Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Thực hư về tin đồn Lê Văn Luyện đã chết trong trại giam

(Kênh 13) – Có thể nói vụ án Lê Văn Luyện đã khép lại nhưng xung quanh vụ án này vẫn còn không ít những thông tin nhiều chiều và đồn thổi, khiến dư luận hoài nghi, khó hiểu. Ngoài những băn khoăn về một số tình tiết trong vụ án, còn xuất hiện tin đồn Luyện đã bị đánh chết trong trại giam (?).

Để giải mã những “bí ẩn” phía sau vụ án động trời này, nhóm PV  đã triển khai thực hiện một loạt bài điều tra công phu nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn nhiều chiều hơn…
Kỳ 1: Thực hư về tin đồn Lê Văn Luyện đã chết trong trại giam
Gần đây, dư luận rộ lên tin đồn sát thủ Lê Văn Luyện bị đánh chết trong trại giam, khiến cái tên của hắn lại được nhắc đến nhiều. Và thực tế, trên các trang báo, hơn một năm qua, hình ảnh của Lê Văn Luyện trong trại giam đã không xuất hiện. Có lẽ điều đó càng khiến nhiều người tin rằng, Luyện đã chết(?!). Để làm rõ thực hư sự việc, PV báo Đời sống và Pháp luật đã lặn lội vượt hàng trăm cây số, tiếp cận những thông tin độc quyền về gã sát thủ kinh hoàng này.
Thực hư về tin đồn Lê Văn Luyện đã chết trong trại giam - Ảnh 1
 Sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện sau song sắt.
Phóng viên được khuyên nên… quay về
Chuyến xe đưa đoàn phóng viên chúng tôi từ thành phố Vinh ngược lên huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đúng vào dịp rét đậm, rét hại. Đây là nơi có trại giam số 3 (thuộc Tổng cục VIII, bộ Công an) đóng trên địa bàn. Sau khi thảm án giết người, cướp tiệm vàng ở phố Sàn (Bắc Giang) được đưa ra xét xử, Lê Văn Luyện được chuyển vào đây, bắt đầu chuỗi ngày cải tạo. Khi những tin đồn Lê Văn Luyện bị chết trong trại giam được đẩy lên rầm rộ, nhóm phóng viên chúng tôi nhanh chóng lên đường từ Hà Nội vào thành phố Vinh, rồi ngược lên huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để tìm đến trại giam số 3 (Tổng cục VIII, bộ Công an). Vượt khoảng 400 km đường dài, dù vất vả nhưng anh em trong đoàn đều quyết tâm tìm hiểu, làm rõ thực hư sự việc. Trong hành trình chuyến công tác đến Nghệ An, chúng tôi cũng cố gắng nghe ngóng, nắm bắt những thông tin từ các đồng nghiệp nhưng xem ra họ không nắm được nhiều về cuộc sống hiện tại của Lê Văn Luyện. Thậm chí, một đồng nghiệp báo bạn còn khuyên chúng tôi nên quay trở về vì lý do: “Chắc chắn sẽ không thể gặp được Luyện! Một số đoàn nhà báo trước đó cũng đến đây đặt vấn đề xin tiếp xúc với Lê Văn Luyện nhưng vì một số lý do tế nhị, Ban giám thị trại giam chưa đồng ý cho gặp. Trên thực tế, khoảng hơn một năm trở lại đây, không thấy Luyện xuất hiện trên mặt báo, chẳng hiểu hắn sống chết ra sao!?…”.
Nghe đồng nghiệp cảnh báo như vậy, chúng tôi cũng phần nào hình dung ra được những khó khăn phía trước. Thế nhưng, không gặp được Lê Văn Luyện hay chí ít cũng không có một tấm hình mới nhất về hắn thì việc  xác minh tin đồn Luyện bị đánh chết trong trại giam là đúng hay sai, sẽ rất khó, đặc biệt là để thuyết phục bạn đọc sẽ càng khó khăn hơn. Bởi vậy, dù thế nào thì chúng tôi cũng phải quyết tâm làm rõ sự tình.
Sau khoảng 11 tiếng đồng hồ rong ruổi trên đường, cuối cùng cánh cổng trại giam số 3 cũng hiện ra trước mặt chúng tôi. Theo quan sát của phóng viên, trại giam này được bao bọc xung quanh chủ yếu là địa hình rừng núi, biệt lập với khu dân cư. Cái lạnh cắt da, cắt thịt của những ngày đầu năm càng khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.
Tiếp phóng viên, một cán bộ trại giam chia sẻ: “Các anh chị từ dưới xuôi lên có lẽ sẽ khó chịu đựng được thời tiết ở đây, cái lạnh thì tê tái, còn sức nóng và khô hanh của gió Lào thì khó mà tả nổi. Thế nhưng, với chúng tôi thì điều đó quá quen rồi. Giờ, các anh chị lên đây, bộ mặt của trại đã thay đổi rất nhiều rồi đấy, khang trang hơn trước. Trại giam số 3 chỉ có phạm nam, không có phạm nữ và đa phần là có mức án cao, thậm chí có nhiều trường hợp từng là đại ca giang hồ lẫy lừng một thời, nhưng vào đây đã được cán bộ trại giam cảm hóa, thuần phục. Hai năm qua, ở đây không có trường hợp nào trốn trại”.
Tin đồn lan đến tận trại giam
Khi được hỏi về tin đồn, một số cán bộ trong trại bảo rằng: “Cách đây không lâu, chúng tôi có nghe phong thanh về tin đồn phạm nhân Lê Văn Luyện bị chết trong trại giam, nhưng thực tế thì đâu có phải như vậy”. Còn một số cán bộ khác trong trại thì tròn mắt, tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao người ta lại tung tin đồn thất thiệt như vậy nhỉ? Làm gì có chuyện Luyện bị đánh chết hay bị thủ tiêu? Cậu ta vẫn khỏe mạnh bình thường, ngày nào chẳng lao động cải tạo đúng giờ giấc theo quy định!…”.
Một số cán bộ quản giáo thuộc phân trại 1 cũng cho biết, so với trước đây, trông Luyện hồng hào, khỏe mạnh hơn nhiều, không còn trắng bủng như hồi mới chuyển từ trại tạm giam ra. Luyện giảm khoảng gần chục kg nhưng trông rắn rỏi, nhanh nhẹn hơn hẳn. Đôi khi Luyện cũng tâm sự rằng hắn nhớ bố mẹ, gia đình và các em, đặc biệt là cậu em út mới 6 tuổi đầu. Có lần Luyện thắc mắc, tại sao trước đây mình được cho phép gọi điện thoại về gia đình là 10 phút/tháng, nhưng giờ chỉ được gọi 5 phút/tháng. Khi đó, cán bộ quản giáo đã giải thích cho Luyện biết, theo quy định, chế độ quản lý đối với người thành niên và chưa thành niên là khác nhau. Từ đó, không còn thấy Luyện thắc mắc nữa. Trước đây, Luyện ít khi quan tâm đến sách báo, nhưng gần đây, Luyện cũng đã quan tâm đến một số cuốn sách dạy về dưỡng sinh. Theo quy định, buổi tối, sau khi ăn cơm, các phạm nhân sẽ xem ti vi, đọc sách báo đến 21h thì đi ngủ.
“Lâu lắm mới có nhà báo gặp Luyện”
Trăm nghe không bằng một thấy. Dù chúng tôi biết Luyện vẫn còn sống và khỏe mạnh bình thường qua lời kể của cán bộ trại giam, nhưng nếu không có một tấm hình mới nhất về hắn ta thì có lẽ những tin đồn kiểu như Luyện bị đánh chết hoặc bị thủ tiêu trong trại giam vẫn sẽ còn âm ỉ, chưa thể chấm dứt bên ngoài dư luận. Bởi vậy, nhóm PV đề nghị được tiếp xúc với Lê Văn Luyện, để khẳng định với dư luận rằng, Luyện còn sống, tin đồn trên chỉ là thất thiệt.
Tuy nhiên, theo giải thích của cán bộ ở đây, sau khi được chuyển về trại, tâm lý của Luyện cũng dần có chuyển biến, bắt đầu thể hiện sự ăn năn hối cải. Thế nhưng, nếu muốn đánh giá một con người cải tạo tốt, toàn tâm toàn ý hướng thiện thì cần phải có thêm thời gian. Chính vì thế, họ đành khất hẹn đoàn PV dịp khác lên trại, họ sẽ bố trí cho gặp Luyện, khi đó cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra cởi mở hơn bây giờ.
Phải rất vất vả và mất nhiều thời gian để chúng tôi thuyết phục, sang ngày hôm sau, cuối cùng thì Ban giám thị trại giam cũng đồng ý sắp xếp cho chúng tôi một buổi gặp gỡ với Lê Văn Luyện. Nói như một cán bộ ở đây: “Lâu lắm rồi mới có đoàn nhà báo gặp Luyện”!
Trong trại, Luyện được học giáo dục ông dân, học nghề làm mi mắt giả
Theo trung tá Nguyễn Sỹ Chương, Đội trưởng Đội trinh sát (trại giam số 3) cho biết, hiện tại phạm nhân Lê Văn Luyện được phân về đội 7, phân trại 1, trại giam số 3. Khi mới được đưa từ trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang vào đây, Lê Văn Luyện cũng như các phạm nhân mới khác được tạo điều kiện học giáo dục công dân. Sau đó, Luyện được hướng dẫn học nghề khoảng 2 tháng và công việc lao động hiện tại là làm mi mắt giả.
Kẻ sát nhân mong gia đình vào thăm
Theo các cán bộ ở đây, ngày Luyện vừa được chuyển vào trại giam số 3, gia đình hắn có khoảng gần chục người đến thăm gặp, động viên hắn cải tạo cho tốt. Ban giám thị trại giam đã tạo điều kiện để họ gặp nhau mấy tiếng đồng hồ. Lúc chia tay mẹ, cậu và những người thân khác, Lê Văn Luyện tỏ ra quyến luyến, hứa sẽ cải tạo tốt để phần nào chuộc lại lỗi lầm. Tuy nhiên, cũng từ ngày đó đến nay, tức là gần 2 năm qua, không có ai trong gia đình Luyện vào thăm hắn, có lẽ là do điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá xa xôi, cách trở. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, cán bộ quản giáo đã tiếp xúc, động viên Luyện rất nhiều để hắn vơi đi nỗi nhớ nhà. Những ngày này, quan sát từ bên ngoài, Luyện không có biểu hiện gì buồn bã chán chường, hắn vẫn ăn ngủ, cải tạo bình thường.

Hường – Tuân – Giáp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét