Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Xung quanh việc Amakong khởi kiện

Từ năm 2005, bài thuốc "Bổ thận tráng dương" của "Vua săn voi" Ama Kông (Y Prung Ê Ban) trở thành thương thiệu nổi tiếng. Thế nhưng, vừa qua Y Phung Ê Ban (thường trú tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã khởi kiện bác sĩ Hồ Việt Sang - Phó chủ tịch Thường trực Hội Đông y (HĐY) tỉnh Đăk Lăk vì có "hành vi lừa đảo" chiếm đọat bài thuốc mục đích kinh doanh làm giàu… Thực hư vụ việc ra sao ?
Vì sao Ama Kông khởi kiện ?

Trong buổi làm việc ngày 29/7/2008, Ama Kông cho biết đang hoàn tất thủ tục khởi kiện bác sĩ (BS) Hồ Việt Sang với hành vi tự bịa ra công văn gửi UBND tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN)… tự phong là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu bài thuốc Ama Kông. Ama Kông cho rằng do tưởng đây là  sự chỉ đạo của ông Y Luyện Niê Kdăm nên vào ngày 30/4/2005, Khăm Phết Lào cùng cha là Ama Kông đã ký vào văn bản "Ủy quyền thừa kế bài thuốc" cho bác sĩ Sang và nhận không truyền lại bài thuốc cho ai khác. Ngày 03/5/2005, Ama Kông và Khăm Phết Lào đã dẫn ông Sang vào rừng chỉ cho ông Sang nhận diện cây thuốc, bày cách thu hái, chế biến ra sản phẩm thuốc. Thế nhưng, sau đó Y Prung Ê Ban phát hiện ông Sang vào rừng có ý đồ chiếm đọat bài thuốc mục đích kinh doanh làm giàu cho cá nhân. Ngày 12/5/2006, trước HĐY và gia đình Y Prung Ê Ban, ông Sang đã cam kết không sử dụng giấy tờ liên quan đến bài thuốc của Ama Kông nữa. Hiện nay ông Sang đã không thực hiện cam kết trên mà còn tạo lập hẳn trang web quảng bá thuốc mang tên Ama Kông tại địa chỉ nhà riêng 101 QL 14, Đạt Lý, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Trong trang web, ông Sang đưa hình ảnh, nội dung bài thuốc mà chưa được sự đồng ý của Ama Kông, sử dụng tên Ama Kông để bán thuốc.
Thực hư vụ việc
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết : Từ năm 1999, Hội Y học cổ truyền tỉnh chú trọng đến công tác NCKH, thừa kế các bài thuốc, cây thuốc dân gian trong địa phương. Cố BS Hoàng Đình Quý - nguyên Chủ tịch HĐY tỉnh đã từng giao BS Hồ Việt Sang làm chủ nhiệm đề tài cây thuốc trị nhức mỏi, tráng dương bổ thận ở Bản Đôn. Đầu năm 2005, BS Sang đã gửi Công văn số 05/TT-Hội ngày 06/01/2005 đến UBND tỉnh, Sở KH&CN… về hai cây thuốc ở Bản Đôn - Đăk Lăk có tác dụng chữa đau lưng nhức mỏi, bổ thận tráng dương. Đây là cây thuốc của đồng bào dân tộc sẽ phải khó khăn trong quá trình thu thập, vận động thừa kế bởi tính chân truyền của  nó nên BS Sang nêu rõ ý kiến : "Xin được thực hiện đề tài này qua các bước : Vận động thừa kế chân truyền; sưu tầm, nhận dạng cây thuốc, bài thuốc đã được thừa kế; thu hái, thu mua nguyên liệu phục vụ cho nghiên cứu thực nhiệm; di thực trồng giữ giống; xác định độc tính cấp và bán cấp, định LD 50". BS Nguyễn Đức Phồi lúc này là Chủ tịch HĐY đã đồng ý chủ trương này, nhưng ngày 03/02/2005 lại thảo Công văn số 18/VP-HĐY gửi đến các cơ quan liên quan cảnh báo : "Đây là việc làm cá nhân" (BS Hồ Việt Sang - PV). Ngày 18/02/2005, Sở KH&CN phúc đáp bằng Công văn số 15/CV-KHCN, Phó Giám đốc Sở này nêu rõ : "Hoan nghênh sự hợp tác trong nghiên cứu và bảo tồn giá trị của bài thuốc đông y bản địa của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm đặc biệt của tỉnh Đăk Lăk… Sở KH&CN tỉnh Đăk Lăk sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho HĐY tỉnh Đăk Lăk và cá nhân ông Hồ Việt Sang - Phó Chủ tịch Hội - tổ chức thực hiện tốt việc kế thừa vận động chân truyền giá trị xã hội nhân văn của bài thuốc y học dân tộc bản địa có nguồn gốc xuất xứ tại tỉnh Đăk Lăk".
Làm việc với PV, ngày 30/7/2008, BS Sang cho rằng động cơ lập trang web nhằm quảng bá thông tin về tiến trình nghiên cứu bài thuốc, từ tháng 5/2005 đã hình thành trang web này. Gia đình, dòng tộc Ama Kông đã trực tiếp đến nhà của BS Sang để  xem trang web. Tất cả đều ủng hộ, vui mừng, nhờ vậy mà số lượng thuốc của Ama Kông bán được nhiều hơn.
Tại văn bản ngày 02/9/2005, Khăm Phết Lào viết : "Bố tôi coi ông bác sĩ như con, tôi coi bác sĩ Sang như anh em một nhà…". Chi tiết này cho thấy giữa BS Sang và dòng tộc, gia đình Ama Kông đã có một khoảng thời gian thân thiện, gắn bó. Những mâu thuẫn dẫn đến khiếu nại, khởi kiện của Ama Kông bắt nguồn từ nhiều nguồn. Liệu có một tác động của đối tượng "thứ ba" nào khác ? Do chưa hiểu đầy đủ thuật ngữ lĩnh vực Đông y : "Ủy quyền thừa kế bài thuốc" phục vụ cho công tác NCKH nên đã đồng nghĩa nó với "thừa kế tài sản" liên quan đến các điều khoản trong Bộ luật Dân sự. Ý kiến cho rằng BS Sang "độc chiếm bài thuốc" hoặc "cấm không cho Khăm Phết Lào bán thuốc" khác nào thổi bùng ngọn lửa rẽ chia. Công trình NCKH là của tập thể, của cả Hội đồng không riêng gì BS Sang. Việc bán thuốc liên quan đến sức khỏe cộng đồng được quy định tại Thông tư số 2/2007/TT-BYT ngày 24/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều về điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của Luật Dược số 34/2005 QH11 ngày 14/6/2005 và Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2007 của Chính phủ, Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT. Do vậy, chỉ có Sở Y tế Đăk Lăk mới có thẩm quyền quyết định đối tượng nào được quyền kinh doanh trong lĩnh vực y dược.
Đây là một vụ kiện hy hữu, nguyên đơn là Ama Kông, một con người huyền thoại lừng danh, chủ sở hữu bài thuốc gia truyền có tiếng. Tuy nhiên, đến nay bài thuốc quý giá này chưa được cơ quan chuyên môn quan tâm, xét duyệt cấp "Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền". Bị đơn là một BS đã có một quá trình dài 10 năm đeo đuổi công trình NCKH vì đam mê, vì sự nghiệp Đông y, vì mục tiêu làm rõ giá trị bài thuốc giúp người sử dụng an tâm. Thời gian qua, BS Sang đã hợp tác với các nhà khoa học uy tín trong nước, từng bước đã làm sáng tỏ giá trị bài thuốc : Định danh dược liệu, xác định thành phần hóa học, xác định độc tính, kiểm nghiệm… Ở Trung Quốc, các phương thuốc bí truyền (kỳ phương, bí phương) đều được nhà nước cho nghiên cứu lại và công khai hóa phục vụ sức khỏe cộng đồng. Nếu con đường NCKH của các cá nhân, cơ quan tỉnh nhà không có sự cố gì xảy ra thì Đăk Lăk ngày nay hiển nhiên trở thành "Vương quốc" của thần dược Ama Kông, không những vẻ vang cho dòng tộc "Vua săn voi" Ama Kông, mà còn rạng danh cho người Tây Nguyên nói riêng, dân tộc Việt nói chung. Đồng thời, rừng Bản Đôn không bị thu hẹp như hiện nay, cây thuốc được lưu giữ nguồn gien thuốc quý, trên thị trường thuốc không còn sản phẩm thuốc, rượu nổi trôi mù mờ xuất xứ nhưng người bán vẫn cứ khăng khăng rằng chính hiệu. Ai đúng, ai sai còn phải chờ tòa án phán quyết. Tuy nhiên, qua vụ kiện này thiết nghĩa các cơ quan hữu trách cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các mặt hàng thuốc gia truyền mang nhãn hiệu "Ama Kông" trên địa bàn, thực hiện tốt các công trình NCKH. Đã đến lúc cần sự hợp lực, tập trung mọi vật chất lẫn trí tuệ nhằm làm tăng giá trị bài thuốc Ama Kông. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin kịp thời đến bạn đọc.
(Báo pháp luật Việt Nam trang 6, ngày 6 tháng 8 năm 2008).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét