Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Hôi miệng? Trục xuất ngay lập tức nào!

Hôi miệng hay hơi thở có mùi hôi là chuyện thường gặp ở nhiều người mạnh khỏe. Các cá nhân bị hôi miệng thường không nhận ra điều “khó nói” này vì mọi người xung quanh thấy ngại ngùng hoặc không muốn làm chúng ta khó xử. Do đó, hôi miệng có thể ảnh hưởng đến nếp sống và gây bối rối trong giao tiếp khá nhiều.

 

“Thủ phạm” gây hôi miệng

Vệ sinh răng miệng kém. Các mẩu thức ăn còn sót lại trong miệng nếu không được vệ sinh kỹ càng sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, tạo mảng bám quanh chân răng, gây viêm răng lợi và nảy sinh chất gây hôi như hydrogen sulfide góp phần làm hơi thở có mùi.
Khô miệng (xerostomia). Nước bọt có vai trò làm sạch khoang miệng, chứa một số kháng thể giúp giảm thiểu lượng vi khuẩn. Tình trạng khô miệng xảy ra khi lưu lượng nước bọt giảm do các lý do như dùng thuốc, tuyến nước bọt có vấn đề hay thở bằng đường miệng. Nếu lượng nước bọt tiết ra quá ít sẽ gây hôi miệng mỗi buổi sáng khi thức dậy.
Thức ăn. Những vụn thức ăn dính vào răng, rượu và cà phê là nguyên nhân gây nên hôi miệng tạm thời. Bên cạnh đó, thức ăn nặng mùi như sầu riêng, hành tây, tỏi và các loại gia vị cũng dẫn đến tình trạng tương tự. Sau khi được tiêu hóa, tinh dầu của những thực phẩm này sẽ thấm vào máu, thải trừ qua phổi, khiến hơi thở có mùi.
Bệnh lý. Một số loại thuốc và bệnh lý cũng gây nên tình trạng hơi thở hôi như nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, suy gan/thận hay trào ngược axit.
Hút thuốc. Hút thuốc gây khô miệng, làm viêm nhiễm khoang miệng và hơi thở có mùi không dễ chịu cho lắm.
Chế độ ăn kiêng và ăn chay. Ăn kiêng theo phương pháp low-carb và ăn chay sẽ làm sản sinh xeton - một chất có mùi tương tự như nước rửa móng tay. Xeton có thể thoát ra ngoài qua nước bọt, làm khô miệng nên sẽ gây hôi hơi thở cho những ai áp dụng 2 phương pháp trên.


“Trục xuất” mùi hôi

Một số phương pháp giúp ngăn chặn mùi hôi cho hơi thở bao gồm:
- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, thay bàn chải mỗi 2-3 tháng.
- Dùng chỉ nha khoa, que nạo lưỡi và nước súc miệng diệt khuẩn để làm sạch răng và lưỡi cũng như diệt vi khuẩn gây mùi hôi.
- Lấy hàm răng giả ra khỏi miệng sau mỗi bữa ăn để làm sạch, đồng thời súc miệng để “tống khứ” phần thức ăn còn sót lại. Không nên mang răng giả khi ngủ.
- Đi khám nha khoa thường xuyên, ít nhất 2 lần trong năm.
- Nhai kẹo bạc hà không đường, dùng các loại thảo mộc và gia vị như mùi tây và hạt thì là để kích thích sản xuất nước bọt và ngăn ngừa khô miệng. Không nên dùng thức ăn nhẹ có đường vì nó sẽ làm tăng số lượng vi khuẩn trong miệng.
- Uống nhiều nước, súc nước để đánh bật những mẩu vụn thức ăn dính trong kẽ răng. Cắt giảm cà phê và bia rượu.
- Hạn chế dùng thức ăn có nhiều gia vị nồng.
- Không hút thuốc.
- Bổ sung tinh bột cho chế độ ăn uống để tránh làm phát sinh chất xeton.
- Không được nhịn đói trong nhiều giờ liền.
- Nếu muốn ăn vặt, hãy chọn những loại có ích cho cơ thể như cà rốt, cần tây…

Cách điều trị

Nếu mùi hôi vẫn còn sau khi áp dụng những biện pháp trên, bạn nên hẹn gặp bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân và cách điều trị thích hợp. Các bác sĩ sẽ sử dụng máy đo hôi miệng có tên gọi Halimeter. Bệnh nhân hà hơi vào một cái ống được gắn với máy Halimeter và máy sẽ đo lượng hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, tác nhân của mùi hôi, có trong hơi thở.

Lưu ý: Không nên ăn uống, hút thuốc hoặc đánh răng trong một vài giờ theo quy định trước khi đến gặp bác sĩ. Thêm vào đó, nước hoa hoặc những đồ dùng có mùi thơm cũng không được dùng vì chúng có thể là lớp “ngụy trang” cho mùi hôi khá tốt. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị trước danh sách ghi rõ loại thuốc hay một số thực phẩm dùng gần đây để giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn cách khắc phục nhanh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét