Bí ẩn tấm vải liệm Chúa Jesus
Bạch Đàn
Báu vật thành Lirey
Trong những năm 1350, hàng ngàn người hành hương đã đổ về Lirey, Pháp, chỉ để được nhìn thấy một vật thiêng liêng, được cho là tấm vải liệm thi thể Chúa Jesus khi người qua đời. Những người hành hương được thuyết phục rằng, vật thể tôn kính đó là thật, bởi tấm vải lanh đó vẫn còn in mờ mờ hình ảnh một người đàn ông với những vết thương ở cổ tay và bàn chân, hậu quả của những cuộc tra tấn tàn bạo.
Tuy vậy, tính xác thực của “tấm vải liệm Chúa Jesus” hay còn gọi là “tấm vải liệm thành Turin” đã là đề tài gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ qua. Đây chỉ là phiên bản giả của tấm vải liệm thực đã bị đốt cháy trong một vụ hỏa hoạn, hay đích thực là tấm vải đã bọc thi thể Chúa Cứu thế và hằn vết thi thể Chúa bởi sự phát tỏa năng lượng mạnh mẽ sau khi Chúa phục sinh?
Năm 70 sau Công nguyên (tức là 40 năm sau khi Chúa Jesus qua đời trên cây thánh giá), thành Jerusalem bị Đế quốc La Mã phá hủy. Truyền thuyết cho rằng, tấm vải liệm Chúa đã được mang tới Edessa (ngày nay là Urfa, Thổ Nhĩ Kỳ). Những cuộc săn lùng và khủng bố trong thế kỷ thứ 2 đã khiến người ta phải cất giấu tấm vải bí mật đằng sau những tường thành bao quanh thành phố. Năm 525, một trận lụt khủng khiếp đã tàn phá hầu hết Edessa, tấm vải được tìm thấy trong quá trình xây lại những tường thành bị sập và được gọi là Mandylion.
Năm 944, các đội quân của đế quốc Byzantine xâm chiếm Edessa, cướp Mandylion về Constantinople (nay là Istanbul) dâng lên Hoàng đế. Nhưng đến năm 1204, Constantinople bị xâm chiếm bởi cuộc Thập tự chinh thứ tư và Mandylion biến mất kể từ đó. Năm 1349, vào cuối cuộc chiến tranh 100 năm giữa Anh và Pháp, hiệp sĩ nổi tiếng của Pháp Geoffrey de Charny, đã viết thư gửi Giáo hoàng đề nghị được xây một nhà thờ ở Lirey, đồng thời tuyên bố ông đang sở hữu tấm vải liệm Chúa Cứu thế.
Tấm vải hằn rõ hình một người đàn ông với những vết thương ở chân tay và ảnh chụp lại phần đầu.
Mặc dù hầu hết mọi người chấp nhận tấm vải của Geoffroys chính là Mandylion, nhưng một số chuyên gia vẫn rất hoài nghi về nguồn gốc và tính xác thực của nó. Một trong những người có tiếng nói hoài nghi nhất là giám mục Pierre d’Arcis.
Dựa trên những bằng chứng thu thập được trong một cuộc điều tra, được khởi xướng bởi Giám mục Henri de Portiers, sau đó được tiếp quản bởi người kế nhiệm d’Arcis, họ có lý do để tin rằng tấm vải liệm là giả. Trong một bức thư gửi Giáo hoàng vào năm 1389, d’Arcis cho rằng, Geoffroy đã lừa gạt nhà thờ bằng một tấm vải được in hình một cách gian trá mà ông ta bịa ra đó là tấm vải liệm từng bọc thi thể Chúa Jesus. Họ cũng cho rằng, tấm vải là trọng tâm của một chiến dịch quảng bá công phu mà Geoffroy tiến hành, nhằm mục đích tăng doanh số các sản phẩm lưu niệm liên quan để kiếm lợi nhuận khổng lồ.
Đây là cáo buộc quan trọng đầu tiên về sự gian lận liên quan đến vải liệm Chúa Jesus, sau này được biết đến rộng rãi với cái tên “tấm vải liệm thành Turin”. Nhưng vào thời điểm bức thư được viết, Geoffroy đã qua đời được 33 năm và lý do khiến d’Arcis theo đuổi vụ việc là vì vào những năm 1380, tấm vải liệm bắt đầu được con trai của Geoffroy cho trưng bày để kiếm lợi nhuận.
Geoffroy II đã tìm đủ mọi cách để dẹp bỏ nỗ lực của d’Arcis, người phản đối trưng bày tấm vải liệm gây tranh cãi. Ông ta cố tình qua mặt giám mục địa hạt khi vượt cấp xin Hồng y giáo chủ cho phép trưng bày vải liệm. Mặc dù d’Arcis đã khiếu nại lên Vua Charles VI của Pháp và Giáo hoàng Clement VII, Geoffroy vẫn được quyền triển lãm tấm vải huyền bí với một số hạn chế do Giáo hoàng đưa ra, trong đó có việc cấm trưng bày tấm vải như một thánh tích.
Geoffroy II chấp nhận giới hạn đó và tiếp tục giới thiệu báu vật gia truyền của mình tới hàng ngàn tín đồ. Sau cái chết của Geoffroy II, tấm vải được truyền cho cháu gái của ông là Margaret, người đã cổ vũ tích cực hơn cho những tin đồn rằng vải liệm Chúa Cứu thế đúng là thật. Hầu hết mọi người đều tin điều đó, cho dù nhà thờ chưa bao giờ công nhận.
Vào nửa đầu thế kỷ 15, Margaret đề nghị các giáo sĩ ở Lirey cho phép di dời tấm vải liệm khỏi nhà thờ về lâu đài Montfort, nơi bà và người chồng thứ hai, bá tước Humbert de la Roche sinh sống. Margaret lo ngại chiến tranh và cho rằng tốt hơn hết là giữ vật báu ở ngay bên mình. Hơn nữa, tấm vải là vật gia truyền và bà tin rằng mình có quyền bảo vệ nó.
Nhà thờ Đức Bà Lirey cuối cùng cũng cho phép hai vợ chồng Margaret toàn quyền bảo quản tấm vải vào năm 1418 với điều kiện họ phải cam kết sẽ trả lại nó ngay khi không còn mối đe dọa chiến tranh. Năm 1438, bá tước La Roche tử trận. 5 năm sau, chiến tranh kết thúc, bà Margaret nuốt lời, không trả lại tấm vải về nhà thờ ở Lirey, mà thay vào đó, bà mang tấm vải đi trưng bày ở nhiều nơi, như Liege (Bỉ) hay Geneva (Thụy Sĩ). Bất kể Margaret có ý thương mại hóa tấm vải hay không, bà đã kiếm được rất nhiều tiền từ các tour trưng bày và giành được sự chú ý của tầng lớp thượng lưu, trong đó có Công tước và nữ Công tước xứ Savoy.
Cuộc chu du của Thánh tích
Công tước Louis I và vợ là nữ Công tước Anne tỏ ra quan tâm đặc biệt đến tấm vải. Năm 1453, họ ngỏ lời muốn mua nó với một khoản tiền lớn và Margaret cuối cùng chấp nhận đề nghị. Các giáo sĩ ở Lirey vô cùng giận dữ khi biết bà ta bán tấm vải. Họ đe dọa rút phép thông công của Margaret cho đến khi bà trả lại tấm vải hoặc bồi thường.
Ảnh âm bản hiện lên chi tiết người đàn ông trên tấm vải (phải) so với hình ảnh nhìn thấy trực tiếp (trái).
Năm 1460, Margaret qua đời mà không thực hiện nghĩa vụ với nhà thờ. Sau cái chết của bà, nhà thờ Đức Bà Lirey tìm mọi cách để đòi tiền từ gia đình Công tước Louis I của xứ Savoy (đông nam nước Pháp). Công tước đồng ý trả cho họ tiền bồi thường dưới dạng phí thuê hằng năm để đổi lấy quyền giữ tấm vải. Tuy vậy, việc trả phí không kéo dài được lâu. Năm 1465, Công tước xứ Savoy qua đời, để lại tấm vải cho con trai là Công tước Amadeus IX, việc nộp phí đã bị ngừng lại.
Sự nổi tiếng của tấm vải liệm ngày càng lan rộng. Không chỉ hầu hết mọi người chấp nhận nó là thật, mà nhiều người còn tin nó có những sức mạnh huyền bí. Tấm vải được coi là một thánh tích trong suốt nhiều thế kỷ sau đó. Sau khi được đưa đi trưng bày trên khắp châu Âu trong hơn 150 năm, tấm vải thiêng lại có một ngôi nhà mới vào năm 1502. Đó là nhà thờ Sainte Chapelle ở Chambery, một kiến trúc được gia đình Savoy xây dựng dành riêng để lưu giữ thánh tích gia truyền của họ.
Tấm vải được tôn sùng đến mức các vị vua và hoàng hậu ở châu Âu đều đề nghị tổ chức các cuộc trưng bày cá nhân để họ được tận mắt chứng kiến vật thể được tin là một trong những thánh tích thiêng liêng nhất của các nước theo đạo Cơ đốc. Ngoại trừ các sự kiện và chuyến đi đặc biệt, tấm vải được lưu giữ trong nhà thờ Sainte Chapelle suốt hơn 3 thập kỷ, an toàn trước chiến tranh và những đội quân hung hãn, nhưng nó không tránh được tai họa từ thần lửa. Năm 1532, một vụ hỏa hoạn bùng phát trong nhà thờ. Tấm vải được cứu thoát nhưng bị những vết cháy do đĩa bạc nóng chảy nhỏ vào và được các bà xơ vá lại bằng 16 mảnh vải.
Một cuộc trưng bày tấm vải liệm ở Turin, Italia.
Trong hơn 100 năm sau đó, vải liệm Chúa Jesus ngày càng ít lưu lại nhà thờ Stainte Capelle. Nó thường xuyên được đưa đi chu du khắp châu Âu, phục vụ các tín đồ Ki tô giáo. Năm 1578, nữ Công tước Emanuel Philibert, khi đó là người sở hữu tấm vải, đã quyết định chuyển thánh tích này tới Turin (ở tây bắc Italia, giáp với Pháp) vĩnh viễn vì cho rằng, nơi đây phù hợp với việc mở rộng địa hạt cho Savoy hơn là Chambery. Tấm vải tiếp tục được trưng bày trước các tín đồ trong nhiều thập niên. Những đám đông đến chiêm ngưỡng có khi lên tới con số hàng chục ngàn người, thậm chí trong một cuộc trưng bày vào năm 1647, nhiều người đã chết vì ngạt thở. Dường như không gì có thể giảm bớt niềm tin ngày càng lớn rằng, tấm vải liệm chính là thánh tích Mandylion, thánh tích mà Chúa Cứu thế đã để lại.
Từ năm 1694, tấm vải được đặt tại Nhà thờ St. John The Baptist ở Turin. Người ta cất giữ nó cẩn mật trong một chiếc rương bạc trang trí công phu, đặt tại một nhà nguyện bằng đá cẩm thạch trên nóc nhà thờ. Nó nằm ở đây trong hàng trăm năm và chỉ được đưa ra ngoài trưng bày vài lần mỗi thế kỷ, thường là phục vụ những dịp cực kỳ đặc biệt như lễ đăng quang hay kết hôn của quốc vương
Hai thế kỷ sau đó, vào năm 1898, tấm vải liệm thành Turin đã giành được sự chú ý chưa từng thấy trong lịch sử. Đây là năm đánh dấu sự xuất hiện trở lại của cuộc tranh luận về tính xác thực của tấm vải, một cuộc tranh luận đã diễn ra giữa các tổ chức tôn giáo, các học giả, nhà sử học và khoa học trong suốt hơn 100 năm.
Trong cuộc trưng bày cuối cùng của thế kỷ 19 tại Turin vào tháng 5/1898. Nhà vua Umberto I của Italia, người thừa kế tấm vải từ tổ tiên, đã cho phép một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư tên là Secondo Pia chụp ảnh báu vật gia truyền.
Pia đã vô cùng kinh ngạc khi nhận thấy tấm kẽm âm bản cho một hình ảnh gần giống như 3 – D (ba chiều), rõ hơn và thật hơn so với khi quan sát trực tiếp. Trên tấm vải có kích thước 4,4m x1,1m là hình một người đàn ông khỏa thân, hai tay đặt chéo lên nhau ở vùng háng. Người đàn ông có ria và râu dài, tóc dài tới vai. Đó là một người rất cân đối và vạm vỡ, cao khoảng 1m75, khá cao so với một người đàn ông vào thế kỷ 1 hoặc vào thời trung cổ (như những giả thuyết phản bác cho rằng tấm vải là giả). Cổ tay bên trái đã bị xuyên thủng (cổ tay phải bị khuất bên dưới) và một loạt vết thương trên thân mình và chân, rõ ràng do bị nhục hình bằng roi.
Hình ảnh người đàn ông trên tấm vải hiện lên chi tiết qua ảnh âm bản đã dẫn đến những suy luận mới về nguồn gốc huyền diệu của nó. Mô tả giải phẫu hoàn hảo này đã cổ vũ mạnh mẽ hơn cho những người tin tưởng vào nguồn gốc của tấm vải và giới phê bình, vì không một nghệ sĩ nào ở thời cổ đại, trung cổ, thậm chí cả sau này, có thể tiếp cận được tới mức độ giải phẫu chính xác như vậy, ngoại trừ một số ít nhà điêu khắc Ý thời Phục hưng và Hy Lạp cổ đại. Thậm chí, việc chuyển hình ảnh của một kiệt tác điêu khắc hoặc một người mẫu lên bề mặt phẳng trong khi vẫn giữ được các đặc tính ba chiều dường như vẫn vượt ra ngoài bất cứ kỹ thuật xử lý nào trước thế kỷ 20.
Những giả thuyết ban đầu
Mặc dù vậy, hai năm sau cuộc triển lãm, tấm vải đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ nhất kể từ thế kỷ 14. Linh mục người Pháp Cyr Ulysse Chevalier, một chuyên gia về lịch sử Trung cổ, cho rằng tấm vải liệm là giả. Chevalier đã tập hợp một bộ sưu tập 50 tài liệu được cho là đầu tiên được biết đến về sự tồn tại của “vải liệm thành Turin”.
Chúa Jesus trên chiếc bình bạc tìm thấy ở Homs (vùng Emesa thời cổ đại, nay thuộc Xyri), đang được trưng bày tại bảo tàng Louvre.
Trong số này có các hợp đồng, biên lai, chứng nhận, báo cáo và thư từ được viết bởi linh mục d’Arcis, Giáo hoàng Clement VII và các thành viên gia đình Charny. Ông tìm hiểu về cuộc điều tra đầu tiên do giám mục Henri de Poitiers và các nhà thần học khác khởi xướng hồi đầu thế kỷ 14 nhằm chứng minh tấm vải là giả. Chuyên gia này cũng phát hiện ra bằng chứng ấn tượng nhất là một tài liệu của d’Arcis tuyên bố, đã tìm thấy nghệ sĩ làm giả và người này thừa nhận đã in hình ảnh “Chúa Jesus” lên tấm vải. Nhưng tên của người làm giả chưa bao giờ được tiết lộ, khiến câu chuyện vẫn thiếu tính thuyết phục đối với những người tin tưởng vào vật thiêng.
Cuộc tranh luận xung quanh nguồn gốc và tính xác thực của tấm vải liệm tiếp tục nóng dần lên theo thời gian. Hầu hết các giả thuyết đều xoay quanh ba quan điểm chính cho rằng: đó là một sáng tạo thần thánh, một hình ảnh nhân tạo hoặc do một hiện tượng thiên nhiên. Không nghi ngờ gì nữa, “vải liệm thành Turin” là một bí ẩn thách thức cả niềm tin, khoa học và hiểu biết, một vật thể thôi thúc nhiều người lao vào cuộc tìm kiếm một lời giải đáp.
Trong khoảng 100 năm, rất nhiều nhà khoa học đã sôi sục tìm hiểu làm thế nào mà hình ảnh người đàn ông bị nhục hình lại xuất hiện trên tấm vải. Chưa từng có bằng chứng nào về một hình ảnh âm bản nào khớp với hình ảnh trên vải liệm. Các nhà khoa học đã thử nghiệm nhiều giả định với hy vọng các kết quả có thể cung cấp những đầu mối nào đó về nguồn gốc của tấm vải. Tuy vậy, trên thực tế, các cuộc điều tra đã dấy lên nhiều câu hỏi hơn là số câu trả lời, và càng phủ bóng bí ẩn lên tấm vải.
Nhà sinh học Vignon đã đánh dấu trên phác họa mô tả khuôn mặt của người đàn ông trong tấm vải liệm (trái) và hình ảnh Chúa Jesus tại tu viện Saint Catherine ở núi Sinai, Ai Cập (phải)
Năm 1902, Vignon, một nhà sinh học người Pháp, đã đệ trình lên Viện Hàn lâm khoa học Pháp báo cáo ủng hộ tính xác thực của “Vải liệm thành Turin”. Vignon tin rằng, hình ảnh trên tấm vải được tạo ra bởi sự kết hợp giữa hơi người và những gia vị được dùng để xức vào thi thể người chết trong nghi lễ chôn cất. Vignon lấy Kinh thánh để làm căn cứ cho giả thuyết của mình. Trong Kinh Thánh có đoạn nói rõ rằng, thi thể Chúa Jesus được xức dầu tẩy lô hội, nhựa thơm và dầu ôliu. Vignon tin rằng, dầu lô hội và ôliu đã kết hợp với khí amoniac tự nhiên thoát ra từ thi thể, tạo ra một phản ứng sản sinh ra dấu vết trên tấm vải.
Vignon bắt đầu tự làm thí nghiệm để chứng minh cho giả thuyết của mình. Sau nhiều lần thử và thất bại khi tìm cách tái tạo hình ảnh âm bản tương tự, ông cũng đạt được một số kết quả nhất định. Vignon nhúng một tấm vải vào trong dầu lô hội, nhựa thơm và dầu ôliu, rồi đặt nó lên một khuôn thạch cao đã được tẩm amoniac để xem hình ảnh của khuôn mẫu có hằn lên vải không. Mặc dù có những dấu vết hằn lên tấm vải, về mặt nào đó tương tự với “vải liệm thành Turin”, nhưng dù cố gắng thế nào, Vignon cũng không thể đạt được những đường vạch rõ nét như xuất hiện trên tấm vải, để tạo ra hình ảnh gần như hoàn hảo về một người đàn ông.
Nhiều thập kỷ sau, giả thuyết của Vignon không bao giờ còn được nhắc đến khi qua những kiểm tra khoa học hiện đại hơn, người ta không phát hiện bất cứ bằng chứng nào về dấu vết của gia vị hay dầu thực vật trên tấm vải.
Một số nhà điều tra tin rằng, chi tiết giải phẫu của hình ảnh trên tấm vải là chính xác, cho thấy vật báu này là thực. Nhà giải phẫu học và sinh vật học người Pháp Yves Delage, đã hợp tác với Vignon để tìm ra câu trả lời cho giả thuyết giải phẫu học của họ. Hai người quyết định rằng, hình ảnh người đàn ông không thể là một tác phẩm nghệ thuật bởi nó quá chính xác về mặt giải phẫu.
Tuy vậy, nhiều nhà khoa học đã bác lại giả thuyết này, cho rằng hình ảnh đó không phải hoàn toàn đúng về phương diện giải phẫu học. Các cuộc đo đạc đối với người đàn ông trên tấm vải đã phát hiện nhiều đặc điểm bị phóng đại, không cân xứng hoặc quá bất thường. Một số đặc điểm bị nghi ngờ bao gồm mặt và đầu dường như quá nhỏ và tách biệt so với phần thân còn lại, cánh tay cũng dài bất thường, dường như không có ngón tay cái rõ trên hai bàn tay và tóc dường như cũng không tự nhiên.
Mặc dù một số người tin rằng, sự thiếu chính xác này đã khiến hình ảnh “đời” hơn bởi chúng ta không ai hoàn hảo. Đáng ngạc nhiên là, đa số các cuộc điều tra vào nửa đầu thế kỷ 19 đã được tiến hành mà các nhà khoa học không được phép nhìn trực tiếp tấm vải. Họ phải làm việc với những bức ảnh hoặc bản sao của ảnh gốc.
Một đặc điểm được điều tra nhiều nhất của tấm vải là các vết máu. Một trong các nhà điều tra đầu tiên đã giải quyết vấn đề này là nhà giải phẫu học và khảo cổ người Pháp Pierre Barbet.Trong một lần tiếp cận tấm vải vào năm 1933, Barbet nhận thấy, các vết máu màu đỏ trông rõ hơn và có vẻ như độc lập so với phần còn lại của tấm vải liệm. Màu của vết máu cũng gây nghi ngờ về tính xác thực của báu vật – thay vì chuyển thành màu nâu sậm như các vết máu bình thường, những vết máu này vẫn giữ màu đỏ.
Dưới kính hiển vi điện tử
Trong những nỗ lực tìm hiểu tính xác thực của tấm vải liệm thành Turin, các học giả, sử gia, các nhà nghiên cứu tôn giáo và cả chuyên gia về vải sợi đã chú ý tới nghi lễ của người Do thái khi làm tang lễ của Chúa Jesus và những biểu hiện nghệ thuật thời kỳ đầu về Chúa cứu thế nhằm soi sáng hình ảnh người đàn ông trên tấm vải cũng như nguồn gốc của nó.
Các nhà khoa học thuộc dự án STURP xem xét tấm vải liệm vào năm 1978.
Một trong những tranh cãi chính từ phe hoài nghi là không có một chi tiết nào đề cập sự tồn tại của vải liệm Chúa Jesus trong sử sách, hoặc ít nhất là sự tồn tại của một trong những hình ảnh như vậy về Chúa Jesus trong toàn bộ kinh Tân ước.
Một quan điểm khác là cách thức mà Chúa Jesus được chôn cất. Theo một mô tả thì thi thể Chúa được bọc trong tấm vải lanh đã được xức dầu theo nghi lễ chôn cất của người Do thái. Nhưng trong các cuộc phân tích vào nửa sau của thế kỷ 20, không một dấu vết nào của các loại dầu thơm được phát hiện trên tấm vải liệm thành Turin.
Một quan điểm khác là cách thức mà Chúa Jesus được chôn cất. Theo một mô tả thì thi thể Chúa được bọc trong tấm vải lanh đã được xức dầu theo nghi lễ chôn cất của người Do thái. Nhưng trong các cuộc phân tích vào nửa sau của thế kỷ 20, không một dấu vết nào của các loại dầu thơm được phát hiện trên tấm vải liệm thành Turin.
Hầu hết các ý kiến hoài nghi đều cho rằng, người đàn ông trên tấm vải là hình ảnh thể hiện Chúa Jesus, nhưng có lẽ nó đã ra đời vào thời Trung cổ (thế kỷ 5 sau Công nguyên – 1453). Họ phân tích rằng, mô tả Chúa Jesus trên “vải liệm Turin” mang các đặc điểm nghệ thuật Gothic thời Trung cổ và không giống những thể hiện sớm nhất được biết đến về Chúa cứu thế, như vào thế kỷ thứ 3, mô tả Chúa Jesus là một người đàn ông trẻ, không râu và tóc ngắn. Các xét nghiệm khoa học nhiều năm sau đó cũng đã ủng hộ giả thuyết này.
Phân tích bằng kính hiển vi, Walter McCrone kết luận tấm vải liệm là một “bức tranh hoàn hảo”
Ngày 24/11/1973, nhà vua Italia lưu vong Umberto II, người sở hữu tấm vải nổi tiếng này, đã đồng ý để Hồng y giáo chủ Pelligrino cho phép một nhóm 11 chuyên gia được trực tiếp kiểm tra thánh tích và lấy mẫu để xét nghiệm. Trong cuộc tiếp cận này, giáo sư Gilbert Raes của Viện Công nghệ vải sợi Ghent đã được phép lấy hai mẫu vải để kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử. Một thành viên khác là nhà tội phạm học Thụy Sĩ Max Frei đã thu gom mẫu phấn hoa từ tấm vải để kiểm tra. Cuộc kiểm tra này đã hé lộ những thông tin quan trọng liên quan đến cấu tạo và nguồn gốc của “vải liệm thành Turin”.
Các mẫu của giáo sư Raes cho thấy có dấu vết sợi bông Ai Cập trong thành phần tấm vải. Mẫu của Frei thì xác định dấu vết phấn hoa từ các loại cây bản địa ở Ixraen và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng do chưa có bằng chứng nào thực sự thuyết phục, toàn bộ kết quả đã được giữ bí mật trong gần 3 năm.
Mùa thu năm 1978, một dự án thu thập dữ liệu khoa học và tiến hành các thí nghiệm về tấm vải liệm thành Turin đã được bắt đầu và được biết đến với tên gọi STURP (viết tắt theo tiếng Anh của Dự án Nghiên cứu vải liệm thành Turin). Các nhà khoa học thuộc STURP đã tiến hành một cuộc điều tra chi tiết chưa từng thấy đối với tấm vải thần thánh. 24 khoa học gia đến từ Mỹ, Thụy Sỹ, Italia, đã tập trung tại Cung điện hoàng gia Turin vào tháng 10/1978 để tiến hành một cuộc kiểm tra liên tục trong 5 ngày nhằm vén tấm màn bí ẩn tồn tại đã quá lâu. Họ đã chụp ảnh, chụp X – quang tấm vải, thậm chí được tháo đường may để kiểm tra kỹ hơn và dùng máy hút để lấy mẫu bụi và phấn hoa.
Cùng năm đó, chuyên gia về vi thể nổi tiếng thế giới, một thành viên của STURP là Walter McCrone cũng bắt đầu sử dụng kính hiển vi điện tử để kiểm tra gần 32 mẫu vải và sợi lấy từ các vùng khác nhau của tấm vải liệm. Ông đưa ra một kết luận đáng chú ý: Hơn một nửa số mẫu, bao gồm những mẫu lấy ở vùng thân mình của người đàn ông và những nơi có vết máu, có chứa một lượng đáng kể thuốc nhuộm làm từ ôxít sắt và màu keo. Phát hiện này cho thấy, hình ảnh người đàn ông có thể là tác phẩm của một nghệ sĩ và nhiều khả năng không phải là kết quả của một sự can thiệp thần thánh nào đó.
Tin tức về phát hiện nói trên đã phát đi những cơn sóng hoang mang với nhiều thành viên STURP vẫn đang phân tích mẫu. McCrone trở thành nhà khoa học hiện đại đầu tiên tuyên bố tấm vải liệm thành Turin là một “bức tranh hoàn hảo”. Tuy nhiên, kết luận của ông dẫn đến rạn nứt với cả nhóm. Không lâu sau đó, McCrone xin rút khỏi dự án. Năm 1980, những bài báo khoa học đầu tiên liên quan đến cuộc điều tra của STURP vào năm 1978 mới được công bố. Đa số đưa ra những bằng chứng chống lại kết luận của McCrone và một số xác nhận rằng, các mẫu vải đã cho kết quả là có dấu tích của máu.
Mặc dù STURP là dự án thu thập được số lượng lớn nhất các dữ liệu xung quanh tấm vải liệm thành Turin, nhưng lại không được công nhận về những thông tin liên quan đến tuổi của vật báu này. Tháng 4/1988, ba phòng thí nghiệm độc lập, một thuộc Đại học Oxford (Anh), một thuộc Đại học Arizona (Mỹ) và một thuộc Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ ở Zurich đã có cơ hội đầu tiên được xét nghiệm tấm vải bằng phương pháp định tuổi carbon phóng xạ. Kết quả của xét nghiệm này đã làm kinh ngạc cả thế giới.
Ba phòng thí nghiệm nói trên được phép lấy mẫu từ tấm vải thành Turin nhằm tiến hành ba phân tích riêng rẽ và độc lập. Ngày 13/10/1988, các kết quả từ ba phòng thí nghiệm được công bố: Tấm vải được xác định là ra đời từ khoảng năm 1260 đến 1350 sau Công nguyên. Ngay lập tức, các tờ báo lớn trên khắp thế giới đồng loạt giật các dòng tít lớn gọi “tấm vải liệm thành Turin” là đồ giả, đồng thời thông báo, Nhà thờ Công giáo đã chấp nhận kết quả này.
Khoa học và đức tin
Tuy vậy không phải ai cũng đồng ý với kết quả định tuổi carbon phóng xạ. Theo một số nhà khoa học, độ tin cậy của phương pháp này không phải là tuyệt đối, đặc biệt trong trường hợp các mẫu bị nhiễm bẩn, do đã qua tay quá nhiều người trong nhiều thế kỷ, và những mẫu sợi được lấy để phân tích có thể là từ những miếng vá và đường viền chứ không phải từ tấm vải gốc.
Giáo hoàng Benedict XVI chiêm ngưỡng “vải liệm Chúa Jesus”.
Dù sự thật là gì, nhiều người vẫn tiếp tục tin tưởng “tấm vải liệm thành Turin” chính là vật đã bao bọc thi thể Chúa Cứu thế. Không ai có thể giải thích thỏa đáng làm thế nào mà hình ảnh âm bản giống như 3D đã xuất hiện trên tấm vải. Đó thực sự là bí ẩn lớn nhất.
Mùa hè năm 2002, tấm vải lại trải qua một thử thách quan trọng khác. Được sự cho phép của Tổng Giám mục Turin và giới chức Vatican, một nhóm chuyên gia về vải sợi dẫn đầu là Mechtild Fleury – Lemberg, người Thụy Sĩ, đã tiến hành một cuộc phục hồi gây nhiều tranh cãi khi nó diễn ra bí mật, cực đoan và không tham vấn bất cứ nhà nghiên cứu nào về vải liệm Chúa Jesus. Toàn bộ các miếng vá được các nữ tu Claret khâu vào năm 1534 sau vụ hỏa hoạn tại Chambery (Pháp) đã được dỡ bỏ. Lớp vải từng được họ khâu vào mặt sau nhằm gia cố cho tấm vải liệm cũng bị loại bỏ để chụp ảnh mặt trái của thánh tích trước khi được thay bằng một lớp vải lanh mới, mỏng và nhạt màu hơn. Các chuyên gia cũng cạo bỏ phần rìa cháy của các lỗ thủng và thu gom mẩu vụn vào các lọ đựng.
Đồ lưu niệm in hình ảnh người đàn ông trên tấm vải được bán tại Turin
Dựa trên những nghiên cứu gần đây và kết quả của cuộc điều tra của dự án STURP vào năm 1978, tiến sĩ Raymond Rogers, một nhà hóa học kiêm cựu thành viên STURP, tin rằng những kỹ thuật được sử dụng để định tuổi hiện vật của ba phòng thí nghiệm độc lập vào năm 1988 đã có sai sót. Rogers đề xuất một cuộc điều tra mới, sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn và những mẫu tốt hơn để định tuổi. Kết quả định tuổi carbon phóng xạ vào năm 1988 đã kết luận tấm vải ra đời vào thời Trung cổ, đồng nghĩa đây là tấm vải liệm giả. Tuy nhiên, theo ông Rogers, có khả năng tấm vải ra đời sớm hơn nhiều.
Nhà hóa học này đã tiến hành một thí nghiệm mới để định tuổi. Tháng 12/2003, ông sử dụng các mẫu sợi từ tấm vải liệm thành Turin để phân tích carbon phóng xạ và đi tới một khám phá kinh ngạc, được công bố vào tháng 1/2005. Rogers phát hiện, mẫu xét nghiệm trong cuộc điều tra năm 1988 đúng là có niên đại từ thời Trung cổ, nhưng đó là những mẫu lấy từ phần vải vá của các bà xơ vào khoảng năm 1260 – 1390. Trên thực tế, phần còn lại của báu vật này cổ xưa hơn nhiều. Rogers cho biết, ông đã phân tích hàm lượng vanillin, một hợp chất hóa học có từ sợi lanh dùng để dệt vải, vốn sẽ biến mất dần theo thời gian, với tốc độ có thể tính toán được. Các mẫu mà ông nghiên cứu hầu như không còn bất cứ dấu vết vanillin nào, cho thấy tấm vải có thể có tuổi từ 1.300 – 3.000 năm tuổi, tức là nằm trong thời đại của Chúa Jesus, thay vì khoảng 700 năm tuổi như suy luận trước đây.
Trong số những cuộc tranh cãi vào nửa sau của thế kỷ 20, thậm chí còn có ý kiến cho rằng nghệ sĩ thiên tài Leonardo da Vinci chính là người làm giả tấm vải liệm Chúa Jesus. Năm 2009, nhà tư vấn đồ họa Lillian Schwartz, làm việc tại Trường Nghệ thuật thị giác ở New York, đã khẳng định tấm vải liệm in hình ảnh mô phỏng gương mặt của Leonardo Da Vinci chứ không phải của Chúa Jesus và chính nghệ sĩ đa tài và cực kỳ hiểu biết về giải phẫu học này phải chịu trách nhiệm vì đã làm giả thánh tích.
Nhưng không khó để bác bỏ quan điểm nực cười đó, vì Leonardo Da Vinci sinh năm 1452 trong khi tấm vải liệm đã được trưng bày từ năm 1353 ở Lirey, miền bắc nước Pháp. Leonardo hẳn là một thiên tài không thể tin được nếu đã sáng chế ra tấm vải liệm 100 năm trước khi ông chào đời!
Mặc dù chưa bao giờ tuyên bố về tính xác thực của tấm vải liệm ở Turin, nhưng đầu tháng 5/2010, Giáo hoàng Benedict XVI đã tới thành phố miền bắc Italia để chiêm ngưỡng di vật mà hàng triệu tín đồ Kitô giáo tin là thánh tích của Chúa Jesus. Sau khi cầu nguyện trước tấm vải liệm, Đức Giáo Hoàng đã mô tả đây là “một biểu tượng được vẽ bằng máu của một người bị đánh bằng roi da, bị kẹp bằng vòng gai và bị đóng đinh trên cây thập tự. Nhưng mỗi dấu vết máu đó đều nói lên tình yêu và cuộc sống”. Trong 6 ngày tấm vải liệm được trưng bày tại Turin, gần 2 triệu lượt người đã tới tham quan cổ vật là tâm điểm của các cuộc tranh cãi kéo dài trong suốt hơn 6 thế kỷ qua.
Tấm vải liệm thành Turin là vật thần bí, nhưng nó không phản ánh những nghi vấn về việc liệu Chúa Jesus là một nhân vật lịch sử, là con Chúa Trời hay là người sống lại từ cõi chết. Cả các nhà khoa học và tôn giáo đều thừa nhận rằng khoa học và đức tin là hai lĩnh vực khác nhau và song hành. Tấm vải thành Turin là vải liệm thi thể Chúa khi người qua đời và phục sinh, hay là vật được tạo ra sau thời kỳ Chúa Jesus? Dù thế nào, điều đó cũng không làm thay đổi điều gì đối với đức tin của hàng triệu tín đồ Thiên Chúa giáo. Ở góc độ khoa học, nhiều người cho rằng, nếu không phải là một thánh tích thì tấm vải vẫn cần được tôn kính vì giá trị vô cùng hoàn hảo và bí ẩn của việc tạo ra nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét