Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

LỜI TIÊN TRI TẬN THẾ

LỜI TIÊN TRI TẬN THẾ
Kính thưa Quý Vị thính giả, cảm ơn Chúa cho chúng ta đã đi gần hết một năm 2012 trong chương trình Con Đường Vĩnh Phúc của Hội thánh Báp-tít Phục Hưng tại Virginia. Chúng ta đang buớc vào tháng cuối, một tháng mà có tin nói rằng hơn 10% dân số thế giới đang xao động vì lịch Maya với ngày tận thế.
Tôi nghĩ rằng dù người đã tin Chúa hoặc người chưa tin Chúa cũng đều muốn biết và cần biết Kinh thánh nói gì về ngày Tận Thế? Tôi mời Quý Vị thính giả cùng tôi tra cứu những điều Kinh thánh dạy về Ngày Tận Thế, hầu cho chúng ta được như Lời Chúa dạy: “Lòng các ngươi chớ hề bối rối… (Giăng 14:1); Hỡi anh em, xin chớ bối rối và kinh hoảng… Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình (II Tês. 2:2-3).
Trong chương trình hôm nay, tôi xin giới thiệu Lời Chúa đã mặc khải trong Kinh thánh sách tiên tri Đaniên chương 2, với đề tài: Lời Tiên Tri Tận Thế.
TRƯỚC HẾT chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc có Lời Tiên Tri Tận Thế.
Lịch sử Kinh thánh cho chúng ta biết vào năm 606 Trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, vùng Trung Đông nơi phía nam Iraq giáp với Kuwait, có Đế quốc Ba-by-lôn hùng mạnh dưới sự cai trị của Nê-bu-cát-nết-sa Đại đế. Trong một đêm, vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy một chiêm bao làm vua bối rối, lúc tỉnh dậy, vua quên hết. Vua đòi các học giả của đế quốc Ba-by-lôn lúc bấy giờ vào giải thích chiêm bao cho vua, nhưng không ai giải thích được vì vua không nhớ mình đã chiêm bao thấy gì và không ai biết vua thấy gì. Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã tức giận trước sự bất năng của những người được cho là khôn ngoan nhất trong triều đình nên ra lịnh giết hết các học giả nầy.
Trong lúc đó, có một thanh niên người Y-sơ-ra-ên tên Đaniên một trong các tù binh của vua Nê-bu-cát-nết-sa. Kinh thánh ghi lại như sau: Tức thì Đaniên vào, xin vua cho mình một thời hạn nữa, hầu có thể giải nghĩa điềm chiêm bao đó cho vua. Đoạn, Đaniên trở về nhà, và tỏ sự ấy cho các bạn mình… người xin họ cầu Đức Chúa Trời ở trên trời dủ lòng thương xót họ về sự kín nhiệm nầy… Vậy, sự kín nhiệm được tỏ cho Đaniên trong sự hiện thấy ban đêm; Đaniên ngợi khen Chúa trên trời… Đaniên cất tiếng nói rằng: Ngợi khen Đức Chúa Trời đời đời vô cùng… Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan,… Chính Ngài tỏ ra những sự sâu xa kín nhiệm; Ngài biết những sự ở trong tối tăm, và sự sáng ở với Ngài… (2:16-22).
Ngay sau đó, Đaniên diện kiến vua Nê-bu-cát-nết-sa và trình tâu với vua: Hỡi vua, khi vua nằm trên giường, có những tư tưởng về sự xảy đến sau nầy, thì Đấng hay tỏ sự kín nhiệm đã cho vua biết sự sẽ xảy đến… Hỡi vua, vua nhìn xem, và nầy, có một pho tượng lớn. Pho tượng đó to lớn và rực rỡ lạ thường; đứng trước mặt vua, và hình dạng dữ tợn. Đầu pho tượng nầy bằng vàng ròng; ngực và cánh tay bằng bạc; bụng và vế bằng đồng; ống chơn bằng sắt; và bàn chơn thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét. Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chơn bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát cả; trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; nhưng hòn đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất.
Đó là nguồn gốc có Lời Tiên Tri về Tận Thế trong Kinh thánh sách Tiên tri Đaniên chương 2 mà Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Chủ Tể trời đất muôn vật đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy trong chiêm bao qua một pho tượng với cấu tạo bằng những kim loại khác nhau, với lời giải thích của tiên tri Đaniên. Theo giấc chiêm bao thì Đức Chúa Trời mặc khải cho vua Nê-bu-cát-nết-sa và Đaniên biết một chuổi dài lịch sử của thế giới từ thời kỳ đế quốc Ba-by-lôn đến khi Chúa Jêsus trở lại thế giới nầy lần thứ hai, nói theo người chưa tin Chúa là đến ‘tận thế’.
Bây giờ, chúng ta xem xét:
SỰ ỨNG NGHIỆM LỜI TIÊN TRI TRONG SÁCH ĐANIÊN CHƯƠNG 2 nầy.
Tôi xin nhắc lại khi tiên tri Đaniên công bố lời tiên tri trong chương 2 nầy là vào năm 606 (trước khi Chúa Jêsus giáng sanh), ngay tại triều đình đế quốc Ba-by-lôn, Đaniên hoàn toàn không biết gì về những đế quốc tiếp theo sau trong tương lai. Ngược lại, chúng ta được Chúa cho sống trong thời hiện tại, có cơ hội nhìn lại thời gian quá khứ để có thể kiểm tra lời tiên tri về Tận Thế mà Đaniên đã nói đến.
Tôi mời Quý vị thính giả cùng tôi kiểm tra sự ứng nghiệm lời tiên tri tận thế nầy:
THỜI KỲ ĐẾ QUỐC BABYLÔN từ năm 606 – 538 TC.
Năm 606 trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, Đại đế Nê-bu-cát-nết-sa, người đã đưa Ba-by-lôn lên thời hoàng kim, chính vào lúc đế quốc Ba-by-lôn trở nên cực thịnh, Chúa đã cho vua thấy chiêm bao về pho tượng tiên tri nầy, và tiên tri Đaniên được Chúa xác nhận vua Nê-bu-cát-nết-sa là cái đầu bằng vàng của pho tượng.
THỜI KỲ ĐẾ QUỐC MÊ-ĐI BA-TƯ từ năm 538 – 333 TC.
Đến năm 538 TC., đời vua Bên-xát-sa của nước Ba-by-lôn, là vua không biết kính sợ Đức Chúa Trời, Kinh thánh ghi lại như sau: Vua Bên-xát-sa dọn tiệc lớn đãi một ngàn đại thần mình, và uống rượu trước mặt họ… Vua Bên-xát-sa đương nhắm rượu, truyền đem những khí mạnh bằng vàng và bạc mà vua Nê-bu-cát-nết-sa, cha mình, đã lấy trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, hầu cho vua và các đại thần, cùng các hoàng hậu và cung phi dùng mà uống… Vậy họ uống rượu và ngợi khen các thần… (2:1-4). Chúa đã rao án phạt và Kinh thánh chép: Ngay đêm đó, vua người Canh-đê là Bên-xát-sa bị giết. Rồi Đa-ri-út là người Mê-đi được nước… (5:26-31), tức là đế quốc Mêđi – Batư.
Đế quốc thứ hai là đế quốc liên minh giữa hai bộ tộc Mê-đi và Ba-tư có nguồn gốc phía nam biển Caspian. Việc hai bộ tộc Mê-đi và Ba-tư liên minh đánh hạ nước Ba-by-lôn ứng nghiệm với phần ngực và hai cánh tay bằng bạc của pho tượng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã thấy trong chiêm bao - Ứng nghiệm cách chính xác.
THỜI KỲ ĐẾ QUỐC HI LẠP từ năm 333 – 60 TC.
Lúc bấy giờ, ở phía Tây của nước Mê-đi Ba-tư, tại Hi Lạp, có một vị vua trẻ mới 20 tuổi lên ngôi là A-lịch-sơn, đã dẫn quân tiến về phía Đông tấn công và tiêu diệt đế quốc Mê-đi Ba-tư đến tận biên giới Ấn Độ, ứng nghiệm phần thứ 3 của pho tượng là phần bụng và vế bằng đồng.
Lịch sử cho chúng ta biết, sau 10 năm chinh chiến, khi quân Hi Lạp tiến đến Ấn Độ, gặp sự kháng cự mạnh, cộng thêm lòng quân đã nản vì xa nhà quá lâu muốn trở về quê, A-lịch-sơn phải rút quân về. Trên đường rút quân về đến kinh đô cũ của nước Mê-đi-Ba-tư, vua A-lịch-sơn thình lình băng hà, tuổi mới 33, thái tử còn quá nhỏ, nên đế quốc Hi Lạp rộng lớn bị chia thành 4 phần do 4 Đại tướng của A-lịch-sơn nắm giữ. Bốn vị Đại tướng nầy tranh giành nhau để rồi cuối cùng còn lại hai nước thuộc Sy-ri và Ai Cập, ứng nghiệm với 2 vế bằng đồng của pho tượng.
THỜI KỲ ĐẾ QUỐC LA MÃ từ năm 60 TC. đến 1453 SC.
Trong lúc đế quốc Hi Lạp suy yếu thì xa hơn nữa về phía Tây, một đế quốc La Mã với quân đội kỷ luật sắt nổi lên tiến quân về phía Đông đánh hạ Hi Lạp, lập thành một đế quốc rộng lớn từ Âu châu sang đến Trung Đông Lưỡng Hà. Đó là phần thứ 4 với ống chân bằng sắt của pho tượng.
Dĩ nhiên pho tượng có hai ống chân, và kỳ diệu thay, đến năm 330 SC, vì nhu cần tránh sự đánh phá của các bộ lạc German phía Bắc, Hoàng đế La Mã quyết định dời đô qua phía Đông tại bán đảo Thổ Nhĩ Kỳ, lập kinh đô mới là Constantinople, hình thành Tây đế quốc và Đông đế quốc La Mã ứng nghiệm chính xác lời tiên tri qua pho tượng Đaniên với hai ống chân bằng sắt.
THỜI KỲ BÀN CHÂN VÀ CÁC NGÓN CHÂN.
Kinh thánh nói rõ: bàn chơn thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét (2:33), được các nhà giải nghĩa Kinh thánh cho biết rằng, năm 1453 với sự sụp đổ của Đông đế quốc La Mã đánh dấu kết thúc chế độ phong kiến với nền quân chủ chuyên chế, thế giới bắt đầu xuất hiện hai chủ nghĩa đối chọi nhau là chủ nghĩa cứng rắn như sắt với chủ nghĩa mềm dẻo như đất sét. Dù vậy, lời Chúa phánCòn như vua đã thấy bàn chơn và ngón chơn nửa bằng đất sét nửa bằng sắt, ấy là một nước sẽ phải phân chia ra; nhưng trong nước đó sẽ có sức mạnh của sắt, theo như vua đã thấy sắt lộn với đất sét. Những ngón chơn nửa sắt nửa đất sét, nước đó cũng nửa mạnh nửa giòn.
CUỐI CÙNG CÁC THỜI KỲ.
Cuối cùng, lời tiên tri nói đến một Hòn Đá với 3 đặc điểm:
  1. Đặc điểm thứ 1: Hòn Đá không bởi tay người ta đục ra.
Hòn Đá là ai? Kinh thánh nhiều lần cho chúng ta biết Chúa Jêsus Christ được tôn xưng là Hòn Đá của mọi thời đại, Chúa Jêsus là Vầng Đá muôn đời. Quả thật vậy, Kinh thánh làm chứng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời giáng sanh làm người ở giữa thế gian không bởi tình dục, bởi ý người nhưng bởi Đức Chúa Trời (Giăng 1:13), Chúa Jêsus được thai dựng bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đức Chúa Trời.
  1. Đặc điểm thứ 2: Hòn Đá đập vào bàn chơn pho tượng,
Lời tiên tri cho chúng ta biết khi Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời giáng sanh thì Ngài đem sự giải cứu đến cho loài người khỏi quyền lực của quỉ Satan bằng sự chết chuộc tội của Chúa Jêsus trên thập tự giá đập tan sức mạnh của ma quỉ và sự sống lại của Ngài sau 3 ngày chịu chôn trong mồ mả, rồi Chúa Jêsus thăng thiên về trời với lời hứa Ngài sẽ trở lại. Người tin Chúa Jêsus sẽ không còn ở dưới ách nô lệ của ma quỉ nữa (Rôma 8:1). Rồi khi trở lại thế giới lần thứ hai, Chúa Jêsus Christ sẽ hủy diệt ma quỉ và những kẻ theo nó là các thế lực đời nầy, lập ra sự phán xét cả thế giới (Math. 25:31-33)
  1. Đặc điểm thứ 3‘Hòn Đá hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất’
Tiên tri Đaniên giải thích: Trong đời Vua nầy (tức là Hòn Đá), Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời (2:35, 44). Nước của Vua đời đời nầy là Hội thánh của Chúa Jêsus Christ
Đến đây tôi tin rằng Quý Vị thính giả không còn nghi ngờ gì nữa trước những điều Kinh thánh đã tiên báo trải qua mấy ngàn năm liên quan đến lịch sử nhân loại, và cũng phải nhìn nhận rằng không có quyển sách nào rao báo những lời kỳ diệu dường ấy. Phải nói một lời Kinh thánh không phải là một quyển kinh tôn giáo, mà là Lời của Đức Chúa Trời. Vấn đề là khi nào Hòn Đá tức là Chúa Jêsus Christ sẽ trở lại? Chúng ta chỉ cần kiểm tra lại sự ứng nghiệm các thời kỳ qua các Đế quốc, thì sẽ nhận ra ngay.
Kinh thánh ghi lại thái độ của vua Nê-bu-cát-nết-sa sau khi nghe lời tiên tri về pho tượng như sau: Bấy giờ vua Nê-bu-cát-nết-sa sấp mặt xuống …Đoạn, vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín nhiệm nầy (2:46-47). Cảm ơn Chúa, dù Nê-bu-cát-nết-sa là một vị vua bá chủ của thế giới thời đó, nhưng khi nghe lời tiên báo của Chúa, vua đã sấp mình xuống nhìn nhận Quả thật, Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua.
Hiện nay một số người nghe về Lịch Maya huyễn hoặc vậy mà tin và đầy lo sợ khi nghĩ đến ngày tận thế mình sẽ chết. Trong khi Lời của Chúa là Kinh thánh đã ghi về điềm tận thế qua lịch sử loài người chính xác đến từng chi tiết, tại sao Quý Vị lại không tin? Tin không phải để lo sợ, nhưng để mau mau ăn năn tội của mình với Chúa và bằng lòng tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình, rồi bất cứ giờ phút nào Chúa Jêsus Christ trở lại, Quý Vị cùng chúng tôi sung sướng ở bên Chúa đời đời vĩnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét