CHÚA CÓ CÔNG BÌNH KHÔNG ?
Truyền Ðạo 8:10-14
Truyền Ðạo 8:10-14
CÂU CHUYỆN ANH RICHARD
Trong quyển sách : “ Disappointment With God” của Mục sư Philip Yancey do nhà xuất bản Zondervan Publishing House, Mục sư Philip Yancey bắt đầu bằng một câu chuyện sau đây:
Richard là một sinh viên trường Thần học Wheaton College Graduate School. Anh đang viết một luận án về sách Gióp. Anh Richard muốn nhờ Mục sư Yancey duyệt xem bài làm của anh và được Mục sư nhận lời. Sáu tháng sau, bản thảo đã được sửa chữa và sẵn sàng đem đi in. Nhưng anh điện thoại Mục sư Yancey cho biết “ Tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm phải thông báo với Mục sư vài vấn đề có tính cách cá nhân. Tôi muốn gặp Mục sư”
Hai người gặp nhau tại một tiệm ăn người Mể tây cơ.
Tại đây, Richard đã trình bày : “ Tôi sẽ không in cuốn sách mà Mục sư đã giúp tôi. Sự thật là tôi không tin những gì tôi đã viết và tôi muốn giải thích với Mục sư ”
Anh ngưng một chút rồi nói tiếp : “ Tôi không còn tin Chúa nữa”. Rồi anh bắt đầu kể lại cuộc đời của anh.
1. Cha mẹ: Câu chuyện bắt đầu khi cha mẹ anh đổ vỡ. Anh đã làm hết mọi cách để hàn gắn lại, để tránh cảnh cha mẹ ly dị nhưng anh thất bại. Anh tin Chúa sẽ giúp anh, Anh đã cầu nguyện không ngưng, ngày đêm để cha mẹ anh sống chung lại với nhau. Anh đã bỏ học một thời gian để cố công hàn gắn . “Nhưng tất cả chỉ vô ích. Tôi đã làm và sống theo ý Chúa nhưng mọi việc xảy ra lại tệ hơn trước khi tôi tin Chúa. Tôi đổi sang trường Thần học khác để xây dựng đức tin của tôi. Tôi tin rằng tôi đã làm điều gì sai lầm. Tại trường, tôi nghe các sinh viên cũng như Giáo sư nói với nhau rằng “Tôi đã nói chuyện với Chúa” hay là “Chúa đã cho tôi một khải thị” Ðôi khi tôi cũng tuyên bố như vậy để cho giống họ nhưng thật ra tôi không nghe lời nói nào của Chúa cả. Chúa cũng không trả lời các lời cầu xin của tôi. Mỗi khi tôi đối diện với một quyết định quan trọng, tôi đọc Kinh Thánh, tôi cầu nguyện như các giáo sư và mục sư khuyến cáo, nhưng tôi thường có những quyết định không đúng”
2. Việc làm: Richard tiếp tục kể anh đã mất việc làm. Người chủ hứa với anh nhưng lại mướn người khác kém khả năng hơn anh. Ðiều này làm cho anh lâm vào tình trạng mang nợ tiền học phí và không có lợi tức thu vào.
3. Người yêu: Ðồng thời, người bạn gái của anh cũng từ giã và không liên lạc với anh nữa. Trước đây, cô là người luôn luôn khuyến khích và giúp anh giữ vững đức tin bây giờ cũng bỏ anh. Hai người thường cầu nguyện chung với nhau, cầu nguyện về tương lai của hai đứa. Bây giờ lời cầu nguyện đó trở thành buồn cười và vô nghĩa.
4. Sinh hoạt : Một tối thứ bảy nọ, khi Richard tham dự buổi thờ phượng thường lệ, anh nghe một lời làm chứng làm anh phẫn nộ. “ Trong tuần vừa qua,một chiếc phi cơ chở 9 nhà truyền đạo đã bị nạn ở Alaskan. Mọi người đều thiệt mạng.” Vị Mục sư chia buồn với tin tức đó và giới thiệu một tín hữu vừa sống sót trong một tai nạn phi cơ khác. Khi người tín hữu này chấm dứt lời cám ơn Chúa đã gìn giữ ông, toàn thể Hội Thánh cùng nói lên “ Cảm tạ Chúa đã mang người anh em này về đây bình yên và Thiên sứ của Ngài đã quan phòng mạng sống của ông ta” Sau đó Mục sư đề nghị “ Chúng ta nên dành ít phút để tưởng nhớ đến các vị truyền đạo đã chết trên chuyến phi cơ Alaska” Lời nói này làm cho Richard muốn nôn mửa. Không thể nào có cả hai. Nếu Chúa được nhìn nhận là che chở ông tín hữu này thì Chúa phải trách nhiệm trong cái chết của các nhà truyền đạo kia.
5. Tìm dấu hiệu : Richard trở về phòng học của mình và anh kể tiếp: “ Tối đêm đó, tôi ngồi một mình khá lâu. Các bạn trong túc xá đều ngủ cả. Dường như chỉ còn một mình tôi trong thế giới bao la này. Tôi đau đớn vô cùng. Chúa đã nhiều lần bỏ tôi. Tôi là sinh viên Thần học. Tôi phải tin có Chúa nhưng trái lại tôi không còn tin nữa. Tôi nhớ lại buổi ban đầu khi tôi biết Chúa. Tôi lúc đó còn trẻ. Tôi chỉ đọc vài đoạn sách Kinh Thánh để tôi tin rằng “Chúa sẽ ban phước đầy dẫy” Bây giờ lòng tin đó không còn nữa. Tôi muốn dành cho Chúa một cơ hội cuối cùng để thuyết phục tôi. Tôi quỳ xuống và cầu nguyện. Tôi tha thiết van nài Chúa: “ Chúa ơi! Chúa có nghe lời cầu xin này không? Con không cần biết Chúa đã quản trị thế giới này như thế nào nhưng làm ơn cho con một dấu hiệu rằng có Chúa trên thế gian này.” Ðó là tất cả những gì mà tôi muốn biết.
6. Tổng kết : Trong bốn năm tương giao với Chúa, cá nhân tôi bị Chúa đối xử tệ hại. So sánh với quá khứ, so sánh với các bạn bè, Chúa đối xử tệ bạc với tôi. Làm sao tôi có thể tương giao với một người mà tôi không tin có hiện hữu ? Tôi cầu nguyện hơn bốn tiếng đồng hồ. Có nhiều lúc tôi như điên lên, có lúc tôi thành thật, có lúc tôi van nài. Tôi có cảm giác tôi đang đi đến một bờ vực của bóng tối . Tôi té ngã hay tôi đứng vững vàng, tất cả tùy theo ý Chúa. Cuối cùng, đến bốn giờ sáng, tôi đã quyết định. Chúa không trả lời. Ðiều cầu xin không xảy ra. Tại sao tôi phải tiếp tục hành hạ bản thân mình? Tại sao không quên Chúa đi và sống cuộc đời của mình như tất cả những con người khác trên thế gian?
7. Quyết định: Lúc đó tôi lấy lại sự bình tĩnh, tôi tìm thấy sự tự do như tôi vừa làm xong một bài thi khó. Tôi nhẹ nhàng vào phòng mang ra ngoài sân các quyển Kinh Thánh, các sách giải kinh, các sách Thần học, đến chỗ nướng thịt ngoài công viên, tôi đốt từng trang sách. Một đêm trôi qua vô nghĩa, ngọn lửa đùa giỡn thật vô tình.
Tôi thấy tôi đổi mới. Tôi thành một con người mới. Một con người mới không có Chúa. Một con người mới xa lánh Chúa.”
Richard đã mệt khi kể câu chuyện dài của anh. Khi anh đứng lên bắt tay từ giã tôi, anh có vẽ dễ chịu hơn: “ Vấn đề của tôi bắt đầu khi tôi nghiên cứu về sách của Gióp. Tôi thương ông Gióp vô cùng. Ông ta không do dự mà thành thật với Chúa. Ông tin tưởng vào Chúa. Sự khác biệt giữa tôi và ông Gióp là giai đoạn cuối cùng. Sau tất cả những đau đớn mà Gióp gánh chịu, cuối cùng Chúa hiện diện và đền bù lại. Còn tôi, kết cuộc, Ngài không đến với tôi.”
MS Yancey kể lại : Tôi nhìn theo Richard cho đến khi anh khuất sau chiếc xe trên con đường vắng người. Tôi thật buồn. Richard là một thanh niên khỏe mạnh, đầy nhựa sống. Không có lý do nào để anh phải sống trong tuyệt vọng. Nhưng nhìn anh, nghe anh nói, nhìn cử chỉ của anh, Richard quả là một thanh niên đang đau khổ và rất đáng thương. Cái đau của một người đang yêu rồi thình lình thấy rằng tình yêu đã chấm dứt. Anh đặt cuộc đời mình trên tình yêu của Chúa rồi anh phát hiện Chúa đã bỏ rơi anh. Cái đau đớn của Richard là cái đau của một người bị phản bội
NHỮNG CÂU HỎI CẦN TRẢ LỜI
Gia đình tan vỡ, tình yêu đứt đoạn, đau yếu bịnh hoạn, thất nghiệp là những vấn đề làm con người nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Trong đêm đốt sách , anh Richard đã hành động vì những nghi ngờ của anh chồng chất trên cuộc đời . Chúng ta, mỗi người đều đang bị những nghi ngờ đè nặng như anh ta :
- Chúa có thật sự chăm sóc đời sống chúng ta không?
- Nếu có, tại sao Ngài không ra tay điều chỉnh những hoàn cảnh làm con người đau khổ. Ít ra, nếu Chúa không chăm sóc cho mọi người thì cũng vài người như một Richard đã hết lòng tin tưởng vào Chúa?
Vì quá đau đớn Richard không hệ thống hóa sự nghi ngờ của anh. Tôi thấy qua câu chuyện của anh, anh có ba nghi vấn quan trọng:
1. Ðức Chúa Trời có công bình hay không? Trong khi Richard cố gắng sống theo ý Chúa thì cuộc đời của anh lại bị hất hủi. Anh không thể nào hiểu được tại sao anh phải gánh những đau khổ trong cuộc đời khi mà Ðức Chúa Trời với những lời hứa phước hạnh. Anh nhìn thấy những người công khai chỉ trích, bài bác Ngài lại sống nhởn nhơ giàu có. Ðây là một câu hỏi cũ rích, xưa như trái đất, già như ông GIÓP vẫn chưa trả lời làm ngăn cản đức tin loài người đối với Chúa.
2. Tại sao Ðức Chúa Trời im lặng ? Ba lần, Richard đối diện với vấn đề phải quyết định . Anh đã van nài Chúa giúp anh có quyết định đúng. Mỗi lần anh nài van xin, mỗi lần anh chỉ thấy những thất bại, sai lầm. “ Có người Cha nào như vậy không? Richard tự hỏi, “ Người Cha an nhiên nhìn đứa con mình thất bại. Người ta nói với tôi là Ðức Chúa Trời yêu thương loài người và có một chương trình thật tốt đẹp cho tôi. Vâng, nhưng ai sẽ nói với tôi , qua chương trình tốt đẹp đó, tôi lại tiếp tục thất bại trong cuộc sống hằng ngày? ”
3. Tại sao Ðức Chúa Trời trốn giấu mình ? Làm sao tôi có thể tương giao với một người mà gần như không bao giờ xuất hiện? Ðức Chúa Trời có hiện hữu hay không? Ðức Chúa Trời đã trốn tránh, không đối diện với con cái Ngài. Trong đêm đốt sách, Richard hoàn toàn bỏ công cuộc tìm kiếm Ngài.
Chúng ta nghe MS Philip Yancey kể tiếp: “ Tôi không gặp Richard một thời gian khá lâu. Tôi luôn luôn cầu nguyện cho anh ta và cố gắng tìm kiếm anh . Một ngày kia, tôi gặp anh ta trên đường phố Chicago. Trông anh có vẻ hạnh phúc, hơi mập và tóc dài hơn trước. Anh sung sướng gặp lại tôi và chúng tôi hẹn nhau đi ăn trưa.
Trong lúc ăn, Richard cho biết “ Cuộc đời tôi bây giờ tốt hơn. Tôi có công việc mà tôi ưa thích. Và câu chuyện tình yêu trước kia không còn làm tôi chán chường nữa.” Khi câu chuyện chuyển sang Thần học, tôi thấy anh chưa được bình phục hoàn toàn. Sự chua cay vẫn còn đang che đậy vết thương và sự giận Chúa vẫn còn trong lòng Richard..
Cô bồi bàn đến cho thêm cà phê vào tách chúng tôi và anh Richard kể tiếp: “ Tôi có thể nói với Mục sư ngày và giờ mà tôi nghi ngờ Chúa. Nó không bắt đầu khi tôi vào học trường Wheaton . Nó cũng không bắt đầu trong đêm tôi cầu nguyện. Nó liên can đến một biến cố đã xảy ra trong những ngày đầu tôi mới vừa tin Chúa. Một ngày kia, trên đài truyền hình, tôi chứng kiến một màn chữa bịnh của bà Kathryn Kuhlman. Tôi thấy bà mang nhiều người đứng trên bục, làm chứng về phép lạ chữa lành bịnh của bà. Mọi người đều nói những câu chuyện riêng về quyền năng của Ðức Chúa Trời. Họ bị bịnh ung thư, bịnh tim, bị liệt. Họ kể các chứng bịnh khác nhau như một quyển tự điển về y khoa. Sau khi xem chương trình chữa bịnh của bà Kathryn Kuhlman, mối nghi ngờ của tôi không còn nữa. Cuối cùng tôi đã tìm thấy một cái gì thật sự, và trông sờ vào được. Ba tuần lễ sau, chương trình của bà Kathryn Kahlman đến tiểu bang bên cạnh tôi ở. Tôi bỏ lớp học lái xe đến tham dự buổi trình diễn của Bà. Quang cảnh nơi trình diễn thật đặc biệt. Nhạc êm dịu, tiếng người cầu nguyện vang động, kể cả tiếng la, mỗi phút đều có tiếng la hét sung sướng khi có người đứng dậy và la lên “ Tôi được chữa lành”
Tôi đặc biệt chú ý đến một ông được người ta mang vào trên cái băng ca. Sau một loạt cầu nguyện, ông ta đứng lên, và bước đi lên bục khiến cho mọi người chứng kiến hoan hô nhiệt liệt. Ông nói rằng ông là bác sĩ từ Milwaukee đến và điều này càng làm cho tôi phấn khởi thêm. Ông cho biết ông bị ung thư phổi và chỉ còn sống được vài tháng. Tối hôm nay, ông nói tiếp, ông tin Chúa đã trị lành cho ông. Ông cảm thấy hạnh phúc và cảm tạ Chúa.
Tôi ghi nhớ tên ông và len lỏi đến bắt tay ông. Trước đây tôi chưa bao giờ nghe đến một đức tin như vậy. Bây giờ tôi không cần tìm tòi thêm nữa. Tôi đã chứng kiến tận mắt một Ðức Chúa Trời sống và làm phép lạ trước mắt bao nhiêu người. Ðức Chúa Trời hứa hẹn sẽ làm nhiều điều lạ kỳ nếu chúng ta cầu xin Ngài. Ðó là điều tôi kết luận qua buổi trình diễn hôm đó.
Tôi muốn tiếp xúc với ông bác sĩ bị bịnh ung thư phổi đó. Hôm sau, tôi gọi Sở điện thoại niên giám để tìm số điện thoại của ông bác sĩ đó. Khi tôi có số điện thoại rồi, không chần chờ, tôi gọi lập tức. Một người đàn bà trên đầu giây bên kia. “ Xin phép, tôi muốn nói chuyện với bác sĩ S... ” tôi nói. Một phút im lặng “ xin lỗi ông là ai? ” Tôi nói tên tôi và lý do tôi muốn nói chuyện với ông Bác sĩ. Lại một phút im lặng, đoạn bà ta trả lời: “Bác sĩ S là chồng của tôi và ông ta đã chết rồi.” Bà gác điện thoại sau khi nói. Tôi thật sửng sốt, bàng hoàng, thất vọng. Mặt tôi tái xanh như bị một cơn bịnh nặng. Một cái gì chắc chắn trong lòng tôi bây giờ đã chết sau cú điện thoại đó. Một ngọn lửa cháy bùng lên được vài ngày bây giờ đã tắt hẳn và bóng tối âm u đè nặng lòng tôi. Một ngôi sao vừa băng. Câu chuyện này xảy ra trước khi tôi vào trường thần học ở Wheaton.” Richard kết luận: “ Nếu tin rằng Chúa hiện hữu, thì Chúa đã coi chúng ta như những đồ chơi của Ngài. Tại sao Chúa không chấm dứt trò chơi đó và xuất hiện trước mọi người”.
***
Thưa quý vị!
Tôi chưa vội đi vào phần giải thích thần học. Tôi xin nói mau và trước nhất .
Anh Richard đã nhìn vấn đề của anh qua cặp mắt chủ quan của anh. Nếu chúng ta nghe lại câu chuyện của anh một cách bình tĩnh, đừng xúc động, với một chút suy nghĩ, chúng ta sẽ có thắc mắc. Trước hết, chúng ta thấy anh không nói đến lý do tại sao cha mẹ anh phải bỏ nhau, anh không nói đến đời sống của hai người đó có đẹp lòng Chúa hay không. Anh không trình bày tại sao người chủ kia không mướn anh mà mướn một người khác mà anh cho là kém khả năng hơn anh. Làm sao anh biết người kia kém hơn anh . Anh cũng không cho biết công việc đó có đòi hỏi khả năng của anh hay không. Anh cũng không nói lý do tại sao người bạn gái đã xa lánh anh. Anh không thấy anh đã xúc phạm đến Chúa khi anh nói rằng anh cho Chúa một cơ hội cuối cùng để chứng minh với anh là Chúa hiện diện trên thế gian này. Chính Chúa đã bày tỏ sự hiện diện của Ngài ở thế gian và Chúa đã tìm kiếm anh. Bây giờ là lúc chính anh phải tìm kiếm Ngài để xin Chúa hiện diện trong lòng anh. Chính Chúa cho anh cơ hội hơn là anh cho Chúa một cơ hội. Anh cũng không nói rõ bác sĩ S đã chết lúc nào, chết trước hay sau màn trình diễn. Có phải chính bác sĩ S đó hiện diện trong buổi trình diễn đó hay không?
Tôi sẽ trở lại câu chuyện của anh Richard nếu Chúa cho tôi có dịp trình bày trong một dịp khác về hai nghi vấn còn lại. Tuy nhiên ngay tại đây , tôi cũng xin nói rằng những nhận xét của anh Richard về Ðức Chúa Trời hoàn toàn phiếm diện, một chiều. Như tôi đã trình bày ở phần trên, chúng ta nhìn Chúa với cặp mắt của mình và vôi vàng kết luận Ðức Chúa Trời bất công.
***
Hôm nay, tôi giới hạn phần trình bày trong vấn nạn thứ nhất qua bốn tiểu mục:
ÐỨC CHÚA TRỜI CÓ CÔNG BÌNH KHÔNG?
I. SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI TRONG THỜI CỰU ƯỚC.
Tôi dành nhiều tuần lễ để đọc lại quyển Kinh Thánh phần Cựu Ước. Tôi phác giác Ðức Chúa Trời có rất nhiều tình cảm. Ngài vui mừng, thất vọng và giận dữ. Trong sách Tiên Tri, Ðức Chúa Trời khóc và ta thán vì đau đớn và ví mình với người đàn bà đang sinh nở. Lần lượt, Ðức Chúa Trời ngạc nhiên và đau lòng vì tác phong của loài người. Khi dân Do Thái dùng con trẻ làm vật tế lễ cho thần Ba Anh, Ðức Chúa Trời bị choáng váng . Một Ðấng toàn năng cũng phải buông lời than thở “ Các ngươi xây đắp nơi cao cho Ba anh, đặng đốt con trai mình làm của lễ thiêu dâng cho Ba anh là điều ta chẳng hề truyền cho, chẳng hề phán đến, là điều ta chẳng hề nghĩ tới trong lòng ta” ( Giê rê mi 19:5 ).
Chỉ cần đọc các sách đầu tiên của Cựu Ước, ba câu hỏi về Ðức Chúa Trời lần lần được soi sáng. Tôi đã tìm thấy căn bản để không còn bị lúng túng khi tìm giải đáp. Ba câu hỏi đó là ba vấn đề về mối tương quan giữa con người và Ðức Chúa Trời. Căn bản giải đáp nằm trong ba nhận định:
1. Ngài là Ðấng thật sự muốn yêu nhân loại và muốn được loài người yêu mến lại.
2. Sở dĩ chúng ta cho rằng Chúa không công bình theo nhãn quang của chúng ta để rồi chúng ta thất vọng về lối cư xử của Ðức Chúa Trời. Khi chúng ta hỏi tại sao Ðức Chúa Trời không công bình, thực ra chúng ta hỏi tại sao Ðức Chúa Trời không công bình với tôi. Nghĩa là tại sao Chúa không làm điều mà tôi thấy Chúa nên làm cho tôi. Lúc đó Chúa mới là công bình.
3. Chúng ta cần nhìn vấn đề dưới cặp mắt của Ðức Chúa Trời. Chúng ta phải tìm hiểu cảm giác của Chúa về loài người.
1. Sách Sáng Thế Ký : Ðức Chúa Trời trực tiếp xây dựng đời sống của loài người. Chúa cho con người được tự do, ít ràng buộc bởi luật lệ , nhưng loài người hung ác, ý tưởng xấu xa nên Ngài quyết định hủy diệt loài người khỏi mặt đất. Chỉ một người công bình là Nô ê.
2. Sách Xuất Ê díp tô ký ghi chép đầy đủ sự kiện Chúa tham dự vào đời sống hàng ngày. Ngài ban hành luật lệ và thi hành công minh, Ngài xuất hiện với dân Do Thái trong nhiều cơ hội. Ngài giải đáp tất cả những thắc mắc của dân chúng.
Trong sa mạc Sinai, Chúa đích thân giao ước với dân Do thái rằng Ngài sẽ bảo đảm cho dân tộc này nếu họ tuân theo luật pháp của Ngài. Ngài bảo Môi se viết luật pháp thưởng phạt như sau:
Kết quả của sự Vâng Lời : Kết quả của sự Không Vâng Lời
- Ban cho sự thịnh vượng - Nghèo khổ, tội ác
- Sinh sản con cái thật đông - Không sinh con đẻ cái
- Trúng mùa: gặt hái nhiều - Thất mùa: châu chấu, côn trùng
- Thắng trận - Bị các dân khác đô hộ
- Không gặp những đau yếu dịch lệ - Bị nhiều dịch lệ
3. Trong sách Phục Truyền , đoạn 28 , Môi se ghi lại những phước hạnh nếu vâng lời và những rủa sả hoạn nạn nếu không vâng theo luật pháp của Ngài. Từ câu 1 đến câu 14 Môi se viết như sau : “ Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của GHV ngươi cách trung thành, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài mà ta truyền cho ngươi ngày nay, Ðức Chúa Trời sẽ ban cho ngươi sự trổi hơn mọi dân trên đất …” Từ câu 15 trở đi, Môi se viết lại những hình phạt nếu không vâng lời Ðức Chúa Trời : “ nhưng nếu ngươi không nghe theo thì .....”
4. Ðọc trong sách Giô suê và Các Quan xét, chúng ta thấy kết quả của lời hứa dựa trên căn bản công bình, thưởng phạt phân minh. Trong 40 năm, dân Do Thái sống trong tình trạng hổn độn và phần còn lại của Cựu Ước là một lịch sử của những rủa sả cho tương lai. Không có phước hạnh xảy ra. Mặc dù phần thưởng về phước hạnh được hứa ban cho đầy dẫy, dân tộc này đã không vâng theo Ðức Chúa Trời .
KẾT QUẢ
Theo Mục sư Philip Yancey, Cựu Ước có tất cả 613 điều luật, bao gồm nhiều lãnh vực từ luật lệ về tác phong con người đến luật lệ với kẻ giết người. Tuy nhiên với sự hướng dẫn của luật pháp và công bình như vậy, dân chúng Do Thái có vâng lời Chúa nhiều hơn không? Gần như không có!
- Ðức Chúa Trời căn dặn: “ Ðừng đi lên và chiến đấu với dân A-mô-rít bởi vì Ta sẽ không ở cùng các người”, dân Do Thái vẫn đi lên và đánh với dân đó để rồi kết quả là thất bại.
- Họ đã đi khi Ðức Chúa Trời bảo phải ngồi yên.
- Họ sợ hải khi Ðức Chúa Trời bảo chiến đấu,
- Họ chiến đấu khi Ðức Chúa Trời dạy phải sống bình yên.
Loài người và dân Do Thái đã vi phạm luật và chỉ thị của Ðức Chúa Trời hầu hết trong mọi hoàn cảnh. Ðức Chúa Trời dùng luật pháp để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, Ðức Chúa Trời thi hành luật pháp nghiêm minh và công bình, kết quả là :
1. Cả nhân loại bị chết bởi cơn hồng thủy vì đã phạm tội. Chỉ có một người được gọi là công bình là ông Nô ê và gia đình của ông được sống sót.
2. Cả một thế hệ Do Thái chỉ có hai người là Giô Suê và Ca Lép được vào đất hứa. Còn tất cả, trọn một thế hệ đều chết ngoài sa mạc. Dân số ký 14:30
Con người không thể tuân theo luật pháp dù Ðức Chúa Trời liên hệ trực tiếp thi hành sự công bình. Do đó một giao ước mới được thiết lập dựa trên căn bản ân điển, yêu thương và tha thứ. Ðó là lý do tại sao có Tân Ước và Chúa Jesus giáng sinh.
II : CÂU CHUYỆN ÔNG GIÓP
Nói về sự công bình, không thể bỏ qua câu chuyện của ông Gióp. Nếu chúng ta rút gọn lại một câu ngắn về sách Gióp, tôi sẽ dùng năm chữ “ Cuộc sống là bất công ”.
Ðọc sách Gióp, chúng ta thấy ông và ba người bạn của ông đồng ý trên căn bản là Ðức Chúa Trời thưởng những kẻ làm diều lành và trừng phạt những kẻ tội ác. Thế nhưng tại sao ông Gióp, được xem là người tốt, lại bị đau khổ ngàn trùng như vậy? Các bạn của ông, tin tưởng vào sự công bình của Ðức Chúa Trời, nên nghĩ rằng : “ Theo suy nghĩ thông thường, Ðức Chúa Trời không bao giờ làm điều gì mà không có nguyên nhân. Anh phải phạm vào một tội lỗi nào đo “ù Nhưng ông Gióp biết mình không phạm tội, ông không làm điều chi sai quấy để phải nhận sự trừng phạt như vậy nên ông không đồng ý với lý luận này. Tuy nhiên, những đau đớn đã xé nát đức tin của ông.
Ðức Chúa Trời có công bình không? Làm sao ông có thể giải thích những gì đang xảy ra trong cuộc đời của ông? Nhìn quanh, ông thấy những bất công. Nhiều kẻ xấu xa được giàu sang, phước hạnh hơn ông. Thế gian có biết bao nhiêu kẻ giàu có, sung sướng mà không hề nghĩ dến Ðức Chúa Trời .
Tình cảnh này cũng xảy ra cho thời đại hiện nay của chúng ta đang sống. Ông Gióp mang một thông điệp về một đời sống bất công cho loài người suốt qua bao nhiêu thế kỷ: những trẻ con vô tội bị chết đói, những nhà truyền giáo bị giết, hay bị giam cầm, những băng đảng Mafia được sống nhởn nhơ. Hàng tỷ người không bao giờ biết hay nghĩ đến Chúa vẫn sống bình thản, hạnh phúc. Trong khi đó, con cái Ngài sống trong nhiều thử thách cam go.
Bà vợ của ông Gióp đề nghị một giải pháp cho Gióp : “ Tại sao không rủa sả Ðức Chúa Trời rồi chết? . Tại sao cứ giữ lấy tình cảm với một Ðức Chúa Trời không làm gì hết cho mình? Phải chăng Ðức Chúa Trời không hiện hữu hay Ðức Chúa Trời không còn tồn tại ?
Có người giải thích rằng Ðức Chúa Trời biết cuộc đời là bất công nhưng Ngài không có khả năng làm một cái gì đó để sửa đổi. Rabbi Harold Kushner trong quyển sách “ When Bad things happen to Good people” , sau khi nhìn đứa con của mình chết vì bịnh progeria, ông kết luận : “ Ðức Chúa Trời cũng gặp khó khăn để kiểm soát những bất ổn xảy ra trên vũ trụ này và ông kết luận Ngài là một Ðấng công bình nhưng không có quyền năng để mang lại sự công bình cho nhân loại.”
Một giải thích khác cho rằng sự bất công chỉ là tạm thời cho nên chúng ta phải hướng về tương lai và chờ đợi đến một ngày nào đó Ðức Chúa Trời sẽ thay đổi toàn diện vũ trụ này.
Giải thích sau cùng cho rằng thế gian này có sự công bình, người tốt sẽ hạnh phúc , kẻ ác sẽ bị thất bại. Có lẽ chúng ta cầu nguyện chưa đủ, chưa hết lòng nên chuyện không tốt đã xảy ra.
Các lối giải thích đó được ghi lại trong sách Gióp nhưng Ðức Chúa Trời không công nhận các giải thích nêu trên.
Chúng ta biết câu chuyện của ông Gióp không phải là chuyện công bình hay không công bình. Ðó là câu chuyện đã xảy trong trong một thế giới mà mắt loài người không thấy. Dùng con mắt của chúng ta, chúng ta không giải đáp được điều đã xảy ra. Chúng ta nhớ trong Khải Huyền 12, ghi câu chuyện người đàn bà có mặt trời bao bọc có thai bị một con rồng chực trước để khi sanh ra thì nuốt con trẻ đó đi trong một thế giới mà mắt loài người không thấy. Chúng ta chỉ thấy Chúa Jesus giáng sinh bình yên trong máng cỏ chuồng chiên. Vì vậy không thể lấy chuyện ông Gióp để luận về sự công bình của Ðức Chúa Trời .
III . CÂU CHUYỆN ÔNG GIÓP THỜI NAY
Ông ta tên là Douglas. Ông là một người tốt, một người “ công bình” thời nay. Ông là một người có đầy đức tin. Ông đậu tiến sĩ về tâm lý học nhưng ông từ chối hành nghề và bắt đầu cuộc đời truyền giáo. Ông gặp rắc rối đầu tiên sau vài năm truyền đạo đó là vợ ông bị ung thư vú. Người ta đã giải phẫu lấy cục bướu độc ra nhưng hai năm sau, ung thư lan tràn ra đến phổi của bà. Ông Douglas phải làm thêm công việc nội trợ và chăm sóc các con trong khi người vợ phải chịu đựng với những lần làm chemotherapy. Bà có khi không ăn được, tóc rụng nhiều và cảm thấy mệt mỏi, lo lắng. Một đêm nọ, ông laí xe trong thành phố với bà vợ và đứa con gái 12 tuổi, một chiếc xe mà người lái uống rượu đã đụng vào xe ông. Bà vợ không sao nhưng đứa con bị gãy tay và mặt bị các mãnh kiếng cắt . Riêng ông, ông bị thương nặng nhất. Ông bị thương ở đầu. Sau tai nạn lần đó, ông mất cảm giác. Ông không biết mình bị đau đầu, ông đã mất trí nhớ và tệ hơn hết, tai nạn đã làm cho ông không còn thấy như trước nữa. Có một con mắt không điều khiển nó được. Hai con mắt không cùng nhìn vào một chỗ nên ông đi đứng rất khó khăn. Ông yêu thích đọc sách nhưng bây giờ thì ông không thể đọc được nhiều. Ông là người có đủ lý do để giận Ðức Chúa Trời. Khi hỏi ông về sự thất vọng đối với Ðức Chúa Trời, ông im lặng nhìn lên trần nhà một lúc lâu. Cuối cùng ông nói: “ Tôi muốn nói thật lòng. Tôi không thất vọng hay bất mãn với Ðức Chúa Trời !”
“ Tôi học qua cơn đau yếu của vợ tôi và sau đó qua tai nạn xe hơi của tôi. Ðừng bao giờ lẫn lộn giữa Ðức Chúa Trời và đời sống của mình. Tôi không phải là một người quá khích mù quáng tôn thờ Ðức Chúa Trời đâu. Tôi cũng giận về những gì xảy ra trong cuộc đời của tôi. Tôi tự do rủa sả những bất công xảy ra trong cuộc đời của tôi. Nhưng tôi tin rằng Ðức Chúa Trời cũng có cảm giác như tôi về cơn đau của vợ tôi và tai nạn xe của tôi. Tôi không đổ thừa cho Ðúc Chúa Trời về những gì đã xảy ra trong cuộc đời của tôi. “ Chúng ta thường nghĩ rằng “ Cuộc đời sẽ công bình vì Ðức Chúa Trời là công bình. Nhưng Ðúc Chúa Trời không phải là cuộc đời. Chúng ta lẫn lộn Ngài với đời sống vật chất, thể chất của con người và do đó bất mãn với Ngài. Ngài hiện hữu, Ngài yêu thương tôi nhưng Ngài không liên quan đến sức khỏe tốt hay xấu của tôi”
Nếu chúng ta muốn phát triển mối tương giao với Ðức Chúa Trời , chúng ta phải phân biệt Chúa và hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy phước hạnh với Chúa vẫn tiếp tục dù có điều gì xảy ra. Chúng ta vẫn trung tín, vẫn tin tưởng dù cho những bất công xảy đến trong đời mình. Phải chăng đó là điểm then chốt trong câu chuyện về ông Gióp ngày xưa?
Ông nói thêm: “ Khi về nhà, xin ông đọc và nghiên cứu thêm câu chuyện về Chúa Jesus. Cuộc đời của Jesus có công bình không? Ðối với tôi, cây thập tự trên đồi Gô gô tha đã xóa bỏ một lần tất cả những giả thuyết cho rằng cuộc sống này là công bình. ”
IV. CUỘC ÐỜI BẤT CÔNG CỦA JESUS
Ðọc câu chuyện về Chúa Jesus, chúng ta sẽ ngạc nhiên vì Jesus đã trả lời trực tiếp rằng “ Ðời là bất công ”. Người Con độc nhất của Ðức Chúa Trời phải đối diện với bao nhiêu bất công, đau khổ . Ngài đã từng kêu vang ba lần để tìm xem có cách nào khác hay không .
Ðức Chúa Trời đã trả lời câu hỏi về sự bất công không phải bằng lời mà bằng chính đích thân Ngài thăm viếng thế gian, xuống thành con người. Jesus đã dâng trọn thịt và huyết của chính mình để chứng minh rằng Chúa đã có cảm giác về sự bất công trong cuộc đời.
Một Ðức Chúa Trời đã dùng thân xác của mình để cứu chuộc nhân loại, đã chữa lành người đau yếu, đã ban bánh cho người nghèo đói, đã chống cự với quyền lực của kẻ dữ, an ủi người đau khổ, mang tin lành về tình yêu và tha thứ cho nhân loại . Với một Ðức Chúa Trời như vậy, có lẽ chúng ta không nên đặt câu hỏi tại sao Ðúc Chúa Trời không công bình nữa.
Một Ðức Chúa Trời bị môn đồ phản bội, biï môn đồ bỏ rơi, bị bắt trong khi không tìm ra tội phạm, bị đánh đập nhục mạ mà không có lý do, bị xử trong một phiên tòa ban đêm, không theo thủ tục, bị kết án tử hình mà không nêu rõ tội danh, bị chết đau đớn trên cây thập tự chung với hai tên cướp. Có ai phàn nàn, trách móc một người là bất công khi mà chính người đó bị biết bao bất công trong cuộc đời hay không?
Tại quốc gia Paraguay, người cha là một bác sĩ thường lên tiếng phản đối chính phủ quân phiệt đã chà đạp nhân quyền. Chính quyền trả thù bắt đứa con 12 tuổi của ông, tra tấn đến chết. Trong buổi tang lễ, ông để thi hài của đứa con trần truồng, bày ra những vết thương vì tra tấn, nằm trên tấm vải của trại tù dính đầy máu của con mình. Ðó là một hình thức phản kháng về sự bất công của chính quyền. Dân làng đến chứng kiến và vô cùng xúc động.
Ðức Chúa Trời cũng đã trình bày sự bất công của cuộc đời trên đồi Gôgôtha.
Thân thể của Jesus bày ra sự bất công của xã hội, sự bạo hành của chính quyền.
Cây thập tự bày ra một thế giới bất công và một Ðấng Cứu Thế bị thế gian đối xử thật bất công.
Một thế gian vốn đã bất công và một Ðức Chúa Trời hy sinh vì tình yêu nhân loại.
Ðó là thế gian mà chúng ta đang sống. Ðó là Ðấng mà chúng ta đang thờ phượng
Một Jesus còn chịu bao nỗi bất công vậy chúng ta là ai mà đòi hỏi sự công bình ?
Sự bất công không đến từ Ðức Chúa Trời, sự bất công đến từ loài người, đến từ thế gian gồm những kẻ có tội, bất toàn, bất xứng và dưới quyền lực của Satan.
Bởi vậy, nếu còn sống trên trần gian này, không ai được miễn trừ sự bất công này. Jesus không muốn được hưởng quyền miễn trừ đó. Ngài muốn xuyên qua cuộc đời bất công này để đến bên kia của cuộc đời mới. Thứ Sáu thương khó phải xảy ra để có một Chúa Nhật sống lại vinh quang. Phải bước ra khỏi nơi tối thì mới đến nơi sáng tươi.
Chính vì vậy mà chúng ta , nhân loại này cần có một trời mới đất mới.
Thưa quý vị,
Khi một trời mới đất mới chưa xảy ra, sự bất công chưa mất dạng trên cõi đời này.
Sự bất công không đến từ Ðức Chúa Trời, sự bất công đến từ loài người, đến từ thế gian gồm những kẻ có tội, bất toàn, bất xứng và dưới quyền lực của Satan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét