Ảnh minh họa
Khi trẻ chào đời, tiếng khóc đầu tiên sẽ đánh dấu khả năng sống độc lập của trẻ. Trong tuần lễ đầu cơ thể trẻ, có những thay đổi nhằm thích nghi cuộc sống. Đồng thời, sức đề kháng của trẻ còn non yếu nên trẻ sẽ gặp phải một số chứng bệnh.
Cần hiểu rõ từng chứng bệnh của trẻ, các bà mẹ và các ông bố có cách xử trí kịp thời. Những trường hợp nào cần xử trí tại nhà và những trường hợp nào ta phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ nhi khoa.
Trong tuần lễ đầu trẻ sơ sinh có những thay đổi sinh lý như thế nào?
Hệ hô hấp từ lúc chào đời trẻ tự thở qua phổi, nên kiểu thở bụng khác so với người lớn, thỉnh thoảng có cơn ngưng thở thoáng qua cho trung tâm điều hòa hô hấp chưa hoàn chỉnh. Hệ tuần hoàn, biểu hiện nhịp tim tăng trung bình 130 lần/phút. Hồng cầu trong máu trẻ tăng sau đó giảm dần, do hồng cầu phá hủy, đời sống hồng cầu cũng rút ngắn lại để phù hợp trạng thái sống độc lập so với giai đoạn ở trong bào thai của người mẹ. Thân nhiệt trẻ dễ bị hạ thân nhiệt, cần thiết phải luôn ủ ấm cho trẻ. Hệ tiêu hóa trẻ có thể bắt đầu tiêu hóa ngay sau sinh, cần thiết phải cho trẻ bú liền sau 2 tiếng sinh. Đào thải phân su và đào thải nước tiểu, có thể ngay sau sinh và cũng nói lên được hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu của trẻ bình thường.
Khi trẻ sốt, phụ huynh cần đo nhiệt độ cho trẻ để có cách xử trí thích hợp
Các chứng bệnh chưa cần phải đi khám bệnh
Vàng da sinh lý: những ngày sau sinh, hồng cầu của trẻ sơ sinh bị vỡ, giải phóng ra các sắc tố mật gây nên hiện tượng vàng da. Ở trẻ sơ sinh đủ tháng vàng da xảy ra vào ngày thứ 4 - 5 sau sinh và chấm dứt vào ngày thứ 9 - 10 trở đi. Nước tiểu trẻ có màu vàng chứng tỏ có sự chuyển hóa bilirubin theo nước tiểu ra ngoài. Đối với trẻ non tháng tình trạng vàng da kéo dài hơn. Vàng da sinh lý trẻ vẫn bú bình thường, tri giác của trẻ hoạt động linh hoạt.
Các bà mẹ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, có thể uống thêm nước và cho trẻ tắm nắng vào mỗi buổi sáng từ 7 giờ đến 8 giờ.
Trọng lượng giảm: sau chào đời được 3 - 4 ngày, đôi khi đến ngày thứ 6 thì có thể trẻ giảm từ 6 - 10% so với lúc mới sinh. Nguyên nhân do thay đổi môi trường mới nên trẻ có sự thích nghi đồng thời da của trẻ mỏng nên có sự thoát nước từ da cùa trẻ. Sau 2 tuần chăm sóc và bú đầy đủ trẻ sẽ lấy lại được cân nặng như ban đầu và bắt đầu tăng lên theo thời gian.
Nôn trớ: nôn là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng do các động tác gắng sức của cơ thể. Trớ xảy ra mỗi khi trẻ ăn no, sau mỗi lần rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh là do dạ dày trẻ nằm ngang so với người lớn dạ dày nằm dọc, hai đầu của dạ dày có hai cơ thắt, đầu trên nối với thực quản gọi là cơ thắt tâm vị, đầu dưới nối với tá tràng là cơ thắt môn vị, đặc tính của cơ thắt là đóng kín để giúp cho thức ăn trong dạ dày tiêu hóa. Nhưng trong giai đoạn sơ sinh cơ thắt tâm vị đóng lỏng lẻo, trong khi đó cơ thắt môn vị đóng kín, chính điều này làm cho trẻ dễ bị nôn trớ. Cách khắc phục: bú làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú không no quá. Không để trẻ khóc khi bú để tránh nuốt hơi gây căng dạ dày. Nếu bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng thấp. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15 - 20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm ngay dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú.
Hắt hơi và nghẹt mũi: gây ra bởi sự kích ứng, như khi trẻ hít phải khói thuốc lá, bụi bẩn (nên tránh quạt trần trong phòng của trẻ vì quạt trần dễ phát tán bụi từ chỗ này đến chỗ kia), không khí khô (đặc biệt trong mùa thu, đông). Để tránh cho trẻ bị hắt hơi và nghẹt mũi, nên tránh những yếu tố gây kích ứng (lông động vật, khói thuốc lá, bụi bẩn), sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng, dùng thuốc nhỏ mũi hoặc hút mũi đúng cách. Thuốc nhỏ mũi cho trẻ là dung dịch natrichlorua 0,9%. Dụng cụ hút mũi cho trẻ dùng bóng cao su có khử trùng bằng đun nước sôi.
Nấc cụt: với các bé lớn và người lớn, có rất nhiều mẹo để chữa nấc cụt. Tuy nhiên, các bà mẹ không nên áp dụng các cách chữa nấc cụt của người lớn đối với trẻ sơ sinh. Các cơn nấc cụt ở trẻ sẽ tự nhiên biến mất không cần lo lắng quá nhiều. Nếu trẻ bị nấc kéo dài, khoảng 5 - 10 phút, có thể vắt sữa mẹ ra thìa và cho bé mút vài thìa sữa mẹ hay nước lọc nên tránh để bé bú quá nhanh.
Các chứng bệnh cần phải đưa trẻ đi khám bệnh
Vàng da bệnh lý: xuất hiện sớm trong vòng 36 giờ sau sinh, biểu hiện vàng da ở mặt, toàn thân và các chi, vàng sậm, kèm theo trẻ bú kém, vẻ mặt nhừ. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng sơ sinh, bất đồng nhóm máu mẹ - con, thiếu hụt men G6PD (Gluco-6phosphat dehydrogenase) bẩm sinh. Nhất thiết phải cho trẻ đi khám bệnh viện nhi ngay. Tùy thuốc vào mỗi nguyên nhân mà có cách điều trị thích hợp cho từng nguyên nhân đó.
Trẻ sốt: sốt tự bản thân nó không phải là một bệnh, mà là một cách phản ứng của cơ thể với một dạng bệnh phổ biến nhất đó là nhiễm trùng hay do phản ứng của tình trạng sau tiêm ngừa, hay trẻ thiếu nước. Ta xác định định khi cặp nhiệt độ 38 - 390C cần quan sát và theo dõi thêm các triệu chứng khác đi kèm như trẻ bỏ bú, ho, thở khò khè, quấy khóc… Các bà mẹ cần cho trẻ đi khám bệnh. Cách xử trí đầu tiên phải hạ sốt bằng efferalgan 80mg 1/2 - 2/3 gói và lau mát, cho trẻ uống nhiều nước.
Nhiễm trùng hô hấp: nguyên nhân do virút hoặc do vi trùng gây ra và rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh kéo dài một hoặc hai tuần với hiện tượng chảy nước mũi, sốt và bỏ bú trong một vài ngày, có thể ho kéo dài chừng 2 - 3 tuần. Thêm các triệu chứng nghiêm trọng đòi hỏi phải có sự chăm sóc của bác sĩ. Vì vậy, nhất thiết cho trẻ đi khám bệnh ngay.
Tác giả bài viết: BS. NGUYỄN THUẬN HẢI
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn
|
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013
Các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh trong tuần lễ đầu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét