CÂU HỎI: Thưa Mục sư, hồi nhỏ tôi ở Cô-Nhi Viện tại VN nên tôi theo đạo Công giáo. Qua Mỹ, tôi theo bạn bè đi nhà thờ Tin Lành nên mới biết đạo Tin Lành và hiểu được nhiều điều Chúa dạy. Giờ đây tôi đang phân vân có nên chịu phép báp-têm không và không biết nếu chịu báp-têm thì việc làm đó đúng hay là sai? Kính xin Mục sư giải thích cho tôi được hiểu rõ (người hỏi: Nguyễn Quang Phong) TRẢ LỜI: Cảm ơn Vị thính giả Nguyễn Quang Phong đã quan tâm đến Chương trình Con Đường Vĩnh Phúc của Hội thánh Báp-tít Phục hưng tại Virginia chúng tôi, và cũng đã gởi câu hỏi đến cho chúng tôi. Một lần nữa cảm ơn Vị thính giả Nguyễn Quang Phong. Câu hỏi của Bạn đã nêu ra 3 điều quan trọng mà chúng ta cần nói rõ: THỨ NHẤT: TÔI ĐÃ THEO ĐẠO, TÔI ĐI NHÀ THỜ và TÔI BIẾT ĐẠO, HIỂU ĐƯỢC NHIỀU ĐIỀU CHÚA DẠY. Đọc qua câu hỏi của Bạn, tôi thật sự thấy Chúa yêu thương Bạn quá. Chúa đã yêu thương Bạn cho nên dù Bạn là một người thiếu vắng tình thương của cha mẹ phải ở trong Cô Nhi Viện, nhưng Chúa đã cho bạn biết có một Đức Chúa Trời yêu thương Bạn, cũng như Chúa đã cho Bạn biết Bạn cũng như mọi người trên đất đều là người có tội với Chúa, qua Giáo Hội Công Giáo La Mã trong thời gian sống trong Cô Nhi Viện tại VN. Rồi Chúa lại cho Bạn qua Mỹ, được đến nhà thờ Tin Lành để biết thêm rằng: Bạn biết Chúa yêu thương và biết mình có tội với Chúa chưa đủ, Bạn còn cần phải ăn năn tội, tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa và Chủ đời sống của Bạn. Như vậy, qua Lời Chúa dạy trong Kinh thánh, vấn đề không phải là Bạn theo tổ chức tôn giáo Công giáo La Mã, hoặc tổ chức tôn giáo Tin Lành, vì tổ chức tôn giáo không cứu được con người chúng ta, không có quyền tha tội cho chúng ta, không đem chúng ta vào Con Đường Vĩnh Phúc của Chúa được. Tôi tin rằng khi Bạn đến nhà thờ Tin Lành, Bạn luôn luôn nghe một điều: “Hễ ai kêu cầu Danh Chúa Jêsus thì được cứu; hoặc: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”; hoặc “Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà ngươi đều sẽ được cứu rỗi” (Công vụ 2:21; 4:12; 16:31). Nói rõ hơn, Bạn đã từng có đạo Công Giáo La Mã, Bạn đã từng có nghe đạo Tin Lành, đó là điều tốt. Bạn nói Bạn hiểu được nhiều điều Chúa dạy, một trong những điều Bạn hiểu là đối với Đức Chúa Trời, Bạn vẫn chưa được cứu, chưa được tha tội, chưa được làm con của Đức Chúa Trời, vì Bạn chưa tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và làm Chủ đời sống của Bạn, nên Bạn vẫn tiếp tục sống trong tội lỗi, vẫn sống bất an, thiếu vui mừng, và không có hi vọng tương lai nơi Thiên đàng vinh hiển. Tôi cũng rất tiếc là nhiều người VN chúng ta cũng vì ý nghĩ: Có Đạo Rồi! làm ngăn trở hưởng được tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus Christ. Thật sự có một đạo hay một tôn giáo nào đó (trừ ra đạo Satan) là một điều tốt, vì tôn giáo chỉ cho con người nhận biết con người là người có tội; rồi đưa ra cách nầy hay cách khác để giúp con người hạn chế phạm tội. Vô tình, nhiều người lại hiểu lầm rằng đó là cách để được tha tội, được sống bình an, và tưởng rằng nhờ sống tốt vì có đạo sẽ không bị hình phạt đời đời nơi địa ngục. Trong khi đó có câu: Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo giã, phạm tội với trời, không phương cầu đão. Kinh thánh cũng dạy:“Chúng tôi hết thảy đều trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp (áo dơ)…” (Êsai 64:6). Chúa cũng khẳng định: “Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn của nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được” (Giê. 13:23). Bởi đó, có người nói một câu đáng học: Người ta tưởng tôn giáo đem con người đến gần Đức Chúa Trời; trái lại tôn giáo đem con người ngày càng xa Đức Chúa Trời. Quả đúng như vậy, ý tưởng Có Đạo Rồi làm cho mỗi lần người VN nghe nói Tin Lành của Chúa Jêsus Christ thì thường vội vàng từ chối nghe. Thật tiếc thay! Cảm ơn Chúa cho Bạn Phong có lòng quan tâm đến phép báp-têm, sự quan tâm đó nói lên rằng Bạn có lòng tìm kiếm Chúa. Tuy nhiên, điều Chúa muốn Bạn thay vì quan tâm đến phép báp-têm trước, Bạn hiểu rằng điều Bạn cần quan tâm đến và cần thực hành ngay bây giờ là Bạn đã ăn năn tội và tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của Bạn chưa? Không phải là có đạo chưa, mà là có Chúa trong đời sống mình chưa? THỨ HAI: TÔI PHÂN VÂN CÓ NÊN CHỊU PHÉP BÁP-TÊM KHÔNG? Vấn đề quan trọng đối với Bạn không phải là nên hay không nên, mà là Tại Sao Bạn Muốn Chịu Phép Báp-têm? Tôi xin được giải thích về “Phép Báp-Têm” mà Chúa đã dạy qua Kinh thánh, rồi cá nhân Bạn sẽ quyết định NÊN hay KHÔNG NÊN. Trước hết tôi xin nói về Ý NGHĨA CỦA PHÉP BÁP-TÊM. Chữ “báp-têm” là tiếng Hi lạp cổ, là ngôn ngữ được dùng để viết Kinh Tân Ước, ‘báp-têm’ có nghĩa là làm cho ướt hay dìm cho ướt hết. Qua đó, trong nghi thức làm Lễ báp-têm, Mục sư sẽ dìm người đó xuống nước làm cho người đó ướt hoàn toàn. Phép Báp-têm mà Chúa dạy không phải là Phép Rửa Tội như nhiều người hiểu lầm, nhất là người theo Công Giáo La Mã thấy người theo Tin Lành của Chúa Jêsus chịu báp-têm. Tội của loài người chúng ta không thể rửa bằng nước được, nếu rửa bằng nước được thì Chúa Jêsus Christ không cần đến thế gian chịu chết đền tội cho loài người. Kinh thánh khẳng định: “vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít… (I Phi. 1:18-19). Tội của mỗi chúng ta phải được rửa bằng Huyết của Chúa Jêsus (Hêb. 9:12). Vì mọi người đều đã phạm tội không ai cứu ai được, nên Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời phải đến thế gian làm người chịu chết đền tội cho loài người. Kinh thánh khẳng định, dưới trời nầy chẳng có danh nào khác ngoài danh Chúa Jêsus để loài người chúng ta phải nhờ đó mà được cứu. Tại sao? Vì Chúa Jêsus Christ vừa là Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội, Ngài cũng là Con Người Vô Tội mới có thể chết thay cho loài người có tội. Vì vậy, Hội thánh Tin Lành vâng lời Chúa Jêsus dạy chỉ làm báp-têm cho người đã ăn năn tội, tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu Thế của mình, nghĩa là sau khi người đó đã được cứu. Sau khi người đó đã tin Chúa, người đó chịu báp-têm để bày tỏ đức tin của mình như Lời Chúa đã dạy: “anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sẽ sống trong đời mới thể ấy” (Rôma 6:3-4). Có 3 động từ trong hai câu Kinh thánh nầy dạy về ý nghĩa của Phép Báp-têm: MỘT LÀ ĐỘNG TỪ ‘CHẾT’. ‘Chết’ là gì? “Chết” là một sự phân rẽ. Chết tâm linh là loài người bị phân rẽ khỏi sự liên hệ với Đức Chúa Trời; Chết thể xác là sự phân rẽ giữa linh hồn và thân thể; Chết đời đời là đời đời phân rẽ khỏi sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời. Một người điếc là người chết đối âm thanh; một người mù là người chết với ánh sáng. Cũng vậy, người tin Chúa Jêsus khi chịu phép báp-têm là người đó công khai tuyên bố trước mặt Chúa, trước mặt các thiên sứ, trước các thánh đồ trên trời dưới đất và trước mặt ma quỉ là bởi đức tin trong Chúa Jêsus Christ, mình đã chết đối với đời sống cũ tội lỗi. ĐỘNG TỪ THỨ HAI LÀ ‘CHÔN’. Khi Mục sư dìm người đó xuống nước, người đó tuyên bố bởi đức tin trong Chúa Jêsus Christ, mình đã quyết định chôn người cũ tội lỗi đã chết của mình rồi. ĐỘNG TỪ THỨ BA LÀ ‘SỐNG’ - SỐNG LẠI TRONG ĐỜI MỚI. Khi Mục sư đem người đó ra khỏi nước thì người đó tuyên bố kể từ nay bởi đức tin trong Chúa Jêsus Christ, người đó quyết định nhờ ơn Chúa sống một đời mới như Chúa dạy trong Kinh thánh, mọi sự cũ qua đi, mọi sự đều trở nên mới. Bây giờ Bạn đã hiểu ý nghĩa của phép báp-têm theo như Lời Chúa dạy trong Kinh thánh, Bạn hãy tự quyết định nên hay không nên chịu báp-têm. Kinh thánh dạy rằng: TIN là vâng phục; Chúa Jêsus dạy: Ai tin và chịu phép báp-têm thì được cứu (Mác 16:16), nếu Bạn thật lòng tin Chúa thì Bạn phải vâng lời Chúa dạy để chịu phép báp-têm. Có một người buôn bán tại chợ Bến Tre cũng khá giàu có, khi nghe Mục sư và anh em trong Hội thánh tại Bến Tre giải thích về ơn cứu rỗi của Chúa, thì ông bằng lòng tin Chúa với điều kiện không chịu phép báp-têm. Mục sư đồng ý, vấn đề là ông ấy bằng lòng ăn năn tội và tin Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của ông. Sau khi cầu nguyện tin Chúa, ông đi nhà thờ để thờ phượng Chúa được hai tuần, ông đến gặp Mục sư và xin Hội thánh cho ông học giáo lý để chịu phép báp-têm. Mục sư ngạc nhiên hỏi ông: Trước khi tin Chúa, ông đã ra điều kiện là không muốn chịu báp-têm. Ông tín đồ trả lời: Khi tôi chưa tin Chúa, tôi thấy mỗi khi Hội thánh cử hành phép báp-têm nơi con sông tại chợ Bến Tre, nhiều người chưa tin Chúa thấy thì chế nhạo, tôi mắc cở nên không muốn báp-têm. Bây giờ tôi tin Chúa rồi, Chúa ban cho tôi đời sống bình an, vui mừng quá, tôi muốn chịu báp-têm để mọi người biết mà tìm đến với Chúa như tôi. Tôi xin Chúa cho Bạn quyết định tin Chúa và chịu báp-têm như ông tín đồ nầy. PHẦN THỨ BA CỦA CÂU HỎI: KHÔNG BIẾT NẾU TÔI CHỊU BÁP-TÊM THÌ VIỆC LÀM ĐÓ ĐÚNG HAY SAI? Câu trả lời cho Bạn là ĐÚNG và SAI. ĐÚNG là khi Bạn đã thật lòng ăn năn tội của mình và đã quyết định tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của Bạn, khi đó việc Bạn chịu phép báp-têm là việc làm đúng – đúng theo Lời Chúa Jêsus dạy trong Kinh thánh: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ ta, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mác 16:16; Math 28:19-20). Điều quan trọng là Bạn cần học biết rõ ý nghĩa phép báp-têm như đã nói rồi hãy quyết định; sau khi Bạn đã chịu báp-têm rồi, không có nghĩa là đã đủ, Bạn cần tiếp tục học Kinh thánh là Lời Chúa như Chúa đã dạy, để biết sống cách nào đẹp lòng Chúa giữa đời nầy bày tỏ sự công bình thánh khiết của Đức Chúa Trời (Êph. 4:24). Học Kinh thánh đến khi nào? Học đến tận thế! Học đến khi nào gặp Chúa! Tuy nhiên tôi xin nói ngay để Bạn không lo lắng về việc học Kinh thánh là Lời Chúa. Học Kinh thánh không phải là Bạn phải học thuộc lòng rồi đọc ê a, Bạn đọc bình thường, tự học hoặc cùng anh em trong Hội thánh cùng học. Học để biết cách sống không phạm tội cùng Chúa; Bạn sẽ tìm thấy sự ngọt ngào trong Lời Chúa qua những lời Chúa hứa dành cho bạn trong mọi hoàn cảnh. Dĩ nhiên, Bạn sẽ cũng như tôi có khi gặp những điều mình chưa hiểu, khi đó Bạn có thể tìm hiều qua những sách vở trong Hội thánh, hoặc Bạn hãy ghi lại để có dịp hỏi anh em trong Hội thánh hoặc hỏi Mục sư, lúc Bạn hiểu được, tôi quả quyết Bạn sẽ thấy rất hào hứng khi được học Kinh thánh. BẠN CÓ THỂ SAI KHI CHỊU BÁP-TÊM Bạn có thể SAI khi chịu báp-têm nếu Bạn chưa tin Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của Bạn và chưa để Chúa làm Chủ đời sống của Bạn. Lúc ấy Bạn chỉ chịu báp-têm theo tổ chức tôn giáo, Bạn sẽ không được phước gì của Chúa, nếu không muốn nói là Bạn sẽ chịu báp-têm cách vô phước. Bạn có thể SAI khi Bạn hiểu lầm chịu báp-têm là để được rửa tội, mà không hiểu rằng mình chịu báp-têm vì mình đã tin Chúa Jêsus đã được tha tội, được làm con của Đức Chúa Trời, từ niềm vui đó Bạn chịu báp-têm để công bố cho mọi người biết niềm tin của mình. Bạn có thể SAI khi chịu báp-têm khi Bạn nghĩ rằng chịu báp-têm là hoàn thành thủ tục đối với Chúa. Bạn có thể hoàn thành thủ tục gia nhập tổ chức tôn giáo, nhưng đối với Chúa chỉ là bắt đầu đời sống mới trong Chúa Jêsus Christ, Bạn cần tiếp tục học hỏi Lời Chúa, dự phần sinh hoạt trong Hội thánh của Chúa, hiệp với các anh em trong Chúa để phát huy đức tin của mình. Tôi tin rằng bây giờ Bạn đã hiểu Chúa muốn bạn ăn năn tội để tin Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của Bạn trước; rồi bạn cần tìm hiểu ý nghĩa phép báp-têm để Bạn biết tại sao Bạn nên quyết định chịu báp-têm như Chúa dạy. Tôi xin Chúa cho Bạn tràn đầy ơn phước từ Chúa khi Bạn có hai quyết định trên để Bạn thật sự là Thanh Phong như tên của Bạn – nghĩa là Bạn hưởng được một cơn gió mát trong lành từ Chúa và trở nên một cơn gió mát trong lành cho những người chung quanh đang cần Chúa. Xin Chúa ban phước cho Bạn! |
Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013
Thưa Mục sư, hồi nhỏ tôi ở Cô-Nhi Viện tại VN nên tôi theo đạo Công giáo. Qua Mỹ, tôi theo bạn bè đi nhà thờ Tin Lành nên mới biết đạo Tin Lành và hiểu được nhiều điều Chúa dạy. Giờ đây tôi đang phân vân có nên chịu phép báp-têm không và không biết nếu chịu báp-têm thì việc làm đó đúng hay là sai? Kính xin Mục sư giải thích cho tôi được hiểu rõ (người hỏi: Nguyễn Quang Phong)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét