Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

U-XA VÀ HÒM GIAO ƯỚC

U-XA VÀ HÒM GIAO ƯỚC
(II SAM 6:1-15)
CÂU CHUYỆN NGƯỜI CHỦ ĐI VẮNG
Hãy tưởng tượng, chúng ta đang làm việc trong môt công ty. Người chủ công ty có việc phải đi xa vài năm. Trước khi đi, ông họp tất cả nhân viên và dặn rằng : “ Tôi sẽ đi xa một thời gian.  Trong khi tôi đi vắng, xin các vị cố gắng làm việc như tôi có mặt. Tôi sẽ liên lạc và gởi thư đều đặn để đưa ra những chỉ thị cần thiết để quý vị điều hành công ty”. Mọi người đồng ý và hứa sẽ tuân hành.
Ông chủ đi và ông luôn luôn biên thư hay gởi e mail những chỉ thị cần thiết cho các cấp. Ba năm trôi qua rất nhanh. Ông trở về công ty của ông. Khi ông bước vào  công ty, ông khám phá công ty ông không còn tốt đẹp khang trang như trước kia.  Cỏ mọc đầy ngoài sân, vài cửa sổ bị bể không được thay thế,  giấy tờ vứt bừa bãi khắp nơi. Các cô thư ký đứng tụm năm tụm ba trò chuyện, có người đang làm móng tay, có kẻ đang trang điểm, cô thì ngục mặt ngủ. Nhạc ồn ào, vài người đang cãi nhau lớn tiếng. Thay gì có lời , công ty thua lỗ nặng. Lập tức ông triệu tập các nhân viên lại và giận dữ hỏi
  1. Tại sao tình trạng công ty bê bối như vậy ? Các vị có nhận thư từ, e-mail thường xuyên của tôi gởi hay không?
  2. Có, chúng tôi nhận đầy đủ các thư từ chỉ thị của ông. Chúng tôi còn giữ trong tập hồ sơ lưu trữ.  Chúng tôi tóm tắt các chỉ thị của ông và cho dán lên các tủ lạnh, các nơi niêm yết để mọi ngươì cùng đọc. Các chỉ thị của ông thật tuyệt vời, rất có giá trị.
  3. Nhưng các anh có thi hành theo chỉ thị của tôi không?
  4. Thi hành ? không có. Nhưng chúng tôi có đọc tất cả chỉ thị của ông!

Tôi tin quý vị có thể tưởng tượng thái độ của người chủ khi nghe câu trả lời như vậy.
Đức Chúa Trời để lại chỉ thị của Ngài cho chúng ta trong quyển Kinh Thánh.  Một ngày nào đó Chúa trở lại. Và chúng ta sẽ là những người chỉ đọc các lời của Chúa hay là những người thi hành các chỉ thị của Chúa?
CÂU CHUYỆN KHÓ HIỂU TRONG CỰU ƯỚC
Câu chuyện trong II Sa-mu-ên  4:1-15 là một câu chuyện có thể làm nhiều người thắc mắc. Đây là một câu chuyện được sếp vào loại khó hiểu của Cựu Ước.
  1. Tại sao U-xa phải chết khi ông có thiện chí muốn bảo vệ hòm giao ước ?
  2. Tại sao Đức Chúa Trời quá khắt khe với một người có tấm lòng hầu việc Chúa ?
  3. Đức Chúa Trời có công bình không khi giết chết U-xa ?
  4. Tại sao Đức Chúa Trời không phạt Đa-vít là người chỉ huy và chủ xướng công tác mang hòm giao ước về thành Jerusalem mà hành hạ U-xa chỉ là người thi hành?
Đây là một câu chuyện mà chúng ta cần phải tìm hiểu rõ ràng vì nếu chúng ta hiểu sai ý nghĩa của nó , chúng ta sẽ đi đến hai kết luận sai lầm quan trong :
  1. Thà không làm gì hết để không bị trừng phạt .
  2. Chúa hình như không để ý đến tấm lòng hay thiện chí của chúng ta.
BÀI HỌC VỀ SỰ THÁNH KHIẾT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Đây là bài học về thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời và sự chểnh mảng, bất tuân ,  không thi hành mạng lịnh  của Chúa Trời.
Tôi tin rằng câu chuyện này phù họp với tình trạng của nhiều Hội Thánh ngày nay. Có nhiều người đọc lời Chúa cẩn thận, có người bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu lời Chúa nhưng chỉ để thỏa mãn tri thức, để chứng tỏ mình biết lời Chúa nhưng không hề áp dụng lời Chúa trong đời sống của mình.  Tệ hơn nữa, dù Chúa đã căn dặn đủ điều, người ta vẫn làm những điều chống lại hay làm ngược lại lời của Chúa trong Kinh Thánh. Rồi đây những kẻ này sẽ đứng trước “ông chủ”  của vũ trụ  khi ông chủ đó trở lại.
BẮT ĐẦU CÂU CHUYỆN
Hãy đọc lại câu chuyện Đa-vít và một người tên là U-xa trong  II Sa-mu-ên 6:1-5
Đa-vít lại nhóm hiệp hết thảy những người kén chọn của Y-sơ-ra-ên, số chừng ba vạn người.  Đoạn, người chỗi dậy, có cả dân sự đồng theo, đi từ Ba-lê ở xứ Giu-đa đặng thỉnh hòm của Đức Chúa Trời lên; trước hòm ấy dân cầu khẩn danh Chúa, tức là chính danh Đức Giê-hô-va vạn quân, vẫn ngự ở giữa chê-ru-bin tại trên hòm ấy.  Chúng để hòm của Đức Chúa Trời trên một cái xe mới, rồi đem đi khỏi nhà A-bi-na-đáp, ở tại trên gò nỗng; U-xa và A-hi-giô, con trai A-bi-na-đáp, dẫn cái xe mới đó.  Vậy, chúng dời hòm khỏi nhà A-bi-na-đáp ở tại trên gò nỗng: U-xa đi gần bên hòm của Đức Chúa Trời, còn A-hi-giô đi trước hòm. Đa-vít và cả nhà Y-sơ-ra-ên đều múa hát trước mặt Đức Giê-hô-va với đủ thứ nhạc khí bằng gỗ bá hương, đàn cầm, đàn sắt, trống, bạt, và mã la
SAI LẦM # I -  DI CHUYỂN HÒM GIAO ƯỚC
Nếu chúng ta tìm đọc lời Chúa trong Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy sự nguy hiểm cho điều họ đang làm.
1. PHẢI KHIÊNG :Trong thời Môi-se, Chúa đã có chỉ thị rõ ràng khi di chuyển Hòm Giao ước.  Xin đọc trong Xuất 25: 13-16:( Xuất 37)
“ cùng làm hai cây đòn bằng cây si-tim, bọc vàng;  rồi lòn đòn vào khoen hai bên hông hòm, để dùng đòn khiêng hòm.  Đòn sẽ ở trong khoen luôn, không nên rút ra. 16 Ngươi hãy cất vào trong hòm bảng chứng mà ta sẽ ban cho”.
Hòm được khiêng đi bằng hai cây đòn được chế biến đặc biệt và hai cây đòn đó không được rút ra khỏi khoen bên hông cái hòm.
2. DO NGƯỜI CỦA LÊ-VI : Bây giờ đọc trong Dân số 1:51
“Khi nào đền tạm dời chỗ, thì người Lê-vi sẽ tháo dỡ nó; khi nào đền tạm dừng lại, thì họ sẽ dựng nó lên; còn người ngoại đến gần sẽ bị xử tử”.
Chúng ta khám phá rằng theo Luật của Đức Chúa Trời, chỉ có người của chi phái Lê-vi  mới có thể chuẩn bị, sửa soạn mọi thứ trước khi, trong khi dời hay di chuyển mọi vật trong Đền Tạm. Bất cứ ai khác đụng đến sẽ chết.
3. CON CHÁU CỦA KÊ-HÁT : Trong Dân số ký 4:15 còn nói rõ hơn rằng:
 Sau khi A-rôn và các con trai người đã đậy điệm nơi thánh và các đồ đạc thánh xong, khi dời trại quân đi, thì các con cháu Kê-hát phải đến đặng khiêng các đồ đạc đó; họ chẳng nên đụng vào những vật thánh, e phải chết chăng. Trong hội mạc, ấy là đồ mà các con cháu Kê-hát phải khiêng đi. (hoặc đọc trong Dân 3:31)
Con cháu Kê-hát thuộc chi phái Lê-vi là những người có nhiệm vụ khiêng Hòm Giao Ước. Không ai khác được làm việc này. Họ chỉ được khiêng và không dược đụng vào các vật thánh trong đó dĩ nhiên có Hòm Giao Ước.
4. MÔI-SE KHÔNG CẤP XE BÒ CHO KÊ-HÁT
Hãy xem qua vài câu kinh văn trong Dân số ký đoạn 7,  khi các quan trưởng mang đến cho Môi se sáu xe cộ và 12 con bò đực, theo chỉ thị của Đức Chúa Trời, Môi se phân phối các xe và bò như sau:
Người giao cho con cháu Ghẹt-sôn hai xe cộ và bốn con bò đực, tùy theo chức phận của họ. 8  Người giao cho con cháu Mê-ra-ri bốn xe cộ và tám con bò đực, tùy theo chức phận của họ, có Y-tha-ma, con trai thầy tế lễ A-rôn, làm quản lý.9  Nhưng người không có giao chi cho con cháu Kê-hát, vì họ mắc phần công việc về những vật thánh, và gánh vác những vật đó trên vai mình.Những câu kinh văn này rõ ràng cho chúng biết, Môi se cẩn thận không giao xe bò cho con cháu Kê-hát vì họ lãnh phần di chuyển những vật thánh bằng vai mình.
KẾT LUẬN:
Như vậy chúng ta biết Đức Chúa Trời đã rõ ràng căn dặn ba điều về hòm giao ước khi di chuyển :
  1. Hòm giao ước phải được khiêng đi nếu phải di chuyển
  2. Chỉ có con cháu của Kê-hát mới được khiêng hòm giao ước
  3. Bất cứ ai, dù con cháu của Kê-hat cũng không được đụng vào hòm giao ước.
Vấp phạm hai điều sau thì sẽ bị chết.
CÂU CHUYỆN VỀ  U-XA & HÒM GIAO ƯỚC
Bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện đang đọc dở dang.
Hai người , U-xa và A-hi-giô con trai của A-bi-na-đáp, được chỉ định đi theo chiếc xe bò chở Hòm Giao Ước. Kinh thánh không nói rõ A-bi-na-đáp có thuộc dòng Lê-vi không. Và cũng không cho chúng ta biết họ có thuộc dòng Kê-hát không.
- Hòm bảng chứng  hay Hòm Giao ước là hòm đựng bảng đá khắc 10 điều răn của Đức Chúa Trời. Hòm Giao ước là sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
- Hòm giao ước được mang đi trong thời gian dân Do Thái lang thang trong đồng vắng.
- Khi Môi-se qua đời, Hòm Giao ước theo Giô-suê vượt sông Giô-đanh vào vùng đất Ca-na-an ( Giô suê 4:16). Hòm Giao ước được khiêng đi vòng thành Giê-ri-cô trong bảy ngày và vách thành này bị sập.
- Trong I Samuên 4:3 , Hòm giao ước xuất hiện tại Si-lô.
Khi dân Do Thái thất trận với 4000 người bị quân Philitin giết hại, họ gởi người đến Si-lô để thỉnh hòm giao ước về. Khi Hòm được mang về trại quân, dân chúng reo mừng rúng động cả đất. Dân Philitin nghe tin này lo sợ và quyết định tấn công trước. Kết quả dân Do Thái thất trận và  ba vạn lính bộ bị giết chết. Hòm Giao ước bị Philitim cướp lấy, hai con trai của Quan xét Hê-li cũng chết trong trận này. Khi biết hòm giao ước bị cướp mất, Hê-li té ngửa xuống đất gãy cổ chếtNgười con dâu của Hê-li mang thai gần ngày sanh, nghe tin Hòm Giao ước bị cướp mất bị đau đớn, sanh con và đặt tên là Y-ca-bốt nghĩa là mất sự vinh hiển.
- Hòm Giao ước được dân Philitin mang về Ách đốt  đặt trên đền thần Đa-gôn. Đức Chúa Trời giáng họa trên dân sự Ách-đốt nên họ mang Hòm Giao ước đến thành Gát. Đức Chúa Trời ra tay phạt dân thành Gát khiến cho dân chúng bị khủng khiếp  từ đứa nhỏ đến người lớn đều bị trĩ lậu phát ra.  Chúng bèn mang Hòm Giao ước đến thànhÉc-rôn. Đức Chúa Trời ra tay giáng họa lên dân chúng Éc-rôn. Người nào không chết thì bị trĩ lậu, tiếng kêu la của dân thành này lên đến tận trời ( I Sam 5:12)
- Hòm Giao ước ở trong xứ Philitin bảy tháng. Bao nhiêu tang tóc xảy ra, bao nhiêu người chết và cuối cùng họ quyết định trao trả lại cho dân Ysơraên ở Bết-sê-mết
 Người Phi-li-tin ...  bắt hai con bò cái còn cho bú, thắng vào một cái xe, rồi nhốt các con nhỏ chúng nó trong chuồng.  Chúng để hòm của Đức Giê-hô-va lên trên xe luôn với cái trắp có con chuột bằng vàng, và hình trĩ lậu.  Hai con bò cái đi thẳng theo đường về Bết-Sê-mết, vừa đi vừa rống, không xây bên hữu, cũng không xây bên tả. Các quan trưởng dân Phi-li-tin đi theo nó cho đến bờ cõi Bết-Sê-mết.( I Sam 5: 10-12)
- Dân Bết-sê-mết lấy làm vui mừng . Tuy nhiên dân làng này vì nhìn vào hòm giao ước nên Đức Chúa Trời hành hại 70 người của dân làng này. (I Sam 6:19 theo bản dịch KJV “ And he smote the men of Bethshemesh, because they had looked into the ark of the LORD, even he smote of the people fifty thousand and threescore and ten men: and the people lamented, because the LORD had smitten many of the people with a great slaughter” -  số người chết là 50,070 người ) .  
Do đó  Hòm Giao Ước được thỉnh về đặt tại nhà của A-bi-na-đáp các Giê-ru-sa-lem  độ 7-8 miles về hướng Tây Bắc và biệt riêng con trai của ông tên là Ê-lê-a-sa coi giữ hòm của Đức Giê-hô-va suốt một thời gian khá lâu. Trong I Samuên 7:2 có nói là 20 năm . Tuy nhiên nhiều sách giải kinh cho biết Hòm giao ước đã bị dân ngoại giữkhoảng 70 năm. Nên nhớ Sa-mu-ên từ lúc làm quan xét ( I Sam 7:15) cho đến già tất cả là vài chục năm . Sau-lơ lên làm vua 1050 và Đa-vít làm vua năm 1010 . Sau lơ làm vua 40 năm.  Vì vậy khi Samuên viết 20 năm là 20 năm dân Y-sơ-ra-ên than nhớ rồi sau đó không còn than nhớ nữa.
- Chúng ta thấy dưới triều vua Sau-lơ, ông không nghĩ đến việc thỉnh Hòm Giao ước về Thủ đô và mãi đến khi Đa-vít được dân chúng tôn lên làm vua, Đa-vít liền nghĩ ngay đến việc mang Hòm Giao ước về thành Đa-vít tức là Giêrusalem.
Trong câu kinh văn này, chúng ta thấy sai lầm đầu tiên của Đa-vít và U-xa hay của người có trách nhiệm trong công tác mang hòm giao ước về Thủ Đô.  Đó là dùng xe bò chở Hòm Giao Ước .
1 - Có lẽ họ thấy dân Philitin dùng xe bò chở Hòm Giao ước từ thành Éc-rôn đến làng Bết-sê-mết nên bắt chước theo. Tuy nhiên việc làm này hoàn toàn trái với luật của Đức Chúa Trời.
2 - DO HĂM HỞ MÀ KHÔNG NGHIÊN CỨU LỜI CHÚA - Chúng ta lưu ý trong câu   “chúng để hòm của Đức Chúa Trời trên một cái xe mới”. Đa-vít và dân sự có kế hoạch dùng xe bò để chở Hòm Giao Ước từ nhà của A-bi-na-đáp về thành Jerusalem. Mọi người rất hăm hở chế biến chiếc xe và nôn nóng mang hòm giao ước về thành Đa-vít.
3 - CÓ LÒNG NÊN CÓ THỂ TÙY NGHI –
Họ có tư tưởng  là : “Chúng ta có thể tùy nghi làm theo cách mới, tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ thấy tấm lòng của chúng ta hơn là hình thức mang đi cái Hòm Giao Ước đó như thế nào.” Một trường hợp để suy ngẫm về châm ngôn của người thế gian: cứu cánh biện minh cho phương tiện. Đức Chúa Trời không chấp nhận lối giải thích này.
 MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG THAY ĐỔI  Quả thật, Chúa có thể sẽ hành động theo nhiều cách để phù hợp với từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, Chúa hôm qua và ngày mai sẽ không bao giờ thay đổi. Nếu Ngài đã có căn dặn điều không được làm thì dù hoàn cảnh nào cũng không thể thay đổi. Nếu đã cấm việc ăn trái biết điều thiện và điều ác thì không thể nói hoàn cảnh nào ăn là vô tội. Nếu Chúa đã căn dặn 10 điều răn thì dù là Cưụ ước hay Tân ước, dù là thời kỳ pháp luật hay thời kỳ ân điển, 10 điều đó vẫn được áp dụng. Không có hoàn cảnh nào, tình thế nào , con người nào được Kinh Thánh mô tả là được miễn trừ.
Sự nhiệt tâm không thể thay thế sự vâng lời
Nhiều người có lòng đến giáo đường để thờ phượng Chúa. Họ nghĩ rằng với tấm lòng của họ, Chúa sẽ dễ dải với họ và họ có thể vi phạm những chỉ thị của Chúa trong việc thờ phượng. Họ ăn mặc, nói năng , hành động, tác phong hay nói tổng quát họ làm những điều khiến cho buổi thờ phượng thiếu hẳn sự trang nghiêm hay kỉnh kiền.
Câu chuyện U-xa dạy chúng ta biết rằng đối với Đức Chúa Trời , tấm lòng của họ không đủ để nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng công bình, yêu thương, tha thứ hay ban ân phước nhưng Ngài là Đấng Thánh Khiết.
4. Đavít , U-xa và dân sự rất thành thật trong cố gắng của họ. Chắc họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Đấng nhân lành sẽ không phạt ai nếu họ thành thật và cố gắng trong công tác hầu việc Chúa. Tuy nhiên, thành thật không thay thế bằng thái độ bất tuân khi thờ phượng Chúa. Ngài muốn chúng ta vâng lời Ngài.
Châm ngôn 21:3  Làm theo sự công bình và ngay thẳng Được đẹp lòng Đức Giê-hô-va hơn của tế lễ.
I Sam 15:22-23  “Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; 23  sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng. Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.
Hãy cẩn thận đọc các lời căn dặn sau đây của Môi-se trong Phục 6:5-9, 17, 24
Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.  Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi;7  khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.8  Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ;9  cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.
 Khá cẩn thận giữ lấy những điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã truyền cho ngươi 
Đức Giê-hô-va có phán cùng chúng ta khá làm theo các luật lệ nầy, kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, hầu cho chúng ta được phước luôn luôn, và được Ngài bảo tồn sự sống cho chúng ta y như Ngài đã làm đến ngày nay.
* * *
LỖI LẦM THỨ HAI CỦA U-XA
Chúng ta đọc tiếp II Sam 6: 6 -7
 Khi đến sân đạp lúa của Na-côn, U-xa giơ tay lên nắm hòm của Đức Chúa Trời, bởi vì những con bò vấp ngã. 6:7 Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va bèn nổi phừng cùng U-xa; Đức Chúa Trời hành hại người vì cớ lầm lỗi người, và người chết tại đó, gần bên hòm của Đức Chúa Trời
LÝ DO BỊ HÀNH HẠ
vì cớ lầm lỗi người” dich từ tiếng He-bơ-rơ là “shal” mà tiếng Anh dịch là “ irreverent act” = hành động bất kính. Danh từ này chỉ xuất hiện một lần trong Cưụ Ước nên không ai hiểu nghĩa chính xác của chữ này. Các học giả dựa thêm nghĩa trong câu I Sử ký 13:10 “ người đặt tay trên hòm” để đoán rằng chữ Shal có nghĩa là khinh thị, hỗn xược và vu khống. Do đó, chúng ta có thể hiểu U-xa đã có hành vi bất kính đối với Đức Chúa Trời bởi đưa tay chạm đến vật tượng trưng sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời.
- KHÔNG ĐƯỢC NHÌN, KHÔNG ĐƯỢC DỤNG
Đức Chúa Trời đã căn dặn không được nhìn vào và dĩ nhiên không được đụng đến hòm giao ước. Hòm giao ước là vật thiêng liêng.
BIỆN HỘ CHO U-XA
1. Có người sẽ biện hộ cho U-xa trong hành động giơ tay nắm lấy hòm Giao ước. Ông sợ cái hòm này rơi xuống đất và rơi xuống bùn vì khi chiếc xe bò bị vấp ngã vì xe kẹt vào vũng bùn.  Ông hoàn toàn có ý tốt, có thiện chí làm việc có lợi cho Chúa.  Thật khó mà biết tình trạng tâm lý của U-xa khi ông ta giơ tay nắm hòm giao ước.
Có thể ông thành thật muốn bảo vệ hòm giao ước khỏi rơi xuống bùn. Nếu như vậy thì qua kinh văn này, Chúa tiết lộ cho chúng ta thấy cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện vì Ngài có thể bảo vệ sự thánh khiết của Ngài không cần sự quan tâm hay trợ giúp nhưng bất kính của chúng ta.
2. Cũng có thể vì hòm giao ước đã ở trong nhà U-xa nhiều năm, hai mươi hoặc 70  năm, U-xa quá quen thuộc nên có tâm lý khinh lờn, không giữ lòng tôn kính đối với hòm giao ước mà đáng lẽ ra ông phải luôn luôn tôn kính sự thánh khiết của vật tượng trưng này.. Dù lý do nào, U-xa đã có hành động mạo phạm.
NĂM LỖI LẦM NGHIÊM TRỌNG CỦA U-XA
U-xa bị Đức Chúa Trời giết chết vì ông hành động dựa trên 5  suy nghĩ sai lầm quan trọng:
- U-xa sai lầm khi nghĩ rằng ai cũng có thể di chuyển hòm giao ước
- U-xa sai lầm khi ông nghĩ rằng hòm giao ước có thể mang đi bằng cách nào cũng được
- U-xa sai lầm khi ông nghĩ rằng ông quá quen thuộc với hòm giao ước vì ở trong nhà cha ông quá lâu
- U-xa sai lần khi ông nghĩ rằng Đức Chúa Trơi không thể bảo vệ hòm giao ước nếu nó rơi xuống bùn
- U-xa sai lầm khi ông nghĩ rằng sân đạp lúa của Na-côn ít thánh sạch hơn bàn tay của ông.
Mục sư Alexander Maclaren nhận xét rằng: “Ông U-xa không thấy sự khác biệt  giữa hòm giao ước và các đồ vật khác. Ông ta nghĩ rằng sự chú tâm muốn ra tay giúp giữ cái hòm giao ước của ông ta là đủ để biện minh cho việc đưa tay nắm lấy hòm giao ước nhưng thật ra sự thánh khiết của Đức Chúa Trời qua vật tượng trưng là hòm giao ước là điều tối ư quan trọng và tối ư quan tâm ngay cả người Lê-vi chính thống cũng không được đụng đến.  
DÙNG SUY NGHĨ THÔNG THƯÒNG
Đức Chúa Trời kết tôị U-xa vì ông ta dùng lối suy nghĩ thông thường , tổng quát áp dụng với điều luật mà Ngài đã căn dặn. U-xa không cố tình vi phạm luật của Chúa nhưng ông ta không chú ý đến lời của Đức Chúa Trời.    
ÁP DỤNG  #1 - PHÁ THAI, HOMO, CẦU NGUYỆN TẠI TRƯỜNG, 10 ĐIỀU RĂN
Đó là tình trạng xã hội Hoa kỳ ngày nay:
  1. Con số ly dị mỗi năm mỗi tăng.
  2. Trẻ con bắn nhau trong trường học cũng tăng.
  3. Đồng tính luyến ái được coi như là một lối sống mới.
Tại sao tình trạng này xảy ra?
Vì  người ta đang đi vào con đường của U-xa. Họ đã có sự sai lầm  như U-xa.
Giăng 1:1 Ban đầu là Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Theo đó khi chúng ta không vâng theo Ngôi Lời là chúng ta chống lại Đức Chúa Trời dù cho chúng ta có thiện chí, có tấm lòng tốt như thế nào.
Nhiều người muốn bảo vệ gia đình nhưng đồng thời cũng muốn bảo vệ tự do cá nhân. Chúa dạy vợ chồng phải yêu thương nhau và tuân phục nhau. Vợ chồng phải hy sinh một phần tự do cá nhân thì mới sống chung lâu dài được. Chính tự do cá  nhân được áp dụng quá đáng để trở thành ích kỷ và ích kỷ không thể xây dựng gia đình. Do đó mà nạn ly dị gia tăng. Người ta tôn trọng tự do cá nhân mà quên nguyên tắc Chúa dạy khi lập gia đình: chồng yêu thương vợ và vợ vâng phục chồng.
Nhiều người cơ  đốc nhân muốn xây dựng gia đình hạnh phúc nhưng họ đòi quyền quyết định phá thai cho người phụ nữ cũng như đòi quyền tự do cá nhân cho người bị bịnh đồng tính luyến ái.  Họ  cũng biết phá thai và đồng tính luyến ái là hai điều rõ ràng bị Đức Chúa Trời cấm. Nhưng vì họ cho rằng Chúa tôn trọng tự do cá nhân nên họ nghĩ rằng điều họ tranh đấu là hợp với ý của Chúa hay ít ra không ngược lại ý Chúa
Dù họ muốn bảo vệ người phụ nữ, dành quyền quyết định cho người mẹ hay dành quyền tự do cá nhân cho những người mang bịnh đồng tính luyến ái, tấm lòng này đã chống lại lời phán của Đức Chúa Trời.
Nhiều người muốn tách rời chính trị và tôn giáo  nên quyết liệt phản đối việc cầu nguyện trong các trường học, hay dựng 10 điều răn ở những nơi công cộng. Họ là những người có tấm lòng không muốn người ta lợi dụng tôn giáo để chi phối sinh hoạt quốc gia .
Tuy nhiên, họ không thấy sự quan trọng của Lời của Đức Chúa Trời, Lời phán của Ngài phải đặt cao hơn quốc gia, cao hơn tất cả mọi sinh hoạt của loài người. Đó là chưa kể tấm lòng của họ đã bị Satan qua các tôn giáo khác xúi giục, lợi dụng làm suy yếu tinh thần Cơ đốc tại quốc gia này.
ÁP DỤNG #2 - HÒM GIAO ƯỚC VÀ THÁNH ĐƯỜNG
Trở lại chúng ta, chúng ta cũng vấp phạm như U-xa.
1. Hòm Giao ước là nơi tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời . Ngài ngự tại đó “Ta sẽ gặp ngươi tại đó, trên hòm bảng chứng, ta sẽ truyền cho người các mạng lịnh vể dân Ysơraên ” Xuất 25: 22. Vì vậy Hòm ước là vật chí thánh đặc biệt, với toàn năng của Đức Chúa Trời. Sự chí thánh của Đức Chúa Trời không cần loài người giúp để bảo vệ hay che chở để hòm bị rơi rớt xuống sân lúa.
2. U-xa đã xem vật chí thánh Hòm Giao ước như là một món vật thường. Nhưng Hòm giao ước không phải là một cái hộp thuờng.
Buổi thờ phượng của chúng ta mỗi ngày Chúa Nhật tại đây cũng bị một số tín hữu xem thường . Việc thờ phượng Chúa bị xem như là một chương trình thông thường vì nó xảy ra đều đặn mỗi tuần .  
Tuy nhiên, buổi thờ phượng này không thông thường mà hết sức đặc biệt vì:
-  Có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự vắng mặt của chúng ta, sự thiếu kỉnh kiền của chúng ta là một trong những lỗi lầm nghiêm trọng. Tấm lòng của chúng ta, thiện chí của chúng ta, sự đóng góp của chúng ta không thể  thay thế  bằng thái độ coi thường sự thờ phượng.
- Nó nằm trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời. Tuy Cựu Ước không nói rằng nếu không giữ ngày nghỉ làm ngày thánh thì bị chết nhưng vì là một trong các điều răn nên phải hiểu rằng nếu vầp phạm, nó cũng như giết người, tà dâm, bất hiếu, thờ tượng chạm, thờ thần khác.
HÒM GIAO ƯỚC: PHƯỚC HẠNH VÀ BẤT HẠNH
1. Hòm giao ước mang lại sự phước hạnh mà đồng thời cũng mang sự bất hạnh cho những ai giữ nó. Đức Chúa Trời quyết định sự xảy ra cho Hòm Giao ước chớ không phải chúng ta. Chúa quyết định chúng ta phải dùng ngày nghỉ để thờ phượng Ngài chớ không phải chúng ta quyết định có cần đi đến ngôi Thánh đường để thờ phượng Ngài hay không.
2. Có lúc chúng ta còn nghĩ rằng việc thờ phượng Ngài là một lời đề nghị của Đức Chúa Trời và vì là đề nghị nên chúng ta tưởng rằng chúng ta có thể tùy nghi quyết định theo hoàn cảnh thay đổi của chúng ta.  Đó là một sai lầm nghiêm trọng mà hôm nay chúng ta nhận ra qua bài học U-xa và Hòm Giao ước.
PHẢN ỨNG CỦA ĐA-VÍT & NHÀ Ô-BẾT- Ê- ĐÔM NHẬN PHƯỚC
Hãy trở lại và đọc tiếp câu chuyện Hòm Giao ước sau khi U-xa chết:
 6:8 Đa-vít lấy làm buồn thảm, vì Đức Giê-hô-va đã hành hại U-xa, và người ta gọi chỗ ấy là Hành hại U-xa cho đến ngày nay. 6:9 Trong ngày đó, Đa-vít sợ Đức Giê-hô-va và nói rằng: Hòm của Đức Giê-hô-va sẽ thế nào vào nhà ta được? 6:10 Vậy Đa-vít không muốn để hòm của Đức Giê-hô-va đến nhà mình tại trong thành Đa-vít; bèn biểu dẫn vào trong nhà Ô-bết-Ê-đôm, là người Gát. 6:11 Như vậy, hòm của Đức Giê-hô-va ở ba tháng trong nhà Ô-bết-Ê-đôm, người Gát; Đức Giê-hô-va ban phước cho Ô-bết-Ê-đôm và cả nhà người.
Xin chú ý ông Ô-bết-Ê- đôm là người Gát theo bản dịch tiếng Việt nhưng đúng ra là người Gitties tức là người Do Thái cư ngụ tại Gát là một thành của Philitin. Người ta cũng đoán ông là người Lê-vi vì Đa-vít biết chỉ người Lê-vi mới xứng đáng khiêng hòm giao ước này như ông tuyên bố trong I Sử ký 15: 2
Đầu tiên chúng ta thấy phản ứng của Đa-vít là buồn thảm và sợ. Đa -vít không dám để hòm giao ước đến nhà mình nên đưa vào nhà Ô-bết-Ê-đôm. Tại đây, Chúa ban phước cho ông ta và cả nhà. Thấy vậy, Đa-vít đổi ý cho khiêng hòm của Đức Chúa Trời về thành Đa-vít.  Chúng ta lưu ý trong câu 13, lần này Đa-vít cho khiêng chớ không dùng xe bò nữa.và nếu đọc thêm trong I Sử ký  15: 2 chúng ta thấy Đa-vít ăn năn và làm đúng như lời phán dạy của Đức Chúa Trời.
Hòm giao ước đến với dân Philitin thì bao nhiêu tai họa xảy ra. Hòm giao ước ở tại nhà của A-bi-na-đáp hai mươi năm ( hoặc 70 năm) và không nhận phước hạnh nào cả trong khi đó, U-xa một người con  vừa chết vì đưa tay nắm hòm  để rồi ngay sau đó Ô-bết- Ê-dôm và cả nhà nhận phước hạnh vì hòm giao ước.
Tại sao ? Nó giống như trong hai gia đình đều có quyển Kinh Thánh nhưng nhà Ông A có phước hạnh mà nhà ông B lại không. Nó giống như người ta nhìn vào cây thập tự của Chúa Jesus. Có  người chỉ thấy đó là một khúc gổ đầy máu. Có người nhìn cây thập tự đó là sự hy sinh của Jesus để bôi xóa tội lỗi của họ.
Nếu chúng ta có lần giống như U-xa thì lập tức chúng ta phải bắt chước Đa-vít.
Bấy lâu nay chúng ta có vấp phạm bao nhiêu lần vì cớ chúng ta không biết hay biết nhưng coi thường lời của Đức Chúa Trời. Hôm nay chúng ta noi gương Đa-vít
Phải biết ăn năn, buồn rầu và kính sợ Đức Chúa Trời. và sau đó làm lại theo đúng theo ý của Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét