Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

ĐỨC TIN VÀ ĐỨC ÁI

"Năm Đức Tin cho chúng ta một cơ hội quý báu để suy niệm về mối tương quan giữa đức Tin và đức Ái: giữa việc tin vào Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô và tình yêu, là hoa quả của Chúa Thánh Thần, và là điều hướng dẫn chúng ta trên con đường hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân". Đó là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
      Mùa Chay năm nay 2013,  nguyên đức thánh cha Benedicto XVI đã đưa ra một thông điệp, như một lời mời gọi con cái Chúa tái khám phá lại đời sống đức tin và thực hành đức ái trong đời sống kitô hữu của mình. Mở đầu thông điệp, đức thánh cha đã viết: Việc cử hành Mùa Chay trong bối cảnh Năm Đức Tin cho chúng ta một cơ hội quý báu để suy niệm về mối tương quan giữa đức Tin và đức Ái: giữa việc tin vào Thiên ChúaThiên Chúa của Đức Giêsu Kitô và tình yêu, là hoa quả của Chúa Thánh Thần, và là điều hướng dẫn chúng ta trên con đường hiến mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
        
   

 Dựa vào ý hướng chủ đạo trong thông điệp của Đức thánh cha Benedicto XVI, tôi xin trình bày một số mẫu gương đức tin trong Tin Mừng và cách thể hiện lòng bác ái đối với anh chị em của mình, mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.

I. Mẫu gương đức tin trong Tin Mừng Nhất Lãm

1. Đức tin của người mẹ Canaan (Mt 15,21-28)
  
    Tin Mừng Mathêu trình bày cho chúng ta về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Canaan ngoại giáo có đứa con gái bị quỷ ám. Chúa Giêsu đã cố thử lòng tin của bà bằng cách đưa ra những lời nói khắt khe, tàn ác và phủ phàng đối với người mẹ tội nghiệp này. Chúa nói một câu nghe phủ phàng quá: “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Chúa so sánh bà với chó má, một lời ví von đầy tủi nhục, hất hủi và khinh miệt đến tột độ. Tuy nhiên, bà vẫn thản nhiên, quỳ gối và khiêm tốn nài van: “Thưa Chúa, chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống chứ”. Với cách trả lời đầy khôn ngoan và lòng tin, Chúa đã đáp ứng nhu cầu của bà: “Ớ bà này, lòng tin của bà quá tuyệt vời, bà muốn sao thì sẽ được vậy”, từ giờ phút đó, con bà được lành. Như vậy, nhờ lòng tin mạnh mẽ và sự kiên trì trong lời van xin, bà đã được như sở nguyện.

      Người ta kể rằng: một hôm, đang đi dạo chơi trên sườn núi, một anh chàng không may bị trượt chân rơi xuống vực thẳm, nhưng cũng may cho anh, khi đang rơi anh vớ được một nhánh cây và cố gắng bám vào. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy sợ hãi vì bị treo lủng lẳng, cành cây sắp gãy vì sức nặng hơn 60kg của anh. Một ý tưởng lóe lên trong đầu, anh mở miệng gọi lớn:Chúa ơi! Nếu Chúa hiện hữu, xin hãy cứu con, con xin hứa với Chúa con sẽ tin Chúa và sẽ nói cho kẻ khác tin nữa.Nhưng sự im lặng vẫn là im lặng. Nhìn thấy cành cây sắp lìa thân, anh vội vàng cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa: Lạy Chúa xin mau cứu con, con tin có Chúa rồi đó, hãy mau cứu con đi. Và lúc đó anh nghe có tiếng thì thầm trả lời bên tai: đó chỉ là lời tuyên bố suông của kẻ gặp khốn cùng muốn tránh đi sự khó mà thôi. Anh vội trả lời: không đâu, không phải như vậy đâu, con tin có Chúa rồi mà, Chúa thấy không, con đã nghe được tiếng Chúa rồi, cứu con mau đi. Tiếng Thiên Chúa lại rót vào tai anh: được rồi, Ta sẽ cứu con, bây giờ con hãy buông tay khỏi cành cây đi. Nghe đến đây, anh cãi lại ngay: buông cành cây ah! Trời đất, con đâu có khùng mà làm như vậy. Chúa tưởng có thể gạt con dễ dàng như vậy sao? Buông cành cây này ra con rơi xuống vực thẳm toi mạng thì sao?
     
     Như vậy, đức tin đòi chúng ta phải vượt mọi chướng ngại vật, nhắm mắt trước bao ánh mắt dòm ngó, khinh miệt và chê cười, thinh lặng và nhẫn nhục trước những lời thóa mạ và hất hủi. Đức TGM Fulton Sheen đã nói rằng: Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc lên hương, thuận buồm xuôi gió.
    
     Chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời Chúa đã hứa: cứ xin sẽ được, tìm sẽ gặp, gõ cửa sẽ mở cho. Chúng ta tin tưởng vào tình thương hải hà của Chúa, bám víu vào Chúa, cậy dựa vào Chúa vì đó chính là chìa khóa vạn năng để mở cửa lòng nhân hậu của Người.

2. Đức tin của vị lãnh đạo Do-thái và người phụ nữ bị băng huyết (Mt 9,18-26)
        
     Thánh Matthêu kể cho chúng ta nghe hai trường hợp, hai phép lạ nhưng chỉ diễn tả duy nhất một lòng tin.

      Trước hết, đó là lòng tin của một vị lãnh đạo Do-thái ở Ca-pha-na-um. Ông quên đi địa vị và thân thế quyền hành của mình để đích thân đến gặp Chúa Giêsu, khiêm tốn quỳ gối, phủ phục dưới chân Chúa và nài xin Ngài thương đến đứa con gái tội nghiệp của mình vừa mới đột ngột qua đời. Ông không e ngại và sợ đàm tiếu khi biểu lộ lòng tin của mình trước bao ánh mắt dòm ngó và xoi mói của mọi người xung quanh. Trong tuyệt vọng ông vẫn lóe lên niềm hy vọng và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Ông tin mạnh mẽ đến mức: chỉ cần Chúa đến đặt tay lên con ông là con ông sẽ sống lại. Chính vì lòng tin mạnh mẽ và kiên vững đó, Chúa đã chiều ý ông và con gái ông đã được cứu sống.
          Trường hợp thứ hai, đó là một phụ nữ bị bệnh băng huyết đã 12 năm trời ròng rã, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi, nghe ai chỉ ở đâu có thầy bốc thuốc hay bà đều tìm đến, nhưng vẫn tiền mất tật mang. Quả thật bà rất mặc cảm về bệnh tình của mình và không dám tiếp xúc với một ai. Tuy nhiên khi nghe tin Chúa đi đến làng mình, bà đã mạnh dạn tiến đến và chỉ nghĩ bụng: chỉ cần sờ được vào áo choàng của Chúa thôi là căn bệnh sẽ biến mất. Quả thật, phép lạ đã xảy ra khi bà vừa đụng vào khấu áo của Chúa. Căn bệnh hiểm nghèo của bà đã được lành lặn nhờ đức tin vững mạnh và lòng khiêm tốn của bà trước sức mạnh và quyền năng của Chúa.
Do đó, chúng ta hãy cố gắng biểu lộ lòng tin của chúng ta theo cách mà vị lãnh đạo Do-thái đã biểu lộ: hiên ngang không hổ thẹn, mạnh mẽ không hồ nghi. Đồng thời biểu lộ lòng tin theo cách mà người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã làm: kín đáo nhưng vững chắc, mạnh mẽ nhưng khiêm tốn.

3. Đức tin của viên đại đội trưởng (Lc 7,1-10)

    Tin mừng của thánh Luca trình bày cho chúng ta một mẫu gương đức tin đủ mạnh và đủ lớn để Chúa Giêsu thi thố quyền năng của Ngài. Mẫu gương đức tin đó không ai khác chính là viên đại đội trưởng, một người ngoại giáo, thuộc quân đội Rôma đang chiếm đóng nước Do-thái. Mặc dầu ông là người ngoại giáo và cảm thấy mặc cảm trước người Do-thái, nhưng qua hành động và lời nói của ông đã khiến Chúa ngạc nhiên và thán phục đức tin quá mạnh của ông. Chúa đã khẳng định: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế. Vậy ông đã biểu lộ niềm tin đó như thế nào đến nỗi Chúa khen tặng ông hết lời như thế.

     Ông biết quan tâm và thương xót người khác. Khi biết đầy tớ của mình lâm trọng bệnh, ông đã sai người đi thỉnh cầu Chúa Giêsu đến đặt tay và cứu chữa đầy tớ mình. Tên đây tớ này không phải là bà con hay máu mủ ruột thịt gì cả nhưng ông yêu thương như người nhà của mình vậy. Tình yêu đó đã thôi thúc ông tìm mọi cách để gặp Chúa và nại đến lòng thương xót của Chúa. Chúa đã thấu hiểu con người tốt lành của ông.

     Ông khiêm tốn và rất tế nhị: Ông khiêm tốn vì ông nhận mình không đáng rước Chúa vào nhà và cũng vì lý do đó mà ông cảm thấy bất xứng khi trực tiếp đến gặp Chúa và thưa chuyện với Chúa. Ông tế nhị vì ông biết rõ truyền thống Do-thái không cho phép người Do-thái vào cùng một mái nhà với người dân ngoại. Lý do duy nhất là để tránh tai tiếng cho Chúa Giêsu và để công việc của Ngài không bị ảnh hưởng, nên ông ta đã nói: Thưa Ngài, nhà tôi chẳng xứng đáng để được Ngài vào đâu, nhưng tôi tin và quả quyết rằng, chỉ cần một lời Ngài phán thì đầy tớ tôi sẽ lành mạnh. Ông dám mạnh miệng tuyên bố điều đó, vì ông lấy kinh nghiệm bản thân mình ra mà thổ lộ với Chúa. Ông tin vào quyền năng của Chúa và dám bảo đảm, Chúa có thể chữa bệnh mà không cần hiện diện. Chúa thấy ông là một con người đáng yêu làm sao! Và vì thế Chúa không ngần ngại ban cho ông ân huệ đó là: đầy tớ của ông đã lành bệnh ngay khi ông vững mạnh tuyên xưng niềm tin vào Ngài.
    
     Như vậy, những người có đức tin mạnh mẽ và kiên trì bám víu vào Chúa thì không bao giờ thất vọng, vì Tác giả thư Dothái đã cho thấy điều đó: Đức tin là bảo đảm cho những gì ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta chưa xem thấy (Dt 11,1).
        
      Quả thật những mẫu gương về đời sống đức tin mà Tin Mừng thuật lại phần nào củng cố niềm tin của chúng ta trong đời sống kitô hữu hôm nay. Đức tin giúp ta sống có mục đích, có định hướng. Đức tin giúp ta sống lạc quan yêu đời. Đức tin giúp ta vượt qua những nghịch cảnh và tai ương. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Corintô đã kể về hành trình gian khổ của ngài phải chịu vì danh Chúa: năm lần bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi…ngoài ra ngài còn chịu đựng vất vả mệt nhọc do thức đêm, đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không còn nỗi đớn đau nào mà ngài không chịu. Môn đệ chân chính của Chúa đều thế cả. Nhưng những sự chịu đựng đó lại mang về cho người môn đệ một triều thiên và báu vật vĩnh cửu, không hư nát và cũng chẳng sợ tên trộm khét tiếng nào lấy cắp. Đức tin giúp ta chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo. Đức tin giúp ta lướt thắng thất bại trong cuộc sống...bởi lẽ, đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Ngài, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Ngài. Nói như thánh Phanxicô Salêsio: chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Chúa. Do đó, chúng ta hãy ngoan ngùy và trở nên một tờ giấy trắng để Thiên Chúa tự do tung hứng và muốn viết gì vào đó tùy Ngài.

     Lạy Chúa Giêsu, sống đức tin trong thời đại hôm nay chẳng khác nào một cuộc tử đạo. Con phải đổ máu hằng ngày. Phải chống chọi với biết bao cám dỗ và thách thức của cuộc sống. Dẫu biết là có Chúa, nhưng sao lòng con vẫn cảm thấy hoang mang và sợ hãi, vẫn cảm thấy thiệt thòi và đau khổ, vẫn cảm thấy buồn chán và  thất vọng. Đời sống đức tin của con cũng chẳng khác nào đi trên mặt nước. Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn. Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu. Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống. Sống đức tin chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi. Xin cứu con khi con yếu đuối, lỗi lầm. Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã. Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa.

     Mẫu gương đức tin của người mẹ Canaan, của vị lãnh đạo Do-thái và người phụ nữ bị băng huyết, của viên đại đội trưởng cho chúng ta một mẫu gương đức tin kiên vững và điều đáng khen ở họ là can đảm tuyên xưng niềm tin của mình trước người khác và hết lòng quan tâm để ý đến nhu cầu không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác nữa. Đức tin được triển nở trong đức ái bằng những việc làm cụ thể là như vậy. Do đó, chúng ta hãy  tặng cho anh chị em của mình những nụ cười yêu thương, cảm thông và chia sẻ...khi họ cảm thấy đau buồn để họ không gục ngã và thất vọng. Hãy tặng họ một nghị lực để vượt qua lúc khó khăn. Hãy tặng họ một giọt nước mắt để cảm ơn khi họ ấm no hạnh phúc. Hãy tặng họ tình thương để họ không vô cảm trước cuộc sống khó khăn của bao người. Hãy tặng họ những ước mơ để họ luôn phấn đấu. Hãy tặng họ niềm vui dù là nhỏ bé. Hãy tặng họ hy vọng dù là mỏng manh. Chúng ta hãy cầu chúc cho nhau luôn ấm áp & an lành trong tình thương của Chúa. Có như thế chúng ta mới đủ niềm tin mà thể hiện lòng bác ái đối với anh chị em của mình.
        
II. Cách thể hiện lòng bác ái đối với anh chị em mình.
        
      Trong thông điệp Mùa Chay, đức thánh cha còn nêu lên mối tương quan khắng khít giữa đức tin và đức ái. Ngài nói: Đức Tin làm cho chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa là Thầy chúng ta, đức Ái làm cho chúng ta vui sướng thi hành mệnh lệnh ấy (x. Ga 13, 13-17). Trong đức Tin, chúng ta được sinh làm con cái Thiên Chúa (x. Ga 1, 12tt); đức Ái làm cho chúng ta bền chí làm con cái Thiên Chúa cách cụ thể, trổ sinh hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 22). Đức Tin giúp chúng ta nhận ra những quà tặng mà Thiên Chúa nhân lành và rộng lượng đã trao phó cho chúng ta; đức Ái làm cho những món quà ấy sinh hoa kết quả (x. Mt 25, 14-30).
      
     Vậy để đức ái triển nở trong đức tin, chúng ta phải thể hiện đức ái đó như thế nào trong đời sống kitô hữu chúng ta? Thánh Giacôbê đã quả quyết: đức tin không hành động là đức tin chết. Vậy chúng ta phải biểu lộ đức ái như thế nào để người ta nhìn thấy chúng ta có đức tin?
      
     Thưa đó là sống yêu người như chính mình. Bởi lẽ, sống đức tin là biểu lộ tình thương và lòng bác ái một cách cụ thể. Còn sống bác ái là biểu lộ niềm tin một cách quyết liệt trong yêu thương và phục vụ. Chỉ khi tin thật sự chúng ta mới dám hiến thân và xả thân. Xả thân vì Chúa. Bởi lẽ, khuôn mặt của Chúa chính là khuôn mặt của những con người mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày với họ. Thánh Gioan đã quả quyết: Thiên Chúa chẳng ai thấy bao giờ. Do đó, : “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1Ga 4,20).
      
     Do đó, khi chúng ta tin Thiên Chúa thì chúng ta phải thực thi bác ái theo những đòi hỏi của Chúa. Có nhiều cách thế để thể hiện lòng bác ái. Bác ái là sống tinh thần quảng đại trao ban: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà. Chúa Giêsu đã nói rằng: “Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42). Và như thế “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về tình bác ái đó: sẵn sàng thức dậy khi trời đã khuya, đường phố đã lên đèn lấy bánh cho người hàng xóm mượn để thiết đãi người bạn lỡ đường (Lc 11, 5-8). Một cử chỉ thật cao đẹp.
    
      Ngoài ra, Chúa cũng trưng dẫn một mẫu gương về lòng bác ái nữa. Đó là lòng bác ái của người Samaritano nhân hậu, ông đã lo tươm tất và trả mọi viện phí cho người bị nạn (Lc 10, 29-37). Câu chuyện này cũng gợi lên cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ: Muốn làm việc bác ái thì chúng ta phải chịu thiệt thòi và vượt qua nhiều rào cản:
   
     Trước hết là rào cản của lề luật và văn hóa. Thầy Tư Tế và Lê-vi không dám phá luật vì Theo luật Do-thái những người phục vụ bàn thờ không được phép đụng vào những vật ô uế, đặc biệt là xác chết. Họ đang nhớ rằng kẻ nào sờ vào mình người chết thì sẽ bị ô uế bảy ngày (Ds 19,11).
    
      Kế đến là rào cản của hoàn cảnh vì sự sợ hãi và nhát đảm. Bởi lẽ, con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô nổi tiếng là nguy hiểm, chật hẹp, cong queo ngoằn ngoèo, hiểm trở, có nhiều khúc ngoặt bất ngờ, thuận tiện cho những bọn cướp rình rập. Giêrusalem có độ cao 766 mét cao hơn mặt biển. Chỉ trong một khoảng hơn 32 cây số, con đường này đổ dốc sâu tới 1200 mét. Hẳn thầy Lê-vi cũng e ngại vì sợ bọn cướp dùng nạn nhân làm mồi nhử, sợ cuộc hành trình bị chậm trễ hay sợ phiền nhiễu cho bản thân? Chính sự sợ hãi và nhát đảm đã khiến họ không dám lại gần và đành ngoảnh mặt làm ngơ.
     
      Tuy nhiên, chỉ có người dám chấp nhận thiệt thòi và dám vượt qua những rào cản của lề luật và văn hóa, sợ hãi và nhát đảm thì mới thể hiện lòng bác ái được. Anh chàng người Samaritanô nhân hậu đã biểu lộ đức tin của mình bằng đức ái tuyệt vời: “ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” Lc10,34. Nhờ con tim nhạy bén và quảng đại, ông sẵn sàng lo cho người lâm nạn mọi phí tổn. Nhờ con tim nhạy bén và quảng đại, ông mới vượt qua được mọi rào cản của lề luật, phong hóa và sự nhát đảm sợ sệt của bản thân.

      Tình yêu của Thiên Chúa chỉ được biểu lộ qua chính người anh chị em đang sống bên cạnh mình đây. Nếu không thì chúng ta lại quên lời của thánh Gioan: Yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình, đó là kẻ nói dối.

Anh em tôi đó, tôi không thương
Nói chi đến Chúa ở thiên đường
Linh thiêng, thánh thiện, cao vời vợi
Làm sao với tới để yêu thương ?

Anh em tôi đó, tôi không thương
Nói chi đến kẻ bên vệ đường
Không quen, không biết, không thân cận
Làm sao cúi xuống để yêu thương ?

Anh em tôi đó, tôi không thương
Nói chi đến kẻ tôi chán chường
Ghét cay, ghét đắng, ghét thậm tệ
Làm sao ôm lấy để yêu thương ?

Anh em tôi đó, tôi không thương
Nói chi đến kẻ lỡ lầm đường
Người khinh, kẻ tránh, bao tủi nhục
Làm sao thông cảm để yêu thương ?

Anh em tôi đó, tôi không thương
Nói chi đến kẻ nằm bên đường
Người qua dửng dưng tìm cách né
Làm sao bứt phá để yêu thương?

   
     Nói yêu thì dễ nhưng mấy ai thể hiện tình yêu bằng hành động cụ thể. Bởi vì nhiều luật lệ và rào cản trong đời sống đã ngăn cản hành động bác ái của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta có muôn vàn luật lệ và rào cản khiến chúng ta khó lòng vượt qua. Chúng ta dễ dàng dửng dưng trước nhu cầu của đồng loại. 
        
1. Dửng dưng trước nhu cầu của đồng loại. 

  
    Chúa Giêsu trong Tin mừng của thánh Luca (Lc 16,19-31) đã dùng hình ảnh "ông Lazarô nghèo khó và ông Phú Hộ giàu có" để khuyên nhủ mọi người hãy quảng đại và quan tâm đến anh chị em đang sống xung quanh mình. Ông nhà giàu trong dụ ngôn đã làm gì nên tội mà phải xuống hỏa ngục? Ông không làm giàu một cách bất chính. Tiền của ông có được do công lao vất vả ông bỏ ra chứ ông đâu ăn cắp, bóc lột, gian xảo mà có. Ông có quyền tiêu xài, và chăm sóc cho bộ cánh của mình: mặc toàn lụa là gấm vóc và hưởng thụ: ngày ngày yến tiệc linh đình. Xét một cách nào đó thì hành động của ông nhà giàu không có gì sai trái và đáng lên án cả. Thế nhưng, chính thái độ dửng dưng của ông trước người đồng loại, một anh ăn mày có tên là Lazarô mới khiến việc làm của ông nhà giàu đáng bị kết án. Ông đã đóng cửa lòng trước nỗi thống khổ của anh em mình. Ông có mắt mà như kẻ đui mù, không nhìn thấy trước cổng nhà có một người đang nằm thoi thóp và thèm khát những mẫu bánh thừa thải và cặn bã của ông. Trái tim xơ cứng và chai đá đã khiến ông vô cảm và dửng dưng trước những đau khổ của tha nhân. Thế giới hôm nay dù rằng hiện đại, văn minh và giàu có, thế nhưng hố ngăn cách giàu nghèo vẫn còn rất lớn. Vẫn còn đó những ông nhà giàu dửng dưng vô cảm chỉ biết hưởng thụ, tích trữ, hà tiện và khép kín. Vẫn còn đó những ông nhà giàu dửng dưng vô cảm trước những tai ương hoạn nạn và khổ cực của tha nhân. Giàu có không phải là tội. Tội hay không là do người sử dụng nó. Nếu biết sử dụng tiền của để mua lấy viên ngọc quý là nước trời và giúp đỡ những người nghèo khổ thì tiền của trở thành phương tiện đưa họ vào hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Một khi người giàu biết mở to đôi mắt, biết để ý quan tâm và quảng đại giúp đỡ người khác thì hố ngăn cách giàu nghèo sẽ bị phá đổ và mọi người được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Muốn có được nguồn hạnh phúc đó, chúng ta phải biết quan tâm đến nhu cầu của tha nhân.
   
2. Quan tâm đến nhu cầu của tha nhân.

   
   Người nghèo, người thấp cổ bé miệng, bị áp bức, bóc lột, đói khát…đều là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Chúa muốn chúng ta đối xử với họ như đối xử với Thiên Chúa vậy. Bởi lẽ, thế giới vẫn còn đó những anh Lazarô đói rách khổ sở không được giúp đỡ và hưởng những thứ rơi xuống từ trên bàn ăn của người giàu. Thế giới vẫn còn biết bao anh Lazaro bệnh tật không được chăm sóc, chia sẻ tình yêu thương và đối xử công bằng. Gần chúng ta hơn, ngay trong khu vực chúng ta sinh sống này, nhà cao cửa rộng và đầy đủ tiện nghi cũng còn đó những người sống dưới mức nghèo khổ… vẫn còn đó những người què quặt, đui mù nằm ăn xin la liệt trên đường phố, vẫn còn đó những người già neo đơn côi cút và trẻ em lang thang cơ nhỡ, vẫn còn đó những bà mẹ lầm lỡ bị gia đình, xã hội bỏ rơi, vẫn còn đó những người bị nhiễm HIV, bị down, trẻ mồ côi tội nghiệp, vẫn còn đó những gia đình cơm không lành canh không ngọt…Chắc chắn những người này rất cần đến tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy cho họ chút cơm thừa của chúng ta. Chỉ cần bớt chút dư thừa, phung phí xa xỉ của chúng ta, cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc. Chỉ cần hy sinh một điếu thuốc, bớt lại một chai bia trong bữa nhậu, bớt mua những đồ không bao giờ dùng đến để sẻ chia với người nghèo cũng đủ mang lại chút niềm vui cho họ.
   
    Mẹ Têrêra là người được mọi người ngưỡng mộ vì tinh thần bác ái, rất yêu thương người nghèo, những người bị xã hội bỏ rơi bên lề đã nói lên nỗi lòng của mình rằng: “Cái xấu lớn nhất trong thế giới ngày nay là thiếu vắng tình yêu, sự thờ ơ khủng khiếp đối với người lân cận”. Quả thật căn bệnh dửng dưng vô cảm vẫn ưng mủ và nhức nhối. Tuy nhiên, chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì trong một thế giới mà căn bệnh di căn dửng dưng vẫn tái phát thì không thiếu những người kitô hữu chúng ta trở thành những lương y bác sĩ chính hiệu của Đức Kitô đem lại nguồn sức sống cho những người nghèo bất hạnh trong xã hội. Nhiều mái ấm tình thương do các xơ phụ trách mọc lên, nhiều gia đình kitô hữu trở thành mái ấm của các chị em lầm lỡ, các trẻ em nghèo hèn cơ cực. Những trẻ em không có cơ hội học hành và tiến thân tìm thấy một chỗ dựa vững chắc và bình yên nơi nhiều gia đình trong cộng đoàn Giáo xứ chúng ta. Sự an nguy không còn là của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Sống là sống cùng và sống với chứ không ai là một hòn đảo. Như thế, cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ của thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau, quan tâm đến nhau.
   
    Khi trái tim bén nhạy biết cảm thương trước những cảnh đời bất hạnh và sẵn sàng quảng đại chia sẻ với những anh chị em thiếu thốn để họ tìm thấy niềm vui sống đạo, thì sự phân cấp giàu nghèo sẽ không còn và chiến tranh cũng tan biến. Có như thế ranh giới ngăn cách giữa thiên đàng và hỏa ngục sẽ tháo dở và mọi người được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trên trời.
   
    Như vậy muốn làm việc bác ái, chúng ta phải vượt qua nhiều rào cản để thực thi việc bác ái. Bởi lẽ nói như Thánh Phaolô: “Lòng bác ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1Cr 13,4-7). Yêu mến còn là “làm tất cả những gì mình có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người” (Rm 12,18). Thánh Phaolô đã đưa ra nhiều cách thế để sống bác ái. Một trong những cách thế đó là sống tha thứ.
 
3. Sống tha thứ
:
  
    Trong chuyến công du tới nước Mỹ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với người dân Mỹ rằng: “Thế giới không thể có hòa bình nếu thiếu sự tha thứ”. Sự tha thứ thật sự rất cần thiết trong đời sống của chúng ta mặc dầu nói tha thứ thì dễ nhưng sống triệt để sự tha thứ quả là một thách đố trong đời sống kitô hữu chúng ta.
 
    Tin mừng (Mt 18,21-35) cho thấy Chúa Giêsu đã đưa ra đáp số cho những chất vấn của Phêrô về sự tha thứ khi Phêrô thắc mắc: nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Ai biết Phêrô đã đưa ra con số mấy? Có phải lần không? Chúa đáp: không phải 7 lần mà đến 70 lần 7. Chúa muốn nói với Phêrô cách riêng và với mỗi người chúng ta là tha mãi tha hoài và không được có ý nghĩ trả thù hay oán giận ai. Tha thứ là bản chất của Thiên Chúa và Ngài muốn chúng ta cũng phải bắt chước Ngài sống tinh thần tha thứ đó. Để minh họa cho sự tha thứ này, Chúa Giêsu đã kể cho họ nghe một dụ ngôn. Có một đây tớ mắc nợ nhà vua 10 ngàn yến vàng. Vàng 50 triệu đồng 1 cây như hiện nay thì quả thật đó là một số tiền khổng lồ không thể trả nổi, thậm chí bán cả vợ lẫn con cũng như tất cả gia tài của anh ta cũng không tài nào trả nổi. Vậy mà khi tên đầy tớ này quỳ mọp xuống xin nhà vua rộng lòng cho khất lại một kỳ hạn, thì nhà vua đã tha trắng cho anh tất cả, không đòi một điều kiện gì. Điều đó cho thấy nhà vua thật tốt lành và quảng đại biết bao. Khi ban ân huệ đó cho tên đầy tớ, nhà vua cũng muốn anh cũng phải biết quan tâm, quảng đại và tha thứ đối với anh chị em mình. Thế nhưng, trên đường trở về nhà, anh gặp một người bạn chỉ nợ anh có100 đồng bạc, anh đòi cho bằng được, bất chấp sự van nài và kêu cứu của người bạn tội nghiệp này, tên đầy tớ vô lương tâm kia vẫn thản nhiên bóp cổ và tống người bạn này vào tù cho đến khi trả xong nợ. Quả thật tên đầy tớ này đã không chịu học hỏi lòng thương xót của nhà vua tí nào cả. Do đó, cái giá mà tên đầy tớ này phải trả đúng với bản chất hẹp hòi, ích kỷ, đê tiện, bủn xỉn và độc ác của mình.
   
    Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ: tên đầy tớ vô lương tâm và đê tiện kia chắc hẳn là mỗi người chúng ta, những con người chỉ biết mình, chỉ biết vun vén cho mình, chỉ biết nghĩ đến mình mà quên đi nhu cầu của người khác. Ai đó mắc nợ mình cái gì thì mình luôn luôn nhớ và hở ra là đòi liền, ngược lại, mình mắc nợ ai thì chẳng nhớ, thậm chí quên luôn. Hơn thế nữa, ai mà lỡ xúc phạm hay nhục mạ mình điều gì thì trong đầu lúc nào cũng yên trí và tìm cách trả thù cho bằng được.

    Sống như vậy là không đúng với tinh thần của Chúa. Tinh thần của Chúa là: Tha thứ. Tha thứ như hành động nhà vua trong dụ ngôn trên. Nhà vua đó không ai khác, chính là Thiên Chúa, mà hiện thân là Chúa Giêsu Kitô. Hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu mà tha thứ cho những người vô tình hay cố ý xúc phạm và xỉ nhục mình. Điều đó được minh chứng qua chính cuộc sống của Ngài. Ngài tha thứ cho những người đã vu oan giáng họa cho Ngài. Ngài đã không chấp nhất những người đã khạc nhổ, tố cáo, nhục mạ và đóng đinh mình vào thập giá. Ngài vẫn hiền hậu nhân từ và tha thứ cho tất cả những ai trực tiếp hay gián tiếp giết chết Ngài. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Ngài bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời nào đẹp hơn lời Ngài cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại, Ngài đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Ngài. Ngài đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ rơi Ngài trong lúc gian nan, khốn khó và tăm tối nhất.

    Tha thứ như Chúa là: đừng lấy oán báo oán, nhưng hãy lấy ân mà báo oán. Bởi lẽ, lấy oán báo oán sẽ gây nên oán thù, và hận thù không bao giờ chấm dứt, còn lấy ân báo oán sẽ dập tắt được ngọn lửa hận thù và đưa đến hòa giải. Tuy nhiên chúng ta không dễ dàng sống trọn vẹn sự tha thứ và yêu thương. Người ta kể rằng: Có 2 Linh mục chẳng may đắm tàu và bị dạt vào một hoang đảo. Một Cha dòng Tên và một Cha dòng Phaxicô. Một hôm Cha dòng Tên đến xưng tội với Cha dòng Phanxicô, xưng xong Cha dòng Phanxicô nói: Việc đền tội con hãy đọc 50 kinh kính mừng, sau mỗi chục, con hãy đọc một kinh cầu các Thánh. Cha dòng Tên rất ấm ức nhưng vì là việc đền tội nên cũng phải làm. Vài ngày sau, Cha dòng Phanxicô đến xưng tội với Cha dòng Tên - dịp may đã đến, xưng xong Cha dòng Tên ra việc đền tội: - Con hãy đọc một kinh cầu các Thánh, sau tên mỗi vị Thánh, con hãy đọc 50 kinh kính mừng.

     Đó, các cha với nhau mà còn ăn miếng trả miếng huống chi là chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người làm ơn mà lại mắc oán. Một câu chuyện nữa minh họa cho điều đó: Một chị kia đi giầy cao gót, nhí nhảnh đi nhanh, chẳng may giầy chị bị rơi cái gót, chị mất thăng bằng, bổ nhào vào một ông đang đi gần chị, ông ta chẳng nói gì, phản xạ tự nhiên, ông ôm ngay lấy chị....và....chị nhanh nhẹn đưa ngay bàn tay tát vào mặt của ông ta một cái bốp. Bị xúc phạm, ông ta nói với chị: tôi chỉ muốn giúp đỡ chị không vấp té xuống đường...sao chị lại tát tôi? Chị cười thầm rồi nói: chẳng phải ông đã thừa cơ hội để ôm tôi sao? Ông ta đã hiểu và cười thầm trong lòng, rồi giải thích: thưa chị, tôi là một Linh Mục...tình cờ đi qua hướng này, gặp chị bị té nên chỉ có ý đỡ chị khỏi té xuống đường thôi....chứ chẳng sướng ích gì khi ôm chị thế này đâu. Mong chị thông cảm. Chị hoảng hồn xin lỗi vị Linh mục và vội vàng đi tiếp.....vừa đi chị vừa cười thầm nghĩ ngợi : thật là một dịp may hiếm có....vừa được đỡ không bị té, ôm được linh mục, lại vừa được tát một cái nữa chứ! Cả đời mơ cũng không dám.
Còn vị Linh Mục cũng chào chị và rời khỏi nơi đó, ông vẩn vơ suy nghĩ chuyện đời: Đời thật lạ lùng…thôi thì cũng là một kinh nghiệm ...để đời: không phải việc cứu người nào cũng phải ra tay nghĩa hiệp...còn tuỳ vào người nào, trường hợp nào...Vị Linh mục cười thầm chua chát!
        
     Vậy, đừng bao giờ trách móc bất kì ai trong cuộc sống của bạn cả!
Vì đơn giản, người tốt sẽ cho bạn Hạnh Phúc, còn người xấu cho bạn Kinh Nghiệm. Người tồi tệ nhất cho bạn Bài Học, còn người tuyệt vời nhất sẽ cho bạn Kỷ Niệm.  Đừng hứa khi đang ... vui. Đừng trả lời khi đang ... nóng giận. Đừng quyết định khi đang ... buồn. Đừng cười khi người khác ... không vui.
   Cái gì "mua được bằng tiền", cái đó rẻ. Ba năm học nói, một đời học cách lắng nghe. Chặng đường ngàn dặm luôn "bắt đàu bằng 1 bước đi". Đừng ghen ghét ai đó, khi mà họ chẳng có lỗi gì với ta.
        
    Vậy hãy sống chân tình mới nhau, đừng bao giờ đối xử với nhau theo kiểu ăn miếng trả miếng, hận thù, báo oán, nhưng hãy bắt chước Chúa: sống tha thứ, yêu thương, nhẫn nại và quảng đại trao ban. Chúa không bao giờ phụ kẻ có tấm lòng quảng đại và rộng rãi trao ban. Hãy cho thì sẽ được cho lại. Anh đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong trả lại cho anh bằng đấu ấy và thậm chí còn lắc, dằn, và đầy tràn hơn thế nữa. Không có cách trả thù nào hay hơn là yêu thương và tha thứ.
        
    Thánh Antôn mà chúng ta yêu mến là một mình chứng về lòng quảng đại và yêu thương. Người ta kể rằng: để tỏ lòng kính thánh Antôn, nhiều thành phố đã phân phát hàng ngàn bánh mì cho người nghèo, người ta gọi bánh đó là bánh mì của thánh Antôn. Nguồn gốc của việc phát bánh này do đâu? Đó là do việc thánh Antôn thích nhận lời cầu xin của những kẻ trong cơn tuyệt vọng chạy đến Ngài và hứa sẽ phân phát bánh cho người nghèo. Thật vậy, thánh nhân hay cứu giúp những người nghèo trong cơn tuyệt vọng, và những người này sau khi được Ngài cứu giúp đã mua bánh mì cứu giúp cho những người nghèo. Bởi vì khi mình giúp ai cái gì thì không bao giờ vô ích. Người ta kể rằng:
          Một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền học. Một ngày nọ nhận thấy mình chỉ còn mỗi một hào mà bụng đang đói, cậu định bụng sẽ sang nhà kế bên xin một bữa ăn. Một phụ nữ đẹp ra mở cửa. Bối rối trước cuộc gặp gỡ không hẹn trước này thay vì ăn cậu xin uống. Người phụ nữ đoán ra cậu đang đói và mang đến cho cậu một ly sữa lớn. Cậu chầm chậm nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi: "Cháu phải trả cho cô bao nhiêu ạ?" Người phụ nữ trả lời: "Cháu không nợ cô cái gì cả. Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt" Cậu bé cảm kích đáp: "Cháu sẽ cám ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu.".
          Khi ra đi cậu cảm thấy khoẻ khoắn hơn và niềm tin của cậu vào con người càng mãnh liệt hơn. Trước đó cậu gần như muốn đầu hàng trước số phận. Nhiều năm sau đó người phụ nữ bị ốm nặng. Các bác sĩ địa phương đều bó tay. Họ chuyển bà đến một thành phố lớn và tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Khi ông nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ ở, một tia sáng ánh lên trong mắt ông. Ngay lập tức ông khoác áo choàng và đi tới phòng bệnh người phụ nữ ở. Ông nhận ra được ngay ân nhân của mình năm xưa. Quay về phòng hội chuẩn, ông quyết định dốc hết sức để cứu bệnh nhân này. Và cuối cùng nỗ lực của ông đã được đền đáp.
          Tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hoá đơn viện phí của ân nhân. Ông viết vài chữ bên lề của tờ hoá đơn và cho chuyển nó đến người phụ nữ. Bà nhìn tờ hoá đơn và biết rằng sẽ phải thanh toán nó hết đời mới xong. Bỗng nhiên có cái gì đó khiến bà chú ý và bà đọc những dòng chữ này: "Trị giá hoá đơn bằng một ly sữa." Ký tên: tiến sĩ Howard Kelly.
          Hãy mở rộng trái tim với mọi người vì một ngày bạn sẽ cần người khác mở rộng trái tim dành cho mình. Do đó giúp đỡ người khác chính là mục tiêu để được sống hạnh phúc.
        
      Chúng ta nên biết rằng: Trong một thế giới mà giá trị quyền lực, vật chất, hưởng thụ lên ngôi thì hận thù, khủng bố, chia rẻ sẽ không bao giờ ngừng rình rập và chờ thời cơ oanh tạc. Vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng vì đời sống thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.
        
     Trước tình hình như vậy, người kitô hữu phải thể hiện lòng mến Chúa bằng chính cuộc sống của mình qua những việc thực thi bác ái, giúp đỡ người neo đơn túng thiếu, chia sẻ với những người chịu nhiều mất mát vì thiên tai, hạn hán mất mùa đói rét…Tục ngữ ca dao có nói: Một nắm khi đói bằng một gói khi no hay Lá lành đùm lá rách. Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
        
       Như vậy thông điệp mà Chúa mới gởi đến cho mỗi người chúng ta trong Năm Đức Tin này là hãy sống đức tin và biểu lộ đức tin trong đức ái.
        
      Bởi lẽ, cuộc đời chúng ta ngắn ngủi va mau qua, nay người mai ta, chẳng ai biết được ngày mai. Bởi lẽ, khi con chim còn sống, nó ăn kiến. Khi chim chết, kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này. Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay, nhưng đừng quên rằng, thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn. Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm. Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây. Hãy là người tốt và làm những điều tốt. Thử nghĩ mà xem, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý, nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

1- Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.

2- Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.

3- Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.

4- Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.

5- Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

     Thời gian sống Năm Đức Tin đang dần qua đi nhanh chóng và khi đọc lại đời sống hay tra vấn bản thân, chúng ta cảm thấy xấu hổ vì chưa làm được gì để biểu lộ đức tin và làm cho đức tin được triển nở trong đức ái. Vậy thời gian còn lại tuy ít ỏi, nhưng vẫn đủ để chúng ta thực hiện tâm thư của Đức Thánh Cha về việc sống đức tin và biểu lộ đức tin bằng việc bác ái của mình. Hãy cùng nhau thảo luận những câu hỏi sau:


Chúng ta nghĩ sao nếu sau khi thế hệ chúng ta qua đời, đức tin của thế hệ con cái chúng ta sẽ như thế nào? Và đời sống bác ái theo Tin Mừng của Chúa có được phát huy hay lụi tàn theo năm tháng trong xã hội này?

Chúng ta nghĩ thế nào về căn bệnh "vô cảm, dửng dưng" của con người thời đại hôm nay? Căn bệnh này có nguy hiểm không? Và tại sao nó nguy hiểm?

Trong Năm Đức Tin này, chúng ta đã làm gì để biểu lộ đức tin của chúng ta được triển nở trong đức ái? Hãy đưa ra một việc làm cụ thể để nói lên sự biểu lộ đó.      
Tác giả bài viết: Bạch Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét