Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

NGƯỜI THẦY THỨ HAI

Bài viết này thuộc loạt bài: Trích đoạn sách Sống Và Khát Vọng

Nếu bác Võ Tá Hân là người thứ nhất mà tôi gọi là “người thầy” thì người thầy thứ hai, ngạc nhiên thay, lại là một người mà tôi biết nhưng không hề quen.
Vào ngày 6 tháng 10 năm 2011, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết được thế nào là cảm giác buồn, nuối tiếc và hụt hẫng khi nghe tin một người hoàn toàn xa lạ qua đời. Người “xa lạ” ấy chính là Steve Jobs. Nhưng tất cả những cảm xúc ấy, không phải vì tôi là một fan hâm mộ cuồng nhiệt những sản phẩm do Steve Jobs và Apple tạo ra. Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là một fan của Apple cả. Ít ra thì tôi vẫn thích dùng một chiếc máy chạy Windows hơn là một chiếc Macbook chạy Mac OS X (ngay cả sau khi đã thử dùng Macbook và Mac OS X một thời gian).
Nhưng đối với tôi, Steve Jobs là một người thầy vì tôi học được nhiều bài học có giá trị sâu sắc từ ông và chính cuộc đời của ông. Khi đọc quyển tiểu sử mà trong đó ông cho phép người biên soạn viết rất thành thật và khách quan về cuộc đời mình, tôi phát hiện ra ông và tôi có cùng phân loại tính cách MBTI, nên chúng tôi có nhiều nét tính cách khá tương đồng với nhau, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu.
Steve Jobs chắc chắn không phải là một con người hoàn hảo, và tôi cũng thế. Chính vì vậy, tôi học được từ ông nhiều điều nên làm và cả không nên làm thông qua quyển sách ấy. Cũng vì tính cách có phần giống nhau, tôi cảm thấy mình đồng cảm với ông trong những lúc khó khăn của cuộc sống. Sâu trong đáy lòng mình, tôi khâm phục con người và cuộc đời ông. Chính cuộc đời của ông (chứ không phải những sản phẩm do ông tạo ra) đã thật sự là niềm cảm hứng giúp tôi tạo nên những khác biệt trong cuộc đời mình.
Trong số những di sản mà Steve Jobs để lại cho nhân loại, có một bài diễn văn nổi tiếng mà ông đọc tại Lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford vào năm 2005. Và kể từ đó đến nay, tôi đã xem lại đoạn clip ấy không dưới 30 lần. Trong đoạn clip ấy, ông chia sẻ 3 câu chuyện về cuộc đời mình cùng với 3 bài học. Câu chuyện thứ nhất là về “kết nối lại quá khứ”… Steve Jobs kể…
Mọi thứ bắt đầu từ lúc tôi được sinh ra đời. Mẹ ruột của tôi là một nữ sinh viên trẻ, độc thân và bà quyết định cho tôi đi làm con nuôi. Bà thật sự muốn tôi được những người ăn học tử tế nhận nuôi. Vì thế, họ sắp đặt để tôi trở thành con của một luật sư và vợ của ông ta. Tuy nhiên, khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, họ đã đổi ý vào phút cuối và muốn nhận nuôi một bé gái. Chính vì thế, bố mẹ nuôi của tôi bây giờ, nửa đêm nhận được một cú điện thoại, và người ta hỏi họ: “Chúng tôi vừa có một bé trai không mong đợi. Ông bà có muốn nhận làm con nuôi không?”. Bố mẹ nuôi của tôi trả lời: “Dĩ nhiên rồi.”… Cuộc đời tôi bắt đầu như vậy đó.
17 năm sau, tôi cũng vào đại học, nhưng tôi ngây thơ chọn một trường đại học đắt đỏ ngang ngửa Stanford. Thế là tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ đã phải dành để đóng học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi chẳng thấy được ích lợi gì của việc học đại học cả. Tôi không biết mình muốn làm gì trong cuộc sống, và cũng không biết trường đại học sẽ giúp tôi như thế nào. Vậy mà tôi lại đang ngốn hết toàn bộ tiền tiết kiệm mà bố mẹ đã dành dụm cả đời. Nên tôi quyết định bỏ học và tin tưởng rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ tốt đẹp.
Thời điểm đó quả là đáng sợ nhưng khi nhìn lại, tôi cảm thấy đó chính là quyết định đúng đắn nhất đời mình. Khi bỏ học, tôi có thể ngừng học những môn mình không thích, và bắt đầu tìm hiểu những môn học khác thú vị hơn rất nhiều. Mọi chuyện không dễ dàng chút nào. Tôi không có phòng ở ký túc xá nên phải ngủ nhờ dưới sàn trong phòng bạn. Tôi đổi vỏ chai Coca lấy từng 5 xu một để mua thức ăn. Và mỗi tối chủ nhật hàng tuần, tôi đi bộ hơn 11 cây số sang bên kia thành phố để có được một bữa ăn ngon ở đền Hare Krishna.
Sau này, phần lớn những gì tôi đã phải trải qua khi theo đuổi tính hiếu kỳ và trực giác của mình lại trở nên vô giá. Để tôi kể các bạn nghe một ví dụ. Có lẽ lúc đó, Đại học Reed là trường dạy môn thư pháp tốt nhất trong nước… Vì tôi đã thôi học và không còn phải học những môn thông thường, nên tôi quyết định học nghệ thuật thư pháp. Đây là một môn học tuyệt đẹp, mang tính lịch sử, sắc sảo theo một cách tinh tế mà khoa học khó có thể nắm bắt được. Và tôi cảm thấy rất hứng thú. Những thứ đó dường như không có một ý nghĩa thực tế nào cho cuộc sống của tôi.
Tuy nhiên, 10 năm sau, khi chúng tôi đang thiết kế chiếc máy tính Machintosh đầu tiên, mọi thứ quay trở lại với tôi. Và chúng tôi mang hết vào thiết kế Mac. Đó là chiếc máy tính đầu tiên có những phông chữ đẹp… Nếu tôi không bỏ học, tôi sẽ không tham gia vào lớp học thư pháp đó, và tất cả các máy tính cá nhân có thể chẳng có được những phông chữ tuyệt vời như thế. Tất nhiên là khi còn đi học, tôi không thể kết nối các sự kiện trong tương lai lại với nhau. Nhưng 10 năm sau nhìn lại, thì chúng trở nên rất rõ ràng.
Một lần nữa, bạn không thể kết nối được tương lai, bạn chỉ có thể kết nối được quá khứ. Vì thế, bạn phải tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ kết nối lại với nhau, bằng cách này hay cách khác. Bạn phải tin vào một điều gì đó: trực giác, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả,… bất cứ điều gì. Tin rằng mọi chuyện rồi sẽ kết nối lại với nhau cho bạn sự tự tin để làm theo trái tim mình. Ngay cả khi nó dẫn bạn đến những nẻo đường mà không phải ai cũng chọn, và điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt.
Đó là câu chuyện của Steve Jobs. Câu chuyện làm tôi nhận ra rằng, cuộc đời ai cũng có những sai lầm và mất mát. Bản thân tôi cũng có nhiều sai lầm và mất mát trong cuộc đời mình. Nhưng câu chuyện đầu tiên của ông đã giúp tôi hiểu rằng: Chính tôi chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình, và cũng chính tôi chứ không ai khác phải có trách nhiệm bù đắp cho những mất mát của mình.
Chính vì thế, tôi học cách đứng dậy sau mỗi lần thất bại hay mất mát. Cũng như Steve Jobs, tôi tin rằng: Mỗi chuyện không mong muốn xảy ra đều mang một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Quan trọng là chúng ta có quyết tâm vượt qua nó, để có cơ hội nhìn lại và hiểu được cái ý nghĩa tốt đẹp của nó hay không mà thôi.
Trong kinh doanh, tôi không hề thành công ngay lần đầu tiên khởi nghiệp. Tôi cũng không hề thành công ở lần thứ hai, thứ ba, hay thứ tư,… Nhưng nhờ học được khái niệm “kết nối lại quá khứ” từ câu chuyện của Steve Jobs, nên khi nhìn lại, tôi thấy rõ ràng rằng, những lần khởi nghiệp thất bại, cũng như những kinh nghiệm cay đắng, có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thành công của TGM sau này. Nếu tôi không có những lần thất bại trước đó, tôi đã không có đủ bản lĩnh và tự tin để diễn thuyết một cách hùng hồn trước hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người; tôi đã không có được những kiến thức phong phú về Internet Marketing, về phục vụ khách hàng; và quan trọng hơn hết, tôi đã không gặp những người đồng đội tuyệt vời mà ngày hôm nay vẫn cùng sát cánh bên tôi để xây dựng TGM.
Trong các mối quan hệ, tôi cũng gặp nhiều khó khăn trắc trở và thậm chí cả mất mát. Nhưng nhìn lại, mỗi khó khăn hay mất mát ấy sau này đều mang lại cho tôi một điều gì đó tốt đẹp hơn. Có lúc, vì những lời gièm pha từ người ngoài và vì chưa thật sự hiểu tôi, những người đồng đội không còn muốn sát cánh bên tôi nữa, nhưng khi họ hiểu ra được sự thật, chúng tôi lại trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết.
Có lúc, những người tôi yêu thương bằng tất cả trái tim mình đã không còn tin vào tình yêu thương của tôi, chỉ vì tôi không biết cách yêu thương họ theo cách họ mong muốn. Thế nhưng khi họ hiểu và cảm nhận được cách mà tôi yêu thương họ, cũng như khi tôi học cách yêu thương người khác theo cách mà họ mong muốn, thế giới của tôi lại một lần nữa tràn ngập tình yêu thương.
Nếu không có tất cả những điều tồi tệ đó xảy ra, thì ở tuổi hơn 30 này, tôi đã không có được nhiều mối quan hệ tốt đẹp và ý nghĩa như hiện nay. Và tôi thật sự hạnh phúc vì điều đó.
Mọi việc diễn ra cuối cùng đều mang một ý nghĩa gì đó tốt đẹp, và nếu bạn chưa nhìn thấy ý nghĩa tốt đẹp ấy, nghĩa là bạn chưa đi đến cuối cùng.
Còn bạn thì sao? Tôi tin chắc rằng, bạn cũng như tôi hay Steve Jobs, chúng ta đều gặp những thất bại, hiểu lầm và mất mát trong cuộc sống của mình. Nhưng liệu bạn có lựa chọn tin rằng “mọi chuyện không mong muốn xảy ra đều mang một ý nghĩa tốt đẹp nào đó” hay không? Liệu bạn có cho mình một cơ hội để “kết nối quá khứ” hay không? Đó luôn luôn là lựa chọn của bạn.
Nhưng cho dù bạn lựa chọn gì đi nữa, hãy tiếp tục dành cho mình một chút thời gian để đọc câu chuyện thứ hai của Steve Jobs. Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát… Ông nói…
Tôi may mắn tìm được niềm đam mê của mình từ rất sớm. Woz và tôi thành lập Apple trong ga–ra của bố mẹ, khi tôi 20 tuổi. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, để 10 năm sau, từ chỗ chỉ có hai người trong cái ga–ra bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ đô với hơn 4.000 nhân viên. Chúng tôi cho ra đời tuyệt tác của mình – máy Macintosh – sớm hơn một năm, khi tôi vừa tròn 30 tuổi. Rồi tôi bị sa thải.
Làm sao mà bạn có thể bị sa thải bởi chính công ty mình lập ra? Khi Apple lớn lên, chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài năng để cùng tôi lãnh đạo công ty. Năm đầu tiên thì tình hình có vẻ rất khả quan. Nhưng sau đó, tầm nhìn của chúng tôi bắt đầu khác nhau, và rồi giữa chúng tôi xảy ra bất hòa. Khi đó, Hội Đồng Quản Trị đứng về phía anh ta và tôi bị sa thải – sa thải một cách công khai. Những thứ mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất. Ðau đớn thay!
Trong vài tháng sau đó, tôi thật sự chẳng biết phải làm gì. Tôi cảm giác rằng mình đã khiến thế hệ doanh nhân đi trước thất vọng, vì đã đánh rơi ngọn đuốc khi đến tay mình… Tôi thất bại ê chề và còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Thung Lũng Silicon. Nhưng một tia sáng dần lóe lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý những gì mình đã làm. Thất bại ở Apple không hề thay đổi tình yêu này chút nào. Dù bị chối bỏ, nhưng tôi vẫn yêu. Và tôi quyết định bắt đầu lại từ đầu.
Tôi chưa nhận thấy được điều này ngay lúc ấy, nhưng việc bị sa thải khỏi Apple hóa ra lại là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra với tôi. Gánh nặng của sự thành công được thay thế bằng sự nhẹ nhõm khi được làm lại từ đầu, dù chưa có gì là chắc chắn. Tôi được tự do bước vào quãng thời gian sáng tạo nhất cuộc đời mình. Trong vòng 5 năm kế tiếp, tôi thành lập công ty NeXT và một công ty khác tên là Pixar. Pixar lúc bấy giờ cho ra đời bộ phim hoạt hình vi tính đầu tiên trên thế giới, Toy Story (Câu Chuyện Đồ Chơi), và hiện là xưởng phim hoạt hình thành công nhất thế giới.
Rồi thời thế thay đổi, Apple mua lại NeXT, tôi trở về với Apple, và công nghệ mà NeXT đã phát triển trở thành nguồn sinh khí cho sự phục hưng của Apple. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả những điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple. Đó là một viên thuốc đắng nhưng tôi tin rằng bệnh nhân cần đến nó.
Đôi khi cuộc sống vùi dập bạn. Nhưng đừng đánh mất niềm tin. Điều duy nhất giúp tôi tiếp tục bước đi chính là vì tôi yêu tất cả những gì mình làm. Bạn phải tìm ra cho được tình yêu thật sự trong công việc… Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công thật sự là làm những gì mà bạn tin là những việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm những việc tuyệt vời là bạn phải yêu việc mình làm.
Nếu bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại. Trong sâu thẳm trái tim mình, bạn sẽ nhận ra khi bạn tìm thấy nó. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại.
Trong cuộc sống, ai cũng từng có lúc cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ đi mơ ước của mình. Tôi cũng vậy. Trước khi rời bỏ công việc của mình để quyết tâm thực hiện ước mơ doanh nhân, không biết đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi: “Liệu mình có bao giờ có thể thật sự sống với ước mơ của mình hay không?”. Thật sự không ít lần, tôi đã cảm thấy nghi ngờ chính bản thân mình và nghi ngờ cả tương lai mù mịt phía trước. Nhưng tôi biết rằng, nếu tôi không yêu những gì tôi làm, thì tôi sẽ sống cả cuộc đời này cho phép mình mắc kẹt ở mức trung bình. Tôi hoàn toàn có thể vươn lên đến một vị trí thật cao và kiếm được nhiều tiền trong một công việc làm thuê. Nhưng tôi sợ rằng địa vị và tiền bạc kiếm được sẽ vô tình là dây trói khiến tôi không dám từ bỏ và hướng đến những mơ ước to lớn hơn.
Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định bỏ hết tất cả trước khi mọi thứ trở nên quá an toàn đến nỗi tôi không còn có thể từ bỏ. Đôi khi trong cuộc sống, con người ta cần phải học cách từ bỏ để được nhiều hơn. Tôi bỏ sự an toàn để đi tìm, không phải một công việc mới hay một sự nghiệp mới, mà là đi tìm một tình yêu, một đam mê trong cuộc đời mình. Và những điều tuyệt vời như “sống vì ước mơ của mình” chẳng hạn, luôn đi cùng với cái giá của nó, đôi khi rất đắt. Liệu bạn có sẵn sàng trả giá cho nó hay không? Lựa chọn là ở bạn.
Một trong những điều khiến cho con người ta không thể thành công được đó là cái mong muốn quá lớn về sự an toàn.
Còn tôi, tôi lựa chọn sẵn sàng trả cái giá ấy bởi vì tôi tin rằng, cứ tìm rồi sẽ thấy, cũng như Steve Jobs đã chia sẻ: “Nếu bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại. Trong sâu thẳm trái tim mình, bạn sẽ nhận ra khi bạn tìm thấy nó. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng ngừng lại.”
Tôi đã không ngừng lại và tôi đã không hối hận. Ngay cả khi tôi gặp hết thất bại này đến thất bại khác, tôi vẫn không cho phép bản thân mình ngừng lại. Có người nói tôi điên, nhưng họ không biết rằng, sự khác biệt thường được tạo nên bởi những người đủ “điên” để có thể thật sự tạo nên sự khác biệt. Cho nên, dù thế nào đi nữa, tôi đã không cho phép bản thân mình đánh mất niềm tin. Tôi biết rằng, cái ngày tôi đánh mất niềm tin vào con đường phía trước, cũng sẽ là cái ngày tôi đánh mất tình yêu của mình trước cả khi tôi tìm ra được nó.
Và rồi sau nhiều lần thất bại, tôi “tìm thấy” TGM và những con người tuyệt vời ở TGM. Tôi tìm thấy tình yêu trong công việc của mình. Ở tuổi ngoài 30, tôi không còn phải làm việc vì tiền nữa. Ở tuổi 30, tôi làm việc vì tình yêu, niềm đam mê, khát vọng cống hiến cho cuộc đời, và quan trọng hơn hết là tình cảm tôi dành cho rất nhiều người đồng đội, cũng như tình yêu đối với quê hương đất nước mình.
Còn bạn thì sao, liệu bạn có lựa chọn giữ vững niềm tin của mình, tiếp tục tiến lên để tìm cho bằng được tình yêu cho mình? Hay bạn sẽ chấp nhận cho phép bản thân mình mắc kẹt ở mức trung bình? Một lần nữa, đó vẫn là lựa chọn của bạn.
Và nếu bạn vẫn còn một chút gì đó lo ngại, hãy đọc tiếp câu chuyện thứ ba của Steve Jobs. Câu chuyện thứ ba là về cái chết… Ông nói…
Tâm niệm rằng cuộc sống rất ngắn ngủi chính là yếu tố quan trọng nhất đã giúp tôi đưa ra nhiều lựa chọn lớn lao trong đời. Vì hầu như tất cả mọi thứ, tất cả sự kỳ vọng, tất cả niềm kiêu hãnh và tất cả nỗi sợ xấu hổ hay thất bại – những điều này chẳng có nghĩa lý gì khi đối diện với cái chết. Khi đó, chỉ còn lại những gì thật sự quan trọng. Luôn nhớ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ mất mát. Bạn đã chẳng còn gì để mất. Không còn lý do nào ngăn cản bạn lắng nghe trái tim mình mách bảo.
Khoảng một năm trước, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư… Trải qua chuyện này rồi, bây giờ tôi có thể nói với các bạn một cách chắc chắn rằng, cái chết chỉ đơn thuần là một khái niệm mà thôi. Con người không ai muốn chết cả! Thậm chí những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để lên được đó. Nhưng cái chết lại là nơi mà tất cả chúng ta đều phải đến. Không ai thoát khỏi nó. Và cuộc đời là phải như thế, bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ cái cũ để nhường chỗ cho cái mới.
Ngay lúc này đây, cái mới chính là các bạn. Nhưng không lâu nữa, các bạn sẽ dần dần trở thành cái cũ, và bị loại đi. Tôi xin lỗi vì nói nghe ghê gớm quá, nhưng đó là sự thật. Thời gian của các bạn có hạn, vì thế đừng lãng phí nó vào việc sống cuộc đời của một ai khác. Đừng nhốt mình trong những suy nghĩ giới hạn của người khác. Đừng để quan điểm của người khác làm át đi tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của chính mình. Vì chỉ có bạn mới biết được mình thật sự muốn gì. Tất cả những gì còn lại chỉ là phụ mà thôi… Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ. (Stay hungry. Stay foolish.)
stayhungry1
Có lẽ, bài học thứ ba này là bài học thay đổi cuộc đời tôi nhiều nhất, và cũng là bài học khó cảm nhận nhất (vì dù gì tôi cũng chưa từng ở trong hoàn cảnh phải đối diện với cái chết như Steve Jobs). Nhưng đây cũng là bài học ý nghĩa nhất.
Qua những gì ông chia sẻ và cả những đau đớn, mất mát, thất vọng mà bản tôi phải trải qua trong cuộc sống, tôi nhận ra rằng: Cuộc đời này ngắn ngủi trong vòng hơi thở, chẳng có lý do gì phải tự làm khổ chính mình. Nếu như ngày mai không bao giờ đến, thì hôm nay coi như chúng ta đã không còn gì để mất, bởi vì ngày mai cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Cho nên, tại sao không dẹp bỏ tất cả những thứ nhỏ nhặt tầm thường trong cuộc sống sang một bên, để hướng tới sự chân thành và sống vì ước mơ của mình?
Chính vì thế, ở tuổi 30, tôi ngộ ra được nhiều điều. Tôi vẫn cần tiền nhưng tôi không phải có thật nhiều tiền bằng mọi giá. Tôi không cần quyền lực để có thể tạo nên sự khác biệt và cống hiến cho đất nước. Tôi không cần địa vị để có thể sống có trách nhiệm với tập thể. Tôi không cần nổi tiếng để biết rằng mình được yêu quý. Tôi dẹp bỏ cái tôi nhỏ bé, niềm kiêu hãnh và những nỗi sợ của mình để sống trọn vẹn theo những gì trái tim tôi mách bảo. Và tôi vẫn luôn nhớ rằng:
“Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ. (Stay hungry. Stay foolish.)” – Steve Jobs
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ đó là, đôi khi chúng ta nói quá nhiều về những sản phẩm tuyệt vời mà Steve Jobs cùng với đội ngũ của ông tạo ra cho thế giới này. Nhưng chúng ta lại quên rằng, di sản lớn nhất mà Steve để lại cho cuộc đời này không phải là những chiếc Macbook, iPod, iPhone hay iPad, mà là chính câu chuyện cuộc đời và những triết lý sống của ông.
Nhiều lắm là đến năm 2020, tất cả những gì Steve Jobs đã tạo ra sẽ trở nên lạc hậu và lỗi thời. Nhưng trong rất nhiều năm nữa, người ta vẫn sẽ nhớ mãi về một điều tuyệt vời mà Steve Jobs đã để lại cho nhân loại – một di sản không bao giờ có thể tạo ra được bằng tiền bạc hay địa vị. Đó chính là…
Niềm cảm hứng sống để thách thức những lối mòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét