“… Đức dũng đi đôi với Lòng nhân, Võ thuật đi kèm với Võ đạo. Người Việt Võ Đạo Sinh chỉ được dụng võ khi đã đặt vào đó một tình thương…”
Các môn đệ thân mến,
Hôm nay, chúng ta đề cập tới ý nghĩa lối nghiêm lễ của Vovinam Việt Võ Đạo. “Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái” được dùng để mở đầu cho mọi sinh hoạt giao tiếp trong các dịp gặp mặt, trước các buổi lễ, trước và sau khi biểu diễn hay giao đấu…
Bàn tay biểu tượng cho sức mạnh là bàn tay thép. Trái tim biểu trưng cho tình thương là trái tim từ ái. Bàn tay thép, do công phu luyện tập mà thành, trái tim từ ái do thấm nhuần tinh thần võ đạo mà có.
Khi đặt tay lên tim nghiêm lễ, người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo luôn phải nhớ rằng: chỉ được dùng võ khi đã đặt vào đó một tình thương, tức là bàn tay thép phải đi đôi với trái tim từ ái; đức dũng phải đi đôi với lòng nhân; võ thuật phải song hành với võ đạo. Người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo chỉ dùng võ để cảnh cáo, cảm hóa, khuyến dụ người chứ không dùng võ để trừng phạt, trả thù người, chớ không với tính cách thuần võ thuật, tàn bạo, áp bức người phải tuân hành ý mình.
Ngoài ra, khi đặt tay lên tim còn phải nghĩ rằng: chúng ta cùng chung sống trong cộng đồng nhân loại, cùng có trái tim và dòng máu đỏ như nhau; cần yêu thương, che chở, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau; cần luôn khích lệ nhau làm việc lợi ích cho Gia đình, Tổ quốc và Nhân loại.
Bàn tay thép cũng là biểu tượng cho đức dũng, và trái tim từ ái còn là biểu tượng của lòng nhân. Đức dũng phải có lòng nhân đi kèm. Dũng và Nhân cần phải có Trí phối kiểm, điều hòa mới sáng suốt để biểu lộ đúng chỗ, đúng lúc. Người học võ muốn có đầy đủ những đức tính trên phải rèn luyện, học tập và hàm dưỡng về cả Tâm – Trí – Thể, về cả Võ thuật lẫn Võ đạo mới không xuẩn động trong hành xử. Để rồi hoặc là tàn bạo, độc ác hoặc là nhu nhược, yếu hèn; đó là những thói tật cản trợ sự thành công và mất đi lòng người tâm phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét