Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Những sai lầm thường gặp của nàng dâu làm mẹ chồng phật ý

Trong nhà có một người đàn bà thì yên, có hai người đàn bà thì dễ rối." Hai nguời đàn bà đó là mẹ chồng, nàng dâu.

Nhà nào cũng có vấn đề mẹ chồng - nàng dâu. Mẹ chồng, nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không có quan hệ máu mủ, cũng không có cơ sở tình cảm đồng điệu, mà lại khác nhau rất nhiều, lớn là môi trường sinh trưởng, tính nết và chuẩn mực hành xử); nhỏ là thói quen ăn-mặc-ở, đi lại, vệ sinh... Vì cùng yêu một người đàn ông, hai người không hẹn mà ở chung một mái nhà, nên sự thích ứng với nhau không khỏi gặp nhiều khó khãn và cần có thời gian.

Trong đời sống thực tế, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu có thể trở thành mối đe dọa hạnh phúc gia đình nhỏ, cũng như đe dọa bầu không khí đầm ấm hòa mục của gia đinh lớn. Có người ví quan hệ mẹ chồng - nàng dâu như "khối u ác tính" trên cơ thể hôn nhân và gia đình, coi đó là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Nó là "bài học" khó nhất đối với những người phụ nữ khi bước vào hôn nhân. Để dung hòa mâu thuẫn trên, các nàng dâu nên tránh những sai lầm dưới đây?

sai lầm của nàng dâu1
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu sẽ không trở nên căng thẳng như nhiều người vẫn lo lắng nếu bạn biết cách ứng xử khéo léo và tinh tế. Ảnh minh họa

1. Không gần gũi hỏi thăm mẹ chồng thường xuyên

Nếu bạn ở riêng, hãy chú ý dành thời gian để gần gũi mẹ chồng. Bằng cách điện thoại hỏi thăm chuyện nhà, hỏi thăm sức khỏe vài ngày một lần, những khi trái gió trở trời hoặc đến thăm bà bất chợt sẽ khiến bà cảm thấy được quan tâm. Đừng để lúc chồng gọi cho mẹ, rồi xin nói với vài câu hoặc chồng phải nhắc bạn mới miễn cưỡng gọi điện. Đặc biệt, thời gian cuối tuần nên được dành để cả nhà cùng về thăm nhà bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng.

2. Quên động viên mẹ

Gần đến tuổi già, mẹ bạn đôi khi cũng cảm thấy tự ti về thân hình quá khổ, làn da nhăn nheo... Đừng quên động viên bà, rằng bà mặc bộ đồ này rất gọn gàng, bà quàng chiếc khăn này trông trẻ ra đến mấy tuổi, bạn thích kiểu tóc này của mẹ thế nào.

Bạn có thể nói những câu kiểu như: “Sau này con bằng tuổi mẹ, con cũng sẽ để kiểu đầu này như mẹ”. Thỉnh thoảng bạn có thể hỏi mượn một số đồ của mẹ: “Mẹ ơi, con mượn cái khăn của mẹ nhé. Con thích màu đó quá, mà nó cũng hợp với màu váy này của con”…

Những cách đó không chỉ làm cho mối quan hệ mẹ con thêm gần gũi mà còn khiến mẹ chồng bạn tự tin hơn và vui vẻ tận hưởng cuộc sống.

3. Không muốn tìm hiểu tâm lý mẹ chồng

Con đường đến với trái tim mẹ chồng là đi qua bản năng làm mẹ của bà. Tâm lý mẹ chồng thường thích dạy dỗ, khuyên bảo nàng dâu. Cách khôn ngoan là đừng chờ đến lúc bị mẹ chồng “lên lớp”, mà tốt nhất nên tự nguyện đăng ký học hỏi ở bà. Không biết được điều này điều kia, bạn cũng được tiếng là có ý thức tiếp thu. Cũng đừng bỏ qua cơ hội khen mẹ dạy con trai. Bà mẹ nào chẳng tự hào vì mình nuôi dạy được một đứa con giỏi giang, hiếu thuận. Sẽ là một sai lầm nếu bạn xem mẹ chồng như đối thủ. Cuộc chiến giữa vợ và mẹ luôn đẩy người chồng vào tình thế khó xử.

4. Thẳng tính quá mức

Bày tỏ ý kiến và quan điểm của mình một cách rõ ràng sẽ rất tốt trong các mối quan hệ xã hội cũng như công việc. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng điều này cũng đúng trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì bạn đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Dù với mẹ chồng dễ tính hoặc khó tính, bạn vẫn phải thật khéo léo vì đây không chỉ là mối quan hệ nhạy cảm, mà còn là sự tiếp xúc giữa hai thế hệ khác biệt nhau. Người lớn tuổi càng về già có khuynh hướng giống tính cách của một đứa trẻ, rất muốn được con cái chiều chuộng, quan tâm. Vì thế, bạn cần hiểu đặc điểm này để hiểu và cảm thông. Khi muốn nói với bà điều gì hơi nhạy cảm bạn nên lựa cách trình bày sao cho thật gần gũi, dễ hiểu và nhẹ nhàng. Hãy nói vòng từ xa lại gần, thay vì đặt vấn đề một cách trực tiếp rất dễ bị bà hiểu sai ý. Có một sự thật là quan điểm của bạn nếu trái ý mẹ chồng sẽ gây mất lòng nghiêm trọng. 

Ví dụ, mẹ chồng thích cắm hoa ly trong nhà, còn bạn lại thích hoa hồng. Bạn nghĩ rằng nên nói thẳng với mẹ rằng hãy để bạn cắm hoa hồng trong phòng riêng của hai vợ chồng. Có thể mẹ chồng bạn sẽ đồng ý, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bà sẽ đưa ra gạch đầu dòng đầu tiên trong trang giấy ghi những điểm không hài lòng về bạn.

sai lầm của nàng dâu 2
Việc dành tình cảm yêu thương chân thành cho mẹ chồng mới chính là chìa khóa đích thực để mối quan hệ này bền đẹp, khăng khít. Ảnh minh họa

5. Tỏ ra phòng thủ với mẹ chồng

Đừng nghĩ bà là “khác máu tanh lòng” rồi tỏ ra phòng thủ từ những sinh hoạt nhỏ nhất. Nếu bạn làm sai, hoặc làm điều gì có lỗi với mẹ chồng, đừng cố gắng giấu giếm. Thành thật nói lời xin lỗi hoặc bày tỏ thái độ, quan điểm của mình cho mẹ hiểu. Đừng quên mời bà một cốc trà, loại trà mà bà thích!

6. Phản ứng đối kháng khi mẹ chồng phê phán

Khi mẹ chồng phê bình, nhiều nàng dâu phản ứng đối kháng và tiêu cực dưới rất nhiều hình thức: cãi giành phần thắng về mình, “mặt nặng mày nhẹ”, lờ đi như không thèm quan tâm… Tất cả những cách này đều khiến cho mẹ chồng có ác cảm với bạn. Cách ứng xử tốt nhất là xin lỗi ngay cả khi mình không sai. Bạn hãy ghi nhớ rằng, không một ai có thể lúc nào cũng làm đúng. Vì thế, khi bạn bị mẹ chồng phê bình, thì hãy bình tĩnh, không nên có thái độ phản ứng ngay lúc đó. Bạn có thể khéo léo tìm cách khác để mẹ có thể hiểu mình hơn, chẳng hạn những lúc vui vẻ chuyện trò, bạn gợi lại câu chuyện và nhẹ nhàng đưa ra quan điểm của mình.

7. Đổ lỗi tất cả cho mẹ chồng

Các cô dâu thường coi mẹ chồng là nguyên nhân gây nên mọi chuyện khó chịu trong gia đình riêng của mình. Bực chồng đến mấy các cô cũng không gây sự vì cho rằng mẹ chồng là căn nguyên của những khó chịu đó, chính bà đã xúi bẩy con trai bà như vậy.

Mẹ chồng tức tối, con trai bà lại làm ngơ, cho rằng chuyện của mẹ và vợ là chuyện đàn bà, vợ mình đâu có hay cãi nhau với mình. Theo các chuyên gia, đổ hết lỗi cho người khác là dấu hiệu của sự chưa trưởng thành về tâm lý.

Bạn đã lựa chọn anh ấy thì phải có trách nhiệm với anh ấy, với gia đình riêng của mình, không thể đổ lỗi cho mẹ chồng được. Nếu quả thực là mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của hai vợ chồng thì bạn cần có biện pháp ngăn chặn. Như vậy, chồng con bạn sẽ vừa kính trọng bà vừa kính trọng mẹ.

8.  Không hài lòng  với cách mẹ chồng chăm con, chăm cháu

Dù quan hệ với con dâu không tốt, mẹ chồng vẫn luôn yêu chuộng cháu nội. Bà nhất mực cho rằng mình biết cách dạy dỗ cháu tốt hơn ai hết. Có thể chọn lựa giữa ý kiến của mẹ và ý kiến của bà, đứa trẻ bắt đầu nhõng nhẽo, khó bảo. Hơn nữa, bỏ công chăm nom, dạy dỗ cháu, mẹ chồng cho rằng mình đã giúp đã con dâu, và như thế là bà có quyền can thiệp vào cuộc sống của hai vợ chồng.

Theo các chuyên gia, để giảm bớt sự lệ thuộc vào bà nội trong việc trông nom con cái, con dâu cần tìm hình thức phù hợp để bày tỏ lòng biết ơn với bà (tặng quà, giúp đỡ một số việc v.v...). Đừng cố tỏ ra bạn là người nắm được hết các điều đó và phản kháng ngay lập tức lại những điều bà góp ý trong việc chăm chồng, nuôi con. Nếu muốn nuôi con theo cách riêng của mình, bạn cũng nên tùy vào hoàn cảnh cụ thể để có cư xử khéo léo, tinh tế.

sai lầm của nàng dâu 3
Nếu được lòng mẹ chồng, cuộc đời làm dâu của bạn sẽ hạnh phúc hơn. Ảnh minh họa

Lời kết:

Hãy bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh để duy trì không khí thân ái, hòa hợp trong gia đình. Nếu lời phê bình của bố mẹ chồng là hợp lý thì nên tiếp thu để hoàn thiện bản thân. Đừng vì tự ái mà làm mọi chuyện trở nên căng thẳng, nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như giận dỗi với chồng và tránh mặt bố mẹ anh ấy. 

Hãy suy nghĩ một cách thực tế: Bạn phải mất cả đời để biết cách yêu thương cha mẹ ruột của mình và làm cho họ cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, đừng mong rằng bạn sẽ làm được điều đó với hai người xa lạ trong vòng vài tháng. Phải mất nhiều năm, có thể là sau khi sinh con rồi thì có lẽ bạn mới thực sự làm cho bố mẹ chồng yêu thương, tin cậy mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét