Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Một bí mật của những người thành công

Sống và Khát Vọng
Bài viết này thuộc loạt bài: Sách " Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ"



Đây là một bí mật khiến tôi ngã ngửa người khi phát hiện ra. Thay vì là một khó khăn không thể đánh bại, việc thiếu kiến thức trong bất cứ một tình huống nào có thể trở thành đòn bẩy cho những thành tựu và thành công phi thường. Trong thực tế, tôi thường thành công hơn nhiều ở những lĩnh vực mà tôi không hề có chút vốn liếng kiến thức so với những lĩnh vực mà tôi có chút hiểu biết. Tại sao ư? Bởi vì mỗi khi đối mặt với một vấn đề mà tôi cảm thấy mình có một lỗ hổng kiến thức to tướng, tôi lập tức tìm đến những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tôi đã đạo diễn khoảng hơn 800 chương trình truyền hình, trong đó có nhiều chương tình tầm cỡ. Nếu tôi chẳng biết gì nhiều về thiết kế và dàn dựng chương trình mà lại cố tự mình làm cho bằng được, hẳn tôi sẽ phải tốn hàng ngàn giờ mà kết quả tối đa đạt được chỉ cỡ trung bình. Nhưng bởi vì tôi biết rõ điểm hạn chế của mình, tôi không phí sức làm cái việc gọi là “dã tràng xe cát”. Thay vào đó, tôi thuê những chuyên gia về thiết kế dàn dựng chương trình, và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đến bất ngờ, họ đã tạo ra cho tôi những chương trình truyền hình hoành tráng và chuyên nghiệp nhất.
Steven Spielberg là một trong số ít người kể chuyện và nhà đạo diễn đại tài trong lịch sử điện ảnh. Tuy vậy, ông không thể tự mình tạo ra những hiệu ứng xuất sắc tràn ngập trong những bộ phim của ông như bạn có thể thấy. Thậm chí ông cũng không bận tâm về việc này. Khi có một phân cảnh cần đến những hiệu ứng kỹ thuật đặc biệt, ông thuê những người giỏi nhất trong ngành làm thay cho mình, thường là công ty Industrial Light and Magic của George Lucas. Khi ông cần một mô hình khủng long, ông tìm đến Stan Winston, một bậc thầy trong việc chế tạo những mô hình hành động ở Hollywood. Như thế, việc thiếu kiến thức của Steven không hề là vật cản đường bất trị mà là đòn bẩy cho những thành công ngoài sức tưởng tượng của ông.
Bạn và tôi (cả những người khác nữa) cũng có những giới hạn về điểm mạnh và khả năng, trong khi chúng ta lại có vô số những điểm yếu và vượt ngoài khả năng của mình. Nói cách khác, những việc bạn biết và có thể làm ít hơn nhiều so với những việc bạn không biết và không thể làm. Nếu bạn không thể tìm ra cách biến những điểm thiếu hụt của mình từ chướng ngại vật thành đòn bẩy thì bạn sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì ngoài những kết quả tầm thường xoàng xĩnh. Điểm khác biệt lớn nhất giữa những người thành công với số đông còn lại là: người thành công nhờ người khác đắp vào khe hở kiến thức của mình, trong khi phần lớn chỉ biết đầu hàng trước khó khăn. Tệ hơn nữa, nhiều người phớt lờ vấn đề này và vẫn húc đầu vào làm như thể họ biết hết mọi thứ trên đời. Những người muốn “đội đá vá trời” này cũng sẽ chẳng đạt được một thành tựu nào đáng kể trừ khi họ thừa nhận điểm yếu của mình rồi noi gương những người thành công, nghĩa là thuê người giỏi hơn mình trong một lĩnh vực nào đó về làm thay cho mình.
Nếu bạn muốn tách khỏi đám đông hiếm khi đạt được mơ ước của mình, bạn cần chấp nhận rằng bạn chỉ có một vài sở trường và vô số sở đoản. Đó là bước đầu tiên. Bước thứ hai là xác định những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của bạn. Bên cạnh việc tự tìm hiểu bản thân, bạn hãy nhờ những người hiểu rõ bạn giúp sức. Họ sẽ giúp bạn nhận thấy những khía cạnh mà bạn có thể bỏ sót.
Trích sách Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét