đang đô hộ xứ Do Thái. Ông thấy Chúa Jesus là một lãnh tụ từ trời xuống với những quyền năng phi thường để lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống xâm lăng. Nhưng rồi ông thấy Chúa không làm theo ý ông muốn mà hướng về con đường thập tự nên niềm hy vọng trở nên thất vọng chua cay. Sự vỡ mộng đã biến thành thù hận và đi đến phản bội. 
  1. Nguyên nhân thứ ba cho rằng có thể Giu đa không có ý phản Chúa nhưng vì thấy Chúa tiến hành công việc chậm quá và không chú trọng đến việc giải phóng chống lại nhà cầm quyền La mã đô hộ nên ông tìm cách đưa binh lính đến bắt Chúa để ép buộc Chúa phải tự vệ phản công lại .
Dù cho nguyên cớ nào, Giu đa đã trở nên kẻ phản bội, kẻ đi theo Satan và kẻ bị Satan xử dụng.  Cái tôi của Giu đa, cái muốn của Giu da, cái chủ đích của Giu đa đã bị Sa tan lợi dụng để biến ông ta thành kẻ phản bội. Khi phát giác ra điều đó thì quá muộn. Giu đa đã treo cổ tự sát.  Dù kế hoạch của ông ta là gì, dù chương trình chủ đích của ông ta là gì, Giu đa đã khám phá rằng ông  không bằng lòng với kết quả mà ông ta đạt được.   Bánh xe của thế cuộc vẫn tiếp tục lăn theo chương trình của Ðức Chúa Trời. Thật buồn thay cho đoạn kết của cuộc đời của một người bị mang tiếng là bội phản.  
Cảm tưởng của nhân loại đối với hành vi của Giu da khác nhau: có người thù ghét hành vi phản bội, có người thương hại cho một toan tính sai lầm tai hại trong cuộc đời, có người cám ơn hành vi phản bội của Giu đa vì ông đã giúp cho Jesus hoàn tất mau chóng sứ mạng của mình trên đất.  Dù cảm tưởng khác nhau, nhưng không ai không chê trách, khinh khi kẻ bội phản. 
Chúng ta xin đọc tiếp trong sách Mathio 27: 3-10:
“ Khi ấy, Giu đa là kẻ phản Chúa, thấy Chúa bị án thì ăn năn, bèn đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ và các trưởng lão, mà nói rằng: tôi đã phạm tội vì đã nộp huyết vô tội! Song họ đáp rằng: Sự đó can gì đến chúng tôi. Mặc kệ ngươi. Giu đa ném bạc vào đền thờ, liền trở ra, đi thắt cổ”
Ðây là màn cuối cùng trong bi kịch Giu đa.  Dù nguyên nhân nào đã khiến Giu đa hành động, có một điều rõ ràng là Giu đa đã thấy hậu quả khủng khếp của việc ông làm. Mathiơ ghi lại ông Giu đa đem tiền quăng vào trong đền thờ. Giu đa đã thấy mình sai lầm.
Có hai sự thật lớn cần ghi ra:
  1. Ðiều kinh khiếp của tội lỗi là chúng ta không thể quay ngược kim đồng hồ. Chúng ta không thể hóa giải những gì chúng ta đã làm. Khi đã hành động, thật khó đi lui trở lại để mang  nó trở về tình trạng cũ.  Không đợi đến khi già người ta mới ao ước làm lại cuộc đời.  Không có hành động nào có thể rút lại. Cây tên đã bắn ra thật vô phương chận lại.
  2. Một điều kỳ lạ về tội lỗi là người ta có thể đi đến chỗ oán ghét điều mình đã đạt được do tội lỗi của mình.  Phần thưởng do tội lỗi mang lại có thể làm họ kinh khủng, ghê góm. Lúc đầu họ cứ tưởng rằng khi chiếm hữu được điều cấm kỵ đó thì sẽ sung sướng nhưng điều mà tội lỗi  ước ao trở thành điều mà người ta muốn loại trừ hơn hết. 
Nếu Giu đa trung thành với Chúa, ông sẽ chết như một người tuẫn đạo. Nhưng vì muốn theo đường lối riêng  của mình nên chính tay ông đã đem cho mình  một cái chết của người tự sát. Ông đánh mất mão triều thiên vinh hiển của kẻ tuẫn đạo.
Nếu ngày xưa Giu đa vì cái tôi của mình, vì cái ham muốn của mình mà Satan khai thác và xử dụng thì trong các Hội Thánh hiện nay, chúng ta thấy có nhiều trường hợp cũng vì cái tôi của mình quá lớn mà bỏ Chúa, bỏ Hội Thánh, bỏ cả anh em.   Những người này chỉ còn chờ Satan đúng dịp khai thác để chống trả lại chương trình của Ðức Chúa Trời. 
-         Thảm kịch này xảy ra vì chính ông không chấp nhận con người thực tế của Chúa Jesus và cố gắng tạo một Jesus theo ý muốn của mình.
-         Thảm kịch Giu đa chính là thảm kịch của những ai cho rằng mình có thể thay đổi  Ðức Chúa Trời. Chúng ta không thể thay đổi một Ðức Chúa Trời mà chính chúng ta phải để cho Ðức Chúa Trời thay đổi con người của chúng ta.  Chúng ta không thể dùng Chúa cho mục đích riêng của mình nhưng phải phục tùng Chúa để được Ngài xử dụng theo chương trình của Ngài.
-         Thảm kịch Giu đa là thảm kịch của loại người có cái tôi quá lớn, có lòng ham muốn quá mạnh bất chấp phương tiện để trở thành công cụ của Sa tan.
Mùa Thương khó này giúp chúng ta xét lại cuộc sống của mình.  Những gì cần sửa đổi , tránh xa để không trở thành công cụ của Satan  . Còn những ai chưa tin nhận Chúa, đây là một cơ hội để tìm hiểu vì sao Jesus chấp nhận một cái chết vô cùng đau đớn như vậy và tại sao cái chết của Jesus có thể cứu loài người khỏi sa vào địa ngục.
MS Trần Nhựt Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét