Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

'Người lớn' rảnh rang

Những người đả kích Quang Anh, buông lời nuối tiếc cho Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy nghĩ rằng họ đang lên tiếng 'đòi lại công bằng' cho các em chăng?
Phan Anh
Cuối cùng thì The voice kids đã kết thúc thành công rực rỡ, thành công quá đi chứ khi mà những cảm xúc mà các thí sinh mang đến cho khán giả là quá tuyệt vời, hơn nữa, số tiền mà ban tổ chức (BTC) thu được cũng thật là kinh khủng. Với 280 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo, và thời lượng quảng cáo cho cả chương trình có lẽ lên tới 20 phút. Chỉ cần tính nhẩm sơ bộ cũng thấy BTC thu về không dưới 10 tỷ đồng tiền quảng cáo chỉ trong đêm chung kết. Trong thời buổi này, con số đó đủ để làm hài lòng bất kỳ một đơn vị tổ chức chương trình nào.
Thật ra bản thân tui cũng thấy chương trình còn quá nhiều điều không đáng thích. Ví dụ như sự thiếu vắng của các ca khúc thiếu nhi, sự “lớn” một cách thiếu tự nhiên của các thí sinh, sự “dơ bẩn” của “cuộc chơi showbiz” mà người lớn áp đặt lên vai các em. Là người làm nghề, thường xuyên theo dõi những cuộc thi tương tự như The voice kids hay Đồ Rê Mí, tui biết “người chơi” thực sự của chương trình này không phải là các em mà là phụ huynh hoặc những người tổ chức chương trình. 
Tại sao lại nói như vậy? Bởi ở độ tuổi như Quang Anh, như Phương Mỹ Chi... các em chắc chắn không thể nghĩ ra “chiêu trò” để gây chú ý. Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đó, nguyên chỉ việc làm sao để đừng quên những “dặn dò” của người lớn cũng là quá nan giải. Sự ganh đua ở đây đều nằm ở sự háo thắng, “bệnh thành tích”, tính sĩ diện... hoặc các toan tính của người lớn. Xét một khía cạnh nào đó, các em là quân cờ trên một bàn cờ lớn và người ta đang “ép lúa non phải chín” để bán vội lấy “tiền”. 

Vậy nên, nếu rũ bỏ hết những tác động của người lớn, thì các em đã có những sân chơi thật tuyệt vời để thể hiện tài năng của mình. Bởi vậy, tui nghĩ không quá khi nói The voice kids đã thành công, ngay từ trước khi đêm chung kết diễn ra. Sự hồn nhiên, gương mặt rạng rỡ và đam mê của các em mỗi khi được bước lên sân khấu đã lay động tâm hồn hàng triệu con người. Với các em, được biểu diễn, được thoả đam mê của mình, vậy là quá đủ rồi. Và các em, không có lỗi nếu xảy ra bất kỳ một sự lùm xùm nào, bởi mọi sự dàn dựng nếu có, đều là do người lớn làm.
Tui nghĩ, Quang Anh hoàn toàn không có lỗi khi Sở GD - ĐT và Ủy ban phường Đông Sơn tung ra hai bản công văn kêu gọi nhắn tin cho em. Bởi dù mục đích hiển hiện là kêu gọi ủng hộ Quang Anh nhưng đằng sau đó, tui nghĩ mục đích lớn hơn nhiều có lẽ chỉ là nhằm thoả mãn “bệnh thành tích” của người lớn. Vậy Quang Anh làm gì có lỗi? Hay những sự “sắp xếp”, “biết trước kết quả” như một số tin đã nói, liệu Quang Anh có “nhúng tay” vào hay không? Nếu Quang Anh làm được điều đó, tui nghĩ nên trao giải “Thần đồng showbiz” cho em.
Ngay sau đêm chung kết, tui đã định không viết gì, nhưng rồi đọc những gì mà các “người lớn xấu xí” đã làm trên một trang web, trên trang anti Quang Anh hay những gì báo chí đã phản ánh, tui thấy thật sự bất nhẫn. Với các mẹ ở trang web nọ đã buông lời nhận xét cay nghiệt về Quang Anh, không biết họ có thực là những người mẹ không, họ có những đứa con không và họ nghĩ gì khi buông những lời xúc phạm cay nghiệt như vậy cho một đứa trẻ. Nếu người ta buông những lời như vậy về con cái họ, hoặc họ là phụ huynh của Quang Anh họ sẽ cảm thấy thế nào? Chắc là họ không bao giờ đặt mình vào vị trí đó.
Những người đả kích Quang Anh, buông lời nuối tiếc cho Phương Mỹ Chi hay Ngọc Duy nghĩ rằng họ đang lên tiếng “đòi lại công bằng” cho các em chăng? Họ có bao giờ nghĩ rằng chính họ đang cấy những suy nghĩ tiêu cực vào đầu của các em hay không? Cuộc chơi đang vui thực sự của các em bỗng chốc bị vấy bẩn bởi những hành động xấu xí của người lớn. Những đứa trẻ cũng như tờ giấy, chính người lớn là hoạ sĩ và tạo nên những bức tranh trên đó, đẹp hay xấu thì không phải tại giấy, mà tại hoạ sĩ.
Phàm đã là các chương trình truyền hình thực tế, đừng bao giờ đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối, bởi mọi cuộc chơi đều có "kịch bản". Đó là điều mà mỗi người chơi và cả khán giả đều phải chấp nhận, bởi không ai bỏ tiền ra tổ chức một cuộc chơi truyền hình thực tế mà không thu lại gì. Và khi một cuộc chơi đã nhuốm màu tiền bạc, sự công bằng chỉ là tương đối và tác động của lợi nhuận góp một phần tác động không nhỏ trong việc xây dựng nên kịch bản đó. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, các em cũng không hề có lỗi, chỉ người lớn mới có lỗi mà thôi.
Tui từng nói chuyện với nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, có một điều anh nói khiến tui rất tâm đắc là: “Việt Nam không có môi trường phê bình bởi chúng ta không có thói quen tranh cãi, phê bình của chúng ta chỉ đơn giản là nỗ lực để chứng minh tao đúng, mày sai, thậm chí là để sỉ nhục người khác. Hơn nữa, chúng ta không có một hệ quy chiếu công bằng trong tranh cãi, vậy nên chúng ta không bao giờ có được một môi trường phê bình đúng nghĩa”. Ở đây, chúng ta đã mang “hệ quy chiếu người lớn” để áp vào những đứa trẻ và bởi vậy, chúng ta đã vô tình giết đi niềm vui của trẻ thơ.
Tóm lại, tui có một lời hơi khó nghe thế này, nếu các mẹ nghe lọt tai thì tốt, không lọt tai cũng... kệ các mẹ. “Nói chung là các mẹ rảnh... quá!”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét