Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

LỊCH SỬ VÕ CỔ TRUYỀN

Võ Cổ Truyền Việt Nam - Truyền Thống Văn Hoá Lịch Sử


Truyền thống là những điều tốt đẹp có giá trị nhân bản xã hội lâu dài, được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác, qua nhiều thế hệ, hằng trăm năm hoặc hằng nghìn năm. 

Buổi đầu bắt nguồn từ nhu cầu cuộc sống, thoát hiểm mưu sinh, bảo vệ mùa màng, gia đình, dòng tộc, bản làng, thôn ấp, đến một xã hội rộng lớn hơn là quốc gia, dân tộc. Dòng chảy ấy đã hình thành những thế tự vệ, phương thức sử dụng công cụ trong đời sống như lưỡi cày, cuốc, xẻng, thuổng, mai, câu liêm, nhíp gặt đến cung tên, giáo, mác, đao, kiếm, búa, rìu…để chiến đấu tự tồn, dần làm nên môn Võ cổ truyền lan tỏa khắp nơi với nhiều nét đặc thù của từng vùng, từng miền, từng chi phái, môn phái, gắn liền cùng truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam.
hình ảnh tập luyện
Truyền thống văn hóa, lịch sử võ cổ truyền thể hiện qua tính xác thực từ xưa đến nay, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, là giá trị nhân bản, tinh thần thượng võ và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Tầng sâu của văn hóa ấy chính là giáo dục nhân cách, yêu quê hương đất nước mà không một môn phái võ nào là không đề cao, nhất là đại trượng phu chính đại quang minh trong hành xử thế tục: Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di; Uy vũ bất năng khuất. Truyền thống ấy không thể theo cảm tính nhất thời mà tự xưng, tự phong, tự tô vẽ, hoặc gán ghép xu thời phụ thế để vừa lòng nhau.

Truyền thống có nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện, như truyền thống gia đình, truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử, truyền thống đạo đức, truyền thống quân sự, truyền thống hiếu học, truyền thống nhân văn, truyền thống thượng võ, truyền thống thẩm mỹ, truyền thống lá lành đùm lá rách…, tất cả đều được trải nghiệm, sàng lọc qua thời gian, tự tồn đọng và đứng vững trong lòng người, trong lòng dân tộc thì mới có giá trị. Một việc làm sớm chiều phù du phận mỏng vì háo danh, ham lợi, không thể là truyền thống nếu chưa có giá trị thẩm định từ mặt xã hội, lịch sử, đặc biệt là lòng người. Người xưa thường nói: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Cách trị vì của các bậc minh quân đều lấy dân làm gốc (dĩ dân vi bổn).

Sự tồn tại và lớn mạnh của một quốc gia, một dân tộc là nhờ vào tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, ý thức tôn trọng giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của chính dân tộc đó. Võ cổ truyền Việt Nam đã đi vào lịch sử, thể hiện tinh thần võ đạo, giá trị nhân văn và bản sắc dân tộc cùng các giá trị tinh thần và nghệ thuật khác.

“Quân cường bạo đã thừa cơ tứ ngược, 
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. 
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, 
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Chước dối đủ muôn nghìn khóe, 
Ác chứa ngót hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn, 
Nặng khóa liễm vét không sơn trạch: 
Nào lên rừng đào mỏ, 
Nào xuống bể mò châu, 
Nào hố bẫy hươu đen, 
Nào lưới dò chim trả.
Tàn hại cả côn trùng, thảo mộc, 
Nheo nhóc thay! quan quả điên liên. 
Kẻ há miệng đứa nhe răng máu mỡ bấy! no nê chưa chán.
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. 
Nặng nề về những nỗi phu phen, 
Bắt bớ mất cả nghề canh cửi.
Ðộc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội, 
Dơ bẩn thay! Nước bể khôn rửa sạch mùi
Lẽ nào trời đất tha cho. 
Ai bảo thần nhân nhịn được.

Ta đây: 

Núi Lam Sơn dấy nghĩa, 
Chốn hoang dã nương mình. 
Ngắm non sông căm nỗi thế thù, 
Thề sống chết cùng quân nghịch tặc…”

Nguyễn Trãi - Bình Ngô Đại Cáo 
(Bản dịch của Ưu Thiên Bùi Kỷ - Saigon, 1969)

“Ta cùng các ngươi sinh ra giữa thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Trộm thấy ngụy sứ đi lại ngang dọc đầy đường, khua tất lưỡi cú quạ mà nhục mạ Triều Đình, uốn thân chó dê mà láo xược cùng quan tể phụ, cậy lệnh Hố Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa mãn lòng tham không đáy của chúng, mượn thế Vân Nam Vương mà lấy bạc vàng vét sạch của kho có hạn, thật như lấy thịt mà ném cho cọp đói, sao tránh khỏi nỗi lo về sau?”

“Ta đây đến bữa quên ăn, giữa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa hai má, lòng đau như giã, thường căm hờn chẳng được ăn thịt nằm da, nhai gan uống máu quân thù. Ví dù một trăm thân của ta phải trải nơi đồng cỏ, một ngàn thây của ta phải bọc trong da ngựa, ta cũng đành lòng!”

Trần Hưng Đạo - Hịch răn dạy các tỳ tướng
(Bản dịch của Nguyễn Phước Hải, Mã Nguyên Lương và Lê Xuân Mai - Saigon, 1969)

Võ cổ truyền Việt Nam là người con trung hiếu của đất nước, đồng hành cùng lịch sử nhiều thử thách, gian lao, dẫu đôi khi bị sóng gió dập vùi nhưng vẫn sống trong lòng dân tộc trên nền tảng truyền thống nhân bản, thượng võ, giản dị, khiêm tốn, trung thực nhưng rất kiên cường. Sức mạnh ấy được tạo nên từ lòng yêu nước, như tinh thần bất khuất, trung liệt, tỏ đại danh của võ tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét