Thời gian gần đây, đồng phục luôn là một trong những vấn đề bức xúc của phụ huynh khi chuẩn bị cho con bước vào năm học mới. Chuyện nhỏ nhưng mối lợi lớn khiến lãnh đạo nhiều trường đánh mất ý nghĩa ban đầu của đồng phục.
Tốn tiền triệu
Việc Trường tiểu học Văn Bình, H.Thường Tín, Hà Nội, một xã hầu hết gia đình làm nông nghiệp, định ép học sinh (HS) mua đồng phục với giá bằng cả tạ thóc (khoảng 500.000 đồng) chỉ là một trong những sự kiện trong câu chuyện đồng phục diễn ra hằng năm. Việc này, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội là “không thể chấp nhận”.
Tuy nhiên, với hàng nghìn trường học khác ở Hà Nội cũng như trên cả nước, những “diễn biến” về chuyện đồng phục có vẻ như vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo ngành giáo dục.
Nhiều phụ huynh ở các trường ngoài công lập cho biết, để mua đủ đồng phục của trường đưa ra thì tốn tiền triệu là chuyện bình thường. Chi phí cho đồng phục ở Trường phổ thông Olympia (Hà Nội) từ xấp xỉ 4 triệu đến hơn 5,1 triệu đồng. Đồng phục ở Trường phổ thông song ngữ Wellspring từ gần 3,2 - 3,9 triệu đồng/HS. Sở dĩ có mức giá cao như vậy vì trường quy định khá nhiều loại đồng phục khác nhau: hè - thu, đông - xuân, thể thao và… đồng phục aerobic. Ngoài ra, còn có 3 bộ lễ phục theo mùa. Một phụ huynh cho biết không phải có nhu cầu thì mua, không thì thôi vì thông báo gửi cho phụ huynh nêu rõ HS cần mua đầy đủ và mặc đồng phục theo đúng quy định của nhà trường.
Cũng tại Hà Nội, phụ huynh Trường tiểu học dân lập Ban Mai phải chi khoảng 2 triệu đồng để mua đầy đủ đồng phục cho con, chi phí này ở Trường THCS Đoàn Thị Điểm xấp xỉ 1,7 triệu đồng…
Trường làng may đồng phục veston kiểu Hàn Quốc (Trường tiểu học Văn Bình, xã Văn Bình, H.Thường Tín, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Gây khó cho phụ huynh
Vài năm trở lại đây, thay vì chỉ quy định áo trắng, quần (váy) tối màu và thêm một chiếc áo khoác mùa đông (các trường phía bắc) như trước kia, rất nhiều trường lại thay đổi, bổ sung nhiều loại mới như: áo vest, quần áo thể dục, các loại trang phục phụ thêm… Điều này đã khiến chi phí chỉ riêng về đồng phục mà mỗi gia đình phải lo cho con mỗi năm học mới đội lên khá nhiều. Với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả điều này có vẻ không thành vấn đề nhưng với những người thu nhập chỉ có lương cơ bản hoặc lao động nhỏ lẻ thì mướt mồ hôi.
Từ năm ngoái, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam quy định khá nhiều loại quần áo với tổng số tiền khoảng 1,5 triệu đồng, gồm: một bộ thể thao, một bộ đồng phục ngắn tay, một bộ dài tay, một áo vest, một áo gilê… Trường không bắt buộc phải mua tại trường nhưng có thể mua ở địa chỉ mà trường đặt may!
Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm Trường tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) phát cho mỗi HS một túi đựng 2 bộ đồng phục với số tiền gần 800.000 đồng. Một phụ huynh có con gái học lớp 4 ở trường này cho hay: “Tôi thấy không cần thiết vì bộ năm ngoái cháu vẫn mặc được. Tôi bảo cháu mang trả lại cô nhưng giáo viên chủ nhiệm không nhận và yêu cầu muốn trả lại thì phải gặp phòng hành chính”! Ngoài ra, đồng phục của trường này lại đặt may tại một cơ sở ở tận Nam Định với kiểu dáng, màu sắc không phổ biến nên dù phụ huynh có chê về chất liệu cũng khó tự đi may được.
Việc các trường thay đổi mẫu mã, màu sắc đồng phục vào mỗi năm học mới cũng khiến phụ huynh cảm thấy bị ép phải mua đồng phục mới cho con.
Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay: “Năm nay đồng phục của trường lại thay đổi mẫu mã, cổ áo có thêm viền; váy kẻ ca rô thì chuyển thành váy chấm bi. Như vậy phụ huynh phải mua đồng phục mới cho con dù những bộ năm ngoái vẫn mặc được”. Trường tiểu học Văn Yên Q.Hà Đông thì lại in tên lớp lên áo đồng phục nên dù có mặc vừa đồng phục cũ cũng phải bỏ vì áo gắn với tên lớp. Trao đổi về điều này, bà Đinh Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân Trung, phân trần: “Sơ suất của nhà trường là chưa thông báo công khai về việc thay đổi mẫu mã đồng phục, nhưng không có nghĩa HS phải mua mới toàn bộ” .
Không chỉ có đồng phục về quần áo, rất nhiều trường thực hiện cả đồng phục vở, giày, cặp táp… Điều này không cần thiết mà còn lãng phí. Rất nhiều HS khi đạt danh hiệu HS tiên tiến, giỏi… đã được nhà trường, cơ quan bố mẹ, tổ dân phố… tặng thưởng bằng hàng chục quyển vở. Nay vì quy định đồng phục vở của trường mà những cuốn vở kia đành phải bỏ đi.
Không được tự tiện thay đổi đồng phục
Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của HS, sinh viên ban hành ngày 30.9.2009 có nêu rõ: đồng phục phải bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường. Trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ HS.
Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn quy định: Không bắt buộc HS phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch. Không khuyến khích các trường thay đổi, thêm bớt các chi tiết trên đồng phục hằng năm làm khó khăn cho phụ huynh và HS. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu đồng phục phải được hội đồng nhà trường, phụ huynh HS đồng thuận, thiết kế giản dị, phù hợp lứa tuổi, dễ tìm mua hoặc may, chất liệu bền và giá không cao hơn thị trường. Nhà trường không tùy tiện thay đổi đồng phục hằng năm hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó khăn cho HS. Nếu cần có sự thay đổi thì báo trước, có sự đồng thuận và phải thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.
|
Tuệ Nguyễn
THEO THANH NIÊN ONLINE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét