Giao tiếp bao hàm nhiều thứ chứ không chỉ là những ngôn từ chúng ta nói. Ngôn từ chỉ chiếm một phần nhỏ trong sức truyền cảm của thông điệp giao tiếp. Cách chúng ta nói mới là thứ tạo ra khác biệt.
Giao tiếp không chỉ là ngôn từ
Bạn giao tiếp bằng ngôn từ, bằng chất giọng và cơ thể mình: điệu bộ, cử chỉ, biểu hiện. Bạn không thể không giao tiếp. Một vài thông điệp vẫn sẽ được truyền tải ngay cả khi bạn không nói gì và ngồi im. Do đó, giao tiếp liên quan đến việc truyền tải một thông điệp từ người này sang người khác.
Làm thế nào bạn biết được thông điệp bạn gửi đi là thứ người khác nhận được? Bạn chắc hẳn đã có kinh nghiệm trong việc đưa ra những nhận xét trung lập dành cho ai đó và kinh ngạc vì cái mà họ diễn dịch ra. Làm thế nào bạn biết chắc rằng ý nghĩa họ nhận được là điều bạn muốn truyền tải?
Có một bài tập khá thú vị trong những khóa học NLP. Bạn chọn ra một câu đơn giản, “Hôm nay là một ngày đẹp trời”, và có ba thông điệp xúc cảm bạn muốn truyền tải trong câu nói này. Bạn có thể chọn nói câu đó theo cách vui vẻ, đe dọa hay mỉa mai.
Hãy nói câu đó theo ba cách với một người khác mà không thông báo trước cho họ biết ba thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Sau đó, hãy đề nghị người này nói cho bạn biết những thông điệp xúc cảm nào cô ấy thực sự nhận được từ câu nói của bạn. Đôi khi điều bạn muốn truyền tải chính là điều cô ấy cảm nhận được. Nhưng thường thì không phải vậy. Lúc này bạn biết được rằng bạn cần phải làm gì khác với giọng nói và ngôn ngữ cơ thể để bảo đảm rằng thông điệp cô ấy nhận được cũng chính là thông điệp bạn muốn truyền tải.
Giao tiếp bao hàm nhiều thứ chứ không chỉ là những ngôn từ chúng ta nói. Ngôn từ chỉ chiếm một phần nhỏ trong sức truyền cảm của mỗi người chúng ta. Các nghiên cứu cho thấy trong một buổi thuyết trình trước đám đông, 55% tác động đến từ ngôn ngữ cơ thể - điệu bộ, cử chỉ và giao tiếp bằng mắt, 38% đến từ giọng nói của bạn và chỉ 7% đến từ nội dung bài thuyết trình.
Cùng một điệu bộ nhưng sẽ thể hiện những điều khác nhau trong những tình huống khác nhau, và ngôn ngữ cơ thể cũng như giọng điệu có thể tạo ra sự khác biệt lớn đến hiệu quả ảnh hưởng và ý nghĩa của những gì chúng ta nói.
Cách chúng ta nói mới là thứ tạo ra khác biệt
Các diễn viên không hẳn chỉ tập luyện ngôn từ, họ được huấn luyện về giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể. Bất kỳ diễn viên nào cũng phải có khả năng truyền tải ít nhất là một tá những sắc thái ý nghĩa khác nhau của từ “không”.
Tất cả chúng ta đều biểu lộ nhiều sắc thái ý nghĩa trong những hội thoại thường ngày và chắc chắn cũng có hàng tá cách để nói “không”, chỉ là chúng ta không suy nghĩ một cách có ý thức về nó mà thôi.
Margaret Thatcher đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để thay đổi chất giọng của bà. Giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể quyết định liệu từ “Xin chào” đơn thuần chỉ là sự nhận ra nhau, một lời đe dọa, câu chào tình ý hay một lời chào vui vẻ.
Nếu ngôn từ là nội dung của thông điệp thì điệu bộ, cử chỉ, những biểu hiện khuôn mặt và giọng điệu là ngôn ngữ cảnh báo thông điệp và chúng phối hợp với nhau tạo ra ý nghĩa của giao tiếp.
Do đó không có gì bảo đảm rằng người kia sẽ hiểu được thông điệp mà bạn đang cố truyền tải. Bạn hãy đặt ra kết quả trong giao tiếp. Hãy lưu ý đến những phản hồi nhận được và tiếp tục thay đổi điều mình làm hoặc nói cho đến khi nhận được phản hồi mong muốn.
Giao tiếp là một vòng tròn, bạn làm gì để gây ảnh hưởng lên người kia và họ làm gì để gây ảnh hưởng trở lại bạn. Bạn có thể chịu trách nhiệm phần của mình trong vòng tròn này. Bạn đã gây ảnh hưởng lên người khác rồi, lựa chọn giờ đây chỉ là bạn có nhận biết hay không nhận biết được các ảnh hưởng bạn tạo ra.
Theo "NLP căn bản"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét