Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

SỢ & TIN CẬY


SỢ & TIN CẬY
GIÔ-SẾP, CHỒNG BÀ MA-RY
Ma-thi-ơ 1:18-25

CÂU CHUYỆN VUI
Tôi đang theo lớp huấn luyện về Y Tá. Tôi là một học sinh có lương tâm nghĩa là tôi học siêng năng và cẩn thận vì tôi mong sau này tôi sẽ là một y tá có lương tâm và yêu người. Thông thướng tôi  trả lời dễ dàng các câu hỏi trong các bài thi mỗi tam cá nguyệt. Vậy mà, trong một bài thi cuối năm, tôi gặp một câu hỏi cuối cùng không trả lời được. Thực ra tôi không biết câu trả lời. và hầu hết các bạn trong lớp tôi không ai biết câu trả lời . Câu hỏi đó là :
  1. Tên của người đàn bà tóc đen, có trách nhiệm lau chùi bàn ghế, quét dọn, lượm rác hằng ngày tại lớp học của bạn là gì ?
Tôi đã bỏ trống câu hỏi này và nghĩ rằng nó chẳng ảnh hưởng đến kết quả bài thi vì tất cả câu hỏi khác tôi đã biết câu trả lời trúng rồi.
Thật vậy, chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Trong ngày lễ tốt nghiệp, chúng tôi gặp ông thầy đã ra bài thi cuối cùng và nêu thắc mắc về câu hỏi này.
  1. Tại sao thầy đưa ra câu hỏi đó . Nó không liên hệ đến các bài dạy về ngành Y Tá?
  2. Câu hỏi đó có ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi hay không?
Ông thầy già chậm rãi trà lời.
  1. Thầy biết các con không trả lời được câu hỏi đó vì các con không biết tên của người đàn bà tóc đen, cần cù lau chùi bàn ghế trong lớp học.  Các con không biết tên của bà ta vì các con không để ý đến người đó. Các con không để tâm đến người khác, các con chỉ để ý đến mình và chỉ biết lo cho mình. Đời sống của một con người có giá trị nhiều hay ít là mức độ nghĩ đến người khác và dành thì giờ cho người khác.
Các con đã chọn ngành y tá là một nghề nghiệp chăm sóc người khác mà chỉ để ý đến mình thì các con không thể nào là một y tá theo đúng ý nghĩa của nó: một người hữu dụng và lương tâm. Câu hỏi chót của bài thi tuy không có ảnh hưởng nhiều đến kết quả bài thi nhưng nó thực sự nhắc nhở các con một điều mà nhà trường muốn dạy các con ghi nhớ vì nó hết sức quan trọng, Đó là mục đích của nghiệp dĩ mà các con đang theo này: hãy chú ý đến người khác.

Bây giờ tôi xin bắt đầu bài chia sẻ của tôi.
THẾ GIAN SỐNG TRONG SỰ SỢ SỆT
Thế gian luôn sống trong sự lo lắng sợ sệt. Loài người sợ mọi thứ vì cảm thấy không thể nào kiểm soát hay biết được tương lai.  Loài người sợ chết, sợ đau yếu, sợ đau đớn, sợ thất bại, sợ bị chê cười. sợ sự rủi ro, sợ bị phản bội, sợ người yêu phản bội, Sợ chồng hay vợ ngoại tình, sợ tài chánh thiếu hụt , sợ bị lỗ lã , sợ thất nghiệp, sợ ma quỷ, sợ bị hãm hại, sợ bị quả báo. Cao hơn một bậc, con người sợ kinh tế khủng hoảng, sợ stock mất giá, sợ chiến tranh, sợ thiên tai, sợ người thân gặp rủỉ ro, sợ khủng bố đặt bom trong các Malls, xe Metro . . . Con người sống trong sự lo và sợ.
BỐN CÁI SỢ TRONG CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH
Kinh Thánh cho chúng ta thấy. bốn cái lo sợ khác nhau của bốn nhân vật chung quanh câu chuyện Chúa Jesus giáng sinh.
(1) Trước hết là thầy tế lễ Xa-cha-ri sợ hãi khi thiên sứ hiện ra cho biết ông và vợ là bà Elizabeth sẽ có con. (2) Kế đó là ông Giô sếp sợ hãi khi biết người vợ sắp cưới đã mang thai. (3) Người thứ ba là ba Mary sợ hãi khi thiên sứ cho biết bà sẽ mang thai bởi Thánh Linh và (4) người sau cùng sợ hãi là các người chăn chiên sợ hải khi thiên sứ xuất hiện giữa đêm khuya báo tin Chúa Jesus chào đời.

Trước hoàn cảnh lo sợ đó, đức tin, sự tin cậy và niềm hy vọng là chủ đề chính của những câu chuyện Giáng sinh.
XA-CHA-RI SỢ HÃI – NGHI NGỜ
Trong Lu-ca đoạn 1 : 5- 23 , Lu-ca mở đầu câu chuyện Giáng sinh qua câu chuyện về thầy tế lễ Xa-cha-ri và người vợ là Êlizabét.  Cả hai là người công bình nhưng không có con và đã lớn tuổi. Đang lúc Xa-cha-ri hành lễ dâng hương, một Thiên sứ hiện ra. Xa-cha-ri thấy thì bối rối, sợ hãi. Nhưng Thiên sứ bảo đừng sợ vì lời cầu nguyện của ông bà đã được nhậm. Êlizabét sẽ sanh một con trai và đặt tên là Giăng. Giăng sẽ là cho người vui mừng hớn hở, Giăng sẽ được tôn trọng trước mặt Chúa và làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa. Xa-cha-ri không tin điều thiên sứ nói và do đó bị câm cho đến ngày Giăng được sanh ra.
Xa-cha-ri đã đối diện với sự sợ hãi bằng sự nghi ngờ nên nhận kết quả như vậy.
Loài người ngày nay cũng có thái độ của Xa-cha-ri. Đối diện với sợ hãi bằng sự nghi ngờ Chúa. Điều này được Chúa Jesus mô tả trong Lu-ca 11: 29-30:
“ Dòng dõi này là dòng dõi độc ác, họ xin một dấu lạ, song sẽ không cho dấu lạ nào khác hơn dấu lạ của Giô-na. Vì Giô-na là dấu lạ cho dân thành Ni-ni-ve, thì cũng một thể ấy, Con Người sẽ là dấu lạ cho dòng dõi này”.
Thiên sứ luôn luôn xuất hiện để báo tin vui về Đấng Cứu Thế sẽ xuống trần thế để mang con người ra khỏi sự lo lắng, sợ sệt.
GIÔ SÉP SỢ HÃI – TIN CẬY
Câu chuyện thứ hai và thiên sứ xuất hiện cho Giô sép trong giấc chiêm bao với hai ngạc nhiên lớn cho Giô sép :
  1. Ma-ry mang thai bởi Thánh Linh
  2. Đứa bé trong bụng sẽ là Đấng Cứu Thế.
Giô-sép đối diện với sự lo sợ bằng đức tin và vâng lời Đức Chúa Trời.
Hôm nay, đề tài chia sẻ cùng Hội Thánh là SỢ VÀ TIN CẬY và câu chuyện xoay quanh một nhân vật là ông Giô-sép.
Trước khi nói về ông ta, tôi muốn nhân dịp ngày cuối năm  có vài thắc mắc về Kinh Thánh. Những nhận xét này có thể làm quý vị ngạc nhiên khi nó được nói ra từ Mục sư của quý vị.
NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG CÂU TRẢ LỜI
Trong Kinh Thánh, có nhiều khoảng trống giữa các câu kinh văn làm nảy sanh nhiều câu hỏi. Không biết quý vị trong lúc đọc Kinh Thánh có phát hiện nhiều nghi vấn, thắc mắc như tôi không? Tôi có những thắc mắc mà không biết nhờ ai giúp tôi trả lời như:
  1. Sau khi ăn trái cấm thứ nhất rồi, E-va còn ăn tiếp tục trái thứ hai không ?
  2. Ông Nô-ê trong 40 ngày đêm lênh đênh trên mặt nước đó, ông có ngủ ngon giấc không ?
  3. Ông Giô-na sau đó có còn ăn thịt cá nữa không?
  4. Chúa Jesus có bao giờ nói chơi hay nói đùa với các môn đồ không?
  5. Ông Phi-e-rơ có còn muốn đi bộ trên biển nữa không?
Chúng ta biết là Kinh Thánh chỉ tập trung vào chủ đề là sự cứu rỗi loài người và viết đầy đủ về chủ đích đó nên bỏ qua nhiều chi tiết trong các câu chuyện, các ẩn dụ trong Kinh Thánh. Bởi vậy mà Giăng đã viết một câu rất chí lý là 
“ ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết thì ta tưởng cả thế gian
 không thể chứa hết các sách người ta chép vậy”. Giăng 21: 25.
Vì vậy chúng ta cứ thắc mắc, cứ tìm hiểu và càng tìm, càng đọc quý vị sẽ càng gần với Chúa hơn. Tôi muốn chia sẻ thêm vài thắc mắc khác của tôi.
  1. Tôi thắc mắc về người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình, khi được Chúa bảo hãy đi thì bà ta đi đâu? Nếu đi về nhà, bà ăn nói ra sao với chồng của bà và cuộc sống của bà ta sau đó như thế nào?
  2. Như ông Gai-ru, sau khi con ông được Chúa cứu sống, ông có tin Chúa không? Nhà Hội đó sẽ giải quyết tình trạng của ông như thế ? Người con gái được cứu đó có tin Chúa không? Gia đình của ông Gai-ru trước phép lạ đó có bước theo Chúa không?  Tôi thắc mắc vì tôi thấy có nhiều gia đình chứng kiến cha mình, mẹ mình , hay con mình được Chúa cứu mà vẫn không tin Chúa.

THẮC MẮC VỀ GIÁNG SINH
Chúng ta có thể tìm thấy những câu hỏi như vậy qua mỗi nhân vật, qua mỗi câu chuyện. Và đặc biệt, tôi có nhiều thắc mắc chung quanh câu chuyện Chúa Giáng Sinh.
  1. Ông chủ quán vì quá bận rộn từ chối không cho bà Mary thuê phòng, sau này có hối tiếc không?
  2. Các người chăn chiên có theo dõi cuộc sống của hài nhi Jesus để sau này trở thành môn đồ của Jesus không?
  3. Các thầy thông thái Đông phương sau đó trở về xứ rồi làm gì trước biến cố Giáng sinh này?
  4. Sau này, Giô sếp có dám sai biểu Jesus làm công việc như một đứa con của mình không?
  5. Khi Giô-sép cùng vợ và con trẻ lánh nạn ở Ai-cập làm sao sống? Họ có tiền dành dụm hay vẫn hành nghề thợ mộc để sống qua ngày?
GIÔ SÉP NGHÈO
Chúng ta không biết nhiều về Giô-sép.
Giô-sép là một người thợ mộc thường. Bốn mươi ngày sau khi sanh con trai đầu lòng, người mẹ phải lên thành Giê-ru-sa-lem làm lễ dâng con. Xuất 13:2. Cha mẹ phải mang một chiên con  hay cặp chim cu hoặc chim bò câu để làm sinh lễ tuỳ theo tình hình tài chánh của gia đình. Theo Lu-ca, Giô-sép dâng một cặp chim cu. Giô sép không giàu có, một bác thợ mộc tầm thường.
GIÔ SÉP NỔI BẬT TRONG GIAI ĐOẠN I
Ông được Kinh Thánh mô tả là một người thuộc dòng dõi Đa-vít, là một người công bình, người có nghĩa.
Qua đoạn đầu, trong cảnh thứ nhất của Chúa Jesus Giáng sinh, vai trò của Giô- Sép nổi bật.  Điều làm cho ông nổi bật nhất khi hoàn cảnh khó khăn xảy ra và ông đã giải quyết vấn nạn theo ý của Chúa. Đó là lúc ông phát giác người vợ sắp cưới, người vợ tương lai đã có thai, và dĩ nhiên  không phải với ông.
Chúng ta có thể tưởng tượng được sự tức giận, thất vọng của Giô-sép khi ông nghe tin này. Tuy nhiên, ông là người nhân từ, người có nghĩa không muốn tin tức này loan truyền và Ma-ri sẽ bị ném đá chết. Ông quyết định giữ kín tin tức này.
BỐN LẦN CHIÊM BAO
Cuộc đời của Giô-sép hoàn toàn thay đổi khi Chúa bắt đầu can thiệp vào. Và Giô-sép đã chứng minh ông là người vâng lời Đức Chúa Trời. Ông nhận bốn chỉ thị của Chúa qua có bốn chiêm bao và ông vâng lời tất cả.
  1. Lần đầu:  Thiên sứ báo tin Đừng sợ, đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ vì con trẻ chịu thai bởi Thánh Linh và dân tộc Do Thái sẽ được đứa bé này cứu khỏi tội. Ông vâng lời làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn.  Mathiơ 1:20-25
  2. Lần hai: Thiên sứ cho biết phải đem Ma-ri và con trẻ trốn qua Ai-cập. và ông vâng lời di tản dù bao nhiêu khó khăn trước mắt của cuộc di tản này. Mathiơ 2: 13
  3. Lần ba: Thiên sứ cho biết phải đem con trở về xứ và ông vâng lời - Mathiơ 2:19
  4. Lần thứ tư : Đức Chúa Trời mách bảo trong chiêm bao Giô sép vào xứ Ga-li-lê và ở tại Na-xa-rét. Ông vâng lời  Mathiơ 2: 22-23.

CHỈ XUẤT HIỆN THÊM MỘT LẦN
Chúng ta thấy trong màn đầu, vai trò quan trọng của Giô-sép và chúng ta tưởng rằng ông sẽ tiếp tục nổi bật trong những màn sau. Tuy nhiên, Giô sép chỉ xuất hiện một lần nữa khi Chúa Jesus được 12 tuổi . Ông dẫn gia đình về Giê-ru-sa-lrem dự lễ vượt qua. Lần này ông chỉ được viết qua bằng một chữ mơ hồ “ cha mẹ Chúa Jesus”. Từ đó, Kinh Thánh không nhắc đến ông nữa. Khi Chúa Jesus sắp chết trên cây thập tự, Ngài căn dặn Giăng chăm sóc bà Mary khiến cho người ta suy đoán lúc đó Giô-sép đã qua đời rồi.
GIÔ SÉP: ĐỪNG SỢ
Hãy trở lại câu nói của thiên sứ trong giấc chiêm bao đầu tiên của Giô-sép. Thiên sứ bảo ông “Đừng sợ mà lấy Ma-ri làm vợ vì cái thai trong bụng Mary là bởi Thánh Linh”
NGHĨ SAO VỀ LỜI CỦA THIÊN SỨ
Chúa biết Giô-sép sợ. Nếu theo lời Chúa dạy bảo mà lấy Ma-ri làm vợ, ông sợ bà con chê cười, gia đình chê cười, lối xóm, bạn bè chê cười. Ông sợ mang tiếng bị cắm sừng.  Ông không muốn lấy một người đàn bà đang có thai không phải với mình. Ông không muốn bị gọi là người ngu dại, người khờ . Chúa biết ông ngại nên Chúa sai thiên sứ giải thích cho ông. “Cái đang nằm trong bụng Ma-ri là bởi Thánh Linh”.
Ví dụ : Chúng ta có kế hoạch về một công tác chứng đạo.  Thực hiện kế hoạch này  sẽ gặp nhiều khó khăn : tài chánh, nhân sự, tinh thần, sự chống đối và không có gì bảo đảm sẽ thành công. Trong lúc phân vân, chưa biết phải quyết định như thế nào thì Chúa sai Thiên sứ báo tin trong chiêm bao cho quý vị rằng :
“Đừng sợ mà làm công việc đó vì đó là bởi Thánh Linh mà ra”.
Quý vị nghĩ sao? Câu nói trong chiêm bao đó có giúp quý vị tin tưởng mà thực hiện công tác hay không?
Nếu thiếu sự tin tưởng , nếu thiếu đức tin , nếu đa nghi thì chúng ta sẽ không cho đó là thiên sứ báo tin mà cho là ảo tưởng mà có. Ban ngày lo lắng quá nên ban đêm nằm ngủ thấy vậy mà thôi.
GIÔ-SÉP : NGƯỜI CÓ ĐỨC TIN
1. Giô-sép có đức tin vững vàng nên đã vâng lời Chúa một cách dễ dàng dù đó là chuyện vô cùng lớn lao, vô cùng khó khăn. Ông tin cậy ở Chúa. Ông tin khi ông là người hết lòng tin cậy Chúa, Chúa sẽ ở cùng ông và giúp ông. Ông vâng vì ông tin cậy Chúa.
2. Giô sép cũng là người tuân hành luật lệ của tôn giáo. Ông mang Jesus đến đền thờ Giê-ru-sa-lem để làm lễ dâng con, Ông mang Jesus về Gie-ru-sa-lem tham dự lễ Vượt qua hằng năm.
3. Ông Giô sép cũng là người tuân theo luật lệ quốc gia. Ông từ Na-xa-rét về Ga-li-lê để ghi tên vào sổ bộ theo lịnh của La mã 
4. Giô sép là người can đảm mang con và vợ sang Ai-cập tị nạn để bảo vệ tánh mạng con mình. Giô sép là người nhân từ và đầy tình yêu thương. Ông nghĩ đến Ma-ry hơn là nghĩ đến mình. Ông nghĩ đến tánh mạng của đứa bé hơn là tương lai sự nghiệp của mình.
CHÚNG TA QUÝ PHỤC GIÔ SÉP
Tôi quý phục con người của Giô-sép. Càng quý hơn khi chúng ta thấy với tất cả những đức tính tốt hiếm có đó, Giô sép chỉ xuất hiện trên Kinh Thánh rất ngắn và không một lời nói của ông được ghi lại.
Tôi nghĩ đến tâm trạng của Giô sép trong đêm Chúa Jesus giáng sinh tại chuồng chiên ở Bết-le-hem thuộc xứ Ga-li-lê.
TÂM SỰ CỦA GIÔ SÉP
Ông có tâm sự gì khi Chúa Jesus giáng sinh? Cái gì hiện ra trong đầu ông trong đêm bà Ma-ry sinh nở ? Có lẽ ông đã làm mọi cách để chuẩn bị như nước nóng, chỗ nằm cho vợ. Ông làm hết cách để bà Mary cảm thấy dễ chịu và sau đó ông bước ra ngoài. Ma-ry muốn được nằm yên một mình.
Trong khoảng khắc xa cách đó, trong khoảng khắc Chúa Jesus sắp chào đời đó, Giô sép nghĩ gì? Ông đứng  lặng lẽ trong bóng đêm và nhìn sao trời. Tôi tin ông đã cầu nguyện với Chúa.
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIÔ SÉP
Lạy Chúa, tình trạng này không phải là điều con muốn đâu. Con không muốn đứa bé này được sanh ra trong chuồng chiên như thế này đâu.  Đây là điều mà con không hề tưởng tượng sẽ xảy ra trong đời của con. Chuồng chiên mà thú đồng nằm ngủ với rơm rạ làm giường cho vợ con mình. Mary sanh con chỉ có các ngôi sao chứng kiến và nghe tiếng kêu đau đớn của nàng.  Đó là điều con không hề nghĩ đến hay tưởng tượng được. 
Không, con đã phác họa tương lai của gia đình con. Con thấy ông bà nội, ông bà ngoại, lối xóm láng giềng đứng ngóng mong ngoài cửa chờ đứa bé ra đời. Bạn bè đứng bên cạnh con chờ tin mừng. Con tưởng tượng cảnh nhà con đón chờ tiếng khóc chào đời của em bé. Tiếng vỗ tay, mừng rở đón nhận tin vui.  Đó là cảnh mà con tưởng tượng sẽ xảy ra. Cô mụ sẽ bồng em bé bước ra và trao lại cho con. Mọi người vỗ tay đón mừng. Ma-ry sẽ nằm nghĩ và chúng tôi sẽ ăn mừng.
Đó là điều con nghĩ đến và tưởng rằng nó sẽ xảy ra ít ra cũng là như vậy.
Nhưng bây giờ. Hãy nhìn. Nazarét cách xa tận 5 ngày đường. Nơi đây, bây giờ chỉ là chuồng chiên. Ai sẽ ăn mửng với con? Các con chiên? Các anh chăn chiên? Hay các vì sao cô độc trên trời?
Hình như không ổn. Con là một người chồng như thế nào đây? Con không cung cấp nổi một cô mụ để giúp vợ con lúc sanh nở. Không có giường chiếu để vợ nằm sanh con.  Chiếc gối mà vợ con đang kê đầu là cái chăn đắp của con chiên của ai bỏ lại trên đống rơm lạnh. Cái nhà mà con cung cấp cho vợ mình lúc sanh là một chuồng chiên với rơm.
Chúa ôi! Mùi hôi xông lên, thú vật kêu ồn ào.
Chính con cũng có mùi của một kẻ chăn chiên,
Chúa ơi ! Con đã thiếu xót điều gì?
Khi Chúa gởi thiên sứ báo tin với con về đứa bé này – con căn cứ theo lời của thiên sứ- con nghĩ rằng Ma-ry sẽ sanh con ở Thủ đô Giê-ru-sa-lem, trong đền thờ của Đức Chúa Trời, có các thầy tế lễ chứng kiến, mọi dân chúng hồi hộp đứng chờ Đấng Mê-sia ra đời. Một cuộc diễn hành sẽ xảy ra hay ít nhất một bữa tiệc liên hoan sẽ được tổ chức để chào đón vị cứu tinh dân tộc. vì đó là Đấng Mê-sia, Đấng Cứu Thế mà.
Còn nếu đứa bé không sanh tại Giêrusalem thì ít ra cũng sanh tại Nazarét. Nazarét có thể tốt hơn. Ít nhất cũng tại nhà của con và nơi con đang sinh sống làm ăn. Còn ở đây! Vài miếng gỗ, một chậu đựng nước nóng. Tất cả đều không phải điều con mong ước cho đứa bé này. Nhưng đứa bé này không phải là con của con mà chính là con của Chúa. 
Đó là con của Chúa. 
Đó là chương trình của Chúa. 
Đó là ý kiến của Chúa. 
Nhưng Chúa ơi! Đó là cách mà con của Đức Chúa Trời bước vào thế gian sao?
Nếu thiên sứ xuống thế gian trong cảnh như vậy, con có thể chấp nhận được.
Thiên hạ hỏi con về cái thai của Ma-ry, con có thể bỏ qua  Bỏ quê nhà Nazarét để đến Bết-lê-hem để ứng nghiệm với Kinh Thánh thì cũng được.
 Nhưng tại sao Chúa để Ma-ry sanh trong chuồng chiên hôi hám này?
Chốc nữa đây, Ma-ry sẽ sanh. Không phải một hài nhi bình thường mà là Đấng Cứu Thế. Không phải là một em bé mà là Đức Chúa Trời Ngôi Hai. Đó là điều mà Thiên sứ đã báo trước cho con. Đó là điều mà Ma-ry tin. Còn con, con rất muốn tin nhưng xin Chúa hiểu cho con, làm sao con tin được một cách dễ dàng được.
Con không quen đối phó với hoàn cảnh khó khăn. Con chỉ là một người thợ mộc. Con có thể làm cho nó trơn tru, con có thể bào cho nó không còn góc cạnh. Con có thể đo cắt cẩn thận cho vừa thước tấc.
Nhưng con không phải là nhà xây cất to lớn. Con chỉ là một công cụ , một dụng cụ trong chương trình của Chúa. Con chỉ là cái cưa trong tay Chúa. Con chỉ là cây đinh trong bàn tay của Chúa. Thật điên rồ khi con thắc mắc về kế hoạch xây cất trái đất này của Chúa. Thật điên khi con có thắc mắc. Xin Chúa tha tội cho con, Xin Chúa giúp con biết rằng con chỉ tin cậy vào Chúa vì dự án này là của Chúa chớ không phải của con.
Đó là điều tôi tưởng tượng nội dung lời cầu nguyện của Giô-sép.
CHÚNG TA Ở VÀO VI THẾ CỦA GIÔ-SÉP
Quý vị có bao giờ đứng vào vị trí của Giô-sép không?
Đứng giữa cái vị trí  mà một bên là Chúa phán bảo phải làm và một bên là vị thế thông thường hợp lý của con người.
- Có bao giờ Chúa phán cùng quý vị rằng hãy bỏ công việc đang làm nhàn hạ với đồng lương $80,000/ năm để làm công việc nhà Chúa chưa?
- Có bao giờ Chúa phán cùng quý vị phải ngồi dậy lái xe 30 dặm vào đền thờ trong cơn lạnh buốt xương để giao thông cùng Chúa chưa ?
- Có bao giờ Chúa phán cùng quý vị dù đang đau đầu, sổ mủi nhưng phải đến họp với anh chi em để bàn công việc nhà Chúa chưa ?
- Có bao giờ Chúa phán cùng quý vị bỏ tiệc tùng với bè bạn mà đến thông công với Hội Thánh vì họ cần sự có mặt của quý vị không?
Quý vị sẽ hỏi lại Chúa:
  1. Tại sao phải là chính con. Tại sao Chúa không chọn người khác, một người nào đó đang thất nghiệp hay người đang làm việc nặng nhọc mà  lương bổng ít  để hầu việc Chúa vì họ sẽ sẵn sàng.
  2. Tại sao phải vào đền thờ trong khi con có thể cầu nguyện với Chúa tại nhà để con khỏi phải lái xe 30 dặm đường xa
  3. Tại sao con phải đi họp trong khi con sắp bị đau ốm.
  4. Tại sao tôi phải bỏ bạn bè trong khi Chúa nhật nào con cũng gặp các anh chị trong Hội Thánh mà.
HÃY THEO GƯƠNG GIÔ-SÉP
Đó là những lại thắc mắc của Giô sép ngày nay.
Nếu ai đã từng đặt ra những câu hỏi tương tự như vậy, tôi khẩn cầu người đó nên làm theo điều Giô-sép đã làm.
Đó là vâng lời. Vâng, đó là điều Giô-sép làm. Ông vâng lời Chúa.
- Ông vâng lời khi thiên sứ báo tin.
- Ông nghe lờì khi bà Ma-ry giải thích.
- Ông vâng lời khi Chúa phán cùng ông.
Ông vâng lời Chúa khi bầu trời tươi sáng
và ông vẫn tiếp tục vâng lời Chúa khi trời u ám tối tăm.
- Ông không để những thắc mắc, những nghi vấn chi phối.
- Ông không biết mọi điều nhưng ông làm điều ông biết.
ÔNG ĐÓNG CỬA TIỆM
Ông đóng cửa tiệm mộc của ông, dọn nhà ra đi đến xứ khác.
Tại sao? Tại vì Chúa bảo ông như vậy.
Còn chúng ta? Chúng ta lý luận nhiều quá. Chúng ta đòi hỏi sự hợp lý, đòi sự giải thích rõ ràng hay đặt ra điều kiện khó khăn để dễ dàng từ chối  trong khi chúng ta cũng không biết gì cả về chương trình của Đức Chúa Trời như Giô-sép.
Chúng ta không thấy toàn diện bức tranh.
Cũng như Giô-sép, chúng ta chỉ thấy Chúa Jesus bước vào cuộc đời của chúng ta và cũng như Giô-sép, chúng ta phải chọn lựa : vâng lời hay không vâng lời.
Nên nhớ vì vâng lời, Chúa đã dùng Giô-sép để thay đổi thế gian này.
CHÚA ĐANG TÌM GIÔ-SÉP CỦA THẾ KỲ 21th
Ngài có thể dùng quý vị như đã dùng Giô-sép.
Quý vị có sẵn sàng nếu Chúa gọi quý vị không?
Ngài đang đi tìm những Giô-sép của thế kỷ 21 này. Quý vị sẽ phục vụ Chúa ngay khi quý vị không hiểu tại sao không?
SẼ TRẢ LỜI CÂU HỎI QUAN TRỌNG NHẤT CỦA GIÔ SÉP
Bầu trời Bết-lê-hem không phải đầu tiên hay lần cuối cùng nghe lời than vãn của Giô-sép. Thế gian này, lời than vãn kiểu Giô-sép đó lúc nào, ở đâu cũng vang rền.
Có lẽ Chúa sẽ không trả lời tất cả các câu hỏi của Giô-sép. 
Nhưng Chúa sẽ trả lời một câu hỏi quan trọng nhất:
“ Chúa vẫn ở cùng con, dù cảnh ngộ như thế nào. Phải không Chúa? 
Qua tiếng khóc chào đời của hàì nhi Jesus, câu trả lời của Đức Chúa Trời đã đến thế gian là “ Vâng, Giô-sép, Ta sẽ ở cùng người”
Trong Kinh Thánh có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời
Chúng ta sẽ có câu trả lời khi chúng ta về nhà với Chúa.
SẼ TRẢ LỜI THẮC MẮC CỦA CHÚNG TA
Trong Kinh Thánh, có nhiều thắc mắc không được giải thích.
Nhưng trong các thứ không được viết ra đó có một thắc mắc mà chúng ta sẽ không bao giờ cần hỏi nữa.
  1. Đó là Đức Chúa Trời có quan tâm đến chúng ta hay không ?
  2. Đó là Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục yêu thương con cái Ngài không?

Bởi vì qua gương mặt bầu bĩnh của hài nhi Jesus, Đức Chúa Trời đã trả lời PHẢI.
- Phải, tội của các con đã được tha
- Phải, tên của các con đã được chép vào sổ của sự sống đời đời trên thiên đàng
- Phải, tử thần đã bị đánh gục
- Và phải, Đức Chúa Trời đã vào thế giới của chúng ta và ở cùng chúng ta.
Ngài là Ê-ma-nu-ên. Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét