OXFORD
Không xúc xích và pho mát
Có được phép ăn thịt súc vật?
Ta hãy hình dung một ngày xấu trời có những sinh vật lạ từ vũ trụ hạ cánh xuống hành tinh chúng ta. Giống như trong bộ phim giả tưởng Independence Day của Hollywood. Những sinh vật ấy thông minh khủng khiếp, vượt xa con người. Do không phải lúc nào cũng sẵn có một tổng thống Hoa Kỳ liều chết lái chiến đấu cơ và lần này cũng chẳng tìm đâu ra một thiên tài ẩn dật biết triệt phá máy tính ngoài Trái Đất bằng loại virus của Trái Đất, chẳng mấy chốc những sinh vật lạ ấy đã chinh phục được loài người và tống hết con người vào ngục. Bắt đầu một chế độ thống trị bằng khủng bố chưa từng thấy. Các sinh vật ngoài Trái Đất dùng con người làm vật thí nghiệm y học, đóng giày dép, may bọc ghế ô tô và chao đèn bằng da người, tận dụng cả tóc, xương và răng người. Thêm nữa, chúng còn ăn thịt người, nhất là trẻ con và trẻ sơ sinh. Chúng rất khoái ăn trẻ con vì trẻ con còn mềm và thịt rất non.
Một người vừa bị điệu trong tù ra để bị dùng làm thí nghiệm y học đã quát vào mặt lũ sinh vật lạ: “Tại sao chúng mày có thể làm trò này? Chúng mày không thấy bọn tao cũng có cảm xúc và bị chúng mày làm đau đớn hay sao? Tại sao chúng mày có thể lấy con cái của chúng tao ra giết thịt? Chúng mày không nhận ra bọn tao đau khổ à? Chúng mày không tự thấy chúng mày tàn bạo và mọi rợ đến mức nào sao? Chúng mày không biết thương cảm và đạo đức là gì sao?”
Bọn ngoài Trái Đất gật đầu. “Có chứ,” một tên lên tiếng. “Cũng có thể chúng tao hơi dã man một chút. Nhưng,” hắn nói tiếp, “bọn mày cũng nên biết chúng tao ở đẳng cấp cao hơn. Chúng tao thông minh hơn và có nhiều lý tính hơn bọn mày, chúng tao biết làm những thứ mà bọn mày không thể. Chúng tao là một giống vượt trội, một dạng sinh tồn ở bậc cao hơn nhiều. Vì thế chúng tao được phép làm gì với bọn mày cũng được. So với chúng tao thì cuộc đời bọn mày hầu như không đáng một xu. Vả lại, thậm chí khi cách hành xử của chúng tao không được ổn lắm thì vẫn có một điều bất di bất dịch: thịt chúng mày quá ngon!”
Một ngày thu 1970, Peter Singer ngồi trong phòng ăn lớn của đại học Oxford và ăn một miếng bít tết. Anh là một thanh niên ưa suy tư, song chưa bao giờ anh nghĩ đến những sinh vật tưởng tượng ngoài Trái Đất và thói ăn thịt người của chúng. Anh vừa từ Úc qua Anh chưa được bao lâu và sau khi tốt nghiệp môn Triết ở Melbourne sẽ lần đầu tiên trong đời làm giảng viên tại một trường đại học. Từ bé đến giờ Singer không hề quan tâm đến chuyện gì ngoài triết học và câu hỏi về cuộc sống đích thực. Cha mẹ anh là dân Do Thái gốc Vienna, buộc phải rời quê hương năm 1938 khi người Do Thái ở Đức và Áo bị đàn áp dã man dưới chế độ Quốc xã. Ngày lánh nạn từ Áo qua Úc họ còn rất trẻ. Bố mẹ họ tức ông bà của Peter Singer bị bọn Quốc xã bắt và sát hại ở trại tập trung Terezín.
Singer rất coi trọng việc học hành, nhất là về vấn đề luân lý. Anh muốn biết thế nào là Thiện và Ác, thế nào là cuộc sống đích thực và lầm lạc. Lúc ngồi ăn bít tết trong phòng ăn cổ kính, anh nhận thấy một sinh viên cùng bàn đẩy miếng thịt trên đĩa qua một bên. Singer hỏi sinh viên đó – cậu này tên là Richard Keshen, sau này sẽ trở thành giáo sư tại Đại học Cape Breton ở Canada – có phải thức ăn không ngon. Richard đáp, cậu không bao giờ ăn thịt. Cậu ăn chay vì ăn thịt thú vật hoàn toàn là một sai lầm. Singer sửng sốt trước thái độ quyết liệt đó. Rồi Richard đề nghị Singer hãy nêu ra một lý lẽ duy nhất khả dĩ lọt tai, vì sao việc ăn thịt súc vật lại có thể chấp nhận được về mặt luân lý. Singer xin thời gian suy nghĩ và hẹn hôm sau sẽ gặp lại ở nhà ăn để Singer đưa ra một lý do tử tế, vì sao người ta được phép ăn thịt thú vật. Sau đó anh bình thản ăn hết miếng bít tết. Bản thân anh không linh cảm được một điều: đó là miếng bít tết cuối cùng trong đời mình.
Singer đã bắt đầu suy nghĩ ngay trên đường từ trường đại học về nhà. Chắc chắn là con người ở mọi thời đai đều ăn thịt. Từ thời nguyên thủy họ săn bắt bò rừng và voi ma mút để ăn thịt chúng. Sau này mục đồng và nông dân nuôi cừu và dê, bò và lợn để giết thịt chúng. Con người hồi đó và cả nhiều bộ tộc sau này sẽ chẳng thể sống sót nếu trong khẩu phần của họ thiếu thịt. Tuy nhiên anh cũng hiểu rằng những lý do mà anh vừa nghĩ ra hoàn toàn không thể áp dụng cho chính mình. Chuyện người nguyên thủy hay chuyện người Eskimo phải săn hải cẩu để sống sót không thể gọi ra làm lý do để anh, Peter Singer, được phép ăn thịt súc vật. Vì ở một nước như nước Anh người ta có thể dễ dàng sống và sống khỏe mà không cần ăn thịt. Singer suy nghĩ tiếp: chó sói, sư tử và cá sấu cũng ăn thịt đấy thôi! Những con thú ấy có thèm đếm xỉa là được phép hay không được phép đâu? Vì nếu không có thịt thì chúng sẽ chết. Singer biết là anh không phải chết nếu không ăn thịt. Vì khác với chó sói, sư tử và cá sấu, anh có thể tự quyết định ăn thịt hay không ăn thịt. Khả năng được tự quyết định ấy là sự khác biệt giữa anh và sư tử. Anh ở đẳng cấp cao hơn sư tử, và cũng cao hơn bò, lợn, gà là những con vật anh ăn thịt chúng ở nhà ăn của trường đại học. Con người khôn hơn súc vật, có nhiều trí thông minh hơn, có một ngôn ngữ tinh xảo, có đầu óc và lý trí. Nhiều triết gia thời Cổ đại, Trung cổ và cả thời Hiện đại đã nói: đó chính là lý do để ta được phép ăn thịt súc vật. Con người có lý trí, loài vật thì không. Con người cao quý, còn loài vật vô giá trị. Nhưng, liệu ta có thể cả quyết rằng cuộc sống thông minh có giá trị hơn cuộc sống ít thông minh? Mặc dù không biết đến câu chuyện hư cấu về các sinh vật ngoài Trái Đất, Peter Singer cảm thấy trong mình sự bức xúc trào dâng như ở nhiều độc giả khi đọc mẩu chuyện ngụ ngôn nọ. Vì hệt như cách hành xử vô luân của các sinh vật ngoài Trái Đất với con người, điều đó cũng đúng khi xét đến cách con người hành xử với súc vật chứ? Trí thông minh vượt trội đâu phải là giấy phép vô điều kiện để muốn làm gì thì làm. Ba năm ròng Singer chú tâm vào đề tài “con người nên hành xử với loài vật ra sao.” Năm 1975 anh cho ra đời một cuốn sách: Animal Liberation (Giải phóng loài vật), một cuốn best-seller, được bán ra hơn nửa triệu bản.
Tiêu chí quan trọng nhất cho quyền được sống của một sinh vật, Singer viết, không phải là sự thông minh, lý tính hay trí khôn. Một hài nhi vừa ra đời có ít trí khôn hơn một con lợn, dù vậy chúng ta không được ăn thịt đứa bé hay dùng nó làm thí nghiệm kiểm chứng tác động của một loại dầu gội đầu mới. Lý do tiên quyết để tôn trọng một sinh vật và công nhận nó có quyền sống là năng lực biết vui hay biết khổ. Về điểm này Singer nhất trí với Bentham, người đã viết những dòng sau đây từ năm 1789, thời Cách mạng Pháp: “Sẽ đến một ngày mà các tạo vật đang sống sót được nhận những quyền lợi mà người ta vẫn bạo ngược tước đi của chúng. Một ngày nào đó ta sẽ nhận ra rằng số lượng chân và lớp lông trên da không phải là lý do chính đáng để ta bắt một sinh thể mẫn cảm chịu số phận như vậy. Nhưng đặc điểm nào khác có thể giúp vạch đường biên giới bất khả xâm phạm? Khả năng nói chăng? Nhưng một con ngựa trưởng thành hay một con chó hiểu và biết thể hiện nhiều hơn một đứa trẻ mới ra đời một ngày, một tuần hay thậm chí một tháng. Và ngay cả khi điều đó không đúng chăng nữa thì có gì khác đâu? Câu hỏi không phải ‘chúng có biết tư duy không ?’ hay ‘chúng có biết nói không?’ mà là ‘chúng có biết đau khổ không?’”
Singer tiếp thu thuyết vị lợi của Bentham: sướng là tốt, khổ là xấu. Và điều đó không chỉ đúng với con người mà cho mọi sinh vật biết cảm nhận sướng khổ. Vì ở vị trí sinh vật biết cảm nhận thì, về nguyên tắc, con người và súc vật như nhau. Và câu hỏi – con người có được ăn thịt “các súc vật khác” – quả là dễ trả lời: cái khoái khẩu thô thiển của con người quá nhỏ nếu so sánh với sự đau khổ khôn tả của súc vật phải hiến dâng thân thể và sự sống của mình.
Cuốn sách của Singer về giải phóng loài vật khỏi sự thống trị của con người gây ra một làn sóng mạnh mẽ. Một phong trào xã hội ra đời – Phong trào vật quyền ở Anh, Hoa Kỳ và cả ở Đức. Mục tiêu của những tổ chức như PETA hay Animal Peace đi xa hơn các đòi hỏi của lực lượng bảo vệ súc vật thông thường. Họ phản đối các khu chăn nuôi gia súc tập trung và trại súc vật lấy lông, chống hành hạ súc vật. Họ đả phá mọi phương cách sử dụng súc vật. Theo đó thì con người không được phép ăn xúc xích lẫn pho mát, không được nhốt thú vật trong vườn bách thú hay dùng chúng làm thí nghiệm. Thay vào đó, họ đòi cho súc vật quyền sống tự do và phát triển tùy hứng.
Quan điểm của Singer thoạt tiên có sức thuyết phục, nhưng nhiều triết gia đã lên tiếng phản biện kịch liệt. Vì nếu khả năng biết đau khổ chứ không phải lý trí và trí khôn hay đơn giản chỗ đứng trong loài Homo sapiens được coi là đường biên đạo đức, thì đường biên đó nằm chính xác ở đâu? Lợn và gà biết đau khổ, đó là điều mà ta dễ thống nhất. Con lợn rít lên khi bị hành hạ hoặc chọc tiết, và con gà cũng kêu quang quác. Nhưng, nếu lấy con cá làm ví dụ thì sao? Cá có biết đau khổ không? Theo các nghiên cứu mới nhất, hình như cá cảm nhận được đau đớn, cho dù chúng không thể hiện ra được. Còn các động vật thân mềm, ví dụ như con sên? Chúng ta biết quá ít về cảm nhận nỗi đau của sên để đưa ra ý kiến. Nói cho đúng thì con người cũng chẳng rõ là cây cỏ có biết đau đến chừng nào. Lá xà lách có thấy đau khi ta nhổ nó khỏi đất?
Vậy thì cảm nhận nỗi đau không phải là đường biên chính xác. Tiêu chí này cũng có vấn đề, vì chúng ta không tiếp cận trực tiếp được các trạng thái ý thức cua loài vật. Trong chương nói về bộ não ta đã biết rằng khoa học còn lấn cấn chưa rõ các trạng thái trải nghiệm chủ quan của con người, nói gì đến đưa ra nhận xét về súc vật. Trong năm 1974, đúng thời điểm Singer đang viết cuốn sách về giải phóng loài vật của mình, một tiểu luận nổi tiếng của Thomas Nagel – nay là giáo sư Đại học Luật New York – ra đời mang nhan đề Cuộc sống của con dơi ra sao? Nagel không quan tâm đến súc vật lắm. Điểm chính trong tiểu luận của ông là người ta không việc gì phải cố gắng đặt mình vào địa vị các sinh vật khác, ví dụ như dơi. Vì đơn giản đó là một việc bất khả thi. Điều duy nhất mà con người có thể làm được là tưởng tượng ra mình đeo máy định vị qua tiếng vọng và bay trong đêm để săn bắt côn trùng. Nhưng ai biết được tưởng tượng đó giống cảm nhận thực sự của một con dơi đến mức nào? Có lẽ hầu như chẳng giống gì cả. Mấu chốt trong luận cứ của Nagel là, ý thức luôn gắn liền với trải nghiệm chủ quan và do đó người ngoài tuyệt đối không thể tiếp cận được.
Hãy tạm chấp nhận điều đó đã. Nhưng khi ta không thể biết rõ súc vật cảm nhận ra sao thì tất nhiên đó vẫn chưa phải là lý do bác bỏ lập trường tôn trọng loài vật của Singer. Vì khi ta không biết rõ cuộc sống nội tâm của những người quanh ta thì nói chung đó không phải là lý do để ta được phép hành hạ họ. Không tòa án nào cho phép tra tấn và giết người rồi chấp nhận lý do là có thể thủ phạm không biết rõ nạn nhân có cảm nhận gì. Chúng ta chấp nhận là những người khác có một trạng thái ý thức phức hợp – và thế là đủ để ta phải tôn trọng họ. Nhưng khi xét đến súc vật thì nhiều nhà khoa học có xu hướng giải thích tâm thần của chúng theo hướng thuần túy sinh học. Khi con khỉ giả bộ nghi binh thì nó làm theo linh tính hay có chiến thuật? Trò chơi thứ hạng của sư tử tuân theo một chiến thuật hay linh cảm nhất thời? Ai có thể cả quyết điều đó? Cả những ham muốn ở người cũng tương thích với nhu cầu sinh học, ví dụ như ác cảm với nỗi đau hay ham muốn tình dục, cho dù ta không rút gọn nó thành nguyên nhân thuần túy. Ta có cớ để không rút gọn các chất lượng trải nghiệm của con người thành cơ chế hoạt động cơ học, lý do gì mà ta không áp dụng cớ đó vào việc nghiên cứu cuộc sống nội tâm của loài vật? Dĩ nhiên chúng ta không ngây thơ mà suy từ cảm xúc và chủ định của mình ra cuộc sống nội tâm của loài vật. Nhưng nhất định cũng sẽ ngây thơ tương tự, nếu ta tin rằng ở loài vật sẽ trái ngược hoàn toàn và coi loài vật là những cỗ máy hoạt động. Làm sao ta biết được rằng tính đùa nghịch của loài vật thực tế chỉ là một cơ chế hoạt động không hơn không kém? Tất nhiên, dễ có thể giải thích công năng của trò chơi làm tình của khỉ cùng với những khoái cảm đi kèm. Nhưng vì vậy mà chỉ giải thích chuyện đó về mặt công năng thôi sao?
Người Trung Hoa từ xưa đã biết rằng không thể nào thật sự hiểu được loài vật cảm nhận gì. Nhưng dù vậy họ biết một cách để tiếp cận đời sống nội tâm của súc vật: rút ra kết luận từ những điểm tương tự. Có thể thấy qua giai thoại sau đây: thầy Trang Tử cùng bạn là Huệ Tử đi trên chiếc cầu vắt qua hào thành. Trang Tử nhìn xuống nước và nói với bạn: “Xem kìa, những con cá nhỏ tự do bơi tung tăng. Chúng vui thay.” Huệ Tử đáp lại: “Ông không phải là cá, làm sao ông biết được cá vui?” Trang Tử trả lời: “Ông không phải tôi. Làm sao ông biết là tôi không biết cá vui?”
Ngành nghiên cứu não bộ hiện đại cũng rút ra kết luận từ những điểm tương tự. Người ta nghiên cứu các phương thức phản ứng trong não người là động vật có xương sống và phỏng đoán là trong não các động vật có xương sống khác có các cấu trúc cùng loại gắn liền với chất lượng trải nghiệm tương tự. Giới nghiên cứu não bộ giờ đây không chỉ thẩm định các điểm tương đồng thực sự hay phỏng đoán. Họ còn cố tìm ra lý do vì sao chúng ta cho rằng con người có thể tìm được sự đồng cảm ở một số con vật hơn những con khác. Khi quan sát cá heo, lập tức con người liên tưởng điệu bộ của nó với một nụ cười. Các nơ-ron gương vào cuộc vì chúng ta tin rằng mình hiểu được điệu bộ của cá heo. Hầu như ai cũng thấy có cảm tình với cá heo. Ngược lại, những con vật có khuôn mặt “lạ” thì không kích thích đến nơ-ron gương của ta. Khi ta không liên tưởng được với những gì đã quen thuộc thì khả năng đồng cảm của ta cũng phẩy tay bỏ qua. Con người tin rằng có thể hiểu được vài kiểu hành xử của chó. Chúng ta thích tính đùa nghịch của chó và đoán ra niềm vui của chúng. Nhưng việc này có giới hạn. Ví dụ như “ta không biết tiếng chó sủa mang ý nghĩa gì,” Giacomo Rizzolati nói. “Vậy thì ta cũng không thể suy đoán giải mã. Hành động sủa không nằm trong chương trình vận động của con người. Ta có thể bắt chước tiếng sủa, một số người làm rất khéo, những ta không thực sự hiểu bản chất của hành động sủa!”
Ngay cả khi ngành nghiên cứu não bộ phát triển cao hơn nữa, cuộc sống nội tâm của loài vật vẫn là miền đất lạ đối với chúng ta. Tệ hại thay, trên miền đất lạ đó con người vẫn cứ liên tục nghiễm nhiên vạch ra đường biên mang tính pháp lý và triết lý, kể cả trong ngôn ngữ hằng ngày, với sự tự tin ngạo mạn. Ở Đức không có con vật nào có quyền đòi hỏi được đối xử tử tế. Xét về pháp lý, con vượn xếp hạng gần với loài rệp ăn lá hơn là với người. Con người có Hiến pháp và Bộ luật công dân, con vượn chỉ có Luật Bảo vệ Súc vật – đó là các quy định xếp vượn ngang hàng với chuột chũi. Một nền đạo đức biết chú trọng thấu đáo thực tế sinh học sẽ chỉ còn biết ngán ngẩm bó tay.
Ít nhất thì người ta cũng không nên lạnh lùng tước hết quyền của những động vật có xương sống phát triển cao như khỉ hay cá heo. Đối với Peter Singer hay bất cứ một người theo chủ nghĩa vị lợi ưu tiên khác, “ý thức bản ngã” là tiêu chí để xác định một cuộc sống bắt buộc phải được bảo vệ. Nghe thì khá thuyết phục, tuy rằng cũng phải nói thêm rằng ý thức bản ngã trong thần kinh học không phải là một phạm trù chắc chắn. Ý thức bản ngã không phải là một thứ nhìn thấy được trong máy chụp cắt lớp. Một số triết gia đánh đồng ý thức về bản thân với tâm thức bản ngã, với quan điểm đó thậm chí họ không công nhận loài khỉ có một ý thức bản ngã khả dĩ được xét về mặt đạo đức. Nhưng ngành nghiên cứu não bộ ngày nay đã chỉ ra rằng tâm thức bản ngã là một thứ mù mờ. Trong chương về cái Tôi, ta đã bàn đến nhiều nhiều trạng thái Tôi khác nhau. Một số trạng thái trong đó, ví dụ như Tôi-cơ-thể, Tôi-định-vị hay Tôi-viễn-cảnh, khó có thể nói là khỉ không có, vì giả sử không có thì chúng đa bị nhiễu loạn xã hội cao độ.
Rõ ràng là một số động vật có xương sống sở hữu thứ gì đó tương tự như ý thức bản ngã cơ bản. Nhưng, ta nên đánh giá điều đó cao đến mức nào về tinh thần? Ví dụ như loài voi. Khi thợ săn bản xứ ở châu Phi giết những con vật phát triển cao và mẫn cảm đó để lấy ngà, liệu người ta có được phép xử bắn những kẻ “lâm tặc” ấy – ví dụ như ở Kenia là nơi luật pháp cho phép? Đối với Singer, trường hợp này không việc gì phải bàn: không được phép làm điều đó, vì so với voi thì con người có một ý thức bản ngã phát triển cao hơn. Nhưng nếu một người giết ba con voi, hay năm, hay mười con? Nếu nạn nhân là voi mẹ để lại những con voi con buồn thảm và phát rồ phát dại lên vì kinh sợ? Lúc đó, theo Singer, cán cân sẽ nghiêng về phía voi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với thân quyến của người thợ săn? Tóm lại, ví dụ này có thể tiếp tục suy diễn theo đủ mọi hình thái, và dù có thận trọng đến mấy thì bao giờ cũng dính dáng đến những cân nhắc tùy tiện. Ở đây thuyết vị lợi nhùng nhằng trong các đại lượng không thể đo đếm được và những chuỗi hậu quả kế tiếp khôn lường, không sao thoát ra nổi.
Tuy nhiên cái khó nhất khi lấy “ý thức bản ngã” làm thước đo duy nhất cho quyền được sống của một sinh vật là hậu quả phản trực giác của nó; trong chương nói về phá thai ta đã đề cập đến các hậu quả đó. Vì nếu quả thật quyền được sống của một sinh vật phụ thuộc vào độ phức hợp của cảm xúc và hành vi của sinh vật đó thì những đứa trẻ mới ra đời và người thiểu năng trí tuệ nặng sẽ được xếp cùng bậc hoặc thậm chí kém một con chó béc giê. Singer không có ý hạ thấp giá trị cuộc sống của hài nhi hay người thiểu năng trí tuệ nặng. Anh chỉ muốn nâng cao giá trị của súc vật. Nhưng anh đã kích nổ một quả bom lớn. Cho đến tận hôm nay Singer vẫn là mục tiêu công kích của các hiệp hội người tàn tật. Đối với vấn đề súc vật hay phá thai, lấy sự công bằng làm thước đo duy nhất thì chưa đủ. Ta có thể nhận thấy qua ví dụ một người mẹ – bằng cảm tính, bà ta yêu con mình hơn con chó béc giê – rằng không nên cố tìm cách tách rời trực giác và cảm tính ra khỏi triết lý đạo đức.
Vậy thì câu hỏi “người ta được phép làm gì với súc vật” không chỉ là là một vấn đề suy tư lý tính, mà còn liên quan đến cảm tính. Con người có một cảm tính mặc định là đánh giá cuộc sống con người khác với cuộc sống con vật. Cảm tính đạo đức của chúng ta cũng giống như ném viên đá xuống nước, gây ra các vòng sóng. Vòng sát tâm nhất là chỗ cho bố mẹ, anh chị em, con cái và chúng bạn thân thiết nhất. Trong vòng tiếp theo là người quen, có thể thậm chí cả con vật nuôi thân yêu trong nhà. Sau đó đến loài người nói chung. Ngoài cùng thường là cá mú gà qué gì đó. Những vòng đạo đức ấy có thể lan rộng tùy thích. Nhưng thực tế có nhiều loài vật cung cấp thịt đứng ở vòng ngoài cùng không phải là một quy luật tự nhiên, mà là kết quả của việc ta nhắm mắt khong muốn nhìn hoặc nhìn tránh đi.
Nếu đưa thêm cảm xúc con người vào câu hỏi đặt ra ở đầu chương, ta sẽ nhận được một câu hỏi khác: có được phép ăn thịt các loài vật mà ta không tự tay mổ thịt chúng? Ở nền văn minh phương Tây hôm nay, cảm xúc của chúng ta sẽ khó lòng cho phép đa số muốn tự tay chọc tiết một con lợn hay con bê – nhiều người còn không biết phải làm việc đó ra sao. Lượng người dám giết một con cá thì đông đảo hơn nhiều. Con để “giết” một quả trứng gà thì chắc là đại đa số không hề bận tâm. Chắc chắn ngày xưa con người dễ dàng xắn tay giết súc vật hơn hôm nay, và người nguyên thủy lại càng không phải suy tính. Nhưng đạo đức luôn luôn là một vấn đề của sự nhạy cảm văn hóa. Nó không phụ thuộc nhiều vào một định nghĩa trừu tượng của nhân sinh như vào mức độ cảm nhận của xã hội. Và ta hoàn toàn có thể tin rằng mức độ cảm nhận ở phương Tây hiện tại đang đạt một đỉnh điểm tạm thời trong quá trình phát triển nhân loại. Chính vì thế mà sinh ra trò “bịt mắt” trong công nghiệp gia công thực phẩm: không được để cái đùi bê gợi nhớ đến một con bê. Ở đây trực giác của chúng ta bị lừa, con người dễ dàng quay mặt nhìn tránh đi. Đa số mọi người trong xã hội chúng ta không lấy làm kinh tởm và ngại ngùng khi ăn thịt chỉ vì họ không trực tiếp chứng kiến sự đau đớn của súc vật. Nơ-ron gương của chúng ta được kích hoạt khi nghe tiếng rống của con bê trong lò sát sinh, nhưng chúng ngủ yên trước một lát thịt được gói bọc sạch sẽ ở siêu thị.
Mỗi người phải tự tìm câu trả lời, nên suy tính khôn ngoan đến mức nào để từ bỏ thói ăn thịt. Nếu suy tư một cách nghiêm túc về chuyện đó, ta sẽ buộc phải công nhận là có lẽ các luận cứ chống lại thói quen ăn thịt mạnh hơn và thuyết phục hơn luận cứ ủng hộ. Liệu trong tương lai ta có bỏ hẳn món bít tết, bánh kẹp thịt và gà rán, hay đơn giản chỉ ăn ít thịt đi so với hiện tại – điều đó phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm hay được làm nhạy cảm của chúng ta trong câu hỏi này. Nói cách khác là: ta có biến câu hỏi đó thành câu hỏi của sự tự trọng hay không. Hãy đọc chương tiếp theo (Con khỉ trong rừng văn hóa) về cách ta tự hiểu mình so với loài họ hàng lông lá, ta sẽ có thêm một gợi ý cho quá trình tư duy ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét