Mắt Thương Nhìn Ðời mừng ngày Lễ Mẹ
Ðỗ Dzũng/Người Việt
Hòa Thượng Thích Phước Tịnh thuyết giảng về mẹ trong ngày Lễ Mẹ, do nhóm Mắt Thương Nhìn Ðời tổ chức. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
“Cho dù đi tới đâu, làm đến chức gì, thành công tới đâu, cũng có lúc, vào một chiều mưa chẳng hạn, trong tâm trạng bồi hồi, chúng ta đều nghĩ đến mẹ trước tiên,” hòa thượng nói tiếp.
Mặc dù ngày Lễ Mẹ (Mother's Day) là một văn hóa của Mỹ, nhưng tình cảm con người đối với mẹ như nhau, theo Hòa Thượng Thích Phước Tịnh khẳng định trước hơn 400 đồng hương Việt Nam ngồi kín hội trường.
Hòa thượng giải thích thêm một cách ví von: “Cái gì có mẹ vô là ‘ăn khách’. Lễ VuLan có hình ảnh mẹ vô là chúng ta rơi nước mắt ngay.”
Tình thương của mẹ là vô bờ bến, lúc nào cũng nghĩ đến con, cho dù trong hoàn cảnh nào.
Hòa thượng kể câu chuyện của mình: “Mỗi khi về quê, tôi thường dặn mẹ đừng ra đưa đón, vì mẹ tôi đã trên 80 tuổi. Nhưng lần nào mẹ cũng xuất hiện, làm tôi áy náy vô cùng. Có lần, tôi đã vào bên trong, chuẩn bị lên máy bay, có người nhắn ra lại và tôi lại gặp mẹ. Mẹ nói: ‘Thầy đừng nghĩ tôi không đưa đón được. Lỡ về bên đó thầy chết thì sao. Vì thế, tôi cố ra để nhìn thầy.’”
“Câu mẹ nói làm tôi rất bồi hồi,” hòa thượng nói.
Hòa thượng cũng chia sẻ hình ảnh người mẹ trong văn hóa Việt Nam , qua bài thơ “Cảm Xúc” của cố thi sĩ Hồ Dzếnh.
“Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết, mỗi phôi pha
Khi cô vui thú là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già!
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ
Giải lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông, cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”
Trong chiến tranh, theo hòa thượng, người phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng rất nhiều, mất chồng, mất con, nhưng lúc nào cũng vững tin, tạo dựng gia đình và nuôi dạy con cái nên người.
Mặc dù phải hy sinh cho gia đình và xã hội, theo hòa thượng, “dường như sự tri ân với người phụ nữ Việt Nam đến khá muộn màng”.
“Chỉ khi nào có người ‘tri hô’ chúng ta mới nghĩ đến,” hòa thượng nói thêm.
Hòa thượng cũng cảnh báo những người chưa thương yêu mẹ đúng mức, cho phải đạo.
“Nếu vô ơn đối với người đã đưa mình vào đời thì quý vị có thể đạp đổ hạnh phúc. Nên nhớ, mẹ là nền tảng đạo đức đầu đời của con người,” hòa thượng giải thích.
Theo hòa thượng, đó là “người mẹ trong nhân gian,” người duy nhất mà con cái luôn có niềm tin.
Còn một người mẹ khác, đó là “mẹ quê hương,” mà ai cũng phải nhớ, “cho dù có căm thù chế độ, cơ chế, lãnh đạo, nhưng không thể ghét quê hương”.
“Nếu quay lưng lại với người mẹ thì chính chúng ta phá vỡ hạnh phúc của chính mình,” Hòa Thượng Thích Phước Tịnh nói.
Người dự lễ được tặng CD có thuyết giảng Phật pháp trong ngày Lễ Mẹ. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Trong hơn hai giờ thuyết giảng, với giọng điệu chân thật, nhiều lúc ví von, làm nhiều người vỗ tay tán thưởng, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đã cho nhiều người hiểu hơn về tình mẹ trong ngày Lễ Mẹ.
Ông Thịnh Nguyễn, cư dân Anaheim, chia sẻ: “Mẹ tôi mất đã lâu, hôm nay nghe thầy giảng, tôi rất xúc động, tôi nghĩ nhiều về mẹ.”
Ông cho biết, sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông bị đi tù cải tạo mất 10 năm. Trong thời gian đó, có lần mẹ ông viết thư bảo ông ráng giữ gìn sức khỏe để về gặp bà.
“Nhưng khi tôi về, thì mẹ tôi không còn nữa. Bà đã quá vãng năm 1979, nhưng có để lại một lá thư cho tôi, bảo tôi phải thương yêu anh em và vợ con. Bây giờ tất cả gia đình tôi đã sang Mỹ, tôi vẫn nhớ lời mẹ dặn,” ông Thịnh chia sẻ.
Ðối với chị Lan Hồ, hiện đang sống ở Tustin, sau khi tham dự ngày Lễ Mẹ, suy nghĩ của chị thay đổi hoàn toàn.
“Theo những gì thầy giảng, tôi nghĩ, ngày nào cũng là ngày Hiền Mẫu, chứ không phải mỗi năm một lần, tội nghiệp mẹ lắm,” chị nói.
Sau thuyết giảng là phần vinh danh và tặng quà các bà mẹ qua một cuộc xổ số mà bà mẹ may mắn được trúng thưởng miếng ngọc Phật tròn từ bên Úc có khắc dòng chữ Án-Ma-Ni-Bát-Di-Hồng. Ban tổ chức cũng tặng mọi người nhiều CD có thuyết giảng Phật pháp và mời mọi người tham dự dùng bữa.
Mặc dù thường tổ chức nhiều buổi thuyết pháp, tịnh tâm liên quan đến Phật Giáo trong gần ba năm qua với hàng trăm người tham dự, năm nay là lần đầu tiên nhóm Mắt Thương Nhìn Ðời tổ chức ngày Lễ Mẹ.
Phật tử Chơn Tịnh Diệu, trưởng nhóm, giải thích: “Chúng tôi dự trù tổ chức ngày Hiền Mẫu ngay từ khi mới thành lập nhóm, nhưng không có địa điểm thuận tiện. Sau gần ba năm hoạt động, năm nay chúng tôi mới thu xếp được với trung tâm Sangha.”
Theo trang web www.matthuongnhindoi.org của nhóm, Mắt Thương Nhìn Ðời (Compassionate Eyes Inc.) là một tổ chức sinh hoạt thiện nguyện gồm các bạn trẻ thuộc cộng đồng người Việt tại miền Nam California.
Nhóm được chính thức thành lập trong buổi khai giảng đầu tiên cho các lớp tu học Phật háp định kỳ tại Quận Cam ngày 20 Tháng Tư, 2008.
Nhóm cho biết: “Với niềm mơ ước đơn sơ của những người trẻ là có thể đóng góp ít nhiều cho Ðạo Pháp để làm đẹp cho cuộc đời và giúp đỡ tha nhân, mỗi thành viên trong nhóm đã nỗ lực cống hiến thời gian và năng lực tu tập của mình để thiết lập một sinh hoạt chính của nhóm là tổ chức một chương trình tu học Phật pháp định kỳ cho những người hữu duyên. Bên cạnh đó, nhóm có những sinh hoạt từ thiện, giúp cho những người thiếu may mắn, nghèo khó. Tôn chỉ của Mắt Thương Nhìn Ðời là làm các việc thiện nguyện, không phân biệt tôn giáo và sắc tộc.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét