Phẫu thuật gọt hàm: nhiều rủi ro
Nhìn chung, là phụ nữ, ai cũng muốn hướng tới vẻ đẹp hoàn mỹ, với những nét đặc trưng như mũi cao, mắt hai mí, gương mặt trái xoan. Mũi cao đã có kỹ thuật nâng mũi, mắt hai mí có phương pháp cắt mí nhanh gọn. Trong khi đó, để có gương mặt trái xoan lại là quá trình khá tốn kém và đau đớn. Khi công nghệ gọt hàm (gọt mặt trái xoan, gọt mặt V-Line, gọt hàm hô) ra đời, nó đã tạo nên một cơn sốt thật sự bởi tác dụng thần kỳ của mình.
Nhiều chị em chấp nhận đau đớn tìm đến phẫu thuật gọt hàm để có gương mặt thon gọn, thanh tú
Theo thông tin từ Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) Hàn Quốc JW, cấu trúc chính tạo nên khuôn mặt là bởi các xương: Xương hàm dưới, xương gò má, xương cằm, xương trán, xương hàm trên. Sự kết hợp hài hòa giữa các xương này tạo nên một khuôn mặt hài hòa dễ thương. Ngược lại, nếu có bất thường về kết cấu hay sự phát triển quá mức của một trong các xương trên sẽ tạo khuôn mặt góc cạnh, khuôn mặt thô.
Làm đẹp bằng mỹ phẩm từ nhau thai
Trong những xương cấu thành khuôn mặt đẹp thì xương hàm dưới mà cụ thể là xương hai góc hàm là yếu tố chính tạo ra khuôn mặt. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân tạo khuôn mặt góc cạnh không phải là do xương góc hàm đóng vai trò chính mà một phần là do xương cằm. Xương hàm vừa nhưng xương cằm quá ngắn sẽ tạo khuôn mặt tròn trịa. Theo nhân trắc học, phụ nữ Á Đông đa phần xương góc hàm to bành tạo nên khuôn mặt góc cạnh. Do đó, phẫu thuật gọt xương hàm mà cụ thể là gọt xương hàm dưới là phương pháp tạo nên khuôn mặt trái xoan.
Phẫu thuật kéo dài chân gây đau đớn
Quy trình gọt hàm diễn ra khá phức tạp và nguy hiểm chứ không hề nhẹ nhàng. Do tập trung toàn bộ các mạch máu, dây thần kinh của mặt, tuyến nước bọt nên vùng xương hàm rất nhạy cảm. Trước và sau gọt hàm, bệnh nhân thường trải qua nhiều đau đớn. Ngoài ra, loại phẫu thuật này còn tiềm ẩn nhiều biến chứng khó hoặc không có khả năng phục hồi như: liệt hàm, mất cảm giác vùng hàm, khuyết tật chức năng của hàm. Cũng bởi có quá nhiều rủi ro nên khi chị em chấp nhận liều mình đi gọt hàm nghĩa là đang tự đặt bản thân vào những mối nguy hiểm.
Một nghiên cứu gần đây đem lại kết quả gây sốc: Hàn Quốc là một trong những nơi có tỷ lệ người qua phẫu thuật các đường nét trên khuôn mặt cao nhất thế giới với hơn 5.000 ca mỗi năm. 52% trong đó lại thường xuyên phải đối mặt với chứng đau đầu, nhức hàm hết sức khó chịu. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Seoul tiết lộ số lượng đơn đăng ký khiếu nại do biến chứng phẫu thuật đã tăng từ 29 người năm 2010 lên 89 người trong năm 2012. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp gặp vấn đề hậu phẫu lại “giấu nhẹm” đi vì những lý do cá nhân.
Dụng cụ kẹp mũi
Những người không có điều kiện về tài chính để ra nước ngoài cũng cố gắng “lùng sục” các trang mạng nhằm tìm ra một viện thẩm mỹ trong nước, chi phí thấp hơn để thực hiện công cuộc “đại tu nhan sắc” này. Khi S. (nhân viên một công ty truyền thông tại Q.3, TP.HCM) đi làm trở lại sau gần cả tháng nghỉ phép, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng.
Thay cho gương mặt có hàm bành to và vuông rất xấu thì nay S. như trở thành người khác vì khuôn mặt trái xoan thon gọn, chiếc cằm đẹp mềm mại như sao Hàn. S. bật mí đã “liều một phen” sang Thái Lan gọt hàm. 1 - 2 tuần sau phẫu thuật, mặt S. sưng vù và đau dữ dội. S. kể: “Lúc mới làm xong tôi hãi lắm, mặt sưng như quả bóng, cái đầu to đùng trông rất dị dạng”.
Phá nốt ruồi bằng a-xít: rước họa vào thân
Ngoài một số phương pháp cũ như tẩy nốt ruồi bằng giấm táo, tinh dầu thầu dầu, thời gian qua, nhiều người còn tìm đến phương pháp sử dụng a-xít pha loãng để trút bỏ “của nợ”. Tuy nhiên, lợi đâu chưa thấy, việc mạo hiểm sử dụng a-xít khiến không ít chị em rước họa vào thân khi gương mặt bị biến dạng, đầy vết sẹo, bỏng chằng chịt.
Điều đáng nói là ở hầu hết các tiệm làm tóc bình dân lẫn cao cấp đều trưng biển quảng cáo “phá nốt ruồi” với lời giải thích: “nhanh, gọn và rẻ”. Theo một chủ tiệm làm tóc tại quận Thủ Đức, TP.HCM, dùng a-xít phá nốt ruồi khá đơn giản, chỉ cần mua lọ dung dịch a-xít phá nốt ruồi ở các tiệm làm tóc, tiệm bán mỹ phẩm với giá từ 10.000- 50.000 đồng/lọ về chấm bông gòn đưa vào chỗ nốt ruồi là xong.
Các kiểu sơn móng tay tự nứt
Trên thực tế, nốt ruồi là một dạng hắc sắc tố da. Vị trí thường ở vùng da hở như ở mặt, cổ, nơi tiếp xúc nhiều với ánh sáng. Nốt ruồi thường lành tính. Tuy nhiên, với những nốt ruồi ở các vị trí cọ xát nhiều có thể dẫn đến ung thư hắc tố, một dạng ung thư da ác tính. Phương pháp xóa nốt ruồi kể trên của chị em đặc biệt nguy hiểm và không nên áp dụng do có thể gây nhiễm trùng, viêm da, sẹo, xấu… và càng nguy hiểm hơn nếu đó là nốt ruồi ác tính.
Sau khi đi xem bói, nghe thầy phán nốt ruồi dưới mi mắt là nốt ruồi lệ, nếu không phá bỏ, cuộc đời chị T.P.A. (Q.8, TP.HCM) sẽ... thấm đẫm nước mắt. Chị A. ra tiệm làm tóc gần nhà nhờ phá bỏ nốt ruồi bằng dung dịch a-xít gly-cô-líc với giá 30.000 đồng/lần. Ba ngày sau, nốt ruồi chưa biến mất mà vùng da đó lại bị bỏng, viêm, để lại vết sẹo xấu ngay dưới mí mắt.
Còn chị N.T.H. (49 tuổi) từng bị bỏng toàn bộ khuôn mặt do sử dụng nhầm thuốc tẩy nốt ruồi. Sau chín tháng sống trong đau khổ, tự ti với khuôn mặt bị biến dạng, đầy những vết sẹo bỏng chằng chịt, mới đây chị H. được các bác sĩ khoa phẫu thuật tạo hình Viện Bỏng quốc gia phẫu thuật thành công trả lại cho chị khuôn mặt gần như nguyên dạng.
Ngậm quả đắng vì làm đẹp bằng dụng cụ
Nhiều cửa hàng, trang mạng đang quảng cáo rầm rộ các dụng cụ làm đẹp như bàn chải chà mụn, kẹp nâng mũi, dây nịt nâng mông... với tác dụng rất hấp dẫn, nhưng thực tế, hiệu quả rất mơ hồ. Một số cửa hàng tại Q.5, Q.3, Q.6 (TP.HCM) bày bán rất nhiều dụng cụ làm đẹp lạ. Thu hút nhất là bộ đôi bàn chải chà mụn và kẹp nâng mũi với giá khoảng 49.000 - 50.000 đồng.
Bàn chải chà mụn có hình như ngón tay trỏ, bề mặt bàn chải là những mũi nhỏ li ti bằng nhựa dùng để tạo độ nhám. Theo quảng cáo, người dùng chỉ cần chà lên mặt sẽ giúp làm sạch da, lấy đi mụn đầu đen nhỏ li ti dưới bề mặt da. Chiếc kẹp nâng mũi thì được thiết kế như hình chữ U, mỗi nhánh có ba viên nhựa mặt ngoài và ba viên nhựa mặt trong, chỉ cần kẹp vào mũi như kẹp phơi quần áo, có tác dụng hỗ trợ nâng cao mũi, giúp mũi thon gọn và cao lên từng ngày. Dây nịt nâng mông có tác dụng giống như quần định hình nhưng giá tương đối rẻ, chỉ 55.000 đồng/sản phẩm.
Việc sử dụng các dụng cụ làm đẹp này vô tình khiến gương mặt chị em trở nên xấu xí hơn thay vì thanh mảnh, gọn gàng như mơ ước của họ. Mới đây, chị T.L.A. (Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM) phải đến BV Da Liễu TP.HCM điều trị sau khi dùng bàn chải chà mụn vì mặt bị sưng tấy và mụn càng xuất hiện nhiều.
Trong khi đó, với mong muốn có một chiếc mũi cao, thanh tú, chị N.V. (30 tuổi) lùng sục khắp các trang mạng tìm mua cho được chiếc kẹp mũi. Vừa sở hữu “báu vật”, chị phấn khởi săm soi rồi thực hiện đúng hướng dẫn là kẹp 20 phút/ngày trước khi đi ngủ. Sau 3, 4 ngày, chị N.V. đành vứt luôn cái kẹp dù vừa tiếc của, vừa đau, lại còn hằn thêm vài vết sẹo trên mũi.
Mỹ phẩm từ nhau thai: đẹp mà độc
Thời gian qua, các loại mỹ phẩm làm từ nhau thai động vật (dê, cừu, lợn), thậm chí cả nhau thai người được quảng cáo khá rầm rộ. Lần theo các quảng cáo sản phẩm làm đẹp trên mạng, chúng tôi tìm đến một số địa chỉ ở TP.HCM như đường Nguyễn Trãi (Q.1), Nguyễn Chí Thanh (Q.5), Quốc lộ 1K (Q.Thủ Đức), Bạch Đằng (Q.Tân Bình)... người bán cho chúng tôi xem rất nhiều loại kem, thuốc được chiết xuất từ nhau thai cừu, dê với giá dao động từ 260.000 - 600.000 đồng/hộp. Theo quảng cáo, chúng có tác dụng giống nhau: cải thiện sức sống và sinh lực cho cơ thể, tăng sức đề kháng, xóa mờ các vết thâm, tàn nhang, giúp da đẹp lên từ bên trong và phòng một số bệnh mãn tính.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai phải được xử lý tiêu hủy giống như các mô mềm trong quá trình xử lý rác thải y tế. Ở các bệnh viện lớn, đây là một quy trình khép kín được kiểm soát nghiêm ngặt. Các loại nhau thai bán bên ngoài, được chế biến thành các chế phẩm có thể là giả hoặc cũng có thể là nhau thai thật tuồn ra từ các cơ sở y tế “chui”. Nhưng nếu sử dụng thuốc, mỹ phẩm từ các loại nhau thai không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phương pháp chế biến không đảm bảo, người dùng có khả năng bị lây nhiễm viêm gan B, rubela, bệnh đường tiêu hóa, nhiễm vi trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng... thậm chí gây ung thư hoặc HIV.
Chị K (Q.1, TP.HCM) cho biết chị từng là nạn nhân của sản phẩm bột nhau thai cừu. Do da mặt sần sùi, nhiều tàn nhang, chị được một spa quảng cáo đắp bột nhau thai cừu có thể xóa mờ các vết nám, tàn nhang. Chỉ sau một tuần sử dụng, da mặt chị nổi đầy mụn mủ. Kết quả đi khám, bác sĩ kết luận chị bị viêm da dị ứng.
Nguy cơ từ phẫu thuật kéo dài chân
Phẫu thuật kéo dài chân giúp thay đổi cơ bản về vóc dáng và chiều cao của con người. Quá trình thực hiện một ca phẫu thuật như vậy đòi hỏi sự chịu đựng và nỗ lực không nhỏ từ phía người phẫu thuật. Tuy nhiên, sức hút của việc làm đẹp đã khiến nhiều người bất chấp tất cả những đau đớn về thể xác lẫn biến chứng hậu phẫu để lao đầu vào công cuộc “lột xác” vẻ đẹp cho đôi chân.
Đầu tiên, người muốn kéo dài chân được đặt một hệ thống dụng cụ ở xung quanh chân, một số cây kim sẽ được xuyên qua xương nhằm cố định các đoạn xương kéo dài. Sau đó, các bác sĩ sẽ cắt rời phần xương cần kéo ra. Đây là giai đoạn rất quan trọng và cực kỳ khó vì người thực hiện phẫu thuật phải làm sao để giảm thiểu tối đa sự tổn thương mạch máu nuôi chân. Giai đoạn tiếp theo là làm lành vết mổ.
Sau khi kết thúc giai đoạn một, mỗi ngày người chịu phẫu thuật sẽ được kéo dài chi khoảng 1mm và thực hiện thành 4 lần, mỗi lần 1/4mm. Như vậy, cần mất 10 ngày để chân có thể tăng thêm 1cm. Tuy nhiên, để xương, cơ, mạch máu và da có thể “mọc” được 1cm này, trên thực tế, chị em sẽ phải dành hẳn 35-40 ngày nằm hoàn toàn bất động. Tiếp đó là giai đoạn hóa xương khi giữa các khoảng mặt gãy của 2 đoạn xương được kéo dãn xuất hiện các mô non gồm nhiều liên kết non (các mô này sẽ biến thành mô sụn hoặc mô xương tùy theo độ căng giãn).
Sau khi vết mổ đã lành hẳn, ai có cầu xương tốt thì có thể lấy thiết bị kéo chi ra. Tuy vậy, công đoạn này cũng cần được thực hiện cẩn thận vì các vùng xương được kéo dãn dễ bị biến chứng như gãy hoặc lệch. Trung bình để kéo dài xương chân thêm 5-7cm, chị, em phải mang khung cố định trong khoảng 10-12 tháng.
Đau đớn và mất nhiều thời gian như vậy nhưng không phải ai nhảy vào công cuộc cải tạo đôi chân cũng được như ý. P. (sinh viên tại TP.HCM) chia sẻ: “Chiều cao của tôi quá khiêm tốn, do đó tôi phải xin được bảo lưu kết quả tại trường để vào bệnh viện quyết tâm kéo dài chân. Với chiều cao 1m52, tôi nghĩ, kể cả sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc cũng khó có thể xin việc. Thêm 7cm nữa, cuộc đời sẽ khác”.
Không muốn để gia đình ở quê biết, P. nói dối là bị tai nạn gãy chân, phải đeo khối sắt quanh chân tận 10 tháng. P. thuê người chăm sóc, tự loay hoay với những hướng dẫn kéo dài chân, Sau 4 năm sống với chiều cao 1m59, P. không cảm thấy thoải mái. Lúc nào cô cũng sợ nguời khác sẽ biết được. Điều tệ hại nhất là không bao giờ cô có thể mặc váy vì những vết sẹo chi chít trên chân.
Sơn móng tay tự nứt: hiểm hoạ khôn lường
Ngoài các loại sơn móng tay màu sắc thông thường, sơn móng tay tự nứt tạo thành hoa văn đang trở nên “hot” do tính thời trang, sáng tạo, độc đáo. Tuy nhiên, loại sơn móng tay này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh do có chứa hóa chất. Đến một cửa hàng chuyên bán nước sơn móng tay trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM), chúng tôi được cho xem các loại màu sơn tự nứt mà theo nhân viên, chúng được nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, có giá từ 45.000- 200.000 đồng/lọ.
Người bán hướng dẫn: Trước tiên, sơn một lớp nền cho móng bằng sơn bóng, sơn dưỡng hoặc các loại sơn màu móng thông thường, nhưng để màu móng nổi bật nên chọn màu rực rỡ. Sau khi sơn nền đã khô, chỉ cần phủ một lớp sơn tự nứt là đã có bộ móng độc đáo.
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, hầu hết các loại sơn móng đều chứa hóa chất độc hại như benzen, toluen, acetondibutyl, formaldehyde… gây tổn thương chất sừng bám trên bề mặt móng khiến móng giòn, dễ gãy...
Nguy hiểm hơn, sơn móng tự nứt có hàm lượng phthalates (một trong những chất gây ung thư) cao giúp hoạt chất phản ứng mạnh và nhanh chóng hơn sơn móng bình thường. Sử dụng sơn tự nứt phải đánh rất nhiều lớp sơn, sức khỏe của móng vì thế bị ảnh hưởng gấp đôi so với việc chỉ đánh sơn bình thường.
Chích thuốc trắng da: đùa với tính mạng
"Nhất dáng, nhì da" là câu nói của người xưa về chuẩn mực cho người con gái đẹp. Vậy nên, không lạ gì khi sau các trào lưu sử dụng phương pháp tắm trắng, uống thuốc làm trắng hay lột da thì giờ đến tiêm thuốc làm trắng da đang dần trở thành một xu hướng làm đẹp khá “hot” của phụ nữ.
Không chỉ xuất hiện ở nhiều spa với giá cao ngất ngưởng (trên dưới 100 triệu đồng), thuốc tiêm trắng còn được bày bán tràn lan trên các trang mạng. Hầu hết hàng được quảng cáo xách tay từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thụy Sỹ… có tác dụng trắng tức thì chỉ sau mũi tiêm đầu tiên. Trong khi đó, giới chuyên môn khuyến cáo, tác dụng của một số loại thuốc tiêm làm trắng da vẫn chưa được kiểm chứng. Đồng thời, tự ý dùng thuốc và tiêm vào tĩnh mạch có thể mang lại những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Trên Facebook cá nhân của mình, nhiều bạn trẻ vẫn còn tỏ ra hoang mang sau khi trở thành nạn nhân của kiểu làm đẹp nguy hại này. Một thành viên tên H. chia sẻ: Sau khi được người bán thuốc ở tiệm thuốc Tây tư vấn, tôi đã mua hai loại thuốc trắng da để dùng.
Qua 3 tháng da vẫn sạm, tôi đi chích thuốc trắng da từ những thông tin tìm hiểu qua mạng. Sử dụng hết 3 hộp thuốc với giá khoảng 19 triệu đồng, tôi thấy làn da trắng rõ rệt, mịn màng không tì vết. Sợ dừng thuốc đột ngột cơ thể không thích ứng kịp, tôi chích thêm năm tuần nữa rồi mới ngừng hẳn.
Khoảng thời gian sau khi chích tôi hạnh phúc vô cùng. Nhìn vào tôi, nhiều bạn bè của tôi cũng đổ xô đi chích trắng. Vui chưa được lâu, chừng 6 tháng sau, da tôi bắt đầu nổi mẩn ngứa, lan mạnh thành từng vùng loang lổ toàn thân và đau rát. Có thời gian tôi còn không mặc được quần áo. Vùng mặt là nơi tôi bị nặng nhất, tróc da và chảy dịch vàng. Mắt mũi, chân tay đều sưng phù. Suốt 3 tháng tôi không há miệng ăn cơm được mà chỉ dùng ống để hút cháo. Tôi còn không dám soi gương và vật vã vì toàn thân đau rát, ngứa ngáy”.
Còn chị T.L., sau khi tiêm 4 mũi thuốc trắng tại một thẩm mỹ viện tại Q.1, TP.HCM da chị bỗng dưng sần sùi như da cóc. Đến thẩm mỹ viện để hỏi thì nơi đây trả lời rằng do cơ địa của chị không thích hợp chứ không phải do thuốc. Vào khám tại Bệnh viện Da liễu, mới hay chị bị dị ứng toàn thân.
Mất 4 tháng điều trị, tốn gần 60 triệu đồng, làn da chị T.L mới tạm thời ổn định. Không chỉ tiêm tại Việt Nam, nhiều người còn ra nước ngoài để tiêm với niềm tin “ngoại bao giờ cũng tốt hơn nội”. Chị B.T. sang Thái Lan rồi đến một thẩm mỹ viện, trả gần 100 triệu để được “trắng như trứng gà bóc”.
Sau 7 mũi tiêm, da chị trắng thật.Trở về Việt Nam, bạn bè, người quen, ai cũng ngạc nhiên trước làn da trắng sáng của chị. Tuy nhiên chỉ sau một tháng, da chị T. bắt đầu đỏ ửng, rồi ngứa. Ngứa thì phải gãi, mà gãi thì nhiễm trùng. Gặp chúng tôi ở Bệnh viện Da liễu, TP.HCM, chị T cười như mếu: “Trắng da đâu chưa thấy, bây giờ chỉ thấy trắng mắt mà thôi!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét