ÂN TỨ CỦA RIÊNG MÌNH
I Phi-e-rơ 4:11
MỤC SƯ VÀ CÁI BÌNH
Vị Mục sư để trên bàn một cái bình bằng thủy tinh. Bình này có dung tích là 5 gallons. Ông từ từ bỏ bào bình những cục đá to bằng miệng bình. Khi viên đá cuối cùng lên tận mặt bình, không còn cách nào bỏ thêm đá nữa, ông quay xuống hội chúng hỏi: - Quý vị thấy bình còn có thể chứa thêm nữa không? Ai nấy đều trả lời : Không! Ông không nói gì cả, ông cúi xuống bàn lấy một bao plastic đựng những viên đá cuội tức là đá sạn cở bằng đầu ngón tay út. Ông mở bao ra, bỏ các viên sạn vào bình. Dù bình chứa đầy những cục đá lớn những vẫn còn lắm chỗ cho các viên đá sạn. Khi thấy không còn cách nào để bỏ thêm viên sạn nữa, ông quay xuống hội chúng hỏi: - Bình đã đầy chưa? Lần này không ai trả lời vì trước mắt thì bình đã đầy nhưng biết đâu ông mục sư này dở trò gì nữa. Hiểu được tâm lý của hội chúng, ông mục sư mỉm cười, không nói. Ông cúi xuống bàn lấy một bao cát nhỏ và đổ cát vào bình. Bình vẫn có thể chứa thêm một số lượng cát qua các khe hở giữa các cục đá và các hòn sỏi. Ông lắc cái bình và cố đổ thêm một ít cát nữa. - Quý vị thấy bình đầy chưa? Bây giờ ai nấy đều vui vẻ trả lời: Ðầy rồi! Vị Mục sư già lại mỉm cười bí hiểm. Ông cúi xuống bàn lấy một bình nước và đổ vào bình. Dù bình đã đầy với đá, sỏi, cát, nhưng vẫn có thể chứa thêm gần nửa gallon nước. Ông đổ cho đến khi nước tràn ra. Ông nhìn xuống Hội chúng kết kuận: “ Mặc dù thời khóa biểu của chúng ta có bận rộn đến đâu, nếu mình muốn, mình vẫn có thì giờ để lo công việc của Hội thánh. Vấn đề là chúng ta có lòng và muốn tính toán sắp sếp giờ giấc hợp lý. Ðiều quan trọng của một người bận rộn mà vẫn muốn phục vụ Chúa là nếu không để những cục cục đá lớn vào bình trước, bình không thể chứa nhiều và chứa hết những thứ này đâu. Chúng ta phải biết cái nào lớn, cái nào quan trọng, điều gì ưu tiên. Cái nào là cục đá lớn trong cuộc đời của mình. Nếu Chúa có một ưu tiên như cục đá lớn thì làm sao chúng ta không có thì giờ dành cho công việc của Hội Thánh? Vấn đề là công việc nhà Chúa có tầm mức nào trong cuộc đời của chúng ta chớ không phải vấn đề bận rộn trong cuộc sống.
HÀNH TRANG VÀO ÐỜI
Khi chúng ta đi xa, chúng ta chuẩn bị hành lý. Nếu nơi đến lạnh, chúng ta mang theo áo jacket. Nếu đi họp hành công vụ, chúng ta mang theo bộ suit và tài liệu. Nếu là chuyến đi thăm cháu nội ngọai, chắc nhắn phải mang theo thuốc trị đau lưng nhức mình. Chúa cũng chuẩn bị cho chúng ta như vậy khi ta chào đời.
VÍ DỤ LẤY LẦM HÀNH LÝ
Có lần, khi đến phi trường, tôi lấy nhầm hành lý. Cái Va-li tôi lấy giống y hệt cái va-li của tôi. Cùng khổ, cùng màu, cùng chất liệu. Khi về khách sạn, mở ra, tôi mới biết sự lầm lẩn tai hại này. Quần áo khác khổ, khác kiểu và nhất là khác phái. Tòan quần áo đàn bà. Quý vị sẽ làm gì khi gặp sự lầm lẩn này ? Mặc quần áo đàn bà và đi họp như không có chuyện gì xảy ra hay không? Không! Phải tìm cái va-li của mình. Ðiện thọai lại phi trường, lại hảng máy bay, gọi cảnh sát, gọi hãng taxi … làm mọi cách, liên lạc khắp nơi cố gắng tìm người đàn bà với va-li của tôi. Không ai muốn sống với một hành trang không phải của mình. Không ai muốn sống bằng hành trang không hợp với mình. Còn chúng ta ? Thật lạ lùng là vẫn có một số người cố trang phục như quần áo không vừa hay không thích hợp với cơ thể của mình. Khi chúng ta chào đời, Chúa chuẩn bị hành trang cho mỗi người khác nhau, khả năng khác nhau, sức lực khác nhau, tình phái khác nhau. Chúng ta là cái duy nhất. Là sản phẩm duy nhất của Ðức Chúa Trời. Chúng ta không phải là đồ thuộc lọai sản xuất hàng loạt như trong hảng xưởng kỹ nghệ. Chúng ta là sản phẩm riêng biệt, độc nhất. Nếu chúng ta sống không giống với các đồ hành trang của Chúa ban cho, chúng ta sống với hành trang của người khác ,thì cuộc sống đó sẽ không bao giờ thích hợp với chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ có cảm giác thỏa lòng khi dùng hành trang không thuộc về mình vì nó không thích hợp với mình. Nó không thuộc về hành trang của Chúa ban cho. Chúa hành trang cho chúng ta để làm công cho nhà Chúa. Chúng ta dùng hành trang đó cho mục đích khác và Chúa sẽ không vui và cuộc đời của chúng ta cũng sẽ không bao giờ được thỏa lòng.
VÍ DỤ HAI CÔ TIẾP VIÊN
Có một lần tôi đi California. Không may, tôi gặp một cô tiếp viên hàng không thật khó khăn, chanh chua vô cùng. Cô gần như ra lịnh với hành khách: ngồi xuống, nịt dây, im lặng, câm miệng… Tôi ngại quá nên không dám mở miệng xin nước uống dù đang khát vô cùng. Có thể tôi đi lầm chuyến, đi lầm ngày xui xẻo hoặc cô ta chọn lầm nghề. Ngược lại, có lần tôi gặp một cô tiếp viên rất lịch sự, vui vẻ, tự giới thiệu và chào mừng mọi người. Tôi mạnh dạn hỏi cô: “ Chắc cô thích nghề này lắm phải không?. Cô trả lời: “ Tôi thích lắm, tôi làm cô giáo tiểu học hết ba năm, rồi họ thăng chức cho tôi. Từ cô giáo lớp 2, tôi thành nhân viên bàn giấy. Tôi khổ sở vì nó không thích hợp. Tôi phải tự hỏi khả năng tôi là gì, Chúa ban cho tôi điều gì và tôi muốn làm gì. Tôi thấy tôi thích hợp với nghề này hơn. Hôm nay, chắc không bao nhiêu người có thể nói được điều này. Phần lớn chúng ta làm việc không vì yêu nghề mà vì đồng tiền để sống. Vả lại hành trang của chúng ta gần như không thích hợp với xứ sở này. Khả năng của chúng ta không được sử dụng đúng vì những trở ngại như ngôn ngữ bất đồng, sức khỏe không thích hợp, địa dư không phù hợp. Tuy nhiên , đó là tôi nói chuyện ngoài đời. Công việc trong Hội Thánh không có những trở ngại nói trên. Công việc của Chúa chắc chắn phù hợp với khả năng của mỗi người trong chúng ta. Chắc chắn Chúa đã trang bị cho mỗi người trong chúng ta để hầu việc của Ngài. Sách I Cô-rinh-tô 12:7 : “ Ðức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung” “ Chớ nên sống giống như người dại khờ, phải biết ý muốn của Ðức Chúa Trời” Ê-phê-sô 5:17 “ Mỗi người nên xem xét việc làm của mình rồi sẽ thấy hãnh diện, nhưng chỉ vì chính mình chớ không phải so sánh với người khác. Vì mỗi người phải mang gánh nặng riêng của mình” Ga-la-ti 6:4-5
VÍ DỤ ALABAMA VÀ ÐẬU PHỌNG
Sau cuộc chiến Nam Bắc, nông dân trồng bông vải thuộc tiểu bang Alabama đối diện trước sự khó khăn. Ðất bị nhiều cơn hỏa họan, mùa màng thì cằn cỗi. Ông Washington Carver đề nghị một giải pháp. Thay vì trồng cây bông vải , ông đề nghị trồng cà chua, đậu nành và nhất là peanut, đậu phọng để đất lấy lại chất nitrogen và đất cần bón phân mới. Không ai tin vào lời đề nghị của ông. Ðến năm 1915, mùa bông vải gặp phải nạn côn trùng tàn phá và hủy diệt trọn mùa. Giáo sư Carver thấy cơn dịch lệ này là cơ hội. - “ Hãy đốt hết cây vải và côn trùng và trồng đậu phọng” Không còn cách nào khác, họ nghe theo ông. Nhưng ai sẽ mua đậu phọng này? Một góa phụ gõ cửa nhà ông. Bà có hàng trăm pounds đậu phọng không bán được. Ông khám phá dân làng trúng mùa đậu phọng nhưng không tìm ra thị trường. Ông kể lại rằng ông cầu nguyện: “ Lạy Chúa, ông than thở, tại sao Chúa tạo ra vũ trụ này? Chúa trả lời: “ người chớ hỏi ta những điều quá sức của người” Ông lại cầu nguyện: “ Lạy Chúa, Chúa tạo con người với mục đích gì? Ông cũng được Chúa lời trả lời rằng: “ Hởi con người bé nhỏ kia, ngươi vẫn hỏi ta điều cao hơn điều ngươi có thể giải quyết” Sau cùng ông hỏi Chúa: “ Lạy Ðấng Tạo Hóa, tại sao Ngài tạo ra đậu phọng” Chúa phán: “câu hỏi này tốt hơn, ngươi hãy vào phòng thí nghiệm của ngườ thì sẽ thấy tại sao” Ông làm việc trong 3 năm và ông chế tạo ra hơn 300 sản phẩm bằng đậu phọng. Tiểu bang Alabama trở thành một trong những tiểu bang giàu nhất nước Hoa kỳ thời đó nhờ những phó sản của đậu phọng.
CHUYỆN TẶNG HOA CHO CÔ CA SĨ
Một ca sĩ nổi tiếng vì quá bận rộn,nên không thể dâng tiếng hát của cô cho Chúa. Một hôm cô đau nhiều phải vào bịnh viện. Vị mục sư đến thăm cô. Mỗi lần thăm ông đều mang vào một bó hoa héo sắp tàn. Không thể chịu được, cô hỏi mục sư. Vị Mục sư nói: Tôi chỉ bắt chước cô mà thôi. Lúc cô còn giọng hát tốt, cô không dùng nó để tôn vinh Ngài cũng như lúc hoa này còn tươi tôi không mang đến tặng cô. Ðến lúc cô không còn ai hoan nghinh tiếng hát của cô nữa, thì cô mới tôn vinh Chúa chẳng khác nào tôi chờ hoa héo sắp tàn rồi tôi mới mang vào đây tặng cô. Chúa cũng có phản ứng như cô khi cô thấy tôi mang hoa héo tặng cho cô vậy. Mỗi người đều có ân tứ riêng do Thánh Linh ban cho. Mỗi người có một hành trang riêng và phải dùng hành trang đó cho công việc Chúa. Mỗi người chỉ có một thời gian ngắn để hầu việc Chúa .
CÂU CHUYỆN CỦA TÔI
Khi tôi được 6 tuổi, cha tôi xây nhà mới. Tôi không biết ông học xây cất ở đâu, với ai nhưng tôi còn nhớ ông mua cây, ván , gạch và ngói chất đầy sân. Mẹ tôi là người luôn luôn khâm phục cha tôi nên mẹ tôi bao giờ cũng là người phụ tá đắc lực nhất của cha tôi trong tất cả các dự án của ông. Các anh tôi cũng vậy. Họ tiếp tay cha tôi xây cất ngôi nhà. Tuy tôi còn quá nhỏ nhưng cũng được cha tôi giao công tác để tôi có dịp góp phần vào việc xây cất căn nhà của gia đình. Cha tôi đeo cho tôi một sợ dây lưng có may hai túi. Ông phát cho tôi một cây gỗ, đầu cây bằng kim loại và đặc biệt miếng kim lọai này hút các cây đinh sắt. Sau này tôi mới biết cây đó có gắn đầu nam châm. Công việc của tôi là nhặt những cây đinh rơi rớt ngoài đất. Mỗi ngày tôi đi vòng quanh khu nhà đang xây cất độ vài mươi phút trông rất oai phong. Bụng nịt bao hai túi, tay cầm cây hút đinh. Tôi rất thích công việc này và rất hãnh diện vì công việc này. Ai nhìn vào dụng cụ tôi đang có đều biết công tác của tôi. Lúc đó tôi nghỉ rằng mọi người khâm phục tôi lắm. Việc làm là tuy chỉ lượm đinh nhưng tôi sẽ có danh hiệu là người thu nhận đinh. Một collector. Như Ma-thi-ơ là người thu thuế, còn tôi lúc 6 tuổi đã là người thu đinh. Người ta nhìn vào quý vị, người ta cũng có thể gán cho quý vị một danh hiệu căn cứ vào những gì mà họ nhận ra. Cầm viết, thì là thư ký, cầm máy computer thì chắc là kỷ sư, cầm kéo thì có lẽ là thợ may hay thợ nail. Cầm cưa thì thợ mộc, cầm kinh thánh là tín đồ của Chúa hoặc là mục sư. Mặc quần Jean thì là thợ, thắt cà vạt thì là thầy. Hãy quan sát dụng cụ mà Chúa ban cho , chúng ta biết cuộc đời của mình. Khám phá ra khả năng của mình, quý vị sẽ biết số phận của mình, biết được công việc mà Chúa sẽ giao cho. Phi-e-rơ trong lá thư thứ nhất (4:11) có viết : “Nếu có kẻ làm chức gì thì hãy làm như nhờ sức Ðức Chúa Trời ban cho” Câu này có thể viết lại cho dễ hiểu là: “ nếu phải giúp đỡ hay phục vụ ai thì hãy thi hành với những khả năng mà Ðức Chúa Trời ban cho”. Khi Chúa đặt để hay chỉ định chúng ta một công tác nào đó, Ngài cũng ban cho chúng ta khả năng làm điều đó. Ngược lại, Chúa ban cho chúng ta khả năng nào đó là vì Chúa đã dịnh cho chúng ta công việc đó.Vì vậy nghiên cứu những khả năng của mình, người đó sẽ thấy công tác mà Chúa đã định giao cho mình. Hãy quan sát chính mình. Quý vị có những khả năng đặc biệt và chắc chắn đời sống của quý vị dính liền với những khả năng đó. Quý vị hãy lắng nghe những âm thanh hòa tấu trong lòng của quý vị. Không ai có thể nghe những bản nhạc trong lòng của quý vị vì đó chính là cuộc đời mà Chúa dành riêng cho quý vị. Ðức Chúa Trời khi tạo ra chúng ta, Ngài đã cho mỗi người những khả năng riêng. “ Chủ cho người này 5 ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài của mỗi người” Mathiơ 25:15 Hãy quan sát quá khứ của mình : đã hòan thành điều gì mà quý vị cho rằng tốt nhất, đã thành công nhất, hoàn mỹ nhất? Ðiều gì mà quý vị thích làm nhất ? Hãy đứng ngay giữa ngã tư đường của cảm giác yêu thích và thành công đó, quý vị sẽ nhìn ra cái khả năng độc nhất vô nhị của mình. Tuy vậy, dù biết mình có những ta-lâng đặc biệt, khi Mục sư mời một con cái Chúa tiếp tay trong công việc của Hội Thánh, người được mời thường dùng hai lý do để từ chối : - tôi không có khả năng làm việc này hay việc kia. - tôi không có thì giờ.
TÔI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG
Tôi không tin người đó không có khả năng. Tôi sẽ dùng một câu Kinh Thánh trong sách I Cô-rinh-tô 12:7 : “ Ðức thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung” Câu này có nghĩa là “Thánh Linh ban cho mỗi người trong chúng ta một cách lối riêng, một tài năng riêng để phục vụ người khác.” Phao lô không viết là : Thánh linh ban cho một số người, hay cho một vài người trong Hội Thánh nhưng ông viết mỗi người trong Hội Thánh. Nếu chúng ta tin rằng Kinh Thánh là lời của Ðức Chúa Trời thì chúng ta không thể than thở là tôi không có khả năng để làm việc Chúa vì lời Chúa nói rằng mỗi người đều có một cách riêng để làm công việc cho nhà Chúa.
TÔI KHÔNG THỂ LÀM TẤT CẢ
Câu Kinh văn này còn dạy chúng ta một chân lý khác. Ðó là “ tôi không thể làm được mọi việc”. Chúng ta không thể cáng đáng mọi thứ. Cá nhân chúng ta không là giải pháp của mọi vấn đề. Hãy nghe Phao lô nói với Hội Thánh Cô-rinh-tô: “Chúng tôi không muốn khoe mình quá mức, chỉ muốn giữ đúng giới hạn mà Ðức Chúa Trời đã chỉ định cho chúng tôi” II Cô-rinh-tô 10:13 Ðiều này giúp chúng ta thấy được vai trò đóng góp và sự giới hạn trong sự góp sức hay chung sức mà lo công việc của Hội Thánh. Phao lô nhắc nhở Ti-mô-thê rằng: “Ta nhắc con hãy khơi dậy ân tứ mà Chúa ban cho con” II Tim 1:6 và nếu hôm nay, Phao lô có mặt trong Hội thánh này, ông cũng nhắc nhở chúng ta như vậy. Như vậy chúng ta hiểu là chúng ta có khả năng và có bổn phận làm công việc Chúa.
TÔI KHÔNG CÓ THÌ GIỜ
Vấn đề thứ hai mà nhiều người viện dẫn để từ chối đóng góp vào công việc của Hội Thánh là “ tôi không có thì giờ “. - Tôi không đặt vấn đề Chúa là ưu tiên hàng đầu hay hàng thứ mấy trong tư tưởng của quý vị. - Tôi cũng không muốn thuyết phục quý vị rằng làm việc của Hội Thánh không phải là một option để chúng ta có thể chọn là muốn hay không muốn tham gia đóng góp. Mọi Cơ đốc nhân ít nhiều gì cũng có kinh nghiệm với Chúa trong cuộc đời của mình. Mỗi cá nhân chúng ta ít nhiều gì cũng có những cơ hội nhận ơn, phước và mắc nợ với Chúa. Chúng ta đã nhiều lần cảm tạ Chúa và cũng nhiều lần hứa với Chúa. Tôi không muốn nhắc lại các kinh nghiệm đó. Ðó là chuyện cá nhân với Chúa Tôi muốn nói một cách tổng quát và gợi ý để chúng ta nhớ lại mà điều chỉnh thái độ đối xử với Ngài.. Có người nói rằng nếu Thiên đàng có một tuần bảy ngày thì đó là bảy ngày Chúa Nhật nghĩa là trên Thiên đàng không có ngày làm việc, không có weekdays hay workingdays. Tuy nhiên, tôi biết Chúa xức dầu cho những ngày làm việc của chúng ta tại thế gian này. Bởi vì trước khi Chúa ban cho Ađam người vợ hay đứa con, Ngài đã ban cho Ađam một job trong Sáng 2:15 “ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đem người (Ađam) vào vườn Eđen để trồng và giữ vườn” Công việc đầu tiên của loài người là trồng cây và giữ vườn, Chúa tôn trọng sự làm việc Chúa dạy chúng ta phải làm việc. Làm việc là một điều răn. Xuất 34:21, Chúa phán: “trong sáu ngày ngươi phải làm việc, nhưng qua ngày thứ bảy hãy nghỉ, dẫu mùa cày hay mùa gặt, ngươi cũng phải nghỉ vậy” Việc làm của chúng ta đóng góp phần xây dựng xã hội này. Dân chúng cần thợ hàn ống nước, quốc gia cần binh sĩ bảo vệ. Ðèn đường cần thợ điện bảo trì. Trẻ em cần người chăm sóc khi cha mẹ đi làm. Chúa Jesus hãnh diện nói rằng: “ Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” Giăng 5:17 Tuy nhiên Kinh Thánh không đề cao tinh thần workacholism. Tức là tinh thần ham làm việc như người ghiền rượu thích rượu. Nếu Chúa đề cao làm việc thì trong công việc, chúng ta cũng phải đề cao Chúa. Chúng ta cần phân biệt : Làm việc để thỏa mãn nhu cầu bất kể mạng sống hay làm việc để được sống còn. Làm việc để sống và dĩ nhiên phải dành thì giờ để sống, để nghĩ ngơi, để thưởng thức những thú vị của cuộc đời và để thờ phượng Ðấng đã ban chúng ta sự sống để làm việc.
KẾT LUẬN: Chúa sẽ giúp chúng ta với những gì chúng ta đang có tức là những gì Chúa đã ban cho Chúa sẽ điều hành Hội Thánh này bằng những người đang hiện diện trong ngày hôm nay. Mỗi người đều có ân tứ riêng do Thánh Linh ban cho. Mỗi người có một hành trang riêng và phải dùng hành trang đó cho công việc Chúa. Mỗi người chỉ có một thời gian ngắn để hầu việc Chúa. Làm việc cho Hội Thánh của Chúa là nhận thêm phước hạnh trong đời sống của chúng ta và nhận phần thưởng trên thiên đàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét