Con tôi vừa vào lớp 10. Cháu đã có bạn trai. Trong thời gian nghỉ hè, cháu tự cho mình quyền được vui chơi thoải mái sau khi đỗ cấp 3, thậm chí có hôm cháu đi chơi với người yêu 11 giờ đêm mới về.
Tôi có khuyên nhủ con nhiều, nhưng cháu tỏ ra không để ý. Tôi rất lo sợ thời gian tới cháu vẫn tiếp tục như vậy, lơ là học hành, sa đà vào yêu đương. Tôi nên ứng xử với con như thế nào đây? (Tuấn)
Trả lời
Vấn đề bạn đang lo lắng có lẽ là nỗi lòng của nhiều ông bố bà mẹ có con trong lứa tuổi dậy thì. Vì trong thư bạn chưa nói rõ là đã khuyên nhủ con như thế nào nên chúng tôi chưa hiểu rõ về cách giải quyết của bạn trước vấn đề này.
Ở lứa tuổi này, trẻ thường mong muốn có cuộc sống cá nhân “tự do” không muốn sự kiểm duyệt khắt khe của gia đình. Vì vậy trong sự kiểm duyệt con, bố mẹ cần tế nhị, tốt nhất mình nên là một người “bạn lớn” của con, thay bằng thuyết giáo thì cha mẹ nên thường xuyên trao đổi với con, sẵn sàng nghe các tâm sự của con. Không mắng chửi nếu thấy con chưa chọn được cách giải quyết phù hợp mà nên cùng con tìm cách tốt hơn.
Ví dụ, khi con chọn một người bạn để kết thân, bố mẹ có thể nhìn hình thức ăn mặc hoặc cách nói chuyện của người bạn này và không thấy ưng ý nhưng vẫn nên cư xử tốt với bạn của con để trẻ không bị mất thể diện. Sau đó, bố mẹ mới nói chuyện riêng với con để tìm hiểu và trao đổi thêm với con về người bạn ấy...
Hay trong chuyện tình cảm, việc con có rung động với một bạn khác giới cũng không hẳn quá nghiêm trọng, quan trọng là bố mẹ trò chuyện chia sẻ cho con biết cách điều chỉnh cảm xúc và chơi với người bạn đó như thế nào để đảm bảo được việc học hành, đồng thời cũng giữ được tình cảm trong sáng đúng với lứa tuổi của con.
Bên cạnh việc “làm bạn” với con thì cha mẹ cũng cần có một số nguyên tắc nhất định. Khi con vẫn đang sống trong gia đình, con cần có sự chỉ bảo và dìu dắt của bố mẹ nên trong gia đình cần đặt ra một số nguyên tắc mà buộc con phải thực hiện như: Con muốn đi đâu chơi và chơi với ai thì trước khi đi đều phải xin phép bố mẹ; Con đi chơi đến một giờ nhất định do bố mẹ ấn định thì buộc phải có mặt ở nhà... Những điều đó không phải để áp đặt con mà là khi mọi người sống chung trong một gia đình, có tình yêu thương và sự lo lắng cho nhau thì đều phải có những nguyên tắc sống.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét