Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

THỜ PHƯỢNG 3

THỜ PHƯỢNG 3
Ma-la-chi 1-3

NHÀM CHÁN VÌ QUÁ QUEN THUỘC.
  1. Hầu hết quý anh chị trong Hội Thánh đều biết và thuộc bài Cầu Nguyện Chung. Bắt đầu bằng “Lạy Cha chúng con trên trời” .  Ai ai cũng biết cầu nguyện riêng và  chấm dứt bằng “ trong danh của Chúa Jesus. A-men”. 
  2. Chúng ta biết lúc nào vỗ tay, lúc nào cười, lúc nào nói A-men, lúc nào hát, lúc nào làm chứng, lúc nào đưa vấn đề xin cầu nguyện, lúc nào quỳ gối, lúc nào đứng lên, lúc nào dự tiệc thánh, lúc nào dâng hiến, lúc nào hát.
  3. Chúng ta biết một số Thánh ca quen thuộc,
  4. Chúng ta biết ý nghĩa của những chữ mà người ngoại đạo không hiểu như Thánh thay, Thông công, hiệp nguyện, cầu thay, báp-têm...
Hầu như chúng ta mỗi tuần đến đây ngồi một chỗ, một hàng băng, tuần  này qua tuần khác, năm này qua năm khác.
Thật lạ lùng khi nghĩ lại chúng ta làm công việc thờ phượng Chúa một cách tự động, máy móc, một cách dễ dàng vì gần như là việc thường xuyên hay thường lệ. Vì vậy mà rất nhàm chán và thưa quý Hội Thánh, chính Đức Chúa Trời cũng nhàm chán.
CÔNG VIỆC LÀ KHÁM PHÁ CÁCH CHỮA TRỊ SỰ NHÀM CHÁN ĐÓ
Công việc của chúng ta là phải khám phá , phải tìm phương cách chữa trị cơn bệnh nhàm chán này. Tìm kiếm sự thờ phượng thật. Nếu quyền năng thật sự của sự thờ phượng xảy ra trong đời sống của anh chị em, anh chị em sẽ không bao giờ coi việc thờ phượng là việc nhàm chán, thường lệ nữa.
Nếu việc thờ phượng của chúng ta được chuẩn bị chu đáo thì 90 phút từ 3:30 đến 5:00 chiều là những giây phút phước hạnh, anh chị em sẽ thấy một sự khác lạ xảy ra và biến đổi cuộc sống của anh chị em.
CHUYỂN TỪ “TÔI” QUA “CHÚA”
Căn bản là : Trọng tâm của sự thờ phượng thật là chuyển từ cái tôi của mình, cái mình quan tâm  hướng về Chúa.và điều Chúa quan tâm. Nghĩa là làm sao khi bước vào đây, cái tôi không còn nữa, cái lo lắng của mình không còn nữa mà là Chúa của tôi là chính và Chúa quan tâm tới điều gì. Tư tưởng, tâm trí của mình hướng về thiên đàng. Dù đứng hay ngồi, dù cầu nguyện hay chỉ ngồi nghe, điều quan trọng là hướng về Chúa.
DIỄN VIÊN VÀ CỬ TỌA
Thông thường chúng ta luôn luôn nhìn về Mục sư là nhân vật chính, còn Mục sư nhìn tín đồ là cử toạ. Quan niệm đó biến việc thờ phượng của chúng ta không còn là sự thờ phượng thật.  Trong công tác thờ phượng thật, Mục sư và tín đồ đều phải là những diễn viên còn Chúa là cử tọa nhìn xem chúng ta. Điều này dẫn anh chị em chúng ta đến một câu hỏi phải hỏi trong lòng rằng : “ Ngày hôm nay, chúng ta có làm vừa lòng Chúa không? ” và “ Chúa có hài lòng với sự thờ phượng hôm nay của chúng ta không? ”
MA-LA-CHI NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA GỌI
Chúng ta nhìn lại sách Ma-la-chi.
Chúng ta thấy việc thờ phượng không làm vừa lòng Chúa là việc cũ xưa, không mới mẻ gì cả. Đời nào cũng có, thời nào cũng vấp phải.  
Ma-la-chi là một Tiên tri viết quyển sách cuối cùng của Cựu Ước khoảng 430 năm trước công nguyên. Như là phát ngôn viên cuối của Đức Chúa Trời của thời Cựu Ước, lời của ông nghiêm trang lạ thường.
CHỨNG BỊNH CỦA DO THÁI : TỰ MÃN
Lúc đó dân Do Thái đã trở về nước được khoảng 100 năm rồi. Đền thờ đã được xây lại và việc thờ phượng đã thành quy củ. Bề ngoài, quốc gia này trông rất tốt đẹp nhưng bên trong tế bào bị ung thư đục khoét tâm linh dân tộc này. Đó là ung thư tự mãn.  Đức Chúa Trời, qua tiên tri Ma-la-chi, nói về lòng bất tuân, lạnh nhạt, không quan tâm của dân tộc này để kêu họ quay trở lại thờ phượng Chúa nghiêm chỉnh hơn.
THIẾU TÔN KÍNH CHÚA
Trong câu 1:6, câu chuyện bắt đầu rằng “6  Con trai tôn kính cha mình, đầy tớ tôn kính chủ mình. Vậy nếu ta là cha, nào sự tôn kính thuộc về ta ở đâu? và nếu ta là chủ, nào sự kính sợ ta ở đâu? Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy cùng các ngươi, hỡi các thầy tế lễ khinh dể danh ta! Các ngươi lại nói rằng: Chúng tôi có khinh dể danh Ngài ở đâu?
Bắt đầu câu chuyện chúng ta thấy ngay Ma-la-chi đặt ngay vấn đề tôn kính. Thờ phượng phải có sự tôn kính.
Người cha không được tôn kính, Người chủ không được kính trọng như vậy có đúng không? Thầy tế lễ được cử ra để tôn kính Đức Chúa Trời. Họ là những người chuyên lo việc thờ phượng. Vậy mà họ không tôn kính Ngài!
Đức Chúa Trời đưa ra hai ví dụ:
  1. Họ dâng những thức ăn ô-uế (câu 1:7)
  2. Họ dâng con vật mù, què hay đau yếu (câu 1:8)
8  Khi các ngươi dâng một con vật mù làm của lễ, điều đó không sai sao? Khi các ngươi dâng một con vật què hoặc đau, điều đó không sai sao? 
Một người có 30 con chiên. 10 con hoàn toàn, 35 con tốt  và 5 con bị tì vết. Ông ta biết 5 con chiên tì vết này khó bán và bán không được bao nhiêu so với 45 con chiên kia nên ông dâng 5 con chiên này cho Đức Chúa Trời. Nó giống như một viên đạn giết chết 2 con chim. Vừa phế thải 5 con chiên ghẻ lở vừa chu toàn bổn phận dâng hiến cho Chúa. Ông ta giữ cái tốt và dâng cho Chúa cái xấu. Ông ta tưởng như vậy là kế vẹn toàn. Nhưng có một vấn đề. Đó là Đức Chúa Trời biết trong lòng ông ta. Chúa hỏi: “Thử dâng những thứ đó cho quan trấn thủ ngươi, liệu ông ta có bằng lòng và chấp nhận không?”
Và Chúa hỏi thêm: Bây giờ các ngươi nài xin Ta gia ân nhưng với các lễ vật như vậy, liệu Ta có chấp nhận các người không ? (câu 1:9)
LÝ DO THÁI ĐỘ THIẾU NGHIÊM TÚC
1. GIẢM CHI TIÊU: Dân Do Thái lúc đó là những người tạo sự nghiệp bằng bàn tay của mình. Họ đóng thuế cao, họ trả các chi tiêu hàng tháng, họ không có dư nhiều tiền, đa số là người trung lưu nên họ cố gắng giảm chi tiêu càng nhiều càng tốt. Họ nghĩ Chúa chẳng để ý đến lễ vật họ dâng. Họ nghĩ Chúa không cần đến phần dâng của họ nên họ cắt phần dâng hiến cho đền thờ bằng cách dâng những của lễ xấu nhất thay vì tốt nhất như Môi-se khuyến cáo họ.
2. HIỂU SAI LỜI CHÚA: Một lý do khác là thái độ thiếu nghiêm túc đối với Đức Chúa Trời. Để tôi giải thích điều nhận xét này.
Nhiều người lý luận rằng những cái bên ngoài không liên hệ tới sự thờ phượng. Họ dựa vào lời Chúa Jesus “ thờ phượng với tâm thần và lẽ thật” nên hình thức không đáng kể.
Tuy nhiên, khi quý vị bước vào đền thờ mà ăn mặc bê bối, dơ dáy, nhầu nát trong khi quý vị có thể ăn mặc tốt hơn, sạch sẽ hơn hay là trong khi quý vị đi đến một nơi khác thì ăn mặc tốt hơn thì làm sao quý vị chứng minh rằng mình là người lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng và làm sao quý vị có thể cho ngươì khác thấy quý vị là người kính trọng Đức Chúa Trời?
Tấm lòng của con người được bày ra trong nếp ăn ở của mình. Tất cả vấn đề trong sách Ma-la-chi là lòng người thiếu nghiêm trang khi họ thờ phượng Chúa, khi họ mang lễ vật là những món đồ phế thải, quá tệ dâng cho Chúa.
Chúng ta có khuynh hướng cho rằng việc thờ phượng cần có tấm lòng, hình thức bên ngoài không quan trọng nhưng Đức Chúa Trời nói rằng cách chúng ta thờ phượng nói lên tấm lòng của chúng ta.
SỰ THẬT: Chúng ta không thể nói rằng chúng tôi thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng nhưng hành động khác hẳn hay trái ngược. Nên nhớ hành động, thái độ của chúng ta tiết lộ tấm lòng tôn kính và yêu quý của chúng ta với Đức Chúa Trời.
  1. Nếu chúng ta hứa dâng cái tốt nhất nhưng chúng ta dâng cái tệ nhất,
  2. nếu chúng ta hứa sẽ phục vụ Chúa luôn luôn nhưng bây giờ chúng ta nuốt lời hứa đó,
  3. nếu chúng ta hát rằng “ Nguyền cung hiến cả đời con cho Ngài” hay là “Lạy Jesus xin cho con đi với Chúa suốt mọi đường, cuộc đời con nguyện trọn dâng cho Chúa thôi”...
Nhưng rồi vừa bước ra khỏi đền thờ là chúng ta đổi ý.
  1. Làm sao Chúa không giận.
  2. Nói sao sự thờ phượng không tẻ nhạt?
  3. Đừng hỏi tại sao đến đây thờ phượng Chúa mà không nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Lòng của chúng ta không ở cùng với sự thờ phượng.
SỰ THỜ PHƯỢNG LÀ MỘT GẮNG SỨC
Sự thờ phượng không tốn công, không tốn kém  sẽ không mang lại điều gì đáng kể.
1. Trong ngày Chúa nhật, nếu quý vị chiến đấu với sự uể oải, mệt mỏi sự lười biếng của thể xác, quý vị đã tốn một chút sức, một chút công.
2. Trong ngày Chúa nhật, nếu quý vị phải chiến đấu với những hấp dẫn như gặp gỡ, tiệc tùng, đề nghị làm over-time, quý vị đã tốn công ,tốn sức rồi.
3. Trong ngày Chúa nhật, nếu quý vị cố gắng đến sớm hơn tuần trước để đúng giờ thờ phượng, quý vị đã tốn công sức chiến đấu với thói quen của mình.
4. Trong ngày Chúa nhật, nếu quý vị chiến đấu với người thân tìm cách giữ quý vị không thể đến thờ phượng, quý vị đã tốn công sức chiến đấu rồi.
Trước những áp lực, hấp lực đó, quý vị đến đây được là quý vị mang lễ vật quý báu cho Chúa.
Theo Mục sư Ray Ritchard, Cơ đốc nhân và Hội Thánh Chúa có ba lãnh vực để việc thờ phượng của chúng ta không được tốt đẹp.
  1. Thiếu chuẩn bị cẩn thận
Mục sư thiếu chuẩn bị, tín đồ thiếu chuẩn bị, Hội thánh thiếu chuẩn bị buổi thờ phượng Chúa nhật.
Điều này xảy ra trước khi việc thờ phượng bắt đầu. Chúng ta không ngạc nhiên khi ngày Sa-bát của Do Thái bắt đầu từ tối thứ sáu bởi vì họ cần suốt đêm thứ sáu đó để chuẩn bị.  Theo cách đó chúng ta cần chuẩn bị việc thờ phượng Chúa nhật trong đêm thứ Bảy. Có ai chuẩn bị như vậy không?
1. Vì thiếu lo tính trước, chuẩn bị trước nên có người còn đến thờ phượng trễ giờ vì trước giờ thờ phượng người đó còn có vài buổi hội họp phải có mặt hay vài công việc cần phải làm nên không thể đến đúng giờ thờ phượng.
Dù bảng phân công đã được chuẩn bị trước hàng tháng nhưng có một số người không quan tâm đến và chẳng cần biết trong buổi thờ phượng đó mình được phân công làm việc gì. Vì vậy , chương trình thờ phượng phải thay đổi nhân sự. Thay đổi người cầu nguyện khai lễ, thay đổi người điều khiển chương trình, thay đổi người phụ trách dâng hiến và có khi thay đổi người chia sẻ lời Chúa.
Quý vị hãy nghĩ đến cảnh trên thiên đàng, Chúa ngồi trên ngôi cao sang chờ đợi quý vị cử hành lễ thờ phượng Ngài. Trong khi Ngài nghĩ rằng ông A sẽ cầu nguyện thì Ngài thấy bà B bước lên đây. Chúa sẽ hỏi thiên sứ tại sao có sự thay đổi như vậy. Lý do nào mà Hội Thánh đổi người. Dĩ nhiên thiên sứ sẽ tra hỏi và sẽ trình nguyên do. Nguyên do nào ông A vắng mặt ? Nguyên do đó có được Chúa chấp nhận hay không?  Nếu bận không đến được và họ cũng không điện thoại cho người lo sắp chương trình biết để tìm người khác thay thế.
VÍ DỤ :
Quý vị còn nhớ MS Tôn Thất Bình chuẩn bị như thế nào để được gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ? Ông cho biết ông chuẩn bị quần áo, giày vớ một tuần trước đó. Ngày hôm đó, ông thức sớm hơn thường lệ dù giờ gặp Tổng thống là 11 giờ trưa. Lúc 9 giờ là ông đã sẵn sàng, quần áo chỉnh tề dù rằng xe của Tổng thống sẽ đón ông lúc 10:30. Đó là thái độ của một người có lòng kính trọng và mong đợi cuộc gặp mặt. Tổng thống Thiệu sẽ có thái độ nào nếu MS Tôn Thất Bình đến trễ, hay không đến mà người khác thay thế.
Chúa nhật chúng ta không đến đây để gặp một lãnh đạo của thế gian. Chúng ta đến đây để gặp Đấng Tạo Hoá, lãnh đạo cả vũ trụ . Ngài phán “ Ta là vua vĩ đại, danh ta được các dân tộc kính sợ “(câu 1:14).
Trước đây, lúc tôi còn đi thờ phượng tại Hội Thánh Lanham, trước giờ thờ phượng bắt đầu, Mục sư , trưởng ban Chấp sự, người điều khiển chương trình hôm đó và người cầu nguyện khai lễ phải đến trước và cùng cầu nguyện xin Chúa chúc phước cho buổi thờ phượng. Buổi thờ phượng phải được chuẩn bị chu đáo. Mục sư, tín đồ và Hội Thánh phải quan tâm đến điều này để tránh những sơ xuất đáng tiếc trong buổi thờ phượng.
  1. Tâm thần không tập trung để thờ phượng
Khi chúng ta có mặt tại nhà thờ, chúng ta tôn vinh, cầu nguyện, chúng ta tiếp tục hát, đứng lên nghe đọc lời Chúa, rồi cầu nguyện, nghe bài giảng, nghe các ban hát, chuyển dĩa đựng tiền dâng hiến cho người bên cạnh, rồi đứng lên cầu nguyện, tôn vinh chân thần rồi được chúc phước rồi ra về.
Chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra, chúng ta làm theo như máy móc.
Lòng vẫn còn giữ nguyên:
  1. những rắc rối trong sở làm,
  2. những khó khăn trong gia đình,
  3. những thiếu thốn trong cuộc sống và
  4. những cái lo sợ về sức khỏe, về tương lai vì không biết phải giải quyết làm sao.
Trong trạng thái đó, chúng ta không thể nào tập trung để thờ phượng Chúa. Hãy bình tĩnh, hãy bắt đầu cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin Chúa nói chuyện với con bây giờ. Con đang lắng nghe tiếng Chúa.”
Chúa sẽ nói chuyện với quý vị và suốt buổi thờ phượng, Chúa ở cùng quý vị.
Trong phần cầu nguyện khai lễ, người cầu nguyện phải tập trung vào buổi thờ phượng. Tránh cầu xin dài dòng, bao đồng, tránh rườm rà, cầu xin Chúa ba điều căn bản :
(1) Bình an cho những người chưa đến hay không đến được
(2) Thánh Linh soi dẫn người phụ trách các tiết mục thờ phượng như người điều khiển chương trình, người đánh đàn, người tôn vinh, người giảng luận để buổi lễ được Chúa vừa lòng.
(3) Cho những người có mặt: quăng cất những lo lắng, phân tâm, giúp họ tập trung về Chúa, suy nghĩ về những điều Chúa đang quan tâm, giúp mọi người thấy sự hiện diện của Chúa.
  1. Động cơ đến đây không đúng
  2. Quý vị đến đây để nhận một cái gì đó hay quý vị đến đây vì quý vị có một cái hẹn với Chúa ? Câu trả lời của quý vị sẽ đưa đến 2 thế giới khác biệt. Sự khác biệt đó nằm ở chỗ động cơ nào quý vị đến đây:
  3. Sự thờ phượng hôm nay sẽ giúp tôi cái gì? Hay tôi đến đây để gặp Chúa và tôi sẽ nói gì với Chúa? 
Chúng ta mời người ngoại đạo đến đây trong buổi thờ phượng ngày Chúa nhật chỉ để cho người đó thấy sự thờ phượng của chúng ta. Buổi thờ phượng khác với buổi truyền giảng và chớ nên lẫn lộn điều này.
  1. Buổi thờ phượng cũng không phải là nơi trình diễn thời trang dù rằng việc ra mắt Chúa phải được tươm tất khang trang.
  2. Buổi thờ phượng cũng không phải là một sinh hoạt cộng đồng nên đến để cho vui. Động cơ này không đúng với ý nghĩa của sự thờ phượng.
  3. Buổi thờ phượng chưa chấm dứt mà có người bỏ ra để làm việc khác như chuẩn bị cho mục kế tiếp là ăn uống là một điều bất kính với Chúa. Buổi tiếp xúc với Chúa chưa chấm dứt, chưa nói hết lời, chưa bắt tay từ giã chưa nói lời cầu chúc nhau mà mình bỏ đi , dù là để lo cho người khác nhưng với người trước mặt là Chúa thì thái độ đó là sự coi thường Ngài.
1. Vấn đề là cặp mắt của chúng ta chưa hướng về Chúa. Sở dĩ chưa hướng về Chúa vì chúng ta không thấy Chúa trong nhà thờ nên chúng ta hành động như một người không có Chúa.
2. Vấn đề là chúng ta chưa rời xa những lo lắng của mình khi bước vào đây.
Sự thờ phượng thật không làm cho những trở ngại tan biến nhưng sự thờ phượng sẽ làm cho chúng ta nhìn vào những khó khăn đó dưới một ánh sáng mới. Khi chúng ta gặp vị vua của các vua, những thử thách hiện tại hình như không còn quá to lớn nữa.
SỰ NHÀM CHÁN CỦA BUỔI THỜ PHƯỢNG VÌ MỤC TIÊU
Nên nhớ nếu chúng ta nhàm chán sự thờ phượng thì Chúa cũng nhàm chán sự thờ phượng của chúng ta và như vậy việc làm của ngày hôm đó là vô ích mà thôi. Đó cũng là vấn để gốc rễ của chúng ta.
  1. Nếu Mục sư là mục tiêu của việc thờ phượng thì bài giảng của Mục sư là cội rễ của sự nhàm chán.
  2. Nếu sự thưa thớt của sự nhóm họp là cội rễ của sự nhàm chán thì sự đông đảo của tín đồ là mục tiêu của sự thờ phượng.
  3. Nếu các tiết mục của chương trình thờ phượng là nguyên nhân của sự nhàm chán thì sự vui tươi hay sự nhộn nhịp là mục tiêu của quý vị khi quý vị đến đây.
Nếu quý vị đến đây để thờ phượng Chúađể diện kiến Chúađể trao đổi với Chúa thì tại sao chúng ta nhàm chán. Quý vị chán gặp Chúa ? tôi không tin như vậy.
Có lẽ chán vì không gặp Chúa nhưng làm sao gặp Chúa khi mà chủ đích của chúng ta đến đây để nghe bài giảng của Mục sư, để thấy sự nhôn nhịp của Hội Thánh, để tham gia vào một chương trình hấp dẫn.
Có ngưòi vui chơi khi thờ phượng. Có người có tinh thần nghiêm túc thờ phượng trong lúc làm việc và có người cẩn thận như đi làm trong khi chơi. Đó là ngược đời và điều đó mang lại sự bất hạnh.
GIÔ-SA-PHÁT
Hôm nay tôi nhắc lại câu chuyện về vua Giô-sa-phát trong sách  II Sử Ký đoạn 20
Giô -sa-phát là vua dân Giu Ða (872 BC) trong 25 năm.  Ông là một vua tốt, biết kính sợ, vâng phục và tìm cầu Ðức Chúa Trời. Nước Giu đa dưới thời Giô -sa-phát ngày càng cường đại, cho đến tột bực. 11:12.  Ông thờ phượng Ðức Chúa Trời và tiêu hủy các đền thờ Ba-anh. Ðó là hai việc phải làm song song với nhau.

Vua Giô-sa-phát và dân Giu da  đang đối diện với một hoàn cảnh rất khó khăn, có thể nói là hoàn toàn vô vọng.  Ðó là một ngày xấu nhất trong cuộc đời của ông ta.  Ông bị bao vây tứ phía bởi quân đội của ba nước. 
Câu 2 ghi rằng có vài tên bộ hạ báo cáo tin dữ này rằng: “ Thưa bệ hạ, thật khủng khiếp. Họ đông lắm, từ bên kia biển từ nước Sy-ri, dân Mao nít, Mô -áp, dân Am-môn kéo đến. Họ đông như cát biển. Chúng ta 1 chọi 10. Chúng ta không cách nào thoát được . Bệ hạ, bây giờ chúng ta phải làm thế nào? ”
Kinh thánh mô tả vua Giô-sa-phát  sợ hãi. Ðây là một tin sét đánh.
Tin này là một bản án tử hình. Ai trong hoàn cảnh đó cũng “ hồn vía lên mây”
Nếu ông ấy có thể dấu nỗi lo sợ của mình mà ra lịnh rằng : “ Hãy tập trung tất cả vũ khí , quân sĩ, đàn bà con trẻ để tìm đường thoát thân.  Phải chống cự lại, chẳng lẽ ngồi chờ chúng đến giết mình hay sao?
Nhưng binh sĩ sẽ đáp lại rằng : “ Tâu bệ hạ, quân thù đã hoàn toàn vây kín chung quanh rồi. Con kiến  cũng không lọt ra được ”.
Ông không còn đủ thì giờ để trách cứ tình báo, trách cứ bộ hạ. Ông không ngồi đó buồn rầu, rên rỉ khóc lóc.
Ông lo sợ, ông lo lắng nhưng  phản ứng đầu tiên của ông là tìm đến Ðức Chúa Trời.
Ðây là bài học thứ nhất cho chúng ta
Mỗi khi chúng ta gặp khó khăn, gặp rắc rối, việc đầu tiên phải là cầu cứu với Chúa.Câu 3 ghi rằng ông kêu gọi toàn nước kiêng ăn một ngày. Ông kêu gọi mọi người ăn năn.
Ðây là bài học thứ hai. Khi tìm cầu Chúa, trước hết phải ăn năn tội lỗi của mình
Rồi mời tất cả đến đền thờ Ðức Chúa Trời để hiệp ý cầu cứu với Ngài. Ông không kêu gọi cả nước kiêng ăn rồi nhà ai nấy ở và cầu nguyện tại gia. Không. Họ cùng đến đền thờ để cầu nguyện.
Ðây là bài học thứ ba của chúng ta. Cầu nguyện trong đền thờ của Chúa
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIÔ-SA-PHÁT
Ông cầu nguyện: “ Chúa là Chúa duy nhất trên trời. Không có thần nào giống Chúa. Ngài là Ðấng quyền năng, chẳng ai có thể chống cự lại Ngài. Ngài đã đánh đuổi dân xứ này để ban cho dòng dõi Áp-ra-ham là bạn của Chúa làm sản nghiệp đời đời. Chúng tôi thuộc dòng dõi Áp-ra-ham. Bây giờ ba quân đội của kẻ thù đang đến đây để mưu toan diệt dòng dõi Áp-ra-ham. Chúng tôi đang ở trong đền của Ngài, đang van nài cầu cứu. Chúng tôi không biết phải làm sao trước quân đội đông đảo của ba quốc gia thù nghịch. Chúa có đầy đủ quyền lực để giải cứu chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết ngước mắt nhìn lên và chờ đợi Chúa rủ lòng thương xót”
Ðọc  câu 14 “ Bây giờ tại giữa hội chúng, Thần Ðức Chúa Trời cảm động. Ngài phán qua môi miệng của một Levi rằng:” Chớ sợ, chớ kinh hãi vì đám quân đông đảo này. Trận chiến này không phải của các ngươi đâu mà chính là của Ðức Chúa Trời”
Ðây là bài học thứ tư.
Nếu hành động chúng ta làm cảm động lòng Chúa thì lời van xin của chúng ta sẽ được Chúa nghe. Muốn Chúa cảm động, chúng ta phải thật sự ăn năn, thống hối, xé lòng, tha thiết van nài.
Kinh thánh ghi rằng sáng sớm hôm  sau, họ thức dậy sớm, vua Giô-sa-phát đặt các toán ca ngợi tôn vinh Chúa, mặc áo lễ ra trước đội cơ binh mà ngợi khen Ðức Chúa Trời, càng tiến gần quân thù họ càng lớn tiếng ngợi khen Chúa. Họ đánh giặc mà bỏ qua yếu tố bất ngờ. Tiến về quân địch mà ca hát rền trời đất. Nhưng điều này lại làm cho quân đội ba nước rối loạn, giết hại lẫn nhau. Cuối cùng khi quân đội Giu đa đến thì các quân thù đã tự tiêu diệt. Không còn một ai sống sót.
Ðây là bài học thứ 5  Khi tình thế càng nguy ngập, chúng ta tôn vinh ca ngợi Chúa càng lớn và không ngưng nghỉ.
Câu 25 cho biết quân Giu đa cướp tài vật, tiền bạc, của cải, đồ quý báu rất nhiều cho đến đỗi không thể mang đi được. Họ hiệp lại dưới thung lũng Be-ra-ca để ngợi khen Ðức Chúa Trời rồi trở về Gie-ru-sa-lem  thành công vì Ðức Chúa Trời đã làm cho chúng vui mừng. “ Nước Giu-đa dưới thời Giô-sa-phát được hòa bình. Ngài ban cho họ sự thanh bình bốn bên” câu 20:30
KẾT LUẬN
Lời phán sau cùng của Chúa mà sứ đồ Mathiơ ghi trong sách Phúc âm là: “ ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” Mathiơ 28:20
- Tại sao Chúa nhắc : “ ta ở cùng các ngươi luôn cho đến ngày tận thế”
Quý vị đã biết điều này . Chúa ở cùng chúng ta để giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh khi chúng ta làm công việc Ngài giao cho và chúng ta phải hết lòng thờ phượng Chúa.
LẬP LẠI LỜI CẦU NGUYỆN
Bây giờ, tôi muốn theo gương của Giô-sa-phát mà cầu nguyện với Ðức Chúa Trời. Xin quý vị hiệp ý với tôi qua lời cầu nguyện sau đây:
“ Lạy Cha của chúng con trên trời.  Chúa là Ðức Chúa Trời duy nhất, hằng sống và là chân lý của vũ trụ này. Không có quyền phép nào trên thế gian này có thể so sánh với quyền năng vô biên của Chúa.
“ Chúng con cảm tạ Chúa về mọi điều Chúa đã cho chúng con. Chúa đã đem chúng con ra khỏi nơi tối tăm và giúp chúng con bước vào cõi vinh quang đời đời của Chúa.  Chúa ơi!  chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã cứu chúng con, tha tội lỗi của chúng con, rửa sạch bằng huyết báu của Ngài. Giờ đây, chúng con đứng trước mặt Chúa như một người công bình.  Nhìn lui về quá khứ của cuộc đời, chúng con cảm tạ Chúa vì những ân phước Chúa đã ban cho. Chúng con không biết phải nói sao, lời nào để bày tỏ lòng cảm ơn của chúng con trước những ân phước tràn đầy của Chúa ban cho.
Chúng con đến dưới bệ chân Ngài để van xin Chúa giúp chúng con thờ phượng Chúa hết lòng, hết tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy Ngài. Xin Chúa phục hưng Hội Thánh này. Chúng con không biết phải làm sao để mở rộng Hội Thánh của Chúa. Chúng con không biết phải làm sao để đồng hương con nghe đến chương trình cứu chuộc của Chúa. Chúng con bất lực không biết phải làm sao để người VN trong vùng này tin Chúa và thờ lạy Ngài.  Chúng con nhìn lên và chờ đợi Chúa gia ân. Chúng con hiệp ý nài xin Chúa làm cho đồng hương của chúng con biết Chúa và thờ phượng Chúa. Chúng con ngước mắt chờ trông Chúa. Chúng con cầu xin các điều này trong danh Jesus.   A men ”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét