KHI BẤT ĐỒNG Ý KIẾN
Giăng 13:35 . “ Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta ”
Công Vụ 15:36-41 “ Sau ít lâu, Phao-lô nói với Ba-na-ba rằng: Chúng ta hãy trở lại thăm hết thảy anh em trong các thành mà chúng ta trước đã giảng đạo Chúa, xem thử ra thể nào. 37 Ba-na-ba muốn đem theo Giăng cũng gọi là Mác. 38 Nhưng Phao-lô không có ý đem Mác đi với, vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với. 39 Nhơn đó có sự cãi lẫy nhau dữ dội, đến nỗi hai người phân rẽ nhau, và Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ. 40 Còn Phao-lô sau khi đã chọn Si-la, và nhờ anh em giao phó mình cho ân điển Chúa, thì khởi đi. 41 Người trải qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, làm cho các Hội thánh được vững bền.
Quý vị đều biết là chúng ta cần cầu nguyện ngay bây giờ. Xin mời tất cả đứng lên và cùng tôi cầu nguyện.
“ Lạy Chúa, con là Trần nhựt Thăng, con của Cha và cũng là tôi tớ của Cha. Cha mang con đến đây để con chia sẻ lời của Cha. Đức Thánh Linh đã giúp con chuẩn bị bài và con xin Đức Thánh Linh ở cùng con trong giờ này để giúp con trình bày mạch lạc, đầy đủ rõ ràng những ý nghĩa và dạy dỗ của Cha. Con cũng xin Đức Thánh Linh ở cùng người nghe, giúp quý ông bà nghe những gì cần nghe và nhất là giúp mọi người gạt bỏ, cất khỏi những lo lắng của cuộc sống thế gian còn trong lòng. Xin Chúa tẩy sạch tâm tư của mỗi con dân Ngài để mỗi lòng của chúng con như tờ giấy trắng tinh ,sẵn sàng ghi đậm lời hằng sống và lời phán dạy của Cha. A-men ”
Thưa Hội Thánh
Chúng ta, những Cơ đốc nhân bất đồng ý kiến với nhau là việc thường xảy ra. Có khi chúng ta không đồng ý với nhau qua những việc thật buồn cười. Ví dụ như một Mục sư giào sĩ cho rằng không thể dùng tiền của người ngọai đạo để làm công tác truyền giáo và chúng ta không đồng ý với ông. Có Mục sư nói rằng trong nhà có một chai bia là phạm tội, chúng ta không đồng ý với ông. Đức Chúa Trời đã tạo ra con người. Có vị giảng rằng Satan muốn bắt chước mà vì không có đủ quyền năng nên Satan chỉ tạo ra con khỉ. Dỉ nhiên chúng ta không đồng ý. Những ý kiến bất đồng này thì dễ phân biệt đúng sai vì có Kinh Thánh làm chuẩn. Tuy nhiên có những bất đồng ý kiến xảy ra mà Kinh Thánh không đề cập nên chẳng bao giờ biết ai đúng ai sai.
Tôi không biết quý vị có để ý là những Hội Thánh đầu tiên cũng có rất nhiều bất đồng ý kiến. Khi chúng ta đọc hai lá thư Rô-ma hay I Cô-rinh-tô chúng ta khám phá là các Cơ đốc nhân tại hai Hội Thánh này vào thời đó đã có bất đồng với nhau về cách ăn uống, về ngày Sa-bát, về ăn thịt hay ăn rau cải, về việc uống rượu, về vai trò của đàn bà. Trải qua bao thế kỷ, mặc dù việc bất đồng giữa các Cơ đốc nhân càng mở rộng nhưng Cơ đốc giáo tiếp tục phát triển. Như vậy sự bất đồng không cản trở sự phát triển Hội Thánh
Nhìn quanh vùng Thủ đô chúng ta thấy có bao nhiêu tín đồ của Chúa mà có bao nhiêu Hội Thánh đủ thấy Cơ đốc nhân bất đồng với nhau về bao nhiêu vấn đề. Giáo hệ Báp tít có khỏang 36 phái khác nhau và có khỏang 10 Hội Thánh Báp Tít Việt nam tại vùng này.
Vậy thì câu hỏi cho chúng ta là
- Cơ đốc nhân sẽ phải làm sao nếu có bất đồng ý kiến với nhau? Nghĩa là nếu chúng ta không đồng ý với nhau thì giải quyết như thế nào ?
- Làm sao chúng ta biết ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai? Nghĩa là làm sao biết ý kiến nào đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời ?
MỘT CUỘC TRANH CHẤP CỔ ĐIỂN
Để trả lời những câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta cần nghiên cứu một cuộc tranh chấp vì bất đồng ý kiến đã xảy ra hai ngàn năm nay giữa hai người bạn thân cùng là sứ đồ mà Bác sĩ Lu-ca có ghi lại trong sách Công vu 15: 36-41. Đó là cuộc tranh cãi giữa sứ đồ Phao-lô và Ba na ba.
Lu-ca ghi : “ Sau ít lâu, Phao-lô nói với Ba-na-ba rằng: Chúng ta hãy trở lại thăm hết thảy anh em trong các thành mà chúng ta trước đã giảng đạo Chúa, xem thử ra thể nào. Ba-na-ba muốn đem theo Giăng cũng gọi là Mác. Nhưng Phao-lô không có ý đem Mác đi với, vì người đã lìa hai người trong xứ Bam-phi-ly, chẳng cùng đi làm việc với”
Phao-lô không đồng ý với Banaba về việc cho Mác cùng đi theo trong chuyến đi truyền giáo này. Phao-lô nhớ đến chuyến đi đầu tiên, không biết vì lý do nào, mà giữa cuộc hành trình, khi đến thành Bẹt-giê trong xứ Bam-phi-ly, Mác lìa bỏ hai ông để trở về Jerusalem . Có lẽ , tôi nói có lẽ vì Kinh Thánh không cho biết tại sao, có lẽ Phao-lô cho rằng Mác thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần, thiếu lòng yêu thương đùm bọc giúp đỡ nhau và bỏ cuộc. Vì vậy Phao lô kết luận Mác không đáng tin cậy và Phao lô không muốn làm việc Chúa với hạng người như vậy.. Phao-lô còn nhớ mãi lời Mác nói lúc đó: “ Tôi không muốn đi xa hơn nữa. Tôi muốn quay về” rồi bỏ về.
Bây giờ , trong chuyến đi thứ hai này, Ba-na-ba đề nghị : “ Tôi muốn cho Mác một cơ hội thứ hai.” . Nhưng Phao-lô nhất định : “Không! Hãy quên nó đi” Và sự bất đồng này không thể giải quyết vì hai ông đều khăng khăng giữ ý của mình. Lu-ca ghi trong câu 39 rằng : “ Nhơn đó có sự cãi lẫy nhau dữ dội, đến nỗi hai người phân rẽ nhau”
Họ cãi nhau dữ dội đến nổi họ chia rẽ nhau, mỗi người đi mỗi ngã. “ Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ. 40 Còn Phao-lô sau khi đã chọn Si-la, và khởi đi qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si “ Nghĩa là Ba-na-ba đi về hướng Tây, còn Phao-lô đi về hướng Bắc.
Chúng ta hãy cùng nhau m ổ xẻ câu chuyện này để rút ra những bài học quý báu.
Có tất cả 7 điểm nổi bậ t và sẽ cố gắng trình bày ngắn gọn theo thời gian cho phép.
#1- Tuy cùng thờ một Chúa nhưng Cơ đốc nhân luôn có những bất đồng
Nếu quý vị là con dân Chúa lâu năm, chắc chắn quý vị có kinh nghiêm là chúng ta bất đồng ý kiến với nhau về rất nhiều vấn đề . Hồi tôi còn nhỏ 9, 10 tuổi tức là hơn 60 năm trước, tôi thường nghe ba tôi than phiền về những c ã i v ã , giận hờn nhau tại Hội Thánh Tin Lành Cần thơ . Rồi bây giờ tình trạng đó cũng tiếp tục xảy ra trong các Hội Thánh tại hải ngoại. Bất cứ cái gì đưa ra bàn luận, chúng ta đều gặp sự tranh luận, bất đồng ý kiến với nhau. Tôi thử làm một danh sách các vấn đê mà có thể gây ra sự bất đồng:
Xem TV, xem phim bộ, uống rượu bia, rượu chát, uống tại nhà, ngòai tiệm, hút thuốc lá có được mời cầu nguyện không, ăn đồ cúng, dự tang lễ tại chùa, đàn ông để tóc dài, mặc quần jean vào nhà thờ. Y phục trong buổi thờ phượng, Người đã ly dị có được làm truyền đạo hay Mục sư không, âm nhạc trong giờ thờ phượng, đánh trống, thổi kèn trumpet, tôn vinh bản nhạc nào thì được . . .
Bước vào lãnh vực cao hơn đàn bả được dạy Kinh thánh cho đàn ông không, phá thai, ngừa thai, đám cưới cho hai người đã ly dị, hay đang có thai, có được làm việc tại quán rượu không, tại các sòng bài không, nói tiếng lạ, ngày lễ Haloween, vấn đề chính trị , vấn đề bỏ phiếu cho ai, không khí trong giờ thờ phượng : vui tươi, sôi động hay nghiêm trang kỉnh kiền . ai được mời cầu nguyện, ai được phép làm chứng, ai được dự tiệc thánh : lúc nào, bao lâu, có được vỗ tay trong giờ thờ phượng không. . .
Đó là chưa đặt vấn đề tổ chức nhạc hội truyền giảng, ai được hát, bản nhạc nào, ai là diễn giả … lấy tiền của ai, ai trong ban tổ chức …
Còn nữa nhưng chúng ta có thể chia các điều bất đồng đó ra hai danh sách.
- Một danh sách gồm những bất đồng không quan trọng có thể dung hòa hay không đưa đến tranh cải và có thể bỏ qua hay chấp nhận ,
- Một danh sách là những vấn đề quan tr ọ ng không thể dễ dàng dung hòa.
Tuy nhiên, nếu đưa danh sách những mối bất đồng đó cho 10 vị để yêu cầu mỗi vị chia ra hai danh sách một có thể dung hòa, hai khó có thể thay đổi thì chúng ta sẽ thấy qua 10 vị, danh sách chia đó không ai giống ai nghĩa là luôn luôn có sự bất đồng ý kiến..nghĩa là bất đồng trong những cái bất đồng.
Nguyên tắc # 2: Có những bất đồng hết sức trầm trọng.
" Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao ? " ( A-mốt 3:3 ). M uốn đồng hành thì hai người cần phải đồng thuận. Không thể đồng hành nếu không có sự đồng thuận .
Câu 30 Lu-ca viết : “ Nhơn đó có sự cãi lẫy nhau dữ dội, đến nỗi hai người phân rẽ nhau ” Cãi lẫy dữ dội tiếng Anh dịch từ tiếng Hy lạp là chữ Paroxysm có nghĩa là dữ dội, có thể đưa đến ấu đ ả nhau. Nó không nhẹ nhàng như Banaba nói: Tôi muốn mang Mác theo,. Phao-lô trả lời: “ tôi không đồng ý” Banaba nói: “Hãy cho nó một cơ hội” “Không, nó không thay đổi đâu” “ Chúng ta hãy cầu nguyện”
Không! Hai người không đối thọai nhẹ nhàng như vậy đâu! Họ gần như xô xát nhau. Lu-ca dùng thì imperfect tức là họ cải nhau không ngừng, không nhường, nóng bỏng và hằn sâu trong lòng.
Sự bất đồng giữa hai ông kéo dài. Không phải họ chì tranh luận một lần rồi bỏ qua. Càng tranh c ã i nhau, họ càng giận dữ nhau. Banaba cho rằng mình đúng và Phao-lô cũng cho rằng mình đúng .
Vậy có hai chân lý trong vấn đề này sao? Có khi nào cả hai cùng đúng với một vấn đề không?
Phân tách câu chuyện này, chúng ta có thể thấy lối nhìn của hai người khác nhau. Nói theo văn chương của Kinh Thánh thì hai người có hai khải tượng khác nhau.
PHAO LÔ NHÌN QUA LĂNG KÍNH CỦA MỤC VỤ
Phao-lô nghĩ đến công tác mục vụ. Trong đầu của Phao lô có một bức tranh về chuyến công tác truyền đạo kỳ này. Nó không phải là một cuộc đi chơi xa, một chuyến đi trại hè . Ông sẽ đi vào vùng đất chưa bao giờ nghe về Phúc âm, vùng đất mới, xa lạ. Ông sẽ phải lên vùng núi đồi, địa lý khó khăn. Ông sẽ đương đầu với nguy hiểm , có thể chết người. Ông sẽ gặp sự chống đối, bắt bớ, khó khăn, đau yếu, bệnh họan. Ông biết trong chuyến đi này không có chỗ cho một ngừoi đã bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Phao-lô nhớ lời Chúa Jesus trong Lu-ca 9:62 “ Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời ”.
Phao-lô nghĩ đến chuyến truyền giáo, đến những đám dân mà ông sẽ đối diện tại vùng đất hiểm nghèo. Trong đầu của Phao-lô, ông biết ông không thể đùa, không thể dễ dãi mà nhận cho Mác tham gia, một người thiếu tinh thần, không trách nhiệm, thiếu kiên nhẫn, không chịu gian khổ. Ông cần những người mà ông tin tưởng 100%. Mác không thích ứng với chuyến đi truyền giáo này. Phao-lô nghĩ như vậy nên ông cự tuyệt đề nghị của Banaba.
BA-NA-BA NHÌN QUA LĂNG KÍNH CỦA CON NGƯỜI.
Chúng ta biết Mác bà con với Ba-na-ba, tức là người trong gia đình. Khi Banaba nhìn câu em Mác, ông nghĩ : Chúng ta hầu việc cho một Chúa nhân từ, hay tha thứ chúng ta phải theo tinh thần nhân từ độ lượng đó. Chúng ta nên cho Mác một cơ hội thứ hai. Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ rơi ai và luôn luôn cho con người một dịp may, một cơ hội để hầu việc Ngài. Banaba nhìn Mác qua tiềm năng thực sự của con người. Ông nghĩ: Tuy nó không chịu đựng khi gặp cảnh khó khăn nhưng nó sẽ làm được nếu chúng ta khuyến khích và giúp đỡ nó. Ông muốn nói với Phao-lô rằng : Ông muốn lọai Mác ra trong chuyến đi này nhưng tôi không thể làm như vậy vì Đức Chúa Trời không bao giờ lọai bỏ bất cứ ai muốn làm công việc của Ngài. Tôi tin M á c sẽ khá hơn lần trước. Nó đã thất bại một lần và nó đã có kinh nghiệm. Tôi muốn cho nó một cơ hội thứ hai.
Như vậy ai đúng, ai sai? Quý vị hãy nói cho tôi biết câu trả lời của quý vị. Câu trả lời của quý vị sẽ nói lên về con người của quý vị và tôi tin rằng câu trả lời của quý vị có lợi ích hơn chính câu chuyện mà chúng ta đang đọc.
Nếu quý vị đứng về phía Banaba, quý vị là người nhìn sự việc qua con người, quan tâm đến con người và bạn muốn giúp người khác. Quý vị nghĩ rằng người nào cũng có thể thay đổi từ xấu sang tốt nếu có cơ hội và điều này mới thật sự là quan trọng hơn cả công tác truyền giáo. Đứng về phía quý vị là nhà giải kinh Camphell Morgan hay Lloyd Ogilivie.
Nếu quý vị đứng về phía Phao-lô, quý vị coi công tác mục vụ là quan trọng hàng đầu. Quý vị muốn công việc được hòan thành tốt, kết quả, không muốn đương đầu những thử thách có thể tránh được. Hiệu năng của công việc là quan trọng hàng đầu. Đứng về phía quý vị là những nhà giải kinh danh tiếng như F F Bruce hay RH Renski.
Kinh thánh không nói ai đúng ai sai.và hai ngàn năm nay, chúng ta vẫn không biết ai đúng ai sai. Tuy nhiên càng nghiên cứu xa hơn chúng ta thấy được một chút ánh sáng trong câu chuyện này. Bây giờ chúng ta bước qua …
Nguyên tắc #3: Chia tay là giải pháp tốt nhât khi gặp bất đồng trầm trọng.
Khi không thể dung hòa hai ý kiến tương phản nhau, họ quyết định chia tay, mỗi người đi mỗi ngã khác nhau. Lu-ca viết “ Hai người phân rẽ nhau” Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ . ( tức là đi về hướng Tây ) Còn Phao-lô sau khi đã chọn Si-la, đi qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si “(tức là đi về hướng Bắc)
Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi - Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi.
Theo Kinh Thánh ghi lại, khi Banaba đi một ngã, Phao lô đi một ngã, chứng tỏ rằng sự bất đồng ý kíến không được hóa giải. Kinh thánh cũng không ghi là họ có quỳ gối cùng cầu nguyện với nhau hay không. Có thể họ có làm nhưng chúng ta không nghe thấy. Chúng ta chỉ thấy họ bất hòa, cãi vã nhau và chia tay. Kết cuộc không có hậu , kết cuộc là sự chia tay.
Đọc đến đây, chúng ta nhận ra một bài học quan trọng.về sự đòan kết.
Điều chú ý là Phao lô, một người không muốn Mác đi cùng- viết rất nhiều về sự đòan kết trong Hội Thánh hơn bất cứ tác giả nào khác trong Kinh Thánh Tân Ước. Quý vị có nhớ không? Tôi xin đưa ra vài ví dụ.
- Ê-phê-sô 4:3 “ dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh..
- Rô-ma 12:10 : “ Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau.”
- Rô-ma 12:16 “Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau;”
- Rô-ma 12:18 “hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.”
Những câu kinh văn đó đã được viết lên qua ngòi bút của Phao-lô.
“Hãy hết sức mình mà hòa thuận với nhau” Phao lô muốn nói: nếu có thể được, phải đòan kết nhau và chúng ta biết có lúc sự đòan kết là điều không thể làm được. Có lúc dù hết sức mình cũng không đoàn kết được. Câu chuyện này cho chúng ta thấy thực tế là như vậy đã xảy ra giữa hai nhân vật rất uy tín và được mọi người kính trọng.. Đó là một điều thật khó làm và dù ít xảy ra nhưng rõ ràng dạy cho chúng ta vì đó là lời của Chúa. Đôi khi sự chia tay là giải pháp tốt khi mà sự bất đồng ý kiến không thể hóa giải hay xóa bỏ.
Đoàn kết là điều dạy dỗ của Kinh Thánh nhưng chia tay củng là một điều phải áp dụng trong một vài trường hợp. Tại sao Lu-ca ghi lại hiện tượng này trong Kinh Thánh ? Ông có thể bỏ qua câu chuyện này và chỉ cần viết rằng Phao-lô đi phía Bắc với Si-la và Banaba đi phía Tây với Mác cũng đủ rồi. Như vậy đọan Kinh văn này cho chúng ta thấy lời Chúa được ghi một cách trung thật và rõ ràng Chúa muốn dùng biến cố này để dạy dỗ chúng ta. Những nhân vật trong Kinh Thánh không là những vị thánh, họ là con người bằng xương bằng thịt với những ham muốn, dục vọng, tính tình của con người. Tôi nghĩ đến nguyên tắc thứ tư
Nguyên tắc #4 :Sự bất đồng ý kiến mang lại điều tốt cho công việc Chúa.
Tôi xin ghi ra sự kiện xảy ra trước và sau biến cố này:
Trước Sau
2 người 5 người
Một đòan công tác Hai đoàn công tác
Một nơi Hai nơi
Trước khi câu chuyện bất hòa xảy ra, chúng ta có hai người : Phao-lô và Banaba. Lập một tóan công tác và đi đến mỗi một chỗ. Nhưng sau khi tranh cải xảy ra, chúng ta có 5 người tham gia công tác- Phao-lô. Si-la, Ti-mô-thê, Banaba và Mác- chúng ta có hai tóan công tác và họ họat động hai nơi khác nhau. Như vậy, nhân sự gia tăng, công tác gia tăng, vùng họat động cũng gia tăng.
Rô-ma 8:28 “ Chúng ta biết rằng mọi sự (ngay cả sự bất đồng ý kiến) hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định ”
Tôi không muốn dùng câu Kinh văn này đề chứng mình rằng sự cải vả, bất đồng, sự chia rẽ là tốt, là có ích cho công việc Chúa nhưng tôi muốn nói rằng, ngay cả cái tệ nhất của con người, Chúa cũng có thể biến nó thành tốt cho việc của Chúa.
Chúng ta chớ ngạc nhiên vì qua lịch sử, Hội Thánh Chúa thường lớn lên hay nẩy nở ra do sự bất đồng, gây gỗ, cải vả nhau.
Chúng ta thấy sự cải cách đạo Chúa xảy ra như thế nào ? Đạo Tin lành được sinh ra trong trường hợp nào? Nó bắt đầu bằng sự bất đồng ý kiến về khái niệm “ được xưng công bình bởi đức tin”
Martin Luther không bao giờ có ý muốn thành lập một Hội thánh riêng rẽ. Ông ta chỉ muốn cải cách Hội Thánh của ông nhưng họ đã đuổi ông ra khỏi nhà thờ và ông bắt buộc phải lập Hội Thánh riêng và nhờ đó mà Phúc âm của Chúa được loan truyền lan rộng khắp năm châu qua hệ phái cải cách khác hẳn với Thiên Chúa giáo do Vatican điều khiển. Hội Thánh Phục Hưng được lập ra cũng do một số con cái Chúa bất đồng ý kiến với Hội thánh mà họ đang thờ phượng. Hội Thánh Hy Vọng cũng vậy.
Nguyên tắc #5: Nếu phải chia tay, hãy kính trọng nhau và đừng cay đắng nhau.
Nếu có chỗ nào trong Kinh thánh được dùng để phê bình Phao-lô hay Banaba thì chính đọan Kinh văn này. Tôi thấy dưởng như hai nhân vậy này đi quá xa với sự bất đồng ý kiến giữa họ với nhau. Nhưng bất đồng ý kiến, tranh cãi nhau dữ dội không phải là một tội lỗi.
Chúng ta không cần thiết phải đồng ý với nhau tất cả mọi thứ. Anh này cho rằng không được mặc quần Jean khi đến thờ phượng, Chị kia không muốn người đàn ông để tóc dài có mặt trong nhà thờ. Ông nọ không muốn tôn vinh một bản nhạc không được in trong quyển Thánh ca. Tất cả đều tốt , đều OK, đều được tôn trọng. Nhưng hãy nghe cẩn thận . Có những bất đồng mà không có bất hòa. Hòa nh ững bất đồng và cũng có những bất đồng không thể hòa giải được. Điều nguy hiểm là tưởng rằng đã bất đồng thì không thể hòa được. để rồi bước qua lằn ranh giới hạn của TÌNH YÊU THƯƠNG mà coi nhau như thù nghịch, cay đắng và làm mọi cách để chúng minh rằng minh là đ úng, ông kia sai.
Có ba dấu hiệu đề phòng:
Thứ nhất : khi vấn đề tranh luận trở nên chi phối đời sống của chúng ta. Chúng ta sẽ bước qua lằn ranh khi thức giấc nửa đêm nghĩ đến bản nhạc được cho hát trong giờ thờ phượng không nằm trong quyển Thánh Ca. Nó làm quý vị bực bội, không ngủ trở lại được. Nó chi phối đời sống của chúng ta khi ban ngày chúng ta cũng nhớ đến nó, gặp ai trong nhà thờ cũng đưa vấn đề đó ra mà thảo luận. Đó là chúng ta đã đi quá xa rồi. Vấn dề bất đồng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mình rồi. Hãy nhớ lại từ căn bản: bản nhạc đó được để tôn vinh Chúa chớ không để chúng ta nghe, Tôn vinh là do tấm lòng của mình chớ không phải từ bản nhạc. Chúa nghe và Chúa biết hiểu tấm lòng của mỗi người.
Thứ hai: Tấn công người thay vì tấn công vào vấn đề đang tranh c ã i. Đang tranh c ã i một vấn đề, quý vị mang đời sống riêng tư cá nhân vào cuộc tranh c ã i, quý vị đã đi quá xa rồi. Thay vì dùng lý luận, đưa ra từng điểm của vấn đề, chúng ta mang ra đời tư với những thói hư tật xấu vào việc tranh c ã i. Đó là sự tấn công vào con người hơn là tranh luận vấn đề. Đó là dấu h iệu đã đi quá xa rồi.
Thứ Ba : Khi quý vị bắt đầu nghĩ đến trả thù người đã làm quý vị tổn thương vì tranh c ã i, bất đồng ý kiến nhau. Trả thù bằng cách tung tin đồn hay kể những câu chuyện không có thật hay thêm thắ t chi tiết, bóp méo sự thật để người kia trở thành người xấu xa đê tiện. Đó là cú đánh để bịt miệng đối phương. Đó là chúng ta đã đi quá xa.
Vì vậy, nếu có bất đồng ý kiến với nhau, chắc chắn sẽ có lần xảy ra trong cuộc sống, và nếu phải chia tay nhau, hãy để cho sự bất đồng đó được nằm yên trong hòa bình. Kính trọng nhau, đừng cay đắng nhau và nhất là chớ đi quá xa hơn là sự bất đồng.
Nguyên tắc # 6 – Trong Chúa, mục tiêu tối hậu là hòa giải và huynh đệ tương thân.
Đây không phải là điều dễ thực hiện. Ai ai cũng có kinh nghiệm cá nhân về thái độ sống này. Nhưng tôi nghĩ đó là điều tối hậu của Phúc âm Cơ đốc giáo.
Hãy quay lại Công vụ 16. Hai ông đi hai ngã cách biệt nhau. Và như chúng ta biết qua quyển Kinh Thánh, họ không bao giờ gặp nhau sau nhiều năm hầu việc Chúa. Qua bao nhiêu năm, lòng họ vẫn cứng cỏi. Họ không giống như chúng ta gặp nhau mỗi cuối tuần. Họ chia tay, sống xa cách nhau qua nhiều thập niên. Nhiều năm trôi qua, sự nóng giận chắc chắn không còn, những viễn tượng đã xảy ra quanh cuộc đời của hai ông. Hai ông đã nhìn cuộc sống qua những lăng kính khác, dưới ánh sáng khác và Thánh Linh trị lành vết thương lòng.
Mười năm sau, Phao-lô nghĩ sao về Banaba ? Chúng ta chỉ có một câu trong I Côrinh tô 9:6 ghi rằng “ Hay là chỉ một tôi với Ba-na-ba không có phép được khỏi làm việc ?” Phao-lô nhắc Ba-na-ba như là một người bạn, một đồng sự, cùng là sứ đồ với nhau.
Mười năm sau, Phao-lô có thể nhìn Ba-na-ba mà nói: Banaba là người bạn đồng công, đồng lao của tôi”. Cái gì đó đã xảy ra để hàn gắn lại hòa giải giữa hai ông.
Còn Mác ? Phao-lô đã từng cho rằng Mác là người vô trách nhiệm, không kiên nhẫn, bỏ cuộc nửa đàng, không đáng tin cậy. Theo thời gian, Phao-lô có thay đổi nhận xét về Mác không? Có hai đọan Kinh văn trả lời câu hỏi này.
- 15 năm sau, lúc Phao-lô ở trong tù tại La-mã, ông đã viết một lá thư cho Hội Thánh Cô-lô-se một câu gần cuối lá thư đó như sau : “ A-ri-tạc, là bạn đồng tù với tôi, gởi lời thăm anh em, Mác, anh em chú bác với Ba-na-ba cũng vậy. Về Mác, anh em đã chịu lấy lời dạy bảo rồi; nếu người đến nơi anh em, hãy tiếp rước tử tế .” ( Cô-lô-se 4:10 )
Phao-lô đã quên chuyện xưa của Mác. Có sách cho rằng, sau khi chia tay. Mác đi theo Ba-na-ba và ông đến Ai cập và thành lập Hội Thánh lớn tại Alexandria . 15 năm sau, Phao-lô căn dặn Hội Thánh Côlôse tiếp rước Mác tử tế. Mác được Phi-e-rơ thương yêu như con của ông ( I Phi-e-rơ 5:13). Mác đã thay đổi hoàn toàn. Mác là tác giả quyển sách Phúc âm mà nhiều học giả cho là sách Phúc âm đầu tiên và được Ma-thi-ơ và Lu-ca sử dụng trong sách Phúc âm của hai người.
- 3 năm sau nữa, trong lúc Phao-lô vẫn còn ở trong tù và cũng là đọan cuối đời của ông, ông đã viết một lá thư gời cho Ti-mô-thê căn dặn như sau : “ Chỉ có một mình Lu-ca ở với ta. Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” . ( II Tim 4:11 )
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Phao-lô muốn Mác ở bên cạnh ông!
18 năm trước, Phao-lô nhất định không cho Mác cùng đi với ông truyền giáo. Bây giờ ông nhắn với Ti-mô-thê mang Mác đến để giúp ông.
Thưa quý vị.
Đó là điều mà Phúc âm của Chúa đã làm.
Đôi khi chúng ta bất đồng đến nỗi phải chia tay nhưng hãy nhớ thật kỷ, dù chia tay, quý vị vẫn là một phần tử trong gia đình của Đức Chúa Trời. Và vì là phần tử của gia đình, lúc nào cũng có thể hòa giải và sống chung trở lại. Vì vậy mà tránh làm những gì mà sau này khi gặp mặt nhau còn có thể chào hỏi nhau .
Nh à truyền giáo nổi danh hồi thập niên 30, 40 là Francis Schaeffer .
Ít ai biết quá khứ của ông.
Ông theo cha mẹ thờ phượng trong một Hội Thánh Presbyterian bị chia đôi, chia đôi ba lần như vậy đến độ không ai nhớ đến tên của Hội Thánh đó vì qua nhỏ. Nhưng ông là người của Đức Chúa Trời đã mang Phúc âm đến hàng triệu người . Ông viết trong quyển sách “The Mark of the Christian” Dấu ấn của Cơ đốc nhân. Đọc quyển sách này, một sự thật mà tôi nhận ra là thế gian này nhận ra những con dân Chúa qua dấu ấn của tình thương yêu nhau chớ chẳng phải qua sự đòan kết với nhau.
Lấy gương trong câu chuyện tranh cãi giữa Phao-lô và Banaba, chúng ta hãy quên quá khứ với những cái bất đ ồ ng.
- Nếu còn nhớ chuyện cũ, chúng ta không thể nào hòa giải với nhau.
- Nếu còn sống với quá khứ, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu với những vấn đề của quá khứ và chúng ta bị tách rời với hiện tại vì những điều đã xảy ra trong quá khứ.
Hãy quên chuyện của quá khứ trước khi nó được lành.
Nguyên tắc # 7: Chúa hướng dẫn mỗi người một cách khác nhau
Ro-ma 14:5 “ ai nấy hãy tin chắc ở trí mình ”. Nếu ông nào muốn để tóc dài, cứ theo ý của mình. Tuy nhiên, kiên định lập trường với tấm lòng dịu dàng yêu thương. Quý vị muốn có một Mục sư trẻ tuổi , hãy giữ lập trường nhưng chớ bài xích người có tư tưởng khác mình.
Điều đó chỉ là một khía cạnh của sự thật. Mặt kia của Chân lý là chúng ta là một phần tử trong gia đình của Đức Chúa Trời nên sự đồng lòng, hiệp nh ấ t lúc nào cũng cần phải đặc biệt lưu ý.
Rô-ma 15: 5-7 ghi rằng : “ Xin Đức Chúa Trời hay nhịn nhục và yên ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jêsus Christ; 6 để anh em lấy một lòng một miệng mà ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. 7 Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển.”
Chúng ta có lập trường, có ý kiến nhưng giữ nó trong tình hòa giải, yêu thương , nhịn nhục để thờ phượng Đức Chúa Trời. Giữ những gì mà quý vị tin tưởng nhưng phải hết sức mềm mỏng đễ cùng một lòng, một miệng mà tôn vinh Chúa.
Đừng xấu hổ khi chúng ta chiều theo ý của người khác. Đừng buồn lòng khi đa số không theo ý của mình. Có những ý kiến mà 2000 năm sau cũng chưa biết ai đúng ai sai thì sá gì ý kiến của cá nhân mình.
Chúng ta được dạy dỗ trong hòan cảnh khác nhau, học vấn khác trường, khác nơi, hòan cảnh sống khác nhau, tuổi tác khác nhau, cơ thể khác nhau, đầu óc khác nhau thì dĩ nhiên chúng ta suy nghĩ khác nhau và bất đồng ý kiến là việc không phải ngạc nhiên.
Nhưng điều răn quan trọng và căn bản nhất mà chúng ta dù khác nhau đều phải giống nhau qua điều răn này là “ Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta ” Giăng 13:35 .
Chúng ta có thể bất đồng ý kiến với nhau, Chúng ta có thể chia tay. Chúng ta có thể thờ phượng Chúa ,mỗi người tại mỗi Hội Thánh khác nhau . Nhưng có một điều không được vấp phạm. Có một điều không được Chúa chấp nhận: nếu chúng ta không yêu thương nhau, chúng ta sẽ không còn là môn đồ của Chúa nữa..
Một ngày nọ, khi bước vào lớp, Sally nhận thấy rằng hôm nay lớp sẽ có một trò vui gì đấy. Trên tường là một tấm bia lớn, và trên chiếc bàn gần đó có rất nhiều phi tiêu. Tiến sĩ Smith bảo với tất cả học sinh rằng hãy vẽ hình của người nào mà bạn ghét nhất, hoặc là hình của ai làm cho bạn tức giận, và ông cho phép họ ném phi tiêu vào hình vẽ đó.
Cô bạn của Sally vẽ hình cô gái đã "cướp" mất người yêu của cô. Một người khác thì vẽ hình đứa em trai của mình. Sally cũng vẽ bức hình của một người bạn cũ, cô dồn công sức để vẽ sao cho thật giống, ngay cả những cái mụn trên mặt cô bạn. Xong xuôi, Sally có vẻ rất hài lòng với tác phẩm của mình...
Cả lớp xếp hàng và bắt đầu ném phi tiêu, mọi người cười nói rôm rả và không khí có vẻ rất vui nhộn. Một số học sinh ném phi tiêu rất mạnh đến nỗi tấm hình của họ bị rách toạc cả ra. Sally chờ tới lượt mình... Và cô đã rất thất vọng khi tiến sĩ Smith đề nghị mọi người dừng lại và trở về chỗ ngồi vì thời gian có hạn.
Trong khi Sally ngồi nghĩ và hậm hực trong lòng vì không có cơ hội để ném phi tiêu vào hình kẻ mình ghét, thì tiến sĩ Smith bắt đầu gỡ tấm bia ra khỏi tường.
Và sau tấm bia đó là bức hình của Chúa Jesus...
Một sự im lặng bao trùm cả lớp học khi các học sinh trong lớp nhìn thấy bức hình của Chúa Jesus bị rách nham nhở trên tường; Những cái lỗ và những dấu lởm chởm trên mặt Chúa, và hai mắt Chúa bị đâm thủng.
Tiến sĩ Smith chỉ nói một câu, " Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy ." Ma-thi-ơ 25:40
Tất cả mọi người đều im lặng, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của những học sinh trong lớp, mọi người nhìn vào bức ảnh của Chúa và suy gẫm cho bản thân mình.
Làm thế nào để tỏ lòng yêu thương nhau dù bất đồng đến mức phải chia tay nhau ?
- Cầu nguyện cho nhau
- Không cay đắng với nhau
- Không nói xấu nhau
- Không ganh tỵ nhau
- Làm điều mà Chúa bảo chúng ta làm cho Hội Thánh Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét