Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

7 bài học cho người thành công (phần 2)




Nối tiếp câu chuyện của David Ponder - Nhân vật chính trong cuốn sách "Hành trình trí tuệ", trong phần 2 của loạt bài này, chúng tôi xin giới thiệu 4 bài học thành công tiếp theo.

Chúng ta đều biết Christopher Columbus và câu chuyện tìm ra châu Mỹ của nhà thám hiểm lừng danh này. Và hẳn ai cũng nhớ cách ông kích thích mọi người tìm một chỗ đứng cho mình quanh bàn để xem ông chứng minh một điều rằng: những việc người khác không làm được thì ông làm được và Columbus dành được tài trợ từ Nhà vua Tây Ban Nha - Ngài Ferdinand - cho hành trình đi tìm “vùng đất trong mơ” của mình.

Trên chuyến hành trình kiếm tìm con đường mới nối châu Âu và châu Á, khả năng định hướng, nuôi dưỡng tầm nhìn, cũng là phẩm chất của một người thuyền trưởng - đã tạo nên một nhà chân dung nhà thám hiểm vĩ đại này.

Trong cuộc gặp gỡ giữa David và Columbus, nhà thám hiểm chia sẻ với David những suy nghĩ nội tâm của ông.

Lúc khó khăn nhất - biển nổi sóng to gió lớn, thủy thủ đoàn đình công, ông đã thuyết phục các thủy thủ nổi loạn trên tàu chỉ bằng một khao khát cháy bỏng, một lòng kiên định hiếm có về tầm nhìn của mình - rằng chắc chắn có một con đường đến châu Á theo một hải trình mới. Chuyến đi này giúp ông đặt chân đến châu Mỹ. Rất nhiều lần thủy thủ đoàn muốn bỏ cuộc nhưng Columbus tuyên bố: “Quay ngược hành trình là bước đi của một kẻ ngốc. Nó không chỉ đồng nghĩa với thất bại mà còn đồng nghĩa với cái chết không thể tránh khỏi”.

Với sức mạnh của lòng kiên định, ông đã thuyết phục được mọi người.

Bài học thứ 4: Tôi có một trái tim kiên định

Tôi có một trái tim kiên định. Tôi tin chắc vào tầm nhìn tương lai của mình, những suy nghĩ và hành động của tôi sẽ luôn hướng về phía trước. Sẽ không bao giờ lạc vào khu rừng tăm tối của nỗi hoài nghi hay đầm lầy của sự ân hận. Hành trình của tôi đã được xác định, vận mệnh của tôi đã được định đoạt.

Trong chuyến du hành này David còn gặp một nhân vật bé nhỏ, đó là cô bé Anne Frank với cuốn “Nhật ký Anne Frank” được cô viết trong những ngày sống dưới hầm nhà để tránh việc săn tìm và tiêu diệt những người gốc Do Thái của Đức Quốc xã.

Trong bóng tối của căn hầm, trong tình trạng thiếu thốn đủ điều, trong viễn cảnh tương lai gần như bị tước đoạt, Anne Frank vẫn thể hiện thái độ và tinh thần tích cực, lạc quan hiếm thấy. Cô bé đã dạy cho David cách đón nhận cuộc sống một cách tích cực: “Cháu chọn lòng biết ơn, cháu chọn không phàn nàn”. Cuộc sống của chúng ta được hình thành từ những sự lựa chọn. “Nhưng nếu có lúc nào đó cháu thấy không vui thì ngay lập tức, cháu sẽ chọn hạnh phúc. Cuộc sống của cháu là kết hợp của những cuốn sách mà cháu đã chọn đọc, những người cháu chọn để lắng nghe và những suy nghĩ cháu chọn sẽ giữ trong đầu”.

Với cái nhìn lạc quan như vậy, Anne Frank đã gởi lại ngày hôm nay một thái độ sống và gởi lại một bài học viết bằng bút chì cho David, “Hôm nay, tôi sẽ chọn hạnh phúc”.

Bài học thứ 5: Hôm nay, tôi sẽ chọn hạnh phúc

Hôm nay, tôi sẽ chọn hạnh phúc. Tôi sẽ chào đón mỗi ngày mới bằng những tiếng cười. Hôm nay, tôi sẽ chọn hạnh phúc. Tôi sở hữu một tinh thần biết ơn. Thượng Đế đã ban cho tôi rất nhiều món quà mà tôi sẽ luôn luôn ghi nhớ và biết ơn.

Hành trình lại đưa David quay ngược lại quá khứ. Ở đây, anh gặp một nhân vật lịch sử: Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Anh được ông khuyên rằng hãy đi tìm ánh sáng, hãy dũng cảm đón nhận ánh sáng và ông dự đoán, anh sẽ trở thành ngọn hải đăng trong lĩnh vực phát triển cá nhân, dùng tấm gương và sự dẫn dắt của mình để giúp những người khác tránh khỏi việc sống một cuộc đời tầm thường. Cũng chính từ Abraham Lincoln, anh học được sự khoan dung và cách làm chủ cảm xúc vì Abraham vốn được xem là “một tay luật sư nhà quê, một kẻ ngoại đạo thô lỗ, lóng ngóng, diện mạo bên ngoài không được cuốn hút cho lắm”.

Nhưng ông đã quyết định rằng nếu để cho bất cứ lời thị phi nào từ bên ngoài ảnh hưởng đến mình thì ông không bao giờ có thể tập trung vào sứ mạng cao cả của mình. Ông rời căn lều, nơi ông gặp David để đọc bài diễn văn trong lịch sử mang tên “Diễn văn Gettysburg”. Bài diễn văn ca ngợi những con người đã hy sinh cho cuộc chiến giải phóng nô lệ, bảo vệ tinh thần tự do – cái đã tạo nên tình thần nước Mỹ.

David rơi nước mắt khi A. Lincoln - sau bài phát biểu - đến gặp và dặn anh một điều quan trọng: “Người quan trọng nhất mà anh phải khoan dung, tha thứ chính là bản thân anh. Vợ anh, con cái anh, bạn bè anh không hề tức giận với anh, vậy tại sao anh lại tức giận với chính bản thân mình?”. Đó chính là bài học mà vị Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ Abraham Lincoln đã dạy cho David.

Bài học 6: Tôi sẽ chào đón ngày hôm nay bằng tinh thần khoan dung

Tôi sẽ chào đón ngày hôm nay với lòng khoan dung. Giờ thì lòng khoan dung mà tôi gìn giữ đã đâm chồi trong trái tim tôi giống như một hạt hỏng cho quả đắng. Tôi sẽ chào đón ngày hôm nay bằng tinh thần khoan dung. Tôi sẽ tha thứ cho cả những người không yêu cầu sự tha thứ đó. Tôi sẽ tha thứ cho những người chỉ trích tôi một cách không công bằng. Tôi tha thứ cho sự thiển cận của họ và tôi vẫn tiếp tục tiến lên phía trước.

Giờ đây, tôi biết rằng sự chỉ trích là một phần cái giá phải trả để chiến thắng quá khứ tầm thường. Tôi sẽ chào đón ngày hôm nay bằng tinh thần khoan dung. Tôi sẽ tha thứ cho chính bản thân mình. Mỗi sai sót, mỗi sự tính toán sai lầm, mỗi sự vấp ngã mà tôi đã trải qua cứ lặp đi lặp lại trong óc tôi. Mỗi lời hứa không thực hiện được, mỗi ngày bị lãng phí, mỗi mục tiêu không hoàn thành đều tích tụ lòng phẫn nộ. Hôm nay, tôi nhận ra rằng, tôi không thể chiến đấu với một kẻ thù đang trú ngụ trong đầu tôi. Chỉ có cách tha thứ cho chính mình, tôi mới có thể xóa bỏ những nghi ngờ, những nỗi sợ hãi và thất vọng khiến cho quá khứ cứ đeo bám hiện tại của tôi. Cuộc sống của tôi mới chỉ bắt đầu.

Bài học cuối cùng mà David được dạy là bài học về đức tin. Nhân vật đã dạy cho David bài học quý báu này là một thiên sứ. Khi thiên sứ định nghĩa “Đức tin là sự tin tưởng vào điều mà người ta chưa từng thấy. Phần thưởng của đức tin là nhìn thấy điều người ta đã tin tưởng”. Sau đó, thiên sứ kể ra hàng loạt những hoài nghi của con người khi chỉ biết trông cậy vào lý trí hạn hẹp của mình.

Ông khẳng định: “Hoàn cảnh thống trị kẻ yếu. Ngược lại, hoàn cảnh là vũ khí của người khôn ngoan, chỉ cần một điều duy nhất là người khôn ngoan không từ bỏ đức tin”. Chính lúc này, David nhận ra một tia sáng lạ lùng khởi phát trong mình và từ đó đưa anh đến hình ảnh cuối cùng trong chuyến hành trình là hình ảnh của một diễn giả đang diễn thuyết trước hơn 30 ngàn người. Ở đây, anh thấy lại toàn bộ câu chuyện của mình.

Anh lần lượt thấy tất cả các câu chuyện được các nhân vật lịch sử lỗi lạc truyền dạy lại cho mình. Và ở đây, anh đã kể lại câu chuyện kì diệu của đại tá Chamberlain. Khi cuộc chiến chấm dứt, Đại tá Chamberlain làm thống đốc dưới chính quyền của tổng thống Abraham Lincoln. Ông nhận được một bức thư của một người lính phe bên kia kể lại tình huống anh ta đã nắm trong tay tính mạng của ngài Đại tá trong trận chiến trên đỉnh đồi Little Round. Nhiều lần anh ta nhắm bắn ông vì anh ta biết rằng hạ được ông thì quân đội miền Nam sẽ có nhiều lợi thế nhưng cuối cùng, không biết vì lý do gì, cảm giác kỳ lạ ngăn anh ta thực hiện điều đó và cho đến giờ, anh ta vô cùng vui mừng vì đã không ra tay vào lúc đó. Điều gì đã che chở cho ngài Chamberlain? Trong vai người diễn thuyết, anh chàng David đã kết luận: “Chúng ta sống dưới sự bảo vệ của một hàng rào gai - cho đến khi chúng ta hoàn thành sứ mạng của mình trên Trái Đất này - thì chúng ta không thể bị tổn hại”.

Bài học thứ 7: Tôi sẽ kiên định trong mọi hoàn cảnh


Tôi sẽ kiên định trong mọi hoàn cảnh, tôi sẽ tiếp tục cho dù kiệt sức. Tôi nhận thấy hầu hết mọi người đều bỏ cuộc khi cảm thấy kiệt sức. Tôi mạnh mẽ hơn hầu hết mọi người. Tôi sẽ kiên định đến cùng.

Tôi là một người có đức tin mạnh mẽ. Kể từ ngày hôm nay, tôi sẽ giữ vững niềm tin chắc chắn vào tương lai của mình. Tôi sẽ không nhìn khắp bốn phương tám hướng, tôi sẽ chỉ nhìn về phía trước. Đối với tôi đức tin luôn là điều sáng suốt hơn lý trí bởi lý trí chỉ có thể đi xa đến một giới hạn nhất định còn đức tin thì không có giới hạn. Tôi sẽ hy vọng vào những phép màu trong cuộc sống bởi tôi tin vào phép màu. Tôi tin vào tương lai mà tôi nhìn thấy.


Và rồi David bừng tỉnh, thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Anh thấy mình không chết và vẫn còn đầy đủ vợ, con bên cạnh. Anh biết mình vừa trở về từ một giấc mơ kỳ lạ. Anh lập tức ngồi dậy viết lại 7 bài học vừa được học. Anh quyết định khắc ghi nó trong tim. Anh đã trở thành con người khác và anh biết rằng cuộc sống đã yêu mến anh.

Đây chính là câu chuyện mà tác giả của nó - Andy Andrews - đã được mời đến Nhà Trắng và gặp gỡ các nhà lãnh đạo trên thế giới. Bốn Tổng thống Mỹ  khác nhau đã mời ông làm diễn giả tại Nhà Trắng và cuốn sách “Hành trình trí tuệ” được bình chọn trong danh sách Best seller của tạp chí New York Times trong thời gian dài. Nó là một câu chuyện đơn giản nhưng kỳ diệu. Nó đã xuất hiện rất đúng lúc, nhất là với những ai đang cảm thấy bế tắc và chán nản trong cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét