Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi
CHÍNH PHỦ
---------- Số : 38/2004/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------------- Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân
nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi
về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân
nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 về Chính sách cứu trợ xã hội;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quyết định này quy định chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi (sau đây gọi chung là trẻ em mồ côi) không còn người nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình hoặc có người nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nhưng không đủ khả năng nuôi dưỡng.
Điều 2. Điều kiện nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi
1. Điều kiện đối với cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn trẻ em được nhận nuôi dưỡng từ hai mươi tuổi trở lên. Trong trường hợp bác, chú, cậu, cô, dì của trẻ em mồ côi nhận nuôi cháu thì phải là người thành niên và hơn cháu từ mười tuổi trở lên;
c) Có tư cách đạo đức tốt; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không mắc vào các tệ nạn xã hội;
d) Có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó;
đ) Có chỗ ở ổn định;
e) Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật;
g) Tự nguyện nhận nuôi.
2. Điều kiện đối với gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi:
Trong trường hợp gia đình có cả vợ và chồng thì vợ và chồng đều phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 3. Sự đồng ý của người giám hộ và trẻ em mồ côi
1. Việc nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ.
2. Việc nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi từ đủ chín tuổi trở lên phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Điều 4. Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi phải đảm bảo cho trẻ em này được đi học, chăm sóc sức khoẻ, đối xử bình đẳng và phải thực hiện việc giám hộ cho trẻ em theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc ngược đãi, bắt trẻ em lao động quá sức.
Điều 5. Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nếu có đủ các điều kiện quy định tại Quyết định này thì được hỗ trợ kinh phí với mức thấp nhất là 200.000 đồng/tháng/trẻ em. Riêng đối với gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi dưới mười tám tháng tuổi thì được hỗ trợ kinh phí với mức thấp nhất là 270.000 đồng/tháng/trẻ em.
Điều 6. Những trường hợp được xem xét trợ giúp kinh phí
Người đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng không đủ khả năng nuôi dưỡng.
Điều 7. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi thường trú của gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi:
1. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách này trên địa bàn.
2. Hàng năm, lập dự toán kinh phí để thực hiện chính sách này theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
3. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, quy định cụ thể mức trợ giúp kinh phí cho các đối tượng quy định tại Điều 2 và Điều 6 của Quyết định này trên địa bàn, nhưng không thấp hơn mức trợ giúp quy định tại Điều 5 của Quyết định này.
4. Xem xét, quyết định hoặc hủy bỏ quyết định trợ giúp kinh phí cho các đối tượng đủ hoặc không còn đủ điều kiện quy định tại Điều 2 và Điều 6 của Quyết định này trên địa bàn.
5. Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh và Hội Nông dân khuyến khích, vận động những người trong dòng họ của trẻ em mồ côi, gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nếu việc nhận nuôi dưỡng trẻ em này có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
6. Trong thời gian chưa có người nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi nơi ăn, ở và tạo điều kiện cho trẻ em hòa nhập với cộng đồng, không để trẻ em bỏ học, đi lang thang; trong trường hợp đặc biệt khó khăn, gửi trẻ em này vào cơ sở bảo trợ xã hội tại địa phương nơi trẻ em đang cư trú.
Điều 8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Điều 9. Kinh phí thực hiện Quyết định này được bố trí từ ngân sách đảm bảo xã hội trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 10. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Gia Khiêm - Đã ký
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét