CÂU HỎI: Nếu như Sa-tan bị giam ngay lúc vừa phản nghịch Thiên Chúa thì loài người chúng ta sẽ không bị cám dỗ và khi đó toàn thể loài người chúng ta sẽ ở mãi bên Chúa, như thế thì vui biết bao nhiêu.
TRẢ LỜI: Cảm ơn Chúa, câu hỏi của Bạn thính giả chứng tỏ Bạn quen thuộc với Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Bạn đã hiểu lầm 3 điều về sự cám dỗ. HIỂU LẦM THỨ NHẤT là Sự Cám Dỗ không phải là độc quyền của Satan, vì ngoài Satan loài người chúng ta còn có hai tác nhân cám dỗ khác nữa. Khi Chúa Jêsus còn trên đất, Chúa Jêsus đã dạy về 3 tác nhân cám dỗ loài người trong câu chuyện ‘Người Gieo Giống’, được ghi trong sách Phúc Âm Mathiơ chương 13 câu 3-9, và chính Chúa Jêsus giải thích trong các câu 18-23, như sau:
- Tác nhân cám dỗ thứ nhất:
Chúa Jêsus phán: Khi người nào nghe đạo nước thiên đàng, mà không hiểu, thì quỉ dữ đến cướp điều đã gieo trong lòng mình; ấy là kẻ chịu lấy hột giống rơi ra dọc đàng. Tác nhân cám dỗ thứ nhất là quỉ Satan và những kẻ theo nó.
- Tác nhân cám dỗ thứ hai:
Chúa Jêsus phán: Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm. Tác nhân cám dỗ thứ hai là chính xác thịt của người đó. Kinh thánh xác nhận: Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết (Gia-cơ 1:14-15), nghĩa là từ sự tham muốn trong con người đưa đến tội ác. Kinh thánh cũng gọi đó là sự mê tham của xác thịt, như trường hợp của bà Ê-va thấy trái cây đó bộ ngon. Khi ma quỉ cám dỗ Chúa Jêsus cũng dùng cách đó, vì sau 40 ngày Chúa Jêsus kiêng ăn cầu nguyện thì Ngài đói, lúc ấy quỉ Satan đến khơi gợi Chúa làm phép lạ hóa đá thành bánh để ăn.
- Tác nhân cám dỗ thứ ba:
Chúa Jêsus phán: Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả. Tác nhân thứ ba cám dỗ loài người chính là thế giới nầy với những sự lo lắng hoặc sự vinh hoa phú quý của nó. Khi bà Ê-va nhìn vào trái cây Chúa cấm không cho ăn, bà thấy trái cây đó ‘đẹp mắt’. Khi quỉ Satan cám dỗ Chúa Jêsus nó cũng chỉ cho Chúa Jêsus các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy’ (Math. 4:8-9). Như vậy, nếu không có Quỉ Satan và những kẻ theo nó, loài người chúng ta vẫn còn hai tác nhân cám dỗ là chính mình và môi trường sống. HIỂU LẦM THỨ HAI về Sự Cám Dỗ là tai họa mà không hiểu Sự Cám Dỗ cũng là một ơn phước như Kinh thánh dạy: Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài (Giacơ 1:12). Sự cám dỗ xảy đến cho loài người chính là những bài thi mà Đức Chúa Trời ban cho loài người. Bạn thính giả nói:chúng ta không bị cám dỗ và khi đó toàn thể loài người chúng ta sẽ ở mãi bên Chúa, như thế thì vui biết bao nhiêu. Đọc câu hỏi, tôi tưởng tượng loài người lúc đó giống như những đứa trẻ sống ngây thơ, trí óc không phát triển, hay một học sinh cứ ngồi lại lớp không cần thi lên lớp. Đức Chúa Trời yêu thương dựng nên loài người với ý định tốt lành của Chúa là để loài người thay Chúa quản trị muôn vật trên đất và khắp cả đất, Chúa không dựng nên loài người để Ngài tiêu khiển, hoặc như muôn vật. Đó là lý do loài người phải qua những bài thi để kiểm tra mà Bạn thính giả gọi là cám dỗ. Bạn đã từng qua những kỳ thi, dù là thi nhà trẻ, khi một bé học nhà trẻ gọi là thi và thi đậu, Bạn nhìn xem cha mẹ của cháu bé vui biết bao, và cháu bé cũng vui nữa. Rồi những kỳ thi cao hơn, cao hơn, niềm vui thi đậu lại cao hơn khi thí sinh đó vượt qua. Chúa thật muốn loài người chúng ta vượt qua những kỳ thi như vậy, và Chúa hứa: Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài (Giacơ 1:12). ĐIỀU HIỂU LẦM THỨ 3 về Sự Cám Dỗ. Có 3 trường hợp khi sự cám dỗ Chúa cho phép xảy đến đối với người tin Chúa Jêsus.
- Trường hợp THẮNG:
Bạn đã hiểu lầm hễ bị cám dỗ là thua là phạm tội! Không có thí sinh nào nghĩ hễ đi thi là rớt, trái lại, thí sinh luôn được động viên: Đi không há lẽ lại về không? Cái nợ cầm thư phải trả xong! Dứt khoát đi thi phải hi vọng đậu. Kinh thánh đã ghi lại có những người bị cám dỗ và đã thắng:
- Đaniên và ba người bạn của Đaniên bị cám dỗ phải ăn thức ăn đã cúng rồi cho các hình tượng, mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã ban cho họ. Cảm ơn Chúa, họ đã thắng bằng cách tin cậy nơi Chúa để cầu xin vị hoạn quan phụ trách đừng bắt mình ăn thức ăn ngon của vua, đừng bắt họ uống rượu vua uống. Họ đã thắng không ăn lại còn được Chúa cho khôn ngoan hơn những người ăn thức ăn thức uống của vua.
- Ba người bạn của Đaniên đã thắng được cám dỗ, không quỳ lạy pho tượng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng lên buộc tất cả thần dân đều phải quỳ lạy. Ba người bạn của Đaniên đã quyết định không quỳ lạy hình tượng như Chúa dạy, dù phải bị quăng vào lò lửa cháy nóng gấp 7 lần bình thường. Cảm ơn Chúa đã cứu họ giữa lò lửa hực, họ chẳng bị cháy, họ chẳng bị hơi lửa.
- Dĩ nhiên là còn nhiều người nữa, nhưng chúng ta không thể quên trường hợp của Chúa Jêsus khi Ngài còn trên đất, Chúa Jêsus đã bị ma quỉ cám dỗ nhiều lần:
- Lúc Chúa Jêsus bắt đầu thi hành chức vụ trên đất, quỉ Satan đã cám dỗ Ngài. Rồi ngay cả khi Chúa Jêsus tình nguyện chịu thương khó, chịu đóng đinh trên thập tự giá, ma quỉ cũng cám dỗ Chúa Jêsus bằng cách thách thức Ngài xuống khỏi thập tự để chứng minh là Đức Chúa Trời. Đối với loài người chúng ta thì sự chết, nhất là chết một cách sỉ nhục như Chúa Jêsus chịu, từ việc bị vu cáo đến bị đánh bằng những ngọn roi da có móc sắt, rồi bị vả trên má, bị nhổ trên mặt, bị những tên lính La Mã cho đội mão gai để chế nhạo Ngài là Vua, bị đóng đinh ngang hàng với hai tên trộm cướp, cái chết như vậy là thất bại. Nhưng Bạn có biết không, cái chết sỉ nhục, đau thương như vậy là để mang sự đau ốm của loài người chúng ta, để gánh sự buồn bực của chúng ta; Chúa Jêsus chịu chết như vậy là vì sự gian ác của chúng ta, những lằn roi của Chúa Jêsus chịu để chúng ta được bình an, được chữa lành bịnh tật; Chúa Jêsus đã mang hết tội lỗi của Bạn, của tôi, của toàn thể nhân loại trên thân thể Ngài. - Cảm ơn Chúa, Chúa Jêsus đã thắng những cám dỗ của ma quỉ đưa đến, Chúa Jêsus đã hoàn thành chương trình cứu rỗi cho nhân loại qua sự chết chuộc tội của Ngài và đặc biệt Chúa Jêsus đã sống lại đắc thắng khải hoàn, thắng cả sự chết là điều cả nhân loại đều thua, ngay cả những danh nhân giáo chủ cũng thua sự chết. Kỳ diệu thay, Chúa Jêsus lại hứa ban sự đắc thắng cho người tin Chúa: Đừng sợ, vì ta đã thắng thế gian rồi.
- Trường hợp THUA sự cám dỗ:
Dĩ nhiên, không phải tất cả đều thắng, giống như đi thi không phải tất cả đều đậu, nếu thế thì đâu có câu: Thi không ăn ớt thế mà cay. Kinh thánh cũng ghi lại nhiều trường hợp gặp cám dỗ bị thua như:
- Tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va đã thua sự cám dỗ nên gánh lấy hình phạt cho chính mình và cho dòng dõi loài người về sau nữa.
- Một trong 12 vị sứ đồ của Chúa Jêsus là Phi-e-rơ đã thua sự cám dỗ chối không biết Chúa Jêsus là ai.
- Trường hợp THUA NHƯNG THẮNG:
Có những câu danh ngôn đời thường đáng cho chúng ta học, như:
- Thất bại là mẹ thành công.
- Trên đường đời không vấp ngã là điều tốt, nhưng vấp ngã mà đứng lên được là điều tốt hơn.
- Cuộc đời Bạn không phải là đường thẳng mà là những đoạn thẳng, nếu vấp ngã, hãy đứng dậy tạo đoạn thẳng mới.
Lời Chúa phán: Người công bình - tức là người đã tin Chúa - dầu sa ngã bảy lần, cũng chỗi dậy (Châm. 24:16). Kinh thánh ghi lại đời sống những người tin cậy nơi Chúa có nhiều lần họ thua sự cám dỗ, nhưng cảm ơn Chúa là họ biết thắng trong cái thua, bằng cách hạ mình ăn năn với Chúa, xin Chúa tha tội và họ đã được Chúa cho phục hồi địa vị cao quý trước mặt Chúa.
- Vua Đa-vít của dân Y-sơ-ra-ên sống vào khoảng 1.000 năm TC., Đa-vít bị cám dỗ phạm tội cướp vợ người, rồi lại còn giết chồng người. Nhưng khi bị Chúa quở trách, dù là vua, Đa-vít cũng đã nhận tội với Chúa, ông đã hạ mình ăn năn chịu Chúa phạt và xin Chúa tha thứ. Cảm ơn Chúa, Chúa đã tha thứ cho Đa-vít.
- Thánh Phi-e-rơ đã thua sự cám dỗ khiến ông 3 lần chối không biết Chúa Jêsus. Nhưng khi nghe gà gáy, nhớ lại Lời Chúa Jêsus đã phán trước với ông: Trước khi gà gáy, người sẽ chối ta 3 lần, Phi-e-rơ đã ăn năn khóc lóc cách đắng cay với Chúa. Cảm ơn Chúa đã tha thứ cho Phi-e-rơ, còn sử dụng ông làm người rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus.
Qua Lời Chúa là Kinh thánh, người tin Chúa Jêsus không coi cám dỗ là điều đáng sợ, nhưng như Kinh thánh dạy:Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách (hay cám dỗ) trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách (hay cám dỗ) đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục (Giacơ 1:2); Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách (hay cám dỗ) trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; hầu cho sự thử thách (hay cám dỗ) đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra (Phi. 1:6-7). Tại sao người tin Chúa Jêsus xem sự cám dỗ là điều vui mừng? Vì người tin Chúa Jêsus đã được Lời Chúa là Kinh thánh dạy những điều như sau:
- MỘT, Người tin Chúa được dạy cầu nguyện trước khi sự cám dỗ xảy đến:
Chúa Jêsus đã dạy người tin Ngài phải cầu nguyện: Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác (Math. 6:13). Cho nên người tin Chúa phải cầu nguyện hằng ngày trước khi sự cám dỗ đến với mình.
- HAI, Người tin Chúa Jêsus được báo cho biết trước rằng không có sự cám dỗ nào quá sức:
Người tin Chúa Jêsus được Chúa hứa rằng: Những sự thử thách (hay cám dỗ) đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài sẽ chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được (I Côr. 10:13).
- BA, Người tin Chúa Jêsus có cách thắng sự cám dỗ:
Qua gương của các thánh đồ, người tin Chúa Jêsus biết họ thua cám dỗ khi họ quên Lời của Chúa, và qua gương của Chúa Jêsus, người tin Chúa Jêsus biết rõ, biết chắc, họ thắng được cám dỗ nhờ Kinh thánh là Lời Chúa. Tác giả Thi thiên đã nói về kinh nghiệm của mình: Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa (Thi. 119:11). Đó là lý do Kinh thánh được gọi là gươm của Thánh Linh.
- BỐN, Người tin Chúa Jêsus được bảo đảm rằng dù có lúc họ thua sự cám dỗ, nhưng họ vẫn được thắng lại nếu họ biết ăn năn tội với Chúa:
Kinh thánh làm chứng các thánh đồ không phải là những người không phạm tội với Chúa, nhưng họ là những người có tội như mọi người, đôi khi còn xấu hơn, điều khiến họ được gọi là thánh đồ vì họ là người có tội biết ăn năn với Chúa. Cá nhân Bạn thính giả cũng vậy, điều quan trọng thay vì Bạn ngồi đó mơ ước phải chi không có quỉ Satan cám dỗ, nếu Bạn chưa tin Chúa Jêsus thì Bạn hãy vâng lời Chúa và làm theo bằng cách ngay giờ nầy, Bạn hạ mình ăn năn tội với Chúa và xin Chúa tha tội cho Bạn. Khi Bạn đã tin Chúa rồi, Bạn cần hằng ngày học Kinh thánh là Lời Chúa và làm theo, chắc chắn Bạn sẽ sống đắc thắng cám dỗ như chính Chúa Jêsus và các thánh đồ đã đắc thắng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét