Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Cảm ơn và xin lỗi

Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam "phàn nàn" rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi.
Cảm ơn và xin lỗi
Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam "phàn nàn" rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.
Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.
Một câu chuyện "quên" cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời ở Paris. Gs Liễu là một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại học dân lập Thăng Long, nay là Đại học Thăng Long. Sau 1 tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.
Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền, và may mắn thay, chúng tôi được một "đại gia" trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt tên cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.
Thật ra, trong xã hội Âu Mĩ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mĩ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là "Rebecca Cooper Professor of Medicine" để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.
Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ty dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhà nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ty dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ty đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.
Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mĩ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ "thank you" (cám ơn) và "sorry" (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi "How are you today?" (Hôm nay anh khỏe không?), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn -thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng "cám ơn", và mình (người mua hàng) cũng "cám ơn" lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.
Ở xã hội Âu Mĩ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói "cám ơn" và "xin lỗi", và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.
Ngược lại với Âu Mĩ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ "cám ơn" còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán ăn, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền "tip"), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".
Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có nói một câu đơn giản mà nổi tiếng: sống trên đời cần phải có một tấm lòng, phải sống tử tế với nhau. Sống tử tế với nhau cũng có nghĩa là ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của người khác. Cám ơn chẳng những tỏ lòng tri ân người mình thọ ơn mà còn là một cách tôn trọng nhân phẩm của người đó.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét