Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Thông Truyền Đức Tin Kitô Giáo - Cảm Tưởng Trong Ngày Lễ Kính Thánh Mônica, Bổn Mạng Của Các Bà Mẹ Công Giáo Việt Nam

Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin và việc thông truyền đức tin Kitô giáo là một việc cần làm và cần nhân rộng ra trong thời khắc quan trọng này.
   Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã nhấn mạnh trong Thông điệp truyền giáo năm 2012 như sau:“Đức tin là món quà được ban cho chúng ta để rồi mình chia sẻ, trao tặng lại cho nhau; nó còn  là cái vốn liếng được nhận lãnh để sau đó phải sinh lời; nó là một ngọn đèn được đốt lên không phải để che giấu, nhưng phải soi sáng cho cả nhà. Đức tin là hồng ân cao trọng nhất đã được ban cho cả cuộc đời mình, và chúng ta không thể giữ riêng cho mình”.
          Chúng ta đang sở hữu nguồn ơn đức tin và vì thế Đức Thánh Cha khuyên bảo mọi người hãy sinh lời và truyền thông vốn liếng đức tin của mình cho người khác. Tuy nhiên, để truyền thông đức tin và phát huy nguồn ân ban của đức tin, điều chúng ta cần đó là môi trường và gương sáng.
        
1. Môi trường 
          Dẫu biết rằng ơn đức tin là một ơn quan trọng và là hồng ân Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Tuy nhiên, muốn có đức tin, chúng ta cần phải có môi trường, môi trường đó phải được nuôi dưỡng và chăm bón mỗi ngày. Thánh Toma Aquino đã thốt lên lời nói khi gần kết thúc cuộc đời của ngài ở trần gian rằng: muốn có đức tin con phải quỳ gối. Cây đức tin sẽ chết khô nếu không có nước và ánh sáng của mặt trời để cho nó quang hợp. Cây đức tin cũng phải được trồng đúng nơi và đúng môi trường thì nó mới phát huy hết khả năng tăng trưởng của nó. Do đó môi trường gia đình là một môi trường tốt để giáo hóa đức tin và người mẹ chính là nơi không chỉ truyền cho con sự sống bằng dòng sữa thơm ngon của mình mà còn truyền thông đức tin của mình cho con cái nữa.
          Một đứa trẻ sinh ra trong môi trường nào thì nó sẽ ảnh hưởng và theo môi trường đó. Nếu đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam thì tất nhiên nó sẽ nói tiếng việt và theo văn hóa của người việt...nếu nó sinh ở Mỹ thì chắc chắn nó sẽ nói tiếng anh và theo văn hóa của người Mỹ. Bởi thế nếu một người Việt sinh ở Mỹ thì chắc chắn nó nói tiếng Mỹ và nếu cha mẹ không dạy chúng nói tiếng việt thì chúng chẳng biết gì. Do đó, nhiều người quan tâm đến vận mạng của dân tộc sợ những đứa trẻ sinh ở Mỹ quên đi cội nguồn dân tộc, nên đã lập ra nhiều trung tâm dạy miễn phí cho những con em người Việt đang sinh sống ở Mỹ tại các cơ sở nhà thờ Công Giáo để các bậc cha mẹ gởi con mình đến đó vào mỗi chúa nhật để con mình được học tiếng việt. Bọn trẻ là người việt, ông bà cha mẹ là người việt, nhưng chúng nói tiếng anh. Điều đó cho chúng ta thấy ngôn ngữ không phải cha mẹ sinh ra là nói được đâu, nhưng phải học và thực tập trong suốt cả đời. Như vậy, chính môi trường quyết định ngôn ngữ của chúng, chứ không phải chúng thuộc dân tộc nào cả. Đức tin cũng là một thứ ngôn ngữ. Không phải chúng ta sinh ra trong gia đình công giáo là chúng ta đương nhiên có đức tin đâu. Nếu đức tin là một thứ ngôn ngữ mà ngôn ngữ phụ thuộc vào môi trường thì ngoài yếu tố di truyền ra thì người cha người mẹ phải thông truyền ngôn ngữ đức tin cho con cái hoặc đưa chúng đến nhà thờ để dạy cho chúng biết đức tin.
          Thực tế nhiều bậc cha mẹ đã chưa làm trọn bổn phận đó cho con cái, tức là chưa xác tín vào đời sống đức tin của mình và chưa ý thức trách nhiệm truyền thông đức tin cho con cái của mình. Chính vì thế, trong Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Năm Đức Tin, các Giám mục đã nhận xét: “Nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái”. 
          Chính vì thiếu trách nhiệm như thế, nên nhiều gia đình đang khủng hoảng và đang dẫm đạp lên vết xe đổ của các nước được coi là ông tổ kitô giáo, là con gái của Giáo Hội. Chính các vị thừa sai của các nước Châu âu đã truyền thông đức tin cho chúng ta năm xưa giờ con cháu của các ngài đã rơi vào cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng. Họ đã chối bỏ căn cội Kitô của mình, khai trừ các biểu tượng tôn giáo, tháo gỡ Thánh Giá và tượng ảnh của Chúa khỏi các nơi công cộng, khích bác, chỉ trích, phỉ báng Giáo Hội và hàng giáo phẩm, cổ võ cho các hình thái sống đạo lệch lạc xa rời giáo lý Công giáo, tranh đấu cho tự do ngừa thai, phá thai, chung sống không kết hôn, hôn nhân đồng phái v.v..Ở mỹ cũng vậy, số người công giáo ngày càng giảm sút và bỏ nhà thờ rất nhiều. Nhiều nhà thờ không còn giáo dân nên buộc phải đóng cửa rất nhiều nhà thờ. Vậy họ đi đâu? Thưa là họ đi qua các giáo phái khác. Đây là một thực trạng đáng buồn cho Giáo Hội Công Giáo thuộc các nước sớm hình thành kitô giáo. Ở Việt Nam tương lai không biết như thế nào, nhưng nếu chúng ta, là bậc làm cha làm mẹ không dạy cho con cái biết cách học ngôn ngữ của đức tin thì không sớm thì muộn cũng sẽ nơi vào tình trạng bi đát và khủng hoảng giống như các nước Châu Âu và Châu Mỹ vậy.
          Trách nhiệm thông truyền thông đức tin là trách nhiệm chung nhưng cách riêng là của các bà mẹ. Chính người mẹ khi mang thai đứa con của mình đã truyền thông cho nó cả dòng máu và đức tin của mình rồi. Khi sinh đứa con ra, người mẹ là người thường xuyên ở bên và truyền cho đứa trẻ gương sống, sự hy sinh và lời cầu nguyện của mình rồi. Chính người mẹ đã dạy cho đứa con Kinh Lạy Cha, lời Kinh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Bài học về đức tin và cách nuôi dưỡng đức tin như thế nào là bài học đầu tiên người mẹ thông truyền cho con.
        
2. Gương sống
          Muốn truyền thông đức tin thì người mẹ phải "tin điều mình đọc, dạy điều mình tin và thi hành điều mình dạy"...Điều đó cho thấy con cái luôn bắt chước và làm theo những gì người mẹ làm. Gương sáng, sự hy sinh và cầu nguyện là ba yếu tố giúp cho đứa con học nhanh nhất thứ ngôn ngữ đức tin.
          Gương sáng: Đời sống lung lay gương bày lôi kéo. Cung cách sống của người mẹ rất quan trọng đối với con cái. Con cái thường nhìn mẹ mình sống thế nào thì chúng bắt chước như vậy. Cha mẹ gương mẫu trong cung cách sống thì ít nhiều con cái cũng sẽ thừa hưởng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: ngày nay người ta tin chứng nhân hơn thầy dạy. Do đó, gương sáng là cách truyền thông lôi cuốn, thuyết phục nhất và hiệu quả nhất.
          Hy sinh: Người mẹ muốn thông truyền đức tin cho con thì người mẹ ấy phải hy sinh và tiêu hao mình đi. Phải trở nên " hạt lúa mì rơi xuống đất, chết đi và thối đi thì mới sinh nhiều bông hạt". Cha mẹ có hy sinh thời gian mỗi tối để đọc kinh trong gia đình và duy trì giờ đọc kinh đó thì con cái mới có nền tảng và thói quen tốt lành đó được. Người ta nói: nhân đức là một thói quen tốt.  
         Cầu nguyện: Cầu nguyện được ví như không khí để thở thở...và bao lâu không còn không khí nữa thì con người sẽ chết...Cầu nguyện được ví như nước, bao lâu không còn nước thì sự sống cũng chẳng còn...ở đâu có nước là ở đó có sự sống...chính việc tham dự thánh lễ hằng ngày, đọc kinh, làm các việc đạo đức bác ái và tham gia cộng tác với Giáo xứ...đó là cách hoạt động trong cầu nguyện và cầu nguyện trong hoạt động. Đây chính là cách truyền thông đức tin cho con cái bằng đời sống cầu nguyện đi đôi với hoạt động bác ái yêu thương.
          Hôm nay là ngày Bổn Mạng của các bà, các chị. Lễ Thánh Monica. Chính gương sáng, sự hy sinh và cầu nguyện đã đào tạo nên một Monica gương mẫu trong thiên chức làm mẹ của mình. Người đúng là kiểu mẫu của đời sống hy sinh chịu đựng, không lùi bước trước sự khó và có đời sống cầu nguyện thâm sâu với Chúa. Chính nhờ công đức của thánh nhân đã mang lại những hoa trái thật đẹp và tròn đầy. Từ một người chồng ngang tàng, độc ác, vũ phu và ngoại giáo đã trở về với Chúa và sống ngay lành. Từ đứa con hư đốn, ngang tàng, ngạo ngược và đam mê thú vui xác thịt lại trở nên một bậc thánh hiền vĩ đại, đó là thánh Augustinô. Thánh nhân đã nói về mẹ mình như sau: nhờ ơn mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của người, mà tôi đã thành người như hiện nay. Lạy Chúa, con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con người mẹ, một trong những tôi tá tuyệt vời của Chúa. 
          Mẫu gương của thánh nữ Monica đúng là mẫu gương của người nữ anh hùng về đời sống gương mẫu, hy sinh cho gia đình và kiên trì bằng lời cầu nguyện và nước mắt. Thánh nữ đã nói với các con mình rằng:  “Mẹ không chờ mong, không tha thiết điều gì hơn, cha các con đã bình an về cùng Chúa trong thánh thiện … hãy cầu nguyện cho mẹ mỗi khi các con nhớ đến mẹ. Hướng về bàn thờ Chúa, hãy tin rằng nơi đó mẹ cùng cầu nguyện với các con …” .
Nhờ những nhân đức anh hùng đó, thánh nữ đã thông truyền đức tin cho chồng và con.

Ngợi khen mẹ thánh Monica
Nêu gương cầu nguyện thiết tha chân tình
Lòng đau ruột nát hy sinh
Yêu chồng con, mãi trọn tình thủy chung
Cơm chan đẫm lệ khôn cùng
Một lòng tin tưởng kiên trung nguyện cầu
Chồng con trở lại nhiệm mầu
Tạ ơn tình Chúa thẳm sâu cõi lòng.


         Sống đức tin trong thế giới hôm nay quả là một thách đố và còn khủng khiếp hơn khi phải đối diện với biết bao thế lực chống phá và làm lủng đoạn niềm tin vốn có của tổ tiên. Sống giữa đời nhưng không theo lối sống giữa đời. Do đó, gia đình chính là môi trường tốt để nuôi dưỡng đức tin và làm tăng trưởng đức tin. Môi trường tốt đòi hỏi sự hy sinh, gương sáng và cầu nguyện. Một khi gia đình hội tụ tất cả những yếu tố đó thì mới có quyền hy vọng duy trì giữ vững niềm tin cũng như truyền thông đức tin của tổ tiên cho người khác được. Ước mong các bà mẹ công giáo Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến việc truyền thông đức tin cho con và đặt nền tảng đức tin cho con ngay từ khi chúng còn trong bào thai, đồng thời phải theo sát nó để vun trồng, chăm bón và cải tạo để cho nó tăng trưởng và phát huy rộng ra trong môi trường mà nó được gieo vãi vào.
Tác giả bài viết: Bạch Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét