Hãy nghĩ đến lần cuối cùng bạn cố gắng tập trung vào một công việc khó khăn hay tẻ ngắt. Sự chú tâm của bạn bị lạc hướng như thể nó vượt ngoài tầm kiểm soát và bạn không biết làm thế nào để lấy lại nó. Đó là lúc bạn cần “sạc” lại sức mạnh ý chí của mình.
Theo Kelly McGonigal, một chuyên gia tâm lý học tại trường đại học Stanford và là tác giả của cuốn sách The Willpower Instinct (Nxb Avery phát hành năm 2011): "Sức mạnh ý chí cho bạn năng lượng và khả năng chịu đựng để đương đầu với các thách thức, khả năng kiên trì trong hoàn cảnh thất bại, và sức mạnh để giải tỏa xung đột hoặc căng thẳng khiến chúng ta chạy trốn khỏi các mục tiêu hoặc dự án mà chúng ta tham gia”.
Sức mạnh ý chí của bạn hoạt động giống như một hệ cơ - nó cần được luyện tập, phát triển và duy trì. Bất cứ ai cũng có thể học để cải thiện sức mạnh ý chí, vì vậy bạn có thể bắt đầu việc học với 5 bí quyết sau đây:
1. Ghi nhớ các mục tiêu của bạn
Nếu sức mạnh ý chí của bạn bị cạn kiệt, hãy coi công việc đang làm giống như một bước đệm giúp bạn đạt được các mục tiêu của mình. McGonigal cho rằng: "Sức mạnh ý chí rất dễ cạn kiệt nếu nó bị ngắt kết nối với các giá trị và mục tiêu của bạn”.
Ví dụ, nếu bạn không thích làm hóa đơn, thì việc coi nó là một nhiệm vụ đơn lẻ sẽ khiến bạn khó tập trung năng lượng cho việc thực hiện nó. Nếu bạn phân lại vai, coi nó như một trong nhiều cách để tạo dựng nên một công ty nhiều khát khao, thì bạn sẽ cảm nhận được niềm đam mê với công việc kinh doanh. Điều đó giúp bạn có động lực để tập trung và thậm chí còn thích việc làm hóa đơn.
2. Thực hành đương đầu với sự căng thẳng
Khi bạn đang làm việc theo mục tiêu, bạn sẽ vấp phải những lúc khó khăn. Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng, bạn cần phải bền bỉ trong những điều kiện căng thẳng, ngay cả khi sự lo lắng, sợ hãi hay thậm chí là buồn chán đe dọa phá hoại sức mạnh ý chí của bạn.
Chánh niệm giúp bạn đương đầu với sự căng thẳng và tăng cường sức mạnh ý chí. Hãy thử thiền chánh niệm hay tập yoga để sống chung với sự không thoải mái và tìm thấy sự thanh thản trong nó. McGonigal cho rằng: "Đây giống như việc rèn luyện sức mạnh ý chí”.
3. Tha thứ cho các sai lầm của bạn
3. Tha thứ cho các sai lầm của bạn
Hãy đối xử với thất bại của bạn bằng sự tử tế bạn dành cho một người bạn, nhưng hãy ghi lại những cách bạn có thể làm tốt hơn lần sau. McGonigal cho rằng: "Việc tha thứ cho các sai lầm của bạn sẽ làm tăng động lực và sự gắn kết với các mục tiêu. Điều đó hoàn toàn khác với sự tự chỉ trích hoặc nâng cao cái tôi thường thấy. Nó cho phép bạn phục hồi và phát triển”.
4. Gắn kết với các đồng nghiệp
Sức mạnh ý chí sẽ tự nâng cao khi chúng ta cảm thấy được công nhận và đánh giá cao công việc của chúng ta. McGonigal cho biết: "Chúng ta thường nghĩ sức mạnh ý chí là quá khó khăn và mang tính cá nhân, nhưng càng cảm thấy gắn kết với mọi người, sức mạnh ý chí của chúng ta càng cao hơn”.
Khi bạn cảm thấy thiếu động lực hoặc bị phân tâm, hãy nói chuyện với một đồng nghiệp hoặc mời các đồng nghiệp đi ăn trưa. Sự vui thích vì được làm việc với những người bạn quan tâm và có cùng một mục tiêu là cách hiệu quả đến ngạc nhiên để khôi phục sức mạnh ý chí của bạn.
5. Tin là mọi việc sẽ dễ dàng hơn
Với các công việc khó khăn, chúng ta thường hình dung, đôi khi một cách vô thức rằng chúng sẽ tiếp tục khó khăn như thế trong thời gian tới. Chúng ta cảm thấy thất bại hoặc vô vọng và từ bỏ.
Để chống lại cảm giác đó, hãy ghi nhớ rằng các kỹ năng của bạn sẽ dần cải thiện khi được thực hành nhiều hơn. Theo McGonigal: “Hãy thừa nhận rằng công việc đó là khó khăn nhưng đừng nói với bản thân rằng nó sẽ tiếp tục khó khăn như thế. Tốt hơn là hãy nghĩ công việc sẽ dễ dàng hơn một chút mỗi khi bạn làm”.
(Dịch từ Entrepreneur)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét