Ngày nay, cũng như năng lực chuyên môn, trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng đối với thành công của con người trong sự nghiệp. Những nhà tuyển dụng có xu hướng sử dụng chỉ số trí tuệ cảm xúc như một tiêu chí đánh giá năng lực con người khi tuyển dụng và đề bạt.
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh.
Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác: khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.
Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường thành công trong cuộc sống vì họ làm người xung quanh cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với họ. Khi họ gửi email, mọi người thường trả lời ngay. Khi họ cần giúp đỡ, họ sẽ dễ dàng nhận được. Chính vì thế, cuộc sống của người giàu trí tuệ cảm xúc thường dễ chịu hơn những người dễ cáu giận, bực bội.
4 kỹ năng tạo nên trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc là sự kết hợp của bốn kỹ năng:
• Nhận thức về bản thân
• Làm chủ bản thân
• Nhận thức về xã hội
• Làm chủ các mối quan hệ
Hai kỹ năng nhận thức về bản thân và làm chủ bản thân nói về bản thân bạn nhiều hơn. Hai kỹ năng còn lại chú trọng đến cách bạn tương tác với người khác.
Nhận thức về bản thân
Nhận thức về bản thân là khả năng nhận biết những cảm xúc của bạn một cách chính xác vào một thời điểm cụ thể và hiểu rõ bạn có khuynh hướng hành động như thế nào trong tình huống đó.
Bên cạnh đó, nhận thức về bản thân có nghĩa là nắm vững phản ứng thông thường của bạn đối với những sự việc, thử thách và thậm chí đối với những người cụ thể.
Kỹ năng nhận thức về bản thân ở mức độ cao đòi hỏi bạn phải sẵn sàng chấp nhận cảm giác khó chịu khi đối diện trực tiếp với những cảm xúc tiêu cực.
Cách duy nhất giúp bạn thực sự hiểu được cảm xúc của mình là dành thời gian suy nghĩ xem những cảm xúc đó từ đâu mà có và tại sao chúng lại xuất hiện.
Cảm xúc bao giờ cũng phục vụ cho một mục đích nào đó. Bởi vì cảm xúc chính là phản ứng của bạn trước những trải nghiệm trong cuộc sống.
Đôi khi, cảm xúc của chúng ta xuất hiện không rõ nguyên do, vì vậy điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu lý do tại sao hoàn cảnh hiện tại của bạn lại có tác động đủ mạnh khiến bạn có những phản ứng nhất định.
Làm chủ bản thân
Kỹ năng làm chủ bản thân diễn ra khi bạn hành động - hoặc không hành động.
Làm chủ bản thân có nghĩa là kiểm soát những phản ứng cảm xúc của bạn trong tình huống nào đó và đối với những đối tượng nào đó.
Một số cảm xúc kéo theo nỗi sợ hãi khiến bạn bị tê liệt và làm cho suy nghĩ của bạn trở nên rối rắm, mờ mịt đến mức bạn không biết mình nên làm gì, mặc dù bạn biết mình cần làm một điều gì đó.
Trong những hoàn cảnh như vậy, kỹ năng làm chủ bản thân được thể hiện qua việc bạn dũng cảm đối diện với cảm xúc của mình.
Một khi bạn đã hiểu rõ và cảm thấy thoải mái với những cảm xúc của bản thân, chắc chắn bạn sẽ tìm ra được cách hành động tốt nhất.
Nhận thức về xã hội
Nhận thức về xã hội là khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác một cách chính xác và hiểu được điều gì đang thực sự diễn ra với họ.
Điều này thường có nghĩa là nhận biết người khác đang nghĩ gì và đang cảm thấy thế nào, kể cả khi bạn không hề có cùng cảm xúc đó.
Ai cũng dễ dàng bị chìm đắm trong những cảm xúc của chính mình mà quên đi việc tìm hiểu quan điểm của người khác. Bất kể ai đúng hay sai, hãy nhìn vào biểu cảm của họ để nhận biết cảm xúc hiện tại và đưa ra những giải quyết hợp lý.
Làm chủ các mối quan hệ
Làm chủ mối quan hệ là khả năng sử dụng những nhận thức của bạn về cảm xúc của bản thân và cảm xúc của người khác để tương tác với họ một cách thành công. Điều này dẫn đến việc giao tiếp rõ ràng và giải quyết mâu thuẫn hiệu quả.
Làm chủ mối quan hệ cũng có nghĩa là bạn cần phải vun đắp và nuôi dưỡng sợi dây liên kết với người khác qua thời gian.
Người làm chủ các mối quan hệ tốt là người trung thành với những giá trị sống của mình và có thể nhìn thấy lợi ích của việc kết nối với những người khác nhau, thậm chí với cả người mà họ không thích.
Những mối quan hệ vững chắc là điều mà ai cũng nên tìm kiếm và trân trọng. Đó là thành quả của việc bạn hiểu người khác, đối xử tốt với họ và chia sẻ với họ nhiều điều.
Theo sách NLP căn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét