Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Bí quyết vận dụng ngôn ngữ cơ thể trong thuyết trình

Một bài thuyết trình hay là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố: ngôn từ, giọng điệu (lời nói) và ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười...). Trong đó, ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định tới 70% sự thành công. Do đó, bạn hãy cố gắng rèn luyện thuần thục theo những lời khuyên dưới đây để có một buổi thuyết trình thật hoàn hảo.
ngôn ngữ cơ thể, thuyết trình
Tiếp xúc bằng mắt

Khi bạn nhìn khán giả, có nghĩa là bạn đang gửi tới họ thông điệp: họ là những người quan trọng và bạn đang hứa hẹn rằng, sẽ mang lại cho họ những điều bổ ích. Do đó, họ sẽ cảm thấy gần gũi và chú ý lắng nghe hơn.

Đồng thời, chúng ta còn có thể kiểm tra được thái độ khán giả và điều chỉnh lại bài thuyết trình của mình.

Trong suốt quá trình diễn thuyết, hãy nhìn tất cả mọi khán giả trong khán phòng, ít nhất mỗi người một lần (nếu có thể). Nên nhìn khắp khán phòng theo kiểu chữ “W” hoặc “Z”.

Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc bằng mắt với khán giả, chúng ta chỉ nên dừng lại ở mỗi người khoảng 3 giây. 

Biểu lộ bằng nét mặt

“Hãy mỉm cười và cả thế giới sẽ cùng cười với bạn”, đó là lời khuyên của Charlie Chaplin.

Nếu mỉm cười trong quá trình thuyết trình, chúng ta sẽ ngay lập tức có được 3 lợi ích sau:

- Khi mỉm cười, dù tim chúng ta đang đập thình thịch, chân đang run; người đối diện vẫn tưởng là chúng ta rất tự tin.

- Khi cười, bạn sẽ làm cho khán giả nghĩ rằng mình là một người thân thiện, dễ mến; họ sẽ thấy đầu óc thư thái hơn, cởi mở và gần gũi với chúng ta hơn.

- Khi cười, bạn sẽ thấy một số khán giả mỉm cười lại, điều đó sẽ khiến bạn tự tin hơn, bớt hồi hộp và trình bày thuyết phục hơn.

Ngôn ngữ của đôi tay

Khi thuyết trình, nhiều người thường thấy “tay chân thừa thãi”, lóng ngóng, bối rối không biết giấu tay vào đâu.
Thực tế nếu biết cách diễn tả bằng tay, đó sẽ là “vũ khí” lợi hại trong thuyết trình nói riêng và trong giao tiếp nói chung. Ngoài tác dụng bổ trợ, ngôn ngữ của đôi tay còn khiến bài thuyết trình trình của bạn sinh động hơn.

Nguyên tắc trong cả khi thuyết trình và giao tiếp là phải luôn để tay trong khoảng từ trên thắt lưng tới dưới cằm. Nếu vung tay cao quá, tay sẽ che mất mặt, làm cho âm phát ra không rõ. Nếu tay vung thấp quá,  những người ngồi xa sẽ không nhìn thấy. Để tay trong khoảng từ thắt lưng tới dưới cằm sẽ vung thoải mái nhất, thuận lợi nhất trong giao tiếp và trông cũng tự nhiên nhất.

Khi tay vung, bạn luôn phải nhớ rằng vung “trong ra, dưới lên” - có nghĩa là đưa tay hướng từ trong ra ngoài, và hướng từ dưới lên.

Ta cũng nên chú ý luôn ngửa tay và các ngón tay khép lại. Lòng bàn tay ngửa bày tỏ sự mong đợi, thu thập ý kiến, ngược lại thì hàm ý đè nén, dồn ép thính giả. Các ngón tay khép bày tỏ sự nghiêm túc, ngón tay mở mang lại cảm giác thiếu sinh lực, thiếu nhiệt tình.

Trong quá trình thuyết trình, ta cũng nên chú ý liên tục đổi tay tạo sự khác biệt. Vung tay thì tốt, nhưng vung mãi một tay thì chẳng khác nào chèo thuyền một mái. Nói hai ý là phải vung hai tay khác nhau để người nghe dù không chú ý cũng có thể cảm nhận rõ ràng đây là hai nội dung hoàn toàn khác nhau.

Dáng điệu

Khi thuyết trình, muốn thu hút được người nghe, chúng ta hãy đứng thẳng, hơi ngả về phía khán giả một chút; cử động hai tay một cách thích hợp và hãy di chuyển để có thể quan sát hết mọi người trong khán phòng.

Đồng thời cũng nên nhớ, di chuyển hoặc cử động quá nhiều sẽ gây phản tác dụng, nó sẽ khiến phong cách và dáng điệu của bạn không thể ghi lại ấn tượng trong mắt khán giả.

Một số điều nên tránh khi thuyết trình

-    Khoanh tay: Động tác khoanh tay đồng nghĩa với việc bạn tự tạo ra một rào cản vô hình. Một người khoanh tay nghĩa là họ chưa cởi mở và đang có ý dò xét.

-    "Hoa chân múa tay" quá nhiều, liên tục: Sẽ tạo cảm giác mệt mỏi cho thính giả.

-    Cho tay vào túi quần: Mang lại cảm giác kênh kiệu, thiếu hoà nhập.

-    Trỏ tay: Không ai thích bị trỏ tay vào mặt. Vì vậy, khi thuyết trình chúng ta cũng không nên chỉ tay vào thính giả.

-    Cầm bút hay que chỉ: Tránh vì khi cầm bút trên tay, bàn tay của ta sẽ không thể vung linh hoạt tự nhiên được. Hơn nữa, cầm đồ vật trên tay ta cũng sẽ rất dễ vung nó theo đà tay vung.
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét