Mang thai là thời điểm mẹ tăng cân và đôi khi thèm ăn những món "kỳ lạ". Bà nội, bà ngoại của bé bồi bổ cho mẹ hết món này đến món khác và luôn kèm theo câu "cố ăn đi con, món này tốt cho thai nhi lắm...", "mẹ hỏi rồi, món này chịu khó ăn sau dễ sinh hơn đấy" hay "chán cũng phải cố mà ăn, mày ăn đang ăn cho hai người đấy, muốn bé con thiếu chất à?"... Đúng vậy, hiện giờ mẹ đang "ăn cho hai người", thế nhưng không có nghĩa là mẹ ăn bao nhiêu cũng được và ăn gì cũng được, ăn đến mức nghĩ đến món đấy thôi cũng có cảm giác buồn nôn. Điều mẹ cần quan tâm bây giờ đó là ăn cho hai người như thế nào cho đúng, làm thế nào để có bữa ăn bổ dưỡng có lợi cho cả mẹ và bé?
Ăn bao nhiêu là quá nhiều?
Nhiều mẹ có thể đang nghĩ rằng ăn cho hai người nghĩa là phải cung cấp đủ lượng thức ăn cho cả hai. Các bác sĩ đã cảnh báo rằng đây là một trong những quan niệm sai lầm nguy hiểm nhất trong khi mang thai.
Quan niệm sai lầm khiến mẹ tăng cân quá nhiều (ảnh minh họa)
Do quan niệm này, nhiều mẹ ăn uống không lành mạnh và tăng cần quá nhiều, đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ và huyết áp cao, chưa kể đến việc mẹ dễ bị đầy hơi. Vì vậy mẹ cần thận trọng hơn với việc mẹ nên ăn gì, ăn lượng bao nhiêu, luôn luôn nhớ rằng "ăn cho hai người" không có nghĩa là mẹ tăng gấp đôi lượng thức ăn của mình.
Bài liên quan:
Chiêu đẻ cực dễ, áp dụng luôn thôi!
Bầu bí khiến mẹ "ngượng chín mặt"!
Đẻ con gái ngày rằm, cứu em!
“Nhòm” bụng mẹ xem bé lớn tới đâu?
Ăn bao nhiêu là đủ cho hai người?
Đối với thai phụ khỏe mạnh và thường xuyên tập thể dục khoảng 3 đến 5 lần một tuần, mẹ chỉ cần cung cấp thêm khoảng 300 calo một ngày. Ông Raul Artal, trưởng khoa phụ sản bệnh viện đại học Y St Louis cho biết, tăng từ 7,5kg đến 13kg là phạm vi an toàn trong thai kỳ, tuy nhiên việc tăng cân cũng phụ thuộc rất nhiều vào cân nặng của mẹ. Vì vậy, khi đi khám mẹ nên nói chuyện với bác sĩ để biết tăng bao nhiêu kg là phù hợp với mình.
Một bữa ăn cân bằng, đầy đủ dưỡng chất là vô cùng quan trọng đối với mẹ bầu. Mẹ hãy đảm bảo có đủ các dưỡng chất sau khi lập ra thực đơn cho mình:
- Carbohydrates: Mẹ cần tăng lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn của mình để cung cấp đủ năng lượng cho mẹ và bé. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên ăn các bữa ăn nhẹ chứa nhiều carbohydrate cách nhau khoảng 3 đến 4 giờ và ăn một chút trước khi tập thể dục để duy trì lượng đường cung cấp cho thai nhi. Các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate có thể kể tên như bánh mì, pasta, khoai tây, đậu, gạo, ngũ cốc...
- Canxi: Tiêu thụ 1.200 đến 1.500 mg canxi mỗi ngày để đảm bảo em bé có xương và răng chắc khỏe. Canxi có nhiều trong sữa và sữa chua, mẹ cũng có thể uống thuốc bổ sung canxi để giúp bé phát triển khỏe mạnh.
Bổ sung 1.200 đến 1.500 mg canxi mỗi ngày giúp bé phát triển khỏe mạnh (ảnh minh họa)
- Protein: 60 gram protein mỗi ngày là đủ cho cả mẹ và bé. Ức gà, sữa và trứng là nguồn cung cấp protein dồi dào mẹ có thể dễ dàng tìm mua hàng ngày.
- Chất xơ: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ giúp giảm thiểu chứng táo bón do hàm lượng hoocmon cao gây ra. Câc loại ngũ cốc nguyên hạt , cam, chuối, lê, táo, bắp cải, bí ngô, atiso... đều là các thực phẩm giàu chất xơ tốt cho phụ nữ mang thai.
- Nước: Đừng quên uống nước. Uống ít nhất 1,8l nước mỗi ngày sẽ giúp mẹ duy trì đủ độ ẩm và cảm thấy khỏe mạnh. Mẹ có thể thay thế một ly nước bằng nước trái cây tươi, vừa đủ nước và thay đổi khẩu vị và giúp mẹ bớt thèm ăn vặt.
- Vitamin: Uống vitamin trước khi sinh là một quyết định sáng suốt. Uống vitamin trong thời gian này cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng mẹ và bé cần trong những tháng tới, đặc biệt là axit folic và sắt.
- Thực phẩm sạch: các loại thịt, rau được nuôi trồng tự nhiên cho hương vị thơm ngon và có lợi đối với sức khỏe. Ăn thực phẩm sạch loại bỏ nguy cơ mẹ hấp thụ phải thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh... có thể gây hại cho mẹ và bé. Ngoài ra, mẹ cần chú ý đun chín thịt và chỉ uống các sản phẩm sữa đã được tiệt trùng.
Bên cạnh các loại dưỡng chất cần thiết trên, có một số thực phẩm mẹ tránh để loại bỏ những mối nguy hiểm không đáng có cho mẹ và bé:
- Trứng lòng đào: ăn trứng lòng đào đi kèm với nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella. Triệu chứng dễ nhận thấy là tiêu chảy khiến mẹ mất chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của bé. Mẹ cũng nên cẩn thận đối với trứng sống trong các món ăn như sốt mayonnaise hay mousse chocolate.
- Phô mai mềm và thịt nguội: Các sản phẩm phô mai như Brie, Gorgonzola hay Bleu đều chưa được tiệt trùng và có khả năng chứa vi khuẩn Monocytogenes, vi khuẩn này có thể gây sẩy thai hoặc thai chết lưu. Thịt nguội cũng có thể khiến mẹ và bé bị nhiễm khuẩn, vì thế mẹ hãy cố gắng kìm cơn thèm các món ăn cho thịt nguội cho tới khi đón được bé yêu để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.
Phô mai mềm chưa tiệt trùng có khả năng chứa vi khuẩn Monocytogenes (ảnh minh họa)
- Cá có chứa thủy ngân: Phụ nữ có thai không nên ăn cá cờ, cá kiếm, các loại cá này chứa nhiều thủy ngân sẽ gây hại cho thai nhi. Cá hanh đỏ, cá ngừ, cá bơn, cá vược mẹ có thể ăn mỗi tuần một lần để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, tuy nhiên không nên ăn nhiều hơn. Một chú ý mẹ nhất định phải nhớ đó là không được ăn cá chưa nấu chín trong thời gian mang thai như sushi chẳng hạn.
Trong thời gian mang thai, mẹ luôn cần cẩn trọng trong mọi hành động, ăn món gì, hoạt động như thế nào để không ảnh hưởng xấu tới bé. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc mẹ phải từ bỏ hoàn toàn những món ăn yêu thích , quan trọng là mẹ cần lập ra chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, biết rõ chất nào cần bổ sung, món ăn nào nên tránh để vừa duy trì năng lượng cho mẹ vừa giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Mẹ hãy nhớ mình đang "ăn cho hai người", mẹ lựa chọn thực phẩm nào nghĩa là bé cũng đang hấp thu dưỡng chất có trong thực phẩm ấy, vì vậy ăn uống đúng cách là vô cùng quan trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét