Mới đây, dư luận cả nước được một phen rúng động trước thông tin về cái chết đau đớn của cô bé Đặng Thị Trâm (2 tuổi) do người chị họ là Nguyễn Thị Hà (12 tuổi) gây ra. Bởi ít ai có thể tin rằng, một cô bé “măng sữa” như Hà lại mang trong mình thói côn đồ, dám ra tay hành hung và giết người
Câu chuyện đau lòng trên đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc làm cha, làm mẹ về sự ảnh hưởng của môi trường sống đến nhận thức và tâm lý của trẻ.
Những sát thủ mang gương mặt trẻ thơ
Hành động giết người dã man của cô bé Nguyễn Thị Hà (Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thật đáng buồn và đáng trách; đáng trách bởi nhận thức của em còn non nớt chưa nhận thức đầy đủ được hành động sai trái của mình. Đáng buồn hơn là những thù hằn, đố kỵ của người mẹ đã gieo rắc vào đầu em, trở thành đỉnh điểm và kết thúc bằng một vụ án mạng đau lòng.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thủ phạm giết người là những “sát nhân nhí” nhưng cái chết oan uổng của cô bé Trâm tội nghiệp vẫn khiến dư luận bàng hoàng, thậm chí nhiều người tỏ thái độ căm phẫn với hành động dã man của cô chị họ 12 tuổi. Bởi người ta không thể hiểu tại sao một cô bé “vắt mũi chưa sạch” có khuôn mặt trẻ thơ như Hà lại ẩn chứa những hành động bạo lực, phi nhân tính như thế?
Tại sao em có thể thản nhiên hành hạ và sát hại em họ mình mà không chút sợ hãi hay mảy may hối hận. Và, khi bị lên án vì hành động sai trái đó, em vẫn mặc nhiên đổ lỗi cho người khác. Càng đau xót hơn, khi biết rằng động cơ, mục đích phạm tội của em lại xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt từ gia đình và môi trường sống xung quanh. Bởi, cách hành xử thiếu chuẩn mực của người lớn đã vô tình biến em thành một kẻ sát nhân mà không hề hay biết. Người ta cũng đặt ra nhiều mệnh đề “giá như” – “thì có lẽ” đầy tiếc nuối, giá như các bậc làm cha, làm mẹ quan tâm hơn đến việc giáo dục các em, giá như họ chú ý hơn trong việc ứng xử hàng ngày… thì có lẽ… Đây cũng là một bài học đau lòng cho các bậc làm cha, mẹ.
Xưa nay, người ta đánh giá cao vai trò môi trường sống đối với việc phát triển nhận thức của trẻ nhỏ nhưng việc đánh giá và thực hiện lại có một khoảng cách khá xa. Do bận rộn với công việc, mải mê kiếm tiền nên nhiều phụ huynh đã không có phương pháp giám sát con em mình kịp thời. Tâm lý chưa phát triển, nhận thức về các vấn đề xã hội còn chưa sâu sắc nên các em dễ bị “sao chép” hành vi ảnh hưởng từ những người xung quanh. Trong một gia đình, bố mẹ hay cãi vã, bạo hành nhau… thì dẫn đến việc trẻ có tâm lý cáu bẳn, dễ gây gổ và thậm chí là xuất hiện những hành xử kém văn hóa cũng là điều dễ hiểu. Việc sao nhãng trong quản lý, thiếu ý thức trong hành động của các bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình đẩy con em mình vào con đường tội lỗi.
Theo tổng kết sơ bộ của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (bộ Công an), có tới 17% đối tượng từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội hình sự. Một con số đưa ra khiến nhiều người phải giật mình suy ngẫm. Bởi tỷ lệ trẻ em, trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng và hành động ngày càng liều lĩnh. Chắc độc giả vẫn còn nhớ vụ “thảm án phố Sàn” (Bắc Giang) gây xôn xao dư luận cách đây 2 năm.
Khi sát thủ là Lê Văn Luyện- một thiếu niên liều lĩnh, dám ra tay giết người với hành vi hết sức tàn khốc. Nữ sinh 16 tuổi gây ra vụ trọng án với hai cô bạn thân cùng trang lứa trên đường đi học về chỉ vì xích mích nhỏ nhặt. Nguyễn Thị Hoa (16 tuổi) hẹn bạn cùng lớp là Nguyễn Thị Hiền gặp mặt để “nói chuyện”. Trong lúc trao đổi, cả hai xảy ra cãi vã khiến Hoa ức chế rút dao đâm nhiều nhát làm Hiền bị thương nặng còn Nguyễn Thị Hồng Hà vào can thì bị đâm chết. Ngoài ra, còn nhiều vụ án mạng kinh hoàng được gây ra bởi những sát thủ tuổi teen khiến người lớn phải giật mình về mức độ dã man. Ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng các em đã có những hành vi của tội phạm nguy hiểm.
Trẻ con phạm tội, lỗi tại ai?
Các vụ án giết người đều xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là những mâu thuẫn nhỏ nhặt hay ảnh hưởng tâm lý từ gia đình. Theo các chuyên gia nghiên cứu thì việc hạn chế trẻ phạm tội nhất thiết phải có sự kết hợp cả ba mặt: Giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình là quan trọng nhất, vì đó là cái nôi đầu tiên của cuộc đời mỗi con người. Trả lời về vai trò của gia đình đối với việc hình thành nhân cách của trẻ, bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội cho biết: “Gia đình phải dạy bảo con cái giữ được nề nếp gia phong. Dạy cho con có lòng yêu thương, lòng nhân ái, dạy con học tập để nâng cao hiểu biết, điều hay lẽ phải… Vì ở độ tuổi này, có khi chỉ do một sự kích động hay ham muốn nhỏ bé nào đó mà trẻ sẽ phạm tội trong khi chưa nhận thức hết sự nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Hơn nữa, người lớn phải là tấm gương trong hành động để con trẻ noi theo”.
Vẫn biết quá trình phạm tội là hệ quả của một thời gian dài tích tụ chứ không phải là hành động bột phát ngày một, ngày hai hình thành lên. Từ cách hành xử của con trẻ khiến người lớn chúng ta không thôi suy nghĩ về mức độ trầm trọng của vấn đề. Không nên nhìn nhận đây là một vụ việc đơn lẻ mà nên nhìn nhận trong tổng thể tương quan với gia đình và xã hội. Vì nhận thức và hành động của trẻ chính là “phản ánh” lối sống của bậc làm cha mẹ. Như chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói: “Không đứa trẻ nào sinh ra đã hư, nó là sản phẩm nhào nặn của gia đình và xã hội”.
Theo Điều 74 Bộ Luật Hình sự: Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây: 1- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. 2- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
(BNĐT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét