Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013
Học tập lời dạy của Chúa Giê-Su
Giê-su Thánh Chúa đã từ lâu,
Rửa tội nhơn sanh đổ máu đào,
Dựng thế bằng Lời, thương tất cả,
Ngàn xưa cho đến những ngàn sau.
Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, Đức Chúa Giê-su vẫn tồn tại trong dòng lịch sử tôn giáo con người vì Ngài chính là một trong những bậc lãnh đạo tôn giáo đã làm nên lịch sử - lịch sử cứu độ con người.
Mừng Lễ Giáng Sinh năm 2010, chúng ta cùng hướng về Ngài để học tập lời Ngài dạy. Trước khi học tập lời Ngài dạy, kính mời quí vị cùng đạo muội tìm hiểu sơ lược về về tiểu sử và cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-su
I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ và cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-su:
Vào một đêm đông giá lạnh, khi vạn vật lặng chìm trong màn đêm tĩnh mịch, mọi người đang say sưa trong giấc nồng, Chúa hài nhi đã ra đời trong máng cỏ tại Bê-lem, thuộc xứ Giu-đê thành Đa-vít bên cạnh Mẹ Ma-ri-a, dưỡng phụ Giu-se và các con chiên hiền lành.
Phúc Âm Lu-ca 2.1.14 ghi:
“.... Trong vùng ấy có những mục tử sống ngoài đồng và ban đêm canh gác đàn vật. Một Thiên thần của Thiên Chúa xuất hiện trước mặt chúng, vinh quang của Thiên Chúa tỏa ánh sáng bao phủ chúng và chúng kinh khiếp sợ hãi. Thiên Thần bảo chúng: “Đừng sợ, vì này đây tôi đến báo cho anh em một tin mừng, nó sẽ là niềm vui lớn cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đa-vít, một Đấng cứu độ, Ngài là Đức Ki-tô, “một hài nhi bọc trong tả và nằm trong một cái máng cỏ”. Bỗng nhiên cùng với các Thiên thần, có đạo binh Thiên quốc đông đảo hát bài tán dương Thiên Chúa rằng:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa yêu thương.
Khi các Thiên thần từ giã các mục tử về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta đến Bê-lem và xem điều đã xảy ra, xem điều mà Thiên Chúa đã cho chúng ta biết.” Họ hối hả đi tới và gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và hài nhi nằm trong máng cỏ. Sau khi xem, họ cho biết điều họ đã nghe nói về Hài nhi này. Tất cả những người được nghe kể lại đều ngạc nhiên về điều mà các mục tử nói với họ. Về phần bà Ma-ri-a, bà giữ lại mọi điều ấy và suy gẫm trong lòng. Rồi các mục tử trở về, tôn vinh và tán dương Thiên Chúa về mọi sự họ đã nghe và thấy, đúng như các Thiên thần đã loan báo cho họ.
Sau thời gian đó ít lâu, có ba nhà thông thái từ phương Đông tới, họ đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: “Vua dân Do Thái vừa mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài ở bên Đông và chúng tôi đến thờ lạy.” Nghe tin này, Vua Hê-rô-đê xao xuyến, và tất cả thành Giê-ru-sa-lem xao xuyến với ông. Ông triệu tập tất cả các thầy thượng tế và luật sĩ của dân, và hỏi họ có biết Đức Giê-su sinh ra ở đâu. Họ trả lời là ở Bê-lem, thuộc xứ Giu-đê bởi vì nhà tiên tri đã viết rằng: "Là ngươi, hỡi Bê-lem, đất thuộc dòng họ Giu-đê, ngươi không hề là nhỏ nhất trong các thành của dòng họ Giu-đê, vì từ ngươi sẽ xuất hiện một vị thủ lãnh, Ngài sẽ là mục tử chăn dắt Ít-ra-en dân của Ta."
Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các đạo sĩ tới, hỏi kỹ về thời gian ngôi sao xuất hiện, và sai họ đi Bê-lem và dặn: “Các ông đi dò hỏi tường tận về hài nhi, và khi đã tìm thấy thì hãy báo cho trẫm để trẫm cùng đi thờ lạy Ngài.” Nghe nhà vua nói thế, họ lên đường, và này đây ngôi sao họ đã thấy ở bên Đông đi trước họ cho đến khi dừng lại trên nơi có hài nhi. Họ thấy ngôi sao thì lấy làm vui mừng lắm. Họ vào nhà, trông thấy hài nhi cùng với Đức Ma-ri-a là Mẹ Ngài, và họ phủ phục thờ lạy Ngài, họ mở hộp ra lấy lễ vật dâng Ngài: vàng, nhũ hương và mộc dược. Sau đó, họ được Thiên Chúa báo mộng, đừng trở lại gặp Hê-rô-đê, nên họ đã đi đường khác mà về quê quán. (Phúc Âm Mt 2,1-12)
Khi ba nhà thông thái trở về quê quán, tại Giê-ru-sa-lem, vua Hê-rô-đê thất vọng vì không được gặp lại họ trong vai trò người thông tin mà ông trông chờ nơi họ. Và Phúc âm cho biết: chính vì dựa vào tin tức của ba nhà thông thái về thời gian họ thấy ngôi sao lạ xuất hiện mà vua Hê-rô-đê đã ra lệnh giết tất cả các trẻ em dưới hai tuổi, tức cỡ tuổi mà, theo ông, Chúa hài nhi chưa vượt qua. Vì ông lo sợ Chúa sẽ là một người cạnh tranh, một đối thủ cực kỳ nguy hiểm sẽ dành ngôi vị ông trong tương lai.
Thế nên, từ thuở hài nhi, Chúa đã sống cuộc sống gian nan lưu lạc. Cha mẹ Chúa đã phải bồng Ngài đi trốn tránh sang Ai Cập, vì nhà cầm quyền muốn tìm giết Chúa. Sau khi vua Hê-rô-đê mất, gia đình Ngài trở về xứ Ga-li-lê và cư ngụ tại thung lũng Na-da-rét. Và khi trưởng thành, đi truyền rao chơn lý, Ngài cũng phải chịu nhiều gian lao thử thách. Nhưng Ngài vẫn vững một lòng thiết thạch trọn tin nơi sứ mạng mà Chúa Cha giao phó. Ngài đã làm phép lạ để cứu giúp biết bao người khốn khổ: "kẻ mù được sáng, què được đi, phong hủi được sạch, điếc được nghe, kẻ chết sống lại và nghèo khó được nghe báo tin mừng". (Luca 7, 22)
Đời sống của Chúa là yêu thương, là gần gũi với những trẻ thơ yếu đuối, những người nghèo hèn, những người tội lỗi, kể cả những con người ở tận cùng đáy của xã hội bị xã hội rẻ khinh như những cô gái lầu xanh, cũng đều được Ngài quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt, trước “Lễ Vượt Qua”, tức là trước ngày Chúa tử nạn, Chúa đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ của Ngài để nhắc nhở các môn đệ thực hiện đức khiêm tốn trong việc phục vụ tha nhân, tức là tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và thương yêu lẫn nhau bằng cách “rửa chân cho nhau”.
Ngài không chấp nhận việc sử dụng Đền Thánh là nhà của Cha làm nơi buôn bán, làm hang trộm cướp.
Đối với các thủ lãnh tôn giáo đương thời, những hành động trên của Đức Giê-su bị kết án là phạm thượng và sự đối kháng giữa Ngài với họ càng lúc càng gia tăng đến cực điểm và cuối cùng họ đã mượn tay của đế quốc La Mã lên án tử hình Ngài. (Ga 19,12-16)
Điều xót xa nhất là họ đã xử tội một Đấng Cứu Thế đã hy sinh mạng sống cứu con người bằng một hình phạt tủi nhục nhất chỉ dành cho những tù nhân, tội đồ, trộm cướp, là đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
Chúa Giê-su thọ nạn, chịu chúng hành hạ cơ thể mà Ngài không oán than, không thù nghịch loài người bạc bẽo, cũng như tha thứ những môn đồ đã phản bội, đã bỏ rơi Ngài. Những giây phút cuối cùng trên thập tự giá, Ngài vẫn cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. (Lc 23,34).
Thật cao cả thay đức hy sinh cùng tột, thật vinh quang hiển hách thay Đức Giê-su. Cái chết của Ngài đã làm sáng danh Thiên Chúa đời đời.
Chúa Giê-su với thân xác con người hữu hình thì phải hữu hoại đã ra đi. Nhưng Chúa Thần Khí vẫn hiện diện cùng con người để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, thông qua huyền linh cơ bút của Đạo Cao Đài Ngài đã giáng cơ dạy như sau:
“Ta nói với chư hiền: chính sự giày vò của tâm tư, sự nhọc nhằn của thể xác, sự gò ép, sự chết chóc sẽ điểm đạo cho hàng Thiên mạng. Xem gương ta đi trước mà mạnh bước vượt qua rừng sâu bể khổ. Ta đã đến với nhơn sanh trong đau khổ lạnh lùng, đem thân mình hòa đồng trong băng tuyết, trong gió rét đêm đông.
Có người bảo chư hiền: Không vào tận hang cọp làm sao bắt được hùm con. Ta lại nói: Chỉ có đem mình vào bể khổ mới cứu vớt sự đắm chìm của nhơn loại.”
Vì thương nhân loại Chúa Cha công bình,
Dụng con một hy sinh xuống thế,
Chuộc tội chung toàn thể nhân loài,
Thân ta bao quản đắng cay,
Máu hồng chuộc tội cứu rày nhơn sanh.
Thập tự giá thân đành chịu đóng,
Ta chết vì sự sống loài người,
Chết vì công nghĩa trên đời,
Chết vì sứ mạng Cha Trời phó giao.
Ta chịu đổ máu đào chuộc tội,
Cho nhân loài tự hối ăn năn,
Hồi tâm hướng thiện qui căn,
Trở về Đạo Chánh hóa hoằng nhơn tâm.
Nước mắt chúng sanh tuôn rơi trên dòng bể khổ, ngày nào nước mắt chúng sanh còn rơi là ngày ấy Đấng Cha Trời- Thiên Chúa vẫn không yên lòng ngự nơi cõi Thiên đàng, hay Bạch Ngọc Kinh. Nhân loại ngày nay hãy còn nhiều đau thương nên Cha Trời vẫn đến với chúng ta.
Điều cần nói là mỗi chúng ta có nhận dạng được Cha Trời trong những lớp cải trang không? Chúng ta có nhìn nhận Cha không, hay quay lưng với Cha.
Thi hào Ta-go có viết một bài thơ nhan đề “Hạt lúa vàng” diễn tả nội dung như sau: Một người hành khất ngồi bên vệ đường. Nghe tin hôm đó Đức vua sẽ ngự giá đi qua, anh ta cố gắng lết đến cổng làng, lòng nhủ thầm: Đây là dịp may duy nhất đời tôi! Từ đàng xa, khi vừa thấy xa giá vua xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, Đức vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin người hành khất bố thí.
Người hành khất bèn đưa tay vào trong cái bao dơ bẩn của mình để lấy ra một hạt lúa nhỏ nhất. Anh trịnh trọng đặt hạt lúa vào tay đức vua. Đức vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù. Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra, lạ lùng thay, giữa muôn hạt lúa, anh nhận ra một hạt lúa vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khóc nức nở hối tiếc: Phải chi ta cho Đức Vua tất cả những gì ta có!
Điểm nghịch lý của câu chuyện trên là người đi xin biến thành người cho và người cho biến thành người đi xin. Hình ảnh nhà vua đối với vị hành khất cũng giống như Thiên Chúa đối với con người. Hằng ngày, con người đã cầu xin Ngài cho đủ thứ: cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, hạnh phúc, bình an. Là người Cha nhân từ, Thiên Chúa muốn ban trao tất cả những gì Ngài có cho con của mình. Và cũng vì thương con, Ngài muốn con giống y như Ngài là biết yêu thương nhau.
"Con Thầy thì phải giống Thầy,
Giống Thầy ở chỗ đủ đầy tình thương"
Ngài vẫn muốn đến với từng người như người hành khất để xin con người mở rộng tấm lòng, biết yêu thương, hòa hiệp, chia sẻ, và tha thứ cho nhau.
Cuộc đời Đức Chúa Giê-su là hình ảnh sống động thể hiện tình yêu thương Thiên Chúa đối với con người. Những lời dạy trong Kinh Thánh ngày xưa và Thánh giáo đạo Cao Đài ngày nay đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học về Thế đạo là đạo làm người, và Thiên đạo là đạo giải thoát.
II. HỌC TẬP LỜI DẠY CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU:
1. Bài học về thế đạo: là đạo làm người
* Bài học thương yêu:
Đức Chúa Giê-su sinh ra trần trụi, giữa trời che, đất chở. Ngài chết đi cũng trần trụi trên thập tự giá giữa trời đất mênh mông. Ngài có khả năng chữa bịnh cho mọi người nhưng trên mình lại đầy những vết thương, và kết thúc cuộc đời Ngài là đỉnh điểm cao tột của tình thương “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình của người dám hiến mạng sống cho bạn hữu.” (Ga 15,13)
Tình yêu thương của Ngài được tẩy gội bằng nước mắt, bằng máu từ trái tim nhân ái của Ngài, sẽ tinh khiết và cao đẹp mãi mãi như thi hào Ta-go ca tụng:
“Ngài đưa lên môi tôi chiếc ly đựng sự chết.
Lấy sự sống của mình mà tuôn đổ vào trong.”
Cái chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá đã biến thập tự giá là dụng cụ hành hình tử tội, kẻ dị giáo, nô lệ rất tàn nhẫn của đế quốc La Mã trở thành Thánh giá. Thánh giá Chúa tượng trưng cho sự hy sinh cao cả để bảo vệ tình thương và sự sống cho nhân loài. Sự sống của con người không thể không có tình thương, và ngược lại tình thương là để bảo vệ sự sống, cả hai đan vào nhau tạo thành Thánh giá.
Thực thi Tình thương và sự sống là đã thể hiện quyền pháp của Đạo Cao Đài.
Thực thi Tình thương và sự sống là làm đúng theo hai điều răn quan trọng nhứt của Chúa dạy là:
Điều 1: Kính mến một Đức Chúa Trời, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. (Mc.12, 28-30)
Điều 2: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga.15,12)
“Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người”; Chiều đứng của Thánh giá là “kính mến Thiên Chúa”. Kính mến Thiên Chúa thật sự là con người phải tìm thấy Thiên Chúa, thấy Nước Trời trong mỗi con người, là hiệp thông với Thiên Chúa; Đạo Cao Đài gọi là đạt được lý “Thiên Nhân hiệp nhứt”- Trời Người hiệp một. “Yêu người” là chiều ngang của Thánh giá để con người biết nhìn nhận tất cả đều là anh em, đều là con của Đức Chúa Trời- Đức Cao Đài. Là anh em cùng ruột thịt, máu mủ thì phải yêu thương nhau. Đó chính là thực hiện mục đích thế đạo đại đồng của môn đệ Đức Cao Đài.
Trong Tam kỳ Phổ độ, Đức Chúa dạy:
Nầy Hướng đạo xuống trần cứu thế,
Nghe Ta phân mọi lẽ công bình,
Chúa Trời phép rộng oai linh,
Không riêng mỗi cõi mà tình Cha chung.
Rải ra khắp đại đồng thế giới,
Tình thương yêu gom lại một bầu,
Mỹ, Phi, Úc, Á như Âu,
Cũng nhân cũng vật cũng màu nước non.
Sự thương yêu là biết chia sẻ với nhau trong cuộc sống.
Thương yêu là chia sẻ :
Khi đến với người môn đệ Cao Đài, Chúa đã nhắc nhở:
“Ta muốn bảo thương yêu là cái gì thuần khiết, du lưu trong mọi thời không, trong mọi sự kiện, chớ không phải tôn ngôi thương yêu lên Thần Thánh cách biệt con người và vạn loại. Quả thật, Ta không bảo chư hiền hằng ngài bái lạy sự thương yêu mà không thực hành thương yêu.”
Tình thương phải thể hiện cụ thể, không ai no lòng được với bảng thực đơn. Tình thương cụ thể là chia nhau từng miếng bánh, từng giọt rượu như Chúa Giê-su ngày xưa đã chia sẻ cho mỗi môn đồ . “Hỡi các con, là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương một cách chân thật và bằng việc làm.”
(1 Ga 3, 18)
Thông thường, con người hay nghĩ khi cho, khi chia là mất đi, là thiệt thòi. Một triệu đồng nếu chia cho mười người, mỗi người chỉ còn một trăm ngàn đồng, nếu chia cho một trăm người, ngàn người thì số tiền còn ít hơn nữa, rõ ràng là thiệt thòi.
Thật sự, ai đã từng khám phá chơn lý “Khi cho là khi được nhận lãnh” mới tự chứng được giá trị của tình thương là chia sẻ. Càng chia sẻ với tha nhân thì ngọn lửa yêu thương càng bừng sáng, càng rực rỡ chớ không mất đi và sẽ kết tinh thành hạt lúa vàng, (tượng trưng cho tấm lòng vàng) giữa bao hạt lúa bình thường như thi hào Ta-go đã tả.
Cho chính là hình thức tích kho tàng trên nhà băng thượng giới.
Chúa dạy: “Các con đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi, nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được, vì kho tàng của con ở đâu, thì lòng con ở đó.”
Ngài dạy: “Mỗi lần các con làm như thế (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống…) cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con làm cho chính Ta vậy.” (Ga 14,9)
Và: “Ai không thương anh em mà mình có thể xem thấy thì không thể mến Thiên Chúa là Đấng mà mình không xem thấy.” (1 Ga 4,20)
Và tình thương con người cần phải vươn lên đến tầm kích con người muôn thuở muôn phương, con người mà Thánh Phao-Lô nói : “Tôi sống không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Cao Đài gọi là người Thiên ân sứ mạng: Đối với vũ trụ “là người đã huyền đồng cùng tạo vật.” Đối với thế gian “là người làm cho kẻ thù trở nên thân, người ghét trở nên bạn… xem mình là mọi người, mọi người là mình. Thương người hoàn hảo hóa người, thương ta hoàn hảo hóa ta.”
Muốn hoàn hảo hoá người trước tiên mỗi người hãy tự hoàn hảo bản thân mình và cần thực hiện bài học nhân hoà.
* Bài học Nhân Hòa:
Thánh giáo Cao Đài dạy: “Hòa là cực điểm của tình thương.”
Tình thương yêu là hòa ái, hòa hiệp, hòa đồng giữa người và người. Đó chính là lễ phẩm hiến dâng rất trân trọng lên Cha Trời của mỗi môn đồ. Đức Chúa dạy: “Nếu các con dâng của lễ nơi bàn thờ, và sực nhớ người anh em có điều bất bình với con, hãy đặt của lễ trước bàn thờ mà đi làm Hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ.” (Mt 5, 23-24)
* Bài học tha thứ:
Yêu thương là tha thứ.
Mỗi ngày, người tín đồ Cao Đài cầu nguyện “Tam nguyện xá tội đệ tử” là nhắc nhở mình phải “tha thứ cho mọi người và phải thương yêu, bao dung đối với kẻ thù nghịch.”
Mỗi ngày người Kitô hữu đọc kinh “Lạy Cha”:
“Xin Cha tha nợ (tội) chúng con, như chúng con cũng tha kẻ nợ chúng con.”
Điều này nhắc nhở mọi người phải bao dung, tha thứ với nhau nếu muốn được Thiên Chúa tha thứ cho mình.
Đức Chúa dạy: “Không phải chỉ tha thứ bảy lần mà phải tha thứ 77 lần"(Mt 18,22) nghĩa là tha thứ hoài, tha thứ mãi, tha thứ vô hạn định. Hằng ngày trong sự việc tiếp nhân xử thế phải giữ đức công bình.
* Bài học công bình:
Đức Chúa dạy: “Những gì các con muốn kẻ khác làm cho con thì các con hãy làm việc đó cho kẻ khác. Còn những gì các con không muốn người ta làm cho con thì con đừng làm cho kẻ khác.” Qua lời Chúa dạy, chúng ta nhớ đến câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn” của Đức Khổng Tử: Điều gì ta không muốn, đừng làm cho người khác.
* Bài học khiêm tốn, làm việc gì cũng phải kín đáo, không khoe khoang, không phô trương.
+ Khi con cầu nguyện thì hãy vào phòng kín đóng cửa lại, cầu nguyện với Cha trên Trời, Người sẽ hiểu thấu tâm can con.
+ Khi các con bố thí cho người khác thì tay trái làm mà đừng cho tay phải biết.
+ Khi các con ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu đừng tỏ mặt buồn phiền.
Tương tự, Đức Lão Tử dạy: Làm việc thiện đừng để lại dấu vết: “Thiện hành vô triệt tích.”, hành thiện đừng để dấu tích.
Và Đức Phật cũng dạy Phật tử bố thí Ba La mật là người cho không cần biết người mình cho và người nhận cũng không biết ai cho mình.
Đức Chúa nhấn mạnh:
“Không phải những kẻ kêu: “Lạy Chúa, Lạy Chúa!” sẽ được vào nước Trời, nhưng chỉ những ai thực hành lời Chúa dạy mới được vào nước Trời.”
Người thực hành lời Chúa ví như người khôn xây nhà trên nền đá chắc chắn không ngại mưa giông, bão lụt. Trái lại, những người chỉ biết nghe lời Chúa mà không thực hành thì giống như người dại xây nhà trên cát, sẽ bị nước mưa, thác lũ, giông gió làm sụp đổ.
Muốn xây dựng ngôi nhà Chúa trên nền vững chắc, Chúa dạy không những thực hành những lời dạy của Chúa về Thế đạo trong cuộc sống nhân sinh mà còn phải thực hành những bài học về phần Thiên đạo là con đường dẫn đến nước Trời, hiệp thông với Thiên Chúa.
2. Về Thiên đạo: là đạo giải thoát
* Xây dựng nước Thiên Chúa (nước Trời) trong tâm hồn:
Thánh Sử Mác-cô kể rằng: “Đang đi dọc bờ biển Ga-li-lê, Đức Giê-su thấy hai anh em Si-môn gọi là Phê-rô và An-đơ-rê, em ông đang quăng chài dưới biển, Ngài nói với họ: “Hãy theo Ta và Ta sẽ làm cho các anh thành những kẻ chài lưới người.” Lập tức họ bỏ cả chài lưới mà theo Ngài.
Đi xa hơn một chút, Ngài thấy Gia-cô-bê với Gio-an – em ông – đang vá lưới dưới đó. Chính lúc ấy, lúc mà các ông đang bận bịu với công việc làm ăn để kiếm kế sinh nhai, tiếng Ngài gọi vang lên: “Hãy theo Ta!” (Ma,16-19)
Khi cất tiếng gọi 4 tông đồ đầu tiên, Chúa đã xác định mục đích đi tới là cứu độ, là làm những kẻ “chài lưới người”.
“Chài lưới người”, một cụm từ rất hình tượng gợi cho chúng ta hình ảnh con người đang lặn hụp, chơi vơi giữa biển khổ trần gian.
Đức Chúa đang đi dọc theo mé biển Hồ. Mé Biển Hồ ví như ranh phàm Thánh. Chúa đứng bên ngoài biển khổ, mới có thể tung mảnh lưới thiêng để chài lưới người, cứu vớt con người ra khỏi sông mê, biển khổ.
Thật sự, chúng ta có lẽ đều biết, cái khổ ở đây không do cảnh trần hay biển trần mà chính do vọng tâm của mỗi người, tâm trần bị mười ba con ma, gồm bảy tình, sáu dục (quỉ Sa-tăng) luôn quậy phá, vùi dập con người trong những lượn sóng sắc, tài, tửu, khí.
Con thuyền nhân sanh lướt trên biển khổ mà không có Chủ Nhơn Ông lèo lái làm sao vượt qua nổi những sóng to, biển động của tâm trần như lời dạy trong đoạn Kinh Thánh sau:
“Một hôm, Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đồ đi theo Người và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng “Chúa vẫn ngủ”. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất.” Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin.” Rồi Người trỗi dậy bảo: “Biển sóng gió ơi! Hãy yên lặng đi!” Biển liền lặng như tờ.(Mc 4,35-41)
Thật sự, Chúa nào ngủ quên, chỉ con người quên mất Chúa Thánh Linh, tức Thiên Tâm của mỗi người. Trong Thánh giáo Cao Đài, Đức Chúa đã giải đoạn Kinh Thánh trên như sau:
“Lý ấy là Tâm con người, như biển lòng, hễ gặp việc gì trở ngại, như sóng gió ba đào, cần phải giữ đức tin, đánh thức Tâm linh, bảo biển lòng hãy lặng yên thì mọi sự yên ổn vậy.”
Trong đạo Công Giáo, từ “Emmanuel” có nghĩa là Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, hay nói theo Thánh Augustino: “Chúa ở trong con còn sâu hơn con ở trong con”. Nhưng vì sao con người chưa thấy Thiên Chúa? Con người chưa thấy Chúa là vì con người chưa dám từ bỏ những gì mình có như lời Chúa dạy: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
* Theo Chúa là phải biết “từ bỏ”:
Từ bỏ những gì mình có nếu muốn theo Chúa, muốn ở cùng Chúa, con người phải chấp nhận cuộc chiến đấu mà chiến đấu vĩ đại nhất là chiến đấu với bản thân mình. Chiến đấu với bản thân là con người không chỉ phải từ bỏ những của cải vật chất, danh lợi… mà còn phải vượt lên tất cả thói quen, tập tính đã được bao trùm lên con người trong cuộc sống.
Ngày xưa, Đức Giê-su, Đức Phật, Đức Khổng và những bậc Thánh nhân khác không sống như mọi người là lặp đi lặp lại những tri thức, lề lối, tâp tục nhân loại đã có.
Quý Ngài sống bằng Thượng Đế Tánh, bằng Chơn Tâm, Phật Tánh nên Tâm quý Ngài luôn huyền đồng cùng Thượng Đế, cùng Thiên Chúa.
Đạo vô hình, vô tình, vô danh nhưng chính quý Ngài là hình ảnh của Đạo, là tình của Đạo hay nói cụ thể quý Ngài là hình ảnh của Đấng Thượng Đế, của Thiên Chúa.
Trong khi con người thấy sống sợ hãi và xa cách Đấng Tối Cao thì Đức Phật dạy: “Chúng sanh đều có Phật Tánh. Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”
Trong khi con người đang sống trong xã hội vua, quan, cha, con, chồng, vợ hỗn loạn thì Đức Khổng dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”
Trong khi con người đang sống trong cảnh nô lệ lầm than, Đức Chúa dạy: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.” (Mt 20,28)
Các Đấng Phật, Chúa, Khổng đều dạy con người phải thương yêu nhau.
Quý Ngài đã vượt qua tâm thức hạn hẹp của con người, dám sống, dám làm theo “tự do của chính mình” là sống với Tâm giải thoát, là sống theo ý Cha Trời tức là sống hòa đồng cùng trời đất vạn vật. Chúng ta có dám từ bỏ tất cả để dám sống, dám nghĩ và dám làm như quý Ngài không?
“Có một thầy tu hành hương ngang qua bìa làng, định ngủ qua đêm dưới gốc cây thì bỗng thấy một nông phu hớt hả chạy tới:
- Viên đá!
Ông ta vừa cúi sát vừa hổn hển nói:
- Đưa viên đá cho tôi.
- Viên đá nào? Thầy tu ngạc nhiên hỏi.
- Đêm qua tôi mơ thấy có một thầy tu đến gốc cây này và trao cho tôi một viên kim cương. Hãy đưa nó cho tôi.
- Tôi có nhặt được một viên đá trên đường đây. Thầy tu nói rồi mở cái bị bên hông ra. - Đây, ông cầm lấy.
Hóa ra đó là viên kim cương to bằng nắm tay. Thế mà ông thầy tu chẳng biết gì. Đúng là “man”. Người nông phu đỡ lấy, sung sướng đến run rẩy. Trời ơi! Cả một gia tài đây! Anh ta từ từ lui bước, rồi bất ngờ quay ngoắt lại, chạy biến mất, như thể sợ bị đòi lại.
Thầy tu cứ thanh thản ngã lưng xuống đất dưới tàn cây rồi ngủ thiếp.
Sáng hôm sau vừa tỉnh dậy, ông lại thấy người nông phu đến – lần này đầu tóc bơ phờ, không biết những gì đã xảy ra đêm qua – và ngồi thừ cách ông mấy bước. Thầy tu mới hỏi:
- Tôi có thể giúp ông được gì không?
Anh nông phu khẽ nói:
- Thưa thầy, có. “Xin thầy cho tôi cái gia tài mà nhờ có nó, thầy đã cho không viên kim cương này.”
Nói như thế, anh nông dân đã khám phá ra chân lý cuộc đời không phải là viên kim cương hay bất cứ tài sản nào, mà chính là tâm hồn siêu thoát, giải thoát tất cả mọi giá trị vật chất của thế gian. Đó mới chính là kho tàng vô giá. Khi nhận được kho tàng vô giá ấy, người ta sẵn sàng bán đi tất cả trong nỗi vui mừng: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được, liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” (Mt,13,44)
Kho tàng chôn trong ruộng chính là Chúa Thánh Linh, Thần Khí Chúa, là Thiên Tâm, là Linh Quang, là Chơn Như Bản Thể đang chứa sẵn trong tâm điền của mỗi con người. Khi con người giác ngộ thấy được kho báu đó vội chôn vùi lại có nghĩa là kho báu tâm linh do mỗi người tự chứng, làm sao phô bày cho mọi người hiểu được. Khi giác ngộ rồi thì tất cả những gì con người có như danh, lợi, tình, tiền… đều là số không, không còn gì vướng mắc như tâm hồn giải thoát của vị thiền sư qua chuyện kể trên.
Muốn đến được “nước Trời”, mỗi người phải khôi phục lại trạng thái tâm linh, hồn nhiên thuở ban sơ, chưa nhiễm bụi trần, có nghĩa là “trở về trạng thái “trẻ nhỏ” (Mt,18-3) để được vào “nước Trời” như lời Chúa dạy.
Trạng thái “Trẻ Nhỏ” là “Tâm Xích Tử” của đạo Lão, là “Bản Lai Diện Mục” của đạo Phật, là Thần Khí Chúa, là “Điểm Linh Quang” của đạo Cao Đài.
Thế nên, Đức Chúa dạy: “Ai thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha.” Cụm từ “ai thấy Thầy” cũng có thể hiểu là ai thấy Thần Khí Chúa, Chúa Thánh Linh trong chính mình, đó chính là giờ phút thấy Nước Trời, thấy Chúa Cha vậy.
KẾT LUẬN
Trong những giờ phút vừa qua, đạo muội đã trình bày cùng quý vị sơ lược về tiểu sử và cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-su cũng như cùng ôn lại những lời dạy của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh và Thánh giáo Cao Đài.
Bài học về đạo làm người (thế đạo) là bài học về thương yêu, thương yêu là chia sẻ. Bài học về nhân hòa, tha thứ, công bình và khiêm tốn.
Bài học về đạo giải thoát (thiên đạo) là xây dựng nước Thiên Chúa (Nước Trời) trong tâm hồn mỗi người và theo Chúa là phải biết “từ bỏ” những cám dỗ trong cuộc sống và thực thi tình thương và bảo vệ sự sống.Đó cũng chính là thực hiện quyền pháp đạo Cao Đài Thượng Đế đến với con người, và con người trở về cùng Thượng Đế, con người tìm đến con người trong tình huynh đệ đại đồng cùng là con cái của Đấng Cha Trời.
Để tôn vinh tình yêu của Chúa, trước khi dứt lời, đạo muội thấy không gì hơn xin mời quí vị cùng đạo muội thành tâm hướng về Thiên Chúa, Đấng Cha Trời với tâm nguyện hiến dâng thực hành theo ý Cha, qua lời "Kinh Hòa Bình" của Thánh Phăng-xi-cô:
“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mỗi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa, xin hãy dạy con tìm an ủi người, hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi, Thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí Ơn an bình".
"Chúa cứu thế muôn đời còn mãi sống,
Sống muôn đời và sống mãi muôn đời;
Việt Nam ơi, Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế,Đức Cao Đài đang ngự trị".(Thánh Giáo Sưu Tập 1967, Cơ Quan PTGLĐĐ)
Đạo muội xin chân thành cảm tạ tất cả quý vị đã giúp đạo muội hoàn thành công quả trình bày về Đức Chúa ngày lễ Giáng Sinh hôm nay. Kính chúc quý vị hưởng mùa Giáng Sinh trong tình yêu thương của Đấng Cha Trời.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét