HÀNH TRÌNH CỦA CUỘC SỐNG
“ Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Giăng 14:6
“ Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Giăng 14:6
Theo tôi, có hai cách nhìn về chiều dài của đời sống con người. Cách thứ nhất là nhìn nó như là một cuộc hành trình mà mỗi ngày hay mỗi giờ là một bước đi trên cuộc hành trình đó. Con người chuyển động từ điểm này sang điểm khác. Cách thứ hai là nhìn cuộc đời như là một cái kho mà con người phải chứa cho đầy và mỗi ngày, mỗi tháng, năm, con người phải gom góp, thu nhập thêm để chứa cho đầy, rồi phải bảo vệ nó, kình chống những cái bất ngờ bất lợi xảy ra. Tôi có một người bạn khá thân. Anh luôn luôn thắc mắc rằng tại sao nhiều người dành ngày Chúa nhật để đi chơi, đi nhà thờ hoặc ở nhà thảnh thơi nhàn hạ trong khi họ có thể làm để kiếm thêm tiền. Anh cho rằng những người đó đã phí phạm thời giờ, bỏ mất cơ hội để kiếm thêm. Với sự chọn lựa đó, con người thấy mỗi ngày, mỗi giờ là một cơ hội, một dịp để kiếm thêm, để tích trữ vào kho hay để củng cố bảo vệ cái kho của mình. Họ có đủ mọi thứ bảo hiểm: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thời gian ở nursing home, bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm máy móc trong cái nhà đó, bảo hiểm mortgage nhà, bảo hiểm nhân mạng, bảo hiểm chi phí chôn cất cùng với kế hoạch tài chánh và hưu bổng với hệ thống an toàn. Tuy nhiên, tất cả bảo hiểm đó chỉ giới hạn cho một đời người nơi trần thế và không bảo đảm rằng họ sẽ đến mục đích của cuộc hành trình.
CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG WARREN BUFFET
Tôi có đọc một bài phỏng vấn ông Warren Buffet, một tỷ phú giàu có nhất nhì Hoa kỳ. Ký giả nhà báo hỏi ông:
- Thưa ông Buffet, hiện giờ ông là người giàu nhất Hoa kỳ. Mục đích kế tiếp của ông là gì?
Ông Buffet suy nghĩ một vài giây rồi trả lời:
- Tôi muốn là người già nhất Hoa kỳ”
Ông Buffet là người thu tiền vào kho và đồng thời cũng muốn thu số năm tháng vào cho cái kho của mình.
Thật ra không có gì sai quấy để làm một người giàu và cũng không có gì đáng trách để làm một người sống lâu. Nhưng nếu đó là lý do để sống, nghĩa là sống chỉ để làm giàu hay để được sống lâu, thì chúng ta đã thiếu xót nhiều điều quan trọng. Ở trên đời này còn có nhiều mục đích khác để sống bên cạnh hai mục tiêu đó. Tôi có một người quen, tương đối khá giả, thường chứng minh cho tôi thấy sức mạnh và hữu hiệu của đồng tiền cho đến ngày anh ta bị bịnh ung thư và khi đứa con bắt đầu hỗn láo với anh.
Như tôi đã trình bày, ngoài quan niệm cuộc đời là một cuộc chạy hay là một cái kho để tích trữ những điều ham muốn của con người, con người còn có một số chọn lựa khác.
1. Một số người nghĩ rằng khôn ngoan hơn là nhìn cuộc đời như là một hành trình nhưng thỉnh thoảng cũng cần dừng chân đứng lại thu nhặt những cái quý giá. Họ nghĩ rằng trên hành trình có những lối rẽ nên thỉnh thoảng dừng chân, rẽ vào ngõ hẹp để ngắm, để kiếm thêm, để có thêm, để mang nặng thêm nên cuối cùng lại phải mướn một cái kho để chứa vào.Vì vậy mà qua bao nhiêu năm tháng, chạy mãi, chạy hoài không bao giờ đến đích
2. Càng tệ hơn là có nhiều người đứng lại lo cái kho mà không bao giờ đầy, rồi tiếp tục hành trình nhưng khởi hành sai lối, chạy mà không đi đúng hướng để đến. Có người vừa di chuyển vừa lo sợ vì thiếu người dẫn đường
3. Có người di chuyển vì thấy đằng kia có một mục tiêu bé nhỏ, không có giá trị lâu dài hay bền bỉ như danh lợi, tài vật. Phần lớn, chúng ta chuyển động nhưng không để đến đích thực sự.
CÂU CHUYỆN LÁI XE ĐI CALIFORNIA TỪ VIRGINIA
Tôi có một người bạn kể rằng anh và hai người bạn nữa cùng nhau mướn xe đi từ miền Đông sang miền Tây, nghĩa là từ Virginia đi sang California. Cả ba thay phiên nhau lái. Một người lái bốn giờ trong khi hai người kia ngủ. Họ quyết định không dừng dọc đường, chỉ ngừng để đổ xăng, để làm vệ sinh hay ghé mua càphê hoặc junk foods mà thôi. Trong lúc anh đang ngủ ở băng sau chiếc xe thì người bạn lái xe đánh thức anh vì đến phiên anh. Xe lúc đó đậu trong một rest area và đã 4 giờ sáng. Anh ta lái xe ra khỏi rest area và tiếp tục hành trình được khoảng 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ. Anh thấy mặt trời mọc trước mặt anh. Độ 15 phút sau, anh chợt nghĩ và phát giác là anh đi về hướng California, tức là hướng Tây. Mặt trời mọc ở hướng Đông nghĩa là phải ở phía sau chiếc xe mới đúng. Tại sao bây giờ mặt trời buổi sáng lại ở trước mặt anh. Anh biết anh lái xe về hướng Đông thay vì hướng Tây. Anh đã lái xe 3 giờ về hướng ngược chiều. May nhờ có mặt trời mọc lên, giúp anh định lại hướng đi của mình.
Loài người đều có lần như anh bạn tôi, đang ngủ bị đánh thức, bước vào tay lái, chạy ra khỏi chỗ parking và chạy theo hướng ngược với mục tiêu định trước.
Làm sao biết hướng mình đang di chuyển, tức là đang sống mỗi ngày, đang bước mỗi ngày là đúng hay sai hướng ?
CÂU CHUYỆN ĐI NỮU ƯỚC BẰNG NAVIGATOR
Tôi lại có một người bạn khác kể chuyện anh ở Virginia đi dự tiệc cưới ở New York hôm Chúa nhật Memorial vừa qua. Điều sơ đẳng mà ai cũng biết là đi New York là đi về hướng Bắc, đi xa lộ 95 North. Anh muốn dùng Navigator để chỉ đường . Anh nhờ thằng con trai, kỷ sư về điện tử, set up cho anh đường đi và đường về trên máy cho chắc chắn. Vơ chồng anh cùng đi với cặp người em khác từ Georgia đến. Người em , còn trẻ nên lãnh phần lái xe. Mọi người tin tưởng vào cái máy Navigator. Cứ lái theo lời chỉ của chiếc máy là chắc chắn nhất. Vì thức sớm nên vừa bắt đầu khởi hành thì mọi người trên xe đều nhắm mắt để cố dỗ giấc ngủ. Chỉ có anh tài xế còn trẻ ngồi im lái xe theo sự hướng dẫn của cái máy Navigator. Khởi hành lúc 6:00 giờ sáng và họ định đến New York lúc trưa 11 giờ để kịp giờ rước dâu lúc 1 giờ trưa. Lúc 7:00 sáng, tức là đi được một giờ, anh bạn tôi mở mắt nhìn ra ngoài, anh phát giác chiếc xe đang chạy trên đường 270 West. Tức là chạy về hướng Tây thay vì hướng bắc. Nhìn vào Navigator, thì quả chiếc xe chạy đúng với sự chỉ dẫn của máy nhưng anh biết chắc đường 270 không thể nào đến New York được vì nó sẽ đưa anh đến Pittsburg, rồi Ohio, Chicago ... Do đó anh quyết định đi theo kinh nghiệm của anh, không còn để ý đến Navigator. Anh bảo người em quay chiếc xe lại chạy về hướng Đông tức là trở về chỗ cũ rồi khi đến beltway 495, cứ theo bảng chỉ 95N mà chạy. Tuy nhiên, mỗi khi chạy đến gần exit trên đường 95N, Navigator tiếp tục khuyên người lái phải rẽ vào exit. Anh phải mất hết 6 giờ để đến New York thay vì 4 giờ như thường lệ. Chuyến về cũng vậy, máy cứ tiếp tục khuyên nên rẽ vào exit dù anh chọn 95 South để đi về như kinh nghiệm mấy lần trước. Về đến nhà, gặp thằng con trai, anh hỏi nó tại sao máy Navigator chỉ anh đi bậy bạ quá như vậy. Nó trả lời máy chỉ ba đi đường 270 rồi lấy 81 North là vì con set up “No Toll” tức là nó chỉ ba đi con đường không có đóng tiền mãi lộ đó. Nếu ba đi 95 North thì ba phải đóng tiền. Vỉ vậy mỗi khi đến gần một exit mà ba sắp tới chỗ đóng tiền, nó biểu ba exit là như vậy. Máy không hư mà máy chỉ làm theo ý mình muốn là không muốn tốn kém nên nó chỉ con đường khác xa hơn nhưng không tốn tiền toll.
Trong cuộc hành trình, người ta thường đi xa mục tiêu hay đi lạc hướng vì họ có nhiều cái muốn: vừa muốn đi mau đến, vừa không muốn tốn tiền, vừa muốn hưởng thụ ngó phong cảnh đẹp, vừa hà tiện ít tốn xăng. .
Thật may vì loài người có quyển Kinh Thánh làm cẩm mang cho loài người. Kinh Thánh cho biết chúng ta chỉ cần ăn năn rồi quay 180 độ là trở lại con đường đúng.
Loài người như những con chiên. Chiên nào đi theo người chăn chiên thì không bị lạc. Nếu chiên đi theo ngọn cỏ xanh, chiên sẽ bị lạc và thú dữ sẽ giết hại chiên.
Tiến sĩ Schuller, 40 năm trước, đã đưa ra một nhận định rằng: “Đức Chúa Trời có ước mơ riêng cho mỗi người. Ước mơ đó bày ra trước mặt chúng ta. Hãy bước ra và tìm kiếm ước mơ đó mà sống theo nó. Bước ra khỏi chỗ mà ta tưởng là an toàn mà đi về hướng mà Chúa đã định.
Tôi thấy nhận định đó là thông điệp của quyển Kinh Thánh. Các tổ phụ tâm linh của chúng ta , bậc tiền phong thời Cựu Ước như ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra là những người đầu tiên hiểu rằng Đức Chúa Trời muốn hằng ngày, hằng giờ liên lạc với loài người.
Đức Chúa Trời bảo cho họ biết Ngài có một chương trình cho họ. Muốn thể hiện chương trình đó, họ phải bán nhà, bán tất cả đồ đạt không cần thiết, bỏ việc làm, bỏ thú vui, bỏ cuộc sống thoải mái hiện tại rồi mua vài con lạc đà để đi đến một nơi mới và sẽ có một cuộc sống hoàn toàn mới. Chúa không cho họ bản đồ, Navigator và cũng không cho biết họ sẽ đi đâu. Chúa hướng dẫn trực tiếp từng ngày. Họ bắt đầu cuộc hành trình bằng đặt lòng tin trọn vẹn vào Chúa. Ngày nay, mọi con dân Chúa cũng bắt đầu cuộc hành trình bằng đức tin như họ.
Khi Đức Chúa Trời trở nên xác thịt, thành Con Người, câu nói đầu tiên của Ngài với môn đồ là “hãy theo ta” có nghĩa là bỏ việc làm (đánh cá hay thu thuế), rời xa gia đình và bạn bè, xa cộng đồng láng giềng quen thuộc để theo Chúa Jesus.
Cuộc sống là một cuộc hành trình. Dù người đó tin Chúa hay chưa tin Chúa. Với người chưa tin, cuộc hành trình đó bắt đầu từ lúc sinh ra cho đến ngày qua đời. từ chiếc nôi tới ngôi mộ. Đối với tín đồ của Chúa, cuộc hành trình đó dài hơn.
Chúng ta tin cuộc sống của mình bắt đầu từ trong tư tưởng của Đức Chúa Trời, từ buổi sáng thế, trước khi tạo vật được tạo ra. Ngài đã nghĩ đến quý vị, đặt để tế bào chính (germ) của quý vị vào trong kho với tên và ngày tháng nơi sinh của quý vị. Điểm đến cuối cùng của quý vị không phải là sự chết. Cuộc hành trình của quý vị bắt đầu từ trong đầu óc, tư tưởng ý nghĩ của Đức Chúa Trời cho đến thành Thánh trên thiên đàng của Đức Chúa Trời.
Nếu quý vị chấp nhận cuộc sống là một cuộc hành trình thì chúng ta có vài quyết định phù hợp với chân lý đó.
QUYẾT ĐỊNH THỨ NHẤT: HÀNH TRANG NHẸ
Phải chọn hành trang thích hợp với cuộc hành trình. Những người đi nhiều như anh chị Kim Phúc Nam nên tôi muốn anh chị cố vấn là có bao giờ anh chị tham gia vào một hành trình mà mang theo tất cả áo quần, đồ đạt đang có không?
CÂU CHUYỆN CON DAO THỤY SĨ
Tôi có một người anh, đi đâu anh cũng mang con dao Thụy sĩ của anh. Đây là con dao có nhiều lưỡi dùng mở con ốc, khui đồ hộp, khui chai bia, khui nút chai. .. Con dao nầy nặng nhưng anh mang theo mình suốt 40 năm nay. Tôi hỏi anh có bao nhiêu lần anh sử dụng con dao này. Anh cười trả lời mới có hai lần. Lần thứ hai xảy ra hồi tuần trước khi anh đi đi Hạ uy vi. Anh cho biết gia đình anh sang đó chơi một tuần. Khi vào khách sạn, anh thấy một con ốc trong phòng tắm bị lỏng nên anh dùng con dao Thụy sĩ của anh để xiếc lại cho chặt. Anh nói anh có thể gọi manager của Hotel để họ cho thợ đến vặn chặt con ốc đó nhưng anh được một cơ hội để dùng nó. Mang một co dao nặng suốt 40 năm và chỉ dùng có hai lần thì quả anh tôi hao sức tốn công không đáng. Vợ tôi đi đâu cũng mang theo cái túi xách nặng nề đựng đủ mọi thứ trong đó. Nó là một tủ thuốc gia đình, một xâu chìa khóa khắp các cửa trong nhà, dao, kéo lớn kéo nhỏ ... Tôi chưa thấy có bao nhiêu lần dùng tủ thuốc này.
Trong Tân Ước, chúng ta có một thông điệp về việc này. Tác giả sách Hê-bơ-rơ viết “ . . . chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta
Tôi đã có dịp chia sẻ đoạn Kinh văn này hồi tháng 12 năm 2008. Nếu quý vị quên, tôi xin có 5 phút để nhắc tóm lược trước khi chúng ta bắt đầu qua bài học của ngày hôm nay.
Cuộc sống con người không dễ dàng. Cuộc sống Cơ đốc nhân còn thêm bao nhiêu khó khăn khác. Cuộc chạy của chúng ta càng vất vả hơn vì chúng ta mang nhiều gánh nặng.
Tác giả Hê-bơ-rơ cho rằng muốn cuộc chạy của chúng ta dễ dàng, chúng ta phải quăng hết gánh nặng và tôi lỗi.
A. QUĂNG GÁNH NẶNG
Có nhiều gánh nặng mà chúng ta cần tháo gở trước khi dự cuộc chạy đua này. Không ai chạy đua mà mang trên người những vật nặng nề. Lực sĩ điền kinh tham dự Olympic lột bỏ tất cả những gì không cần thiết trên người. Họ không muốn bị vướng mắc, cản trở cuộc chạy đua của họ. Không ai tìm cách leo lên núi Everst với một gánh nặng hành lý trên vai. Nếu muốn chạy nhanh, chạy xa, chạy đến đích chúng ta phải có sự nhẹ nhàng
B. QUĂNG BỎ TỘI NGHI NGỜ
Sau khi quăng bỏ những gánh nặng, điều kế tiếp là chúng ta phải quăng bỏ tội lỗi. Tác giả dùng quán từ “the sin” số ít và theo thể xác định. Đó là tội chống ngược với đức tin là sự nghi ngờ. Hãy quăng sự nghi ngờ về quyền năng và thành tín của Đức Chúa Trời.
Như vậy, điều trước nhất là quăng những gánh nặng và sự nghi ngờ về Đức Chúa Trời là những thứ đang cản trở cuộc chạy của chúng ta.
QUYẾT ĐỊNH THỨ HAI LÀ ĐỪNG ĐI MỘT MÌNH
Quyết định kế tiếp là đi với ai. Đừng đi một mình vì đi một mình sẽ dễ bị cám dỗ, bị quyến rũ mà lạc bước hay rẽ vào ngõ cụt. Đi một mình sẽ mau buồn chán, kém vui và có khuynh hướng bỏ cuộc. Cuộc hành trình cần có bạn đồng hành nhất là những người mình ưa thích và tin tưởng nhau. Có bạn đồng hành để giúp nhau, yễm trơ nhau, khuyết khích nhau hay chăm sóc nhau. Cuộc sống có bạn đồng hành sẽ giúp nhau chịu đựng trước những áp lực, khó khăn.
Hội thánh là nơi mà chúng ta dễ tìm người bạn đồng hành nhất. Ít nhất quý vị cũng tìm được một hoặc vài người trong Hội Thánh để chia sẻ quan điểm, nhận xét, đối xử hay cùng học Kinh Thánh, cùng cầu nguyện chung với nhau. Những người bạn ngoài đời chưa hẳn là bạn đồng hành vì phần lớn hướng đi của họ khác với Cơ đốc nhân và đa số thường dừng chân để lo chất chứa vào kho. Họ vừa đi vừa mang cái kho theo nên nặng nề, chậm chạp và không thể đến mục đích cuối cùng của cuộc hành trình là về thành Thánh thiên đàng của Đức Chúa Trời.
Ngài phán với 12 môn đồ đầu tiên của Ngài : “ Hãy đi theo ta”. Và chính Chúa Jesus cũng không bao giờ đi đâu một mình. Ngài cũng cần có họ vì Ngài cần sự yểm trợ, ủng hộ của họ.
QUYẾT ĐỊNH THỨ BA: ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA JESUS
Quyết định tiếp theo ngay khi bắt đầu cuộc hành trình trong cuộc đời là cần có bản đồ hay tài liệu hướng dẫn. Nói theo thời đại hôm nay, chúng ta cần có một Navigator. Vài người nghĩ rằng quyển Kinh Thánh là bản đồ hướng dẫn cuộc hành trình của chúng ta. Tuy nhiên, trên căn bản, quyển Kinh Thánh không phải là bản đồ để chúng ta đi theo. Chúa Jesus phán cùng các lãnh đạo dân Giu-đa rằng : “ Các ngươi dò xem Kinh Thánh vì tưởng bởi đó mà được sự sống đời đời. Ấy vì Kinh Thánh làm chứng về ta vậy” Giăng 5:39. Tất cả các sách trong quyển Kinh thánh đều chỉ về Ngôi Lời hằng sống, Ngôi lời ở giữa chúng ta và ngay bây giờ Ngài ở cùng chúng ta. Dùng quyển Kinh Thánh, đọc lời của Đức Chúa Trời với mục đích là để khám phá Ngài là ai. Chúa Cứu Thế Jesus là ai. Khi biết Ngài là ai thì chúng ta đi theo Ngài hơn là theo Kinh Thánh. Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ chân lý này.
CÂU CHUYỆN TRUYỀN ĐẠO Ở AMAZON
Một giáo sĩ về hưu kể lại chuyện lúc ông còn là một thanh niên. Ông và vài người đồng đội được chỉ định đến một ngôi làng trong rừng sâu vùng Amazon, Nam Mỹ. Họ cho biết cuộc hành trình kéo dài khoảng 5 ngày bằng đường bộ. Vị giáo sĩ tại địa phương đó trình bày chuyến đi cho cả bọn nghe. Ông phân phối mỗi người một cái bản đồ và dặn dò rằng “ Tôi có vài lời căn dặn quan trọng. Khi các anh đến địa điểm đầu tiên này, ông chỉ vào bản đồ, các anh phải dùng con đường bên tay trái vì con đường bên tay mặt sẽ dẫn các anh đến vùng có nhiều bộ lạc hung dữ có thể bắt và giết các anh. Tuy nhiên con đường bên trái sẽ dẫn các anh đến vùng cát lún và nhiều đầm lầy. Nếu bước vào đó các anh sẽ chết.” Rồi ông tiếp tục thuyết trình về những nguy hiểm, chướng ngại trên hành trình: nơi nào cần tránh, nơi nào phải cẩn thận khiến cho các anh em trong toán hiểu rằng nếu đi lạc, không đúng sự chỉ dẫn, họ sẽ gặp nguy hiểm đến tánh mạng. Cảm thấy mối lo âu của các anh em trong toán, vị giáo sĩ địa phương kết luận : “ Thôi thì các anh quên cái bản đồ này đi. Tôi sẽ đi với các anh và tôi sẽ dẫn các anh đến làng đó.”
Người dẫn đường của tôi là Chúa Jesus. Ngài phán: “ Hãy buớc qua đây, lên ngồi cùng xe của Chúa. Tôi không cần phải lái, không cần bản đồ, không cần navigator và không cần nhớ lời hướng dẩn. Thoải mái, ngắm cảnh vì có Chúa soi đường dẫn lối. Tôi cứ đi theo Ngài.
Chúa Jesus sẵn sàng làm người dẫn đường cho quý vị. Ngài phán trong Giăng 14:6 rằng “ Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Ngài không chỉ là người hướng dẫn mà Ngài chính là con đường, con đường dẫn đến cùng Đức Chúa Trời.
QUYẾT ĐỊNH THỨ TƯ: CHỌN AN TOÀN HAY MẠO HIỂM
Nếu quý vị chọn sự an toàn, tôi khuyên quý vị nên ở nguyên chỗ đừng tham gia cuộc chạy. Muốn có an toàn, tốt nhất là đừng làm gì cả, đừng đi đâu cả và cũng đừng tiếp xúc với ai cả.
Cô Helen Keller đã nói một câu mà nhiều người Hoa kỳ lớn tuổi nhiều kinh nghiệm rất đồng ý. Cô nói: “Ở đời này không có điều gì gọi là an toàn, chắc chắn cả. Chữ an toàn không có mặt trên cõi đời này. Cuộc sống của chúng ta hoặc là một cuộc phiêu lưu hay là không gì cả.”
CÂU CHUYỆN CÔ HELEN KELLER
Cô sanh vào 27/6/1880 tại Alabama. Gia đình cô khá giả có một đồn điền bông vải và chủ một tờ báo địa phương. Khi cô được 19 tháng, khi cô bắt đầu nói thì một hôm cô bị bịnh. Bây giờ gọi là cô bị viêm não, sưng màn óc. Bác sĩ địa phương cho rằng cô sẽ chết vì không có thuốc để chữa trị. Cha mẹ cô cầu nguyện không ngừng xin Chúa chữa trị cho cô lành. Chúa nhận lời. Cô hết bịnh, cả gia đình thật vui và cảm tạ Chúa. Nhưng rồi mẹ cô sau đó phác giác cô không có phản ứng khi chuông reo báo cho mọi người biết đến giờ ăn cơm chiều và khi mẹ cô đưa tay ngang mắt cô, cô cũng không chớp mắt. Sau đó gia đình khám phá cô Helen sau khi bình phục, cô trở nên mù và điếc. Cha mẹ vội mang cô đến bác sĩ. Nơi đây họ xác nhận và cho biết cô Helen không thể hồi phục. Cô sẽ vĩnh viễn mù và điếc. Từ ngày đó, cô Helen trở nên một cô bé khó chịu, đập phá mọi thứ trong nhà. Cô cau có và la hét. Gia đình nghĩ rằng cô cần được đưa vào nơi dành riêng cho người tàn tật để họ chăm sóc. Tuy nhiên họ vẫn chưa biết nơi nào thích hợp cho cô. Cha cô tình cờ đọc một tài liệu do Charles Dickens viết về những việc làm rất kết quả cho các em bị mù do các chuyên viên hay những tỗ chức bất vụ lợi khắp Hoa kỳ. Họ quyết định mang cô đến Baltimore gặp một bác sĩ chuyên môn có tên trong tài liệu đó. Vị Bác sĩ này xác nhận sự bất trị của bịnh tật của cô nhưng ông khuyên mọi người đừng quá tuyệt vọng vì theo ông cô Helen có thể học để trình bày sự suy nghĩ của cô. Ông giới thiệu đến một chuyên viên dạy các em mù và điếc. Đó là ông Alexander Graham Bell. Người phát minh ra điện thoại. Bây giờ ông dùng thì giờ của ông cho các em khuyết tật nhất là các em điếc và mù. Ông tổ chức dạy các em học và dạy nghề chuyên môn cho các em. Sau khi gặp cha mẹ Helen, ông liên lạc với trung tâm Perkins chuyên lo người mù và nhờ nơi đây tìm cho một người dạy đặc biệt cho Helen. Trung tâm giới thiệu cô Anne Sullivan.
Cô Anne Sullivan bị mù từ lúc cô được 5 tuổi. Lúc cô 10 tuổi, mẹ cô mất, cha cô bỏ rơi cô. Cô và đứa em trai Jimmie được gởi vào viện mồ côi vào năm 1876. Sau đó em cô chết và 4 năm sau cô được gởi đến Trung Tâm Perkins để theo học chương trình dành riêng cho trẻ em mù. Hai năm sau, qua hai lần giải phẩu mắt, cô thấy được. Cô học xong chương trình Trung Học tại trung tâm và đang tìm việc làm. Cùng lúc đó, cha mẹ Helen liên lạc Trung tâm và tại đây giới thiệu Anne cho họ.
Anne kiên nhẫn sống với Helen và dạy Helen dùng tay để đánh vần từng món đồ. Helen có nhiều tiến bộ và cô có trí nhớ rất tốt. Anne dạy Helen đánh máy và Helen có thể viết thư và viết chuyện ngắn. Chuyện của cô được Trung Tâm Perkins ca ngợi và lăng xê mạnh khiến cho các báo lớn tại Hoa kỳ đều đăng hình cô và các tác phẩm của cô. Cô được Tổng thống Cleveland tiếp tại Bạch cung và được Vua George và Hoàng Hậu Mary nước Anh đón tại Buckingham.
Năm 1896 cô ghi danh học tại Cambridge School for Young Ladies và bốn năm sau cô chuyển sang trường Radcliffe College. Cô là người mù đầu tiên học tại hai trường này và dĩ nhiên, luôn luôn có Anne Sullivan bên cạnh để giúp cô nghe lời giảng dạy của các giáo sư. Năm 1904 cô tốt nghiệp và cô viết quyển “ The Story of My Life” “TheWorld I Live In” “ Out of the Dark”. Helen và Anne được mời diễn thuyết nhiều nơi kể cả Nhật bản, Úc Châu, Nam Mỹ, Âu Châu và Phi Châu.
Anne qua đời năm 1936 , Helen 1968. Cuộc đời của Helen thay đổi từ khi có Anne Sullivan giúp đở, cùng sống chúng, dạy dỗ, làm tay mắt cho Helen. Cuộc hành trình của Helen từ khi 19 tháng cho đến 56 tuổi hoàn toàn bước theo Anne, vừa là cô giáo, vừa trong vai người mẹ, bạn. Với cuộc đời chông gai đó, câu nói của cô chắc chắn có một giá trị đạc biệt : “Ở đời này không có điều gì gọi là an toàn, chắc chắn cả. Chữ an toàn không có mặt trên cõi đời này. Cuộc sống của chúng ta hoặc là một cuộc phiêu lưu hay là không gì cả.”
Tôi đồng ý với câu kết luận này và nhất là trong những lúc chúng ta gặp khó khăn, nghịch cảnh, thách thức gần như quá sức chúng ta.
Đức Chúa Trời có một ước mơ dành cho quý vị. Đức Chúa Trời dành riêng cho quý vị một chương trình và nếu chúng ta bước theo đó chắc chắn Ngài sẽ ở cùng quý vị và hoàn tất cùng với quý vị. Dĩ nhiên mọi người sẽ gặp trở ngại và lắm lúc chúng ta phải trả giá để cho cuộc hành trình được tiếp tục.
CÂU CHUYỆN ANH EM JASON & TOMMY
Jason và Tommy là hai anh em rất yêu thương nhau. Jason 14 còn Tommy 10 tuổi. Tommy lúc sanh ra mắc phải chứng bịnh tim. Tommy chậm lớn và rất mau mệt. Bác sĩ căn dặn phải cẩn thận, đừng bao giờ bắt ép Tommy làm việc quá sức của nó. Vì vậy, Jason luôn luôn bên cạnh em mình. Tommy vì yếu ớt bịnh hoạn nên ít khi được các bạn cho gia nhập các cuộc chơi. Jason trái lại, rất giỏi, khoẻ mạnh và rất suất sắc nên trò chơi nào, bạn bè cũng muốn có mặt của Jason. Jason luôn luôn kèm theo điều kiện là phải cho Tommy chơi thì nó mới nhập bọn.
Trường tạm nghỉ vì mùa hè. Các bạn của Jason muốn cấm trại một đêm trên núi. Chúng đến rủ mời Jason và Jason nhìn Tommy đang ngồi trong góc nhà buồn rầu vì anh nó sắp vắng mặt. Nó nhìn anh nó như van lơn cho nó đi cùng. Jason hiểu ý em mình nên nó trả lời là nó muốn Tommy cùng đi cấm trại với nó. Lúc đầu đám bạn từ chối vì không muốn có Tommy, ốm yếu, bịnh hoạn có mặt nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Cả bọn đồng ý 6 giờ sáng ngày mai sẽ khởi hành sớm để kịp giờ đi đến trại. Tommy đã sẵn sàng lúc 5:30 sáng. Cả bọn 5 đứa cùng đi. Một dặm đầu lướt qua không có trục trặc. Tommy cố gắng đi theo nhịp của mọi người. Nó không muốn anh nó bị các bạn trách cứ. Nó cố gắng nhưng sức nó làm sao so sánh với Jason và các bạn của anh nó. Nó bắt đầu bước chậm. Các bạn của anh nó lo lắng vì sợ đến nơi trễ. Chúng tiếp tục bước nhanh và bỏ Jason và Tommy phía sau.
“ Tommy, đưa cho anh cái túi sau lưng của em để em được nhẹ hơn” Jason đề nghị. Tommy đưa cho anh nó cái túi vừa nói:” Em rất tiếc làm gánh nặng cho anh. Em sẽ cố gắng hết sức em.”
Sau 2 miles, Tommy cố gắng chống lại sự mệt nhọc. Mồ hôi nó đổ ra như tắm và nó bắt đầu thấy khó thở. Mấy đứa bạn của anh nó đã đi xa, khuất mất . Nó quỳ gối xuống và nói: “ Chắc em phải nghỉ một chút!” Nó vừa nói vừa khóc, nước mắt chảy trên gương mặt đầy bụi bậm. Jason nói : “ OK ! Em cứ ngồi nghỉ cho đến khi em thấy khỏe rồi mình đi tiếp!” Jason lo lắng nhìn Tommy và thấy Tommy đang thở một cách khó khăn.
“ Anh Jason ! Em thấy đau nơi ngực” Nó lăn lộn trên đất. Jason vội chạy đến ôm Tommy vào lòng, lấy tay vuốt ngực, lưng em nó. Bỗng nó thấy thân mình em nó mềm nhũn đi. Tommy nhìn anh nó mà nước mắt trào ra và nói nhỏ : “Em thương anh Jason lắm!” Cuộc chiến với Tử thần của Tommy chấm dứt. Jason khóc . Nó biết em nó đã bỏ cuộc.
Bốn mươi lăn phút sau, mấy đứa bạn của Jason trở lại vẫn còn thấy nước mắt trên mặt Jason.
“ Hey! Jason, tại sao anh em mầy đi chậm như ... Thằng Ron ngưng nói khi nó thấy Jason còn khóc đang ôm xác Tommy gục đầu.
“ Chuyện gì vậy ? Tommy ? Nó sao vậy ? Nó chết rồi hả ? ....
“Ừ! Em tao chết rồi ! Nó cố gắng hết sức nó để tụi bây đừng chê trách nó. Tao sẽ mang nó về nhà.”
Nó đưa xác em nó lên vai rồi bước xuống đồi. Cả bọn cùng trở về. Khoảng 30 phút sau, thằng Curt vỗ vai Jason nói: “Để tao tiếp mầy vác gánh nặng này một lát,. Mầy cần nghỉ mệt. “ Jason đáp: “ Cám ơn mầy. Đây không phải là gánh nặng. Đây là em tao !”
Lời của Jason giúp chúng ta nhớ đến Chúa Jesus.
Trong cuộc hành trình của chúng ta, chúng ta cố gắng bước theo Ngài, Ngài chờ đợi và đồng bước với chúng ta. Ngài sẽ nói “Hãy trao sự mệt mõi và gánh nặng cho Chúa” vì chúng ta là con cái của Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét