Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Bài thuyết trình về năm Đức Tin trong dịp khai giảng năm học 2012 - 2013 tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc - Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc

Tôi đã được mời để trình bày về những điều có thể làm và nên làm ở môi trường Đại Chủng viện trong Năm Đức tin mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố trong Tông thư Porta Fidei (Cánh cửa Đức tin), sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 và kết thúc vào ngày lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, ngày 24 tháng 11 năm 2013.
Biết rằng cả Giáo hội tại Việt Nam đang thao thức về việc canh tân hàng giáo sĩ Việt Nam, để có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của Giáo Hội, đặc biệt trong việc “Loan báo Tin Mừng” cho thời đại hôm nay. Chính bởi lý do đó mà thay vì bắt đầu bằng “những việc cần làm ngay” theo kiểu nói của một nhân vật khá nổi tiếng cách đây hơn 20 năm, tôi bắt đầu từ một hiện tượng phổ biến trong xã hội và Giáo Hội, đang ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống của mọi người Kitô hữu, ngay cả trên hàng giáo sĩ Việt Nam của chúng ta, đó là “hiện tượng thế tục hoá”, một hiện tượng phổ biến trên toàn cầu. Cũng chính vì tiến trình “toàn cầu hoá” đang càng ngày càng phát huy tác dụng một cách rõ rệt, không thể chối cải, mà hiện tượng thế tục hoá không bỏ sót một địa danh nào.

Trong công việc đào tạo hàng giáo sĩ hôm nay, chúng ta không nên tránh né vấn đề này, nhưng phải cố gắng tìm ra một đường lối tích cực, khả dĩ mang lại những hiệu quả sâu sắc hơn và tốt đẹp hơn. Năm Đức tin vừa là một lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha, vừa là một cơ hội để chúng ta bắt đầu bằng nỗ lực gạn đục khơi trong, rất cần thiết cho Giáo Hội hôm nay. Còn một việc cần thiết hơn nữa mà Năm Đức tin mời gọi chúng ta là “hãy trở về với điều cốt yếu” (retour à l’essentiel), hãy trở về với điều Duy Nhất Cần Thiết (Unum Necessarium), theo kiểu nói của Chúa Giêsu tại gia đình Bêtania.

Trở về với điều cốt yếu cũng chính là trở về nguồn theo tinh thần của Công đồng Vatican II, trở về với Truyền thống sống động của Giáo Hội vẫn không ngừng chảy như một dòng nước sự sống. Trở về với Giáo lý Đức tin, Giáo lý Tông truyền của Hội Thánh , để có thể nói rõ với chính mình và với thế giới : Tôi biết tôi tin vào ai. Sau cùng mới đưa ra vài gợi ý cụ thể, không mang tính ràng buộc, cho sinh hoạt của Đại Chủng viện trong Năm Đức tin.

Phần I: HIỆN TƯỢNG THẾ TỤC HOÁ

A.  THỬ ĐI TÌM ĐỊNH NGHĨA CHO HIỆN TƯỢNG THẾ TỤC HOÁ

1. “Thế tục hoá” là một tiến trình phổ quát đã bắt đầu từ rất lâu trong lịch sử văn hoá các dân tộc, nhất là khi bắt đầu có khoa học, từ khi con người mạnh dạn sử dụng lý trí tự nhiên trong nhiều lãnh vực, kể cả lãnh vực tôn giáo. Nhà thần học Harvey Cox, cho rằng tiến trình thế tục hoá bắt đầu khi có Kinh thánh. Các sách Cựu Ước dạy cho Dân Chúa biết “thiên nhiên” không phải là thần thánh, mà chỉ là “thụ tạo”,  bắt đầu hiện hữu khi Thiên Chúa Tạo Dựng.

Thời sơ khai, người ta còn lẫn lộn thiên nhiên với thần thánh. Nhiều hiện tượng thiên nhiên được gán cho hoạt động của thần thánh, làm nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến thần thánh. Những câu chuyện huyền thoại ra đời, giải thích cho nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên. “Vũ trụ quan “ của con người còn sặc mùi thần thánh. Nhưng dần dần, với sự tiến bộ của khoa học và triết học, người ta bắt đầu phân biệt đâu là “linh thánh” và đâu là hiện tượng “thiên nhiên” hay “sự kiện xã hội”. Tiến trình dần dần phân biệt linh thánh với phàm tục được một vài học giả gọi là “giải thiêng” hay “ hồi tục” (Hoàng Sĩ Quý) : trở về thế gian.

Có người còn gọi tiến trình này là tiến trình “phân biện” (process of differentiation, process of distinction), dấu hiệu của sự tiến bộ xã hội. Trong tiến trình thế tục hoá nói chung, có tiến trình phân biệt thần quyền với thế quyền, trả lại sự độc lập cần thiết cho trần thế và xã hội loài người, sự tinh tuyền cho niềm tin trong các tôn giáo. Nhưng tiến trình ấy cũng kéo theo một sự sụp đổ đáng sợ, phá đổ những giá trị linh thánh giả hiệu, hạ bệ những thần tượng, truất phế “thần quyền”. Chính vì thế mà trong các tôn giáo, có nhiều người rất sợ tiến trình “thế tục hoá” và cố gắng níu kéo những gì có thể níu kéo được. Nhưng sự níu kéo này chỉ “tạm thời”, và các thần tượng vẫn thay nhau sụp đổ.

2. Trái lại có hạng người khác, quá hưng phấn về sự tiến bộ xã hội và khoa học kỷ thuật, mà tiến trình thế tục hoá góp phần đưa tới, nên đã coi tiến trình này là “bất khả phục hồi” (irreversible). Họ còn đưa tới kết luận là “chỉ có trần thế”, và như vậy là “chủ nghĩa duy thế tục” ra đời, kết luận vượt quá sự kiểm chứng của khoa học. Chủ nghĩa “Duy thế tục” có nhiều hình thái khác nhau, nhưng có điểm chung là phủ nhận “những giá trị siêu việt”, những gì vượt lên trên, vượt ra ngoài “tầm với” của con người. Họ cho rằng không có gì mà con người không thể với tới, mọi sự đều trong tầm tay con người.

Hệ luận được rút ra là “ai giỏi, ai mạnh, người ấy thắng”. Hệ luận nầy đã đưa nhân loại đến bờ vực thẳm do thảm hoạ của hai cuộc chiến tranh thế giới. Và hiện vẫn còn nhiều thảm hoạ khác đáng sợ hơn, bao lâu mà “ý chí quyền lực” vẫn còn thống trị. Một hệ luận đáng sợ khác là “chủ nghĩa duy tương đối”, một chủ trương vừa lý thuyết, vừa thực tiễn đang huỷ hoại tận gốc rễ niềm tin của con người. Chủ nghĩa này đóng mọi cánh cửa còn lại dẫn tới Đấng Siêu Việt, Đấng Tuyệt đối, vì theo họ, không có cái gì là tiêu chuẩn, thước đo cho hành động của con người. Không gì xác định được con người là ai, phải sống như thế nào, con người bởi đâu, đi về đâu. Hệ luận thực tiễn mà ai cũng thấy được là thái độ “hưởng thụ” và coi “ lợi nhuận” là điều quan trọng nhất đối với con người ở đời này.

B. CÁC TÔN GIÁO VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM ĐỐI DIỆN VỚI TIẾN TRÌNH THẾ TỤC HOÁ

3. Năm 2003, lúc Đức Hồng Y Cordes còn là Tổng Giám mục, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh “Cor Unum” sang viếng thăm Việt Nam, ngài đã chia sẻ cảm tưởng rất tích cực về Giáo hội tại Việt Nam, nhưng ngài có lưu ý một vài giám mục Việt Nam về nguy cơ của “sự thế tục hóa”. Sự lưu tâm đó rất đúng, vì lúc bấy giờ “thế tục” đã bắt đầu xâm nhập vào các tôn giáo, kể cả Giáo hội Công giáo của chúng ta. Điều đó không  tránh khỏi được, vì Giáo Hội sống giữa lòng xã hội, khó từ khước các phương tiện hiện đại mà xã hội cung cấp. Não trạng của người giáo dân Việt Nam cũng thay đổi rất nhanh, không còn đơn sơ, dễ bảo.

Các trẻ em lớn lên trong một xã hội càng ngày càng bị tục hoá, không tránh khỏi bị lây nhiễm bởi những tư tưởng thế tục. Sự lây nhiễm xảy ra trong trường học, nơi chợ búa, tại các trung tâm giải trí, mua bán. Thanh niên thiếu nữ càng bị chi phối nhiều hơn, vì nhu cầu quan hệ rộng rãi hơn. Cha mẹ hay phụ huynh, vì kế sinh nhai, cũng không thể nào cưỡng lại tiến trình thế tục hoá. Không phải ai cũng phân biệt được cái tốt, cái xấu trong tiến trình này. Thực ra, tiến trình thế tục hoá tự nó không xấu cũng không tốt trên bình diện đạo đức. Xấu hay tốt đều do con người, có khuynh hướng lẫn lộn “tiến trình thế tục hoá” với quan điểm “duy thế tục”. Con người ngày nay có xu hướng lãng quên Thiên Chúa, để được “tự do thoải mái” theo ý của mình.

4. Chúa Giêsu, trước khi ra về cùng Chúa Cha, đã thấy rất rõ nguy cơ các môn đệ đang còn ở trong thế gian, sẽ “thuộc về thế gian”, nếu Chúa Cha không gìn giữ họ. Chính vì thế mà Ngài đã tha thiết cầu xin Chúa Cha thánh hoá họ (x. Ga 17,15-17). Cám dỗ thuộc về thế gian đã có từ ngàn xưa, nhưng ngày nay càng mạnh mẽ hơn, vì càng ngày người ta càng nghĩ rằng những điều linh thiêng thì xa vời, đang khi thực tại trần thế thì trước mắt và đụng chạm hằng ngày. Nếu Giáo Hội không lưu tâm và nhắc nhở thường xuyên, người môn đệ của Chúa ngày hôm nay quên mất Chúa lúc nào không biết. Nhiệm vụ này của Giáo Hội mỗi ngày thêm khó khăn và cấp bách hơn.

5. Ngày nay hơn bao giờ hết, Giáo hội đóng vai trò “canh thức”. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc nhở cho giới trẻ. Các gia đình, các giáo xứ, các dòng tu, các chủng viên đều phải cảnh giác “não trạng duy tục” đang xâm nhập và chi phối tâm hồn của nhiều người. Người ta ngại nói với nhau về Chúa, vì không biết phải nói gì. Người ta nói với nhau về những chuyện khác, nhưng câu chuyện về Chúa, thì càng ngày càng ít người kể. Và khi có người kể, thì không phải ai cũng lắng nghe. Xã hội càng ngày càng quay mặt nhìn chỗ khác. Có quá nhiều điều, nhiều chỗ cần phải lưu tâm, nhưng Thiên Chúa thì không có chỗ.


Phần II: XÂY DỰNG ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH

6. Tiến trình “thế tục hoá” không chỉ có mặt tiêu cực, mà còn có  tác dụng tích cực, là “thanh tẩy đức tin” cho người kitô hữu, giúp  họ có cơ hội trở nên cứng cát hơn, trưởng thành trong đức tin. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đang thực hiện, vì là sứ mạng và là nghĩa vụ của ngài : “Confirma fratres tuos”. Ngày 17 tháng 10 năm 2011, ngài đã công bố “Tông thư  Porta Fidei” (Cánh cửa Đức tin), mời gọi tất cả Giáo Hội kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II và 20 năm xuất bản Sách Giáo Lý Chung (SGLC) của Hội thánh Công giáo. Và Ngài đã quyết định mở ra một năm dành riêng để tuyên xưng và cử hành “Đức tin Công giáo”, từ ngày 11 tháng 10 năm 2012, ngày xuất bản SGLC, và bế mạc ngày 24 tháng 11 năm 2013, vào ngày lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ. Ngày khai mạc Năm Đức tin cũng trùng vào những ngày đầu của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới (từ ngày 7 đến 28 tháng 10 năm 2012) về chủ đề  “Tái rao giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô giáo”.

7. Đây là cơ hội rất thiết thực cho Giáo hội tại Việt Nam, mặc dù Giáo hội tại Việt Nam  được nhiều người trong cũng như ngoài nước công nhận là vẫn còn sinh động, nhưng gần đây đã trải qua nhiều thử thách trầm trọng, và cũng đã bộc lộ những điểm yếu của mình : số lượng không đi đôi với chất lượng. Chúng ta hãy lợi dụng tối đa cơ hội này để xây dựng một đức tin trưởng thành và vững mạnh cho mỗi một người và cho mọi thành phần Dân Chúa. Bộ Giáo lý Đức Tin đã đưa ra một bản hướng dẫn mục vụ để giúp cho việc thực hành “Tông thư Porta Fidei” của Đức Thánh Cha.
8. “Scio enim cui credidi” : Tôi biết tôi tin vào ai (2 Tm 1, 12). Theo sự chỉ dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin, lời nói đó của Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu đức tin “trước hết là một sự gắn bó mang tính cá nhân của con người với Thiên Chúa” (adhesio personalis hominis ad Deum) ; đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mạc khải (simul vero et inseparabiliter est liber toti veritati a Deo revelatae assensus). Đức tin như sự tin tưởng mang tính cá nhân vào Chúa (fides qua creditur : fiducia) và đức tin chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính không thể tách rời nhau (fides quae creditur).

9. Những hướng dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin nhằm thúc đẩy việc gặp gỡ Đức Kitô qua các chứng nhân đích thực của đức tin cũng như việc hiểu biết nội dung đức tin mỗi ngày một sâu sắc và đầy đủ hơn. Trong “Năm Đức tin”, cần phải nhấn mạnh cả hai phương diện : kinh nghiệm sống đức tin và nội dung đức tin. Hai phương diện này luôn gắn liền và không tách rời nhau. Chính vì thế mà cần đề cao việc cầu nguyện trong năm đức tin, phải gặp gỡ Chúa thì mới có thể gắn bó với Chúa. Năm Đức tin phải là “năm cầu nguyện” và cầu nguyện một cách đặc biệt hơn, để củng cố sự gắn bó với Chúa. Phải tìm lại sở thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa, và bằng Bánh Sự Sống (Ga 4, 14 ; Ga 6, 51). Cũng cần học hỏi kinh nghiệm thiêng liêng về tình yêu của Chúa, về sự gắn bó với Chúa của các chứng nhân đức tin trong lịch sử cứu độ, và lịch sử Giáo hội.

A. ĐỨC TIN PHÉP RỬA LÀ ĐỨC TIN BA NGÔI

10. Đức tin của chúng ta là đức tin Phép rửa, là “hồng ân đức tin” mà chúng ta nhận lãnh từ Giáo Hội, là Đức tin Tông truyền, là gia sản mà các thánh Tông đồ để lại. Chúng ta phải gìn giữ và bảo vệ đức tin ấy cho đến cùng. Đó là nhiệm vụ của mọi thành phần Dân Chúa dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô. Đức tin của chúng ta là “Đức tin nguyên thủy”. Kitô giáo luôn là Kitô giáo nguyên thuỷ, xuất phát từ giáo huấn của Chúa Kitô và sự truyền đạt trung thành của các Thánh Tông đồ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đức tin Phép rửa là “Đức tin Ba Ngôi”. Chúng ta tin một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất, mọi vật hữu hình và vô hình. Chúng ta tin Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, tin vào Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc tin vào “Đấng Ngài đã sai đến, tức là “Con Chí ái của Ngài”. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14, 1). Chính Thiên Chúa cũng đã dạy chúng ta phải nghe Lời Con của Ngài” (Mc 9, 7). Chỉ một mình Chúa Giêsu là Con ở trong Cung Lòng Chúa Cha từ muôn thưở, mới biết Chúa Cha và có thẩm quyền mạc khải Chúa Cha cho chúng ta (x.Mt 11, 27). Chúng ta còn phải tin Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban Sự sống. Chúa Thánh Thần mạc khải cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai (x.1 Cr 12, 3). Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Ngài (x. 1 Cr 2, 10-11). Chúng ta tin vào Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Thiên Chúa.

Như vậy đức tin của chúng ta là “Đức tin độc thần”, nhưng cũng là “Đức tin Ba Ngôi”. Hội Thánh không ngừng tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

B. ĐỨC TIN LÀ MỘT ÂN SỦNG, TIN LÀ MỘT HÀNH VI NHÂN LINH

11. Đức tin là một ân sủng, là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, như lời Chúa Giêsu khen tặng Phêrô, khi ông này tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa : “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là  Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

Để có được đức tin, cần có ân sủng của Thiên Chúa đến trước giúp đỡ (gratia praeveniens et adjuvans) : một sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đánh động và hướng “con tim” (cor : cái tâm) về cùng Thiên Chúa. Ngài mở “con mắt trí tuệ” (oculos mentis : trí ) và làm cho chúng ta cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý. Chính vì đức tin là một ân sủng, nên chúng tavừa phải trân trọng gìn giữ, vừa phải đón nhận và cầu xin mỗi ngày.

Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên tin vẫn là một “hành vi nhân linh” (actus humanus), một hành vi có ý thức và tự do. Tin vào Thiên Chúa và gắn bó với các chân lý do Ngài mạc khải không đi ngược với tự do và lý trí của con người. Trong hành vi đức tin, lý trí và ý chí của con người cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa đức tin như sau : “Tin là hành vi của lý trí chấp nhận chân lý của Thiên Chúa theo lệnh của ý chí được Thiên Chúa tác động bằng ân sủng” (S.Th.II , II, q.2, a.2, c).

12. Lý do khiến chúng ta tin không phải vì các chân lý được mạc khải xác thực và có thể hiểu được đối với ánh sáng của lý trí tự nhiên. Nhưng chúng ta tin vì uy quyền của Thiên Chúa, là Đấng mạc khải không thể sai lầm và không bao giờ lừa dối ta. Thiên Chúa ban những dấu chỉ khả tín (motifs de crédibilité) cho thấy sự ưng thuận của đức tin không là hành vi mù quáng.

Trong thế giới mà “chủ nghĩa hoài nghi” thống trị như hiện nay, coi mọi sự là tương đối, người ta không thể chắc chắn về một điều gì, ngoài điều mà người ta có thể kiễm chứng được bằng thực nghiệm, người ta không còn tin tưởng ai ngoài chính mình và những khoái cảm của mình, chúng ta cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố “chắc chắn” của đức tin. Đức tin là “một sự chắc chắn” (certitudo ), chắc chắn hơn mọi hiểu biết của phàm nhân, vì đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối. Sự chắc chắn nhờ ánh sáng của Thiên Chúa lớn hơn sự chắc chắn nhờ ánh sáng của lý trí tự nhiên.

C. ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ, KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

13. Sự vững chắc của đức tin không là một thái độ mù quáng, “duy tín”, không lưu tâm gì tới việc tìm hiểu bằng lý trí. Trái lại đức tin đích thực luôn đi tìm sự hiểu biết (Fides quaerens intellectum). Người tín hữu luôn muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn những điều mà Đấng ấy mạc khải. Hiểu biết sâu xa hơn sẽ làm cho đức tin vững mạnh hơn và thấm đậm tình yêu mỗi ngày một nhiều hơn. Càng biết Chúa, ta càng yêu Chúa. Càng yêu Chúa, ta càng biết Chúa nhiều hơn. Ân sủng đức tin khai mở “đôi mắt của trái tim”, để chúng ta có một hiểu biết sống động về nội dung của mạc khải, về toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa, về các mầu nhiệm đức tin, về tương quan giữa các mầu nhiệm với nhau và với chính Chúa Kitô, tâm điểm và chóp đỉnh của mọi mầu nhiệm được mạc khải. Và để cho chúng ta hiểu biết mạc khải sâu xa hơn nữa, Chúa Thánh Thần không ngừng ban bố các hồng ân để kiện toàn đức tin của chúng ta (x. Ep 1,17-18).

14. Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, khoa học tiến bộ với “tốc độ chóng mặt”, làm cho nhiều người đầu hàng, không còn muốn tìm hiểu thêm về những gía trị khác ngoài lãnh vực khoa học, hoăc có thái độ hoài nghi về các loại tri thức khác, nhất là trong các lãnh vực mà họ cho là không kiểm chứng được, đặc biệt là lãnh vực tôn giáo, những thực tại siêu hình vượt khỏi “tầm với “ của trí tuệ con người. Sự đề cao lý trí cách quá đáng cắt đứt mọi quan hệ có thể có được với những gì vượt lên trên lý trí tự nhiên. Và hệ luận là một thái độ hoài nghi phổ biến với những hậu quả vô cùng tai hại, như sự đánh mất niềm tin tôn gíao, và ngay cả niềm tin vào con người, sự tin tưởng lẫn nhau, rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển toàn vẹn của con người. Có một sự mất cân bằng quá lớn và hết sức nguy hiểm giữa hai lãnh vực “tri thức khoa học” và “lương tri” hay tri thức đích thực trong lãnh vực đạo đức và luân lý. Ngày nay, rất nhiều người không biết hoăc không muốn phân biệt “tốt xấu”, “lành dữ”.

15. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh nhiều đến vấn đề tương quan giữa lý trí và đức tin. Đức tin cần phải mở rộng cho sự “tìm tòi của lý trí” nhiều hơn nữa. Cần phải kích thích lý trí nhiều hơn nữa, đừng để cho lý trí tự khép mình lại và đóng kín đối với các vấn đề Thượng Đế và nhân sinh. Hãy mở rộng “Sân Đền Thờ” cho chư dân. “Sân chư dân “ là lãnh vực tiếp giáp, gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, ân sủng và tự do, tự nhiên và siêu nhiên, gặp gỡ giữa Thiên Chúa và mọi người. Cần phải nới rộng phần “tư duy” và “tri thức” trong mọi sinh hoạt của Giáo hội, đặc biệt hơn cả là lãnh vực “giáo lý đức tin”. Hãy nhấn mạnh việc “yêu mến Thiên Chúa hết sức lực, hết trí khôn”. Đó là lãnh vực của những công tác thần học đang chờ đợi chúng ta.

Đã từ lâu, Giáo Hội luôn khẳng định rằng : mặc dù đức tin vượt trên lý trí, không bao giờ có sự mâu thuẫn thực sự giữa lý trí và đức tin, vì cả hai có cùng một tác giả là Thiên Chúa Tạo dựng và Cứu độ. Đức tin “mở rộng tầm nhìn” cho lý trí và thăng hoa lý trí. Lý trí giúp cho đức tin được trong sáng, sâu xa và vững chắc. Lý trí giúp cho đức tin trả lẽ về “Niềm Hy vọng” của mình. Để việc đáp lại của đức tin là một hành vi nhân linh, cần phải có ánh sáng của lý trí. Con người phải đáp lại  tình yêu của Thiên Chúa bằng một hành vi hoàn toàn tự nguyện. Ánh sáng của lý trí càng nhiều, thì sự tự nguyện càng chắc chắn và sâu sắc hơn. Không ai trong chúng ta đáp lại ý muốn của Thiên Chúa một cách mù quáng, vì Thiên Chúa muốn như vậy. Không được cưỡng ép ai phải chấp nhận tin trái với ý muốn của họ. Tự bản chất, “Tin” là một hành vi tự nguyện. Tự do luôn đi đôi với ý thức. Không có ý thức, thì không có tự do, thiếu ý thức, thì cũng thiếu tự do.

16. Đức tin là một hồng ân “nhưng không” mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta có thể đánh mất hồng vô giá đó (x. 1Tm 1, 18-19). Để có thể sống, triển nở và kiên trì trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời của Thiên Chúa, chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta. Đức tin ấy còn phải hành động nhờ đức ái (x. Gl 5, 6), được đức cậy nâng đỡ, và phải đâm rễ sâu vào trong lòng “Đức tin của Hội Thánh”.

Đức tin cho chúng ta “nếm trước niềm vui và ánh sáng hồng phúc”.  Được “hưởng kiến”, được chiêm ngắm tôn nhan Thiên Chúa, là mục đích cuối cùng cuộc sống lữ hành của chúng ta. Dù đức tin có sáng tỏ nhờ vào Đấng mà chúng ta tin, đời sống đức tin thường có nhiều bóng tối. Chính vì thế mà tất cả chúng ta đều phải hướng về các “nhân chứng đức tin”, phải cậy dựa vào họ, vì ta biết chắc họ cũng là những người “nhân vô thập toàn” như chúng ta, nhưng đã phấn đấu rất nhiều và hoàn toàn dựa vào ơn Chúa.


Phần III: GỢI Ý VIỆC ĐÀO SÂU VÀ CỦNG CỐ ĐỨC TIN CHO MÔI TRƯỜNG ĐẠI CHỦNG VIỆN TRONG NĂM ĐỨC TIN

17. Trong văn kiện “Hướng dẫn mục vụ cho năm Đức tin” của Bộ Giáo lý Đức tin, được công bố ngày 6/01/2012, dịp Lễ Chúa Hiển Linh, sự chỉ đạo hướng dẫn  của Thánh Bộ khá rõ ràng và chi tiết. Chúng ta có thể rút ra từ đó những điều có thực hiện được đối với chúng ta trong bối cảnh hiện nay của Giáo hội và xã hội tại Việt Nam, nhưng vẫn phải luôn lưu tâm đến những nét cốt yếu của Tông thư “Porta Fidei” mà bản hướng dẫn đã chủ ý làm nổi bật.

Trong bài phỏng vấn linh mục Hermann Geissler, đặc trách Văn phòng Giáo lý của Bộ Giáo lý Đức tin, có một đoạn rất rõ ràng trả lời cho câu hỏi : Đâu là mục đích Bộ Giáo lý Đức tin nhắm tới khi đưa ra các chỉ thị mục vụcho Năm Đức tin? :

“Văn kiện này nhắm ba mục đích. Mục đích thứ nhất là giúp tái khám phá ra cốt lõi của đức tin là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, là Đấng Yêu Thương, nâng đỡ, khích lệ chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy tương lai cao cả. Mục đích thứ hai là giúp tất cả mọi người tái khám phá ý nghĩa và các văn kiện của Công đồng chung Vatican II. Nhiều người nói tới Công Đồng, nhưng khi đi sâu hơn một chút, thì ít người thực sự biết các văn kiện của Công Đồng. Tái khám phá kho tàng ấy là một điều hết sức quan trọng. Mục đích thứ ba là khám phá lại “Đức Tin” trong tất cả vẽ đẹp và sự toàn vẹn của nó. SGLC có thể trợ giúp chúng ta rất nhiều, vì cần phải hiểu biết Giáo lý Đức tin”.

A. MÔI TRƯỜNG CHỦNG VIỆN LÀ MÔI TRƯỜNG LINH THÁNH

18. Theo quan điểm của tôi, mục đích thứ nhất (tái khám phá ra cốt lõi của đức tin là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô) hết sức quan trọng đối với mọi người Kitô hữu trong thời đại của chúng ta hôm nay, một thời đại đầy những khó khăn và vấn nạn, đầy những thách thức và khiêu khích, đầy những cám dỗ và cạm bẩy. Nhưng đáng sợ hơn chính là khuynh hướng đi xuống về mặt luân lý và đạo đức, và sự lãnh đạm về phương diện tôn giáo.
Nếu đối với mọi người Kitô hữu, sự gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô nhờ đức tin là cần thiết cho đời sống đạo ngày hôm nay, thì đối với hàng giáo sĩ, sự gặp gỡ ấy càng thiết yếu hơn nữa, và phải được coi như là điều kiện “không thể thiếu” để tiến tới chức linh mục. Đại Chủng viện phải là nơi thuận lợi nhất cho người chủng sinh gặp gỡ Chúa, phải là một loại “môi trường thần linh” (milieu divin) cho sự “triển nở trong đức tin” của người chủng sinh. Người chủng sinh phải mỗi ngày một lớn lên, đạt tới tầm vóc trưởng thành trong Chúa Kitô. Người chủng sinh phải mỗi ngày một gắn bó hơn với Chúa Giêsu, và cảm thấy hạnh phúc nhờ sự gắn bó ấy. Không chỉ ngôi nhà nguyện của Đại Chủng viện phải được hiến thánh, được xức dầu Thánh Thần trong ngày cung hiến, mà cả “không gian Đại Chủng viện” cũng cần “được xức dầu Thánh Thần”.

B. VIỆC PHƯỢNG TỰ VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

19. Việc cử hành Phụng vụ phải được chuẩn bị kỷ lưỡng hơn, với ý thức sâu xa về sự “cộng tác của cộng đoàn và của từng cá nhân với Chúa Thánh Thần để tôn vinh Thiên Chúa và đón Chúa Kitô đến trong mầu nhiệm “Khổ Nạn và Phục Sinh” của Người. Phụng vụ Lời Chúa, cũng như Phụng vụ các giờ kinh, được cử hành cách sốt sắng và long trọng hơn, với một ý thức sâu xa về sự đối thoại chân thành giữa Thiên Chúa với Dân Người. Lời Chúa được lắng nghe cách chăm chú với tất cả lòng tin cậy mến. Lời thánh vịnh, thánh thi và thánh ca được thể hiện cách hân hoan phấn khởi.

20. Ngoài ra, một sự gặp gỡ cá nhân với Chúa còn đòi hỏi sự tự nguyện dâng hiến thời gian cho Chúa, trong những lúc cầu nguyện riêng. Không nên tiếc thì giờ với Chúa, mà phải hy sinh những thời gian thoải mái dành cho Chúa. Hãy dành cho Chúa những giây phút tỉnh táo nhất trong ngày. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa, tiếp xúc với Chúa bằng nhiều cách khác nhau : trong thinh lặng hoàn toàn, bằng việc suy niệm Lời Chúa, bằng tràng hạt mân côi, bằng việc đọc sách thiêng liêng, hạnh các thánh. Cho dù chúng ta sử dụng bất cứ phương tiện nào, dùng bất cứ cách thức nào, Chúa vẫn luôn là mục tiêu, là mục đích chúng ta nhắm đến, là Đấng mà chúng ta muốn gặp, muốn lắng nghe, muốn ngỏ lời, muốn tâm sự, muốn yêu thương và kết hợp với.

Năm đức tin phải là một thời gian dành cho việc cầu nguyện cách đặc biệt và sâu xa hơn, phải là một thời gian kinh nghiệm thực tế về sự gặp gỡ cá nhân với Chúa. làm thế nào để mỗi một người đều có thể nói : “Tôi đã gặp Ngài”, “Ngài đã dụ dỗ được tôi”. Năm đức tin là năm mà chúng ta phải tập “hô hấp thiêng liêng”, “hít thở Khí Thần” thật nhiều, để có thể là một thời gian tràn đầy tình yêu và sự sống, một “đỉnh cao”, nếu chưa được là “chóp đỉnh” hay thời gian viên mãn.

C. NGHIÊN CỨU CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

21. Mọi sinh hoạt, mọi chi tiết của đời sống Đại Chủng viện đều có thể góp phần để củng cố chiều sâu đức tin và nuôi dưỡng đời sống đức tin. Nhưng năm nay, Giáo Hội đặc biệt lưu tâm đến hai kho tàng lớn nhất mà chúng ta có được nhờ ơn Chúa Thánh Thần và những cố gắng vượt bậc của các thành phần trong Giáo Hội trong thời gian 50 năm qua là Công đồng chung Vatican II và Sách Giáo lý chung của Hội Thánh Công Giáo. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn cho chúng ta đào sâu đời sống đức tin bằng cách học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu, khai thác tận dụng hai kho tàng đức tin lớn lao và quý báu đó. Lý do hết sức cơ bản là “chiều sâu của đức tin luôn đi đôi với nội dung đức tin”, vì đức tin của chúng ta là đức tin của Hội Thánh. Tôi gặp Chúa trong lòng Hội Thánh, đức tin của tôi là đức tin của Hội Thánh : “Tôi tin” đi đôi với “Chúng tôi tin” (Credo = Credimus).
22. Tất cả nỗ lực của Công đồng Vatican II là nhằm suy tư và trình bày về Hội Thánh, sứ mạng và các sinh hoạt của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, một thế giới đầy những biến động. Mục đích của Công Đồng là giúp cho Hội Thánh trở về cội nguồn của mình là chính Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, nhờ đó có thể canh tân đổi mới đời sống và cách làm việc, nhằm thể hiện tốt đẹp hơn Sứ vụ Loan báo Tin Mừng.

Theo như Đức Thánh Cha, thì những văn kiện Công Đồng vẫn còn giá trị, vẫn là “ánh sáng dẫn đường” hợp thời và bảo đảm nhất cho đời sống đức tin của chúng ta trong thiên niên kỷ này. Vấn đề là làm thế nào để hiểu cho đúng tinh thần và ý nghĩa của giáo huấn Công Đồng, tránh những giải thích sai lạc có hại cho Giáo Hội. Công đồng Vatican II, được nhiều người coi như “luồng gió mới” trong lòng Giáo Hội, và điều đó rất đúng, nhưng Công Đồng không phải là một “sự cắt đứt với quá khứ” của Giáo Hội, như một vài người tưởng nghĩ.

Thực ra Công Đồng tiếp nối cả một “Truyền thống sống động” bắt nguồn từ Chúa Giêsu là Đấng sáng lập. Nhờ Công Đồng mà đức tin nguyên thuỷ, đức tin Tông truyền của Giáo Hội được sáng tỏ. Công việc của chúng ta hôm nay là tìm hiểu thật kỷ lưỡng, thật sâu xa ý nghĩa đích thực của các văn kiện dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền. Chính vì thế mà không thể thiếu việc tìm hiểu và học hỏi SGLC của Hội thánh Công giáo.

D. SÁCH GIÁO LÝ CHUNG CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

23. Vả lại SGLC là “kết quả cụ thể và rõ ràng nhất” của Công đồng Vatican II, cũng như sách Giáo lý trước đây là kết quả của Công đồng Trentô. Xem quả  biết cây, việc học hỏi SGLC là cách tốt nhất để tiếp thu đúng đắn nhất tinh thần, cũng như nội dung giáo lý của Công Đồng. Nhưng cũng phải nghiên cứu các tài liệu của Công Đồng, thì mới có thể lĩnh hội một cách tốt đẹp những yếu tố mới mẽ và tất cả sự phong phú của Sách Giáo lý. Mặc dù SGLC được bố cục theo cách sắp xếp quen thuộc với truyền thống Công giáo gồm bốn phần : phần đầu là “Nội dung đức tin” tức phần tín lý, phần hai là “Việc cử hành đức tin” tức phần phụng vụ bí tích, phần ba là “Sống hay thực hành đức tin” tức phần luân lý, và phần cuối cùng là “Đời sống cầu nguyện” giúp chúng ta tiếp xúc và gặp gỡ Chúa. Nhưng nếu đọc và nghiên cứu kỷ lưỡng, chúng ta có thể nhận ra điều mà Chúa Giêsu đã nói về người chủ nhà khôn ngoan, luôn biết lấy ra từ kho báu của nhà mình những điều cũ cũng như những điều mới.

Không những vậy, SGLC còn trình bày cách rất sống động các mầu nhiệm đức tin, các chân lý thần học, giúp chúng ta sống và cầu nguyện, giúp chúng ta gặp gỡ Chúa. Phần tín lý rất chắc chắn, rõ ràng và phong phú, giúp chúng ta cắm rễ sâu trong đức tin của Giáo Hội, đồng thời lý giải những thắc mắc của con người thời đại về Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, là Cội Nguồn và là Cùng Đích của con người và vũ trụ. Phần tín lý về Ba Ngôi Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu rõ “Đức tin Phép rửa” và tương quan giữa các ngôi vị Thiên Chúa với đời sống của chúng ta. Nhờ phần tín lý này, chúng ta có thể thoát khỏi một cái nhìn rất sai trái như cái nhìn của triết gia Kant : Thiên Chúa Ba Ngôi hay nhiều ngôi vị hơn nữa, không ảnh hưởng gì trên đời sống chúng ta.

Phần về Chúa Kitô cũng rất phong phú và gần gũi, vừa làm rõ chân dung cụ thể của con người Giêsu Nazarét, vừa cho thấy nguồn gốc siêu việt của Chúa và căn tính đích thực của Người. Cứu chuộc học của Sách Giáo lý gắn liền với phần Kitô học, và cho thấy Chúa Giêsu Chịu Khổ Nạn và Phục Sinh là trọng tâm và là chóp đỉnh của lịch sử cứu độ. Phần tín lý về Giáo Hội giúp ta hiểu Giáo Hội một cách sâu xa và sống động hơn, tương quan giữa Giáo Hội với mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, với mầu nhiệm Chúa Kitô, làm nổi bật sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, và cho ta thấy rõ vai trò của mọi thành phần Dân Chúa trong lòng Giáo Hội. Cả hai khía cạnh “mầu nhiệm” và “cơ chế” đều rõ ràng và tương quan mật thiết với nhau. Giáo hội học của SGLC cũng thấm nhuần tinh thần đại kết và đối thoại của Công đồng Vatican II.

Đặc sắc của phần phụng vụ, theo như tôi, nằm ở phần đầu về “Nhiệm cục Bí tích”, trong đó chúng ta thấy rất rõ tương quan giữa phụng vụ với Ba Ngôi Thiên Chúa, với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, và đặc biệt là vai trò của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ, làm cho phụng vụ trở thành “Môi trường sống và giáo dục đức tin”. Phần này cũng làm cho chúng ta thấy rõ là Giáo Hội không ngừng gặp Chúa Kitô, sống với Chúa và trong Chúa. Với đức tin, mỗi người Kitô hữu đều có thể gặp Chúa trong lòng Giáo Hội. Phần “Bảy Bí tích “cũng rất phong phú và có thể giúp chúng ta sống và cử hành Bí tích cách ý thức và sốt sắng hơn.

Phần thứ ba trình bày về đời sống Kitô hữu là đời sống trong Đức Kitô gồm phần luân lý cơ bản rất phong phú, sinh động, hợp thời và khá đầy đủ. Trước hết, phần ba SGLC bàn về phẩm giá của nhân vị và ơn gọi của con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Phần nầy cũng trình bày cách rõ ràng và chắc chắn về “chiều kích xã hội của con người “, là điều rất cần thiết cho đời sống của người Kitô hữu trong xã hội hôm nay. Phần về Mười Điều răn cũng khá dồi dào, và cập nhật với các vấn đề  luân lý nảy sinh trong thời đại ngày nay, đặc biệt là về tình yêu và sự sống.

Phần thứ tư về kinh nguyện Kitô giáo có thể sử dụng như “sách thiêng liêng” giúp nuôi dưỡng đời sống tâm linh, cũng có thể dùng để suy niệm hằng ngày, vì đầy những kinh nghiệm thiêng liêng của các chứng nhân đức tin, kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện của Giáo Hội ; cũng có thể dùng như một “sách thủ bản tu đức” rất chắc chắn, vì đầy những chất liệu về Kinh thánh và thần học, ví dụ như phần phân tích và trình bày ý nghĩa “Kinh Lạy Cha”.

Tóm lại, SGLC quả thật là một công trình vĩ đại của Giáo Hội sau Công đồng Vatican II, một sự đóng góp to lớn của nhiều đầu óc và con tim trong lòng Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và là một kho tàng mà Chúa ban cho Hội Thánh, được mở ra cho mọi người vào, không chỉ để tham quan, mà để nghiên cứu và học hỏi, để kín múc “sự sống của Thần Khí trong lòng Giáo Hội”, để suy niệm và đem ra thực hành. SGLC chứa đựng một nội dung đức tin phong phú có khả năng nuôi dưỡng đời sống đức tin của người Kitô hữu trong thời đại hôm nay, mà không bao giờ sợ cạn kiệt hay hết chất. Nội dung ấy cũng có khả năng trở thành ánh sáng cho tất cả các vấn đề nhân sinh, xã hội của thời đại, và các vấn đề luân lý và đời sống của con người trong thế giới hôm nay.

Ngoài ra, có những đoạn trong SGLC, đầy ấp tình yêu và sự sống , có thể dùng như điểm tựa cho một sự gặp gỡ mật thiết và sống động với Chúa Kitô, để dần dần trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, và nên một với Ngài trong “Sự hiệp thông Ba Ngôi”. Chúng ta đang hành trình đến “Quê hương Ba Ngôi”, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể tìm gặp và ở lại trong Quê hương của Tình yêu Ba Ngôi : “ở lại trong Tình Yêu của Thầy như Thầy ở lại trong Tình Yêu của Chúa Cha” (Ga 15, 9-11).

E. VÀI ĐỀ NGHỊ CỤ THỂ

Đến đây, tôi mới mạnh dạn đề nghị một vài điều có thể thực hiện không mấy khó khăn hay xa vời với thực tế đời sống của Đại Chủng viện.
+  Huấn đức hằng tuần, là cơ hội để trình bày và giúp các chủng sinh hiểu và áp dụng những suy tư và hướng dẫn trong các văn kiện “Optatam Totius” (Đào tạo linh mục), “Presbyterorum Ordinis” (Chức vụ và đời sống linh mục).

+  Các Giáo trình Thần học : Cố gắng đưa nội dung các Hiến Chế  của Công Đồng vào các môn học, nhất là những môn học có liên quan : ví dụ đưa Hiến Chế “Sacrosanctum Concilium” (Hiến chế về Phụng vụ thánh) vào môn Phụng vụ ; đưa Hiến chế Tín lý“Lumen Gentium” vào môn Giáo hội học ; đưa Hiến chế Tín lý “Dei Verbum” (về Mạc Khải) vào môn Thần học cơ bản (Théologie fondamentale) và môn “Dẫn nhập vào Kinh thánh” ; đưa Hiến chế mục vụ “Gaudium et Spes” (Vui mừng và Hy vọng) vào các môn “Nhân học Kitô giáo”, Thần học luân lý cơ bản và chuyên biệt.

+  Các giờ nguyện gẫm : Có thể sử dụng một số đoạn thật hay và được nhiều người thích, trích từ các văn kiện Công Đồng, vào giờ nguyện gẫm, làm điểm tựa cho sự gặp gỡ Chúa trong thế giới hôm nay.

+  Các bài giảng trong Thánh lễ : có thể kết hợp cách ngắn gọn Giáo huấn của Công Đồng với lời Kinh thánh theo lịch phụng vụ.

+  Những buổi thuyết trình trong lớp, hay cho toàn thể Đại Chủng viện về nội dung của Công Đồng so sánh với SGLC của Hội Thánh Công Giáo, hoặc về những thần học gia lớn đã đóng góp rất nhiều cho Công Đồng như Henri de Lubac, Yves Congar, Ratzinger, Urs von Balthasar …

+ Tập cho người chủng sinh trình bày và phổ biến một cách đơn giản và dễ hiểu những tư tưởng cốt yếu của Công Đồng bằng những bài suy niệm hoăc bài viết ngắn để cho giáo dân dễ sử dụng.

+  Các giáo sư chịu khó viết bài nghiên cứu hay suy tư thần học về một số nội dung  hay các vấn đề được nêu ra trong các văn kiện Công Đồng. Ví dụ vấn đề “Collégialité” (tính đồng đoàn) của Giám mục đoàn thế giới, vấn đề Chúa Thánh Thần trong Sứ vụ Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, các vấn đề đại kết, vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo, hay những vấn đề đang nóng bỏng, thuộc lãnh vực chuyên môn của giáo sư có liên quan tới các văn kiện Công Đồng, như các vấn đề “Đạo đức sinh học”, các vấn đề “Môi sinh”, các vấn đề “Đạo đức xã hội”, v.v. …

+ Cũng có thể tổ chức những buổi gặp gỡ và trao đổi rộng rãi giữa các Đại Chủng viện, hay các Học viện liên Dòng, theo hình thức “Symposium” (nhiều thuyết trình viên trình bày về cùng một đề tài, dưới các khía cạnh  khác nhau).

Về SGLC, tôi đề nghị các giáo sư Đại Chủng viện đừng ngại giải thích những đoạn quan trọng có liên quan với môn học của mình, để có một bảo đảm chắc chắn cho giá trị chính thống của giáo trình, và để giúp cho người chủng sinh biết yêu mến Huấn quyền của Giáo Hội, mai ngày có thể vận dụng vào việc giáo dục đức tin cho Dân Chúa. Công việc rao giảng Tin Mừng vẫn là một công việc quan trọng và cốt yếu trong sứ vụ của người linh mục. Người linh mục phải xác tín tối đa về điều mình rao giảng, và cần phải được chuẩn bị về cả hai phương diện : Fides Qua (hành vi tin, đời sống đức tin, cường độ đức tin) và Fides Quae (nội dung đức tin : Đức tin Tông truyền của Giáo Hội).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét