Thực trạng này đáng báo động khi xuất hiện liên tiếp những vụ tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang dư luận suốt thời gian qua.
Bịa đặt chuyện “cướp chặt tay giật điện thoại” gây bất an cho dư luận ngày 31.8 - Ảnh: Facebook |
Mới đây nhất là chuyện “cướp chặt tay giật điện thoại” do thành viên Tý Nhóc Lóc Chóc bịa ra và đăng tải trên Facebook vào tối 31.8. Thành viên này đã “sáng tác” ra câu chuyện hai thanh niên dùng dao chém mạnh vào tay một phụ nữ trên địa bàn P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM để cướp điện thoại khiến bàn tay của nạn nhân bị đứt lìa. Mặc dù Công an P.Bến Thành và Công an Q.1 khẳng định không hề có vụ việc này, tuy nhiên câu chuyện đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Facebook, khiến cả cộng đồng mạng xôn xao, sợ hãi.
Tý Nhóc Lóc Chóc thừa nhận: “Em đã chế thông tin này để đăng lên Facebook với mục đích câu like và sub (yêu thích và lượt theo dõi) trên Facebook mà không để ý đến hậu quả gây ra”.
Hay như vào cuối tháng 3, thời điểm học sinh lớp 12 hồi hộp chờ Bộ GD-ĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Một trang mạng đã tung tin đồn: “Ngoài 3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, thi tốt nghiệp THPT năm nay có môn thể dục, giáo dục công dân, công nghệ…”, khiến không ít học sinh và phụ huynh vô cùng hoang mang bởi đó là những môn thi tốt nghiệp chưa từng có trước nay. Đến khi Bộ GD-ĐT lên tiếng bác bỏ thì mọi người mới vỡ lẽ... đã bị lừa.
Hay vào tháng 5, cộng đồng mạng rộ tin hai thiếu nữ ở Hải Phòng bị rạch đùi bằng dao lam có dính máu nhiễm HIV tại khu vực siêu thị Big C, Nhà hát Thành phố… đã khiến mọi người bất an. Tuy nhiên, theo điều tra của Công an Hải Phòng thông tin này không có thật.
Tương tự, ngày 7.5, Nguyễn Khánh Thành đã đăng tải lên một trang mạng do Thành làm quản trị bài viết "Cảnh báo đặc biệt cho các bạn nữ Hà Nội" thông tin về việc ba thiếu nữ bị kẻ xấu rạch đùi ngay tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Trong bài viết, Thành nêu đích danh “đội trưởng đội số 8 phòng PC45, CA TP.Hà Nội” là người cung cấp thông tin vụ việc, đăng hình ảnh chiếc dao lam cùng một chân bị băng bó của cô gái, nên càng khiến dư luận lo lắng, sợ hãi tột độ. Cơ quan công an xác minh vụ việc và khẳng định những gì Thành loan tin là bịa đặt.
Đấy là chưa kể dân mạng từng bị ám ảnh và hoang mang bởi những tin liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm được lan truyền nhan nhản khắp các mạng xã hội. Như các thông tin về việc đỉa xuất hiện trong hàng loạt các sản phẩm tiêu dùng như sữa, bim bim, trứng, thịt… Sau đó, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học làm rõ và xác định chỉ là bịa đặt, không có dẫn chứng, căn cứ khoa học.
Có thể nói, chính sự xuất hiện của thông tin bịa đặt trên đã tác động trực tiếp đến tâm lý của dư luận, làm đảo lộn cuộc sống của người dân…
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Công ty luật Giải phóng, cho biết hành vi bịa đặt thông tin gây “sốc” tung lên mạng đã tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, nếu không phát hiện kịp thời sẽ làm xáo trộn cuộc sống của một bộ phận dân cư. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý.
“Mọi người cần tỉnh táo, cảnh giác với mọi thông tin mang tính giật gân, gây “sốc” không được phát hành từ nguồn tin chính thống”, luật sư Hưng khuyến cáo.
Bình luận
Phải tỉnh táo trước các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, chủ động và bình tĩnh để xử lý thông tin nhằm tránh trường hợp bị lợi dụng để lan truyền tin đồn thất thiệt, gián tiếp khiến cộng đồng lo sợ, bất an. (Vân Hoàng/Facebook)
Cần có những khóa học kỹ năng sống để định hướng, tư vấn giới trẻ sử dụng mạng xã hội một cách có ích và mang lại hiệu quả, hướng dẫn họ ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn của việc đưa các nội dung thông tin lên mạng xã hội. Đồng thời giúp họ cách xử lý tin đồn. (tran_thinh/ linkhay.com)
Cần có một chế tài đủ mạnh, những hình thức xử lý đích đáng để cảnh tỉnh một bộ phận dân mạng chuyên bịa đặt thông tin, gây ra những hậu quả khó lường, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, gây mất trật tự an toàn xã hội. (Natasha Toney/Facebook)
|
Nguyễn Thanh Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét