Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường khó thở ngày càng nặng, ho khạc tăng lên, đàm nhiều hơn, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. Bệnh rất dễ nhầm lẫn với lao, hen suyễn và hiện không thể điều trị khỏi.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với hen suyễn vì cả hai có triệu chứng gần giống nhau, nhất là khó thở. Nhưng đây là hai căn bệnh khác nhau. Thường bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh của người đã lớn tuổi sau nhiều năm tháng tiếp xúc với chất độc hại.
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh do con người tự gây ra sau khi đã hít vào những chất độc hại trong thời gian dài, đặc trưng bởi sự chít hẹp ngày càng nặng dần của phế quản và chức năng trao đổi khí của phổi ngày càng suy kém, dẫn đến suy hô hấp mạn tính và tử vong.
Những chất độc hại với phổi sinh ra từ các nguyên nhân:
- Nghiện thuốc lá
Khói thuốc lá chứa hàng nghìn hóa chất độc hại đối với cơ thể, khi vào phổi tạo nên phản ứng viêm của phế quản và mô phổi. Phế quản bị viêm lâu ngày dẫn đến tình trạng chít hẹp dần, bị tắc nghẽn, làm không khí sau khi hít vào phổi sẽ không ra được dễ dàng. Chính vì lý do này bệnh có tên là phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bên cạnh đó, nhu mô phổi, tức các phế nang, bị viêm và bị phá hủy dần. Phế nang là nơi xảy ra trao đổi khí. Oxy từ không khí đi vào máu và khí CO2 sinh ra trong cơ thể được thải ra ngoài không khí. Phế nang hư hỏng không làm nhiệm vụ lấy oxy cho cơ thể và thải khí carbonic ra ngoài được như bình thường. Hậu quả là suy hô hấp, phổi không còn đảm trách được nhiệm vụ của nó đối với cơ thể.
- Các chất ô nhiễm trong không khí
Ở môi trường làm việc như trong các nhà máy sản xuất, đặc biệt là chất ô nhiễm sinh ra do việc đốt vật liệu than củi, rơm rạ dùng trong sinh hoạt bếp núc, cũng có tác dụng như chất ô nhiễm công nghiệp và khói thuốc lá. Hít thở những khói bụi ấy lâu ngày cũng có thể sinh ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Nếu đồng thời tiếp xúc với các yếu tố trên
Nghĩa là nghiện thuốc lá và làm việc hoặc sống trong bầu không khí ô nhiễm thì khả năng sinh bệnh càng cao, sự tiến triển của bệnh càng nhanh.
Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Phản ứng viêm trong phế quản làm tăng tiết các chất đàm nhớt. Vì thế dấu hiệu đầu tiên là ho khạc. Ho khạc thường xuyên, kéo dài chứ không ngày một ngày hai như cảm cúm thông thường. Nếu ho, khạc kéo dài 3 tháng một năm trong ít nhất 2 năm liên tiếp thì gọi là viêm phế quản mạn tính. Do ứ đọng nhiều đàm nhớt, do hệ thống phòng ngự của đường hô hấp đã yếu đi, đờm sẽ tăng số lượng, chuyển màu từ trong sang đục hoặc vàng, xanh. Những đợt nhiễm trùng với triệu chứng ho đàm đục này rất lâu khỏi, kể cả khi bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh mạnh hay đắt tiền.
Phần phế nang khi bị viêm sẽ mất khả năng lấy oxy, gây ra khó thở. Lúc đầu chỉ khó thở khi gắng sức, sau khả năng gắng sức ngày một kém, khó thở cả khi làm những động tác đơn giản như tắm gội, vệ sinh, thậm chí ăn uống. Khi có triệu chứng này là người bệnh đã bị suy hô hấp, khả năng hồi phục không còn nữa.
Chẳng hạn, một người nghiện thuốc lá, sau nhiều năm hút thuốc bắt đầu bị ho khạc thường xuyên. Lúc đó người ấy bị viêm phế quản mãn tính. Tình trạng cứ diễn tiến dần, đến một hôm nào đó thấy khó thở khi dắt xe, khi lên cầu thang… là dấu hiệu của suy hô hấp. Người nghiện thuốc lá ấy đã có thể bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Để chẩn đoán người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần có các tiêu chuẩn:
- Người nghiện thuốc lá nhiều năm, hoặc làm việc và sống trong môi trường ô nhiễm lâu ngày.
- Bệnh nhân ho, khạc kinh niên và khó thở.
- Chụp hình phổi sẽ chỉ có thể thấy hình ảnh không khí bị ứ kẹt lại trong phổi, phổi “đen thui” không thấy gì thêm cả. Chính vì vậy bệnh nhân thường hay than rằng “tôi ho khạc hoài, khó thở hoài mà đi khám chụp hình không thấy gì”. Thật sự phổi của bệnh nhân đã bị phá hủy nhiều nên không còn gì để thấy. Chính dấu hiệu khó thở đã nói lên toàn bộ thực trạng phổi.
Ở Việt Nam nhiều người bị bệnh lao. Bệnh lao và di chứng lao cũng có triệu chứng ho khạc. Bệnh nặng cũng có thể thấy khó thở, nhất là sau khi đã chữa khỏi bệnh lao, thường làm cho người ta nhầm lẫn là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngược lại cũng đừng chủ quan cho rằng ho khạc là do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà quên đi có thể đó là dấu hiệu của bệnh lao.
Điều quan trọng là làm sao phát hiện sớm bệnh. Bạn cần nhớ bệnh chỉ có ở những người tiếp xúc lâu ngày với những khí độc hại cho phổi. Đó là khói thuốc lá, là ô nhiễm nơi làm việc trong các ngành công nghiệp, là khói bụi trong khi đun nấu. Càng nhiều yếu tố nguy cơ, khả năng mắc bệnh càng cao. Những người có yếu tố nguy cơ đó nếu thấy ho khạc kéo dài thì cần đo chức năng hô hấp để xem có bị tắc nghẽn hay chưa.
Một khi đã hình thành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Các triệu chứng khó thở ngày càng tăng, lúc nặng thì khó thở cả sau khi ăn, khi làm vệ sinh cá nhân. Vào giai đoạn cuối, tim bị ảnh hưởng suy yếu theo, gọi là tâm phế mạn. Trong quá trình đó sẽ có những biến cố gọi là các đợt kịch phát, tình trạng bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu đi, khó thở tăng lên, đàm nhiều hơn và có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Hiện nay việc điều trị nhằm 2 mục đích, giảm triệu chứng và ngừa biến chứng xảy ra.Những phương tiện không dùng thuốc gồm cai thuốc lá, tập luyện thể lực phù hợp để duy trì khả năng hoạt động cơ thể, dinh dưỡng phù hợp để duy trì thể trạng tốt. Điều trị bằng thuốc chủ yếu là dùng thuốc giãn phế quản để giảm khó thở, tăng khả năng hoạt động, giảm các đợt kịch phát, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Cần lưu ý dùng đúng kỹ thuật những loại thuốc hít đã được bác sĩ chỉ định và nên tuân thủ tốt điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, đây là bệnh không chữa khỏi nhưng có thể phòng ngừa.Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là hút thuốc lá, do đó cần cai thuốc lá sớm ở người đang hút. Ngay cả khi bệnh đã hình thành thì việc cai thuốc hiện nay vẫn là phương pháp gần như hiệu quả duy nhất trong việc làm chậm lại tốc độ tiến triển của bệnh, giúp việc điều trị có hiệu quả hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét