Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

CHÚA VẪN CÒN HƯỚNG DẪN CHÚNG TA ?

CHÚA VẪN CÒN HƯỚNG DẪN CHÚNG TA ?
Thi thiên 37:7 - Châm ngôn 21:1 - Xuất 13:21-22
“Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, Hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.
“Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.
“Đức Giê-hô-va đi trước dân sự, ban ngày ở trong một trụ mây, để dẫn đường đi; ban đêm trong một trụ lửa, để soi sáng cho chúng, hầu cho được đi luôn ngày và đêm. 22 Ban ngày trụ mây chẳng bao giờ cách xa dân sự, trụ lửa ban đêm cũng vậy.
Câu chuyện MẤT DÊ trong Cổ Học Tinh Hoa được kể như sau : Người láng giềng nhà Dương Chu mất một con dê, đã sai hết thảy người nhà đi tìm, lại sang nói với Dương Chu mượn thêm người nhà cho đi tìm hộ.
Dương Chu nói : Ôi! Sao mất có một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm? Người láng giềng đáp: Vì mỗi đường có lắm ngã ba”. Khi các người tìm dê trở về, Dương Chu hỏi: Có tìm thấy dê không? Người láng giềng đáp:
- Không
- Sao lại không thấy?
- Tại đường có lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã ba khác. Thành ra không biết đi đường nào để tìm thấy dê, phải chịu về không”
Dù đường cái, chỉ vì lắm ngả ba mà dê mất không tìm thấy. - Chuyện của Liệt Tử.
Thưa quý Hội Thánh
Tuy dụng ý của câu chuyện trên là khuyên con người chớ nên tiêu hao khả năng sức lực, tiền của cho nhiều việc một lúc vì sẽ không có kết quả. Chẳng bằng tập trung tài năng, sức lực tài nguyên vào một việc hay một lãnh vực nào đó thì sẽ thành công.
CON ĐƯỜNG VÁC THẬP TỰ
Tuy nhiên câu chuyện MẤT DÊ cũng cho chúng ta thấy một lối sống vâng phục của con người. Cuộc sống của một tín nhân sẽ không còn phải đối phó với cuộc đời có lắm ngả ba nữa mà chỉ còn một lối đi . Đó là con đường vác thập tự mà theo Chúa .
LÀM TÔI HAI CHỦ
Chúa Jesus dạy chúng ta chớ làm tôi hai chủ “ vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hay là hiệp với chủ nầy mà khinh dể chủ kia. Các ngươi không có thể đã làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn nữa ” Lu-ca16:13 .
SỐNG CÓ ĐỊNH HƯỚNG
Cuộc sống phải có định hướng vì tương lai sẽ có lắm ngả ba. Nếu không có định hướng, chúng ta sẽ không biết rẽ theo lối nào. Nếu chúng ta đi từ Virginia đến Baltimore , hướng chúng ta đi là hướng Bắc. Nếu gặp ngã ba, chúng ta chọn hướng bắc mà đi và chúng ta sẽ không mất thì giở tốn công sức và chúng ta sẽ đến mục tiêu của mình. Con người không định hướng như con thuyền không lái. Gió thổi chiều nào thì thuyền trôi theo chiều đó, lênh đênh, lêu bêu giữa đại dương mà không đến bến bờ vĩnh phước.
HÃY VÀO CỬA HẸP
Cuộc sống của con người luôn luôn đối diện với những ngả ba và con người cần có quyết định, chọn lựa.
Trong Ma-thi-ơ 7: 13,14 Chúa Jesus chỉ cách chọn lựa : “ Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít 
CUỘC SỐNG LÀ CHỌN LỰA
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, con người phải chọn lựa và quyết định.
- Chiều thứ Bảy, cháu ngọai tôi phải chọn lựa: nên ngủ ở nhà ông bà ngoại thì được một game mới hay ngủ với cha mẹ thì không có gì hết.
- Vào đại học thì quyết định học trường nào, học ngành nào
- Tốt nghiệp xong thì quyết định ai sẽ là chồng mình hay vợ mình
- Nên xin việc làm ở đâu, công ty tư hay chính phủ,
- Rồi quyết định có bao nhiêu đứa con. Có ba đứa con rồi có nên có thêm đứa thứ tư không?
- Mua nhà cũng phải chọn và quyết định. Mua nhà ở vùng nào ? Trong beltway hay ngoài beltway. Nhà mới hay nhà c ũ , lớn hay nhỏ. Đất rộng hay ¼ mẫu là đủ rồi,
- Rồi lắm khi phải đối phó với sự chọn lựa hay quyết định quan trọng hơn. Có phải là Chúa kêu gọi không ? Làm sao tôi biết chắc đó là sự kêu gọi của Chúa để tôi quyết định bỏ việc làm mà theo hầu việc Ngài ?
SỐNG và LÀM THEO Ý CHÚA để nhận phần thưởng trên thiên đàng. Tôi tin rằng Kinh Thánh là quyển sách về ý muốn của Chúa.
KINH THÁNH LÀ QUYỂN SÁCH NÓI VỀ Ý CHÚA
Đây là một ý niệm rất căn bản và rất quan trọng cho tất cả tín nhân. Kinh Thánh giúp chúng ta biết :
- Chúa là ai,
- Hành động của Ngài như thế nào,
- Tương quan hay liên hệ với con người,với chúng ta như thế nào.
Kinh Thánh không chỉ đưa ra những nguyên tắc tổng quát nhưng còn chỉ cho con dân Ngài rõ ràng cách thức làm việc của Đức Chúa Trời.
CÂU HỎI CỦA MỘT NGƯỜI.
- Câu hỏi căn bản của một sinh viên là Lạy Chúa, con nên đi con đường nào ? Bác sĩ , kỷ sư, thầy giáo, ý tá, cảnh sát, hay quân đội …hay làm người nội trợ chăm sóc gia đình …
- Có người đã 50, 60 tuổi mà có đêm vẫn còn tự hỏi mình có đi đúng con đường mà mình thích hay hợp với khả năng của mình ?
- Và tín đồ cũng có lúc phân vân tự hỏi “ Có phải Chúa muốn mình đến sống ở xứ này không?
- Còn những người đã về hưu , họ cũng hỏi một câu hỏi đó.” Tôi còn 15 năm để sống, tôi muốn sử dụng thời gian này thật hữu dụng: hữu dụng cho tôi, cho gia đình, cho xã hội. Còn nếu một Cơ đốc nhân hồi hưu thì câu hỏi là “ Tôi còn 15 năm sống, tôi sẽ làm gì để đầu tư vào sự sống đời đời.
CÂU HỎI ĐẦU TIÊN CỦA PHAO LÔ
- Chúng ta nhớ trên đường đến thành Đa mách , khi Sau lơ, sau này là Phao lô, lần đầu tiên gặp Chúa Jesus, câu hỏi đầu tiên là : Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ? Công vụ 9:6 (trong bản tiếng Việt Nam và NIV không có câu này. Trong bản King James và Amplified thì có câu này ).
Câu hỏi căn bản nhất của một tín nhân : Chúa muốn tôi làm gì?
CÂU HỎI CĂN BẢN THỨ HAI
Câu hỏi thứ hai là ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ C Ò N HƯỚNG DẪN dời sống của chúng ta không?
Những người mà cuộc sống gần như đã định hướng rồi, những người coi cái tôi quá lớn, những người tự cao tự đại, những người tin Chúa nhưng không kính sợ Chúa cho rằng tôi quyết định cuộc đời của tôi. Tôi không cần sự hướng dẫn của Chúa vì tôi biết điều gì tôi nên làm hay cần làm hoặc phải làm.
Ví dụ: Tôi có nên dọn về vùng nắng ấm sau khi hưu trí không? Tôi có kinh nghiệm về thí dụ này. Chúa cho vợ chồng tôi một bài học và bây giờ chúng tôi không còn có tư tưởng đi đâu hết. Chúa đã giúp tôi chọn một quyết định theo ý Chúa
Tổng quát, chỉ khi nào chúng ta ở trong khu rừng mịt mù, đứng trước một ngã ba, chúng ta mới van xin Chúa giúp mình, hướng dẫn mình ra khỏi khu rừng cây cối um tùm không?
CHÚA HƯỚNG DẪN CHO ĐẾN KHI QUA ĐỜI
Tôi muốn mời quý vị cùng đọc một câu Kinh Thánh trong Thi Thiên 48:14 “ Vì Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô cùng; Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết” . Sau khi trở thành con cái của Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta cho đến khi chúng ta qua đời.
Sau gần 70 năm sống ở thế gian, tôi khám phá rằng điều này là lẽ thật. Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta dù chúng ta tin hay không., dù chúng ta thấy Ngài hay không, dù chúng ta biết hay không, dù chúng ta hiểu hay không. Ngài hứa là Ngài sẽ hường dẫn chúng ta.
Đức Chúa Trời này là Đức Chúa Trời nào? Đó là Đức Chúa Trời của Ap-ra-ham, của Y- sác, của Gia- cốp, của các tổ phụ Do Thái, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã dẫn dân sự của Ngài qua đồng vắng, qua sa mạc, Đức Chúa Trời của dân Do Thái, và Đức Chúa Trời của chúng ta đời đời vô cùng.
CÂU CHUYỆN CHÚA HƯỚNG DẪN DÂN DO THÁI
Trong Kinh Thánh có nhiều chỗ để chúng ta học hỏi kinh nghiệm về sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Nhưng có một câu chuyện lúc nào cũng ám ảnh tôi khi tôi nghĩ đến sự quan phòng, sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Câu chuyện đó thật rõ ràng như là một mô thức về sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Nhưng rất nhiều con cái Chúa không tin, không áp dụng vì không đồng ý với Chúa bởi vì nó không lô-gíc, không hợp lý, không thích hợp với thời đại của chúng ta đang sống. Hôm nay tôi muốn mổ xẻ nội dung câu chuyện này.
Câu chuyện đó nằm trong Xuất 13 và trong Dân số ký 9.
Sau khi dân Do Thái rời xứ Ai-cập và đi vào sa mạc hướng về vùng núi Si-nai. Chính lúc này, một điều lạ lùng xảy ra.
Câu 20-22 của Xuất 13 ghi rằng :
“ 20 Vả, chúng đi khỏi Su-cốt, đóng trại tại Ê-tam, ở cuối đầu đồng vắng. 21 Đức Giê-hô-va đi trước dân sự, ban ngày ở trong một trụ mây, để dẫn đường đi; ban đêm trong một trụ lửa, để soi sáng cho chúng, hầu cho được đi luôn ngày và đêm. 22 Ban ngày trụ mây chẳng bao giờ cách xa dân sự, trụ lửa ban đêm cũng vậy ” .
Sa mạc phía sau, Biển Đỏ trước mặt và quân Ê-díp-tô đang đuổi theo. Dân Do Thái lo sợ. Họ chưa hề rời đất Ai-cập. Họ chỉ biết vùng đất Ai cập và vua Pharaôn, dù bị hành hạ khổ sở nhưng họ còn thấy an tòan. Mạng sống không bị đe dọa. Họ không biết điều gì sẽ xảy ra khi họ bỏ nơi an tòan mà ra đi. Để đánh tan sự lo sợ đó, Đức Chúa Trời hành động: Ngài ban một trụ mây để dẫn đường lúc ban ngày và một trụ lửa để soi sáng ban đêm để giúp đòan dân đi ngày hay đêm. Chúa hướng dẫn dân sự Ngài 24 giờ/ngày vả 7 ngày/tuần, Tất cả chỉ cần theo trụ mây hay trụ lửa mà đi hay ở.
Hiện tượng này được ghi chép rõ ràng hơn trong Dân số ký 9:15-23
“Vả, ngày người ta dựng đền tạm, thì trụ mây bao phủ đền tạm và Trại chứng cớ ; ban chiều dường có một vầng lửa ở trên đền tạm cho đến sáng mai. 16 Hằng có như vậy; ban ngày trụ mây bao phủ đền tạm, và ban đêm giống như có lửa. 17 Mỗi khi trụ mây cất lên khỏi Trại, thì dân Y-sơ-ra-ên ra đi; trong nơi nào trụ mây dừng lại, thì dân Y-sơ-ra-ên hạ trại ở đó. 18 Dân Y-sơ-ra-ên ra đi theo mạng Đức Giê-hô-va, và hạ trại theo mạng Đức Giê-hô-va. Trọn trong lúc trụ mây ngự trên đền tạm, thì dân Y-sơ-ra-ên cứ đóng trại. 19 Khi nào trụ mây ngự lâu trên đền tạm, thì dân Y-sơ-ra-ên vâng theo mạng Đức Giê-hô-va, chẳng hề ra đi. 20 Nhưng khi nào trụ mây ngự ít ngày trên đền tạm, thì dân Y-sơ-ra-ên cứ vâng theo mạng Đức Giê-hô-va mà hạ trại và ra đi. 21 Khi trụ mây ngự tại đó từ buổi chiều đến sáng mai, và khi đến sáng mai trụ mây cất lên, thì ra đi; không cứ ngày hay đêm trụ mây cất lên, thì họ ra đi. 22 Trụ mây ngự trên đền tạm hoặc hai ngày, hoặc một tháng, hoặc lâu hơn nữa, thì dân Y-sơ-ra-ên cứ đóng trại, không hề ra đi; nhưng khi trụ mây cất lên, thì họ ra đi. 23 Dân Y-sơ-ra-ên hạ trại và ra đi tùy theo mạng Đức Giê-hô-va; họ theo chương trình của Đức Giê-hô-va, tùy mạng lệnh Ngài đã cậy Môi-se mà truyền cho.
Qua đọan kinh văn này, tôi rút ra 4 bài học quan trọng
A. CHÚA HƯỚNG DẪN TỪNG BƯỚC MỘT
Dân số ký đoạn 9 dạy chúng ta một điều thật rõ ràng: Trụ mây cất lên thì họ đi, trụ mây ngừng lại thì họ dừng lại đóng trại. Dân Y-sơ-ra-ên hạ trại và ra đi tùy theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va. Có khi trụ mây dừng lại vài ngày, một tháng hay lâu hơn thì họ cứ ở yên không đi. Đoàn dân không hề biết trước, chỉ biết việc phải đi hay ở từng ngày.
Đây chính là vấn đề của chúng ta
Chúng ta thường muốn biết ý muốn của Chúa cho ngày mai để chúng tự đặt kế họach cho mình. Đối với chúng ta, biết ý muốn của Chúa có nghĩa là khám phá ra tương lai. Đối với chúng ta, Chúa sẽ mở cuộn giấy của đời sống để cho chúng ta biết trước để chúng ta có thể thấy tòan diện cuộc đời trải ra trước mắt mình.
Khổ thay, thường thường Chúa không hành động như vây . Tôi muốn nói rõ thêm rằng Chúa có kết họach tòan diện cho cuộc sống của chúng ta nhưng có lẽ chúng ta không thể nào có được cái bản vẻ blueprint tòan diện về cuộc đới của mình và tôi nghĩ rằng cách thức mà Đức Chúa Trời hướng dẫn cho con dân Chúa hôm nay cũng còn y như Chúa đã làm cho dân sự Ngài hồi Cựu Ước. Đó là từng ngày và từng bước một.
Thi thiên 119:105 “ lời Chúa là ngọn đèn cho chân của tôi là ánh sáng cho đường lối tôi ” là hình ảnh của một người đi trong tối tăm với cây đèn thắp sáng lối đi của mình. Với ngọn đèn trên tay, người khách bộ hành thấy được bao xa ? Ông ta chỉ thấy từng bước và nương theo ánh sáng của ngọn đèn, ông ta bước từng bước một. Hết bước thứ nhất, đèn soi sáng để ông bước thứ hai. Chúng ta muốn biết trước 10 bước nhưng Chua ít khi chỉ cho chúng ta 10 bước một lần. Thường Ngài hướng dẫn chúng ta từng bước một.
NHÌN LẠI QUÁ KHỨ : Bây giờ quý vị thử quay lại nhìn về quá khứ, với chặng đường đã đi qua, quý vị thấy có phải Chúa hướng dẫn quý vị bước từng bước không ? Chúng ta tiến lên rồi dừng lại sau đó bước đi rồi sau đó dừng lại đến ngày hôm nay. Đó là cuộc đời của tôi mỗi khi quay lại nhìn về quá khứ. Lịch sử của Hội Thánh này cũng vậy. Hội thánh sinh họat từng ngày, từng tháng. Có muốn chạy mau hơn nhưng Chúa biểu phải chờ. Cá nhân có chạy nhưng Hội Thánh vẫn đứng yên vì trụ mây đứng yên. Cố gắng bước hai bước một lần nhưng rồi nhìn lãi nó cũng chỉ cách xa bằng một bước mà thôi.
B. PHẢI VÂNG PHỤC DÙ VÔ NGHĨA
TÂM TRẠNG CỦA MÔI-SE: Khi tôi đọc Dân số ký 9 này, tôi đặt mình vào tâm trạng của người viết, tôi có cảm giác tác giả, tức Môi-se ghi lại hòan cảnh này trong trạng thái ít nhiều thất vọng. Có phần nào khổ sở khi ông cho người đọc biết rằng có khi trụ mây di chuyển thình lình và có khi trụ mây dừng bước lâu cả tháng trường mà Đức Chúa Trời không hề cho biết lý do hoặc giải thích rõ ràng. Dân sự dừng tại một nơi nào đó một thời gian rồi bất chợt trụ mây di chuyển để dân sự phải di chuyển theo. Có lúc, họ phải dừng chân lại một đêm để hôm sau lại tiếp tục đi.
Như vậy trụ mây dừng hay chuyển động không theo một hệ thống suy nghĩ hợp lý hay có động cơ rõ ràng hoặc ý định nào biết được. Đôi khi Chúa để dân sự đi liên tục thay vì dừng lại để nghỉ ngơi.
Chúng ta có lúc sống tại một nơi rất hạnh phúc và hài lòng . Có công việc làm tốt, có gia đình hài hòa. Có tiền bạc và có mọi thứ tốt đẹp. Co cái học hành ngoan ngoãn, láng giềng thân mật… Do đó chúng ta nói với Chúa : Chúa ơi! Chúng ta cắm trại tại đây một thời gian dài, hay ở luôn tại nơi này vì mọi sự tốt đẹp quá chứng”. Nhưng ngày hôm sau, trụ mây lại di chuyển. Chúng ta thắc mắc, hỏi Chúa : Chúa ơi! Chúa dẫn con đi đâu vậy? Chỗ này tốt quá mà! Chúa đáp : Chúng ta di chuyển tới nơi khác. Nếu con theo ta thì hãy di chuyển theo ta”.
Có lúc chúng ta hài lòng với Hội Thánh . Tuy ít người nhưng sống hài hòa với nhau, chúng ta có cảm giác như vậy là vui rồi. Nhưng Chúa bắt chúng ta phải chuyển động, phải có sinh họat nhiều hơn, phải có nhiều chương trình hơn để rồi có thêm người và không còn gần gủi như trước và vì có sinh họat nên có nhiều ý kiến, không ai cho ý kiến của mình là dở tệ nên khi ý kiến nêu ra không được đa số đồng ý thì gây bất bình, xáo trộn và mất vui. Câu hỏi vẫn là tại sao HT phải phát triển khi mà HT đang sống vui vẻ hòa thuận? Chúa không giải thích, không trả lời chỉ thấy trụ mây di chuyển và Hội Thánh phải chuyển động. Lúc Hội Thánh chuyển động thì trụ mây dừng lại, Hội Thánh phải dừng chân với bao nhiêu xáo trộn, bất hòa, tiếng bất tiếng chì. Và không ai biết bao giờ Hội Thánh sẽ chuyển động.
Hội thánh di chuyển theo trụ mây, Dân sự đi theo trụ mây và bất cứ cá nhân thuộc dân sự đó đều phải đi theo.Nếu không sẽ bị bỏ lại và sẽ gặp khốn đốn. Nếu Trụ mây dửng lại, cả dân sự dừng lại mà cá nhân vẫn đi thì sẽ không thể sống sót. Bất cứ thành phần nào trong Hội Thánh từ Mục sư đến em bé đều phải bước đi hay dừng chân theo Hội Thánh. Quý vị sẽ có cảm giác bị bỏ lại đàng sau khi quý vị vắng mặt một vài lần thờ phượng hay một vài lần thông công, vắng mặt trong những sinh họat thường lệ của Hội Thánh sẽ mang cảm giác xa lạ hay không còn thuộc dân sự của Hội Thánh. Còn như quý vị nào không có cảm giác nào hết thì hãy xét lại và tự hỏi mình có phải là dân sự của Ngài hay không? Hay mình chỉ là một quan sát viên đi theo để quan sát và không phải là thánh phần của dân sự mà Chúa đang dẫn dắt.
Chúng ta sống trong thời đại rất sinh động . Những tiến bộ kỷ thuật khiến con người hôm qua thành con người cũ kỹ nếu con người hôm qua không tiến theo kịp đà văn minh.của ngày hôm nay. Thời đại này lúc nào cũng sống trong khẩu hiệu “ let go, let move, let do it“
Một thanh niên nói với tôi : “Hội Thánh không tiến vì các vị lãnh đạo không muốn tiến , chúng ta không thề chờ đợi được”. Tôi trả lời : “Chúng ta không thể tiến vì trụ mây dừng lại chớ không phải vì người lãnh đạo không chịu tiến” Đám mây đang đứng yên, chúng ta cũng phải ngồi yên. Chàng ta hỏi: “Tại sao trụ mây đứng yên trong lúc phải tiến? Tôi không biết câu trả lời.
Mục sư Chuck Swindoll cho rằng chờ đợi là một kỷ luật khó tuân theo nhất trong cuộc sống của Cơ đốc nhân. Chúng ta nhớ các môn đồ của Chúa chờ trên phòng cao sau khi Chúa bị đóng đinh. Người nào vội vàng có quyết định trong lúc đáng lẽ phải chờ Chúa chắc chắn sẽ thấy mình đã sai lầm và trái với ý Chúa rồi.
Và tôi được dạy dỗ thấm thía khi đọc Thi thiên 37:7 “ Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, Hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.
Câu nầy có thể hiểu: Hãy ngồi yên và chờ đợi Đức Chúa Trời. Chớ bực bội khi thấy kẻ ác thành công do những mưu sâu kế độc của mình
Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi tiên tri Ê-sai viết trong Ê-sai 40:31 “ ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.
Cách độ một tháng, tôi có một nhận xét sai lầm trước Hội Thánh khi tôi nói rằng: “ Thanh thiếu niên của Hội Thánh đang phát triển, nếu chúng ta không gấp rút có một người lãnh đạo các em, chúng ta sẽ vuột mất khí thế hay cao trào đang lên này” Tôi đã có nhận định theo trí khôn của lòai người hơn là nhìn vào trụ mây mà an lòng làm theo sự hướng dẫn của Chúa. Đó là ý kiến của một người cho rằng mình khôn ngoan, phải nắm thời cơ, khai thác hòan cảnh thuận lợi hơn là ý kiến của một tôi tớ của Chúa, đặt đức tin tuyệt đối vào sự hướng dẫn của Chúa. Do đó mà Chúa làm cho Hội Thánh bị khựng lại và Chúa cho tôi bài học này. “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, Hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.
VÍ DỤ: TIẾNG PHÁN CỦA CHÚA
Một thanh niên vừa mất việc, anh ta không biết phải giải quyết làm sao nữa. Thế nên anh đành tìm đến một vị mục sư già để nói chuyện.
Bỏ qua lời khuyên của vị mục sư, anh ta liên tục nguyền rủa và trách móc về nan đề xảy đến cho mình. Cuối cùng, anh siết chặt nắm tay và gào lên, "Tôi nài xin Chúa hãy nói điều gì để giúp đỡ tôi. Hãy cho tôi biết, tại sao Chúa không trả lời?"
Vị mục sư già ngồi đối diện bên kia căn phòng, nói điều gì đó để trả lời anh. Ông nói thật nhỏ khiến anh không thể nhận ra được.
Anh trai trẻ bước ngang qua căn phòng. "Ông mục sư nói gì vậy?", anh ta hỏi.
Vị mục sư lại nhắc lại lần nữa, nhưng một lần nữa, giọng ông thật nhỏ như một tiếng thì thầm.
Vì thế, anh thanh niên lại tiến đến gần hơn, anh đến và nghiêng người xuống ghế của vị mục sư già. "Xin lỗi, con vẫn chưa thể nghe được ông mục sư nói gì." anh ta nói.
Đến khi đầu của họ chụm lại, vị mục sư mới khe khẽ nói một lần nữa. "Thỉnh thoảng Chúa nói thì thầm thôi, vì thế chúng ta phải đến thật gần Ngài mới có thể nghe được."
Lần này, anh thanh niên đã nghe và hiểu.
Đức Chúa Trời phán với người rằng: Hãy đi ra, đứng tại trên núi trước mặt Đức Giê-hô-va. Nầy Đức Giê-hô-va đi ngang qua, có một ngọn gió mạnh thổi dữ tợn trước mặt Ngài, xé núi ra, và làm tan nát các hòn đá; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong trận gió. Sau trận gió có cơn động đất; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong cơn động đất. 12 Sau cơn động đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ I Các Vua 19:11-12 
Chúng ta muốn giọng nói của Chúa như sấm rền để trả lời những lời cầu nguyện hay nan đề cuộc sống mình. Nhưng giọng Ngài vẫn nhỏ nhẹ, thì thầm. Chúng ta phải lại gần Chúa cho đến khi chúng ta nghe lời Ngài.
Chúng ta có yên lặng đủ để nghe được tiếng Chúa phán với mình không?
C. CHÚA HƯỚNG DẪN THEO NHIỀU CÁCH KHÁC NHAU.
Ban ngày khi dân sự cần nhìn vào trụ mây thì họ thấy trụ mây. Ban đêm họ không thể thấy trụ mây nên họ thấy trụ lửa. Chúa có cách thức riêng rẽ để chỉ cho họ ban ngày và ban đêm.
Hiện tượng này đưa đến một kết luận :
- THAY ĐỔI CÁCH : Sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời lúc nào cũng có nhưng cách hướng dẫn có thể thay đổi theo từng lúc, từng hồi.
- MỖI NGƯỜI MỖI CÁCH: Điều này có thể hiểu sâu xa hơn là Đức Chúa Trời không bó buộc hướng dẫn chúng ta theo cách mà Ngài đã hướng dẫn người kia.
- CHỈ THỊ KHÁC NHAU: Ngài không bó buộc phải phán với chúng ta như đã phán với người khác.
- MỖI NGÀY KHÁC NHAU: Hơn nữa, Ngài không bị ép buộc phải đối xử với chúng ta trong ngày hôm nay sẽ giống như ngày hôm qua hay phải như vậy cho ngày mai.
Đó là một nguyên tắc quan trọng vì nhìều người chỉ muốn kềm kẹp Chúa trong sự suy nghĩ nông cạn của mình. Chúng ta thường nghĩ rằng những gì Chúa làm cho người tín hữu kia cũng sẽ ứng dụng cho mình. Câu trả lời của Chúa cho tôi sẽ giống cho quý vị. Không, Chúa không hành động như vậy đâu.
Vậy Chúa hướng dẫn dân sự của Ngài như thế nào ? Có khi qua chiêm bao, có khi qua mạc khải, có khi qua lời của Chúa. Có khi qua ý kiến của một Cơ đốc nhân khác. Có khi Chúa phán trong lúc cầu nguyện. Có khi qua lời thú tội. Có khi Chúa ban sự khôn ngoan để chọn một hướng đi. Có khi qua sự im lặng và thường thì tổng hợp tất cả các cách thức trên.
Nên nhớ Chúa là Tạo Hóa vô định. Ngài có thể làm hàng tỷ hạt tuyết mà không hạt nào giống hạt nào. Nếu Chúa có thể làm như vậy thì Ngài cũng có thể hướng dẫn chúng ta , mỗi người mỗi cách khác nhau theo sự cần thiết của con người chúng ta.
D. CHÚA HIỆN DIỆN KHI CHÚA HƯỚNG DẪN
Trụ mây hay trụ lửa không phải chỉ đơn thuần là những dấu hiệu để hướng dẫn chúng ta. Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết dân sự nghe tiếng của Đức Chúa Trời từ trụ mây. Trụ mây là hình ảnh của sự hiện diện của Chúa. Khi họ nhìn thấy trụ mây họ hiểu rằng Chúa đích thân hướng dẫn họ.
Như vậy nghĩa làm sao? Nếu trụ mây đi về hướng Bắc mà chúng ta đi về hướng Nam , là chúng ta sai rồi. Chúng ta sẽ gặp khó khăn. Nếu trụ mây chuyển động mà gia đình của chúng ta không đi theo, chúng ta sẽ xa cáchvới sự hiện diện của Chúa. Chỉ còn một cách quay trở lại và bước theo Ngài.
Điều này dạy tôi rằng :
- Biết ý của Chúa không tùy thuộc vào phương hướng nào.
- Nó cũng không phải là câu hỏi nên đi đâu hay nên làm gì.
- Biết ý Chúa không phải là tôi nên lấy ai làm chồng hay làm vợ.
- Biết ý muốn của Chúa cũng không phải là tôi nên chọn công việc làm nào hay nên có bao nhiêu đứa con hay nên học trường nào hoặc hè này tôi có cần hay có nên đi truyền đạo hay không.
Những vấn đề đó, những câu hỏi đó tuy rất quan trọng nhưng nó chỉ là hạng thứ nhì. Vấn đề chánh, câu hỏi chính là
“ tôi có đi theo Chúa dù Chúa dẫn tôi tới nơi nào hay hướng nào không?
- Khi chúng ta nói với Chúa : “ Xin Chúa cho con biết con phải làm gì? “ Chúa sẽ trả lời : “ Hãy ở bên cạnh ta !”
- Khi chúng ta lo lắng nhìn trời than thở : Chúa ơi, con lo quá! Chúa sẽ đáp : “ Hãy theo ta!”
- Khi chúng ta hỏi Chúa: “ Xin Chúa trả lời con!”, Chúa nói: hãy đến với ta với tất cả tấm lòng!”
Đó là lý do tại sao tôi thích nhấn mạnh câu chót của Dân số ký đọan 9 này :” Dân Y-sơ-ra-ên hạ trại và ra đi tùy theo mạng Đức Giê-hô-va; họ theo chương trình của Đức Giê-hô-va, tùy mạng Ngài đã cậy Môi-se mà truyền cho.”
VÍ DỤ: ĐẤNG CẦM QUYỀN
Vào ngày 11 tháng 9 năm 2003, một người đàn ông ở Norfolk , Virginia đã gọi đến đài phát thanh địa phương để chia sẻ lại câu chuyện của ông. Tên của ông là Robert Matthews.
"Một vài tuần trước ngày 11 tháng 9 năm 2001, vợ chồng tôi biết tin vợ tôi đã mang thai đứa con đầu lòng. Nàng bèn địmh đi thăm người chị ở California . Trên đường ra phi trường hôm đó, chúng tôi cầu nguyện xin Chúa ban phước cho vợ tôi có một chuyến bay bình an, xin Ngài luôn ở cùng nàng. Sau khi cầu nguyện xong, đi được một đoạn thì tôi nghe "bóp" một cái và xe chúng tôi lắc mạnh. Bánh xe bị nổ lốp! Tôi cố gắng nhanh chóng thay bánh xe mang theo kèm, nhưng cuối cùng vợ tôi cũng trễ chuyến bay. Cả hai vợ chồng đều buồn bã, và chúng tôi lái xe về nhà.
Tôi nhận được điện thoại của ba tôi, ông vốn là nhân viên sở cứu hỏa New York đã về hưu. Ông hỏi số hiệu chuyến bay của vợ tôi, nhưng tôi nói vợ tôi bị lỡ chuyến bay mất rồi. Ba tôi cho tôi biết chuyến bay của vợ tôi là một trong những chiếc đã đâm vào toà tháp phía nam trong vụ khủng bố vừa xảy ra. Tôi thật sự bi shock chẳng thốt được lời nào. Rồi ba tôi cũng cho biết rằng ông sẽ đến đó ngay để giúp đỡ. "Đây là sự kiện mà ba không thể ngồi nhà xem được, ba phải làm gì đó."
Đương nhiên là tôi rất lo cho sự an toàn của ông, nhưng quan trọng hơn là vì ông chưa bao giờ dâng đời sống mình cho Chúa cả. Sau một cuộc nói chuyện ngắn, tôi tin rằng ba tôi đã có một chút ý niệm về Chúa. Trước khi ông gác máy, ông dặn tôi, "Nhớ chăm sóc cháu nội của ba đó." Đó là những lời cuối cùng ba tôi nói với tôi, vì ông đã chết trong khi ráng sức giải cứu những nạn nhân của vụ khủng bố.
Niềm vui vì Chúa đã nhậm lời cầu nguyện và giữ gìn vợ tôi bình an, bây giờ nhanh chóng chuyển thành sự oán giận Chúa. Tôi trách Chúa, trách ba tôi cứng lòng, và trách cả bản thân mình.
Gần hai năm trôi qua, tôi vẫn còn trách Chúa sao lại đem ba tôi đi sớm như vậy. Con trai tôi sẽ chẳng bao giờ thấy mặt ông nội, ba tôi chưa tin nhận Chúa, và tôi chưa kịp nói lời vĩnh biệt ba.
Rồi một việc xảy ra. Cách đây hai tháng, tôi đang ngồi ở nhà với vợ con thì có tiếng gõ cửa. Hai vợ chồng tôi nhìn nhau, nhưng chẳng đoán ra ai cả. Khi tôi mở cửa, có một cặp vợ chồng và một đứa trẻ con. Người đàn ông nhìn tôi và hỏi có phải ba tôi tên là Jake Matthews không. Tôi trả lời đúng thế. Anh ta lập tức siết lấy tay tôi và nói, "Tôi chưa bao giờ có cơ hội để gặp mặt ba anh, nhưng thật vinh hạnh được gặp con của ông ấy." Rồi anh ta giải thích với chúng tôi rằng vợ anh trước đây đã làm việc tại toà nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, và đã bị kẹt bên trong khi vụ tấn công xảy ra. Lúc ấy, cô ta đang mang thai và được tìm thấy nằm dưới đống gạch vụn.Anh ta giải thích rằng ba tôi là người đã tìm ra vợ anh và giải cứu cô.
Nước mắt tôi tuôn trào khi tôi nghĩ đến việc ba tôi đã hy sinh mạng sống của ông để cứu những người như thế này. Người đàn ông nói tiếp, "Có một điều nữa anh cần biết." Rồi người vợ cho tôi biết khi ba tôi giải cứu cô, cô đã nói về Chúa cho ông và ông đã tin nhận Ngài. Tôi khóc nấc lên khi nghe tin này.
Bây giờ, tôi biết rằng khi tôi về thiên quốc, ba tôi sẽ đứng bên cạnh Chúa Jesus để đón tôi, và như thế là gia đình người đàn ông kia cũng có cơ hội để cám ơn ba tôi trực tiếp vậy."
Suy gẫm

Có những lúc trong đời sống của mình, bạn sẽ tự hỏi rằng tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Nhưng điều quan trọng nhất mà bạn nên ghi nhớ: Đức Chúa Trời luôn luôn cầm quyền trên mọi sự.
Bạn có tin vào sự tể trị của Ngài trên đời sống bạn không? Quý vị có vững lòng để Chúa hướng dẫn đời sống của quý vị và Hội Thánh này của Chúa không?
MS Tâm đang đứng trước ngã ba.
MS Tâm cho biết ông đang phân vân và có thể sẽ không về đây để hầu việc Chúa. Tôi cũng cho ông biết Hội Thánh cũng chưa bỏ phiếu mời ông vì còn phải hoàn tất bản Nội quy trước. Chỉnh đốn cơ cấu nhân sự nội bộ để chuẩn bị bước vào giai đoạn mới.
Thái độ đẹp lòng Chúa trong lúc này là dò biết ý muốn của Chúa là thế nào.
Yên lặng và chờ Chúa quyết định. Chúng ta để Chúa hướng dẫn.
Nếu Chúa muốn dừng chúng ta sẽ không đi mà Nếu Chúa muốn đi chúng ta không thể dừng được.
- Hãy kiêng ăn hạ mình mà cầu nguyện hết lòng hết sức trải lòng mình ra, đón nhận sự chỉ dẫn của Ngài.
- Hãy ở bên Chúa, đừng rời xa Chúa một bước và sẵn sàng chờ đợi sự hướng dẫn của Ngài.
Không ai có thể làm trái với ý muốn của Ngài trừ phi người đó không phải là dân sự của Ngài. Một đứa con làm trái ý Cha không thể sống bình an, không bị quở phat trừ phi không phải là con của cha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét