Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

FATHER'S DAY - MỘT NGƯỜI CHA THAY ĐỔI LỊCH SỬ

FATHER'S DAY - MỘT NGƯỜI CHA THAY ĐỔI LỊCH SỬ
Mathiơ  4:18-22

                       
“Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. 19  Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người. 20  Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài. 21  Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người. 22  Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.”

TIÊU CHUẨN CHO CON
Một cậu trai đang học năm cuối Trung học (senior HS) Tháng Giêng, câu nói với cha cậu rằng cậu muốn cha thưởng một chiếc xe khi cậu tốt nghiệp Trung học. Người cha suy nghĩ vài phút rồi đáp: Cha sẽ cho con chiếc xe mới với ba điều kiện : Điểm thi hàng tháng của con phải tiến bộ, con phải đọc Kinh Thánh và phải hớt tóc ngắn. Tháng Năm, cậu gặp lại cha mang theo tờ report của trường. Người cha xem xong rồi bảo : Tốt lắm, con học có tiến bộ. từ C con cố gắng được A. Ba cũng thấy mỗi sáng, con có đọc Kinh Thánh. Tuy nhiên con vẫn chưa hớt tóc ngắn. Cậu ta trả lời : Thưa cha, con có đọc trong Kinh Thánh và biết ông Môi se được mô tả là người có tóc dài ngay cả Chúa Jesus cũng không hớt tóc ngắn, sao cha ép con phải hớt tóc ngắn. Người cha hỏi lại : Con ạ! Con phải nhớ rằng Môi se và Chúa Jesus luôn luôn đi bộ và nếu con muốn đi bộ thì con không cần phải hớt tóc ngắn ! 
Người cha muốn dạy dỗ con cái thường đặt ra những tiêu chuẩn, những luật lệ trong nhà và người con thường có khuynh hướng hạ bớt tiêu chuẩn đó. Nếu cha không đủ cứng rắn, người cha thành người mẹ và gia đình đó thiếu cha.
“Con không cha như nhà không nóc” hay “con không cha như nòng nọc đứt đuôi”
Vì vậy, cổ nhân ta có câu : tề gia trị quốc bình thiên hạ là thứ bậc đo lường khả năng của một người đàn ông muốn đội đá vá trời.
MỘT NGƯỜI CHA TRONG KINH THÁNH: XÊBÊĐÊ
Hôm nay, tôi xin nói về một người tin nhận Chúa Jesus đã góp phần thay đổi lịch sử. Ông tên là Xê-bê-đê - có nghĩa là món quà của Đức Chúa Trời. Ông là một nhân vật ít được nói đến trong Kinh Thánh nhưng hai người con của ông đã góp phần thay đổi bộ mặt thế giới.
Ma-thi-ơ đoạn 4 đã nói đến ông ta như sau: ““Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đương thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. 19  Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người. 20  Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài. 21  Từ đó đi một đỗi xa xa nữa, Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền; Ngài bèn gọi hai người. 22  Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.”
CHUẨN BỊ CHO THẾ HỆ MAI SAU
Một bổn phận quan trọng của con người là chuẩn bị cho thế hệ mai sau. Xê-bê-đê mặc dù được nói đến rất ít nhưng được Chúa dùng để chuẩn bị cho hai người con trở nên môn đồ và sứ đồ của Chúa Jesus. Chúng ta không muốn giảm nhẹ vai trò của người mẹ của Gia-cơ và Giăng nhưng điều chúng tôi muốn làm là lượm lặt từ những giấy của Kinh Thánh nói về người cha của họ và vai trò của ông ta.
Tất cả chúng ta đều có cha. Cha hiện còn sống hay đã qua đời. Ông ta là một người tốt hay có thể là một người xấu. Chúng ta có ít nhiều ký ức về sự liên hệ với cha mình. Điều mà tôi muốn nói hôm nay là điều mà Đức Chúa Trời muốn một người cha như thế nào. Tôi sẽ dùng một người cha để làm mẫu. Đó là ông Xê-bê-đê. Ông ta có phải là người hoàn toàn không? Chắc là không. Ông được Chúa dùng cho chương trình của Ngài ? Chắc chắn rồi. Chúa không nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn tốt nhưng Ngài trông chờ chúng ta tìm kiếm Ngài. Khi chúng ta tìm Ngài và khi chúng ta muốn đi cùng với Ngài, ý tưởng đó đủ để tác dụng trên đời sống của mình và gia đình mình.
1.      XÊ-BÊ-ĐÊ ẢNH HƯỞNG TRÊN CÁC CON MÌNH
Xê-bê-đê ảnh hưởng mạnh trên đời sống của con. Kinh Thánh cho biết Chúa Jesus đang đi dọc theo bờ biển Galilê kêu gọi các môn đồ theo Ngài. Ngài thấy hai anh em “ là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền”
Xê-bê-đê nuôi nấng dạy dỗ Gia-cơ và Giăng từ lúc còn thơ ấu và kéo dài ảnh hưởng của người cha cho đến lúc hai người này trưởng thành. Ông ảnh hưởng đến việc chọn nghề của hai con và hai anh em này cùng đánh cá với cha.
Có thể định nghĩa lãnh đạo là nghệ thuật ảnh hưởng lèo lái người khác làm theo mình thì ở đây Xêbêđê cho chúng ta thấy nghệ thuật lãnh đạo của người cha qua đời sống của hai đứa con. Chúng ta thường thấy khi nhắc đến Gia cơ và Giăng người ta nói đến Xêbêđê. Tên của người cha được dùng để nhận dạng hai người con. Chính sứ đồ Giăng cũng viết trong Giăng 21:2 dùng tên cha mình để nhận dạng, chứng nhận con người của anh em ông.
DẠY CON LÀ MỘT BỔN PHẬN VÀ LÀ MỘT ĐẶC QUYỀN
Một người đàn ông bước đến gần hai đứa nhỏ đang đánh lộn trong công viên.  Ông ngăn cản và lôi một trong hai đứa lại ngồi trên một chiếc băng và ôn tồn dạy dỗ tác phong cần có của một người tốt như thế nào... Một người khác chứng kiến cảnh này từ đầu ngạc nhiên lại gần hỏi người đàn ông tại sao ông thiên vị không dạy dỗ cả hai đứa. Người đàn ông trả lời đứa nhỏ này là con của ông còn đứa kia không phải con của ông.
Phước thay cho chúng ta có một người cha luôn luôn dạy dỗ chúng ta lúc chúng ta có làm điều sai quấy
CÂU HỎI THỨ NHẤT CHO NHỮNG NGƯỜI CHA
Cuộc sống của Quý vị có ảnh hưởng đến con cái của mình không? Quý vị ảnh hưởng đến chúng theo chiều hướng hay tốt ? Quý vị gầy dựng con cái mình hay kéo con cái mình đi xuống ? Quý vị là nơi con cái nương tựa về tinh thần, tâm linh hay chỉ vật chất, tiền bạc ?
CHÚNG TA BIẾT RẤT ÍT VỀ ÔNG XÊ-BÊ-ĐÊ
Chúng ta biết rất ít về ông Xê-bê-đê này. Sở dĩ chúng ta biết tên ông vì Gia cơ và Giăng, hai đứa con của ông là hai sứ đồ thân cận với Chúa Jesus. Khi Chúa Jesus lên núi hoá hình, hai ông đi theo. Cả hai thấy Chúa Jesus làm phép lạ nhiều lần. Chúa sai hai ông đi truyền đạo và đặc biệt Gia cơ là người sứ đồ đầu tiên tử đạo. Ông bị vua Hê-rốt dùng gươm giết chết. Mặt khác Giăng là sứ đồ sống sau cùng trong các sứ đồ. Ông bị đày ra đảo Bát mô và tại đó ông viết quyển Khải-Huyền. Mặc dù Xê-bê-đê được nói đến rất ít, nhưng chúng thấy ảnh hưởng của ông trên các đứa con của mình. Ông đã có một quyết định thay đổi cuộc đời hai con và làm thế giới chuyển động. Quyết định đó là cho phép hai con đang làm việc với mình, đang sống dưới mái gia đình của mình, đang sống tùy thuộc vào kinh tế của gia đình bước đi theo Chúa. Ông biết dùng ảnh hưởng của ông để hướng dẫn con mình đi theo Chúa. Thế gian biết đến tên của hai con ông qua quyết định khôn-ngoan của ông.
TÔI CHỌN TƯƠNG LAI
Khi tôi đậu tú tài, tức là học xong Trung học, tôi có mấy cách chọn lựa. Thứ nhất là vào Không quân và tôi bị loại vì mắt tôi kém và nhất là tôi chóng mặt khi khám sức khỏe. Tôi đồng thời xin vào Hải quân và tôi được chọn. Tôi biết cha tôi không thích nên tôi chưa biết phải giải thích như thế nào. Ngày sắp trình diện tiểu khu để nhờ phương tiện di chuyển từ Cần thơ về bộ tư lịnh Hải-quân ở Sài gòn để đi ra Nha Trang thì anh rể của tôi từ Sài gòn về Cần thơ thăm gia đình qua một chuyến công tác. Anh lúc đó là Đại úy Hải quân và làm ở sở an ninh quân đội Hải-quân. Tôi nghỉ rằng anh sẽ giúp tôi thuyết phục cha tôi cho tôi vào Hải quân nhưng chính anh lại thuyết phục tôi đừng vào Hải quân. Tôi còn nhớ mãi lời anh nói: em vừa xong Tú Tài, tại sao không lên Sài gòn làm sinh viên vài năm chừng nào học hết vô thì hãy đi lính. Hơn nữa khóa mà em đi sẽ đào tạo sĩ quan giang thuyền vì Hoa kỳ sắp viện trợ để Hải quân thành lập nhiều giang đoàn. Mộng hải hồ của tôi bị tắc nghẽn. Do đó tôi về Sài gòn học ở ban Khoa học vì nghĩ rằng mình giỏi toán nên học khoa học. Té ra, các giáo sư toàn là người Pháp, họ dạy bằng tiếng Pháp nên vô cùng khó khăn để theo kịp các bạn. Thất vọng, tôi thi vào trường Sư Phạm và Quốc gia Hành-Chánh. Là hai nơi học có học bổng. Tôi đậu cả hai và không biết học ở trường nào. Lần này, tôi không giấu diếm cha tôi mà trái lại hỏi ý kiến của cha tôi. Chính ông muốn tôi học QGHC. Cha tôi nói : Ba làm thầy giáo suốt đời. Ba thấy nghề này quá bạc bẽo. Quan lớn đến tỉnh, thầy giáo dẫn học trò cầm cờ đi đón hai bên đường nên phải thức thật sớm . Đứng trên đường chờ chiếc xe chở quan lớn chạy qua, phất cờ rồi họ đi mất, thầy giáo phải dẫn học trò đi về trường. Trong khi đó các ông Hành Chánh ngồi trên khán đài và sau buồi lễ, họ đi dự tiếp tân. Tôi nghe theo lời cha tôi và tôi học QGHC. Cha tôi còn là một người dạy trường Chúa-Nhật và tôi theo cha tôi đến nhà thờ từ khi được 4 tuổi. Tôi nghe lời Chúa, thuộc lời Chúa từ lúc chưa biết đọc. Những lời Chúa đó ăn sâu trong con người tôi nên dù tôi có bon chen, có rẽ sang những con đường danh lợi, cuối cùng, tôi vẫn quay về với Chúa. Cha tôi ảnh hưởng trên đời sống tôi và cha tôi có những hướng dẫn tốt cho tôi.
LỜI KHUYÊN CHO CÁC NGƯỜI CHA
Điều mà tôi muốn kết luận trong điểm này là dù muốn hay không, khi chúng ta làm cha hay làm ông nội, ông ngoại, chúng ta có nhiều cơ hội ảnh hưởng đến con cháu mình và quan trọng là phải dùng ảnh hưởng đó để con cháu mình đi theo con đường mà Chúa muốn và để chúng có một tấm lòng kính sợ Chúa và vâng lời Chúa.
Ngày Father’s day năm rồi, tôi chia sẻ về sự tai hại của thái độ im lặng của A-dam khi Satan dụ dỗ E-va ăn trái cấm mà nhân-loại đều phạm tội cùng Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham im lặng với đề nghị của bà vợ Sa-ra ăn nằm với con đòi A-ga để Ích-ma-ên ra đời tạo ra một thế giới Ả-rập và  Hồi giáo gây xáo trộn cho đến ngày nay.
Hãy dùng ảnh hưởng của mình mà hướng dẫn gia đình đi theo đường lối của Chúa
Nếu Chủ nhật cha mẹ hay ông bà luôn luôn dành ưu tiên để đi thờ phượng Chúa thay vì đến những nơi vui chơi vô ích, con cháu mình sẽ có ngày nó nhận ra chân lý đó và sẽ bắt chước mình. Còn không, chúng ta không thể kiểm soát và không thể chặn đứng khi chúng nó bắt đầu ăn chơi, hoang đàng, lập nhóm. kết bè với những người không tin kính Chúa. Chừng đó dù có khóc ngày đêm, ngày này tháng nọ chúng cũng không quay về.
2.      XÊ-BÊ-ĐÊ DẠY CON VỀ NHỮNG GIÁ TRỊ
CÂU CHUYỆN VỀ TÔN AN
Thời Ðông Châu, có quan Tể Tướng nước Sở là Tôn Thúc Ngao bị đau nặng, bèn kêu con là Tôn An dặn rằng: “ Ta có một tờ di biểu, khi ta chết rồi, con đem dâng cho Ðại Vương. Nếu Ðại Vương có cho con làm quan, con chớ nhận.  Tài con nhỏ mọn, chớ nên dự vào đám quan trường.  Nếu Ðại Vương có phong ấp cho con, thì con phải từ chối. Bất đắc dĩ mà từ chối không được thì nên xin đất Tẩm Khấu là chỗ đất xấu chẳng ai thèm tranh.  Như thế con cháu sau này mới may hưởng được lộc.”
Nói xong ông tắt thở. Tôn An đem tờ di biểu dâng cho Sở Trang Vương.  Sở Trang Vương mở ra đọc.  Tờ di biểu viết như sau:
“ Tôi là Tôn Thúc Ngao, kẻ có tội, được Ðại Vương cho làm Tể Tướng.  Trong mấy năm nay vì tài hèn không lập được công trạng gì, lấy làm hổ thẹn.  Nhờ uy linh của Ðại Vương, đến lúc chết không đến nỗi bỏ thây, ấy cũng là may mắn lắm.
Tôi chỉ có một đứa con ngu dốt tên là Tôn An, không dùng được, còn cháu tôi là Viên Bằng có tài, xin Ðại Vương dùng đến.  Tuân Phủ và Bàng Bá vừa rồi bị ta đánh bại nhưng Ðại Vương chớ nên khinh thường.  Ðến như nước Sở ta, lâu này khổ vì việc chiến tranh, Ðại Vương cũng nên bớt chinh phạt. để dân chúng được an cư lạc nghiệp. Lời nói người sắp chết thường hợp với lẽ phải, xin Ðại Vương xét cho.”
Sở Trang Vương đọc xong thở dài và than rằng:
“ Tôn Thúc Ngao đến lúc chết cũng không quên đến xã tắc”
Nói xong, Sở Trang Vương thân hành đến nhà Tôn Thúc Ngao ôm lấy áo quan mà khóc.  Các quan theo hầu thấy vậy cũng ứa nước mắt.
Sở Trang Vương muốn phong Tôn An làm quan Công Chính nhưng Tôn An theo lời cha dặn, nhất thiết từ chối trở về làm ruộng.
Lúc bấy giờ, Sở Trang Vương có tin dùng một kép hát tên là Mạnh Ưu. Người lùn làm trò rất hay, lại có tài hát rất duyên dáng. Bởi vậy Sở Trang Vương thích lắm.
Một hôm Mạnh Ưu đi chơi ngoài đồng, gặp Tôn An đốn củi về. Mạnh Ưu đón lại hỏi:
“ Sao công tử lại làm việc nặng nhọc như thế này?
Tôn An đáp:
“ Cha tôi làm Tể Tướng mấy năm trời, không lấy một đồng tiền nào của ai, bởi vậy gia đình nghèo khó, tôi phải tìm kế sinh nhai.
Mạnh Ưu thở dài nói:
“Công tử vững tâm. Thế nào Ðại Vương cũng triệu công tử về làm quan”
Tối hôm ấy, Mạnh Ưu bày trò hát hầu Sở Trang Vương.  Sở Trang Vương đang uống ruợu, Mạnh Ưu cất giọng hát:
“ Quan tham việc không nên làm thế mà làm. Quan chính việc nên làm lại không làm. Quan tham con cháu được lên xe xuống ngựa, quan liêm con cháu phải nghèo nàn. Tôn Thúc Ngao làm Tể Tướng, đem thân liêm chính khuôn phò xã tắc, lúc tạ thế con cháu phải đốn củi nuôi thân! Khó nhọc trăm phần.”
Sở Trang Vương nghe hát chạnh nhớ đến Tôn Thúc Ngao, động lòng thương xót.  Ngày hôm sau, sai Mạnh Ưu đến triệu Tôn An.
Tôn An mặc áo rách, đi chân không vào triều lạy Sở Trang Vương.
Sở Trang Vương hỏi:
“Nhà ngươi đến nỗi cùng khổ thế sao?
Mạnh Ưu đứng bên cạnh đỡ lời:
“ Nếu không cùng khổ thì làm sao tỏ được cái liêm chính của quan Tể Tướng Tôn Thúc Ngao!
Sở Trang Vương nói:
“Tôn An trước đây từ chối không chịu làm quan chứ đâu phải ta phụ ơn quan Tể Tướng.”
Tôn An nói:
“ Phụ thân tôi đã có lời di chúc, tôi đâu dám trái lời.
Sở Trang Vương nói:
“Nếu nhà người không chịu làm quan thì ta phong đất cho để hưởng lộc.”
Tôn An từ chối chỉ xin một chút đất nơi Tẩm Khấu mà thôi.
Sở Trang Vương nói:
- Tẩm Khấu là nơi đất xấu có lợi gì cho nhà ngươi đâu ?
Tôn An đáp:
-  Khi phụ thân tôi gần chết có dặn như vậy. Tôi không dám trái lời.
Sở Trang Vương y lời, phong cho Tôn An đất Tẩm Khấu. Vì đất Tẩm Khấu xấu, nên không ai tranh giành, con cháu Tôn Thúc Ngao suốt đời hưởng lộc nơi đó.
Ở đời, kẻ tranh địa vị cao sang, giành giựt những miếng ngon, hưởng những cái tốt đẹp. Ðó là phần đông như vậy.  Ðến như Tôn Thúc Ngao, không muốn con cháu ra làm quan mà lãnh lấy phần đất xấu, mục đích là không ai tranh giành.  Ðó là cái khôn. Nếu không có địa vị, nếu không giữ ưu thế thì ai tranh giành làm chi. Vậy cái khôn cũng có nhiều cách lắm thay!
Cái giá trị mà quan tể tướng Tôn Thúc Ngao thấy là cái giá trị lâu dài, bền bỉ và an-toàn. Người cha Xê-bê-đê cũng dạy cho hai con của ông nhiều giá trị trong cuộc sống.
GIÁ TRỊ CỦA SỰ LÀM VIỆC
Đầu tiên chúng ta thấy ông dạy hai con về giá trị của sự làm việc. Ngài thấy hai anh em khác, là Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền.
Hai con của ông là hai người đang làm việc với ông. Ông Xê-bê-đê là người cha chuẩn bị tương lai cho con mình. Phao lô cũng đồng ý với Xê-bê-đê về sự làm việc của con người trong lá thư gởi cho Hội Thánh Tê-sa-lo-ni-ca :  “Khi chúng tôi ở cùng anh em, cũng đã rao bảo cho anh em rằng: nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.” 2 Tê-sa-lo-ni-ca 3:10
Qua Kinh Thánh, chúng ta biết Xê-bê-đê khá giả. Vợ ông là Sa-lô-mê (đối chiếu Ma-thi-ơ 27:56 và Mác 15:40) . Ông có nhân công làm việc dưới ông  ( mác 1:20). Ông có ít nhất là hai chiếc thuyền – Lu-ca 5:4. Có thể Si-môn Phi-e-rơ làm việc với ông. Dù khá giả, ông không nuông chiều hai con và ông dạy chúng phải làm việc. Gia-cơ và Giăng cùng đeo đuổi nghề đánh cá,  nối nghiệp cha.
Người cha khôn ngoan phải biết tài trí và đức độ của con mình. Mẹ của Giăng và Gia cơ đòi một địa vị cao sang cho hai con đã bị Chúa Jesus quở trách là không tự biết mình Mathi ơ 20.
GIÁ TRỊ VỀ SỰ SỐNG HOÀ-HỢP VỚI NGƯỜI KHÁC
Xê-bê-đê không những dạy con mình phải làm việc mà còn dạy phải làm việc với nhau. “đang cùng cha mình là Xê-bê-đê vá lưới trong thuyền.” Đây cũng là một nghệ thuật sống trên đời. Quan trọng để sống trên đời là làm sao sống hoà-đồng với người chung quanh. Có một số người làm việc rất giỏi nhưng thiếu thân thiện với các đồng nghiệp khiến cho khung cảnh làm việc thật tồi tệ. Chúng ta cần học để có thể làm việc hài hòa với người đồng-nghiệp. Xê-bê-đê dạy hai con làm việc chung với nhau.
GIÁ TRỊ VỀ SỐNG CÓ QUYẾT ĐỊNH ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Giá trị thứ ba mà ông Xê-bê-đê dạy hai con của ông là làm sao giải quyết vấn đề.
Câu Kinh Thánh trên cho biết Gia-cơ và Giăng cùng ở trên thuyền với cha mình là Xê-bê-đê cùng vá lưới trong thuyền. Điều này có nghĩa là khi đánh cá họ dùng lưới, lắm khi lưới bị rách vì có nhiều cá hay có cá lớn vẩy vùng làm rách lưới. Chúng ta thấy Gia-cơ và Giăng vá lưới. Một cái lưới bị rách, hai ông ngồi vá lại. Hai ông thấy vấn đề xảy ra và phải giải quyết vấn đề đó ngay tức khắc.
Tôi muốn quý vị chú ý điều xảy ra cho Gia-cơ và Giăng, đặc biệt là Giăng. Chúa Jesus kêu gọi không nhằm lúc Giăng đang đánh cá mà lúc Giăng đang vá lưới. Lý do mà Giăng viết sách Phúc âm Giăng, ba lá thư và lý do mà Giăng viết sách Khải-Huyền vì lúc đó những tà thuyết, dị giáo nổi lên và Đức Chúa Trời dùng sứ đồ Giăng qua ngòi bút của ông cho một mục đích duy nhất là chỉnh đốn lại, vá lại điều mà Satan cố gắng làm cho rách nát.
Chúng ta thấy Xê-bê-đê dạy con ông về việc đánh cá, làm việc trên thuyền, làm việc chung với nhau và dạy cách xác định vấn đề và giải quyết vấn đề. Ông dạy các con phải tiên đoán, phải thấy trước vấn đề. Nếu không vá các lỗ trên lưới, cá sẽ chạy vuột khỏi lưới. Phải có kế hoạch để giải quyết vấn đề và cuối cùng phải có quyết định.
Ngài bèn gọi hai người, Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.”Đọc trong Phúc Âm Giăng, chúng ta biết họ đã biết Chúa Jesus trước, cha con Xê-bê-đê đã nghiên cứu trước nên bây giờ khi Chúa Jesus kêu gọi, họ quyết định.
QUYẾT ĐỊNH CỦA NGƯỜI CHA
Quý vị hãy tưởng tượng người cha Xê-bê-đê đang sống trong nghề cá. Có Phi-e-rơ và hai con là Gia-cơ và Giăng giúp đỡ.  Chắc chắn ba người trai trẻ này đóng vai trò quan trọng cho ông trong công cuộc làm làm ăn của ông. Có ba người thân tín này, ông ít lo lắng vì có người tin cậy và hết lòng. Quyết định để hai con và để người phụ tá Phi-e-rơ bỏ mình để theo Chúa Jesus không phải là một việc dễ dàng. Nhưng Ma-thi-ơ chỉ đơn giản ghi:    “tức thì hai người bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài” 
Chắc chắn có sự chấp thuận của người cha Xê-bê-đê trước và kể từ đó tên ông tiếp tục đi kèm theo tên của hai con nhưng không hề thấy ông xuất hiện nữa.
CÂU CHUYỆN MỘT THANH NIÊN BỊ RA TOÀ
Một thanh niên đứng trước quan tòa về tội giả mạo. Ông Chánh án là bạn của cha bị cáo. Người cha nổi tiếng vì ông là tác giả một quyển sách luật về đầu tư. Quan Toà hỏi : Này cậu thanh niên, khi cậu hành động gian-dối cậu có nghĩ đến cha của cậu không ? Cậu có biết đã làm cho cha mình thất vọng không? Cậu thanh niên nhỏ nhẽ đáp : Thưa quan tòa tôi biết điều đó rất kỹ và tôi cũng còn nhớ mỗi khi tôi đến gặp cha tôi để hỏi ý kiến hay để xin cha tôi cố vấn thì cha tôi luôn luôn quát lớn tiếng rằng: “Ê nhóc, hãy đi chỗ khác chơi, cha đang bận ! Bây giờ cha tôi viết xong cuốn sách và tôi cũng xong cuộc đời tại đây!”
Quý vị thấy, người cha có ảnh hưởng đến con và nếu người cha không dùng cái ảnh hưởng đó để hướng dẫn con thì một ngày nào đó cả cha và lẫn con đều hối hận.
BỔN PHẬN CON ĐỐI VỚI CHA
Suốt đời của người cha là lo cho con và hôm nay, tôi nghĩ rằng các người con cũng nên dành thì giờ lo lắng cho cha của mình.
Điều răn thứ 5 dạy rằng “ Hãy hiếu-kính cha mẹ người hầu cho người được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” Hiếu kính là không làm buồn lòng cha mẹ, lo lắng cuộc sống của cha mẹ, kính trọng cha mẹ không vì cha mẹ yếu đuối, lẩm cẩm, dốt nát, nghèo nàn, túng thiếu mà khinh khi cha mẹ.
Theo Khổng Tử, người có hiếu trước hết phải nuôi cha mẹ. Nuôi thì phải kính, chớ không kính thì không gọi là có hiếu được. Một hôm Tử Du hỏi về hiếu, Khổng Tử nói: “ Kim chi hiếu giã, thị vị năng dưỡng, chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ ”. Trần Trọng Kim giải nghĩa: Nếu bảo nuôi được cha mẹ là hiếu thì đến như giống chó giống ngựa đều có người nuôi thì lấy gì mà phân biệt? Vậy thì nuôi cha mẹ cốt ở tấm lòng, ở sự thành kính, ở sự yêu thương. Dầu phải ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cha mẹ được vui, ấy gọi là hiếu. 
Khổng Tử còn dạy môn đệ không được làm cha mẹ buồn khi cha mẹ còn sống. Bởi vậy con không được đi xa.  Có đi xa phải cho biết chỗ để cha mẹ không phải lo, có thể tìm gọi được “ Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương”.
Thế thì ngày xưa, Khổng tử dạy phải đối xử với cha mẹ như thế nào,nếu cha mẹ làm điều trái đạo như trường hợp của Bà Thái Hậu Triệu Cơ ?
Khỗng tử  nói: “ Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán”  Cha mẹ có làm điều gì lầm lỗi, con phải tìm cách dịu dàng mà can ngăn, nếu cha mẹ không nghe, thì kính mà không trái lễ dẫu có bị đành đập đau đớn cũng không oán giận. Như vậy, khi cha mẹ làm điều gì trái lẽ, con phải hết sức can ngăn nhưng can gián theo lễ.  Hiếu có hợp với lễ mới thật là hiếu.
Ðiều chính của Khổng học là sự  trung dung.  Nhiều người không hiểu thâm ý của chữ hiếu nên cứ câu nệ về hình thức bề ngoài bày ra những nghi cách phiền toái, làm mất cả cái tinh thần giản dị, thành-thực của hiếu-đạo. “ Hiếu cũng như mọi việc cư-xử khác trên đời, lấy tấm lòng và sự cung-kính làm trọng còn những hình thức thì phải hợp thời, hợp cảnh nếu không thì cứ bỏ đi có ngại gì đâu” ( Trần Trọng Kim- Nho Giáo , quyển Thượng, trang 109).
Một trong mười điều răn mà Ðức Chúa Trời để lại cho loài người là :“ Phải hiếu-kính cha mẹ” ( Xuất 20:12)  Luật-pháp mà Ðức Chúa Trời truyền lại cho Môi se cũng quy định rằng: “Ðáng rủa-sả thay người nào khinh bỉ cha mẹ mình” ( Phục 27:16) Kinh thánh minh định rằng : không vâng lời cha mẹ” là có tội ( Rô ma 1:30) hay là “ hỡi kẻ làm con cái hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải” (Ê-phê-sô 6:1). “vâng phục cha mẹ mình trong Chúa” là vâng phục theo lẽ phải, theo ý Chúa.
Những người coi việc hiếu thảo qua hình thức lập bàn thờ và cúng tế hàng năm là quan trọng mà chỉ trích những cơ đốc nhân là những người quên công ơn cha mẹ vì không thấy các cơ đốc nhân này cúng lạy hàng năm.  Tuy nhiên, chúng ta nên coi việc hiếu thảo với cha mẹ qua cách cư-xử với cha mẹ lúc cha mẹ còn sống và đời sống của các con khi cha mẹ qua đời có xứng đáng hay không mới là những người nắm được lẽ hiếu đạo của con người.
CON LO CHO CHA
Do Mục sư Bruce Humphrey kể
Khi vừa học xong Thần học, tôi, vợ tôi và đứa con trai 2 tuổi được chỉ định đến một làng thổ dân ở Alaska. Chuyến bay chuyển tiếp để đến làng này là một chiếc phi cơ chong chóng nhỏ chỉ có 6 chỗ ngồi và ồn ào dễ sợ. Con trai tôi kinh khiếp quá nên nó lấy cái mền quấn bao cả cái đầu của nó cho đến khi phi cơ đáp xuống phi đạo bằng đất . Sau này, qua nhiều tháng chúng tôi phải học hỏi, điều chỉnh với nền văn hoá mới, phong tục và nếp sống của dân cư trong vùng, Đứa con trai tôi đi đâu cũng mang theo chiếc mền nên chẳng bao lâu chiếc mền đó trở nên mỏng và có vài nơi bị rách. Nó không thể ngủ nếu không có cái mền đó.
Sang năm thứ hai, tôi được mời về Seatle để trình bày trong một buổi Hội -Thảo về công- tác truyền- giáo. Trong khi tôi bận rộn chuẩn bị áo quần cho chuyến đi, con trai tôi cứ quấn quýt bên cạnh theo tôi hết phòng này sang phòng kia và hỏi tôi liền miệng: Nó hỏi tôi đi đâu, tại sao phải đi, bao giờ về, có ai đi chung với tôi không ... Tôi đang bận lo cho bài thuyết trình nên tôi hơi bực bội và tôi chỉ trả lời cho có mà thôi. Tôi cũng đang lo làm sao tới kịp phi trường trong làng, để phi cơ địa phương chở tôi đến phi trường chánh. Con trai tôi hình như lo lắng cho chuyến bay này, vì có lẽ nó nhớ lại chuyến bay chở nó đến đây. Vì vậy tôi cố an ủi nó, đừng lo lắng cho tôi. Tôi sẽ về an-toàn và tôi dặn dò nó chăm sóc mẹ nó trong lúc tôi vắng mặt. Nó gật đầu nhưng không dấu tôi nét mặt lo lắng của nó.
Khi tôi đến khách sạn ở Seattle, tôi không có đủ thì giờ để lấy quấn áo ra khỏi vali đê bỏ vào tủ vì vội vàng dự buổi họp sơ bộ. Đến tối tôi mới trở về phòng và đều làm tôi bối rối vô cùng khi tôi phát giác cái mền an toàn của con trai tôi để lẫn trong quần áo của tôi. Tôi vội vàng gọi điện thoại cho vợ tôi. Tôi hình dung cảnh vợ tôi bối rối đi tìm cái mên cho đứa con trai vì không có nó sẽ không chịu ngủ. Tôi cho vợ tôi biết cái mên của nó trong vali của tôi và tôi định nói vài lời xin lỗi vì lầm lẫn của tôi. Nhưng trên đầu dây điện thoại kia, vợ tôi cho biết đã biết rồi. Vợ tôi biết trong vali của tôi có cái mền của con tôi. Vợ tôi kể thêm rằng: vợ tôi bồng con tôi nhìn qua cửa sổ lúc tôi rời nhà để đến phi trường. Vợ tôi đề nghị là cầu nguyện cho tôi đi về được bình an. Khi vợ tôi chấm dứt lời cầu nguyện thì con trai tôi nói : “ Mẹ đừng lo cho cha, Con cho cha cái mền của con đề cha đi về được an-toàn.”
Các người con, hãy học bài học từ một đứa con 3 tuổi mà chăm-sóc, lo-lắng cha mẹ mình.
Điều răn thứ 5 dạy rằng “ Hãy hiếu-kính cha mẹ người hầu cho người được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” Hiếu-kính là không làm buồn lòng cha mẹ, lo lắng cuộc sống của cha mẹ, kính-trọng cha mẹ, không vì cha mẹ yếu-đuối, lẩm-cẩm, dốt- nát, nghèo-nàn, túng-thiếu mà khinh-khi cha mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét