Những tháng cuối năm 2006, phóng viên Vũ Đình Trọng có đăng trên nhật báo Người Việt, tại quận Cam, California, một loạt bài phóng sự thật cảm động, mang tên “Người Mẹ Đi Tìm Con”. Loạt bài phóng sự này kể về bà Nguyễn thị Hải, từ Việt Nam lặn lội sang Hoa Kỳ tìm con trai là cậu Bảo Quốc Tuấn, đã xa cách trên 20 năm.
Câu chuyện thật cảm động, đã khiến tờ báo Los Angeles Times cử phóng viên tìm đến mẹ con bà Hải. Câu chuyện này cũng được đăng trên tờ báo “The Observer” tại Anh quốc, do hai ký giả Mai Trần và Chistopher tường thuật. Chúng tôi xin lược dịch để gởi đến quý vị sau đây:
Bà Hải bước chân tới Los Angeles, trong túi vỏn vẹn chỉ có $600 tiền mượn được, cùng với trái tim tan vỡ và bệnh thấp khớp ở hai đầu gối. Bà không nói một chữ tiếng Anh. Đã 20 năm rồi, bà không được nhìn mặt cậu Tuấn là người con trai đầu lòng, kể từ ngày cậu ấy vượt biên sang Mỹ. Lúc vượt biên thì Tuấn còn đang trong tuổi thiếu niên.
Theo như những lá thư mà Tuấn gởi về nhà, thì cậu ấy đang làm ăn khấm khá ở trên đất Mỹ. Cậu Tuấn chuyên sửa đồng hồ và cư ngụ ở California. Bốn năm trước, bà Hải không còn nhận được thư từ gì nữa. Do vậy mà bà Hải phải liều mình, vượt cả một đại dương, tới Mỹ để kiếm lại người con trai, trước khi bà nhắm mắt, lìa cõi đời này.
Bà chỉ có một manh mối duy nhất, đó là một địa chỉ tại Santa Ana. Khi tới đó mới biết cậu Tuấn đã không còn ở đấy lâu lắm rồi. Bà thất vọng, kéo lê cái va-li hành lý mà không biết phải làm gì nữa bây giờ. Tìm con ở đâu? Bà Hải choáng ngợp trước đất nước Mỹ thật bao la. Phải bắt đầu từ đâu? Mà làm sao yên lòng nhắm mắt nếu không tìm ra con?
Giữa tháng 9 năm 2006, một người đàn bà Việt, 57 tuổi, nhỏ thó, đánh bạo, kéo lê những gót giày nhựa đã mòn, trên khắp cùng các đường phố, ngõ ngách của miền nam California. Bà Hải chỉ có vài tháng để kiếm con trước khi visa hết hạn vào tháng giêng năm 2007, không chừng trước ngày visa hết hạn nếu đôi chân bị thấp khớp của bà không còn chịu đựng nỗi, hay trước khi trái tim bà kiệt sức hay bịnh ung thư tái phát, hay trước khi món tiền mượn cạn hết.
Bà in hình cậu Tuấn trên những tờ giấy và nhét những tờ giấy này vào tay bất kỳ ai mà bà chận lại được trên đường. Bà lần mò tới khu Little Saigon ở Westminster, nơi tập trung người Việt đông nhất tại Mỹ. Tại đây, người ta cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của bà; người ta cho bà có chỗ dựa lưng để ngủ và đồ ăn qua bữa.
Cậu Tuấn được 16 tuổi khi bà gởi cậu theo ghe đi vượt biên. Bà phải chắt lót, dành dụm cả năm trời mới gom đủ tiền cho con đi vượt biên. Đó là năm 1986 và Sài gòn lúc đó là một nơi đầy tuyệt vọng. Bà biết chuyến vượt biên của Tuấn chắc cũng nhiều may rủi. Trước đó, cậu Tuấn đã vượt biên một lần, nhưng bị bắt và bị nhốt tới sáu tháng.
Bấy giờ bà dẫn cậu Tuấn tới gặp người tài công sẽ chở con bà vượt biển. Bà đã nhét vào trong túi xách 3 bộ quần áo, một ít xôi và bánh. Bà chẳng biết gì về nước Mỹ để nói cho con nghe. Bà chỉ nghe người ta nói đó là một đất nước xa xôi bên kia bờ đại dương, nơi mà người ta có nhiều cơ hội kiếm sống và có nhiều người với cặp má tròn trĩnh. Nhưng vùng đất này xa xôi quá sức tưởng tượng và nhiều người đã gã gục trên đường đến đó. Nghĩ đến đây mà bà không sao cầm được nước mắt.
Kể từ năm 1973, bà phải tự vật lộn với cuộc sống mỗi ngày, kể từ khi chồng bà, là một quân nhân, đã tử trận. Sau khi mất cha, bây giờ cậu Tuấn phải đối diện với cuộc đời mà không có mẹ bên cạnh. Nhưng bà Hải không còn lựa chọn nào khác. Bà hôn cậu và nói “Mẹ thương con. Viết thư về cho mẹ”. Lúc ấy, bà không biết bà sẽ còn thấy con sau này không. Bà còn hai đứa con nữa để lo. Bà không đủ tiền, chứ không thì bà cũng gởi hết đi vượt biên rồi.
Sau đó không bao lâu thì thư cậu Tuấn gởi về. Cậu kể về những ngày lênh đênh trên biển, cạn hết thức ăn và nước uống, được tàu đánh cá cứu và đem vào Mã-lai. Cuối cùng, cậu Tuấn tới Mỹ, thoạt tiên ở Minnesota, nhưng vì lạnh quá, nên chuyển tới Denver, rồi xuống tới California.
Những lá thư cậu Tuấn gởi về đều đặn. Trong thư, cậu kể cuộc sống ổn định, cậu đang học sửa đồng hồ. Cậu cũng gởi hình về cho mẹ. Trong hình, cậu Tuấn tươi cười, bắp thịt dày dặn, và đôi má cậu cũng tròn trĩnh.
Năm 2001, bác sĩ phát hiện bà Hải bị ung thư buồng trứng và tiên đoán bà chỉ sống nổi thêm hai tháng nữa thôi. Cậu Tuấn gởi $500 và hứa về thăm bà. Sau đó thì bặt tin luôn. Vì nợ nần thuốc men đã dồn bà vào ở một khu xóm nhỏ hơn, nên bà nghĩ rằng các lá thư cậu Tuấn gởi về đã bị lạc mất.
Vài năm trôi qua. Căn bệnh ung thư của bà đã thuyên giảm, nhưng sức khỏe của bà rất yếu. Giờ đây, thì bà bị phát chứng thêm bệnh tim, bệnh loãng xương và thấp khớp. Bà biết bà sắp chết và bà muốn thấy con.
Bà có món tiền dành dụm để lo việc đám táng cho bà. Đứa con trai út của bà, lái xe cấp cứu, và cô con gái, làm nghề bán áo quần, đã hùn vốn mượn nợ, để kiếm được $1400, vừa đủ một vé phi cơ cho bà sang California.
Bà Hải phải đi hàng mấy cây số bằng chân. Bà phải nài xin báo Người Việt, một tờ báo Việt lớn nhất tại Mỹ, có văn phòng đặt tại Little Saigon để đăng câu chuyện thương tâm của bà. Đài phát thanh địa phương cũng đăng tin này. Nhiều người quyên góp tiền bạc giúp đỡ bà. Có người khuyên bà tới nhờ văn phòng cảnh sát Westminster, và tại đây, hình ảnh về cậu Tuấn đang sống một cuộc đời thịnh vượng, phát đạt trong tâm trí bà, đã hoàn toàn bị đảo lộn. Người ta cho bà Hải biết cậu Tuấn có lần bị nhốt vào tù vì đã đi ăn cướp. Sau đó thì cậu Tuấn đã cư ngụ tại khu nhà của hội từ thiện Los Angeles Mission. Điều đó có nghĩa là cậu Tuấn đã trở thành một người vô gia cư.
Bà đón taxi tới khu chợ Asian Garden và Chinatown, rồi tới vùng thung lũng San Gabriel. Bà kiếm con trong những nơi ở của những kẻ không nhà, trong các ngõ hẻm, công viên, vòm chợ. Tháng mười một, một người chủ nhà hàng tại vùng San Jose, bà Hương Lê, đã gọi tới, sau khi theo dõi câu chuyện của bà Hải trên TV. Bà Hương cho biết cậu Tuấn ở sau nhà hàng bà mấy tháng nay. Cậu ấy ngủ trên vỉa hè có trải miếng giấy cạc-tông.
Khoảng chừng giữa trưa thì bà Hải tìm đến được nhà hàng. Cậu Tuấn lúc đó không có ở đó, nhưng những nhân viên nhà hàng cho biết họ vẫn thường xuyên giúp đỡ cho cậu ấy. Cậu Tuấn thường gõ nhẹ vào cửa sau nhà bếp và họ thường cho cậu phở, cơm hay bánh mì thịt. Cậu Tuấn ít khi nói. Nhưng những nhân viên nhà hàng thấy cậu tử tế và không có gì đáng sợ.
Họ chỉ dẫn bà Hải cách kiếm cậu Tuấn; đó là phải phát hiện ra cái mền mà cậu ấy luôn mang bên mình. Đó là cái mền lông có hai màu, xanh và vàng mà họ đã cho cậu ấy. Sau ba tiếng tìm kiếm, bà Hải thoáng thấy cái mền lông trên một bãi đậu xe bên kia đường. Có một bóng dáng bẩn thỉu, nằm cuộn trên một miếng nhựa màu xanh, bên cạnh một bụi cây, gần một bờ rào với những song sắt đã bị rỉ sét. Từ trong chiếc mền, có ló ra một chiếc giày đã mòn đế. Trên nền đất, một hộp đồ ăn thừa đã bắt đầu bốc mùi.
Bà Hải biết đó là cậu Tuấn, mặc dầu râu tóc cậu ấy dài và rối bời. Bà làm bạo đánh thức cậu ấy dậy. Khi nói nên lời, nghẹn ngào qua nước mắt, bà nói bà là ai và phải đi qua cả một thế giới để tìm cậu.
“Dì lộn người rồi”, cậu Tuấn nói. “Dì không phải là mẹ tôi. Mẹ tôi đang bịnh ở Việt Nam, sắp chết rồi”. Bà Hải năn nỉ cho bà được ôm cậu, nhưng cậu Tuấn khăng khăng từ chối. “Tại sao dì muốn ôm một người không nhà như tôi?”, cậu Tuấn đáp “Bộ dì không mắc cỡ sao?”
Nhà hàng gọi cảnh sát và họ chở cậu Tuấn vào bệnh viện, khoa tâm thần để chăm sóc. Bà Hải tới thăm cậu Tuấn mỗi ngày. Cậu ấy thường ngồi thõng xuống, mắt nhìn xuống nền, hai tay đặt trên đùi, không muốn nhận bà Hải là mẹ.
Khi bắt đầu nói, cậu Tuấn kể rằng có mấy người đang rượt bắt để giết cậu. Bà Hải không biết đó là sự thật hay do bệnh tâm thần ám ảnh cậu.
Có nhiều chi tiết khác bà Hải đã không hỏi cậu Tuấn trước đó, do vậy bà không biết vào khoảng năm 1995, cậu Tuấn cùng một đám bạn đã xông vào nhà một người, trói hai vợ chồng gia chủ, rồi chuồn đi với tiền và nữ trang. Tòa tuyên án cậu 10 năm tù, nhưng chỉ 5 năm sau cậu Tuấn được thả ra. Sau đó cậu bị tống giam lại ba lần nữa vì vi phạm lời hứa.
“Tôi không ra gì cả” cậu Tuấn luôn nói như vậy “Dì không có can hệ gì với tôi”.
Bà Hải vẫn không rời cậu. Bà nói với cậu Tuấn rằng bà vẫn thương cậu dầu cho chuyện gì đã xảy ra. Bà Hải tự trách mình sao gởi con đi xa có một mình, không có một ai bên cạnh để chăm sóc.
Kể từ khi tìm ra cậu Tuấn, cậu ấy chỉ gọi mẹ mình là “dì” mà thôi. Cuối cùng, sau 5 ngày, cậu Tuấn mới thốt ra một tiếng mà bà Hải không được nghe trong 20 năm trường ròng rã. Đó là tiếng “Mẹ”.
Kính thưa quý thính giả,
Câu chuyện của bà Nguyễn thị Hải và cậu Bảo Quốc Tuấn thật là cảm động. Một người mẹ đã hy sinh dành dụm cả vốn liếng, gia tài, liều mình, lo cho tương lai của con. Một người mẹ không ngại hoàn cảnh, sức khỏe, đã dấn thân để tìm lại con. Một người mẹ khi tìm thấy được con trong hoàn cảnh tứ cố vô thân, đã sẵn lòng tha thứ và thương xót con. Đúng là lòng mẹ bao la, tình mẹ vô bờ bến.
Chúng ta cảm ơn vì mẹ đã mang nặng, đẻ đau, lo lắng, chăm sóc cho ta trọn đời của mẹ. Chúng ta cảm ơn Thiên Chúa vì Ngài ban cho mỗi chúng ta một người mẹ, với tình thương vô điều kiện giống như tình thương chan chứa của Ngài, để mỗi chúng ta có nơi nương tựa vững chắc, an ninh trong cuộc đời, như nhà thơ Thái Trịnh có viết:
“Tạ ơn Thượng Đế đã thương ban,
Bậc đế vương hay kẻ nghèo nàn,
Cùng đều có mẹ thương lo lắng,
Lau ráo khi ta ngấn lệ tràn”. (Từ Mẫu – Thái Trịnh)
Bậc đế vương hay kẻ nghèo nàn,
Cùng đều có mẹ thương lo lắng,
Lau ráo khi ta ngấn lệ tràn”. (Từ Mẫu – Thái Trịnh)
Chính Thiên Chúa đã dùng hình ảnh bồng ẵm, đỡ nâng, gánh vác, nâng niu của người mẹ đối với con để nhắc nhở về tình thương vô đối của Ngài đeo đuổi suốt cuộc đời mỗi chúng ta, như lời Ngài có nói:
“Ta đã nâng các ngươi từ trong lòng mẹ,
đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời.
Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác,
trước sau gì Ta vẫn là Ta ;
Cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc,
Ta vẫn còn gánh vác các ngươi.
Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử :
Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát.” (Ê-sai 46:4-5)
đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời.
Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác,
trước sau gì Ta vẫn là Ta ;
Cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc,
Ta vẫn còn gánh vác các ngươi.
Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử :
Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát.” (Ê-sai 46:4-5)
Nếu chúng ta được đã chứng kiến tấm lòng bao la của người mẹ, vượt bao trở ngại để kiếm con, thì chúng ta có thể hiểu được, vì sao, cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa đã từ bỏ thiên đàng, xuống thế làm người, chịu chết nhục nhã, đền nợ tội thế cho chúng ta. Nếu tấm lòng người mẹ là không biên giới, chúng ta có thể hiểu được Thiên Chúa đang sẵn sàng tha thứ cho mọi vi phạm của chúng ta và đang mong chờ chúng ta quay trở về với Ngài là Đấng dựng nên và nuôi nấng chúng ta mỗi ngày.
Nhân Ngày Từ Mẫu, chúng ta hãy cảm ơn mẹ và cảm ơn Thiên Chúa đã ban cho mỗi chúng ta một người mẹ tràn đầy tình thương.
Theo “Observer” England 24/12/2006 - Tùng Tri chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét