Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

GIỮ CHẶT TÌNH BẠN

Truyền Đạo 4: 12 “  Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thế chống cự nó; một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt.

MỞ ĐẦU - MỘT CÂU HỎI
Tôi muốn đưa ra một câu hỏi : Chúng ta có thể sống một cách thật hạnh phúc nếu chúng ta không có ai là bạn thân của mình không ?
Câu trả lời của tôi là : tôi không nghĩ rằng một người khỏe mạnh về tâm hồn, tình cảm và tâm linh có thể sống cô đơn, không người bạn thân.
Có được một người biết mình và mình biết rõ một người, được một người yêu thương mình và có một người để thân thương, có một người chăm sóc mình hay được người khác chăm sóc là những nhu cầu sâu kín của con người. Nghĩa là nếu chúng ta có vài người bạn để gặp gỡ nhau, hiểu biết nhau, trò chuyện chia sẻ thân mật với nhau là điều hạnh phúc không thể thiếu trong cuộc sống tại thế gian. Vậy mà trong chúng ta, ai có được điều này và chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi tại sao không hay không ?
QUÝ VỊ CÓ BẠN THÂN KHÔNG ?
Hãy tự kiểm điểm qua ba câu hỏi sau đây :
A. Quý vị có thuộc một nhóm nào không ? Tôi không hỏi quý vị có bao nhiêu nhóm mà quý vị là hội viên. Tôi muốn hỏi là quý vị có thuộc nhóm nào mà quý vị có thể noí rằng: đây là nhóm của tôi và họ là người của tôi không ?
B. Những người trong nhóm có biết nhiều và rõ về quý vị không ? Đây là câu hỏi quan trọng . Chúng ta sống trong một cộng đồng 70,000 người Việt Nam.  Ai là người biết quý vị bề mặt lẫn bề trong, tức là trong khía cạnh mà đa số không biết ?
C. Quý vị có bao giờ dành thì giờ hay tiền bạc cho nhóm này không ? Có ai hỏi quý vị về đời sống của quý vị không ? Có ai hỏi cách chi tiêu thì giờ và tiền bạc của quý vị không ? Có ai quan tâm đến cuộc hành trình của quý vị với Chúa không ? Hay chỉ là chẳng có ai trong nhóm để ý đến bạn để bạn tự do làm, suy nghĩ mà chẳng màng đến không ? 
Nếu quý vị chẳng thuộc một nhóm như vậy , nếu không có ai biết rõ quý vị và nếu quý vị không có ai mà quý vị có thể tin tưởng, thì cuộc sống của quý vị không thể nói là không cô đơn

 

ĐƠN CA  HAY HỢP CA

Tôi muốn trình bày một quan điểm của tôi : Đức Chúa Trời không dự tính rằng quý vị sẽ sống một cuộc sống Cơ đốc đơn độc.  
Trong quyển Thánh ca, nhạc sĩ sáng tác đủ loại nhạc. Có loại thích hợp cho đơn ca, có loại chỉ dành riêng cho Ca đoàn. Thỉnh thoảng tôi đề nghị một bản mà tôi nghe hay thì anh chị lại cho rằng bản đó chỉ dành cho đơn ca. Đơn ca dành cho những bản nhạc êm dịu, nhẹ nhàng. Cuộc sống của một Cơ đốc nhân không giống như một bản nhạc được trình diễn bằng đơn ca mà bằng song ca, tam ca, tứ ca, họp ca hay ca đoàn. Ngài muốn cuộc sống của chúng ta hòa hợp với những Cơ đốc nhân khác . Họ sẽ giúp quý vị và quý vị sẽ giúp đỡ họ.   

 

LÝ DO KHÔNG CÓ BẠN BÈ  

Nhà sưu tầm George Barna đã kết luận trong quyển sách của ông The Frog in the Kettle, pp. 70-71) như sau:
Đa số người Hoa kỳ không có bạn thân. Dù họ cố gắng nhưng thất bại. Một trong những lý do là họ không có thì giờ để xây đắp tình bạn. Sự bận rộn đã xé tan tình thân, gắn bó tình người. Công ăn việc làm, giờ giấc bất định, di chuyển thường xuyên, bận rộn với mọi thứ , lo lắng nhiều thứ là những cản trở mà người Hoa kỳ không thể vượt thoát để tạo dựng một tình bạn gắn bó nhau.
Tóm lại , tác giả kết luận : chúng ta thay đổi chỗ ở, nơi làm việc, chúng ta không biết phải nói với nhau những gì, chúng ta quá bận rộn và chúng ta chưa sẵn sàng để có một sự tương quan lâu dài với người khác. Vì vậy xã hội này là một xã hội cô đơn và con người lẻ loi một mình.
Thật ra ngoài việc quá bận rộn để không có những sự tương quan mật thiết với nhau để kết bạn, con người trong xã hội ngày nay còn nhiều lý do để không có bằng hữu lâu dài:
-        Tánh ích kỷ - lòng ích kỷ giết chết tình bạn.
-        Không tôn trọng ý kiến người khác – tánh này làm cho tình bạn phai nhạt và không thể sống hòa hợp với bạn bè.
-        Sống không hòa mình với người khác, lúc nào cũng cho ý kiến của mình là nhất và không chấp nhận ý kiến thứ hai hoặc ý kiến của đa số.
Với những tánh tình như vậy, con người sẽ đánh mất tình bạn và sẽ sống trong lẻ loi, cô độc một mình.

 

KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ TÌNH BẠN ?

Kinh Thánh nói như thế nào về vấn đề này ? Có rất nhiều và chúng ta không có đủ thì giờ để liệt kê tất cả. Chúng ta nên biết trọng tâm của Kinh Thánh là nói về mối tương quan. – tương quan giữa người và Đức Chúa Trời và tương quan giữa người với người.
Kinh thánh nói về sự tương quan theo chiều thẳng đứng với Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus. Đó là điều chính yếu và đó là điều mà Kinh Thánh bắt đầu. Nhưng nó cũng nói đến sự tương quan chiều ngang – giữa nhửng con người bình thường với nhau.
Thế gian rạn nứt vì có quá nhiều người trong thế gian này đang sống trong sự tan vỡ. Chúng ta như những cây sậy bị dập và tình thân thương với nhau cũng bị tổn thương. Chúng ta kinh nghiệm cũng như trải qua với những lần thất bại vì bị lừa đão, gạt gẫm, đối xử gian trá và bị lợi dụng nhiều lần từ những người mà chúng ta tưởng là bạn.  Kinh Thánh không những nói đến thực trạng này mà còn đi xa hơn là đưa ra phương thuốc trị liệu, chữa lành tình thế bất hạnh này.
Sách Tân Ước có rất nhiều dạy dỗ về đề tài này. Hôm nay tôi chỉ thu hẹp sự dạy dỗ của chính Chúa Jesus. Và vì chúng ta cũng sắp đến mùa Phục sinh, nên tôi thu hẹp bài phân tích này những giờ sau cùng của Chúa Jesus trước khi Chúa bị bắt và đóng đinh trên cây thập tự.
Bắt đầu là chiều thứ Năm. Chúa Jesus nhóm họp với các môn đồ trên phòng cao.  Chỉ Chúa Jesus biết điều gì sẽ xảy ra cho Chúa vào ngày mai. Các môn đồ cũng có cảm giác là có cái gì không tốt sắp xảy ra nhưng không biết rõ ràng điều gì.
Tất cả chúng ta đều có vài người thân. Có bạn xả giao bề ngoài, có bạn thân thiết hơn, có bạn gần gũi và có thể tâm sự hay trông cậy khi có điều rắc rối xảy ra.  Nhưng khi điều khó khăn xảy đến, chúng ta bước đi mà không hề nghĩ đến những người bạn thân nhất của mình.
Hãy đọc lại Kinh Thánh Tân Ước để thấy điều này có xảy ra  trong trường hợp của Chúa Jesus trong giờ phút cuối cùng hay không ?
Khi Ngài còn ở thế gian, Ngài có cả ngàn người chung quanh Ngài. Ngài đi đến đâu cũng đều thu hút hàng ngàn người. Ngài trị bệnh cho hàng trăm, hàng ngàn người. Nhưng khi bóng tối  vây quanh Ngài, Chúa chỉ muốn gần gủi với 12 sứ đồ của Ngài là những người thân cận với Ngài nhất.
-        Họ là những người sống với Chúa Jesus từ lúc ban đầu.
-        Họ thấy những phép lạ, nghe những ẩn dụ, đồng hành trên những con đường đầy bụi bặm ở xứ Palestine.
-        Họ hiểu lòng của Chúa Jesus hơn ai hết.
-        Họ chứng kiến cảnh Ngài đuổi quỷ .
-        Họ nghe lời hăm dọa giết Ngài và họ vẫn đi với Ngài.
-        Khi mọi người bỏ Chúa, họ vẫn trung thành với Chúa cho đến bây giờ.  
Bây giờ là 24 giờ trước khi biến cố quan trọng xảy ra, họ vẫn còn đi với Ngài.
CHÚA NGHĨ GÌ TRONG ĐÊM TRƯỚC KHI NGÀI BỊ ĐÓNG ĐINH ?
Câu hỏi mà tôi tự đặt ra là : Trong 24 giờ trước khi Ngài bị bắt và bị đóng đinh, Chúa Jesus nghĩ đến điều gì ? Nghĩa là trong giờ phút hết sức khẩn cấp này, Chúa nghĩ đến ai ? 
Có ít nhất ba đoạn kinh văn trả lời câu hỏi này. Mỗi đoạn kinh văn đưa ra một ánh sáng rọi cho chúng ta biết Chúa Jesus đang nghĩ gì trong 24 giờ trước khi Ngài bị đóng đinh. Một trong sách Ma-thi-ơ, một trong sách Lu-ca và một trong sách Giăng.

A.    NGỒI ĐÂY VÀ TỈNH THỨC VỚI TA

 

Ma-thi-ơ 26:36-38.   “ Rồi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đến một chỗ kêu là Ghết-sê-ma-nê. Ngài phán rằng: Hãy ngồi đây đợi ta đi cầu nguyện đằng kia. 37 Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. 38 Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta”
Chuyện này xảy ra tại vườn Ghết-sê-ma nê trên sườn núi O-li-ve. Chúa Jesus trở lại chỗ Ngài thích nhất trong giây phút cuối cùng để cầu nguyện. Và chúng ta thấy Ngài không đến đây một mình. 
Chúng ta biết chuyện kế tiếp như thế nào vì chúng ta đã nhiều lần nghe.  Bây giờ là lúc Chúa Jesus sắp đối diện với thực tế khủng khiếp của cây thập tự và Ngài “buồn bực và sầu não  lắm”  “ Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con”.
Đó là những chi tiết mà chúng ta đã biết, đã học qua. Nhưng có lẽ chúng ta bỏ qua một điều quan trọng trong cảnh tượng này. Chúa Jesus không đến vườn Ghết-sê-ma-nê một mình. Có ba người thân nhất cùng đi với Ngài.
Ngài phán với các môn đồ rằng : Hãy ngồi đây và đợi Ta”  “ Đoạn Ngài đem Phi-e-rơ và 2 người con của Xê-bê-đê đi với mình và Ngài bảo ba người : “các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta”
Bài học thật rõ ràng. Trong khi Ngài vật lộn với cái đau đớn nhất, Ngài muốn những người bạn thân nhất của Ngài ở bên cạnh Ngài. Ngài không muốn chịu đựng trong cô đơn. Vấn đề không phải là Ngài không có quyền năng từ thiên thượng để đối phó với đau đớn thể xác. Ngài là Con của Đức Chúa Trời với quyền năng tuyệt đối. Ngài có thể chịu đựng một mình nếu cần. Ngài đã một lần chống chỏi một mình trong đồng vắng với sự cám dỗ của ma quỉ. Nhưng bây giờ, trong gian đoạn này Ngài muốn các sứ đồ ngồi với Ngài , thức canh và cầu nguyện với Ngài.
Có phải Ngài lo sợ không ? Không, chắc chắn Ngài không sợ nhưng Ngài không muốn cô đơn. Ngài thấy trước sự khủng khiếp của cái chết trên cây thập tự và Ngài biết trước mọi diễn tiến sẽ xảy ra. Ngài biết công việc của Ngài theo chương trình của Đức Chúa Trời từ khi buổi sáng thế. Ngài chấp nhận công việc này.
Nhưng Ngài không muốn đối diện cảnh tượng đó một mình. Ngài muốn bạn bè của Ngài có mặt với Ngài
Có vài thứ mà chỉ Ngài phải gánh chịu một mình.
-        Không ai có thể đối đầu với gánh nặng khủng khiếp của tội lỗi nhân loại mà Ngài phải gánh thay cho.
-        Không ai có thể gánh thế hay tiếp tay với Ngài . Nhưng Ngài không muốn cô độc hay lặng lẽ thi hành công việc này một mình.
Xin đừng bỏ qua điều quan sát này vì đó là một phần mà Chúa Jesus nghĩ đến trong những giờ phút cuối cùng.
B. BỀN LÒNG THEO TA
LU-CA 22:28-30 :  “ Còn như các ngươi, đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử thách ta, 29 nên ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy, 30 để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước ta, và được ngồi ngai để xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên.”
Trước khi đến vườn Ghết-sê-ma-nê. tối hôm trước, họ ở trên phòng cao. Chúa Jesus vừa cùng với các môn đồ dự tiệc thánh cuối cùng. Họ cũng vừa tranh cãi nhau về ai lớn hơn hết. Chúa Jesus nhắc nhở họ rằng Ngài đến thế gian để hầu việc chớ không để người hầu việc cho mình. Vì vậy, kẻ lớn hơn hết  trong vương quốc của Đức Chúa Trời là những kẻ rất nhỏ hầu việc người khác. Rồi Ngài nói tiếp trong câu 28 rằng : “ Còn như các ngươi, đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử thách ta, nên ta ban nước cho các ngươi.”
Ngài nhớ đến những người theo Ngài từ khi Ngài bắt đầu công việc. Họ thấy và trải qua những lúc vui buồn, tốt và xấu với những phép lạ và những chống đối, khi có hàng ngàn người theo và có những lúc sẽ chỉ còn 11 người.
Nhưng họ gặp nhau vì họ cùng liên kết với Chúa Jesus, qua hơn ba năm họ trở thành một “team” một toán, một nhóm chặt chẽ với nhau, gắn bó với nhau.  Bây giờ , vị đầu não của nhóm nhìn họ lần cuối và nói : “ Ta không quên các người, các người đã sát cánh với ta trong khi những người khác bỏ chạy. Điều này có nhiều ý nghĩa đối với ta. Ta sẽ nói với các người điều mà bây giờ các người sẽ không hiểu trọn . Nhưng sau này khi các người nhìn lại các người sẽ nhớ lời ta phán cùng các người. Ngày đó sẽ đến. Các người sẽ cùng ta cai trị vương quốc của Đức Chúa Trời. Ta sẽ không quên các người. Các người đã cùng ta trong thời kỳ ta bị thử thách”
Đó không phải là tình bạn hay sao ? Chúng ta sẽ biết ai là bạn của mình khi chúng ta gặp khó khăn. Chúng ta có rất nhiều bạn khi cuộc sống của chúng ta sáng như mặt trời, khi trong túi rủng rỉnh đồng tiền, khi chúng ta có công ăn việc làm, khi chúng ta có sức khoẻ tốt và có tài sản . Điều đó cũng không có tệ hại vì chính chúng ta cũng vậy mà thôi. Chúng ta không thể có tất cả những người bạn đều là bạn sống chết. Đó là luật về con người. Chuyện thường tình.    
Chúa Jesus tự nhủ rằng:” Có hàng ngàn người thích ta và cả ngàn người không thích ta. Nhưng các ngươi đã quyết tâm theo ta và các người tuy có lúc yếu đuối nhưng sẽ không bỏ ta. Các người  quả thật là bạn của ta vì các người ở cùng ta cho đến cuối cùng. 
Khi Chúa Jesus phán ra những lời này, Chúa có biết rồi đây khi Ngài bị bắt, tất cả đều sẽ bỏ chạy hay không ? Chúa biết và Ngài cũng biết rồi đây họ sẽ trở lại và hy sinh tánh mạng cho công tác mà Ngài giao cho họ. Đó là điều mà Chúa Jesus đã nghĩ trong lòng trong những giờ phút sau cùng. Chúa nghĩ đến các người bạn của Chúa.
  1. NHƯ TA ĐÃ YÊU CÁC NGƯỜI

GIĂNG 15:12-15  “ Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. 13 Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. 14 Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta..”
Câu chuyện tiếp tục, đương ăn bửa tối trước ngày lễ Vượt Qua, Chúa Jesus làm một điều khiến các môn đồ kinh ngạc:  Ngài rời khỏi bàn ăn, cởi áo, lấy khăn quấn quanh mình, đổ nước vào chậu và rửa chân cho môn đồ. Hành động này làm họ bối rối vì Ngài là Chúa, là Chủ của họ. Và Chúa ban cho một bài học  trong câu Giăng 13:14 :
“ Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. ”
Sau đó, khi trở lại bàn ăn Ngài tiết lộ : “một người trong các người sẽ phản ta” (câu 21).  Khi Giu-đa bỏ đi, Chúa Jesus phán rằng :
“ Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. 35 Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.   Giăng 13:34-35
Trước đây chúng ta học điều răn thứ hai của Chúa Jesus là : “ Hãy yêu kẻ lân cận như yêu mình”.  Hôm nay chúng ta nghe Chúa Jesus phán với môn đồ của Ngài một điều răn mới : “ các ngươi phải yêu nhau như ta đã yêu các ngươi”   Chúa nói thêm : “ 13 Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. 14 Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta.
Câu nói này có nghĩa gì ? Chúng ta hãy yêu nhau giống như cách Chúa đã yêu chúng ta. Tình yêu của Chúa đối với chúng ta là một mẫu mực cho chúng ta.
Đó là mẫu mực mà Chúa muốn chúng ta yêu nhau như vậy.
-      Điều Chúa phán cũng có nghĩa là chúng ta vẫn phải yêu nhau dù có một người anh em  đã làm mình đau lòng một cách không cần thiết.
-      Điều Chúa phán cũng có nghĩa là trong thân thể của Đấng Christ, nghĩa là trong Hội Thánh, điều này là chuyện bình thường khi thỉnh thoảng có vài người làm quý vị  đau đớn.  
MỘT CÂU HỎI SÂU SẮC HƠN
Qua ba đoạn kinh văn này, chúng ta có thể rút ra hai điều mà Chúa Jesus vương vấn trong lòng trước khi Ngài bị đóng đinh. 
1. Ngài không muốn bước vào sự đau đớn cực độ một mình , Chúa muốn có những người bạn ở bên Ngài.
2. Ngài muốn rằng khi Ngài vắng mặt, các môn đồ thương yêu nhau như Chúa đã yêu họ.
Đến đây có một câu hỏi sâu sắc hơn. Đó là :
-      Tại sao Chúa Jesus yêu thế gian này đến độ Ngài phải xuống đây để cứu loài người ?
Những nghịch lý mà chúng đã chứng kiến là :
-      Ngài yêu thế gian trong khi cả thế gian thù nghịch Ngài.
-      Ngài phó mình hoàn toàn cho thế gian để thế gian chống lại Ngài.
-      Ngài yêu thế gian đến nỗi bị thế gian đánh đập, chưởi mắng, sỉ nhục và giết chết.
-      Một thế gian mà Ngài đến để cứu quay lại chống và đóng đinh Ngài trên cây thập tự. 
CHÚNG TA BIẾT ĐIỀU NGÀI KHÔNG CHỌN:
-      Chúng ta nghe điều này qua bao nhiêu năm. Nhưng điểm sâu sắc ở đây là Chúa Jesus có quyền năng để chận đứng việc thiên hạ làm Ngài đau đớn và Ngài chọn không làm như vậy.
-      Ngài không cần phải chịu sỉ nhục, không cần phải chịu đánh đập như Ngài đã từng nói: “ Ta có thể gọi mười ngàn thiên sứ để hủy diệt thế gian này “. Đó là đặc quyền của Ngài. Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Mọi quyền phép đều giao cho Ngài. Chỉ cần một tiếng một đôi binh Thiên sứ sẽ đến với Ngài.  Nhưng Chúa Jesus không chọn hành động như vậy.
Đó là cách Ngài yêu thế gian.
Ngài hoàn toàn chấp nhận bị tổn thương. Ngài sẵn sàng bị giết vì Ngài yêu thế gian.
TÌNH BẠN CHÂN THẬT ? 
Một tờ báo bên Anh đặt giải thưởng cho ai có định nghĩa chính xác nhận về “ thê nào là người bạn” . Định nghĩa được chiếm giải nhất là : Một người bạn là người đến với ta trong khi mọi ngưòi khác rời xa ta.

Hai đứa nhỏ là bạn thân  với nhau. Chúng chơi và học với nhau. Khi lớn lên, hai đứa vẫn là bạn thân. Bây giờ một đứa trở thành Mục sư còn đứa kia là một luật sư. Hai người vẫn gặp nhau đều đặn mỗi tháng tại một nhà hàng nào đó. Có một lần, sau khi ăn xong họ bắt tay nhau hẹn gặp lại tháng sau và cả hai ra xe. Một người đậu trước tiệm, người kia đậu xe sau tiệm.  Có lẽ vì vội vảng nên hai người lại đụng xe nhau. Cả hai xe đều bị hư hại. Sau khi kiểm chứng hai người đều an toàn . Người bạn luật sư lên tiếng cảm tạ Chúa là hai người được bình an và đề nghị phải làm cái gì đó để đánh dấu tình bạn cao quý này. Ông ta vào xe mang một chai rượu whiskey và hai cái ly. Ông ta rót rượu vào hai ly và trao cho người bạn Mục sư một ly rượu. Ông ta nói : “ Chúng ta uống mừng tình bạn, uống mừng được Chúa giữ gìn an toàn và uống mừng để cảm tạ Chúa. Vị Mục sư vui mừng đưa cao ly rượu và vừa cảm tạ Chúa vừa uống hết cốc rượu. Ông quay sang ngạc nhiên thấy ly rượu của ông Luật sư vẫn còn nguyên. Ông hỏi : Sao bạn chưa uống ly này ?  Người bạn luật sư đáp : Tôi chờ cảnh sát đến và tôi sẽ uống khi nào cảnh sát rời hiện trường nghĩa là làm xong biên bản tai nạn này.  Tôi không muốn viên cảnh sát ghi trong biên bản là tôi đã uống rượu trong lúc lái xe ! ! !
Trong trạng huống khó khăn, khốn đốn, người ta mới phát giác tình bạn thật là gì.  Ai mới thật là bạn.
Tôi tin chắc rằng quý vị sẽ sững sờ khi nhìn thấy bộ mặt thật của người bạn mình khi người đó không còn mang mặt nạ giả hình, không che dưới lớp áo quần thời trang sang trọng, không trong y phục của ngày Chúa Nhật thờ phượng, không trang điểm, không  có đôi giày cao gót, không đồng hồ Rolex hay bộ suite $800.00 và chiếc xe đắt tiền . . . .
TRỞ VỀ ĐIỂM CƠ BẢN: HỘI THÁNH
Điều này mang chúng ta trở về điểm cơ bản : Đức Chúa Trời không có ý định để chúng ta sống đơn độc và hành động đơn độc.  Ngài cũng không muốn chúng ta đối đầu với khó khăn một mình. Đức chúa Trời khi còn ở thế gian cũng đã áp dụng điều này. Đó là khi Chúa Jesus lập ra Hội Thánh của Ngài.
Và đó là niềm hy vọng do Hội Thánh của Chúa mang lại cho mỗi con dân của Chúa. Đó là nơi mà Chúa là đầu và mỗi người trong chúng ta là một phần của chi thể đó.
Qua Hội Thánh, Chúa Jesus sẽ giúp tôi.
Qua Hội Thánh, Chúa Jesus sẽ giúp quý vị, giúp anh A , chị B ….
Và khi quý vị làm việc gì liên quan đến công việc của Chúa mà có cảm giác đơn độc, một mình, không có dấu hiệu nào làm ấm lòng để yên tâm tiếp tục, không ai trong những bạn thân yễm trợ hay ủng hộ mình,  không thấy Hội Thánh là nơi ấm cúng nữa. để nương tựa, quý vị phải dừng lại và tự hỏi :
-      Tôi làm việc này cho tôi hay vì Chúa mà tôi làm?
-      Tôi là việc này do ý của tôi hay ý của Chúa ?
Chúa Jesus là đầu Hội Thánh, tại sao Chúa bỏ tôi một mình?  
Chúa căn dặn anh em phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu chúng ta. Đó là dấu của Hội Thánh.
Hội Thánh không yêu nhau thì không phải là Hội Thánh của Chúa. Và vì không phải là Hội Thánh của Chúa nên tổ chức đó sẽ không làm những việc mà Chúa bảo phải làm.
Trong cuộc hành trình về nơi vĩnh phúc, chúng ta không thể đi đơn độc một mình. Bởi vì Chúa không muốn như vậy. Như chúng ta biết, cuộc sống vốn đã gian truân, nên cuộc sống của một Cơ đốc nhân sẽ phải gian truân gấp bội phần. Một mình khó vượt qua những nỗi gian truân này. Chúa biết nên Ngài lập ra Hội Thánh. Ngài là đầu Hội Thánh và chúng ta cứ sống trong Chúa, trong Hội Thánh, mọi khó khăn, mọi lẻ loi không còn nữa.
KẾT LUẬN
Vậy chúng ta hãy bắt đầu với bảy bước sau đây:
1. Cố gắng tìm bạn trong những người bạn trong Hội Thánh. Bắt đầu bằng câu hỏi : Tôi có ai là bạn thân chưa ? Tôi có cởi mở để người ta đến gần với mình hay không ?
2. Gia nhập vào trường Chúa Nhật. Đây là nơi tốt nhất để chúng ta tìm bạn thân tốt.
3. Gia nhâp vào một trong những nhóm của Hội Thánh : Ban tôn vinh, Ban Gia đình trẻ, Ban hát Tráng niên, Ban Thiếu niên, Nhóm Hiệp Nguyện tối thứ Năm, nhóm Thông công Thứ Bảy… Từ những nhóm này, chúng ta sẽ có những người bạn mới, qua những trò chuyện, chia sẻ tâm tình chúng ta học và hiểu nhau hơn và nhơn đó mà tình bạn khắn khít hơn. 
4. Mở cửa đón nhận anh chị em đến nhà mình. Mở một lỗ cho cái kén của mình. Bắt đầu góp phần với nhóm thay vì ích kỷ hưởng thụ cho mình. Không có điều gì tốt để bắt đầu tình bạn thân mật bằng cách mời bạn về nhà mình thông công với nhau.
5. Điện thoại hỏi thăm. Đây là điều dễ làm nhưng ít người thực hiện vì quá bận rộn với công việc. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu công việc này trong tuần này. Gọi vài người trong nhóm và chào thăm . Nên nhớ tiếng nói chào thăm của quý vị có giá trị rất cao để khuyến khích hay an ủi người kia.
6. Viết vài câu hỏi thăm. Hầu hết chúng ta hiện nay quên làm điều này. Xây đắp tình bằng hữu qua việc gởi một tấm thiệp nhân một cơ hội như sinh nhật, lễ lớn…. Hội Thánh chúng ta có in ngày sinh nhật hàng tháng. Chúng ta có thể dựa vào đó mà gởi thiệp sinh nhật cho nhau. 42 cent để xây dựng tình người.
7. Ôm nhau. Nếu chúng ta không biết phải làm gì thì hãy ban cho bạn mình một cái ôm đầy thân thương. Hành động này có khi hiệu lực hơn ngàn lời.  Một cái ôm nói lên: “ Tôi lo lắng cho bạn, tôi lúc nào cũng quan tâm đến bạn ! Bạn biết không ?” Đây là điều mà chúng ta có thể áp dụng mỗi tuần khi gặp nhau.
Bảy điều thật giản dị và rất tự nhiên. Đó là những gì mà ai ai cũng có thể làm. Nó có giá trị thật cao và mang lại hiệu quả thật quý báu. Chúng ta không còn phải sống cô đơn. Đừng cắt đứt mối quan hệ với mọi người. Chúng ta hướng về cõi đời đời mà cùng tiến lên.
Không cần thiết phải đi một mình.
Không cần phải tranh đấu vất vả một mình.
Khi thấy lẻ loi, tức là con người của mình có điều gi sai quấy vì Chúa là đầu Hội Thánh mà Hội Thánh không cùng đi với mình thì chính mình đã có những bước đi sai.   
24 giờ trước khi Chúa Jesus bị bắt và bị giết, Ngài nghĩ đến bạn của Ngài và Ngài dạy họ phải yêu thương nhau. Quý vị có muốn sống như Chúa không? Hãy nghĩ đến bạn mình và yêu thương bạn mình.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét