Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Chuyện buồn chiến tranh ẩn sau những ngôi chùa

VTC News

Kỳ 1: Sư cô và những trái bom vẫn “nổ” trong lòng
Ít ai biết rằng, đằng sau cánh cửa những ngôi chùa cổ kính, nhỏ bé, lẩn khuất trong nhiều ngôi làng ở Thái Bình có những nỗi đau chiến tranh ngày đêm dày vò. Tưởng rằng, khi vào chùa là người ta đã khép đời mình với trần thế, nhưng với nữ thanh niên xung phong ở Thái Bình thì khác, dường như chiến tranh chưa bao giờ dứt với họ. Những cơn đau, những hoài niệm về quá khứ khốc liệt của chiến tranh vẫn ám ảnh và tàn phá cơ thể họ từng ngày. Ngôi chùa Cau Đẻ (xã Vũ Hội, Kiến Xương, Thái Bình) nằm giữa cánh đồng bát ngát. Những tán cổ thụ rợp bóng phủ kín mái chùa rêu phong. Sư thầy cầm cây chổi thong thả và tỉ mẩn quét từng chiếc lá vàng. Thời gian như chầm chậm trôi dưới tán cây đa vài trăm năm tuổi… Giữa lúc bom đạn khốc liệt nhất thì cô gái đất lúa phơi phới tuổi xuân cùng đồng đội hành quân vào tuyến lửa Quảng Bình. Đơn vị của Phương có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.
thanh niên xung phong
Sư thầy Đàm Phương 
Đất Quảng Bình 6 tháng mùa mưa thối đất, thối cát, 6 tháng mùa khô nắng lửa, gió Lào quắt người. Bom đạn quân thù ngày đêm xới từng tấc đất. Mênh mông trùng điệp chỉ thấy những hố bom loang lổ. Đến cỏ cây cũng héo hắt, nói chi đến những người con gái chân yếu tay mềm. Ngày đêm, chị em nằm ôm nhau trong hầm tối, nước lõng bõng quá mắt cá chân. Ghẻ lở, hắc lào như nỗi ám ảnh khôn nguôi, mà đến bây giờ, nghĩ lại vẫn còn thấy ớn lạnh. Có lẽ, ám ảnh khủng khiếp nhất với cô nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Phương là những hình ảnh chết chóc, tang thương. Đêm cô cùng tiểu đội lao vào mưa bom dày đặc để cứu 17 xe hàng ở ngã ba binh trạm 14, trong Bố Trạch, Quảng Bình. Hàng chục cô gái tuổi xuân thì bị sức ép của bom xé vụn thành nhiều mảnh. Chị phải cùng đồng đội thức trắng đêm bới đất tìm xác, lọc đất gom xương, thịt thành một đống đem chôn. Anh Do, người xã Vũ Lễ (Kiến Xương) là tiểu đội trưởng của đơn vị chị đã bị hòn đá 10m3 lăn từ trên đỉnh núi xuống đè lên. Chị em dùng đủ mọi cách mà không vần hòn đá khổng lồ này nhúch nhích được. Các chị phải nổ mìn phá vỡ tảng đá mới lôi được xác anh ra. Anh chẳng còn hình hài một con người nữa. Kỷ niệm đau lòng nhất là vào một ngày cuối năm 1969. Khi đó, đơn vị Phương đang hành quân ở km73, đèo Pô-lô-nhích (tỉnh Khăm Muộn, Lào) thì gặp toán máy bay địch ập đến gầm rú điên cuồng, rải bom đen đặc cả bầu trời. Anh Lai, anh Xôi, anh Viện, đều là những đồng hương đã đẩy các chị vào hầm, rồi lấy thân mình làm nắp hầm che chắn cho những người em gái liễu yếu đào tơ tránh khỏi những đợt mưa bom. Cả ba anh đều dính bom, thân thể tan thành nhiều mảnh. Chị Phương nằm dưới hầm cũng bị sức ép của quả bom làm ngất xỉu. Nhưng không hiểu có sức mạnh gì mà lát sau chị tỉnh dậy. Máu thịt các anh lấp kín cả thân chị. Cả ngày hôm ấy, mười mấy nữ thanh niên xung phong, trong đó có Phương đã phải lần từng nắm đất, vun từng mẩu xương thịt của ba đồng chí, ba người anh lại rồi chia đều ra thành 3 đống đem chôn. Mọi người làm việc lặng lẽ, không ai nói ai rằng. Đến khi ba nấm mồ đắp xong, vài bông hoa dại được cắm trên mộ, chị em mới ôm nhau gào khóc. Phương và một số chị khác không khóc nổi liền lăn ra bất tỉnh. Người vì mệt, người vì sợ hãi, người vì quá thương tiếc đồng đội, mà đau buồn sinh bệnh. Sau đợt ấy, chị phải nằm viện mấy tháng mới lành vết thương…
thanh niên xung phong
Sư thầy Đàm Phương tu thiền để được tĩnh tâm 
Sau 9 năm mở đường Trường Sơn, chiến tranh đi qua, chị trở về quê hương với cái đầu trọc lốc, nước da mai mái và thân hình tiều tụy, bệnh tật, chỉ còn nặng chưa đầy 31kg. Chị được thưởng Huân chương Chiến công hạng hai và là thương binh hạng 3/4. Cũng như hàng trăm thanh niên xung phong quê lúa, tuổi xuân đã để lại chiến trường, nên chuyện lấy chồng là xa vời. Chị đành gửi thân mình vào cửa Phật nơi ngôi chùa Cau Đẻ ở xã Vũ Hội (Vũ Thư) để tĩnh tâm. Thế nhưng, sư thầy Phương bảo rằng, con đường lên cõi Niết Bàn còn xa lắm, bởi vì những nỗi đau luôn từ quá khứ luôn dội về như những quả bom đang nổ trong lòng.Những ngày trái gió trở trời, sau cánh cửa chùa, người vãn cảnh vẫn nghe thấy những tiếng rên la đau đớn.Nhớ đến anh Do, anh Xôi, anh Lai, anh Viện, những người đồng chí, những người anh đã quên thân bảo vệ chị, những giọt lệ cứ chực rơi. Sư thầy Đàm Phương thở dài: "Mô phật! Mỗi khi nhà chùa xem những bộ phim mà người ta dựng về thanh niên xung phong nhà chùa lại buồn lắm, chỉ muốn khóc thật to. Ở đâu cũng thấy cảnh yêu nhau, lãng mạn. Đấy không phải là sự thực. Sự thực là rất khốc liệt, rất khủng khiếp. Nếu cứ dựng phim về thanh niên xung phong theo kiểu thu hút người xem, thế hệ sau sẽ hiểu sai về lịch sử. “Bạn cùng thời ở Trường Sơn với nhà sư, có ai khốn khổ hơn không?” - tôi hỏi. Sư Phương cho biết: “Nhiều lắm! Nhà chùa tuy đau yếu quanh năm, nhưng nhờ lộc Phật cũng sống được. Còn mấy đồng đội khác thì khốn khổ hơn nhà chùa nhiều. Họ bị nhiễm chất độc dioxin, bị thương nặng lắm. Có hai đồng đội là Trần Thị Thơm và Đàm Thị Dậu, cả hai đều bị mảnh bom găm vào đầu, không lấy ra được nên bị thần kinh, suốt ngày tha thẩn, điên điên khùng khùng. Nhà chùa đã đón hai người bạn này vào chùa, nhưng hai người bạn và nhà chùa đều ốm yếu, không chăm sóc nhau được nên nhà chùa đã gửi đi chùa khác. Cái Dậu hay lên cơn nên cứ bỏ đi lang thang suốt. Khổ nỗi, nó toàn tha thẩn đi nhặt đồ ăn thừa ở bãi rác để ăn. Lạy Phật! Giời Phật ơi, khổ nó quá!”.
Theo số liệu thống kê sơ lược, hiện ở Thái Bình có 15 cựu thanh niên xung phong quy y cửa Phật: Nguyễn Thị Phương (chùa Cau Đẻ, Vũ Hội, Vũ Thư), Trần Thị Gái (chùa Bồ Xuyên, TP. Thái Bình), Đỗ Thị Hương (chùa Thái Thịnh, Thái Thụy), Đặng Thị Đốc (chùa Tây Hạ, Vũ Phúc, TP. Thái Bình), Nguyễn Thị Dậu (chùa Hương Các, Đông Hưng), Nhâm Thị Gái (chùa Tống Vũ, Vũ Thư), Tống Thị Nhuần (chùa Thanh Long, TP. Thái Bình), Bùi Thị Đoán (chùa Văn, thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà), Khiếu Thị Mừng (chùa Ngô Xá, Vũ Thư), Lưu Thị Tý (chùa Vũ Văn, Vũ Thư), Lê Thị Tuệ (chùa Tây Hạ, Vũ Phúc, TP. Thái Bình), Phạm Thị Nhần (chùa Vũ Lăng, Tiền Hải), Nguyễn Thị Chiêm (chùa Quay, Đông Đô, Hưng Hà), Khiếu Thị Nhinh (chùa Khiếu, Song An, Vũ Thư), Vũ Thị Mai (chùa Phúc Khánh, Vũ Thư).
Còn tiếp…
Dương Thụy Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét