Một lần Gary Smalley dùng bữa tối với một vị mục sư về hưu cùng với vợ ông ta, cả hai đều trong độ tuổi 80. Vị mục sư kể với Gary rằng, một hôm khi ông mới làm mục sư, vợ chồng ông ra khỏi nhà thờ vào sáng Chủ nhật và phát hiện chiếc xe hơi hiệu Ford Model T của ông không thể nổ máy. Ông bèn nhờ vợ hỏi mượn chiếc xe của bố vợ để đẩy chiếc xe này. Biết vợ mình chưa bao giờ “đẩy xe”, ông chỉ cho bà cách làm “Điều quan trọng là em phải tăng tốc độ lên khoảng 50 cây số một giờ, nếu không bình ắc quy trên xe anh sẽ không đủ mạnh để khởi động máy”, ông nói. “50 cây số một giờ ư?”, vợ ông hỏi lại. “50″, ông trả lời giọng chắc nịch.
Khi bà vợ đi tới chiếc xe hơi của bố thì vị mục sư đánh rơi vài đồng xu dưới ghế ngồi, ông cúi xuống tìm đồng xu. Vài giây sau, ông nhìn vào kính chiếu hậu và kinh hoàng khi thấy vợ mình lái xe của bố vợ từ phía bên kia bãi đậu xe, nhắm thẳng vào xe của ông và nhấn bàn đạp. Chiếc xe của bà chạy với tốc độ 50 cây số/giờ đâm vào xe ông, hất ông ngã văng lên bãi cỏ trước nhà thờ. Bà vợ nhảy ra khỏi xe chạy về phía chồng. “Em làm cái quái gì vậy?” ông la lên. “Em cũng nghĩ có gì không ổn rồi”, bà đáp. Trong lúc hoảng sợ, bà tiếp tục, “Em cảm thấy kỳ lạ, nhưng anh bảo em chạy với tốc độ 50 cây số/giờ, thậm chí khi em hỏi lại, anh vẫn khẳng định 50 cây số/ giờ… và đó chính là những gì em làm”.
Câu chuyện này rất khôi hài nhưng nó cũng chỉ ra một điểm rất quan trọng: việc giao tiếp hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc nói hoặc viết những từ ngữ đúng. Hãy nhớ lại những lần một ai đó làm một việc gì đó khiến bạn ngạc nhiên và khi bạn hỏi lại tại sao họ làm thế thì họ trả lời, “Nhưng anh/chị nói là…”. Hoặc nhiều lần bạn nói với người không làm theo cách mà bạn chỉ dẫn rằng, “Nhưng tôi đã nói anh làm thế này kia mà!”. Trong cả hai trường hợp và vô số những lần khác, bạn đã nói rất rõ, nhưng đối tượng tiếp nhận không hiểu đúng ý nghĩa trong câu nói của bạn. Có phải thế nghĩa là họ không lắng nghe hoặc họ lười biếng hoặc thiếu tôn trọng bạn không? Không phải, họ chỉ không hiểu mà thôi. Không có chuyện cố tình làm sai hay thiếu tôn trọng gì cả. Vậy mà những lần hiểu lầm như vậy thường khiến người ta thất vọng, thậm chí dẫn đến tranh cãi hoặc mâu thuẫn nặng nề. Trong những cuộc họp, tôi thường chứng kiến cảnh các ông hét vào mặt nhau những câu như thế này, “Anh bảo tôi làm như thế”, “Anh điên à… tại sao tôi lại nói như vậy chứ… tôi không bao giờ nói như thế” và vân vân.
Những hiểu lầm trong giao tiếp bằng văn bản còn nhiều gấp 10 lần những hiểu lầm trong giao tiếp bằng lời nói. Trong giao tiếp bằng lời nói, một số hiểu lầm có thể tránh được nhờ giao tiếp phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ, giọng nói – khiến đối tượng giao tiếp hiểu rõ hơn những điều bạn nói. Trong giao tiếp bằng văn bản, thông điệp của bạn không nhận được những sự hỗ trợ ấy.
Trích sách Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét